Header Ads

  • Breaking News

    GS Nguyễn Văn Tuấn - Tản mạn về những giấc mơ và cây cà rem

    Giới lãnh đạo chánh trị có một cá tánh rất dễ mến: hứa hẹn. Từ Donald Trump bên Mĩ, Morrison bên Úc, đến các nhà cầm quyền bên Việt Nam, ai cũng hứa và ai cũng có nhiều hoài bảo. Hứa hẹn là nghề của các chánh trị gia, bởi vì nhiệm vụ chánh của họ là bán hi vọng. Chúng ta thử điểm qua những lời hứa hẹn của các vị đứng đầu Nhà nước xem sao.

    Giấc mơ tủ lạnh

    Cá nhân tôi nhớ ông Lê Duẩn nhiều lắm, vì thời đó tôi cũng mơ mộng và có nhiều hoài bảo đóng góp cho đất nước. Mỗi lần nghe bác ấy nói trên tivi, tôi chú ý xem mình có thể làm gì. Nhớ dạo 1977 hay 1978, ông bí thơ thứ nhứt Lê Duẩn lên tivi hứa rằng “10 năm nữa mỗi gia đình sẽ có tủ lạnh”. Trời ơi, thời đó nhà tôi mới có tivi (từ trước 1975 để lại), chạy bằng máy phát điện gia dụng, còn tủ lạnh là niềm mơ nước lớn. Ai cũng hi vọng rằng nay mai đất nước mình sẽ sáng chói.

    Thế nhưng mãi đến năm 1992 điện mới về vùng quê tôi, và đến năm 2000 thì nhà tôi mới có tủ lạnh. Đại đa số dân trong làng vẫn chưa có tủ lạnh. Tức là gần 50 năm sau ngày thống nhứt, lời hứa đó của bác Duẩn (nay bác ấy đã qua đời) vẫn chưa thành hiện thực. Cái tủ lạnh vẫn còn là một giấc mơ đối với nhiều gia đình ở nông thôn, thậm chí ở những gia đình lao động ở thành thị. Không biết ở chốn tuyền đài bác có trăn trở.

    Giấc mơ công nghiệp hoá

    Công nghiệp hoá đất nước là một niềm mơ ước của biết bao thế hệ, và cả của ông Nông Đức Mạnh. Ngày nào con trâu nó rảnh rang để cho máy móc làm việc trên đồng. Ngày nào người dân làm 1 con chip có giá trị bằng 1 năm làm 20 công ruộng? Năm 2010, ông Nông nói đại khái rằng 'Năm 2020, VN trở thành nước công nghiệp, hiện đại'. Chính xác thì ông nói như sau: "Đại hội toàn quốc lần thứ 10 của Đảng mở ra một giai đoạn phát triển mới nhằm sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, để đến năm 2020 cơ bản trở thành một nước công nghiệp hiện đại." Lúc đó, ai cũng nô nức tin tưởng vào lời hứa của ông và lạc quan cho rằng Việt Nam sẽ có một tương lai xán lạn, rực rở sánh vai cùng các cường quốc 5 châu 4 biển.

    Nhưng trong thực tế thì lời hứa đó đã tan thành khói mây. Mười năm sau (2020) Báo Dân Việt phải tổng kết rằng "mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 đã không thành hiện thực, thậm chí còn tụt hậu so với Trung Quốc 20 năm, Hàn Quốc và Malaysia 30 - 35 năm." Thế là lời hứa vĩ đại của bác Nông cũng tan chảy thành không khí. Bác Nông vẫn còn sanh tiền, răng chắc tóc tươi, không biết bác nghĩ sao.

    Giấc mơ không chung giường bệnh

    Trong ngành y, có lẽ ai cũng nhớ đến lời hứa của ông cựu bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu, là một người vui tánh. Năm 2007, khi mới nhậm chức, ông hứa rằng 'Sẽ chấm dứt tình trạng một giường hai, ba bệnh nhân'. Lời hứa của ông được đón nhận nồng nhiệt và tràn trề hi vọng [3].

    Thế nhưng năm 2010, khi ông hết nhiệm kì bộ trưởng y tế, phóng viên nhắc ông lời hứa trên, thì ông thản nhiên nói "Tôi chưa bao giờ hứa chấm dứt việc bệnh nhân chung giường." [4] Ô hay! Thế hoá ra các phóng viên nghe lầm lời hứa trước đây của ông! Cho đến nay, (sau 13 năm lời hứa đó được tuyên bố) thì tình trạng người nằm chung giường vẫn còn tồn tại, thậm chí nghiêm trọng hơn.

    Giấc mơ sống bằng đồng lương

    Năm 2006, người đứng đầu ngành giáo dục long trọng tuyên bố rằng đến năm 2010, giáo viên sẽ sống được bằng lương mà không phải dạy thêm hay chạy giờ [5]. Lúc đó, ai cũng hi vọng tràn trề, và nghĩ rằng nay mai nghề giáo và thiên chức thầy cô giáo sẽ được khôi phục vào cái vị trí vinh quang xưa kia.

    Thế nhưng cho đến nay chúng ta biết rằng đó cũng chỉ là một giấc mơ mà thôi. Giáo viên vẫn còn nghèo và nhiều người chưa sống được bằng đồng lương [6]. Ôi! Giấc mơ nhỏ nhoi và chánh đáng sau một phần tư thế kỉ vẫn chỉ là mộng mơ! Tuy nhiên, thầy cô Việt Nam rất dễ thương. Họ nghèo nhưng vẫn vui:

    "Em là cô giáo cô giáo tuy nghèo mà vui

    Không đòi đua chỉ an phận mà thôi"

    chớ không giống như giới thầy cô giáo bên Úc năm nào cũng doạ biểu tình đòi tăng lương.

    Giấc mơ Nobel

    Khoa học là một lãnh vực nảy sanh ra nhiều lời hứa và ước mộng thăng hoa. Ông Đinh La Thăng là một người lãnh đạo năng nổ, dám làm dám chịu, được cảm tình của rất nhiều người. Năm 2017, ông Thăng 'mong muốn TPHCM có giải Nobel y học' [7]. Công bằng mà nói, mong muốn của ông cũng là mong muốn của giới khoa học miền Nam. Thế nhưng những ai làm nghiên cứu khoa học ở trong nước thì ai cũng e dè, nghi ngại giấc mơ Nobel đó.

    Hai tuần nữa, Hội đồng giải Nobel sẽ tuyên bố những khôi nguyên được trao giải, chúng ta hi vọng rằng sẽ có một người Việt được trao giải Nobel y học.

    Giấc mơ trung tâm khoa học hàng đầu

    Cách đây chỉ 3 tháng, ông bí thơ Hà Nội đề ra ý tưởng "mạng lưới sáng kiến" và hứa rằng "Hà Nội sẽ trở thành trung tâm khoa học hàng đầu Đông Nam Á" [8]. Nhưng mới đây, ông người đứng đầu TPHCM cũng đặt mục tiêu đến năm 2045 sẽ trở thành "trung tâm kinh tế tài chính khoa học công nghệ của châu Á" [9]. Cụ thể hơn, đến năm 2030, TPHCM phải trở thành "trung tâm kinh tế tài chính khoa học công nghệ của khu vực Đông Nam Á với ước tính thu nhập đầu người là 12.570 USD, thuộc nhóm thu nhập cao." Đến năm 2045, thì TPHCM sẽ trở thành "trung tâm kinh tế tài chính của châu Á, mức thu nhập bình quân đầu người đạt 40.000 USD, là địa điểm hấp dẫn toàn cầu."

    Không chỉ Hà Nội có giấc mơ trở thành trung tâm khoa học Đông Nam Á, mà tỉnh Bến Tre cũng được định hướng lớn. Trình bày một ca về một thị trấn nghèo ở Thuỵ Sĩ trở thành tâm điểm của công nghệ Blockchain, ông bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng muốn Bến Tre trở thành một thung lũng Silicon của Việt Nam về ứng dụng công nghệ [10]. Dân trong chuyên ngành IT ai cũng e dè với viễn cảnh này. Còn nhớ trước đây, chánh phủ VN có chủ trương tạo ra mạng xã hội để cạnh tranh và thay đổi facebook (mục tiêu rất chánh đáng), nhưng dân trong ngành nói rằng mạng "nhân văn" của VN đang trong tình "dở sống dở chết."

    Còn rất nhiều hứa hẹn khác nữa mà chúng ta không có thì giờ kể hết. Chỉ vài ví dụ tiêu biểu:

    “… đến năm 2010 (sẽ) xóa hết hộ đói, cơ bản không còn hộ nghèo!”

    “Với tiềm năng sẵn có của các doanh nghiệp hiện nay, chỉ 20 -30 năm nữa, Việt Nam sẽ là một trong 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới. 40 năm nữa, Việt Nam sẽ đứng trong top 15 nền kinh tế lớn nhất thế giới."

    và "là chưa bao giờ mình lại cất cao tiếng nói như thế.”

    “Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của gần 30 năm đổi mới mà nhân dân ta đạt được khiến chúng ta hãnh diện và tự hào, bạn bè quốc tế ngưỡng mộ.”

    Quay về thực tế

    Còn quá sớm để biết những lời hứa hay những giấc mơ năm 2020 sẽ thành hiện thực trong tương lai. Một số chuyên gia tài chánh (Lê Đăng Doanh, Bùi Kiến Thành, v.v.) cho rằng mục tiêu này có thể đạt được [11]. Chúng ta hãy hi vọng như thế. Nhưng chúng ta cần ghi nhớ câu nói của Niels Bohr rằng dự báo khó lắm, nhứt là dự báo về tương lai. Thôi thì chúng ta hi vọng các chuyên gia tài chánh VN tài giỏi hơn nhà khoa học vĩ đại Niels Bohr.

    Chúng ta mới chỉ mới bàn về VN thôi, mà chưa nhìn sang các nước khác ra sao. Chắc chắn các nước láng giềng cũng không ngồi yên một chỗ để Việt Nam vượt qua họ. Chúng ta thử xem qua chứng cứ về cơ sợ vật chất và tình hình nghiên cứu khoa học xem sao.

    Về phẩm chất cơ sở vật chất (quality of infrastructure), Ngân hàng Thế giới xếp hạng Việt Nam tương đối thấp so với trung bình thế giới. Năm 2016, Việt Nam đứng hạng 89 trên 137 quốc gia, so với Mã Lai hạng 21, Thái Lan 67, và Singapore hạng 2 [12].

    Về khả năng cạnh tranh về Kinh tế điện tử (World Digital Competitiveness). Tổ chức IMD World Competitiveness Center mới trình bày một báo cáo so sánh về khả năng cạnh tranh kinh tế điện tử toàn cầu, và Việt Nam thậm chí không có trong danh sách [13]!

    Về nghiên cứu khoa học, Việt Nam hiện nay đứng hạng khá thấp trên trường quốc tế. Nếu tính số bài báo công bố trên các tập san bình duyệt trên thế giới, VN đứng hạng 55 (trên 197 quốc gia). Thứ hạng này có thể xem là trên trung bình, nhưng vẫn còn thua khá xa so với Nam Hàn (hạng 9), Mã Lai (hạng 20), Singapore (30), Thái Lan (36), Nam Dương (40) [14].

    ***

    Giới lãnh đạo chánh trị nói chung là những người bán hi vọng. Nghề và nhiệm vụ của họ phải bán hi vọng. Cái truyền thống này có từ lâu rồi và nó phổ quát từ Tây sang Đông. Do đó, chúng ta không nên nhạo báng họ, bởi vì việc của họ phải là như vậy.

    Một trong những người bán hi vọng vĩ đại là Mao Trạch Đông. Ông này bán hi vọng về dân chủ rất tuyệt vời và thuyết phục hàng triệu người theo ông ấy. Ngày 13/6/1944, trong một bài báo trên Nhật báo Giải Phóng (Liberation Daily), Mao Trạch Đông viết rằng (dịch): "China có nhiều thiếu sót, thật ra là nhiều thiếu sót. Và, cái thiếu sót lớn nhứt, nếu phải nói ngắn gọn, là thiếu dân chủ. Chỉ với dân chủ thì cuộc kháng chiến của chúng ta mới có sức mạnh, những mối quan hệ nội bộ và đối ngoại đúng đắn ... chỉ với dân chủ mới có thể đảm bảo sự hoà hợp daan tộc khi cuộc chiến kết thúc" [15].

    Thế nhưng sau khi cuộc chiến kết thúc, và đến nay thì đã gần 80 năm sau lời nói đanh thép đó, China như chúng ta thấy vẫn chưa có dân chủ.

    Tại sao ông Mao chọn món hàng dân chủ để bán? Tại sao những người lãnh đạo chọn món hàng cao như Nobel, khoa học, thu nhập cao, v.v. để bán cho chúng ta? Tôi nghĩ câu trả lời là họ theo chiến lược kinh tế kinh điển mà thôi.

    Trong một bài báo trên The Guardian, tác giả dùng ví dụ về cái quầy bán kem tại một bãi biển. Giả dụ rằng bãi biển đã có một cái quầy bán kem nằm ngay chánh giữa bãi biển, và bạn muốn dựng một cái quầy kem khác để cạnh tranh. Câu hỏi đặt ra là bạn dựng quầy mới ở đâu? Nếu dựng quầy hơi xa ở phía bên phải, hay quầy xa ở phía bên trái của quầy hiện tại, thì bạn chỉ chiếm được 3/8 thị trường [16]. Nhưng nếu bạn chọn dựng quầy kem bên cạnh quầy hiện tại thì bạn sẽ chiếm khoảng 1/2 thị trường!

    Đó là bài học kinh tế kinh điển mà các sinh viên đều học. Do đó, để chiếm lá phiếu của người dân, chánh trị gia phải tỏ ra là người có quan điểm và chánh sách gần với quan điểm và chánh sách của kẻ đương quyền.

    Chiến lược quầy kem chính là cách mà giới lãnh đạo chọn giải Nobel, khoa học, thu nhập để bán. Bởi vì các nước tiên tiến có giải Nobel, khoa học cao, và thu nhập cao, nên để chiếm thị trường đó thì chỉ có cách là chúng ta phải nhích lại gần họ (dĩ nhiên chỉ là tâm tưởng thôi), và điều này rất dễ thuyết phục người dân. Món hàng hi vọng họ bán rất thuyết phục.

    Dĩ nhiên, chúng ta những người biết đọc chữ cũng phải dè dặt, không quá tin vào những giấc mơ quá vĩ đại. Quá tin sẽ dễ dẫn đến thất vọng và trầm cảm. Vả lại, những gì xảy ra sau giấc mơ tủ lạnh, giấc mơ giường bệnh, giấc mơ sống bằng đồng lương, giấc mơ Nobel, giấc mơ công nghiệp hoá, v.v. chúng ta có lí do e dè với giấc mơ 'trung tâm hàng đầu'. Ngay cả ông Donald Trump cũng hứa nhiều, nhưng làm được thì cũng chẳng bao nhiêu [17]. Tôi nghĩ thái độ chúng ta chọn là làm việc tốt những gì mình đang làm, còn họ bán hi vọng thì cứ bán. Nói theo tiếng Anh là "Keep Quiet and Do Your Job".

    “Nhắc về câu chuyện nằm mơ

    Anh vẫn cho đời không như là mơ

    Đời không như là mơ

    Nên đời thường giết chết mộng mơ”

    Trầm Tử Thiêng

    _______

    [1] https://nld.com.vn/.../nam-2020--vn-tro-thanh-nuoc-cong...

    [2] https://danviet.vn/khong-thanh-nuoc-cong-nghiep-viet-nam...

    [3] https://tuoitre.vn/se-cham-dut-tinh-trang-mot-giuong-hai...

    [4] https://vnexpress.net/toi-chua-bao-gio-hua-cham-dut-viec...

    [5] https://laodong.vn/.../nam-hoc-moi-giao-vien-mong-song...

    [6] https://tuoitre.vn/nam-2010-giao-vien-song-duoc-bang...

    [7] https://tuoitre.vn/bi-thu-dinh-la-thang-mong-muon-tphcm...

    [8] https://vnexpress.net/ha-noi-se-tro-thanh-trung-tam-khoa...

    [9] https://tuoitre.vn/nam-2045-tphcm-phai-la-trung-tam-kinh...

    [10] https://vietnamfinance.vn/bo-truong-nguyen-manh-hung-muon...

    [11] https://www.rfa.org/.../what-is-the-basis-to-make-hcmc...

    [12] https://tcdata360.worldbank.org/indicators/h2cf9f9f8

    [13] https://www.imd.org/.../world-digital-competitiveness.../

    [14] https://en.wikipedia.org/.../List_of_countries_by_number...

    [15] https://chinamediaproject.org/.../the-party-and-its-promises

    [16] https://www.theguardian.com/.../why-politicians-must-lie...

    [17] https://www.bbc.com/news/world-us-canada-37982000

    https://www.facebook.com/t.nguyen.2016/posts/1078383525942297

    Không có nhận xét nào