Header Ads

  • Breaking News

    Lịch sử nước Mỹ #5: Người da đỏ miền Đông (phần 2)

     

    Ba chị em Bắp, Đậu, và Bí Đao ~ pc magus-memories.blogspot.com 

     Tác giả: GS Hoàng Anh Tuấn (Tuan Hoang), Pepperdine University
    Nguồn: tuannyriver.com

    Trong phần trước, chúng ta nói về truyền thống Adena và Hopewell bên miền đông thời tiền sử.  Hai thế hệ văn hóa to lớn này thuộc vào nền văn hóa Woodland mà chúng ta có thể dịch là văn hóa Địa Mộc.  Khi chia ra theo thời gian, thì truyền thống Adena thuộc thời kỳ mà người Mỹ gọi là Early Woodland, chúng ta có thể dịch vừa sát nghĩa vừa văn chương là văn hóa Tiền Địa Mộc.  Sau văn hóa Adena thì tới văn hóa Hopewell, thuộc thời Middle Woodland tức Trung Địa Mộc.

    Qua Hopewell thì vào thời kỳ Late Woodland. Vì không có một truyền thống đặc kì như Adena hay Hopewell, nên văn hóa này được gọi chung là Late Woodland – Hậu Địa Mộc. Định về thời gian, thì lâu dài của văn hóa Hậu Địa Mộc đi từ khoảng năm 500 đến 1000 sau kỷ nguyên.

    Nền văn hóa này có thay đổi về lối sống kinh tế.  Dân số trong thời gian Hậu Địa Mộc tăng lên, nhưng họ cũng gia tăng đồ ăn, một phần vì nhiều bộ lạc dùng mũi tên thay cho các cây lao hay cây giáo gỗ, nên hiệu nghiệm hơn về việc săn bắn thú vật hơn trước.

    Sản xuất nông nghiệp của thời Hopewell cũng tiến bộ hơn thời kỳ Adena.  Tại một số khu vực như tiểu bang Georgia bây giờ, phát triển nông nghiệp cao hơn trước khá nhiều. Ngoài bắp và bí đao, người da đỏ trồng và thu hoạch đậu.  Ba cây này được trồng nhiều đến nỗi họ gọi là  Ba Chị Em, Three Sisters, như gạo hay nước mắm có hiệu Ba Cô Gái ở Việt Nam vây.

    Họ còn dựng ra những câu chuyện thần thánh về nguồn gốc và phong tục về trồng trọt các cây Ba Chị Em, hao hao như người Việt có những câu chuyện như nguồn gốc trầu cau, hay nguồn gốc bánh dầy và bánh chưng.

    Thí dụ này là một câu chuyện cổ tích đơn giản, thâu nhập từ vùng miền đông Canada bây giờ.

    Ngày xửa ngày xưa, có ba chị em gái sống cùng với nhau tại vùng quê. Ba chị em thân thể khác nhau mà ăn mặc cũng không giống nhau cho lắm.

    Cô em út còn bé quá phải bò dưới đất. Lúc nào cô cũng mặc đồ màu xanh lá cây.

    Cô giữa thì mặc áo màu vàng sáng rực.  Cô ta hay bỏ đi một mình nếu trời nắng và gió thổi nhẹ vào mặt mũi

    Cô chị thì lúc nào cũng cao hơn hai em. Cô đứng thẳng người để bao vệ các em mình.  Cô có khăn xanh lá cây nhưng nhạt nhạt. Tóc cô dài và vàng, bay bay mỗi khi trời có gió

    Có khác sao đi nữa, ba chị em giống y hệt nhau là họ yêu thương lẫn nhau, lúc nào cũng ở chung nơi. Tình yêu thương giúp họ vững chắc. 

    Có một ngày, một người lạ đến đồng: một thằng bé thuộc bộ lạc tên Mohawk.  Nó nói chuyện này chuyện kia với chim trời cá hồ, thú vật mọi nơi. Nó làm ba chị em chú ý.

    Bỗng nhiên cuối hè, cô em út không hiểu tại sao biến mất. Hai cô chị buồn não vô cùng.

    Hôm đó, thằng bé người Mohawk ra đồng lấy lau gần sông hồ. Hai chị em còn lại nhìn nó làm việc. Rồi đêm đó cô em giữa mặc áo vàng cũng biến mất luôn.

    Chỉ còn cô chị ̣ cả. Nhưng cô nhất định đứng giữa đồng chứ không đi đâu hết.  Khi thằng bé Mohawk thấy cô ta nhớ hai em tha thiết, nó mang hai cô em về và ba chị em khắng khít với nhau y như trước.

    Câu chuyện quá đơn giản, với phần giải pháp vấn đề quá nhanh, quá dễ dàng, không hấp dẫn gì cho lắm. Nhưng ý chính là ba chị em Bắp, Đậu, Bí Đao không thể sống xa nhau, mà phải ở kế nhau thì mới thành công. Câu chuyện thể hiện lối nhìn người trồng trọt ngày xưa, vì người da đỏ miền đông trồng cả ba loại gần nhau.  Đậu kế bắp để dễ dàng leo lên ngành bắp. Còn bí đao thì lan trên đất, lá to che ánh nắng mặt trời để phòng ngừa các loại cỏ hại mọc phía dưới. Và các cây đậu thì làm ra chất nitơ – nitrogen – giúp đất tốt cho cả ba loại cây.  Ba chị em hòa hợp cùng đất là lối nông nghiệp hiệu quả.

    Bành trướng nông nghiệp cũng dẫn đến lối cố ý đốt rừng để thoáng cho đất trồng trọt. Độc giả nào ở Cali đều biết là hay có cháy rừng, nhất là cuối hè hay đầu thu khi gió mạnh làm dễ lan lửa. Nhưng cháy rừng này là tai nạn, vì người cắm trại vô ý để lửa cháy bụi lan ra, hay vì nổ điện gây ra lan lửa.

    Thời xưa thì cũng có tai nạn lửa, gây ra vì sấm đánh.  Gần như cháy lớn ngày xưa là vì thiên tai.  Nhưng người da đỏ cũng có lúc cố ý đốt cháy một ít rừng, một phần là giúp ngăn ngừa cháy nhiều – vì cháy mà đến khoảng không cây thì lửa phải ngưng.  Và một phần không cho bụi rậm và cỏ mọc, để sau này họ trồng Ba Chị Em.

    Sản xuất nông nghiệp cao hơn, nhưng cũng có thể vì những thay đổi này mà người da đỏ miền đông bớt buôn bán hơn thời Hopewell.  Khám phá khảo cổ và khoa học niên hiệu cho ta biết là thời kỳ này không nhiều trao đổi đồ vật hiếm. Mà cũng bớt hơn sản xuất kim loại như đồng và khoáng chất.  Về đồ gốm, thì họ phát triển kỹ nghệ làm chắc và cứng cáp hơn trước.

    Nhưng buôn bán thì không nhiều bằng xưa.  Rồi đến xây cất gò đất cũng ít hơn trước rất nhiều.  Cung tên dùng săn thú cũng làm vũ khí nếu có đánh nhau với bộ lạc khác, nên có thể sung khắc lên cao hơn trước.  Nên cũng có những khó khăn phát triển trong thời kỳ này.

    Sau Hậu Địa Mộc thì tới thời kỳ văn hóa Mississippi, như tên dòng sông vĩ đại, kéo dài đến thời kỳ người da trắng Âu Châu qua Mỹ. Lúc này, thì dân số lên cao bên miền đông, và người da đỏ có rất nhiều bộ lạc cũng như ngôn ngữ. Họ sống tản mạc nhiều chốn miền đông.

    Nhưng ngược lại, thời đại Hậu Địa Mộc và Mississippi thấy được thành phố lớn nhất trong tiền sử Bắc Mỹ.  Đó là thành Cahokia khoảng giữa nước Mỹ bây giờ, ở tiểu ban Missouri gần thành phố St. Louis.  Nơi này bắt đầu chừng thế kỷ thứ bảy, đến thế kỷ thứ mười một chừng 1000 người thôi.  Nhưng con số lên cao đều đều, lên tới 15,000 người.  (Có nhà khảo cổ nghĩ cao điểm dân số là 40,000 người, nhưng con số này phỏng đoán xa sôi hơn.)

    Một góc của thành phố Cahokia ~ pc kekiongacomics.wordpress.com

    Còn đây là hẳn một bên thành phố. Cũng như trên, hình vẽ dựa trên nghiên cứu khảo cổ. ~ pc goodfreephotos.com

    Nhưng vào thế kỷ tới thì dân số xuống dốc rất nhanh và thành phố tan biến luôn.  Tại sao nhanh vậy?  Có thể vì họ làm rừng nhiều quá, cây cối ít đi cũng như không đủ thú vật để săn bắn.  Cũng có thể vì lụt lội, vì thành phố ở gần sông Mississippi.  Vào đầu thế kỷ thứ 13 có một trận động đất lớn, có thể hủy hoại Cahokia một phần.  Hoặc cũng có thể có bịnh dễ lây, giết nhiều người.  Cũng có phỏng đoán là họ chiến tranh với bộ lạc khác và bị hạ sát, nhưng phỏng đoán này không có bằng chứng cho lắm.  Vì không đủ chứng tích lịch sử, những lý do trên được đưa ra với dữ kiện khảo cổ thôi.

    Sao đi nữa, Cahokia là một hiện tượng quan tróng.  Người da đỏ ở Nam Mỹ và Trung Mỹ có một số thành phố đông dân, như người Aztec tại nước Mễ bây giờ.  Nhưng thành phố hiếm có ở Bắc Mỹ, cho nên Cahokia là chủ đề khá quan trọng trong ngành nghiên cứu Hoa Kỳ.

    Về di sản thì nền văn hóa Mississippi có nhiều danh từ quen thuộc.  Những địa danh sau đều là có từ ngôn ngữ những người da đỏ thời đó: Alabama, Illinois, Kansas (bộ lạc Kansa), Missouri (bộ lạc Missouria), dãy núi Appalechians (bộ lạc Appalechee), thành phố Miami, thành phố Ottawa bên Canada, và đại hồ Erie. Còn nhiều lắm, vì có nhiều bộ lạc và thổ ngữ vào thời kỳ này, trước khi người Âu Châu qua Bắc Mỹ.


    Tác giả: GS Hoàng Anh Tuấn (Tuan Hoang), Pepperdine University
    Nguồn: tuannyriver.com

    Độc giả cứ tự tiện sao lại cho nơi khác, nhưng yêu cầu kèm theo tên tác giả, đại học, và nguồn mạng trên.  Bấm vào đây để xem loạt bài.

    https://tuannyriver.com/2016/06/29/lich-su-nuoc-my-5-nguoi-da-do-mien-dong-phan-2/

    Không có nhận xét nào