Header Ads

  • Breaking News

    Lịch sử nước Mỹ #3 -Người da đỏ miền Tây Bắc


    Tác giả: GS Hoàng Anh Tuấn (Tuan Hoang), Pepperdine University
    Nguồn: tuannyriver.com

    Vùng da đỏ miền Tây Bắc theo bản đồ chính trị ngày nay.  Phần lớn họ sống vùng biển thuộc về tiểu bang Washington và Oregon tại Hoa Kỳ cũng như tỉnh British Columbia của Canada.  Những tên tiếng da đỏ bên trên là tên của tám nhóm người (trong tổng cộng 18 nhóm).  ~ pc Britannica.com

    Bài viết lần trước về người da đỏ miền Tây Nam.  Lần này, chúng ta lên hướng bắc để nhận xét một nền văn hóa nhiều khác biệt.

    Nguyên nhận lớn lao nhất về khác biệt của hai miền là khí hậu và địa lý.  Như chúng ta thấy trong bài trước, miền Tây Nam có nhiều xa mạc nên cuộc sống của các bộ lạc cần kinh cho nước, hay tạo ra lối kiến trúc dùng vật dụng địa phương cho thích hợp với thời tiết.

    Vùng Tây Bắc thì khác.  Nếu độc giả có cư ngụ tại các thành phố miền này – Portland, Seattle, Vancouver, v.v – chắc chắn biết là thời tiết trên đó ôn hòa hơn gắt gao, mát lạnh hơn nóng bức, mưa nhiều hơn khô khăn.  Vì thế, rừng núi vùng này rất to lớn, xanh tươi.  Không những cây cối um tùm, mà mưa giúp nhiều cây có thân to lớn vĩ đại.

    Những rừng cây này có từ khu vức Redwood tuốt bắc California Oregon, Washington, rồi qua Canada.  Vì lý do này mà vào cuối thế kỷ thứ 19, khi nước Mỹ qua cuộc Cách Mạng Kỹ Nghệ lần thứ hai, các công ty bắt đầu khai thác tài nguyên lâm nghiệp vùng Tây Bắc.  Họ dùng xe lửa mang gỗ qua các miền khác cho công cụ kỹ nghệ. Tới cuối thế kỷ 19, tiểu bang Washington đứng đầu ngành công nghiệp gỗ.  Sau Washington là Louisiana và Mississippi, quan trọng cung cấp gỗ nhất là cho miền Nam, nhưng kỹ nghệ không được lâu dài như Washington mà chỉ tới cuối thập niên 1920 là tàn.

    Xe lửa chở cây từ tiểu bang Washington đầu thế kỷ thứ 20. ~ pc american-rails.com

    Môi trường và văn hóa.  Nhưng đó là sau này. Trở lại lịch sử thổ dân da đỏ, rừng núi um tùm và cây cối to lớn gây ít nhất hay ảnh hưởng quan trọng cho các bộ lạc miền Tây Bắc. Thứ nhất, họ chặt cây lấy gỗ để dựng nhà và làm thuyền.  Phổ thông nhất là cây bách hương, mà tên tiếng Anh là cây cedar.  Cây này rất xa xưa, và là một biểu tượng trên lá cờ nước Lebanon.  Bách hương thì Việt Nam không có, nhưng có một loại được thử nghiệm từ cuối thập niên 1980, rồi đến thập niên 2000 thì được trồng tại các tỉnh Thái Nguyên, Thanh Hóa, Đắc Lắc, và Gia Lai.  Vì nhiều tài nguyên bách hương, người da đỏ Tây Bắc tổ chức xã hội theo làng mạc từ xa xưa, dùng  thân và cành cây lợp nhà lót ván, tiếng Anh là plank house.

    Loại nhà lót ván (plank house) người da đỏ Tây Bắc lợp bằng gỗ cây bách hương. Nhà này dựng sau này để cho du khách coi, nhưng có chứng tích là loại nhà này có kiến trúc từ 3000 năm trước. ~ pc wikipedia

     

    Mặt trước nhà lót ván của bộ lạc Chinook dùng gỗ bách hương. Xây dựng của họ có kế hoạch về diện tích gỗ, lớn bé tùy nơi.  Còn vỏ cây thì làm dây thừng để buộc chặt các nhánh trên mái nhà.   ~ pc pinterest

    Một đặc điểm về làng tược nhà cửa của người Tây Bắc là cây nêu mà họ điêu khắc với hình ảnh thú vật và thiên nhiên tượng trưng cho tín ngưỡng, xã hội, con người, và nguồn gốc.  Gọi là totem pole trong Anh Văn, các cây nêu này có nhiều vai trò.  Một số họ làm để tưởng niệm người qua đời.  Một số để ghi lịch sử một gia đình hay bộ lạc.  Một số để kể chuyện.  Một số để trang trí trước nhà.

    Vì sống chung quanh thiên nhiên, người da đỏ thường dùng các thú vật biểu tượng cho ý nói.  Về điều này họ hao hao như người Tàu và người Việt ngày xưa, tin là mỗi thú vật có cá tính riêng, như khỉ thông minh, chuột nhanh nhẹn, heo dễ tính, v.v.  Với người da đỏ miền này, thì chim quạ chẳng hạn có tính tinh nghịch, ranh mãnh.  Chim đại bàng thì ngược lại khôn ngoan và tháo vát rất cao.  Còn gấu rừng thì như một người thầy vì nó dậy họ đứng dưới suối bắt cá hồi.  Con cú thì được họ coi trọng cho là nó biểu hiện cho linh hồn người chết.

    Cây nêu là một nghệ thuật đặc thù miền Tây Bắc, và những chi tiết điêu khắc có liên đới đến những chuyện cổ tích mà họ dựng ra theo thời gian và không gian. Vì vật liệu bằng gỗ như nhiều nơi bên Á Châu, nên không tồn tại các nhà và các cây nêu xưa.  Nhưng chắc những cây nếu thời trước thế kỷ 17 hay 18 đơn giản hơn sau này.  Khi đó người da đỏ mua bán trao đổi với người da trắng (và người phía Nga) có được những dao búa hiện đại hơn, nên điêu khắc tinh vi và chi tiết hơn trước.  Điều chính chúng ta để ý đây là tư tưởng về thú vật và thiên nhiên gắn liền với tin tưởng tôn giáo của họ.

    Môi trường và kinh tế. Tại sao người Tây Bắc điêu khắc được nhiều thành tích nghệ thuật hơn người miền Tây Nam? Tại sao họ có nhiều chuyện thần thoại hơn?  Câu trả lời có dính dáng đến môi trường thiên nhiên.  Vì rừng núi và sông biển có nhiều thú vật (nhất là cá) cũng như trái cây rau cỏ, người Tây Bắc không phải làm việc nông nghiệp nhiều như người Tây Nam. Họ đánh cá và thu lượm cây cỏ quanh năm, có nhiều rãnh rỗi hơn để phát triển văn hóa khác hơn những miền khác.

    Kinh tế đánh cá họ có nhiều tinh vi. Thứ nhất là bắt cá hồi như có cho qua bên trên.  Có lúc họ dùng bẫy bắt cá, có lúc dùng lưới, cũng có lúc họ bắt bằng lưỡi giáo hay lưỡi xiên đâm vào cá.  (Chúng ta phải nhớ là cá hổi trung bình trên 15 kí lô, có con lớn gấp hai gấp ba.)  Cá hồi rất đặc biệt là sinh ở sông nhưng bơi ra biển và trưởng thành ngoài đó.  Nhưng vài năm sau, nó trở lại sông bơi ngược giòng về quê cũ, có khi về đúng nơi nó ra đời, để đẻ trứng rồi sau đó qua đời.  Dựa theo câu tiếng Việt là “Cóc chết ba năm quay đầu về núi,” thì ta có thể nói là cá hồi nếu không cá lớn ăn ngoài biển thì chắc chắn vài năm sẽ quay đầu về sông để chết.

    Lưới cá tại vùng tháp Willamette ở Oregon bây giờ. Hình vẽ này vào thế kỷ 19, nhưng người da đỏ dùng lối bắt cá này lâu đời. pc oregonencyclopedia.org

    Chính vì quay đầu về sông mà cuộc sống người Tây Bắc có nhiều thoải mái kinh tế.  Cứ từ cuối xuân đến cuối thu, cá hồi về lại sông cho họ bắt, không cần phải ra biển khó khăn.  Sau khi bắt, người Tây Bắc tiêu thụ một số, phơi khô một số, và nướng khô một số.  Cá khô để cho đông, khi họ rảnh rỗi hơn và bỏ giờ cho công việc khác, kể cả xây dựng văn hóa.

    Nói là họ không ra biển cũng không chính xác, vì người Tây Bắc có dùng gỗ bạnh hương đóng ghe đóng thuyền vững chắc.  Và như thấy qua tấm hình phía dưới, họ cũng khắc những hình ảnh thú vật đặc biệt vào thuyền.  Họ làm thuyền dĩ nhiên là cho chuyên chở, nhất là trong sông hồ.  Nhưng họ cũng dùng thuyền ra biển đánh cá voi. Họ thích cá voi vì nhiều thịt và có dầu, nhưng tất nhiên công việc nguy hiểm vì cá voi có thể lật đổ ghe thuyền của họ.  Nên câu cá voi đều có nhiều chuẩn bị, không chỉ thể xác vật dụng mà còn tâm hồn nữa.

    Ngoài các loài cá cua ra, người da đỏ Tây Bắc bắt hải cẩu lấy mỡ làm dầu ăn và lấy da làm áo quần. (Họ cũng dùng mềm vỏ cây bách hương và biến chế thành quần áo để mặc.) Họ săn bắn các loại nai rừng, dê rừng, và cả gấu rừng bồi dưỡng thực phẩm. Họ không phải trồng trọn cho lắm vì có nhiều đồ ăn từ thiên nhiên rồi.

    Thỉnh thoảng, họ còn tổ chức tiệc liên hoan rất lớn, mời các làng hay bộ lạc khác đến, mà khách đến còn được quà.  Đây là một tổ chức xã hội để khoản đãi khách, thể hiện giầu sang hay lòng hiếu khánh của làng này hay chủ gia đình kia, và cũng là một phong tục kinh tế từ gia đình giầu giúp gia đình nghèo. Nhưng cũng có tiệc được thực hiện vì chủ tiệc có chuyện gì bị quê mặt, nên có tiệc lớn để chứng tỏ họ còn khá giả, còn tư cách.

    Phong tục đại tiệc – tiếng Anh là potlatch – của miền Tây Bắc. Hình vẽ cho thấy một người vợ chủ tiệc mang quà biếu từng người khách. ~ pc wikipedia

    Trong tiệc có nghi lễ, ăn uống, trò chơi hay nhảy theo nhạc,  và quà cho khách.  Dần dần, phong tục này thành một lý do khó khăn cho kinh tế.  Cũng như thời thực dân Pháp ở Việt Nam, nhiều người dân nghèo trong làng, vì phong tục không muốn mất mặt nên đi vay mượn nhiều tiền để đãi khánh đám tang hay đám cưới.  Họ trả được ít tiền vai, rồi tiền lời cao nên khổ cả đời không thể trả hết.  Phong tục có thể bắt đầu về lý do tốt cho mọi người, nhưng dần dần nó mất đi giá trị nguyên thủy, coi trọng bề ngoài hơn bề trong.  Vì xài nhiểu quá, một số bộ lạc Tây Bắc vì thế mà xuống dốc kinh tế trước thời gian người da trắng xuất hiện trên đất họ.

    Nhưng may mắn cho họ – gọi là may mắn tạm thời thì đúng hơn – là người Âu Châu đi kiếm da các con hải cẩu và rái cá, tạo ra một xuất khẩu kinh tế cho nhiều người da đỏ miền này.  Nhưng đó là chuyên sau này, chúng ta sẽ trở lại một lần khác.  Điều quan trọng cho chúng ta bây giờ, là người Tây Bắc có một số đặc sắc khác miền Tây Nam về môi trường, kinh tế, và văn hóa: một biểu hiện to lớn của văn minh da đỏ ở nước Mỹ.

    Kỳ tới: Người da đỏ miền Đông

    Tác giả: GS Hoàng Anh Tuấn (Tuan Hoang), Pepperdine University
    Nguồn: tuannyriver.com


    Độc giả cứ tự tiện sao lại cho blog khác, nhưng yêu cầu kèm theo tên tác giả, đại học, và nguồn mạng như trên.  Bấm vào đây để xem loạt bài. 

    https://tuannyriver.com/2016/03/31/lich-su-nuoc-my-3-nguoi-da-do-mien-tay-bac/

    Không có nhận xét nào