Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Thứ sáu 28 tháng 8 năm 2020

    Nhật Bản: Thủ tướng Shinzo Abe từ chức vì lý do sức khỏe

    Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dự kiến ​​sẽ tuyên bố từ chức vào chiều thứ Sáu (28/6) giờ địa phương sau khi có những kết luận rằng tình hình sức khỏe suy giảm của ông sẽ khiến việc tiếp tục điều hành đất nước trở nên khó khăn, theo tờ Nikkei.

    Kế hoạch được đưa ra khi chỉ còn vài tuần nữa là đến sinh nhật lần thứ 66 của ông. Theo tờ Nikkei, dường như quyết định này đã được đưa ra sau hai lần Thủ tướng đến một bệnh viện ở Tokyo để kiểm tra sức khoẻ.

    Nội các của ông Abe sẽ từ chức hàng loạt ngay sau khi Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền bầu ra người đứng đầu mới. Theo các nguồn tin từ truyền thông địa phương, LDP có khả năng sẽ tổ chức cuộc bỏ phiếu để bầu chọn vào tháng 9.

    Trước đó, ông Abe đã phải hứng chịu một số lời chỉ trích về cách thức Nhật Bản xử lý sự lây lan của đại dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế.

    Quyết định về kế hoạch từ chức của ông Abe đã khiến chỉ số chứng khoán Nikkei lao dốc trong giao dịch buổi chiều cùng ngày. Chỉ số tham chiếu giảm hơn 600 điểm, tương đương 2,6%, có thời điểm xuống 22.594 điểm, trong khi đồng yên lên mức 106,11 mỗi đô la. Hiện các nhà đầu tư chờ đợi cuộc họp báo chính thức của ông Abe để biết thêm chi tiết.

    Úc cân nhắc rút khỏi dự án ​​Vành đai Con đường của Trung Quốc

    Trong một động thái chưa từng có tiền lệ chống lại sự can thiệp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào các vấn đề của Australia, Thủ tướng Australia Scott Morrison sẽ ban hành luật mới, cho phép ông chấm dứt thỏa thuận Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) trị giá hàng triệu đô la mà bang Victoria đã ký với Bắc Kinh, trong số hàng trăm thương vụ khác, theo the BL ngày 26/8.

    Thủ tướng Morrison sẽ sử dụng quyền lực theo hiến pháp để xóa sổ hàng chục thỏa thuận giữa các bang của Úc với các chính phủ và tổ chức nước ngoài nào đe dọa an ninh quốc gia. Bất kỳ giao dịch nào được phát hiện có dấu hiệu này sẽ có thể bị hủy bỏ.

    Dự luật Quan hệ Đối ngoại sẽ được đưa ra Nghị viện Úc vào tuần tới. Phạm vi của nó sẽ bao trùm các trường đại học, và sẽ mở rộng cho tất cả các thỏa thuận giữa các chính phủ nước ngoài và các tổ chức công của Úc.

    Ngoại trưởng Úc Marise Payne sẽ có quyền xem xét và đánh giá bất kỳ thỏa thuận cơ sở hạ tầng tư nhân nào được kết nối với Sáng kiến Vành đai và Con đường của ĐCSTQ, bao gồm hơn 100 thỏa thuận thành phố kết nghĩa — một thỏa thuận quan hệ đối tác lâu dài giữa các cộng đồng ở cả hai quốc gia Úc – Trung.

    Ngoại trưởng Payne cho biết: “Những thay đổi này sẽ cung cấp niềm tin cho các chính phủ, các tổ chức, học viện và người dân Úc rằng các thỏa thuận quốc tế sẽ phải được chính phủ thẩm định để đảm bảo chúng phù hợp với lợi ích quốc gia và các giá trị của chúng tôi”.

    Sự trỗi dậy của AI và máy tính lượng tử Trung Quốc đe dọa công nghệ quân sự Mỹ


    Theo một báo cáo của Mỹ, Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh mạnh nhất trong các công nghệ quân sự tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI) và máy tính lượng tử.

    Báo cáo “Những công nghệ quân sự đang nổi: Bối cảnh và các vấn đề đối với Quốc hội” của cơ quan nghiên cứu thuộc Quốc hội Mỹ được phát hành vào đầu tháng Tám cho biết Mỹ đi đầu trong việc phát triển nhiều công nghệ tiên tiến, nhưng Trung Quốc và Nga cũng đang có những tiến bộ vững chắc trong lĩnh vực này.

    Báo cáo nhận định Trung Quốc được nhìn nhận rộng rãi như một đối thủ ngang sức với Mỹ trong thị trường trí tuệ nhân tạo quốc tế. Những thành quả gần đây của Trung Quốc trong lĩnh vực này thể hiện tiềm năng của Bắc Kinh, và những công nghệ như vậy có thể được sử dụng để chống gián điệp và trợ giúp xác định mục tiêu quân sự.

    Trong khi các vũ khí tự động sát thương của Mỹ còn chưa được biết đến, một vài nhà sản xuất Trung Quốc đã quảng cáo vũ khí của họ có khả năng tự động lựa chọn và tấn công mục tiêu, báo cáo cho biết.

    Trong lĩnh vực vũ khí siêu thanh, báo cáo cho rằng Mỹ không có khả năng ra mắt vũ khí siêu thanh trước năm 2023, nhưng Trung Quốc đã phát triển tên lửa hành trình xuyên lục địa DF-41 có khả năng chuyên chở một phương tiện bay hạt nhân siêu thanh.

    Ngoài AI, Trung Quốc còn ngày càng ưu tiên nghiên cứu công nghệ lượng tử và đã dẫn đầu thế giới về công nghệ lượng tử, báo cáo nhận định.

    Canada: Chấm dứt đối tác vaccine với TQ không dính líu tới quan hệ ngoại giao

    Việc chấm dứt đối tác về vaccine chống COVID giữa công ty CanSino Biologics của Trung Quốc với Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Canada không “nhất thiết” dính líu đến những căng thẳng ngoại giao giữa hai nước, Ngoại trưởng Canada khẳng định hôm 27/8.

    Ngoại trưởng Canada Francois-Philippe Champagne gặp người tương nhiệm phía Trung Quốc, Vương Nghị, hôm 25/8 tại Rome và thúc giục Bắc Kinh phóng thích hai công dân Canada bị Trung Quốc bắt giữ.

    Hai vị bộ trưởng cũng “thảo luận tầm quan trọng của hợp tác toàn cầu trước COVID-19, kể cả việc nghiên cứu vaccine,” theo tuyên bố.

    Ngày hôm sau, Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Canada loan báo đã chấm dứt đối tác về một vaccine chống COVID với CanSino vì công ty Trung Quốc thiếu thẩm quyền vận chuyển vaccine vào lúc này.

    “Chúng tôi đang trải qua một thời gian khó khăn” trong các quan hệ song phương, Ngoại trưởng Champagne nói với báo giới, “nhưng tôi không nhất thiết phải liên hệ cuộc thương thuyết đó với lập trường của Canada hay của Trung Quốc.”

    Quan hệ giữa hai nước sụt giảm vào tháng 12 năm 2018 sau khi cảnh sát Canada bắt bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chánh của công ty Trung Quốc Huawei, theo một trát dẫn độ của Mỹ.

    Mỹ chi 750 triệu đô mua hàng trăm triệu bộ xét nghiệm nhanh COVID

    Bộ xét nghiệm nhanh COVID của Abbott Laboratories.


    Chính quyền Mỹ sẽ mua 150 triệu bộ xét nghiệm nhanh COVID từ Abbott trị giá khoảng 750 triệu đô la, một phát ngôn nhân của Tòa Bạch Ốc loan báo ngày 27/8.

    Bộ xét nghiệm xách tay, giá 5 đô la/bộ, có thể cho kết quả trong vòng 15 phút được Cơ quan Quản trị Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ cấp phép sử dụng khẩn cấp hôm 27/8.

    Tòa Bạch Ốc xác tin do Politico loan trước đó.

    ByteDance có kế hoạch ngừng kinh doanh Tik Tok tại Mỹ

    Biểu tượng của ứng dụng Tik Tok (ảnh: Từ video của FXG)

    Công ty ByteDance của Trung Quốc đã nói với các kỹ sư xây dựng ứng dụng video Tik Tok của ho rằng cần chuẩn bị tinh thần cho việc đóng cửa hoạt động của ứng dụng này tại Hoa Kỳ, ngay cả khi Tik Tok đang thoái vốn tại Mỹ, những nguồn thạo tin nói với Reuters hôm thứ Năm (27/8).

    Tổng thống Trump đã yêu cầu ByteDance thoái vốn công ty con Tik Tok của họ tại Hoa Kỳ vì cho rằng Tik Tok đe dọa an toàn dữ liệu cá nhân của người dân Mỹ. Microsoft và Oracle nằm trong số các công ty Hoa Kỳ đang cạnh tranh để mua lại tài sản của TikTok.

    Công ty Tik Tok tuyên bố mỗi tháng họ có khoảng 100 triệu người dùng ở thị trường Mỹ. ByteDance đang tìm kiếm khách trả giá mua cao nhất để bước vào các vòng đàm phán sang nhượng độc quyền, dự kiến sớm nhất diễn ra vào thứ Sáu (28/8, giờ Mỹ).

    Tổng thống Trump đã ban hành một lệnh hành pháp vào ngày 6/8 cấm các thực thể của Hoa Kỳ giao dịch với TikTok và công ty mẹ ByteDance của công ty này, lệnh cấm có hiệu lực trong vòng 45 ngày.

    Ông Trump gọi chương trình nghị sự của ông Biden là ‘made in China’


    Trong bài phát biểu nhận đề cử ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa hôm 27/8 (sáng 28/8 theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng Trung Quốc sẽ “sở hữu” nước Mỹ nếu đối thủ Đảng Dân chủ Joe Biden đắc cử. Điều này sẽ khiến thêm nhiều người dân Mỹ mất việc.

    “Chương trình nghị sự của Joe Biden là “made in China” (sản xuất tại Trung Quốc), còn chương trình nghị sự của tôi sẽ là “made in America” (sản xuất tại Mỹ)”, ông Trump nói, theo Bostonherald.

    Tổng thống Mỹ hứa nếu ông tái đắc cử, chính quyền của ông sẽ áp đặt thuế quan đối với bất kỳ công ty nào rời Mỹ để tạo việc làm ở nơi khác, theo Channelnewsasia.

    Mỹ nói Trung Quốc đe dọa hòa bình khi phóng tên lửa ở Biển Đông


    Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ hôm thứ Năm (27/8) cho biết, việc Trung Quốc phóng tên lửa đạn đạo ở Biển Đông là mối đe dọa đối với hòa bình và bất ổn an ninh trong khu vực, theo Aljazeera.

    Các tin tức xác nhận rằng Trung Quốc gần đây đã phóng tới 4 tên lửa đạn đạo trong các cuộc tập trận quân sự xung quanh quần đảo Hoàng Sa. Lầu Năm Góc cho biết các động thái từ Trung Quốc đặt ra dấu hỏi về cam kết năm 2002 của nước này trong việc tránh xa các hoạt động khiêu khích ở các vùng biển tranh chấp.

    Mỹ yêu cầu Trung Quốc ngừng đánh bắt cá phi pháp ngoài khơi quần đảo Galapagos

    Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết hôm 27/8 trên Twitter, rằng các báo cáo gần đây về hàng trăm tàu cá Trung Quốc ngoài khơi quần đảo Galapagos là “vô cùng đáng lo ngại”.

    “Báo cáo về việc hơn 300 tàu Trung Quốc ở gần Galapagos vô hiệu hóa các hệ thống theo dõi, thay đổi tên tàu và để lại các mảnh rác trên biển là những vấn đề nghiêm trọng. Một lần nữa, chúng tôi kêu gọi PRC (Cộng hòa nhân dân Trung Hoa) minh bạch và tuân thủ chính sách không khoan nhượng của họ đối với việc đánh bắt cá phi pháp”, ông Pompeo viết.

    Các bình luận của ngoại trưởng Mỹ được đưa ra sau khi Ecuador gia tăng báo động về sự hiện diện của hàng trăm tàu Trung Quốc đánh bắt gần vùng biển được bảo vệ ngoài khơi khu bảo tồn biển Galápagos. Đầu tháng này, ông Pompeo đã cáo buộc Trung Quốc khai thác trái phép cá mập để lấy vây và đánh bắt bất hợp pháp các loài được bảo vệ khác ở khu vực này, theo Fox News.

    Ngoại trưởng Philippines yêu cầu doanh nghiệp nội địa ngừng hợp tác với công ty Trung Quốc trong danh sách đen


    Các cơ quan chính phủ [Philippines] có liên quan nên chấm dứt hợp đồng với các công ty Trung Quốc tham gia các hoạt động cải tạo đảo nhân tạo ở Biển Tây Philippines [Biển Đông theo cách gọi của Philippines], Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr cho biết hôm 28/8, theo Philstar.

    Tuyên bố của ông Locsin theo sau quyết định của Mỹ đưa 24 doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc vào danh sách đen vì đã tham gia các hoạt động quân sự hóa ở vùng biển tranh chấp trên Biển Đông. Tuy nhiên, ông Locsin thừa nhận ông không chắc chắn liệu có công ty Trung Quốc nào bị Mỹ trừng phạt có các dự án đang triển khai ở vùng biển Philippines hay không.

    Trong số 24 công ty Trung Quốc bị Washington đưa vào danh sách đen có các công ty con của Công ty Kiến thiết Giao thông Trung Quốc (CCCC). CCCC được biết là “ông lớn” trong ngành xây dựng, nhà thầu cho nhiều công trình hạ tầng bao gồm các vành đai và cung đường trên thế giới.

    Địa Trung Hải: Hy Lạp phê chuẩn thỏa thuận với Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức tập trận


    Hy Lạp đã phê chuẩn thỏa thuận biên giới với Ai Cập. Chỉ vài giờ sau, Thổ Nhĩ Kỳ gia hạn hoạt động của một tàu khảo sát địa chấn ở phía Đông Địa Trung Hải, đồng thời cho biết họ sẽ tổ chức các cuộc tập trận trong khu vực vào tuần tới, theo Aljazeera.

    Thỏa thuận Athens – Cairo được xem như một phản ứng đáp trả thỏa thuận Thổ Nhĩ Kỳ – Libya được ký kết vào năm 2019 theo đó cho phép Thổ Nhĩ Kỳ tiếp cận các địa điểm trong khu vực nơi đã phát hiện ra các mỏ hydrocarbon lớn.

    Theo hiệp ước mới ký kết, Ai Cập và Hy Lạp được phép khai thác lợi ích tối đa từ các nguồn tài nguyên có sẵn trong vùng đặc quyền kinh tế, bao gồm trữ lượng dầu và khí đốt. Một hiệp định tương tự giữa Ý và Hy Lạp đã được thông qua hôm 26/8. Phát ngôn viên chính phủ Hy Lạp Stelios Petsas cho biết hôm 27/8 rằng “việc phê chuẩn khẩn cấp” này là do các hoạt động “bất hợp pháp của Thổ Nhĩ Kỳ”.

    CEO TikTok từ chức chỉ sau hai tháng


    Giám đốc điều hành (CEO) TikTock Kevin Mayer đã từ chức hôm thứ Năm (27/8) chỉ sau hai tháng nhậm chức, theo The BL. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh áp lực từ Mỹ yêu cầu chủ sở hữu công ty Byte Dance phải bán ứng dụng video phổ biến. Theo các cáo buộc và bằng chứng do Nhà Trắng đưa ra, ứng dụng video này đe dọa an ninh quốc gia Hoa Kỳ.

    Ông Mayer đã thông báo cho nhân viên về quyết định của mình vào thứ Năm, theo Fox Business.

    Bắc Kinh chất vấn việc nCoV phát sinh từ Trung Quốc


    Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm thứ Năm (27/8) đặt nghi vấn liệu nCoV có đúng là được phát sinh từ Trung Quốc hay không, theo Reuters.

    Phát biểu trong chuyến thăm Na Uy, ông Vương nói rằng mặc dù Trung Quốc là quốc gia đầu tiên báo cáo sự về sự tồn tại của nCoV với Tổ chức Y tế Thế giới nhưng “điều đó không có nghĩa là vi rút có nguồn gốc từ Trung Quốc”.

    “Thực ra, trong những tháng qua, chúng tôi đã xem xết các báo cáo và thấy rằng vi rút [nCoV] đã xuất hiện ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới, và [nó] có thể đã xuất hiện sớm hơn [thời điểm xuất hiện] ở Trung Quốc”, ông Vương nói với các phóng viên.

    “Bệnh nhân số 0 là ai? Hiện vẫn chưa rõ ”, ông Vương đặt câu hỏi. Tuy nhiên truyền thông quốc tế đưa tin, một nghiên cứu viên của viện nghiên cứu về virus Vũ Hán được cho là bệnh nhân Covid số 0 đã mất tích một cách bí ẩn. Cũng đã có nhiều báo cáo đặt nghi vấn rằng nCoV là nhân tạo.

    Tiến sĩ virus học người Hồng Kông Diêm Lệ Mộng, người đã trốn thoát sang Mỹ vào tháng Tư, tiết lộ rằng nCoV là chủng virus được quân đội Trung Quốc tạo ra từ hai chủng virus khác.

    Mỹ lên án Trung Quốc bắn tên lửa gần Hoàng Sa


    Hôm thứ Năm (27/8), Bộ Quốc phòng Mỹ đã lên án các vụ phóng thử tên lửa đạn đạo của Trung Quốc ở Biển Đông, nói rằng động thái này của Bắc Kinh đang đe dọa hòa bình và an ninh trong khu vực, theo AFP.

    Sau khi xác nhận thông tin quân đội Bắc Kinh đã phóng tới 4 quả tên lửa đạn đạo trong các cuộc tập trận quân sự xung quanh quần đảo Hoàng Sa, Lầu Năm Góc cho biết động thái này làm dấy lên nghi ngờ về cam kết năm 2002 của Trung Quốc rằng họ sẽ tránh các hoạt động khiêu khích trên Biển Đông.

    “Các hành động của Trung Quốc, bao gồm cả các vụ thử tên lửa, gây thêm bất ổn cho tình hình ở Biển Đông”, Lầu Năm Góc nêu quan điểm trong một tuyên bố.

    “Các cuộc tập trận như vậy cũng vi phạm các cam kết của CHND Trung Hoa trong Tuyên bố năm 2002 về ứng xử của các bên ở Biển Đông [COC] nhằm tránh các hoạt động làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định”, tuyên bố của Lầu Năm Góc viết.

    Chính quyền Putin đã sẵn sàng hỗ trợ Lukashenko


    Reuters đưa tin, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (27/8) cho biết Điện Kremlin đã thành lập một lực lượng cảnh sát để hỗ trợ nhà lãnh đạo Belarus Alexander Lukashenko đối phó với người biểu tình khi tình hình vượt tầm kiểm soát.

    Reuters bình luận, tuyên bố của ông Putin là tín hiệu mạnh nhất cho thấy Nga đã sẵn sàng sử dụng vũ lực ở Belarus, nơi các cuộc biểu tình lớn đã diễn ra kể từ cuộc bầu cử ngày 9/8 khi đông đảo người dân Belarus tin rằng ông Lukashenko đã gian lận để tiếp tục nới thêm thời gian cầm quyền vốn đã kéo dài gần 30 năm.

    “Tất nhiên chúng tôi có những nghĩa vụ nhất định đối với Belarus, và câu hỏi mà ông Lukashenko nêu ra là liệu chúng tôi có cung cấp sự trợ giúp cần thiết hay không”, ông Putin nói với kênh truyền hình nhà nước.

    “Tôi đã nói với ông ấy rằng Nga sẽ hoàn thành mọi nghĩa vụ của mình. Alexander Grigorivich (Lukashenko) yêu cầu tôi thành lập một lực lượng cảnh sát dự bị và tôi đã làm điều đó. Nhưng chúng tôi cũng thống nhất rằng lực lượng này sẽ không được sử dụng trừ khi tình hình vượt quá tầm kiểm soát ”, ông Putin cho biết thêm.

    Tin tặc Triều Tiên rửa tiền qua hệ thống Trung Quốc


    Bộ Tư pháp Hoa Kỳ hôm thứ Năm (27/8) cho biết họ đã yêu cầu tước 280 tài khoản tiền điện tử có liên quan đến các vụ tấn công do tin tặc Triều Tiên thực hiện. Bộ Tư pháp cho rằng hành động này giúp chống lại những nỗ lực không ngừng của tin tặc Bắc Hàn nhằm hỗ trợ cho một “chế độ thất bại”, theo Yonhap.

    Những tin tặc này đã đánh cắp tiền điện tử trị giá hàng triệu đô la và cuối cùng rửa tiền thông qua các nhà giao dịch tiền điện tử của Trung Quốc, Bộ Tư pháp cho biết, đồng thời lưu ý thêm rằng tin tặc Triều Tiên đã đánh cắp 250 triệu đô la Mỹ tiền điện tử thông qua các các vụ hack sàn giao dịch được phát hiện hồi đầu năm.

    “Hành động hôm nay vạch trần các mối liên hệ đang diễn ra giữa chương trình tấn công mạng của Triều Tiên và mạng lưới rửa tiền tiền điện tử của Trung Quốc”, Bộ Tư Pháp nói.

    Tàu Iran chở Alumin của Venezuela

    Các nguồn tin nói với Reuters rằng, trong tháng này một tàu Iran đã vận chuyển một lô hàng alumin từ Venezuela sau khi giao hàng cho một siêu thị ở quốc gia Nam Mỹ. Một động thái cho thấy mối quan hệ mật thiết giữa Teheran và chính phủ thiên tả Maduro.

    Con tàu thuộc sở hữu của Công ty vận tải biển Mosakhar Darya và được quản lý bởi Rahbaran Omid Darya, cả hai công ty có trụ sở tại Tehran đã bị chặn vào tháng 11/2018 khi chính quyền Trump tái áp đặt lệnh trừng phạt đối với hàng trăm công ty vận tải và ngân hàng Iran sau khi Hoa Kỳ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân đa phương.

    Cả bộ thông tin của Venezuela và phái bộ của Iran tại Liên Hợp Quốc đều không trả lời yêu cầu bình luận về lô hàng.

    Mỹ: Bão lớn đổ bộ, ít nhất 4 người thiệt mạng


    Bão Laura đổ bộ gần khu vực Cameron ở bang Louisiana vào 1 giờ sáng thứ Năm (27/8) (trưa thứ Năm theo giờ VN) gây thiệt hại to lớn, khiến ít nhất 4 người thiệt mạng, theo Insider.

    Laura có sức gió 150 dặm/giờ, được cho là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào Louisiana kể từ năm 1856. Cơn bão đã gây ngập lụt và hư hỏng các cơ sở hạ tầng, khiến nhiều người mắc kẹt do không tránh bão kịp thời.

    Hơn 830.000 hộ gia đình trên khắp bang Louisiana và bang Texas đã bị mất điện, theo PowerOutage.us. Thiệt hại có thể tăng lên khi cơn bão di chuyển sâu hơn vào đất liền.

    Không có nhận xét nào