Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Thứ năm 6 tháng 8 năm 2020

    Điểm tin thế giới ngày Thứ năm 6 tháng 8 năm 2020
    Điểm tin thế giới ngày Thứ năm 6 tháng 8 năm 2020

    Nhật Bản tưởng niệm nạn nhân 75 năm vụ ném bom nguyên tử Hiroshima

    Năm 2020, Nhật Bản tưởng niêm nạn nhân Hiroshima trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Ngày 06/08, thủ tướng Shinzo Abe và một số quan khách quốc tế tham dự buổi lễ kỷ niệm 75 năm ngày quân đội Mỹ ném quả bom nguyên tử đầu tiên xuống thành phố Hiroshima, miền tây Nhật Bản, kết thúc Thế Chiến Thứ Hai.

    Cách nay đúng 75 năm vào lúc 8 g 15 phút sáng, quả bom Little Boy đã rơi xuống Hiroshima, 140.000 người thiệt mạng. Ba ngày sau đến lượt thành phố Nagasaki hứng chịu tai họa, cướp đi 47.000 sinh mạng.

    Thông tín viên Bruno Duval tại Nhật Bản liên lạc được với cụ bà Keiko Ogura, 83 tuổi, một trong những nhân chứng còn sống sót. Bà kể lại thảm họa Hiroshima khi vừa lên 8 tuổi :

    "Trong đêm mồng 5 bước sang ngày mồng 6 tháng 8, quân đội Mỹ không kích liên tục. Cả nhà chúng tôi ngủ qua đêm trong một hầm trú ẩn. Sáng hôm đó, bố tôi bảo : "Keiko, hôm nay con nghỉ ở nhà, không đi học. Không an toàn chút nào. Đi về nhà ngay lập tức". Đến 8 giờ 15 sáng, tôi về gần đến nhà thì bỗng trông thấy lóe lên một tia chớp kinh hoàng, màu trắng đục. Kế tiếp là tiếng nổ rất lớn, rồi gió thổi mạnh kinh khủng hất tôi ngã gục. Đập đầu vào đá. Và tôi ngất đi (...)

    Khi tỉnh lại chung quanh tôi tất cả đã bị tàn phá và đang cháy. Một sự im lặng chết người bao phủ lên chung quanh. Giữa ban ngày mà trời tối đen như mực. Không biết nói gì hơn. Tôi không gượng dậy được. Hàng ngàn người tại đây bắt đầu bỏ chạy khỏi trung tâm thành phố. Đa phần bị bỏng nặng. Nhiều người rên rỉ xin nước uống. Hai người bị thương chết ngay trước mắt khi tôi mang nước đến cho họ. Đừng bao giờ tiếp nước cho những người đang bị bỏng nặng. Khi ấy tôi đâu biết được điều này. Lúc đó tôi là một đứa bé con. Tôi tưởng mình làm việc tốt nhưng chính tôi đã giết họ khi cố gắng giúp đỡ họ. Tôi bị ác mộng trong nhiều năm.

    Những ngày sau đó, các nạn nhân được đưa vào các lò thiêu. Có nhiều lò thiêu được dựng lên đến nỗi cả ngày khói đen và mùi khét bao phủ thành phố. Từ đó đến giờ ba câu hỏi vẫn ám ảnh tôi : Tại sao mình không chết ở Hiroshima ? Tại sao ngày 06/08/1945 mình không cứu được ai ? Và tại sao 75 năm sau vẫn tồn tại vũ khí nguyên tử ? Tại sao ? Điều này khiến tôi phẫn nộ".

    Giáo sư Hứa Chương Nhuận: Chính quyền Trung Quốc đang sụp đổ!

    Một giáo sư luật Trung Quốc tại Đại học Thanh Hoa, một nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng với những ngôn luận thẳng thắn phê bình giới cầm quyền, đã bị bắt nhốt sáu ngày hồi tháng 7 với cáo buộc “mua dâm”.

    Sau khi được thả, ông đã đăng một bức thư ngỏ, tuyên bố “Chủ nghĩa chuyên chế sẽ thất bại, tự do sẽ đến với đất nước tôi!”. Ông kêu gọi người dân loại bỏ chính quyền ĐCSTQ và có niềm tin vào tương lai, theo The Epoch Times ngày 4/8.

    Trường đại học nơi ông làm đã sa thải ông.

    Cảnh sát đã bắt giữ giáo sư Hứa Chương Nhuận, 57 tuổi tại nhà riêng ở Bắc Kinh hôm 6/7 với cáo buộc “mua dâm”.

    Ông Hứa đã được thả vào ngày 12/7. Ba ngày sau, Đại học Thanh Hoa đã sa thải ông vì “vi phạm nghiêm trọng 10 Tiêu chuẩn ứng xử chuyên nghiệp dành cho giáo viên ở các viện đại học trong thời đại mới”. Bộ hướng dẫn này, do Bộ Giáo dục nước này ban hành năm 2018, quy định giáo viên sẽ bị sa thải hoặc trừng phạt nếu có ngôn luận hay hành vi làm suy yếu thẩm quyền nhà nước hoặc vi phạm các đường hướng và chính sách của Đảng. Theo đó, các giáo viên cần “tuân theo chỉ đạo của Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới và duy hộ sự lãnh đạo của Đảng”.

    Sau khi GS Hứa bị sa thải, hơn 500 cựu sinh viên Đại học Thanh Hoa đã khởi xướng quỹ quyên góp hỗ trợ ông, thu về hơn 100.000 nhân dân tệ (14.308 USD). Trong lá thư ngỏ ngày 19/7, ông Hứa bày tỏ sự cảm ơn đến họ, nhưng quyết định không nhận tiền. Ông cho biết vẫn có thể kiếm sống bằng ngòi bút, và số tiền này nên dành cho những người đang gặp hoàn cảnh khó khăn hơn ông.

    Tội “mua dâm” thường được chính quyền dùng để trấn áp những nhà bất đồng chính kiến. Bạn bè giáo sư Hứa cho rằng nhiều khả năng việc ông công khai chỉ trích Bắc Kinh đã dẫn đến lệnh bắt giữ.

    Hồi tháng 2, giáo sư Hứa đã chỉ đích danh ĐCSTQ gây ra đại dịch toàn cầu trong một bài báo có tựa đề, “The Angry People Fear No More (Dân chúng bất bình không còn sợ hãi)”. Trong bài báo, ông chỉ trích ĐCSTQ gây thảm họa do “sự bất tài”, “suy đồi đạo đức” và “sai sót mang tính thể chế”. Ông kêu gọi 1,4 tỷ người dân Trung Quốc hãy “sẵn sàng đón nhận tinh thần tự do sẽ soi sáng mảnh đất này bằng sức mạnh, niềm tin và sức sống”.

    Tháng Năm, giáo sư Hứa đăng một bài báo khác có tiêu đề, “Trung Quốc, chiếc thuyền đơn độc trong đại dương văn mình của thế giới”, liệt kê một loạt các chiến thuật lừa đảo của chính quyền Bắc Kinh. Ông tuyên bố:

    “Núi xác chết và biển máu trong suốt 70 năm cầm quyền của chính quyền ĐCSTQ, đã đến lúc chấm dứt điều này”.

    Li Hengqing, một cựu sinh viên Đại học Thanh Hoa và là một sinh viên từng ​​tham gia cuộc biểu tình dân chủ tại Thiên An Môn năm 1989, chia sẻ với The Epoch Times rằng Bắc Kinh sử dụng cáo buộc mua dâm để bắt giam bất cứ ai mà nó muốn. “Chính quyền này giảo biện không đỏ mặt. Tôi không ngạc nhiên khi họ làm vậy”, anh Li nói.

    Bộ trưởng Y tế Mỹ lần đầu thăm Đài Loan trong nhiều thập kỷ


    Bộ trưởng Y tế và các vấn đề nhân sinh Hoa Kỳ Alex Azar sẽ tới thăm Đài Loan trong những ngày tới, Reuters đưa tin, dẫn lời văn phòng của quan chức này cho biết hôm 4/8.

    Trong chuyến thăm này, ông Azar sẽ gặp Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết.

    Hãng tin Reuters nhận định rằng động thái này có thể khiến Trung Quốc thêm tức giận.

    Chuyến thăm của ông Azar tới Đài Loan sẽ làm xấu thêm mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Mỹ và Bắc Kinh về các vấn đề như thương mại, dịch COVID-19 và nhân quyền.

    Bộ Y tế và các vấn đề nhân sinh Hoa Kỳ cho biết rằng Mitchell Wolfe, quan chức y tế hàng đầu của Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ và các thành viên nội các chính phủ Mỹ khác sẽ tháp tùng ông Azar trong chuyến thăm được coi là “lịch sử”.

    Bộ trưởng Y tế Đài Loan Chen Shih-chung cho biết trông chờ cuộc gặp với ông Azar.

    Nhưng Trung Quốc, theo Reuters, đã lên án chuyến đi, tuyên bố bác bỏ bất kỳ cuộc trao đổi chính thức nào giữa Hoa Kỳ và Đài Loan, và đã gửi “công hàm phản đối mạnh mẽ” tới Washington.

    Theo Reuters, Đài Loan lâu nay tỏ lòng biết ơn sự hậu thuẫn của Mỹ đối với đề nghị được gia nhập Tổ chức Y tế Thế giới. Đài Loan hiện chưa phải là thành viên của tổ chức này vì sự phản đối của Trung Quốc.

    Mỹ trả 1 tỉ đô la mua 100 triệu liều vaccine của J&J






    Chính phủ Mỹ sẽ trả cho công ty Johnson &Johnson hơn 1 tỉ đô la cho 100 triệu liều vaccine tiềm năng ngừa COVID trong lúc Hoa Kỳ dự trữ vaccine và thuốc trị COVID để khống chế dịch.

    Hợp đồng mới nhất có giá khoảng 14,5 đô la mỗi liều vaccine, trong đó có 456 triệu đô la trước đây mà chính phủ Mỹ hứa cấp cho J&J để chế tạo vaccine hồi tháng 3 năm nay. Giá hợp đồng mỗi liều Mỹ trả cho vaccine do Pfizer của Mỹ và BioNTech của Đức hợp tác sản xuất là 19,50 đô la.

    J&J hiện đang nghiên cứu cả hai dạng một liều và hai liều vaccine. Ứng viên vaccine của Pfizer và BioNTech đều đòi hỏi mỗi cá nhân cần tiêm hai liều.

    Chính phủ Mỹ cũng có thể mua thêm 200 triệu liều theo một thỏa thuận tiếp theo. J&J không tiết lộ trị giá thỏa thuận đó.

    Ivanka Trump quyên được 4 triệu đô cho cha tranh cử


    Hôm thứ Tư, con gái Tổng thống Trump, Ivanka Trump, đã quyên góp được 4 triệu USD cho chiến dịch tái tranh cử của cha, theo hãng tin AP hôm 5/8.

    Khoảng 100 người đã tham dự buổi gây quỹ trực tuyến đầu tiên của Ivanka, được tổ chức trên ứng dụng Zoom, theo tiết lộ từ nguồn thạo tin. Ivaka dự định sẽ xuất hiện tại một buổi gây quỹ khác vào tuần tới tại bang Utah.

    Chủ tịch Đảng Cộng hòa Ronna McDaniel cho biết số tiền gây quỹ sẽ được dùng để chi trả cho các cuộc vận động thực địa và quảng bá chương trình nghị sự của ông Trump.

    Mỹ gia tăng kiểm soát gián điệp Trung Quốc

    Hoạt động kiểm soát máy tính xách tay, điện thoại thông minh và các thiết bị điện tử khác của người Trung Quốc tại biên giới Mỹ đã tăng hơn 60% vào năm ngoái và vẫn duy trì ở mức cao trong năm 2020, bất chấp tình trạng du lịch quốc tế giảm mạnh do đại dịch Covid. Việc này cho thấy Hoa Kỳ đang siết chặt kiểm soát các hoạt động gián điệp Trung Quốc.

    Cơ quan biên giới Mỹ đã tiến hành 1.147 lượt rà soát các thiết bị điện tử của công dân Trung Quốc vào năm 2019, tăng 66% so với năm trước, theo dữ liệu của Cơ quan Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ (CBP) mà tờ South China Morning tiếp cận được.

    Tổng số lượt tìm kiếm được CBP thực hiện với công dân ở mọi quốc tịch năm 2019 đã tăng lên 23%, đưa tổng số lượt tìm kiếm lên 40.913 lượt so với một năm trước, trong đó có khoảng 8.000 lượt tìm kiếm đối với công dân Hoa Kỳ.

    TT Trump nói vụ nổ ở Beirut giống vụ đánh bom


    Trong cuộc họp báo hôm thứ Tư (5/8), Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết vụ nổ ở Thủ đô Beirut của Lebenon, khiến hơn 100 người chết cho tới nay, giống một vụ đánh bom.

    Khi được hỏi tại sao ông nói rằng vụ nổ là một cuộc tấn công, không phải là một tai nạn, Tổng thống Trump cho biết ông đã gặp các tướng lĩnh và họ cho biết vụ nổ giống như được kích hoạt bởi “một loại bom nào đó”.

    Giới chức Lebanon nghi ngờ vụ nổ được kích hoạt sau khi một kho chứa đầy chất kích nổ ammonium nitrate bốc cháy, nhưng vẫn chưa đi đến kết luận cuối cùng.

    Trung Quốc: 90% bệnh nhân Covid hồi phục bị tổn thương phổi

    Một nghiên cứu được truyền thông công bố hôm thứ Tư cho hay, 90% số bệnh nhân được điều trị Covid ở một bệnh viện nổi tiếng ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc đều bị tổn thương phổi, và 5% trong số đó tái dương tính với nCoV, theo báo cáo truyền thông Trung Quốc.

    Bệnh viện Trung Nam của Đại học Vũ Hán đã tiến hành các cuộc thăm khám tiếp theo với ”100 bệnh nhân hồi phục” kể từ tháng Tư. Giai đoạn đầu của chương trình một năm đã kết thúc vào tháng Bảy. Tuổi trung bình của bệnh nhân trong nghiên cứu là 59.

    Theo kết quả nghiên cứu giai đoạn đầu, 90% phổi của bệnh nhân vẫn đang trong tình trạng bị hư hại, điều này có nghĩa là chức năng lưu thông và trao đổi khí của họ đã không phục hồi đến trạng thái của người khỏe mạnh, Global Times đưa tin.

    Nhóm nghiên cứu đã tiến hành một cuộc kiểm tra đi bộ 6 phút với các bệnh nhân. Họ phát hiện những bệnh nhân hồi phục chỉ có thể đi bộ 400 mét trong 6 phút trong khi những người khỏe mạnh có thể đi bộ 500 mét trong cùng khoảng thời gian.

    Chứng khoán Mỹ đạt mức cao kỷ lục 31 năm nhờ kỳ vọng tăng trưởng kinh tế


    Thứ Tư ngày 5/8, thị trường chứng khoán Hoa Kỳ đóng cửa với chỉ số Nasdaq đạt mức cao nhất trong 31 năm, khi chỉ số thu nhập của các doanh nghiệp cao hơn dự kiến.

    Bất chấp thống kê từ ADP cho thấy dữ liệu việc làm tháng 7 tại Mỹ thấp hơn dự đoán của chuyên gia, phản ánh tác động của dịch bệnh đối với thị trường việc làm, các sàn chứng khoán vẫn tiếp tục gia tăng sau nhiều phiên tăng liên tiếp.

    Sàn Nasdaq là sàn giao dịch chứng khoán điện tử lớn nhất nước Mỹ với khoảng 3.200 công ty niêm yết chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực công nghệ. Ngày 5/8 theo giờ Mỹ, sàn đã đóng cửa với mức điểm 10.998,40 tăng 0,52%, phá vỡ kỷ lục trước đó. Đây là phiên tăng thứ 6 liên tiếp của Nasdaq, trong phiên có lúc chỉ số này vượt lên trên ngưỡng 11.000 điểm lần đầu tiên trong lịch sử. Chỉ số Dow Jones đóng cửa cũng tăng 1,39% và chỉ số S&P đóng cửa tăng 0,64%.

    Kết quả công bố cuối cùng của Chỉ số nhà quản lý mua hàng trong ngành dịch vụ ISM đã tăng lên 58,1 điểm trong tháng 7, vượt quá kỳ vọng của các chuyên gia phân tích và báo trước sự gia tăng của chỉ số tăng trưởng kinh tế.

    Ngoại trưởng Philippines có tuyên bố mạnh về Biển Đông


    Bộ trưởng Ngoại giao Philippines, Teodoro Locsin Jr. hôm thứ Năm tuyên bố rằng “cái gì của chúng tôi là của chúng tôi” đối với phần lãnh thổ đang tranh chấp trên Biển Đông, theo Global Nation.

    Ông Teodoro đưa ra tuyên bố này sau khi Bắc Kinh hoan nghênh việc Tổng thống Philippines Duterte hôm thứ Hai (3/8) “ra lệnh” cấm Hải quân Philippines tham gia các cuộc tập trận với hải quân nước ngoài trên Biển Đông.

    Ông Uông Văn Bân, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Ba (4/8) nói rằng Bắc Kinh đánh giá cao quyết định nói trên của Tổng thống Duterte. Tuy nhiên, hôm nay trên Twitter, ông Teodoro viết rằng ông Uông đang “suy diễn quá xa” về một “chỉ thị đơn giản” của Tổng thống Duterte.

    Ông Locsin nói rằng lập trường của Philippines về Biển Đông là “nhất quán và rõ ràng”, và “Cái gì của chúng tôi là của chúng tôi theo phán quyết của tòa trọng tài quốc tế, và không ai có thể khiến chúng tôi thay đổi thái độ”.

    Nhật đang tăng cường năng lực để đối đầu Trung Quốc


    Nhật Bản trong những năm gần đây đã tăng cường tiềm lực quân sự để bảo vệ các hòn đảo đang tranh chấp với Trung Quốc ở biển Hoa Đông, một báo cáo mới của chuyên gia Mỹ đánh giá, trong bối cảnh Bắc Kinh không ngừng gia tăng các hoạt động quân sự ở vùng biển này, theo SCMP.

    Phân tích từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ cho thấy Tokyo đã nâng cấp radar, tăng cường thu thập thông tin tình báo và tuần tra Quần đảo Senkaku, mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư, đồng thời triển khai tên lửa để bảo vệ quần đảo đang tranh chấp này.

    “Lực lượng hải quân Trung Quốc được triển khai xung quanh Senkaku đã trở nên có thực lực và hung hăng hơn”, báo cáo của CSIS viết hôm thứ Tư. “Phản ứng lại, Nhật đang nâng cấp khả năng tự vệ bằng hệ thống tên lửa tại đảo Ryukyus, hoặc quân đảo Tây Nam gần đó”.

    Bắc Kinh cản trở sinh viên Trung Quốc tới Đài Loan học

    Hội đồng Quan hệ Đại lục (MAC) của Đài Loan đã bác bỏ các cáo buộc của chính quyền Trung Quốc rằng vì lý do chính trị chính quyền hòn đảo đang ngăn không cho sinh viên Đại lục tới học, theo Taiwan News.

    MAC nói rằng, ngược lại, chính Bắc Kinh mới là lực lượng đang ngăn cấm sinh viên Trung Quốc tới Đài Loan.

    Theo một thông cáo báo chí của MAC hôm thứ Tư, chính quyền Trung Quốc đã từ chối đề nghị được tới Đài Loan học tập của sinh viên Đại Lục. Giới chức Trung Quốc làm vậy vì không đồng ý với việc các trường đại học ở Đài Loan đã sử dụng từ “quốc gia” trong các tài liệu của trường mà sinh viên Trung Quốc muốn tới học.

    Indonesia hỗ trợ 2,15 tỷ cho người dân trong mùa dịch


    Jakarta có kế hoạch hỗ trợ 2,15 tỷ đô là tiền mặt cho 13,8 triệu công nhân theo gói kích thích tiêu dùng trong đại dịch viêm phổi Vũ Hán, Reuters dẫn nguồn từ các quan chức Indonesia.

    Theo đó, các công nhân có mức thu nhập dưới 5 triệu rupiah (tương đương 343,64 đô la) sẽ nhận được mức hỗ trợ 41 đô là một tháng, bắt đầu thứ tháng Chín tới. Chính sách hỗ trợ này dự kiến kéo dài trong 4 tháng.

    Chính phủ Indonesia hôm thứ Tư (5/8) cho hay, GDP của nước này đã giảm 5,32% trong quý hai do ảnh hưởng lớn từ mức tiêu dùng hộ gia đình vốn bị suy giảm rất nhiều vì đại dịch Covid. So với cùng kỳ năm ngoái, mức tiêu dùng của các hộ gia đình ở Indonesia đã giảm 5,51%.

    “Chính phủ nhắm mục tiêu tăng thu nhập cho người dân để kích thích tiêu dùng hộ gia đình, đây là điều rất quan trọng để thúc đẩy và cải thiện chất lượng nền kinh tế”, ông Erick Thohir, Bộ trưởng các Doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước, nói.

    Bắc Hàn phê duyệt gói hỗ trợ thành phố phong tỏa vì Covid

    Lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un đã ra lệnh hỗ trợ đặc biệt thành phố Kaesong, nằm giáp biên giới Hàn Quốc, đang bị phong tỏa vì dịch viêm phổi Vũ Hán, hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA đưa tin hôm thứ Năm (6/8).

    Tuần trước, Triều Tiên đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp và cho biết họ đã phong tỏa thành phố Kaesong vì có một kẻ “bỏ trốn” bị nghi nhiễm virus Vũ Hán trở về từ Hàn Quốc.

    Nhiều chuyên gia nước ngoài cảnh báo dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát tại Triều Tiên lần này có thể gây hậu quả nghiêm trọng vì quốc gia bí ẩn này có điều kiện kinh tế và y tế yếu kém.


    Không có nhận xét nào