Header Ads

  • Breaking News

    Biển Đông: Nghị định chống thăm dò dầu khí trái phép của VN có khả thi?

    Việt Nam vừa ban hành một nghị định mới nhằm chống thăm dò, khai thác dầu khí trái phép trong lãnh thổ của mình, trong đó quy định phạt tiền những cá nhân, tổ chức vi phạm, thậm chí tịch thu tài sản.
    Biển Đông: Nghị định chống thăm dò dầu khí trái phép của VN có khả thi?

    Luật này áp dụng cho mọi cá nhân, tổ chức trong và ngoài Việt Nam. Tuy nhiên trong vấn đề tranh chấp trên Biển Đông, Việt Nam cho tới nay chủ yếu xung đột với Trung Quốc.

    Trung Quốc từng nhiều lần đưa giàn khoan và tàu thăm dò tới vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Các vụ việc nóng bỏng nhất xảy ra năm 2014, khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, dẫn đến biểu tình lớn ở nhiều tình thành khắp Việt Nam; và vào năm 2019, khi Trung Quốc đưa tàu thăm dò địa chất vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

    Nghị định số 99/2020 / NĐ-CP "Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí" được thông qua ngày 26/8, quy định hình phạt đối với các hành vi vi phạm trong thăm dò, khai thác, kinh doanh dầu khí trên lãnh thổ Việt Nam. Mức phạt cao nhất có thể từ 78.000 đô la đến 86.500 đôla với hành vi xâm phạm vùng đất liền và vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam để khai thác dầu khí. Những vi phạm nghiêm trọng hơn có có thể bị phạt bổ sung.

    Ngoài phạt tiền, nghị định này cũng trao cho các cơ quan liên quan của Việt Nam quyền tịch thu tài sản và thiết bị của các cá nhân thăm dò, khai thác, kinh doanh dầu khí trái phép; và quyền trục xuất công dân nước ngoài có liên quan đến các hoạt động xâm phạm lãnh thổ Việt Nam, đồng thời buộc những người vi phạm phải "trả lại lợi ích bất hợp pháp" từ hoạt động của họ.

    Nhiều cơ quan, bao gồm Chủ tịch UBND, Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Thanh tra Việt Nam, được trao quyền theo luật mới để đánh giá và trừng phạt những người vi phạm.

    'Mang tính chính trị hơn tính khả thi'

    Trao đổi với BBC News Tiếng Việt, ông Hoàng Việt, giảng viên ĐH Luật TP Hồ Chí Minh, đồng thời là nhà nghiên cứu về Biển Đông, nhận định rằng việc Việt Nam ra nghị định này mang nhiều tính chính trị hơn là tính khả thi.

    Ông Hoàng Việt nói:

    "Trước đây Việt Nam không nghĩ tới chuyện này. Nhưng gần đây, sau sự kiện năm 2014, Trung Quốc đưa một giàn khoan khổng lồ vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, và suốt năm 2017 tới nay nhiều tàu cá và tàu thăm dò của Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam, thì có lẽ đây là lúc Việt Nam cần hoàn thiện các quy định pháp lý của mình. Bởi lẽ Việt Nam có muốn phản đối hay xử phạt các doanh nghiệp nước ngoài vi phạm trong lĩnh vực dầu khí thì ít ra cũng phải có cơ sở pháp lý để thực hiện các hành động đó."

    "Có thể sẽ có ý kiến rằng đây là lúc chín muồi để ra văn bản này, nhưng theo tôi, yếu tố chính trị ở đây nhiều hơn, trong bối cảnh Trung Quốc càng ngày càng có những hành động leo thang trên khu vực Biển Đông."

    "Về tính khả thi, tôi cho rằng để xử phạt vi phạm có yếu tố nước ngoài vô cùng khó. Bởi lẽ vấn đề nằm ở chỗ Việt Nam có đủ lực, tức là đội tàu hải cảnh, kiểm ngư, để chống chọi, ngăn cản các tàu nước ngoài hay không? Hiện nay, các tàu này của Việt Nam rất ít, so với đội tàu to hơn, mạnh hơn, đông hơn của Trung Quốc."

    "Tiếp đó, cần xem vị thế chính trị của Việt Nam có đủ để làm điều đó hay không? Trung Quốc là một quốc gia phớt lờ luật quốc tế mặc dù họ là thành viên của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, trong đó có việc phớt lờ phán quyết năm 1916 của tòa trọng tài ở La Haye vô hiệu hóa 'Đường lưỡi bò' của họ. Như thế thì Việt Nam có thể yêu cầu Trung Quốc tuân thủ pháp luật hay không?

    Giải pháp nào?

    Ông Hoàng Việt cho rằng rất khó để có một giải pháp thực tế để xử phạt các nước vi phạm như Trung Quốc. Bởi lẽ không chỉ riêng Việt Nam, nhiều nước trên thế giới vẫn e ngại trước một Trung Quốc hùng mạnh, "nhưng phớt lờ luật pháp quốc tế, và diễn giải luật pháp quốc tế theo cách riêng của họ".

    Chính vì thế, ông Hoàng Việt đề xuất rằng Việt Nam không nên thực hiện một mình mà cần có chế tài và sự lên tiếng của cộng đồng quốc tế nói chung.

    Ông Hoàng Việt cũng ghi nhận thái độ tích cực của chính quyền Việt Nam trong vấn đề này, khi nhận ra rằng "không thể lảng tránh mãi được", phải cần có luật, có cơ sở pháp lý để phản đối hành động của Trung Quốc.

    "Điều này cũng liên quan đến chính trị nội bộ. Nó chứng minh cho người dân thấy là chính phủ Việt Nam không phải lúc nào cũng khuất phục trước Trung Quốc," ông Hoàng Việt nói.

    Đối phó với, và xử phạt Trung Quốc khi nước này vi phạm quy định thăm dò, khai thác dầu khí của Việt Nam, theo ông Hoàng Việt, là một vấn đề lớn, liên quan rộng hơn tới chủ quyền, chính trị, quan hệ quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung đang dâng cao trong khu vực Biển Đông.

    Đo đó, về lâu dài, chỉ nghị định này thôi không đủ. Việt Nam cần tăng cường sức mạnh biển, trong đó có lực lượng chấp pháp trên biển là cảnh sát biển, kiểm ngư… thì mới có thể bảo vệ được ngư dân Việt Nam và ngăn chặn được phần nào sự xâm phạm của các tàu từ bên ngoài.

    "Trong năm nay chúng ta chứng kiến nhiều tranh cãi giữa ngư dân Việt Nam với cảnh sát biển Malaysia, Indonesia, Thái Lan. Ngư dân Việt Nam nói họ đánh bắt trong vùng biển của mình, nhưng cảnh sát biển mấy nước kia nói là trên vùng biển của họ, mà không có bằng chứng nào được ghi nhận. Như vậy, Việt Nam càng phải củng cố về mặt pháp lý để có cơ sở bảo vệ vùng biển của mình."

    "Hiện Việt Nam vẫn mắc mớ nhất với Indonesia về vùng biển chồng lấn, chưa phân định rõ ràng. Còn với Malaysia, tuy chưa có vùng phân định nhưng đã có thỏa thuận chung. Nếu Việt Nam có đủ khả năng bắt các tàu vi phạm và dong về nước mình, tòa án sẽ xét xử và viện dẫn luật biển và nghị định này. Nhưng cũng phải nói trong những trường hợp này thì chủ yếu giải quyết bằng con đường ngoại giao là chính."

    "Việt Nam mới hội nhập luật pháp quốc tế chưa lâu lắm. Chính vì vậy Việt nam còn thiếu nhiều những quy định pháp luật trong lĩnh vực này. Có thực hiện được không là điều cần phải xem xét. Nhưng cái đầu tiên phải xem là đã có hành lang pháp lý trong lĩnh vực đó chưa. Ít nhất VN phải làm từng bước, sau này mới tính thực thi như nào.''

    "Ngoài nghị định ra còn phải có các hướng dẫn thêm nữa. Với nghị định này thì cần có hướng dẫn thêm cho các tòa án, và hướng dẫn cụ thể cho các lực lượng chấp pháp trên biển bao gồm kiểm ngư, và cảnh sát biển. Song song đó, cần phải tăng cường sức mạnh cho các lực lượng này."

    "Mới đây Nhật Bản và Hoa Kỳ đã chuyển giao một số tàu tuần tra cho Việt Nam. Nhưng tiềm lực hiện vẫn chưa mạnh. Bộ máy hành chính Việt Nam lại rối rắm. Đã có nhiều tranh cãi rằng lực lượng kiểm ngư và cảnh sát biển rốt cuộc giao cho lực lượng nào nắm giữ, hải quân hay bộ Công an? Công an trả lời là không đủ năng lực quản lý trên biển, nên phải giao cho hải quân, mà hải quân lại có tổ chức quản lý theo kiểu khác… Qua câu chuyện này để thấy năng lực quản lý của VN vẫn còn nhiều vấn đề và lúng túng."

    "Cái khó là ở chỗ Việt Nam có đường bờ biển dài, hơn 3000km, nên khó có khả năng giàn trải lực lượng để túc trực thường xuyên trên biển."

    "Vấn đề nữa là Việt Nam vẫn còn phân tán lực lượng. Có nhiều lĩnh vực Việt Nam cần tập trung đầu tư, nhưng nhìn lĩnh vực nào cũng thấy tham nhũng, bào mòn sức mạnh của đất nước. Nếu ngăn chặn được các tham nhũng thất thoát đó thì có thể đầu tư thêm cho lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư thì sẽ có những bước tiến rất mạnh."

    Bóng dáng TQ trong mọi quyết định dầu khí của VN ở Biển Đông

    Nguy cơ cao là TQ sẽ không buông tha cho VN và VN sẽ bị tước nguồn dự trữ năng lượng tiềm năng...

    GS Carl Thayer, Úc

    Trả lời BBC News Tiếng Việt về lịch sử can thiệp của Trung Quốc vào các dự án dầu khí của Việt Nam, GS Carl Thayer nhận định:

    "Nguy cơ cao là Trung Quốc sẽ không buông tha cho Việt Nam và Việt Nam sẽ bị tước nguồn dự trữ năng lượng tiềm năng để thúc đẩy quá trình phục hồi sau COVID-19."

    "Trong Văn bản Đàm phán Dự thảo Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông ASEAN-Trung Quốc tháng 8/2018, Trung Quốc đã nêu rõ rằng việc thăm dò và phát triển dầu khí tại vùng biển tranh chấp phải được thực hiện giữa các quốc gia có quyền lợi trên Biển Đông; và Trung Quốc sẽ không chấp nhận các hợp tác với công ty từ các quốc gia ngoài khu vực."

    Ghi chép của GS Carl Thayer cung cấp cho BBC cho thấy hàng loạt can thiệp khác của Trung Quốc vào ngành dầu khí của Việt Nam trong gần chục năm qua như sau:

    2012: Sau khi Việt Nam ban hành Luật Biển, Trung Quốc đáp trả bằng cách cho Công ty Dầu khí Quốc gia (CNOOC) cho thăm dò dầu khí trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (EEZ), trong đó có vùng biển gần Bãi Tư Chính, và kêu gọi các công ty nước ngoài đấu thầu hợp đồng thăm dò.

    2017: Việt Nam phải tạm ngưng hoạt động thăm dò khai tác dầu của Repsol (Tây Ban Nha) tại vùng biển gần Bãi Tư Chính sau khi bị Trung Quốc 'đe dọa'.

    2018: Việt Nam chính thức chấm dứt hợp đồng thăm dò dầu khí trên Biển Đông với Tập đoàn Tây Bay Nha Repsol cũng do Trung Quốc gây sức ép.

    2019:Trung Quốc đã đưa giàn khoan Hải Dương 8 tới khảo sát bên trong EEZ của Việt Nam, đồng thời quấy rối giàn khoan dầu Hakuryu-5 (Nhật Bản) và quấy rối các tàu đang tiến hành thăm dò Lô 06- 01 theo hợp đồng của Việt Nam với Rosneft (Nga).

    2020: Tàu thăm dò Hải Dương 8 của Trung Quốc quay lại EEZ của Việt Nam vào tháng Sáu. Tiếp đó vào tháng Bảy, tàu 5402 của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc (CCG) đã vào khu vực mỏ khí Lan Đỏ thuộc Lô 06-01 để theo dõi hoạt động của nhà giàn tại mỏ khí Lan Tây. Bốn ngày sau, có thông báo rằng hợp đồng của Noble Clyde Boudreaux với Rosneft Việt Nam đã bị hủy bỏ.

    https://www.bbc

    Không có nhận xét nào