Header Ads

  • Breaking News

    Mỹ: Việc LS Tony Phạm làm giám đốc mới của ICE gây tranh cãi

    Tin ông Tony Phạm, một người Mỹ gốc Việt, được bổ nhiệm làm lãnh đạo cơ quan Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan (ICE) của Mỹ gây nhiều tranh cãi trong cộng đồng.

    Trong khi việc lên chức của ông được một số đồng hương ủng hộ, người khác tỏ ra chua chát, và nhiều người bày tỏ kỳ vọng rằng với nguồn gốc tị nạn, LS Tony Phạm sẽ có cái nhìn thông cảm hơn với những người nhập cư và tị nạn Việt Nam khác.

    Trả lời phỏng vấn của BBC News Tiếng Việt, ông Ngô Văn Hiếu, dân cư California, đồng sáng lập viên của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, bày tỏ:

    ''Việc bổ nhiệm LS Tony Phạm vào chức vụ Giám Đốc ICE này có cái hay và cái dở của nó. Nhưng càng nghĩ ta càng thấy sự oái ăm của sự kiện này.''

    ''Ông Tony vốn là một cậu bé theo gia đình di tản khỏi Việt Nam và được Mỹ cho định cư hợp pháp đến Mỹ. Nhưng việc một chính quyền nổi tiếng là khắt khe với người tị nạn, và di dân nhập cư bất hợp lệ, dùng một người cựu tị nạn để kiểm soát người nhập cư, trong đó có nhiều người xin tị nạn, thì thật là oái ăm.''

    Ngay sau khi tin bổ nhiệm của Tony Phạm được công bố hôm 26/8, Tracy La, giám đốc điều hành của tổ chức VietRISE, gửi một thông cáo báo chí, kêu gọi ông Tony nhớ đến xuất xứ tị nạn:

    "Với tư cách là một tổ chức đấu tranh của giới trẻ người Việt trong cộng đồng người Việt lớn nhất Hoa Kỳ, do những thanh niên đã chứng kiến nỗi kinh hoàng do ICE gieo rắc ở Little Saigon, California, lãnh đạo, chúng tôi khẩn cầu ông Tony Phạm hãy nhớ đến xuất thân tị nạn của mình, và làm điều đúng đắn, bằng cách tôn trọng nhân quyền của tất cả những người nhập cư và tị nạn.''

    Không chỉ kêu gọi, VietRISE còn liệt kê rõ những điều tổ chức này mong đợi sẽ được ông Tony Phạm thực hiện:

    "Nếu ông Phạm còn chút trung thành với người tị nạn, ông sẽ bắt đầu bằng việc tuyên bố đóng cửa các trại tù di cư của ICE, tạm dừng mọi hoạt động trục xuất trong thời kỳ đại dịch, chấm dứt sự thông đồng của ICE với các nhóm thù hắn và ngay lập tức thả tất cả những người đang bị giam trong trại tập trung người nhập cư. Làm theo cách khác có nghĩa là ông quay lưng lại với những người tị nạn và đứng về phía một cơ quan chính phủ bất hảo vốn chỉ cho thấy mình là mối đe dọa trong cộng đồng của chúng ta."


    Cảnh sát của ICE lùng bắt người nhập cư bất hợp pháp

    Được hỏi về kỳ vọng LS Phạm sẽ có cách đối xử thông cảm hơn với những người Việt tị nạn có nguy cơ bị trục xuất, ông Ngô Văn Hiếu trả lời:

    ''Hy vọng là như vậy. Nhưng chức vụ Giám Đốc tuy cao và quan trọng nhưng cũng chỉ là một vị trí thừa hành. Cho nên chỉ sợ là ông Tony vì "ăn cơm chúa phải múa tối ngày" mà phải cố đắc lực làm vừa lòng TT Trump và các thành phần chống di dân ủng hộ Trump.

    ''Chắc chúng ta còn nhớ vụ GS Đinh Việt, Thứ Trưởng Bộ Tư Pháp, cũng đã từng giúp chính quyền TT George W. Bush soạn bộ luật Patriot Act 2001, trong đó có một số điều hạn chế nhân quyền. Ông Việt vốn là người tị nạn vì bị CSVN chà đạp nhân quyền sau 1975; vậy mà đến 2002, ông lại sốt sắng giúp TT Bush ra luật vi phạm nhân quyền.''

    Ông Hiếu khẳng định:

    ''Với vai trò này LS Tony Phạm dù có muốn giúp người tị nạn thì cũng không làm gì được nhiều cho họ. Ông ta có thể tự an ủi rằng mình không làm ICE Director thì cũng có kẻ khác làm. Nhưng, hiện nay ngày bầu cử Tổng Thống và Quốc Hội cũng sắp tới, nếu TT Trump và phe bảo thủ kiểm soát QH thì ông Tony hay ai làm ICE Director thì người xin tị nạn đến Mỹ và người di dân sẽ bị hạn chế và khó khăn; nếu phe đối lập thắng thì tôi nghĩ luật lệ sẽ dễ dãi hơn.''

    Bàn tán trên mạng xã hội

    Cả việc ông Tony Phạm được chỉ định lãnh đạo cơ quan Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan (ICE) Mỹ lẫn những kỳ vọng về ông tạo nhiều phản ứng trái chiều từ nhiều giới trên Facebook.Trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt, Facebooker Nina Hoabinh Le viết trên trang cá nhân:

    ''Tôi không thể nào hiểu tại sao lại có người nói rằng họ hãnh diện khi thấy Tony Phạm được chỉ định để lãnh đạo ICE. Tôi có sai hay không biết điều không?''

    Facebooker Anh Thu Nguyen, cũng trên Facebook cá nhân viết:

    ''Mọi người thấy tin này chưa? Tôi rất lo là truyền thông cánh hữu Việt sẽ dùng việc nay để thúc đẩy lập luận chống di dân của họ, vì người Việt đã định cư lâu đời ở Mỹ.''

    Cựu nghị viên thành phố San Jose, LS Tâm Nguyễn bình luận: ''Dùng tị nạn trục xuất tị nạn, chỉ có Trump mới xuất độc chiêu như thế.''

    Facebooker Sunny Do nêu ý kiến: ''Nếu ông ta sẽ có những cải tổ khiến ICE tốt hơn thì sao? Mọi người chưa gì đã ghét ông ta chỉ vì ông ấy là người Việt. Thiệt tình.''

    Facebooker Đức Nguyễn vạch ra: ''Ông Tony Phạm là người tị nạn hợp pháp hoàn toàn khác với người nhập cư bất hợp pháp.''

    Về điểm ''người tị nạn hợp pháp hoàn toàn'' Facebooker Hiếu Văn Ngô phân tích:

    ''Cần nói thêm là người tị nạn chính trị ra đi từ Việt Nam được chính phủ Mỹ và CSVN thỏa thuận trước thì coi như "di cư hợp pháp" từ Việt Nam đến Mỹ.

    Nhưng nếu người đó tới Thái hay một nước thứ hai nào khác để xin tị nạn tới Mỹ, tuy Công Ước Tị Nạn cho phép quyền xin tị nạn, thì cũng có thể bị Thái hay Mã Lai xem là nhập cư bất hợp pháp. Dĩ nhiên khi được Mỹ cho phép đến Mỹ tị nạn (tạm cư với I-94) thì hợp pháp. Cho nên những người từng đến Mỹ hợp pháp (sau khi đến Thái, Mã, Phi, v.v… bất hợp pháp) rồi sau đó mạnh miệng hùa theo đám "chống di dân" để ngược đãi những người từ Trung và Nam Mỹ vượt biên đến Mỹ thì thật là oái ăm cay đắng.''

    Việc ông Tony Phạm được thăng chức diễn ra trong bối cảnh Bộ An ninh Nội địa (DHS) có nhiều thay đổi về nhân sự.

    Thông báo hôm thứ Ba của Tổng thống Trump cho biết ông đang đề cử quyền Bộ trưởng An ninh Nội địa Chad Wolf vào vị trí bộ trưởng. Ông Chad Wolf đã đảm nhận vị trí quyền bộ trưởng trong suốt 10 tháng.

    Tình trạng ICE liên tục thay đổi nhân sự có lẽ khiến việc luật sư Tony Phạm được bổ nhiệm thu hút chú ý‎ và gây tranh cãi của cả dân Mỹ.

    Đặc biệt, trên diễn đàn Reddit, tin này cũng được bàn tán rôm rả.

    Người ký‎ tên Mystery_Biscuits bình luận một cách lạc quan:

    ''Một người chắc chắn là đã hưởng lợi từ Đạo Luật Di Trú Và Quốc Tịch [Immigration and Nationality Act, gọi tắt là INA] năm 1965, đạo cho người tị nạn cơ hội nhập tịch Mỹ. Tôi tin chắc rằng ông ấy sẽ mở rộng quan điểm nhân từ tương tự dựa vào thẩm quyền của mình!''

    Người ký‎ tên Serene Chapter không đồng ‎ ý:

    ''Không. Đừng hòng! Ông ta sẽ là một người thiểu số thúc đẩy các chính sách khắc nghiệt chống lại người thiểu số và sẽ được đảng Cộng hòa coi là miễn nhiễm với những cáo buộc là phân biệt chủng tộc hoặc bài ngoại.''

    Người k‎ý tên Lawyxr nhận xét:
    y không phải là tin tốt tí nào.''

    Giới chống chính sách di dân của TT Trump biểu tình đòi dẹp bỏ ICE

    Nhưng tại sao việc một người Mỹ gốc Việt được chỉ định lãnh đạo cơ quan Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan (ICE) lại khiến dư luận xôn xao và có vẻ lo lắng nhiều hơn phấn khởi?

    Theo tổ chức Southeast Asia Resource Action Center (SEARAC), trong nhiệm kỳ của ông Trump, việc trục xuất người Đông Nam Á đã tăng lên ở mức báo động. Trong năm tài chính 2017, số người bị trục xuất trong cộng đồng người Việt gia tăng mạnh mẽ, với 71 người so với 35 người năm 2016.

    Thêm vào đó việc ông Tony Phạm được đề cử xảy ra trong một thời điểm đặc biệt khó khăn khi nhiều người đang phải quay cuồng với tình trạng kinh tế và sức khỏe suy thoái của đại dịch. Đầu tháng này, ICE đã trục xuất 30 người Mỹ gốc Việt, bao gồm một số người tị nạn được cho là được bảo vệ theo thỏa thuận năm 2008 giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.

    Luật sư Tony Phạm là ai?

    Trong thông cáo gửi đi hôm 26/8, ICE viết:

    "Là một nhà lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm của DHS, Tony sẽ đảm bảo ICE tiếp tục bảo vệ biên giới của đất nước chúng ta khỏi tội phạm và nhập cư bất hợp pháp. Pham, người gia nhập ICE vào tháng Giêng 2020, sẽ là quan chức cao cấp thực hiện các nhiệm vụ của giám đốc cơ quan.''

    Tiểu sử của LS Tony Phạm đăng trên trang web của ICE cho biết người vừa được bổ nhiệm đứng đầu tổ chức này sinh ra ở Sài Gòn và đến Hoa Kỳ tị nạn năm 1975. Ông Tony Phạm chính thức trở thành công dân Hoa Kỳ mười năm sau đó vào năm 1985.''

    "Khi tôi đến quốc gia này để tìm kiếm hy vọng và cơ hội với tư cách là người tị nạn, tôi đã ký một giấy nợ với nước Mỹ. Tôi mắc một khoản nợ cho các quyền tự do và cơ hội của mình, một món nợ cần phải trả. Tôi sẽ trả nợ bằng cách cam kết với cộng đồng của mình với tư cách là một công dân có đạo đức và truyền lại kinh nghiệm và cơ hội của mình để phục vụ những người xung quanh." Trang mạng của ICE trích lời LS Tony Phạm.

    Trước khi gia nhập cơ quan ICE với tư cách là một công tố viên, LS Tony Phạm từng làm luật sư cho các quan chức chính quyền địa phương ở Virginia. Sau đó, ông tiếp tục làm giám đốc tại Nhà tù Khu vực Bán đảo Virginia.

    Một quan chức cấp cao của Bộ An ninh Nội địa nói với CNN rằng Phạm "rất phù hợp với chính quyền hiện tại".

    Cơ quan ICE không phản hồi yêu cầu bình luận của BBC News Tiếng Việt.

    https://www.bbc.

    Không có nhận xét nào