Header Ads

  • Breaking News

    Sông Mekong hùng vĩ chỉ còn tính từng ngày

     Lối sống cổ truyền dọc theo sông Mekong bị đe dọa bởi việc xây đập thủy điện. 

    [Ảnh: Tomáš Malík]

     (The days of the mighty Mekong River are numbered)

    UCNA/La Croix – Bình Yên Đông lược dịch

    Sunday Examiner - September 18, 2020

    Các chuyên viên môi trường từ lâu đã cảnh báo rằng Mekong Hùng vĩ chỉ còn tính từng ngày vì chánh sách năng lượng của Trung Hoa đã không cứu xét cái giá sinh thái của việc xây đập tràn lan trên thượng lưu sông.

    Mực nước dọc theo khúc sông Mekong ở Thái Lan xuống đến mức báo động, gây khó khăn cho ngư dân và nông dân sống ven sông.

    Trong tỉnh Nakhon Phanom ở đông bắc, giáp ranh với Lào, mực nước chỉ ở khoảng 5 m, 8 m thấp hơn mực nước tràn 13 m, giới chức địa phương cho biết.

    Mực nước thấp trong sông, là nguồn nước chủ yếu của hàng chục triệu người trong một số quốc gia, đang gây bối rối nhất là khi mùa mưa sắp đến.  Cùng lúc, 4 phụ lưu chánh của sông Mekong ở vùng nông thôn cũng có mực nước tụt giảm chỉ còn từ 1/5 đến 1/3 mực nước bình thường vào lúc nầy trong năm.

    Thái Lan không ở trong tình trạng nguy hiểm nầy một mình.  Tình trạng khan hiếm nước trong Mekong đang gây tai họa sinh thái trong vài quốc gia Đông Nam Á (ĐNA) khác và không có gì bí mật ở đàng sau: Trung Hoa giữ lại nước trong các hồ chứa phía sau đập thủy điện ở thượng lưu (Sunday Examiner, June 5 and July 19).

    Chánh quyền Beijing thường huênh hoang về nhu cầu phát triển khả chấp theo nguyên tắc xã hội chủ nghĩa, nhưng đã làm ngược lại tính khả chấp của Mekong, mà họ xem là tài sản riêng để tiêu xài; các quốc gia khác bị nguyền rủa.  Bằng cách xây một chuỗi đập khổng lồ trên thượng lưu trong những năm gần đây, Trung Hoa đã giáng một đòn chí tử cho Mekong ở hạ lưu.

    Các chuyên viên môi trường từ lâu đã cảnh báo rằng Mekong Hùng vĩ chỉ còn tính từng ngày vì chánh sách năng lượng của Trung Hoa không cứu xét cái giá sinh thái của việc xây đập tràn lan trên thượng lưu sông.

    David Stilwell, phụ tá ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, gần đây đã có hành động ngoại giao tế nhị và tố cáo Trung Hoa là “khuynh đảo” Mekong “cho lợi ích riêng của mình” và làm như vậy “với cái giá rất cao của các quốc gia ở hạ lưu” chẳng hạn như Myanmar, Lào, Thái Lan, Cambodia và Việt Nam.

    Tuy nhiên, một số các quốc gia nầy cũng góp phần vào tình trạng bấp bênh của sông.  Lào là quốc gia đã xây đập với đầu tư từ Trung Hoa và Thái Lan và đang dự trù xây thêm.

    Giống như đối tác Trung Hoa, đảng cộng sản ở Vientiane đã tham gia vào mùa xây đập mà không có giám sát môi trường và rất ít tham vấn với người dân.  Họ quyết tâm biến quốc gia nghèo khó không có bờ biển thành “bình điện của ĐNA” qua một loạt đập thủy điện, cho dù chúng có cái giá kinh tế và môi trường chết người cho nông dân Lào chịu thiệt thòi từ lâu.

    Trong khi đó, các quốc gia ĐNA khác, tất cả đều phụ thuộc ở mức độ khác nhau vào đầu tư của Trung Hoa để thúc đẩy nền kinh tế của họ, không thể làm gì hơn là thỉnh thoảng lên tiếng than phiền.

    Khi Beijing thuộc địa hóa khu vực về kinh tế, họ tạo một sức mạnh chánh trị lớn lao đối với các chánh quyền địa phương, mà nhiều chánh phủ sẵn lòng để đi với Trung Hoa.

    Như có thể đoán được, Beijing đã phủ nhận các chỉ trích về vai trò của mình trong việc hủy hoại Mekong, đổ thừa cho thay đổi khí hậu và hạn hán kéo dài đã làm cho mực nước xuống thấp triền miên.

    Tuy nhiên, các chuyên viên nhấn mạnh rằng hạn hán không thôi không phải là nguyên nhân cho tình trạng thiếu nước cố định dọc theo sông.

    Trong 2 năm liên tiếp, mực nước ở Hạ lưu vực Mekong đã xuống đến mức thấp kỷ lục.  Việc dẩn tưới, sản xuất lúa và thủy sản đã bị ảnh hưởng tồi tệ, đe dọa an ninh lương thực của hàng chục triệu người.

    Hơn nữa, một số chủng loại ở dưới nước từ cá đến rùa bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là ở những nơi như Tonle Sap của Cambodia, phụ thuộc vào Mekong để có nước.

    Lưu vực Mekong là “nền thủy sản nước ngọt phong phú nhất trên thế giới, chiếm trên 15% số cá nước ngọt đánh được trên toàn cầu,” 4 nhà môi trường giải thích trong một bài viết gần đây.  “Trong lúc đó, (các nhà nghiên cứu của Quỹ Đời sống Hoang dã Thế giới (World Wide Fund for Nature)) ước tính rằng phần đóng góp lên đến ¼ số cá đánh được trên thế giới.”

    Rõ ràng, Beijing không thể không quan tâm.  Việc Trung Hoa bất chấp các yếu tố môi trường dọc theo Mekong trong khi giữ lại nước dưới danh nghĩa kiểm soát lũ lụt ở thượng lưu là một tai họa không thể giảm nhẹ.

    “Nỗ lực của Beijing để hạn chế nhịp (tự nhiên của sông) qua danh nghĩa “ngừa lụt” đe dọa cuộc sống của hàng chục triệu nông dân và ngư dân ở hạ lưu,” các chuyên viên lưu ý.  “Lợi ích duy nhất của việc hạn chế như thế là các nhà điều hành đập và thị trường điện ở thượng lưu Trung Hoa.”

    Không cần phải nói, Beijing rất hài lòng với tình trạng như thế.  Nhưng đáng buồn, một trong những dòng sông vĩ đại của thế giới nay đang biến mất dưới mắt của chúng ta chỉ vì thái độ dốt nát nầy.

     

    Không có nhận xét nào