Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Thứ bảy 19 tháng 9 năm 2020

    Thẩm phán Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ, Ruth Bader Ginsburg, qua đời ở tuổi 87

                                                                          Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg.

    Thẩm phán Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ, Ruth Bader Ginsburg, qua đời tối thứ Sáu, 18 tháng Chín, ở tuổi 87.

    Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ ra thông báo, có đoạn: Thẩm phán Ginsburg “qua đời tối nay, bên cạnh gia đình mình, tại Washington D.C., do biến chứng của di căn ung thư tuyến tụy, ở tuổi 87. Thẩm phán Ginsburg được tổng thống Clinton bổ nhiệm vào Tối Cao Pháp Viện năm 1993. Bà là người phụ nữ thứ nhì được bổ nhiệm vào Tối Cao Pháp Viện và phục vụ tại đây hơn 27 năm.”

    Chánh Án Tối Cao Pháp Viện, John G. Roberts, Jr., nói về đồng viện Ginsburg: “Đất nước chúng ta vừa mất đi một luật gia mang tầm vóc lịch sử. Chúng tôi, tại Tối Cao Pháp Viện, vừa mất đi một đồng viện được kính trọng. Hôm nay, chúng tôi đau buồn, nhưng tin tưởng rằng các thế hệ tương lai sẽ nhớ đến một Ruth Bader Ginsburg như chúng tôi từng biết – một quán quân công lý không mệt mỏi và kiên cường.”

    Bà Ginsburg sinh ra tại Brooklyn, New York, ngày 15 tháng Ba, 1933. Bà kết hôn với Martin D. Ginsburg năm 1954. Bà nhận bằng cử nhân tại đại học Cornell, theo học tại đại học luật Harvard, và nhận bằng luật tại đại học Columbia.

    Trong những năm gần đây, Ginsburg nắm vai trò là thành viên thâm niên nhất của phía cấp tiến trong Tối Cao Pháp Viện, bỏ những lá phiếu mang tính cấp tiến trên những vấn đề chia rẽ nhất của xã hội Mỹ, bao gồm quyền phá thai, hôn nhân đồng tính, quyền bầu cử, di dân, cải tổ y tế.

    Trong một lần xuất hiện trước công chúng năm 2019, bà nói bà thích bận rộn ngay cả khi đang chống chọi với căn bệnh ung thư. “Tôi nhận ra, khi tôi hoạt động, tôi cảm thấy tốt hơn là nằm yên rồi tự hối hận cho bản thân.”

    Một tang lễ trong vòng riêng tư sẽ được tổ chức tại Nghĩa Trang Quốc Gia Arlington.

    Tân Thủ tướng Nhật Bản đánh tiếng sẽ gọi điện thoại cho Tổng thống Đài Loan

    Theo lời cựu lãnh đạo Nhật Bản Yoshiro Mori, Tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga muốn điện đàm với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn. Nếu ông Yoshihide Suga thực hiện, đây sẽ là cuộc gọi điện thoại đầu tiên giữa lãnh đạo Đài Loan và Nhật Bản sau 48 năm.

    Trong chuyến thăm Văn phòng Tổng thống Đài Loan hôm thứ Sáu (18/9), ông Mori cho biết ông Suga đã nhờ mình gửi lời chào tới bà Thái và người dân Đài Loan. Ông cho biết thêm nhà lãnh đạo mới của Nhật Bản muốn nói chuyện với bà Thái qua điện thoại.

    Ông Mori chỉ ra rằng ông Suga đã thể hiện rất tốt trong các cuộc thăm dò kể từ khi nhậm chức, với tỷ lệ ủng hộ cao thứ ba được ghi nhận cho một thủ tướng mới. Ông cho biết chính quyền mới, giống như Đài Loan, coi trọng tự do, dân chủ và thị trường tự do – và ông hy vọng hai nước sẽ tăng cường hợp tác trong mọi lĩnh vực.

    Đáp lại, bà Thái cảm ơn ông Mori đã thực hiện chuyến đi thứ hai đến Đài Loan trong vòng chưa đầy hai tháng để tỏ lòng thành kính với cố Tổng thống Đài Loan Lý Đăng Huy. Trong khi gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến ông Suga trong vai trò mới, bà Thái và ông Mori cũng trao đổi áo khoác mà các vận động viên Đài Loan và Nhật Bản sẽ mặc tại Thế vận hội 2021, ETtoday đưa tin.

    Theo CNA, ông Suga đã chính thức được bầu để thay thế ông Shinzo Abe làm nhà lãnh đạo mới của Nhật Bản vào hôm 16/9 và sẽ bắt đầu gọi điện cho các nhà lãnh đạo toàn cầu từ Chủ nhật (20/9).

    Nếu cuộc điện đàm của ông với bà Thái diễn ra, đây sẽ là cuộc đối thoại trực tiếp đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước sau 48 năm kể từ khi họ cắt đứt quan hệ ngoại giao chính thức vào năm 1972.

    Mỹ chính thức cấm ứng dụng WeChat và TikTok vào ngày mai

    Chính quyền Trump sẽ cấm WeChat và ứng dụng chia sẻ video TikTok khỏi các kho ứng dụng ở Mỹ bắt đầu từ đêm Chủ nhật, một động thái sẽ chặn đứng việc người dùng Mỹ tải xuống các nền tảng do Trung Quốc sở hữu vì mối lo ngại đe dọa an ninh quốc gia, theo Reuters.

    Các lệnh cấm, được công bố hôm qua, chỉ ngăn chặn việc tải mới và cập nhập phiên bản do đó ít gây ảnh hưởng hơn, đặc biệt là đối với TikTok, đảm bảo cho tập đoàn mẹ ByteDance một khoảng thời gian để đạt được một thỏa thuận bán lại mảng kinh doanh của nó tại Hoa Kỳ cho một công ty nội địa Mỹ. Các ứng viên tiềm năng hiện có Oracle, Walmart.

    EU: Lukashenko không nên được coi là tổng thống Belarus sau tháng 11


    Nhà lãnh đạo Belarus Alexander Lukashenko sẽ không còn được công nhận là tổng thống kể từ tháng 11 sau khi nhiệm kỳ của ông kết thúc, Nghị viện châu Âu cho biết hôm thứ Năm (17/9), kêu gọi EU áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với ông, theo Reuters.

    Trong một động thái ủng hộ áp đảo đối với người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Belarus, hội đồng EU đã bỏ phiếu với tỷ lệ 574 phiếu thuận trên 37 phiếu chống, và 82 phiếu trắng, để bác bỏ kết quả chính thức của cuộc bầu cử tổng thống ngày 9/8 mà phương Tây cho rằng đã bị gian lận.

    Mặc dù cuộc bỏ phiếu của Nghị viện Châu Âu không có tính ràng buộc pháp lý, nhưng nó có sức nặng chính trị và có thể ảnh hưởng đến việc EU đầu tư vào Belarus hoặc cấp hỗ trợ tài chính.

    Ngoại trưởng Mỹ và EU sắp họp thảo luận về Trung Quốc

    Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đang có kế hoạch tổ chức cuộc đối thoại đầu tiên giữa Trung Quốc với người đồng cấp Liên minh châu Âu trong tháng, một nhà ngoại giao cấp cao EU cho biết hôm thứ Sáu, một động thái sẽ khiến Bắc Kinh lo lắng khi nước này đang cố gắng ngăn cản việc xây dựng một mặt trận thống nhất xuyên Đại Tây Dương chống lại Bắc Kinh, theo SCMP.

    Theo truyền thông Ý, ông Pompeo dự kiến ​​cũng ghé thăm Ý và Vatican, nhằm thuyết phục Ý từ chối khoản đầu tư của Trung Quốc vào các cơ sở cảng trong dự án Vành đai Con đường và gây áp lực lên Tòa thánh Vatican vốn gần đây ghi nhận ​​mối quan hệ ấm áp hơn với Bắc Kinh.

    Các nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc đang tăng tốc thúc đẩy quan hệ ngoại giao với EU vào thời điểm lục địa này được cả hai bên coi là quan trọng đối với sự cạnh tranh ngày càng tồi tệ về kinh tế, công nghệ và sức ảnh hưởng địa chính trị.

    Cựu đại sứ Mỹ tại LHQ chỉ trích Trung Quốc nỗ lực trở lại Hội đồng Nhân quyền LHQ

    Nikki Haley, cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc, hôm thứ Năm (17/9) đã chỉ trích Trung Quốc trên Twitter cá nhân vì nỗ lực giành lại một ghế trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.

    Bà Haley đã viết, “Trung Quốc đang cố gắng trở lại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc bất chấp thực tế họ là một trong những nước vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất thế giới. Hoa Kỳ đã đúng khi rời khỏi hội đồng này, vốn chuyên ủng hộ các chế độ áp bức hơn là thúc đẩy tự do nhân quyền”.

    Hiện có 47 quốc gia thành viên trong Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Trung Quốc trước đây từng tham gia hội đồng nhưng hiện không phải là thành viên.

    18 máy bay quân sự Trung Quốc áp sát Đài Loan


    “Hai oanh tạc cơ H-6, tám tiêm kích J-16, bốn tiêm kích J-10 và 4 chiến đấu cơ J-11 đã vượt qua đường trung tuyến trên eo biển Đài Loan và tiến vào vùng nhận diện phòng không phía tây nam”, Reuters dẫn thông báo hôm nay từ Bộ Quốc phòng Đài Loan.

    “Lực lượng Không quân Đài Loan đã điều tiêm kích và triển khai hệ thống tên lửa phòng không để giám sát những hoạt động này”, Bộ Quốc phòng cho biết thêm.

    Tờ Liberty Times của Đài Loan cho biết, tiêm kích Đài Loan đã xuất kích đến 17 lần chỉ trong 4 tiếng buổi sáng để áp sát, yêu cầu máy bay Trung Quốc đại lục rời vùng nhận diện phòng không quanh hòn đảo.

    Động thái trên của quân đội Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách vấn đề kinh tế Keith Krach đang thăm Đài Loan.

    Ông Trump sẽ không phát biểu trực tiếp tại Liên Hợp Quốc

    Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ không đến New York vào thứ Ba tới (22/9) để phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, nhưng nhưng sẽ đọc diễn văn qua video từ Nhà Trắng, Reuters dẫn tin từ Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows hôm 17/9 cho biết.

    Thẩm phán Úc ở Hồng Kông từ chức vì luật an ninh

    Trang ABC hôm nay đưa tin, thẩm phán người Úc James Spigelman đã từ chức tại toà án phúc thẩm tối cao ở Hồng Kông khi Bắc Kinh tăng cường đàn áp thành phố bán tự trị này.

    Ông Spigelman nói với ABC rằng lý do ông từ chức “liên quan đến nội dung luật an ninh quốc gia”, nhưng không đề cập chi tiết.

    Một thông báo của Chính phủ Hồng Kông được công bố hôm nay cho biết chức vị của ông đã bị “thu hồi” hồi đầu tháng, nhưng không đưa ra lý do.

    Thẩm phán Spigelman từ chức trong bối cảnh chính quyền của bà Carrie Lam gần đây nhấn mạnh rằng thành phố không có “tam quyền phân lập”, các quyền hành pháp, lập pháp và tư pháp đều do Bắc Kinh nắm giữ.

    Ngay cả trước khi luật an ninh được ban hành, các thẩm phán cấp cao đã nói với Reuters rằng sự độc lập của hệ thống tư pháp Hồng Kông đã bị ĐCSTQ kiểm soát.

    Diễn tập ‘Góa phụ Đen’ giúp Mỹ đối phó tàu ngầm Nga

    Hải quân Mỹ cử nhiều chiến hạm, máy bay tới bắc Đại Tây Dương tham gia diễn tập “Góa phụ Đen” nhằm ứng phó mối đe dọa từ tàu ngầm Nga, theo trang Military ngày 17/9.

    Đợt diễn tập diễn ra ngày 12 đến 13/9, sau khi các chỉ huy hải quân Mỹ tuyên bố tàu ngầm Nga gia tăng hoạt động ở phía bắc Đại Tây Dương, “đặt ra thách thức mới” tại khu vực mà Mỹ xem như một “vùng chiến sự” tiềm tàng.

    Những loại vũ khí hiện đại nhất của Mỹ như tàu sân bay trực thăng, tàu khu trục, tàu ngầm tấn công và máy bay tuần thám săn ngầm đều xuất hiện trong cuộc tập trận này.

    Phó đô đốc Andrew Lewis, chỉ huy Hạm đội 2 hải quân Mỹ, tuyên bố trong cuộc họp báo: “Đó là nơi chiến đấu và cạnh tranh. Chúng tôi phải duy trì lợi thế vị trí trước đối thủ, lợi thế trước năng lực hoạt động tàu ngầm của người Nga, đặc biệt ở Đại Tây Dương. Chúng tôi phải duy trì lợi thế đó”.

    Liên Hiệp Quốc: Ông Maduro phạm tội ác chống nhân loại ở Venezuela

    Đài RFI đưa tin, trong một báo cáo được đưa ra vào hôm 16/9, các nhà điều tra Liên Hiệp Quốc cho biết họ có những cơ sở hợp lý để kết luận rằng giới chức Venezuela đã thực hiện nhiều hành vi trái phép, dẫn tới các tội ác chống nhân loại, trong đó có những vụ tra tấn thường xuyên, bên cạnh những vụ ám sát.

    Các nhà điều tra Liên Hiệp Quốc cho rằng Tổng thống Maduro, và hai bộ trưởng Quốc phòng và Nội vụ đã “ra lệnh hay phối hợp hành động dẫn đến các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng”.

    Bà Marta Valinas, trưởng nhóm điều tra, cho biết: “Những hành động tội ác đã được phối hợp và thực hiện theo chỉ thị của chính phủ, với sự hỗ trợ trực tiếp của các cấp trên và lãnh đạo cao cấp trong chính quyền”.

    Các nhà điều tra Liên Hiệp Quốc đã yêu cầu lãnh đạo Venezuela mở một cuộc điều tra độc lập và minh bạch ngay lập tức.

    Trung Quốc phản đối sau khi phái viên Mỹ tại Liên Hợp Quốc gặp quan chức Đài Loan ở New York

    Trung Quốc đã phản đối cuộc gặp lịch sử giữa đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Kelly Craft và người đứng đầu Đài loan, Lãnh sự quán trên thực tế ở New York.

    Theo SCMP, bà Craft đã tổ chức một cuộc họp vào bữa trưa hôm thứ Tư (16/9) với James Lee Kuang-jang, Giám đốc Văn phòng Đại diện Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại New York và là người đứng đầu Lực lượng Đặc nhiệm Liên Hợp Quốc (LHQ) của Đài Loan tại thành phố.

    Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa một phái viên Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc và một quan chức hàng đầu của Đài Loan, và họ đã thảo luận về các cách để thúc đẩy sự tham gia của Đài Loan trong Liên Hiệp Quốc.

    Kelly Craft nói với hãng tin AP: “Rõ ràng, chúng tôi thực sự đang thúc đẩy họ quay trở lại LHQ, hoặc có vai trò trong hội đồng y tế của LHQ”

    Bà Craft nói thêm: “Nếu Hoa Kỳ không đứng lên chống lại Trung Quốc, thì ai sẽ đến khi nói đến Đài Loan, không chỉ Đài Loan, mà cả Hồng Kông và những nước khác?”

    Theo SCMP, cuộc gặp là một dấu hiệu khác cho thấy mối quan hệ ngày càng phát triển giữa Mỹ và Đài Loan, quốc gia mà sự hiện diện trên trường thế giới ngày càng bị Bắc Kinh siết chặt, kể cả tại các cơ quan quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới của LHQ.

    Sự kiện này diễn ra trước một ngày – khi Keith Krach – Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ về tăng trưởng kinh tế, năng lượng và môi trường – đến Đài Loan, chuyến thăm cấp cao thứ hai của Hoa Kỳ tới hòn đảo tự trị trong hơn 1 tháng qua.

    Phản ứng sau sự kiện này, Geng Shuang, Phó đại diện thường trực của Trung Quốc tại LHQ, cho biết hôm 17/9 rằng Bắc Kinh phản đối các cuộc trao đổi chính thức giữa Mỹ và Đài Loan, và cuộc gặp của Craft với Lee đã vi phạm nguyên tắc một Trung Quốc.

    Mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh đã giảm trong những tháng gần đây về các vấn đề thương mại, công nghệ, đại dịch viêm phổi Vũ Hán, ý thức hệ và sức ảnh hưởng chiến lược.

    Shi Yinhong, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh, cảnh báo rằng quan hệ Trung – Mỹ có thể sẽ xấu đi trước cuộc bầu cử, lưu ý việc Đại sứ Mỹ Terry Branstad rời Trung Quốc sớm. 
     
    Võ Thái Hà tóm lược
     

    Không có nhận xét nào