Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Thứ sáu 25 tháng 9 năm 2020


    Tổng thống Trump công bố kế hoạch chăm sóc sức khỏe ‘người Mỹ trên hết’

    Theo tin từ Epoch Times, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm 24/9 đã  công bố một kế hoạch chăm sóc sức khỏe cho người dân Mỹ, trong đó tập trung vào việc cung cấp “dịch vụ chăm sóc tốt hơn, nhiều lựa chọn hơn với mức chi phí thấp hơn”.

    “Theo kế hoạch chăm sóc sức khỏe “Người Mỹ trên hết” (America First) chúng tôi sẽ đảm bảo tiêu chuẩn chăm sóc cao nhất so với bất kỳ nơi nào trên thế giới’, ông Trump nói trong bài phát biểu về các chính sách chăm sóc sức khỏe của mình ở Charlotte, Bắc Carolina. “Kế hoạch của tôi nhằm mở rộng các gói bảo hiểm vừa túi tiền, giảm chi phí thuốc kê đơn, tăng tính công bằng thông qua giá cả minh bạch, tinh gọn bộ máy quan liêu, tăng tốc đổi mới, bảo vệ mạnh mẽ chương trình bảo hiểm sức khỏe Medicare …”

    Kim Jong Un xin lỗi người dân Hàn Quốc

    Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã gửi lời xin lỗi tới người dân Hàn Quốc vì vụ binh sĩ nước này bắn chết một quan chức Hàn Quốc hồi đầu tuần, văn phòng tổng thống Hàn Quốc thông báo hôm thứ Sáu, theo Yonhap.

    Trong một thông báo chính thức gửi tới miền Nam, miền Bắc đã truyền tải thông điệp của ông Kim cho biết ông cảm thấy “rất lấy làm tiếc” vì đã gây “thất vọng” lớn cho Tổng thống Moon Jae-in và người dân Hàn Quốc khi để xảy ra trường hợp “đáng tiếc” trên vùng biển Triều Tiên, theo Suh Hoon, giám đốc an ninh Nhà Xanh.

    Bộ Quốc phòng Hàn Quốc hôm 24/9 cáo buộc phía Triều Tiên bắn chết quan chức 47 tuổi thuộc Bộ Đại dương và Thủy sản Hàn Quốc rồi hỏa táng. Vị quan chức này đã mất tích khỏi con tàu 499 tấn trưa 21/9 khi đang làm nhiệm vụ kiểm tra ngoài khơi đảo Yeonpyeong. Trong thư, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cáo buộc người này “xâm phạm vùng biển Triều Tiên” sau khi “không cho biết danh tính và tìm cách bỏ trốn”.

    Đài Loan phóng thử tên lửa

    Đài Loan đã phóng thử tên lửa ngoài khơi bờ biển phía đông và phía nam sau các cuộc diễn tập quân sự do Bắc Kinh tổ chức gần hòn đảo trong những ngày gần đây, SCMP đưa tin.

    Cuộc thử nghiệm đêm thứ Năm là một phần trong chương trình kéo dài hai ngày của Viện Khoa học và Công nghệ Chung-Shan (NCSIST) trực thuộc Bộ Quốc phòng Đài Loan nhằm kiểm tra sức mạnh của tên lửa phóng từ quận phía đông Đài Đông và căn cứ quân sự Jiupeng ở quận cực nam của hòn đảo Bình Đông. Một cuộc phóng thử khác dự kiến sẽ được tổ chức vào tối thứ Sáu, theo Cơ quan Nghề cá Đài Loan, cơ quan này đã cảnh báo ngư dân tránh khu vực này.

    Trung Quốc, Ấn Độ gửi tiếp tế cho hàng nghìn binh sĩ biên giới


    Quân đội hai nước Trung Quốc và Ấn Độ, vốn đang bị khóa chặt trong cuộc đối đầu biên giới căng thẳng nhất giữa hai bên trong nhiều thập niên, đang tăng cường khoản tiếp tế hậu cần khi cả hai bên chạy đua cung cấp nhu yếu phẩm cho hàng nghìn binh sĩ hai bên đóng tại dãy Himalaya xa xôi trước khi mùa đông khắc nghiệt tới gần, theo tin từ SCMP.

    Chỉ huy quân đội cấp cao hai bên hôm thứ Hai (21/9) thống nhất rằng họ sẽ không gửi thêm binh sĩ đến tiền tuyến để giảm bớt căng thẳng bùng nổ tại biên giới tranh chấp giữa hai bên. Khả năng thích ứng và sinh tồn của binh sĩ hai bên ở độ cao hơn 4.500 m, một khu vực thiếu ô xy và nhiệt độ sẽ giảm mạnh kể từ tháng 10, là một trong những mối quan tâm chính tại các cuộc đàm phán, theo truyền thông Ấn Độ.

    Giúp người Trung Quốc vượt tường lửa, người Mỹ khởi động lại Văn phòng Tự do Internet

    Văn phòng Tự do Internet (OIF), trực thuộc Cơ quan Truyền thông Toàn cầu Hoa Kỳ (USAGM), là một cơ quan có mục tiêu chính là giúp người Trung Quốc vượt qua tường lửa của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Cơ quan này đã bị đóng cửa vào năm 2016.

    Theo Sound of Hope hôm 24/9, sau khi chính quyền Trump thay đổi lãnh đạo của Bộ phận truyền thông, văn phòng này đã được khởi động trở lại gần đây. Trên thực tế, chính phủ Hoa Kỳ đã thành lập Quỹ Công nghệ mở (OTF), là một quỹ đặc biệt để giúp người Trung Quốc vượt qua thành trì tường lửa từ 10 năm trước, tuy nhiên quỹ chưa phát huy tác dụng dưới thời ban lãnh đạo USAGM trước đó.

    Biểu tình lên cao ở Mỹ sau phán quyết về vụ Breonna Taylor


    Hôm thứ Tư, một bồi thẩm đoàn ở Louisville, Kentucky đã truy tố một sĩ quan cảnh sát vì tội vô cớ gây nguy hiểm liên quan đến vai trò của anh ta trong một cuộc đột kích “không gõ cửa” dẫn đến cái chết của Breonna Taylor, một kỹ thuật viên cấp cứu y tế da đen. Nhưng không có cáo buộc nào chống lại hai sĩ quan đã bắn cô. Người biểu tình đã đổ ra đường, như mọi lần trong những tháng gần đây.

    Hơn 100 người đã bị bắt. Hai sĩ quan bị bắn. Những sự việc này giờ trở nên quá quen thuộc. Các bồi thẩm đoàn đã từng quyết định không truy tố những sĩ quan giết Eric Garner hồi tháng 7 năm 2014 hay Michael Brown một tháng sau đó. Cả hai quyết định đều dẫn đến biểu tình quy mô lớn và kêu gọi cải cách chính sách của Mỹ. Song vẫn chưa có nhiều thay đổi và cảnh sát hầu như không hề hấn gì khi giết dân thường. Nếu không có gì mới, những chuyện như vậy sẽ còn lặp lại ở Mỹ.

    Trump chuẩn bị công bố đề cử thẩm phán tối cao

    Ngày mai, chỉ một tuần sau khi Ruth Bader Ginsburg qua đời — và vài ngày trước khi chôn cất vị thẩm phán kì cựu theo tư tưởng tự do — Donald Trump sẽ công bố lựa chọn thay thế bà trong Tòa án Tối cao. Năm người phụ nữ đang được xem xét bao gồm bốn thẩm phán tòa phúc thẩm (tất cả đều do ông Trump bổ nhiệm) và một phó cố vấn Nhà Trắng. Tất cả đều có mối quan hệ với Federalist Society, một tổ chức pháp lý bảo thủ chuyên đào tạo các luật sư trẻ.

    Với độ tuổi từ 38 đến 52, bất kỳ ai trong số 5 người này đều có thể phục vụ nhiều thập niên tại tòa án tối cao và đảo ngược nhiều tiến bộ trong bình đẳng giới và chủng tộc mà bà Ginsburg luôn ủng hộ với tư cách một nhà vận động và một thẩm phán. Người nổi bật nhất, Amy Coney Barrett, ủng hộ mạnh mẽ quyền sử dụng súng và phản đối phá thai kịch liệt. Có vẻ như mọi chuyện đã an bài. Sau một vài ngày bất định, có vẻ như đa số thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã sẵn sàng để xác nhận người được ông Trump chọn.

    Thụy Sĩ trưng cầu dân ý về hiệp ước tự do đi lại với EU


    Không giống như Anh, Thụy Sĩ thường tổ chức nhiều cuộc trưng cầu dân ý về cùng một vấn đề để mọi người có thể thay đổi ý kiến. Vào Chủ nhật, họ sẽ bỏ phiếu một lần nữa về câu hỏi mà họ đã từng cân nhắc hồi năm 2014: liệu có nên tái đàm phán quyền tự do đi lại với EU hay không. Vào thời điểm đó, 50,3% bỏ phiếu đồng ý, nhưng EU từ chối đàm phán và Thụy Sĩ phải nhượng bộ. Đề xuất mới cứng rắn hơn từ Đảng Nhân dân Thụy Sĩ (SVP) cánh hữu sẽ buộc chính phủ hủy bỏ hiệp ước tự do đi lại nếu không thể đạt được thỏa thuận mới trong vòng một năm.

    Tuy nhiên, hiệp ước có sự ràng buộc với sáu hiệp ước khác, bao gồm thương mại và hàng không. Một hiệp ước sụp đổ sẽ kéo theo tất cả. Điều đó có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế Thụy Sĩ. Lần này, các cuộc thăm dò cho thấy khoảng 60% người dân phản đối sáng kiến này. Hiện tại ít người lo lắng về vấn đề nhập cư hơn, và trong cuộc bầu cử năm ngoái, SVP cũng đã thua trước đảng Xanh. Các vấn đề khác trong lá phiếu bao gồm mua máy bay chiến đấu và việc cho phép săn chó sói dễ hơn.

    Đảng lớn thứ ba của Anh tổ chức hội nghị

    Hội nghị thường niên của Đảng Dân chủ Tự do bắt đầu hôm nay. Tháng trước, đảng đã bầu Sir Ed Davey làm lãnh đạo, lần thứ tư trong 5 năm. Ông nói các đảng viên “hãy ngửi mùi cà phê” và thức tỉnh trước thực tế rằng các cử tri nhận thấy họ quá xa rời thực tiễn sau ba cuộc tổng tuyển cử với kết quả tồi tệ. Hội nghị — được tổ chức trực tuyến — có thể khiến một số người thất vọng.

    Sẽ có một cuộc bỏ phiếu về việc bỏ cam kết cứng rắn của đảng đối với việc tái gia nhập EU sau Brexit, điều sẽ khiến nhiều thành viên ủng hộ ở lại EU tức giận. Đảng cũng phải đối mặt mối đe dọa từ Sir Keir Starmer, nhà lãnh đạo mới của Công đảng. Các cuộc thăm dò cho thấy một bộ phận lớn cử tri của đảng Dân chủ Tự do vào năm 2019 rất ủng hộ Sir Keir, một cựu luật sư nhân quyền ủng hộ chính sách ở lại EU. Có lẽ sẽ tốt hơn nếu hai bên hợp tác thay vì cạnh tranh nhau. Hầu hết các ghế mục tiêu của Đảng Dân chủ Tự do đều do đảng Bảo thủ nắm giữ, và nằm ở các vùng giàu có không có khả năng bỏ phiếu cho Công đảng.

    Thế giới ‘phát sốt’ vì vụ 320.000 bao cao su ‘tái chế’ ở Việt Nam

    Truyền thông và khán giả nước ngoài đang rất quan tâm một câu chuyện ở tỉnh Bình Dương, nơi cho hay đã đã bắt quả tang và thu giữ khoảng 324.000 bao cao su đã qua sử dụng đã tái chế và sắp tái chế.

    Thông tấn xã Việt Nam tường thuật: "Qua khai nhận, cứ mỗi tháng một lần, bà Ngọc nhận bao cao su đã qua sử dụng từ một người không rõ địa chỉ để súc rửa, phơi khô, phân loại và dùng dương vật giả để vuốt lại, tạo hình như mới và giao hàng đã gia công cùng ngày với nhận hàng gia công.

    Đoàn kiểm tra đã tạm giữ khoảng 324.000 đơn vị sản phẩm (360kg) tang vật gồm bao cao su đã qua sử dụng chưa tái chế và đã tái chế, chuyển cơ quan chức năng để xác minh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật."

    Câu chuyện đã được nhiều hãng tin quốc tế đưa tin.

    Không chỉ BBC News mà các báo như The Guardian, Independent, Daily Mail ở Anh cũng chạy tin này, trích nguồn của truyền thông Việt Nam.

    Kênh CNN của Hoa Kỳ và Đài truyền hình quốc gia Ba Lan TVP có bản tin nói về chuyện 'condom đã qua sử dụng, được tái chế' ở Bình Dương, Việt Nam.

    Tuy vậy, tin này đang gây thu hút với nhiều độc giả ở nước ngoài.

    Nhóm ủng hộ Biden đốt cháy nhà những người ủng hộ Tổng thống Trump ở Minnesota

    Một ngôi nhà của những người ủng hộ Tổng thống Donald Trump ở Trung tâm Brooklyn, Minnesota, đã bị tấn công vào đầu giờ sáng thứ Tư (23/9). Một bản tin từ Sở Cảnh sát Trung tâm Brooklyn lưu ý rằng những người cư ngụ trong nhà có một tấm biển “Trump 2020” khá lớn đã bị phá hủy”, theo tờ Breitbart.

    Deana Molla, chủ nhân của ngôi nhà bị phá hoại, đã chia sẻ những bức ảnh về vụ đốt phá và phá hoại qua Facebook. Theo cảnh sát, những kẻ tấn công đã phun sơn “Biden 2020”, “BLM (viết tắt của Black Lives Matter)” và viết hoa chữ “A” với một vòng tròn xung quanh, biểu tượng cho nhóm cánh tả Antifa.

    Cảnh sát địa phương và lực lượng cứu hỏa đã giải cứu ba con chó trong cũi và bốn con chó con nằm trong một nhà để xe, vốn đã bị thiêu rụi bởi những kẻ đốt phá. Sở Cảnh sát Trung tâm Brooklyn đã treo thưởng 5.000 đô la cho thông tin có thể dẫn đến việc xác định những người chịu trách nhiệm cho vụ cháy này.

    Thêm công ty Trung Quốc tại Úc sẽ cắt giảm nhân sự


    Gã khổng lồ địa ốc Trung Quốc Poly Developments and Holdings (PDH) sẽ cắt giảm nhân sự tại chi nhánh Úc trong bối cảnh suy thoái do đại dịch viêm phổi Vũ Hán và quan hệ giữa Bắc Kinh và Canbera trở nên xấu đi, theo SCMP.

    Vào chiều thứ Năm (24/9), Poly Australia, chi nhánh của PDH, đã nói với hơn 100 nhân viên tại các văn phòng ở Sydney và Melbourne rằng một số lượng “đáng kể” nhân sự sẽ bị cắt giảm vào cuối năm do công ty tái cơ cấu để đối phó với tác động của Covid-19 và chính sách của Australia.

    Một số người bình luận rằng, quyết định này cho thấy công ty bất động sản Trung Quốc bước vào suy thoái sau gần 30 năm phát triển.

    Maduro nói xấu Hoa Kỳ tại LHQ


    Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro hôm 23/9 cáo buộc Washington “gây hấn vô nhân đạo, và độc ác”, theo Fox News.

    “Thế giới phải biết rằng chúng tôi đã sẵn sàng chiến đấu với sức mạnh của lịch sử, tinh thần, lý trí và luật pháp quốc tế của chúng ta”, ông Maduro tuyên bố trong bài phát biểu được ghi âm trước từ Caracas. Ông đề cập đến những nỗ lực liên tiếp của Hoa Kỳ nhằm gây sức ép buộc ông từ chức, cũng như hàng loạt các lệnh trừng phạt Washington nhắm vào chính phủ thiên tả của ông ở Venezuela.

    Ông Maduro cũng lên án Mỹ cùng với hơn 50 quốc gia khác vì không công nhận ông là nhà lãnh đạo hợp pháp của Venezuela và thay vào đó thừa nhận lãnh đạo đối lập Juan Guiado là tổng thống lâm thời.

    Đài RFI đưa tin, trong một báo cáo được đưa ra vào hôm 16/9, các nhà điều tra Liên Hiệp Quốc cho rằng Tổng thống Maduro, và hai bộ trưởng Quốc phòng và Nội vụ đã “ra lệnh hay phối hợp hành động dẫn đến các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng”.

    Iran chỉ trích phát biểu của quốc vương Ả Rập tại LHQ


    Chính quyền Iran đã phản pháo phát biểu lên án Teheran của Quốc vương Ả Rập Xê Út tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, cáo buộc rằng bài phát biểu của vua Ả Rập là một “bài nói mê sảng”, theo Aljazeera ngày 24/9.

    Saeed Khatibzadeh, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Iran, cáo buộc Ả Rập Xê Út bóp méo sự thật và nói rằng nước này mới là “kẻ ủng hộ tài chính và hậu cần chính cho chủ nghĩa khủng bố trong khu vực”.

    Trước đó, trong một bài phát biểu hôm thứ Tư (23/9), Quốc vương Salman bin Abdulaziz đã kêu gọi Đại hội đồng Liên hợp, quốc gồm 193 thành viên, tìm kiếm một giải pháp toàn diện để đối phó với Teheran, lực lượng được xem là kẻ thù của Riyadh, và ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt.

    Vị quốc vương 84 tuổi của Ả Rập Xê Út cáo buộc rằng Iran đã lợi dụng thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với các cường quốc trên thế giới để “tăng cường các hoạt động bành trướng, tạo ra mạng lưới khủng bố và sử dụng chủ nghĩa khủng bố”.

    Mỹ và đồng minh sẽ trừng phạt Lukashenko


    Mỹ, Anh và Canada có kế hoạch áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân trong chính quyền của Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko vì gian lận trong bầu cử và có hành vi bạo lực chống lại những người biểu tình ôn hòa, sáu nguồn thạo tin nói với Reuters hôm thứ Năm (24/9).

    Bốn trong số các nguồn tin giấu tên cho biết, các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, Anh và Canada có thể được đưa ra sớm nhất vào thứ Sáu (25/9).

    Ông Lukashenko tuyên bố dành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống diễn ra ngày 9/8. Tuy nhiên, người dân cho rằng ông đã gian lận để tiếp tục được nắm quyền. Vì thế, họ đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình quy mô lớn yêu cầu ông từ chức. Phản ứng với động thái này, chính quyền Lukashenko đã cho bắt giữ hàng loạt các nhân vật lãnh đạo phe đối lập, cùng hàng nghìn người biểu tình, đồng thời kiểm soát truyền thông.

    Ông Lukashenko đã đột ngột tuyên thệ nhậm chức vào thứ Tư, trong một buổi lễ không được thông báo rộng rãi.

    Võ Thái Hà tóm lược

    Không có nhận xét nào