Header Ads

  • Breaking News

    Những nền tảng của xã hội tự do ( kỳ3)

     Eamonn Butler

    Phạm Nguyên Trường dịch

    Toàn bộ sẽ được đăng làm 3 kỳ.

    3.            Các thiết chế của xã hội tự do

    Xã hội không cần nhà nước

    Tự do và văn hóa

    Trong xã hội tự do, phần lớn đời sống của người dân diễn ra mà hoàn toàn không cần tới chính phủ. Đây không chỉ là câu chuyện tiếu lâm cổ xưa của Ấn Độ: “Kinh tế phát triển vào ban đêm - khi chính phủ đang ngủ”. Đúng hơn là, chính phủ không có vai trò gì trong hầu hết các hoạt động thực sự quan trọng đối với nhân dân.

    Người dân trong xã hội tự do không phải là những cá nhân cô lập, cách ly với nhau. Ngược lại, họ là những con người xã hội. Họ tìm ra những biện pháp kết hợp với những người khác, cố gắng làm ăn với những người khác, và cộng tác với những người khác bằng nhiều cách khác nhau. Họ có thể là thành viên tích cực của các nhóm tôn giáo. Họ liên kết với những người khác trong câu lạc bộ và hội đoàn, đấy là những người cùng thích những thứ giống nhau, như ca hát, đọc sách, nấu ăn, câu cá, chơi và xem thể thao hoặc thu thập những thứ gì đó. Họ liên kết và hình thành các nhóm với những người khác tương tự như mình, đấy có thể là thanh niên, người già, bạn học, những người mới có con hoặc cùng bị khuyết tật nào đó. Họ có thể quản lí bếp ăn hay ký túc xá dành cho người nghèo và người vô gia cư. Đây được gọi là xã hội dân sự.

    Và mặc dù người dân trong các xã hội tự do hơn được hưởng quyền tự do hành động và tự do đi lại, công dân của những xã hội đó thường chia sẻ và tôn trọng những giá trị, các nền văn hóa và truyền thống chung. Những con người tự do, đặc biệt là thanh niên, đôi khi có thể thách thức những lối sống, những cách làm cũ - và đấy là con đường tìm ra những cách làm tốt hơn và tiến bộ cũng diễn ra bằng cách đó. Nhưng tự do không phải là kẻ thù của văn hóa. Ngay cả những người nhập cư không có chung nền văn hóa đặc biệt nào đó cũng phải, chí ít, tôn trọng các nền văn hóa đang thịnh hành, đấy là nói nếu muốn được chấp nhận vào xã hội. Họ có thể phải học ngôn ngữ, nếu họ muốn có việc làm. Và trong thời gian đầu, họ có thể chưa hiểu được các truyền thống và các nguyên tắc đạo đức của đất nước cưu mang mình, nhưng họ sẽ phải học một cách nhanh chóng, đấy là nói nếu họ muốn tránh vi phạm luật lệ và muốn thịnh vượng. Họ sẽ không bị phân biệt đối xử: Trong xã hội tự do, mọi người đều được đối xử bình đẳng. Nhưng dân bản địa - hoặc bất kì người nào khác - không phải tìm cách kết hợp với người khác nếu họ thấy khó chịu, hoặc thấy đấy là những người không tôn trọng cách sống của mình hoặc những người không thể giao tiếp với mình.

    Con người ai cũng muốn kết hợp với người khác và cần quan hệ đó, coi đó là cách đảm bảo cơ hội và thúc đẩy quyền lợi riêng của mình. Vì thế, không có quan hệ là bất lợi lớn. Người dân trong xã hội tự do có thể không chia sẻ tất cả các giá trị của nhau, nhưng trong các giao tiếp giản dị giữa người với người, cần phải có thái độ khoan dung với những khác biệt đó. Trong xã hội tự do, mọi người có quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận và tự do hành động, nhưng cũng cần tôn trọng nền văn hóa, đạo đức và truyền thống hiện hành.

    Ai cần chính phủ?

    Một mạng lưới phi chính thức của các quyền lợi chung, hợp tác, nghĩa vụ, lòng tin và phụ thuộc lẫn nhau làm cho đời sống của chúng ta phong phú thêm rất nhiều. Nhưng nó hoạt động mà không cần chính phủ. Chúng ta hợp tác với nhau, và phát triển thịnh vượng nhờ sự kiện là chúng ta là thành viên của các nhóm khác nhau, mà không cần bất kì cơ quan nào tham gia vào.

    Ngay cả trong lĩnh vực pháp luật, lĩnh vực mà người ta có thể nghĩ là chức năng không thể phủ nhận của chính phủ, chúng ta cũng quyết định hầu như tất cả mọi vấn đề trong quan hệ giữa chúng ta với nhau. Hợp đồng trong xã hội tự do không do nhà nước xây dựng và áp đặt, mà được các bên liên quan soạn thảo, họ chính là những người thảo ra những điều kiện mà họ sẵn sàng chấp nhận và tự nguyện đồng ý với nhau. Các bên kí kết hợp đồng thường đồng ý để trọng tài độc lập chứ không muốn các tòa án của nhà nước giải quyết các tranh chấp giữa họ với nhau; tòa án của nhà nước có thể vừa chậm hơn, vừa tốn kém hơn và thiếu công bằng hơn là trọng tài tư nhân.

    Nó giúp tạo ra những mối quan hệ hợp tác xã hội và phi chính thức nếu dân số tương đối đồng nhất. Nếu tuyệt đại đa số người dân đều là người cùng chủng tộc hay tôn giáo, họ sẽ có các các giá trị chung và dễ dàng thỏa thuận với nhau. Các chế độ thuộc địa và những cuộc hội nghị quốc tế thời hậu chiến vẽ lại những đường ranh giới truyền thống và gộp những nhóm sắc dân khác nhau lại với nhau đã không giúp cho người ta dễ dàng tìm được thỏa thuận. Thời gian gần đây, nhiều nước bị xâu xé bởi những cuộc xung đột, như Syria, Libya, Lebanon hay Iraq; cách đây một thế kỉ, chưa hề có những nước như thế; đấy là sản phẩm của các chính trị gia chứ không phải là sản phẩm của nhân dân. Người Anh cũng đã mắc sai lầm tương tự ở châu Phi và tiểu lục địa Ấn Độ, họ đã ghép đại những nhóm bộ tộc hay sắc tộc vào cùng một chính quyền thuộc địa.

    Không có gì ngạc nhiên là có rất nhiều quốc gia bất ổn, chính phủ những quốc gia đó thậm chí còn không thể bảo vệ được tính mạng và tài sản của công dân nước mình. Xã hội tự do và nền kinh tế tự do phải phát triển trên mảnh đất đầy sỏi đá như thế. Một khi nền văn hóa của sự hợp tác bị phá vỡ, không có sự tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau làm cơ sở hợp tác thì thiết lập lại nền văn hóa như thế là công việc không dễ dàng. Điều tốt nhất mà ta có thể hi vọng là các nhóm khác nhau có thể dàn xếp để cùng tồn tại, ngay cả khi họ không thực sự hợp tác được với nhau. Nhưng cùng tồn tại và hợp tác giữa các nhóm người khác nhau sẽ dễ dàng hơn nhiều, nếu thiết lập được các điều kiện của xã hội tự do, với triển vọng là xã hội tự do sẽ đem lại lợi ích cho tất cả các bên.

    Tại sao chính phủ phải được giới hạn

    Chính phủ phải làm gì?

    Hiện nay, chẳng mấy người còn tin rằng chính phủ phải kiểm soát mọi mặt đời sống của chúng ta. Tất cả chúng ta đều tin rằng vai trò của chính phủ phải bị hạn chế theo cách nào đó. Hầu như mọi người đều chấp nhận rằng chúng ta cần chính phủ quyết định hoặc làm những việc phải được quyết định hoặc phải làm theo lối tập thể, nhưng chính phủ không nên can thiệp vào những việc mà chúng ta có thể tự mình làm rất tốt. Và hầu hết những người có tư duy đều kết luận rằng, muốn ngăn chặn các nhà lãnh đạo, không cho họ vượt quá thẩm quyền được giao thì phải đặt ra một số giới hạn.

    Vấn đề không phải là chính phủ lớn đến mức nào, mà là phải giải quyết và làm những việc gì, và, chính phủ quyết định và làm như thế nào. Vì xã hội tự do và nền kinh tế của nó dựa vào lòng tin, đương nhiên là, công dân của các xã hội tự do kì vọng rằng chính phủ của họ sẽ bảo vệ mình nhằm chống lại gian lận và trộm cắp. Nhưng chúng ta sẽ không muốn nhà chức trách bỏ tù chung thân những người trốn vé xe buýt, cũng như không phải đặt camera theo dõi nhà của từng người để xem họ có tải nhạc một cách bất hợp pháp từ các website hay không. Hành động của chính phủ phải cân xứng với vấn đề.

    Một lí do nữa, vì sao phải giới hạn phạm vi hoạt động của chính phủ là những quyết định của cá nhân - về việc liệu có nên mua bán một món hàng cụ thể nào đó hay không, nói ví dụ thế - là quyết định hoàn toàn tự nguyện. Nhưng quyết định do chính phủ đưa ra - ví dụ, cấm người dân buôn bán loại hàng hóa cụ thể nào đó - thì phải sử dụng bạo lực một cách hữu hiệu. Sử dụng bạo lực là ác, ngay cả đôi khi đấy là cái ác cần phải làm. Khi đưa ra quyết định về chính trị, chúng ta phải cân nhắc giữa lợi ích mà quyết định đạt được so với cái ác của vũ lực mà quyết định này sử dụng. Chúng ta không được chạy theo lợi ích mà không nghĩ đến thiệt hại.

    Cả đời sống kinh tế lẫn đời sống xã hội đều cần tự do để phát triển. Đời sống phát triển thông qua quá trình tiệm tiến của những thử và sai ở quy mô nhỏ. Biết bao nhiêu nhà sáng chế đang thử thực hiện nhiều ý tưởng khác nhau - ví dụ, sản phẩm mới hoặc phương pháp giảng dạy mới. Những ý tưởng không có ích sẽ nhanh chóng bị bỏ lại, nhưng những ý tưởng làm cho cuộc sống tốt đẹp lên sẽ được những người khác bắt chước và truyền bá. Nhưng chính phủ kiểm soát các thiết chế kinh tế và xã hội sẽ phủ nhận tất cả những người sáng tạo: Các quá trình thử và sai liên tục và từ từ sẽ bị chậm lại.

    Hơn nữa, khi các chính phủ can thiệp, họ thường hành động trên quy mô lớn. Họ quyết định cho toàn dân về những vấn đề, ví dụ, phải sản xuất những sản phẩm nào hay phải áp dụng phương pháp giảng dạy nào. Chắc chắn, điều đó sẽ làm cho đổi mới cũng như tiến bộ bị chậm lại. Còn khi các chính phủ sai - chắc chắn họ sẽ sai - thì sai lầm là rất lớn, sai lầm mang tính thảm họa.

    Tại sao lại cần chính phủ?

    Có nhiều lí do để chính phủ làm một số việc nhất định. Chúng ta có thể cần chính quyền quyết định và thực thi một số luật lệ thiết yếu, liên quan đến cách chúng ta hành động - ví dụ, quyết định lái xe bên phải hay bên trái hoặc bảo đảm rằng chúng ta tôn trọng những hợp đồng đã kí kết.

    Ngoài ra, có thể có một số dự án mà nếu làm thì sẽ có lợi cho tất cả mọi người, nhưng không ai có khả năng làm (hoặc làm tốt). Đây là cái gọi là hàng hóa công cộng. Ví dụ, quốc phòng và an ninh: Cải thiện an ninh mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, tại sao một người nào đó phải tự nguyện làm? Ví dụ khác là nạn ô nhiễm không khí đến nghẹt thở trong các thành phố ở nhiều nước đang phát triển. Sử dụng nhiên liệu không khói để đun nấu, lắp hệ thống lọc than hoạt tính cho xe ô tô và lắp bộ lọc chất thải lên ống khói nhà máy có thể giúp giải quyết vấn đề này và làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Nhưng người ta sẽ không tự nguyện chi cho việc đó, khi họ biết rằng tất cả những người khác đơn giản là “ăn không”, và được hưởng không khí sạch hơn trong khi họ phải chi phí. Vì vậy, chúng ta có thể quyết định những vấn đề như thế bằng biện pháp chính trị và buộc tất cả mọi người phải giảm ô nhiễm mà họ gây ra hoặc buộc tất cả mọi người đóng thuế để nuôi cảnh sát và lực lượng an ninh. Lúc đó chúng ta sẽ làm được những việc có lợi cho mọi người, nhưng thị trường không thể cung cấp được.

    Một số người ủng hộ tự do - chúng ta có thể gọi họ là những người theo phái tự do cá nhân - khẳng định rằng chúng ta hoàn toàn không cần chính phủ. Họ nói rằng các xã hội tự do rất giỏi trong việc tìm những biện pháp hợp tác và biện pháp nhằm mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, ví dụ, từ thiện hoặc tìm ra những biện pháp thông minh nhằm chặn đứng hiện tượng “ăn không” để chỉ những người trả tiền mới được hưởng lợi ích. Họ thậm chí còn không tin rằng chúng ta cần chính phủ buộc các bên thực hiện hợp đồng hoặc bảo vệ đời sống của chúng ta, không để cho người khác tấn công và tài sản không bị trộm cắp. Những người theo phái tự do cá nhân cho rằng các cá nhân hoặc nhóm người có thể tự mình làm tốt tất cả những việc đó.

    Những người ủng hộ xã hội tự do khác - tự do cổ điển - khẳng định rằng, ít nhất cũng cần một số quyết định chính trị và một số quyền lực của chính phủ để bảo vệ chúng ta, để buộc mọi người thực thi các thỏa thuận và để cung cấp hàng hóa công cộng - mặc dù, chính phủ chỉ nên giới hạn ở những chức năng này mà thôi. Tuy nhiên, những người theo phái tự do cá nhân vẫn sợ rằng chính phủ sẽ “có voi đòi tiên” : hầu như tất cả các chính phủ trên thế giới hiện nay đều tìm được vai trò cho mình - xã hội phải trả tiền - vượt xa các chức năng cốt lõi vừa nói.

    Những quan điểm về tự do cá nhân và tự do kinh tế

    Quyết định vai trò của chính phủ nên mở rộng đến đâu không phải là vấn đề đơn giản gây chia rẽ giữa phái “tả” và phái “hữu”. Người ta không chỉ bất đồng về việc quyết định phải do cá nhân hay tập thể đưa ra, mà còn bất đồng về việc có nên áp dụng cho cả những quyết định mang tính cá nhân và những quyết định về kinh tế hay không.

    Chúng ta có thể thấy bốn quan điểm khác nhau như sau.

                 Chúng ta có thể gọi nhóm thứ nhất là những người theo phái cá nhân chủ nghĩa. Những người này cho rằng cá nhân phải được tự do đưa ra quyết định của mình cả về cuộc sống cá nhân lẫn kinh tế.

                  Nghịch hẳn lại là những người ủng hộ chế độ độc tài, tức là những người ủng hộ việc kiểm soát tập thể cả hành vi cá nhân lẫn hành vi kinh tế.

                  Nhóm thứ ba là những người ủng hộ tự do cá nhân trong các quyết định kinh tế nhưng ủng hộ thẩm quyền của tập thể trước những lựa chọn mang tính cá nhân của người dân. Có thể gọi họ là những người bảo thủ (mặc dù, trong những nền văn hóa khác nhau, thuật ngữ này có những ý nghĩa khác nhau). Hỗn hợp giữa tự do về mặt kinh tế và kiểm soát về mặt xã hội là đặc trưng phổ biến ở nhiều nước châu Á.

                  Nhóm cuối cùng là những người muốn kiểm soát theo lối tập thể đời sống kinh tế, nhưng để cho các cá nhân tự sống theo ý mình (ở Mĩ nhóm này được gọi là những người theo phái tự do).

    Rất khó định danh chính xác nhóm cuối cùng này. Ở Mĩ, người ta gọi đây là những người theo phái tự do, nhưng sử dụng thuật ngữ như thế là rất sai. Ở hầu hết các nước khác, tự do nghĩa là tự do cổ điển - tư tưởng cho rằng cần phải có một số quy định của chính phủ, nhưng phải để cho người dân quyết định phần lớn những vấn kinh tế và cá nhân của mình. Trên thực tế, thuật ngữ này đã bị các chính trị gia Mĩ và các nhà khoa bảng tin vào quyền tự do cá nhân nhưng lại muốn chính phủ kiểm soát nhiều hơn đời sống kinh tế đánh cắp.

    Câu hỏi: Chắc chắn là chính phủ phải cung cấp những thứ như quốc phòng?

    Trả lời: Không. Chắc chắn có một số việc phải được quyết định theo lối tập thể, ví dụ, có tiến hành chiến tranh hay không, nhưng có rất ít việc tư nhân không thể cung cấp. Nhiều nước đã giao cho các công ti tư nhân một số việc trong lĩnh vực quốc phòng, đấy là các công ti sản xuất xe cộ, tàu thủy, máy bay, thiết bị, xây dựng và bảo dưỡng doanh trại, cung cấp thực phẩm và dịch vụ hậu cần.

    Cách đây chưa lâu chúng ta thường nghĩ rằng chỉ chính phủ mới có thể làm được những dịch vụ như bưu chính, quản lí hệ thống điện thoại, vận hành hệ thống đường sắt, cung cấp nước, khí đốt và điện, xây dựng đường giao thông, bệnh viện và nhà tù, hoặc thậm chí là sản xuất sắt thép và xe ô tô. Bây giờ các công ti tư nhân đã làm được tất cả những việc này. Và, vì có cạnh tranh, họ phải có chất lượng cao hơn.

    Tất cả những đoạn mô tả ngắn trên chỉ là mô tả rất thiếu chính xác phổ các quan điểm về những vấn đề kinh tế và xã hội trên thực tế. Thậm chí, trong mỗi nhóm cũng có một loạt các quan điểm khác nhau (Ví dụ, trong số những người theo phái cá nhân chủ nghĩa có người ủng hộ quan điểm tự do cá nhân, tức là đòi tự do hoàn toàn, nhưng cũng có những người ủng hộ tự do cổ điển, tức là công nhận vai trò giới hạn của chính phủ. Trong số những người ủng hộ độc tài, cũng có người theo phái toàn trị, lại có những người ủng hộ quyền lực của nhà nước, tức là những người công nhận vai trò hạn chế của quá trình ra quyết định của cá nhân).

    Tuy nhiên, sẽ có ích nếu nhận thức được rằng các quan điểm chính trị được mô tả bằng phổ đơn giản “tả-hữu” là không chính xác, mô tả như thế sẽ vơ những người có quan điểm hoàn toàn khác nhau về xã hội vào cùng một mớ. Còn có ích hơn nếu ta suy nghĩ về việc người ta cho rằng cần bao nhiêu tự do trong hai phần khác nhau của đời sống - đời sống kinh tế và đời sống cá nhân.

    Tại sao lại là lựa chọn mang tính cá nhân?

    Có những lí do mạnh mẽ để ủng tự do, cả trong lĩnh vực kinh tế lẫn đời sống cá nhân. Thứ nhất, người dân biết nhu cầu của họ tốt hơn hẳn các chính phủ ở xa. Họ cảm nhận được những niềm hi vọng, những nỗi sợ hãi, những ước mơ, khát vọng, nhu cầu, mong muốn và tham vọng của chính mình. Họ nhận thức rõ ràng hơn về hoàn cảnh của mình, của bạn bè mình, của gia đình mình và của cộng đồng mà họ yêu mến và tìm cách giúp đỡ. Họ biết rõ hơn những cơ hội đang mở ra trước mắt và những vấn đề mà những hành động khác nhau có thể gây ra. Vì vậy, họ là những người có đủ tư cách nhất trong việc đưa ra những quyết định liên quan tới cuộc sống và tương lai của chính mình.

    Ngoài ra, quan điểm đạo đức còn nói rằng những người để cho người khác quyết định cuộc sống của mình không phải là con người trọn vẹn mà chỉ là những người nô lệ. Và, khi không chịu trách nhiệm cá nhân trước những việc đã và đang xảy ra, người ta sẽ không bao giờ học được bài học từ những thành công và sai lầm của mình. Họ có thể bị những chính sách sai lầm do chính quyền đưa ra làm cho đau khổ, nhưng không thể ngăn chặn việc đó xảy ra lần nữa, vì vậy mà cũng không có lí do để thử làm. Nhưng, những người được hưởng lợi từ những thành công của mình, và phải trả giá cho những sai lầm, có động lực mạnh mẽ để làm lại những việc có hiệu quả và tránh những việc sai lầm.

    Đa dạng thúc đẩy tiến bộ

    Ngoài ra, đa dạng còn mang lại lợi thế. Những người được tự do quyết định sẽ hành động theo nhiều cách khác nhau. Họ có thể lựa chọn những hành động mà họ nghĩ là đúng cho hoàn cảnh của riêng của mình. Họ có thể thử những cách sống khác nhau - “những thí nghiệm trong quá trình sống”, triết gia người Anh, John Stuart Mill, viết như thế trong tiểu luận On Liberty, năm 1859 . Một số thí nghiệm có thể thành công, một số khác thì không. Nhưng tất cả chúng ta đều có thể học hỏi được từ những thí nghiệm đó, nó giúp chúng ta tiến bộ hơn, việc gì hiệu quả thì làm thêm, việc gì không hiệu quả thì làm ít đi.

    Trong xã hội độc tài, ngược lại, chỉ có một cách làm, vì các quyết định được ban hành theo lối tập thể. Bất kì sai lầm nào cũng là thảm họa đối với tất cả mọi người. Và ngay cả khi cách giải quyết của chính quyền dẫn tới thành công, thì chúng ta cũng không được phép thử những cách làm khác, có thể có hiệu quả hơn. Quá trình ban hành quyết định sẽ chậm hơn và quan liêu hơn. Trong thế giới đó, tiến bộ sẽ diễn ra một cách chậm chạp và thường là đầy đau đớn.

    Trong nền kinh tế tự do, các nhà sản xuất nhận được thông tin phản hồi liên tục từ khách hàng. Mỗi giây phút, trong mỗi ngày, người dân lựa chọn các sản phẩm mà họ thích hơn những sản phẩm khác. Họ không ngừng so sánh giá cả, độ tin cậy, kích thước, hình dạng, màu sắc và nhiều tính chất khác của mỗi sản phẩm mà họ mua. Những sở thích đa dạng như thế ngay lập tức được chuyển đến các nhà sản xuất, những người này sẽ biết món nào bán được còn món nào thì không. Biết rằng đối thủ cạnh tranh cũng đang làm như thế, các nhà cung cấp sẽ tìm cách sản xuất thật nhanh, thật nhiều những món hàng mọi người muốn mua và sản xuất ít hơn những món hàng mọi người không muốn mua. Và họ sẽ được khuyến khích thử giới thiệu những sản phẩm mới và khác biệt với hi vọng là khách hàng sẽ thích mua hơn nữa.

    Một lần nữa, nền kinh tế mà chính quyền quyết định phải sản xuất cái gì thì ngược lại. Không quan trọng là chính quyền kiểm soát toàn bộ nền kinh tế hay chỉ kiểm soát một phần, sự kiện thường xảy ra là: Quá trình quyết định phải sản xuất cái gì và sản xuất như thế nào vẫn là công việc chậm chạp và vụng về. Trong trường hợp tốt nhất, khách hàng có khả năng thể hiện sự lựa chọn của mình vài năm một lần, đấy là tại các cuộc bầu cử. Nhưng họ sẽ không bỏ phiếu về các sản phẩm riêng biệt và phẩm chất của chúng: Nếu được lựa chọn thực sự, họ sẽ bỏ phiếu cho cả gói chính sách, có thể bao gồm tất cả mọi thứ, từ quốc phòng, giáo dục và y tế cho đến thủy lợi, nông nghiệp và giao thông nông thôn. Chính quyền sẽ chẳng nhận được cái gì tương tự như phản hồi thường xuyên, có tính khích lệ, mà khách hàng đưa ra cho các nhà cung cấp trong nền kinh tế thị trường. Có rất ít áp lực lên chính quyền để buộc họ phải đổi mới và người tiêu dùng không nhận được những thứ họ thực sự mong muốn.

    Ảnh hưởng tiêu cực của chính sách can thiệp

    Hiện nay, còn rất ít nước mà chính phủ quản lí - hay thậm chí cố gắng quản lí - toàn bộ nền sản xuất của quốc gia. Phổ biến hơn là chính phủ kiểm soát các lĩnh vực cụ thể - đặc biệt những lĩnh vực được coi là cực kì cần thiết, ví dụ, y tế, giáo dục, nông nghiệp hay cảnh sát - hoặc tìm cách định hướng sản xuất bằng các khoản trợ cấp, giá trần và quy định về điều kiện kinh doanh.

    Ngay cả khi chính phủ tìm cách quản lí chỉ một vài lĩnh vực, quá trình ra quyết định cũng vẫn chậm chạp và vụng về, nhất là, nếu đấy là những lĩnh vực có vai trò đặc biệt quan trọng nhất. Ví, dụ, chính phủ có thể chỉ quản lí sản xuất thực phẩm: Nhưng nếu nó không thể sản xuất đủ lương thực, thực phẩm mà mọi người cần thì kết quả có thể là nạn đói trên diện rộng.

    Tương tự, những nỗ lực của chính phủ nhằm định hướng một cách chung chung cũng tạo ra bất cân xứng giữa cung và cầu. Ví dụ, các chính trị gia có thể tìm cách hạ giá một số mặt hàng hoặc dịch vụ - thực phẩm, y tế hoặc lãi suất - bằng cách áp đặt giá trần lên những món hàng này. Nhưng, lúc đó các nhà sản xuất sẽ kiếm được tiền ít hơn. Giá cả mà họ được phép bán không bù đắp nổi nỗ lực mà họ đã bỏ ra để sản xuất. Vì vậy, họ sản xuất ít đi hoặc bỏ hoàn toàn, không sản xuất nữa.

    Kết quả là thiếu hụt. Với mức giá thấp giả tạo do pháp luật áp đặt, các nhà sản xuất sẽ cung cấp ít hơn, nhưng người tiêu dùng lại sẽ muốn mua thêm. Thực phẩm có thể được bán với giá rẻ, nhưng kệ hàng thì rỗng tuếch; lãi suất có thể thấp nhưng không thể nào vay được; chữa bệnh có thể miễn phí những sẽ phải xếp hàng rất dài.

    Những vấn đề tương tự cũng xuất hiện khi chính phủ tìm cách chỉ đạo sản xuất bằng cách trợ cấp cho những món hàng hóa hoặc dịch vụ cụ thể nào đó. Ví dụ, từ lâu Liên minh châu Âu đã trợ cấp và bảo hộ ngành nông nghiệp, với giả định là làm như thế để đảm bảo cho việc cung cấp một cách chắc chắn và liên tục thực phẩm cho người dân, nhưng trên thực tế, lại bảo vệ những người nông dân châu Âu kém hiệu quả nhằm chống lại cạnh tranh quốc tế (và để mua sự ủng hộ của nhóm cử tri quan trọng về chính trị này). Các khoản trợ cấp khuyến khích sản thừa - hàng “núi” bơ không có người mua và “hồ” rượu vang không bán được.

    Song còn có những hậu quả khác, ít thấy hơn. Những người được lợi nhất từ các khoản trợ cấp nông nghiệp của Liên minh châu Âu lại là các điền chủ lớn nhất chứ không phải là những người nông dân nghèo nhất. Và nạn tham nhũng hoành hành, người nông dân đòi trợ cấp cho số lương thực và thực phẩm mà họ không bao giờ làm ra. Có vô số những câu chuyện tương tự như thế trên khắp thế giới, và cả trong quá khứ: Trong cuốn The Wealth of Nations, xuất bản năm 1776, nhà kinh tế học người Scotland, Adam Smith, đã phàn nàn rằng tàu đánh bắt cá trích được trang bị nhằm tối đa hóa các khoản trợ cấp chứ không phải là số cá đánh bắt được .

    Trợ cấp cho bất kì hình thức sản xuất nào cũng đều thu hút nguồn lực vào lĩnh vực đó và kéo nguồn lực ra khỏi những lĩnh vực khác, nơi thời gian, công sức và nguồn vốn có thể được sử dụng một cách hiệu quả hơn. Ví dụ, nhiều chính phủ hiện đang trợ cấp cho năng lượng gió và năng lượng mặt trời rất tốn kém, tức là họ lấy tiền của các cá nhân và doanh nghiệp, những người có thể tìm được những biện pháp đầu tư có lợi hơn. Đó là trở lực đối với tăng trưởng kinh tế, có tác dụng tiêu cực đối với thịnh vượng trong dài hạn.

    Quyết định của vài người

    Một lí do khác ủng hộ cho việc cá nhân ra quyết định chứ không phải chính quyền quyết định là lựa chọn cá nhân là lựa chọn của nhiều người chứ không phải của vài người có chức có quyền. Chắc chắn là, chính quyền ban hành quyết định cho tất cả mọi người sẽ cần quyền lực để làm cho các quyết định của họ có hiệu lực. Nhưng người có chức có quyền cũng là những con người; và họ phải có nhiều nỗ lực thì mới chống được sức cám dỗ, để không sử dụng quyền lực nhằm thu vén lợi ích riêng, thu vén lợi ích cho những người trong gia đình hoặc bạn bè hoặc khu phố hoặc phe cánh hoặc đảng phái chính trị của mình. Các hợp đồng và độc quyền được trao những người thuộc phe cánh của họ. Quá nhiều các khoản chi tiêu công được cấp cho quê hương của các chính khách cao cấp. Việc làm trong chính phủ, trong lực lượng cảnh sát và tư pháp được giao cho những người mà họ bảo trợ, chứ không được giao cho những người xứng đáng.

    Càng ít các quyết định do các chính khách đưa ra, và càng có nhiều quyết định do chính các cá nhân đưa ra thì càng ít tham nhũng kiểu này. Có thể buộc chính phủ tập trung vào vai trò chính của nó là giảm thiểu ép buộc - chứ không phải là kiếm lợi từ những biện pháp ép buộc.

    Đôi khi hiện tượng trục lợi diễn ra quá tinh vi, khó mà thấy được. “Không có nghệ thuật nào mà một chính phủ lại học được từ một chính phủ khác nhanh hơn là nghệ thuật móc tiền từ túi người dân” , Adam Smith, cha đẻ của môn kinh tế học hiện đại, viết như thế. Ví dụ, bằng cách vay mượn, chính phủ có thể chi cho dự án giúp họ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử và làm giàu cho những người ủng hộ họ, trong khi lại buộc những người khác phải trả chi phí. Thậm chí, họ có thể chuyển chi phí cho những thế hệ sau. Nếu những khoản nợ trở nên quá lớn, họ có thể chỉ làm một việc đơn giản là in tiền và trả nợ cho các chủ nợ những đồng tiền đã mất giá. Nhưng vụ trộm cắp như thế, công khai hay ngầm ẩn, làm nản lòng người dân, làm cho họ không muốn tích trữ của cải nữa. Họ không muốn khởi sự doanh nghiệp mới và không muốn tích lũy vốn sản xuất, và cả xã hội sẽ rơi vào tình trạng tồi tệ hơn.

    Chính phủ của xã hội thật sự tự do sẽ không được phép vay nợ, trừ những trường hợp cực kì khẩn cấp, thậm chí trong những trường hợp như thế cũng chỉ được vay có giới hạn. Chính phủ cũng được độc quyền về tiền tệ và không được in nhiều hơn khi cần tiền. Thuế khóa trong xã hội tự do sẽ thấp và được thu trên cơ sở rõ ràng - chứ không phải bổ lên đấu đối thủ chính trị hay thiểu số gọi là “người giàu có”. Thuế khóa sẽ đơn giản, minh bạch, dễ đóng và dự đoán được. Thuế khóa không phải do các cơ quan chính phủ hay các đại lí tư nhân - những người quan tâm tới việc gia tăng số tiền mà họ thu được từ người đóng thuế - “trồng cấy”.

    Luận cứ của những người theo phái gia trưởng

    Những kẻ ăn trên ngồi trốc nắm quyền thường có quan điểm cho rằng họ phải quyết định tất cả mọi việc vì quần chúng, tương tự như trẻ con, không có khả năng tự quyết định. Luận cứ này tự nó đã mâu thuẫn rồi: nó làm giảm giá trị “nhân dân”, được cho là xuất phát điểm quyền lực của chính những kẻ đang cầm quyền. Và nó còn phi lí ở chỗ cho rằng nhân dân có đủ trí tuệ tập thể để bầu ra chính phủ đúng đắn, nhưng cá nhân lại không đủ trí tuệ để quản lí đời sống của chính mình.

    Chắc chắn, có những trường hợp, toàn thể xã hội sẽ được lợi nếu mọi người cư xử tốt hơn một chút. Nhưng, hầu hết các trường hợp như thế là những vấn đề đạo đức chứ không phải là việc của pháp luật. Và trong khi chúng ta có thể thuyết phục mọi người về mặt đạo đức để họ làm những việc có thể giúp những người khác, thì chính phủ của xã hội tự do không thể làm những việc đó. Chính phủ chỉ được trao quyền nhằm ngăn chặn, không để người này gây thiệt hại cho người kia, chứ không phải là ép buộc dân chúng làm lợi cho người khác. Luận cứ về “hàng hóa công cộng” kêu gọi mọi người đóng góp cho một số dự án chung, ví dụ, quốc phòng, nhưng có rất ít trường hợp như thế.

    Đúng là dân chúng thường thể hiện thái độ thờ ơ đáng ngạc nhiên về các vấn đề như, các dịch vụ của nhà nước được thực hiện như thế nào. Nhưng điều đó thường xảy ra là do họ biết rằng kêu ca chỉ tốn hơi, vì sẽ chẳng có gì thay đổi hết. Nếu có việc gì đó thực sự được cải thiện là do người dân tham gia, thì sẽ có nhiều người hơn tham gia.

     

    Câu hỏi: Chắc chắn là tất cả chúng ta có trách nhiệm đối với chính phủ chứ?

    Trả lời: Không. Trong xã hội tự do, chính phủ có trách nhiệm đối với chúng ta. Ở nhiều khu vực, các chính phủ đã được dựng lên và tiếp tục nắm quyền là nhờ bạo lực. Đây không phải chính quyền hợp pháp. Chính phủ của xã hội tự do là do nhân dân tạo ra, như cơ quan quyết định hoặc làm một vài việc, tức là những việc phải được quyết định hoặc làm theo lối tập thể (ví dụ, quốc phòng) hoặc làm một cách không thiên vị (ví dụ, công bằng). Chính phủ sinh ra là để phục vụ nhân dân, chứ không phải ngược lại.

    Những biện pháp giới hạn chính phủ

    Chế độ dân chủ

    Trong những trường hợp hiếm hoi, khi quyết định mang tính tập thể là không thể tránh được, xã hội tự do sẽ tham khảo ý kiến của toàn thể nhân dân, vì kết quả sẽ ảnh hưởng tới toàn thể nhân dân. Nói cách khác, đấy là một hình thức nào đó của chế độ dân chủ.

     Có thể không phải toàn thể nhân dân đều quyết định mọi vấn đề - sẽ quá nặng nề và tốn thời gian. Thường thì, toàn dân bầu ra những người đại diện thay mặt họ quyết định những vấn đề đó. Những người đại diện này không chỉ là đại biểu, sẽ phản ánh một cách mù quáng quan điểm của đại cử tri đã bầu ra mình; mà đưa những đánh giá riêng của mình vào quá trình ban hành quyết định.

    Dân chủ không phải là chủ nghĩa dân túy. Phần lớn người dân trong xã hội có thể tin rằng các tôn giáo hay sắc dân thiểu số phải bị tiêu diệt, nhưng chính phủ của xã hội tự do không thể làm như thế. Chính phủ là để ngăn chặn, không cho người nọ làm hại người kia, không tạo điều kiện cho những hành động gây hại như thế. Câu chuyện tiếu lâm cũ mô tả chế độ dân chủ như hai con chó sói và một con cừu đang quyết định sẽ ăn gì trong bữa tối. Nhưng xã hội tự do đặt ra những hạn chế đối với quyền lực của đa số nhằm bảo vệ các nhóm thiểu số.

    Vấn đề lớn nhất không phải cách thức lựa chọn chính phủ, mà là làm sao giới hạn được quyền lực của chính phủ. Chính phủ cũng chỉ là những con người hữu sinh hữu tử: Quyền lực mà họ nắm trong tay có thể làm cho họ trở thành những kẻ thối nát. Muốn bảo vệ tự do thì phải có một số cơ chế để loại bỏ các nhà lãnh đạo. Các cuộc bầu cử trong xã hội tự do không chỉ là lựa chọn các nhà lãnh đạo, mà còn cho một số nhà lãnh đạo về vườn.

    Một số người ủng hộ chế độ độc tài khẳng định rằng các cuộc bầu cử chỉ tạo ra bất ổn, vì các chính phủ khác nhau - có thể có những chính sách khác nhau một trời một vực - được đưa lên và đưa xuống. Nhưng, trong xã hội tự do, quyền lực của chính phủ bị giới hạn cho nên mức độ bất ổn cũng giảm đi. Nếu các chính phủ được coi là hợp pháp, nguy cơ của bất ổn mang tính đổ vỡ là nhỏ chứ không lớn như khi chính phủ bị coi là bất hợp pháp. Sử dụng vũ lực, chính phủ bất hợp pháp có thể nắm quyền một thời gian dài; nhưng chỉ có hai lựa chọn thay thế mà thôi: Các cuộc bầu cử định kì, diễn ra một cách hòa bình hay thỉnh thoảng lại diễn ra những cuộc cách mạng đẫm máu. Trong xã hội tự do, các cuộc bầu cử được ưa chuộng hơn; bầu cử hạn chế được các biện pháp cưỡng chế và bạo lực, và tạo điều kiện cho thay đổi và tiến bộ diễn ra ra nhanh hơn.

    Muốn cho cuộc bầu cử được coi là hợp pháp thì cần phải có một số điều kiện. Ví dụ, phải là sự lựa chọn thực sự giữa các đảng phái. Nếu chỉ có một ứng viên thì không phải là bầu cử tự do: trong xã hội tự do, bao giờ cũng có nhiều quan điểm khác nhau. Đến lượt mình, điều đó ngụ ý rằng các ứng viên khác nhau phải có điều kiện thể hiện và công bố quan điểm của mình và được tự do phê phán các ứng cử viên và các đảng phái khác. Và nhân dân phải có điều kiện bỏ phiếu cho ứng cử viên mà mình ưa thích mà không sợ bị trả thù - vì vậy, phiếu bầu phải được giữ bí mật. Một số nước đặt giới hạn đối với các khoản chi tiêu cho chiến dịch tranh cử để đảm bảo rằng các ứng viên hoặc các đảng phái giàu có không có lợi thế hơn các ứng viên và các đảng phái khác. Nhiều nước áp đặt thời hạn cố định giữa hai cuộc bầu cử, chứ không cho chính phủ đương quyền quyết định khi nào thì phải tổ chức bầu cử.

    Quá trình thông qua quyết định công cộng

    Chính phủ của hầu hết các nước phi tự do giành chính quyền bằng vũ lực. Một số tiếp tục nắm quyền nhờ bạo lực, mặc dù nhiều chính phủ đã tìm được những biện pháp nhằm tạo cho mình vẻ ngoài hợp pháp - ví dụ, bằng cách nâng mình lên thành những người bảo vệ duy nhất di sản tôn giáo hay văn hóa. Ngược lại, trong xã hội tự do, chính phủ chỉ tồn tại cho những mục đích rất hạn chế và được sự chấp thuận của công chúng.

    Mặc dù vậy, chính phủ thường đi lạc ra bên ngoài mục đích của họ là ngăn chặn tác hại và làm theo lối tập thể những việc mà cá nhân không thể nào làm được. Ví dụ, họ thường giữ độc quyền trong việc cung cấp các hàng hóa công cộng. Trong khi quyết định về những hàng hóa công cộng nào phải được cung cấp theo lối tập thể, những món hàng này vẫn có thể được những tổ chức tư nhân cung cấp - toàn bộ hoặc một phần. Ví dụ, các tổ chức từ thiện chăm sóc cho người nghèo và người bệnh. Và theo cách hiểu về ngăn chặn việc làm tổn hại cho người khác - ví dụ như ô nhiễm - khó có thể đo lường được mức độ tác hại, và trên thực tế, những hành động can thiệp của chính phủ có thể không hoàn toàn chính đáng.

    Nếu một số quyết định phải được ban hành theo lối tập thể: Dựa vào luật lệ nào? Lí tưởng là nhất trí: Tất cả mọi người đều tham gia vào việc ban hành quyết định, và chưa hành động trừ phi tất cả mọi người đều đồng ý. Vì người ta dường như sẽ không ủng hộ hành động tập thể mà họ nghĩ rằng sẽ làm họ bị thiệt hại cho nên có ít khả năng là quyết định tập thể làm tổn hại cá nhân hay nhóm người nào đó.

    Nhưng khó mà đạt được nhất trí một trăm phần trăm. Thứ nhất, sẽ mất rất nhiều thời gian, vì mọi người đều phải nghiên cứu và bỏ phiếu cho từng đề xuất. Đó là lí do vì sao chúng ta bầu ra những người đại diện, chứ không để cho tất cả mọi người cùng tham gia vào việc thông qua quyết định. Và, bao giờ cũng thế, phải đấu tranh thì mới đạt được thỏa thuận, bởi vì ai cũng có thể phủ quyết toàn bộ kế hoạch. Do đó, quyết định mang tính tập thể - dù được thông qua trong các cuộc bầu cử, trưng cầu dân ý hay lá phiếu trong cơ quan lập pháp - thường được thông qua theo đa số. Nó có thể là đa số đơn giản (50% + 1) hoặc đa số có điểu kiện (ví dụ, hai phần ba). Thế là giảm được khó khăn trong quá trình thông qua quyết định, trong khi vẫn đảm bảo rằng quyết định được đa số chứ không phải một nhóm nhỏ những kẻ ăn trên ngồi trốc thông qua .

    Tính tư lợi của cử tri

    Có câu chuyện về việc vị hoàng đế La Mã được đề nghị chấm điểm các thí sinh đã lọt vào vòng trung kết trong một cuộc thi ca hát; sau khi nghe một người, lại trao giải cho người khác, viện cớ là người này có thể không kém hơn. Và hiện nay, người ta có xu hướng nghĩ rằng bất cứ khi nào chúng ta không hài lòng với những hiện tượng mà xã hội tự do, cũng như nền kinh tế tự do tạo ra, thì  chính phủ phải cải thiện những hiện tượng đó. Ví dụ, nếu thị trường thất bại trong việc cung cấp những hàng hóa công cộng như quốc phòng và an sinh xã hội thì chính phủ phải cung cấp thay cho thị trường. Hoặc, nếu một nhà máy gây ô nhiễm thì chính phủ phải hành động ngay để ngăn chặn. Nhưng không nhất thiết phải làm như thế.

    Thị trường có thể không đáp ứng được nhu cầu của chúng ta trong những vụ việc cụ thể nào đó. Nhưng khi nói về “thất bại của thị trường”, chúng ta phải nhớ rằng chính phủ cũng thất bại. Ngay cả trong những xã hội tương đối tự do, chính phủ cũng không phải là lực lượng khách quan, thận trọng, vô tư, có tinh thần vì mọi người. Tư lợi lan tràn trong các chính phủ, từ trên xuống dưới.

    Mọi người tưởng bầu cử là phương tiện để xác định “lợi ích công cộng” và thực hiện nó. Nhưng trong xã hội tự do có rất nhiều lợi ích khác nhau - và có những lợi ích xung đột với nhau. Những cử tri muốn thuế khóa thấp xung đột với những người muốn chi tiêu công nhiều hơn. Những người được hưởng lợi từ một con đường cao tốc mới sẽ phản đối những người mà nhà cửa sẽ bị phá hủy. Các cuộc bầu cử không tạo ra những lợi ích công cộng cụ thể nào. Đấy đơn giản chỉ là cân bằng nhiều lợi ích cạnh tranh với nhau mà thôi. Những quyết định mang tính tập thể được thông qua trên nền tảng của các cuộc xung đột như thế.

    Tính tư lợi của các chính trị gia

    Cử tri có lợi ích riêng, chính trị gia cũng thế. Nhiều chính trị gia coi văn phòng là phương tiện vinh thân phì gia hay để tiêu diệt kẻ thù của mình. Thậm chí người ta còn có thể nghĩ rằng chỉ có những người yếu đuối mới không lợi dụng quyền lực để làm như thế. Ngay cả trong những xã hội tự do hơn, tham nhũng có thể trở thành vấn đề.

    Thậm chí, nếu các chính trị gia thực sự muốn phục vụ xã hội, trước hết họ phải có quyền. Họ cần phải thu được đủ số phiếu bầu. Nhưng như thế không có nghĩa là họ phải phản ánh dư luận rộng rãi của xã hội. Họ có thể giành được nhiều phiếu bằng cách lôi cuốn những cộng đồng thiểu số, không đại diện cho xã hội.

    Những nhóm nhỏ có quyền lợi vững chắc thường giữ thế thượng phong trong tiến trình chính trị bởi vì họ có mục tiêu cụ thể phải giành cho bằng được, bằng cách thông qua chính sách có lợi cho mình - ví dụ, trợ cấp cho ngành của mình. Nhỏ nhưng quyết tâm, thì càng dễ tổ chức, và nhiều cơ hội để tổ chức tốt chiến dịch vận động và vận động hành lang. Nhưng các nhóm lớn hơn hẳn, ví dụ, các tổ chức của người tiêu dùng hoặc người đóng thuế, với quan điểm không rõ ràng bằng, sẽ khó tổ chức hơn. Và động lực cũng yếu hơn, vì giá phải trả cho những chính sách như trợ cấp cho ngành nghề cụ thể được phân bố cho tất cả mọi người, vì vậy mà mỗi người chịu khoản chi phí rất nhỏ.

    Các liên minh và thông đồng

    Ưu thế của quan điểm của nhóm thiểu số thậm chí còn lớn hơn nữa, đấy là khi các nhóm lợi ích kí các hiệp ước với nhau để tập hợp sức mạnh khi bỏ phiếu. Liên minh của một số nhóm, tất cả cùng đe dọa bỏ rơi ứng cử viên, thậm chí còn ảnh hưởng đối với ứng cử viên hơn hẳn một nhóm cụ thể, riêng rẽ nào.

    Những nhóm lợi ích đặc biệt cũng được đáp ứng ngay trong cơ quan lập pháp. Các chính trị gia muốn chi cho những dự án công trên quê hương có thể mua bán phiếu với những người cũng rất muốn có các dự án trên quê hương mình. Nhưng kết quả của những cuộc mặc cả “anh ủng hộ tôi, tôi ủng hộ anh” - được gọi là thông đồng – là, nhiều đề xuất như vậy đã được thông qua và chính phủ phình to hơn hẳn qui mô mà mọi người có thể muốn.

    Và khi những đạo luật này được thực thi thì nhiều người tự tư tự lợi hơn sẽ tham gia cuộc chơi. Những quan chức được giao quản lí các dự án cũng có lợi ích của riêng mình. Địa vị và đồng lương của họ phụ thuộc một phần vào số lượng nhân viên, và - vô tình hay cố ý - họ có thể làm cho quá trình vốn đã quan liêu trở nên phức tạp hơn nhằm biện minh cho đội ngũ nhân viên lớn hơn đó, người ta gọi quá trình này là xây dựng đế chế. Và một lần nữa, họ được các nhóm lợi ích nhỏ vận động hành lang nhiều hơn là từ xã hội nói chung, và vì vậy, mà họ cho các nhóm lợi ích đặc biệt nhiều quyền lợi hơn, và, thậm chí, còn nhận hối lộ của họ nữa.

    Thiết lập luật lệ

    Tóm lại, trong quá trình lựa chọn chính phủ, ban hành luật pháp và thực thi luật pháp, các nhóm thiểu số với lợi ích tập trung có sức mạnh hơn là đa số với những quan điểm rời rạc hơn. Các quyết định chính trị thường không phản ánh được quan điểm rộng rãi của xã hội. Và chính phủ có xu hướng cố hữu là phình ra, vượt ra ngoài giới hạn mà hầu hết mọi người đều muốn, và vượt ra ngoài giới hạn cần thiết để duy trì xã hội tự do - tới giới hạn, nơi mà tự do thực sự bị xói mòn.

    Các xã hội tự do áp dụng những quy tắc khác nhau nhằm cố gắng hạn chế những vấn đề này. Các cuộc bầu cử là phần quan trọng sống còn của những cố gắng như thế. Nhưng các cuộc bầu cử không có tác động mạnh trong việc ngăn chặn các chính trị gia và quan chức. Bầu cử thỉnh thoảng mới được tiến hành và thường bị các đảng lớn chi phối, làm cho thay đổi diễn ra chậm chạp. Cần phải có những biện pháp ngăn chặn mạnh mẽ hơn.

    Thỏa thuận hiến định

    Biện pháp thường dùng nhằm kìm hãm tiến trình chính trị là thông qua bản hiến pháp được tất cả mọi người hay đa số áp đảo tán thành. Hiến pháp lập ra các quy tắc để tiến hành các cuộc bầu cử và thông qua các quyết định chính trị. Nếu tất cả mọi người đều phải đồng ý luật lệ là gì, thì chính phủ không thể áp đặt luật lệ nhằm phục vụ lợi ích riêng của họ - ví dụ, cấm các ứng cử viên đối lập hoặc áp đặt thuế khóa nặng nề lên các cử tri ủng hộ phe đối lập.

    Có thể kìm hãm thêm quá trình chính trị bằng phân tách quyền lực. Thay vì một người hay một tổ chức duy nhất nắm tất cả quyền lực, tư tưởng về phân tách quyền lực giữa các thiết chế khác nhau, mỗi thiết chế có thể ngăn chặn, sửa đổi hoặc hạn chế những việc mà thiết chế khác có thể làm. Vì lí do đó, đôi khi người ta gọi hệ thống này là kiểm soát và đối trọng.

    Nếu một cơ quan duy nhất, ví dụ, bộ chính trị hoặc hội đồng lập pháp, có tất cả quyền lực, thì nhóm đa số về chính trị và các nhóm lợi ích chắc chắn sẽ tìm cách giành lấy quyền lực để phục vụ lợi ích riêng của mình. Nhưng nếu hiến pháp phân tách quyền lực giữa hai viện khác nhau của chính quyền, thì các nhóm lợi ích sẽ khó giành được quyền lực hơn. Nếu hai viện này được bầu theo những cách khác nhau, thì các nhóm lợi ích sẽ càng gặp nhiều khó hăn hơn nếu muốn thống lĩnh cùng một lúc cả hai viện này. Nếu một trong hai viện có thể ngăn chặn hoặc sửa đổi quyết định của viện kia, thì nó sẽ làm cho việc thông đồng và bóc lột nhóm thiểu số trở nên khó khăn hơn.

    Nhiều bản hiến pháp của các xã hội tự do hơn còn bổ nhiệm tổng thống, như một cơ chế ngăn chặn nữa của hệ thống kiểm soát và đối trọng. Tổng thống là đại diện của toàn dân và người ta hi vọng rằng người này sẽ đứng cao hơn những cuộc xung đột chính trị và phủ quyết những dự luật gây phương hại cho các nhóm thiểu số.

    Một cơ chế ngăn chặn nữa, nhằm chống lại sự bóc lột là tư pháp độc lập. Đây là đòi hỏi sống còn của xã hội tự do. Các thẩm phán không được đứng về phe phái chính trị nào, và phải có khả năng bác bỏ những đạo luật vi hiến và hiện tượng bóc lột các nhóm thiểu số - và làm như vậy mà không sợ bị các chính trị gia trả thù.

    Hiến pháp đôi khi còn đặt những hạn chế khác đối với hoạt động của chính phủ, ví dụ, ngân sách cân đối - nhấn mạnh rằng ngân sách phải cân đối trong giai đoạn nhất định (ví dụ, từ 3 đến 5 năm), và đặt ra giới hạn về các khoản vay hằng năm và tổng số nợ công hằng năm. Một số bản hiến pháp thậm chí đặt giới hạn cho phần thu nhập quốc gia mà chính phủ có thể chi tiêu, nhằm hạn chế xu hướng vốn có của nó là ngày càng phình ra. Bên cạnh đó, có thể đặt ra thời hạn giữ chức vụ để các chính trị gia không thể nắm quyền suốt nhiều năm liền, và những điều khoản gọi là “hoàng hôn” (sunset clause), tức là những điều khoản nói rằng cơ quan hay bộ luật nào đó chỉ có giá trị đến thời hạn nhất định, nhằm xóa bỏ những cơ quan vô tích sự.

    Đa số có kèm theo điều kiện

    Một biện pháp nữa cũng có tác dụng bảo vệ các nhóm thiểu số là đa số có kèm theo điều kiện biểu quyết. Ví dụ, tự do sẽ rất không an toàn nếu các cơ quan nắm quyền có thể thay đổi luật lệ được ghi trong hiến pháp bằng đa số đơn giản (tức 50% + 1 - ND) trong cơ quan lập pháp. Vì vậy, xã hội tự do đặt ra những rào cản cao hơn hẳn - ví dụ, hai phần ba số phiếu trong cả hai viện quốc hội cộng với cách biệt cũng cao tương tự trong cuộc bỏ phiếu trên toàn quốc hay trong những khu vực hoặc bang riêng rẽ.

    Vấn đề có thể tạo ra những điều kiện dễ dàng cho việc bóc lột các nhóm thiểu số bằng những biện pháp rất dễ gây thương tổn thì quyết định phải được thông qua với đa số rất cao. Ví dụ, có thể dễ dàng ban hành những khoản thuế có thể tạo ra gánh nặng quá lớn đối với các nhóm người cụ thể nào đó. Do đó, một số những người ủng hộ xã hội tự do đòi hỏi luật lệ về thuế khóa - không phải là thuế suất mà là ai đóng thuế gì - phải được một trăm phần trăm biểu quyết thông qua, đấy là biện pháp bảo vệ những nhóm thiểu số, ngay cả khi đa số là áp đảo

    Công chúng bị giam hãm

    Trong nền kinh tế thị trường, bạn được tự do mua bán ở bất kì đâu, đấy là nói nếu bạn cảm thấy rằng người bán hàng lừa dối bạn hay cung cấp cho bạn món hàng không đáng đồng tiền bát gạo. Nhưng nếu chính phủ của bạn gian lận hoặc bóc lột bạn, bạn không thể đi đâu được. Bạn có thể đi ra nước ngoài - nhưng với rào cản về ngôn ngữ và những rào cản khác, hầu hết mọi người không thể chọn phương án này. Muốn chống lại sự ép buộc như thế thì quan trọng nhất là bảo đảm rằng vai trò và hành động của chính phủ, và tất cả các bộ phận của nó, phải được quy định một cách cẩn thận và giới hạn một cách nghiêm ngặt vào những hành động mà việc duy trì và mở rộng tự do của người dân đòi hỏi.

    http://phamnguyentruong.blogspot.com/

    Không có nhận xét nào