Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Thứ năm 13 tháng 8 năm 2020


    Mỹ: Cấm chính quyền liên bang ký hợp đồng với các doanh nghiệp dùng thiết bị Hoa Vi

    Chính quyền Mỹ tiếp tục có thêm các biện pháp đẩy Hoa Vi và các tập đoàn công nghệ cao của Trung Quốc ra khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu. Lệnh cấm các cơ quan liên bang Hoa Kỳ mua các trang thiết bị từ các công ty sử dụng các thiết bị viễn thông của Hoa Vi và 4 tập đoàn viễn thông lớn khác của Trung Quốc, chính thức có hiệu lực hôm nay, 13/08/2020.

    Báo Nhật Mainichi cho hay, theo quyết định này, các cơ quan thuộc chính quyền liên bang Mỹ không có quyền ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp nào sử dụng một số dịch vụ viễn thông hoặc thiết bị giám sát an ninh, của 5 tập đoàn Trung Quốc, bao gồm Hoa Vi (Huawei), ZTE, Hytera (một trong các doanh nghiệp hàng đầu thế giới về sản xuất bộ đàm), cùng Hangzhou Hikvision và Đại Hoa (Zhejiang Dahua), hai tập đoàn nổi tiếng trong lĩnh vực công nghệ camera giám sát.

    Đài Loan mua tên lửa, thủy lôi của Mỹ để đối phó với Trung Quốc

    Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn trong chuyến thăm một căn cứ quân sự ở Đài Nam, miền nam Đài Loan, ngày 9/4/2020

    Đài Loan đang hợp tác với Hoa Kỳ để tăng cường khả năng tác chiến bằng cách mua tên lửa hành trình và thủy lôi để ngăn chặn tốt hơn cuộc xâm lược của quân đội Trung Quốc, Đại diện của Đài Loan tại Hoa Kỳ Hsiao Bi-khim thông báo hôm thứ Tư (12/8), theo Taiwan News.

    Bà Hsiao sau đó nói rằng ngoài phần cứng, nước này cần hiện đại hóa quân đội, bao gồm tăng cường lực lượng dự bị. Bà cho biết lực lượng dự bị sẽ không chỉ tham gia cứu trợ nhân đạo trong thảm họa mà còn tăng cường khả năng tác chiến như một "biện pháp phòng thủ cuối cùng ở quê hương của chúng tôi."

    Bà Hsiao tuyên bố rằng một phần quan trọng khác trong quá trình tái cơ cấu quân đội của Đài Loan là tăng cường khả năng an ninh mạng và tác chiến mạng.

    Bà cho biết một khía cạnh quan trọng của vấn đề này là việc tuyển dụng, đào tạo và duy trì "chuyên gia điều khiển mạng".

    Bà Hsiao cũng cho hay Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đang đặt trọng tâm vào việc hiện đại hóa quản lý quân đội và bà nhấn mạnh những cải tiến trong việc tuyển dụng nhân tài chuyên nghiệp.

    Bà khẳng định rằng con đường binh nghiệp đã bắt đầu trở nên "hấp dẫn hơn đối với những người tài năng trong xã hội của chúng ta."

    75% người Mỹ được phép bỏ phiếu qua thư trong bầu cử tổng thống 2020

    Hơn 75% người Mỹ sẽ được phép bỏ phiếu qua đường bưu điện trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 dự kiến ​​diễn ra vào tháng 11 tới, theo tờ New York Times ngày 11/8.

    Kết quả phân tích của tờ New York Times cho biết nếu tỷ lệ cử tri đi bầu gia tăng như dự kiến, ước tính có khoảng 80 triệu lá phiếu qua thư sẽ được chuyển đến các văn phòng bầu cử vào cuối năm, nhiều hơn gấp đôi số phiếu đã được hồi lại 4 năm trước.

    Mỗi tiểu bang đều có một số hình thức bỏ phiếu qua thư, nhưng năm nay 24 tiểu bang, bao gồm Đặc khu Columbia đã hoan nghênh các lá phiếu dạng này do dịch bệnh.

    Tại 9 bang, cùng với Washington DC, các cử tri đã đăng ký sẽ được gửi một lá phiếu trước kỳ bầu cử. Cử tri ở 33 bang sẽ được phép bỏ phiếu vắng mặt mà không cần lý do. Ở 8 bang, cử tri sẽ được gửi đơn đăng ký để yêu cầu bỏ phiếu vắng mặt. Ở 25 tiểu bang, cử tri phải tự nộp đơn xin bỏ phiếu vắng mặt. Ở tám tiểu bang khác, cử tri sẽ phải có lý do, ngoài dịch Covid, để bỏ phiếu vắng mặt.

    Theo The New York Times, các bang cho phép người dân bỏ phiếu qua thư đã có tỷ lệ cử tri đi bầu cao hơn trong các cuộc họp kín và bầu cử sơ bộ.

    Trong một tuyên bố hồi tháng 7 với Fox News, Dịch vụ Bưu chính Hoa Kỳ (USPS) đã cam kết sẽ không có lá phiếu gửi qua thư nào bị xâm phạm.

    “USPS cam kết giao thư bầu cử đúng thời hạn … tình hình tài chính của USPS sẽ không tác động đến khả năng của chúng tôi trong việc xử lý và chuyển giao thư bầu cử và thư chính trị”, USPS tuyên bố.

    Ông Pompeo: Trung Quốc tồi tệ hơn Liên Xô


    Trung Quốc gây ra mối đe dọa đối với phương Tây, theo một số cách còn “tồi tệ hơn” so với mối đe dọa Liên Xô tạo ra trong Chiến tranh Lạnh, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nêu quan điểm trong bài phát biểu trước Thượng viện Séc hôm thứ Tư, Politico đưa tin.

    “Những gì đang xảy ra bây giờ không phải là Chiến tranh Lạnh 2.0. Thách thức tới từ mối đe dọa của ĐCSTQ theo một cách nào đó còn tồi tệ hơn [Liên Xô]”, ông Pompeo nói.

    “ĐCSTQ đã có mặt trong nền kinh tế chúng ta, trong nền chính trị chúng ta, trong xã hội chúng ta theo những cách mà Liên Xô chưa từng làm được”.

    Đài Loan muốn có thêm vũ khí Mỹ để ‘chống xâm lược’

    Đài Loan đang đàm phán với Washington về việc mua thủy lôi và tên lửa hành trình Mỹ để ngăn chặn các cuộc tấn công xâm lược, bà Hsiao Bi-khim, ‘đại sứ thực tiễn’ của Đài Loan tại Hoa Kỳ cho biết hôm thứ Tư, theo Reuters.

    Phát biểu với Viện Nghiên cứu Hudson ở Washington, bà Hsiao nói rằng Đài Loan đang phải đối mặt với “một vấn đề sống còn hiện hữu” trước các yêu sách chủ quyền lãnh thổ của Bắc Kinh đối với hòn đảo, và vì thế cần phải mở rộng khả năng tự vệ của mình.

    Bà Hsiao cho hay: “Ý chúng tôi muốn nói là hiệu quả về chi phí, [phải] đủ sức mạnh để đảm bảo tính răn đe, để khiến bất kỳ cuộc xâm lược nào đều phải trả giá rất đắt”.

    Chuyên gia: Mỹ có nhiều cách khiến Bắc Kinh ‘đau đớn’


    Hoa Kỳ không chỉ có thể trừng phạt các ngân hàng mà còn có thể tịch thu tài sản của Trung Quốc ở nước ngoài, Yu Yongding, thành viên cấp cao Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, một tổ chức tư vấn cho Bắc Kinh, nói tại một diễn đàn do Beijing News tổ chức hôm thứ Tư (12/8), theo SCMP.

    Theo ông Yu, một kịch bản có thể xảy ra là Mỹ sẽ áp đặt lệnh trừng phạt đối với các ngân hàng Trung Quốc, như đã từng làm vào năm 2012 đối với Ngân hàng Kunlun, một ngân hàng đại lục được tập đoàn dầu khí nhà nước Trung Quốc chống lưng, vì có các giao dịch với Iran.

    Không chỉ vậy, việc cấm các ngân hàng Trung Quốc giao dịch với hệ thống tài chính Mỹ chỉ là một trong nhiều cách Washington gây đau đớn cho chính quyền Trung Quốc trong lĩnh vực tài chính, ông Yu, cựu cố vấn ngân hàng trung ương Trung Quốc, cho biết thêm.

    Mỹ có hệ thống phòng thủ ‘hiệu quả’ trước Triều Tiên


    Hoa Kỳ có một hệ thống phòng thủ nội địa mạnh và “rất hiệu quả” trước tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Triều Tiên, một tướng lĩnh cấp cao Lầu Năm Góc cho biết, theo Yonhap.

    Phó Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng, Tướng John Hyten, đưa ra thông tin này trong cuộc thảo luận với Viện Nghiên cứu Hudson phát sóng hôm thứ Tư.

    “Tôi nghĩ rằng hệ thống phòng thủ tên lửa của chúng ta trước Triều Tiên là khá mạnh mẽ”, ông nói. “Chúng tôi có hệ thống đánh chặn tên lửa, chủ yếu ở Alaska, nhưng cũng có ở Vandenberg [bang California], rất hiệu quả để chống lại mối đe dọa đó”.

    Congo: Công ty khai thác mỏ Trung Quốc bị tấn công

    Một người Hoa đã thiệt mạng sau khi một nhóm tay súng tấn công khu vực khai thác do công ty Zijin Mining Group Co của Trung Quốc điều hành ở miền nam Cộng hòa Dân chủ Congo. Sự việc diễn ra vào sáng thứ Ba (11/8), theo Reuters.

    Nhân viên người Trung Quốc này bị bắn tại mỏ đá vôi Carrilu ở tỉnh Lualaba trong khi nhân viên khu mỏ cố gắng xua đuổi 7 kẻ tấn công, theo thông tin trên trang web của Zijin Mining Group Co.

    Một công dân Congo cũng bị thương trong cuộc đột kích, nhưng không bị đe dọa đến tính mạng.

    Reuters cho hay, bất chấp rủi ro an ninh, Congo đã nhận hàng tỷ đô la tiền đầu tư từ các công ty khai thác mỏ của Trung Quốc trong những năm gần đây. Hồi tháng Tư, ba công dân Trung Quốc đã thiệt mạng ở tỉnh Ituri, miền đông bắc nước này.

    Hạn chót để các nhà thầu chính phủ Mỹ loại bỏ Huawei, ZTE

    Hôm nay là thời hạn cuối cùng để các nhà thầu chính phủ Mỹ loại bỏ công nghệ do Huawei và ZTE sản xuất khỏi toàn bộ chuỗi cung ứng trong và ngoài nước của họ. Đây là phần mới nhất trong chiến dịch của chính quyền Trump nhằm tấn công Huawei xoay quanh những lo ngại hãng thực hiện giám sát cho chính phủ Trung Quốc.

    Do các lệnh trừng phạt của Mỹ, Huawei giờ đây không có đủ linh kiện cần thiết để chế tạo chip cho smartphone của mình. Họ không thể sử dụng chất bán dẫn sản xuất tại Mỹ, cũng như chất bán dẫn từ TSMC của Đài Loan. Mỹ cũng làm Huawei mất khách hàng. Động thái hôm nay sẽ gây thêm áp lực trên mặt trận đó. Có khoảng 100.000 công ty đang làm việc cho chính phủ Mỹ; để giữ mối làm ăn với chính phủ liên bang, họ phải thể hiện chuỗi cung ứng của mình không có Huawei và ZTE.

    Anh thông báo điểm tốt nghiệp A-level cho học sinh

    Hôm nay là ngày báo kết quả A-level, khi học sinh tốt nghiệp từ Anh, xứ Wales và Bắc Ireland nhận kết quả thi của mình. Lần này sẽ không giống như mọi năm. Vào tháng 3, chính phủ đã hủy các kỳ thi năm nay và thay vào đó chỉ thị Ofqual, cơ quan giám sát kỳ thi, làm việc với các hội đồng đặt ra các kỳ thi để tính điểm cho mỗi học sinh. Hôm thứ Ba, chính phủ đột ngột đổi ý.

    Các học sinh A-level không hài lòng với điểm được đánh giá của mình giờ đây có thể thay thế bằng điểm đạt được trong kỳ thi thử ở trường hoặc thi thực vào mùa thu. Điều này gây ra phản ứng dữ dội ở Scotland, khi kết quả được tính theo kết quả chung trước đó của các trường, học sinh học tại các trường ở những khu vực giàu có hơn thấy điểm do giáo viên đánh giá bị hạ 6,9% trong khi học sinh ở các khu vực nghèo hơn bị hạ 15,2%. Việc chính phủ đổi ý có thể không đủ để tránh được mức độ chỉ trích tương tự.

    Tình trạng nóng lên toàn cầu ngày càng tồi tệ

    Hiệp hội Khí tượng Hoa Kỳ hôm qua công bố bản tóm tắt đánh giá lại hàng năm về khí hậu toàn cầu, “Tình trạng khí hậu năm 2019”. Tháng 7 năm 2019 là tháng nóng nhất từng được ghi nhận trong lịch sử hành tinh, với Bỉ, Anh, Pháp, Luxembourg và Việt Nam lập kỷ lục tính theo ngày. Nhìn chung đây là một trong ba năm nóng nhất lịch sử và hơn một chục quốc gia báo cáo nhiệt độ năm cao chưa từng có.

    Các lõi băng cho thấy vào năm 2019, nồng độ carbon dioxide trong khí quyển đã đạt mức cao chưa từng thấy trong 800.000 năm. Vào tháng 9, khi băng biển ở Bắc Cực giảm xuống đến mức tối thiểu, diện tích của nó đạt mức thấp thứ hai trong 41 năm qua. Và trong mùa băng tan, mức độ mất mát của tảng băng Greenland sánh ngang với kỷ lục được thiết lập hồi năm 2012. Do đó, mực nước biển trung bình cũng lập kỷ lục năm thứ tám liên tiếp, cao hơn 87,6 mm so với mức trung bình năm 1993, khi các đo lường bằng vệ tinh bắt đầu được ghi nhận.

    Chính sách kích thích tài khóa của Mỹ trong đại dịch

    Kể từ khi đại dịch bùng nổ, Mỹ đã bơm khoảng 3 nghìn tỷ đô la kích thích tài khóa vào nền kinh tế của mình, đem tiền đến cho các hộ gia đình và doanh nghiệp. Hầu hết các nhà kinh tế đều đồng ý rằng cần nhiều hơn nữa. Số ca nhiễm covid-19 liên tục tăng đã làm chậm quá trình phục hồi kinh tế của Mỹ trong những tuần gần đây, trong khi nhiều phần của các gói kích thích cho đến nay đã hết hạn.

    Song Quốc hội không thể thống nhất về lựa chọn tiếp theo. Hai đảng vẫn cách nhau khoảng 1 nghìn tỷ đô la, với đảng Cộng hòa không hài lòng về ý tưởng mở rộng trợ cấp thất nghiệp 600 đô la một tuần. Trong vài tuần tới khó có thể có một thỏa thuận. Điều đáng chú ý là Tổng thống Donald Trump sẽ đạt lợi ích từ việc thông qua dự luật kích thích kinh tế lớn, vì nó sẽ cải thiện nền kinh tế và theo đó là cơ hội tái đắc cử vào tháng 11 của ông. Dù sao thì hiện tại giới phản đối tăng chi tiêu ngân sách đang chiến thắng.

    Kinh tế Mexico thiệt hại lớn vì đại dịch

    Hôm nay Mexico có thể ghi nhận ca nhiễm covid-19 thứ 500.000. Chính phủ đã báo cáo 54.000 trường hợp tử vong. Nhưng nếu nhà chức trách làm tốt hơn công việc kiểm đếm, con số tử vong có thể sẽ là hơn 100.000. Dù vậy, các quán bar, quán cà phê và cửa hàng đã mở cửa trở lại ở Mexico City và nhiều khu vực khác, trong một nỗ lực tuyệt vọng của chính phủ nhằm vực dậy nền kinh tế suy thoái một phần sáu trong khoảng thời gian phong tỏa từ tháng 4 đến tháng 6.

    Ít nhất thì kiều hối từ những người di cư ở Hoa Kỳ vẫn tiếp tục đổ về. Ngân hàng trung ương sẽ cố gắng điều chỉnh mọi thứ trong cuộc họp hôm nay. Các nhà dự báo dự đoán lãi suất chuẩn sẽ được cắt giảm 0,5% xuống còn 4,5%, thấp nhất trong 4 năm. Đó là tin không vui đối với một vị tổng thống theo chủ nghĩa dân túy, người đã hứa sẽ cải thiện đời sống của người Mexico. Sẽ không có mấy nhà kinh tế ngạc nhiên nếu nhiệm kỳ của Andrés Manuel López Obrador kết thúc vào năm 2024 với một nền kinh tế nhỏ hơn so với thời điểm ông nhậm chức năm 2018.

    Không có nhận xét nào