Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Thứ tư 12 tháng 8 năm 2020


    Nhà hoạt động ủng hộ dân chủ Agnes Chow và người sáng lập Apple Daily Jimmy Lai đã bước ra khỏi đồn cảnh sát vào cuối ngày 11/8 và đầu ngày 12/8 khi họ được phép tại ngoại, theo RTHK.

    Angnes Chow (Chu Đình) rời Sở cảnh sát Tai Po ngay sau 23h, khoảng 24 giờ sau khi cô bị bắt tại nhà riêng gần đó với cáo buộc thông đồng với lực lượng nước ngoài.

    Cô nói với giới truyền thông rằng cô phải giao nộp hộ chiếu và 20.000 đô la Hồng Kông (khoảng 2.600 USD) để được tại ngoại. Cô cũng phải trả một khoản bảo lãnh là 180.000 đô la Hồng Kông (khoảng 23.200 USD).

    Trái: Giới truyền thông vây quanh ông Jimmy Lai sau khi ông ra khỏi đồn cảnh sát (ảnh: Reuters); phải: Nhà hoạt động dân chủ Agnes Chow trả lời phỏng vấn sau khi được thả vào đêm 11/8 (ảnh chụp màn hình video của RTHK).

    Châu nói: “Rõ ràng chế độ và chính phủ đang sử dụng luật an ninh quốc gia để trấn áp những người bất đồng chính kiến. Tôi hy vọng rằng nhiều người có thể theo dõi tình hình của Hồng Kông và người Hồng Kông sẽ không bỏ cuộc”.

    Ông trùm truyền thông Jimmy Lai (Lê Trí Anh) được thả vào đầu ngày 12/8, sau hơn 40 giờ bị bắt vì cáo buộc thông đồng với nước ngoài.

    Nhà hoạt động Wilson Li Chung-chak, một nhà quay phim tự do, đã được thả sau nửa đêm.

    Trước đó, Tổng biên tập báo Apple Daily Ryan Law Wai-kwong cho biết họ sẽ nộp đơn lên tòa án để ngăn cảnh sát tiếp cận các tài liệu mà phía cơ quan chức năng thu giữ được trong vụ đột kích tòa soạn hôm 11/8.

    Việc chính quyền Hồng Kông bắt giữ ông Jimmy Lai cùng những người ủng hộ dân chủ theo luật an ninh quốc gia vấp phải làn sóng phản đối từ các quan chức và các nhà hoạt động trên thế giới.

    Giới quan sát nhận định chính quyền Hồng Kông và ĐCSTQ sử dụng bộ luật gây tranh cái này để đàn áp những người ủng hộ dân chủ, đồng thời nhằm hạn chế tự do báo chí. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bày tỏ trên Twitter rằng, ông rất quan ngại về vụ bắt giữ, thêm rằng đây là bằng chứng quan trọng cho thấy ĐCSTQ đã tước bỏ các quyền tự do của Hồng Kông. Chính phủ Anh cho biết các vụ bắt giữ cho thấy luật an ninh quốc gia được sử dụng như một “cái cớ để buộc những người có quan điểm đối lập phải im lặng”.

    Kinh tế Anh lần đầu tiên chính thức suy thoái sau 11 năm

    Kinh tế sụt giảm kỷ lục trong thời gian từ tháng Tư tới tháng Sáu do các biện pháp phong tỏa phòng chống virus corona, khiến nước Anh chính thức bước vào suy thoái.

    Nền kinh tế bị thu nhỏ lại 20,4% so với ba tháng đầu năm.

    Chi tiêu của các hộ gia đình giảm mạnh do các cửa hàng buộc phải đóng cửa, trong lúc các hoạt động sản xuất, xây dựng cũng giảm mạnh.

    Việc này đẩy Anh lần đầu tiên rơi vào tình trạng suy thoái về mặt kỹ thuật - được định nghĩa là khi kinh tế trải qua hai quý liên tiếp đi xuống - kể từ năm 2009.

    Có dấu hiệu nào cho thấy tình hình sẽ khá lên?

    Cơ quan Thống kê Quốc gia (ONS) nói rằng kinh tế đã bật trở lại trong tháng Sáu, khi chính phủ nới lỏng các biện pháp phong tỏa.

    Kinh tế Anh tăng 8,7% trong tháng Sáu, sau khi đạt mức tăng 1,8% trong tháng Năm.

    Tuy nhiên, Jonathan Athow, phó giám đốc phụ trách phân tích số liệu thống kê kinh tế quốc gia, nói: "Dẫu vậy, tổng sản lượng quốc nội (GDP) trong tháng Sáu vẫn thấp hơn hồi tháng Hai, là thời điểm trước khi virus tấn công."

    Tuy vậy, Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak nói rằng tình trạng suy giảm kinh tế sẽ khiến có thêm nhiều người mất việc làm trong những tháng tới.

    Ngân hàng Trung ương Anh Quốc ghi nhận rằng việc chi tiêu cho các hoạt động xã hội, chẳng hạn như đi ăn tiệm, đi xem hòa nhạc hay xem bóng đá, là nguồn thúc đẩy tăng trưởng tại Anh lớn hơn nhiều so với ở Mỹ hay các nước thuộc khối sử dụng đồng euro.

    Hồng Kông : Tỷ phú Lê Trí Anh được thả, kêu gọi các nhà báo tiếp tục « chiến đấu »

    Chưa đầy 48 giờ sau khi bị cảnh sát bắt giữ theo luật an ninh quốc gia, nhà tỷ phú truyền thông của Hồng Kông Lê Trí Anh (Jimmy Lai) đã được trả tự do có điều kiện vào nửa đêm qua, 11/08/2020. Sau khi được tự do, theo AFP, Lê Trí Anh đã về tòa soạn nhật báo Apple Daily của ông và tại đây ông đã kêu gọi các nhà báo của mình tiếp tục « chiến đấu ».

    Vụ bắt giữ nhà tài phiệt ủng hộ dân chủ cùng 9 người khác, trong đó có 2 con trai và nhiều quản lý tập đoàn của ông, đã gây náo động dư luận tại Hồng Kông và truyền thông khắp thế giới. Tối qua, nhiều người ủng hộ biểu tượng của báo chí độc lập ở đặc khu hành chính đã đến đón ông ở cửa đồn cảnh sát. Thông tín viên RFI Florence de Changy ghi nhận tại chỗ :

    "Một nhóm người hân hoan đón nhà tài phiệt báo chí đối lập Lê Trí Anh (Jimmy Lai) khi ông ra khỏi đồn cảnh sát khu Vượng Giác (Mongkok) cùng với các luật sư của ông vào khoảng nửa đêm, tức là 40 giờ sau khi ông bị bắt tại nhà riêng.

    Những người ủng hộ ông giương khẩu hiệu « Mỗi ngày một quả táo », ngụ ý nhắc tên tờ báo Apple Daily. Bất chấp việc cảnh sát mở chiến dịch ồ ạt hăm dọa tại trụ sở tòa soạn hôm thứ Hai, ban biên tập nhật báo này cam kết tiếp tục ra báo và người dân Hồng Kông hôm qua đã đổ xô mua báo Apple Daily.

    Một giờ trước đó, một nhà hoạt động dân chủ khác là Chu Đình (Agnes Chow), 23 tuổi, cũng đã được ra khỏi sở cảnh sát.

    Trung Quốc gia tăng tập trận trên biển, đe dọa cả đảo Guam của Mỹ


    Trong bối cảnh quan hệ với Washington căng thẳng hẳn lên, Bắc Kinh tổ chức một loạt các cuộc tập trận tại các vùng biển bao quanh Trung Quốc, từ vùng eo biển Đài Loan xuống đến Biển Đông. Theo ghi nhận của kênh truyền hình Mỹ CNN ngày 11/08/2020, Bắc Kinh thậm chí còn đe dọa tập trận bắn đạn thật ngay gần đảo Guam ở miền Tây Thái Bình Dương, sát Philippines, nơi đặt một căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ.

    Cuộc diễn tập gần đây nhất của Trung Quốc diễn ra hôm 10/08 khi Bắc Kinh cho chiến đấu cơ vượt qua đường trung tuyến trên eo biển Đài Loan, một đường ranh giới không chính thức ngăn vùng biển giữa Hoa Lục và Đài Loan, buộc chính quyền Đài Bắc phải điều máy bay lên để ngăn chặn và xua đuổi.

    Đây là một động thái hiếm hoi, vì từ năm 1999 đến nay, đây chỉ là lần thứ ba mà chiến đấu cơ Trung Quốc cố ý xâm nhập không phận Đài Loan như vậy. Hai lần trước là vào tháng Hai vừa qua và tháng Ba năm 2019. Theo giới phân tích, Bắc Kinh đã có động thái thị uy kể trên để biểu thị thái độ bất bình trước việc một bộ trưởng Mỹ chính thức đến thăm Đài Loan từ Chủ Nhật 09/08.

    Trang web bằng Anh Ngữ của Quân Đội Trung Quốc đã không ngần ngại đăng lại một bài viết của tờ Hoàn Cầu Thời Báo, khẳng định rằng động thái của Không Quân Trung Quốc là nhằm cho thấy Bắc Kinh không hài lòng đối với Washington về chuyến thăm Đài Loan của bộ trưởng Y Tế Mỹ Azar.

    Bài viết còn đe dọa rằng nếu Washington không lùi bước trên vấn đề Đài Loan, quân đội Trung Quốc “sẽ có thêm biện pháp đáp trả, như tập trận bắn tên lửa thật ở phía đông Đài Loan hay gần đảo Guam”.

    Theo giới phân tích, việc tập trận bắn tên lửa gần đảo Guam sẽ là một hành vi cực kỳ khiêu khích đối với Mỹ, vì hòn đảo ở phía đông Philippines này là nơi Hoa Kỳ đặt hai căn cứ quân sự trọng yếu: Căn cứ Không Quân Andersen và Căn cứ Hải Quân Guam.

    Covid-19 : Tình hình tại Pháp đang « theo hướng xấu »


    Pháp có thêm gần 1.400 ca nhiễm Covid-19 trong vòng 24 giờ, theo thống kê tối 11/08/2020. Số ca nhiễm mới hàng ngày luôn vượt ngưỡng 1.000 từ nhiều ngày gần đây. Thủ tướng Pháp Jean Castex cảnh báo diễn biến dịch Covid-19 đang đi theo « chiều hướng xấu ».

    Tính đến ngày 11/08, với thêm 15 ca tử vong, ở Pháp tổng cộng đã có 30.354 người chết. Pháp hiện chỉ còn 391 bệnh nhân Covid-19 được điều trị tích cực trong phòng hồi sức, giảm 5 người so với hôm trước. Tuy nhiên, số ca nhiễm mới tiếp tục gia tăng, đặc biệt là ở giới trẻ. Mùa du lịch hè đã khiến người dân Pháp lơ là các biện pháp phòng ngừa và giãn cách xã hội.

    Trước nguy cơ làn sóng dịch thứ hai, thủ tướng Pháp thông báo tăng cường hàng loạt biện pháp : duy trì lệnh cấm tập hợp trên 5.000 người đến ngày 30/10, gia tăng kiểm tra việc tuân thủ các quy định phòng ngừa virus lây lan, đeo khẩu trang ở những nơi quy định, có thể bắt buộc khai báo tụ tập trên 10 người, tự cách ly...

    Nga bác bỏ quan ngại an toàn về vaccine COVID-19

    Nga hôm 12/8 cho biết số vaccine COVID-19 đầu tiên sẽ dành cho một số nhân viên y tế trong vòng hai tuần nữa đồng thời bác bỏ các quan ngại an toàn “vô căn cứ” mà một số chuyên gia nêu ra, theo Reuters.

    Tổng thống Putin hôm 11/8 thông báo Nga trở thành nước đầu tiên thông qua vaccine COVID-19 sau chưa đầy hai tháng thử nghiệm trên người.

    Tin cho hay, loại vaccine này chưa hoàn tất các cuộc thử nghiệm cuối cùng.

    Reuters đưa tin, chỉ khoảng 10% các cuộc thử nghiệm lâm sàng thành công và một số nhà khoa học lo ngại rằng Moscow có thể đặt uy tín dân tộc lên trước cả vấn đề an toàn.

    Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko được trích lời nói hôm 12/8 rằng “dường như các đồng nghiệp nước ngoài của chúng tôi nhận thấy các lợi thế cạnh tranh cụ thể từ thuốc của Nga và đang tìm cách thể hiện các quan điểm mà theo chúng tôi là vô căn cứ”.

    Ông nói thêm rằng vaccine COVID-19, do Viện Gamaleya ở Moscow phát triển, sẽ được sử dụng “chủ yếu cho các bác sĩ trong vòng hai tuần nữa”.

    Ông Pompeo thăm Châu Âu bàn kế chống Trung-Nga

    Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đã đến Cộng hòa Séc hôm thứ Ba (11/8), đây là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du Trung Âu của vị Ngoại trưởng dự kiến diễn ra từ ngày 11/8 đến 15/8. Hãng tin AP cho biết Ngoại trưởng Mỹ dự kiến sẽ tập trung thảo luận với các đối tác châu Âu về mối đe dọa mà Nga và Trung Quốc gây ra cho khu vực.

    Bộ Ngoại giao Mỹ thông tin rằng Ngoại trưởng Pompeo sẽ gặp Tổng thống Séc Milos Zeman và Thủ tướng Andrej Babis tại Prague hôm nay để thảo luận về hợp tác năng lượng hạt nhân và các cuộc “tấn công chống lại Nga và chủ nghĩa cộng sản”, cũng như hóa giải các kế hoạch “ác ý” của chính quyền Trung Quốc.

    Hôm thứ Ba, nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ viết trên Twitter cá nhân rằng mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Hoa Kỳ và Cộng hòa Séc sẽ mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước. Ông nói rằng mối quan hệ này là “may mắn của chúng ta”.

    Ấn Độ bắt đầu ‘sờ gáy’ các viện Khổng Tử


    Sau khi cấm một số lượng lớn ứng dụng Trung Quốc, Ấn Độ đã chuyển hướng chú ý sang các Viện Khổng Tử, vốn đã gây ra nhiều tai tiếng ở nhiều nước trên thế giới, theo bản tin hôm thứ Tư của Epoch Times.

    Bộ Giáo dục Ấn Độ đã quyết định rà soát hoạt động của các Viện Khổng Tử ở 7 trường đại học nước này cùng 54 biên bản ghi nhớ hợp tác liên trường mà các trường đại học Ấn Độ đã ký kết với các trường đại học Trung Quốc.

    Thời báo Hindustan đưa tin, nhiều cơ quan an ninh Ấn Độ đã cảnh báo chính phủ nước này rằng ĐCSTQ đang ngày càng gây được ảnh hưởng trong lĩnh vực giáo dục đại học ở Ấn Độ.

    Ngày 15/7, một số nhân viên an ninh tại Ấn Độ đã báo cáo với Bộ trưởng Nội các Rajiv Gauba về sự “thâm nhập” của Trung Quốc trong lĩnh vực viễn thông và giáo dục đại học ở Ấn Độ. Bộ Giáo dục Ấn Độ đã ngay lập tức kêu gọi điều tra lại việc này và gửi thông báo phối hợp để xử lý vấn đề tới Bộ Ngoại giao và Ủy ban Tài trợ Giáo dục Đại học.

    Hai quan chức cấp cao của Séc sắp thăm Đài Loan


    Thị trưởng Thủ đô Praha của Cộng hòa Séc, Zdenek Hrib hôm thứ Ba thông báo qua Facebook rằng ông sẽ tháp tùng Chủ tịch Thượng viện Séc Milos Vystrcil thăm Đài Loan vào cuối tháng, theo Taiwan News.

    Đây sẽ là lần thứ hai Hrib, người tự nhận mình là “một fan hâm mộ Đài Loan”, đến thăm chính thức đất nước này. Ông đã đến thăm hòn đảo lần đầu vào tháng 3/2019, gặp gỡ người đồng cấp Đài Loan, Thị trưởng Đài Bắc, Kha Văn Triết, và Tổng thống Thái Anh Văn.

    Ông Hrib và Vystrcil được biết đến là những chính trị gia châu Âu dám đứng lên chống lại áp lực từ chính quyền Trung Quốc. Năm ngoái, Praha đã kết thúc mối quan hệ kết nghĩa với thành phố Bắc Kinh sau khi ông Hrib từ chối thêm điều khoản “nguyên tắc một Trung Quốc” vào thỏa thuận với thủ đô Trung Quốc.

    Quan chức Trung Quốc tiếp tục ‘hạ giọng’ với Mỹ

    Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành (Le Yucheng) đã lên tiếng kêu gọi ngăn chặn mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ khi nó đang cho thấy nguy cơ vượt khỏi tầm kiểm soát “trong vài tháng tới”, và cho biết ông sẵn sàng đối thoại với Washington “bất cứ lúc nào”, theo SCMP.

    Trả lời phỏng vấn trang tin Trung Quốc Guancha, ông Lạc nói rằng đã “sẵn sàng cho các cuộc đàm phán” với những người đồng cấp Mỹ, theo bản tin hôm thứ Tư của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.


    Phát biểu của ông Lạc nối tiếp sau phát biểu hòa giải của một loạt quan chức cấp cao Trung Quốc về mối quan hệ với Hoa Kỳ. Tuần trước, Ủy viên Bộ Chính trị ĐCSTQ Dương Khiết Trì, và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cũng đã bày tỏ mong muốn hàn gắn quan hệ với Mỹ.

    Biển Đông: Bắc Kinh ra lệnh không nổ súng trước Mỹ


    SCMP đưa tin hôm thứ Ba, chính quyền Trung Quốc đã yêu cầu quân đội nước này không được nổ súng trước trong các cuộc tranh chấp với Hoa Kỳ tại Biển Đông.

    Theo SCMP, Trung Quốc không muốn leo thang căng thẳng với Mỹ ở Biển Đông tới mức mất kiểm soát. Tuy nhiên, ở trong nước, Bắc Kinh đã sử dụng những ngôn từ rất gay gắt để chỉ trích sự hiện diện của hàng không mẫu hạm USS Nimitz và USS Ronald Reagan của Hoa Kỳ tại Biển Đông.

    SCMP cho biết thêm, các nhà ngoại giao cấp cao Trung Quốc đã bắt đầu dịu giọng với Hoa Kỳ nhằm tránh tạo thêm căng thẳng trong quan hệ song phương. Việc Bắc Kinh đưa ra yêu cầu này cho quân đội là một động thái tiếp theo trong xu hướng muốn hòa giải với Washington của chính quyền Trung Quốc.

    Không có nhận xét nào