Header Ads

  • Breaking News

    Lịch sử nước Mỹ #6: Người da đỏ miền đồng bằng

     Cò trong mùa gặt ở miền Tây, đồng bằng làm vựa lúa Việt Nam ~ pc tourdulichmientay.org

    Tác giả: GS Hoàng Anh Tuấn (Tuan Hoang), Pepperdine University
    Nguồn: tuannyriver.com

    Sau khi tìm hiểu tiền sử người da đỏ hai miền tây nam và tây bắc, chúng ta qua miền đông.  Bây giờ chúng ta vào giữa nước Mỹ, vùng đồng bằng mà người Mỹ gọi là “the Great Plains”: Đồng Bằng To Lớn, Đồng Bằng Vĩ Đại, Đại Đồng Bằng.

    To lớn vĩ đại thế nào?  Người Việt có câu “thẳng cánh cò bay” để diễn tả ruộng đất đồng bằng, nhất là ở miền Tây nước Việt, nhất từ thời Chúa Nguyễn đến thuộc địa Pháp, lúc dân số còn thưa thớt và làng xóm chưa nhiều.

    Nếu câu này mà áp dụng về Đại Đồng Bằng bên Mỹ, thì chắc cò bay mệt chết luôn vì đồng bằng rất ư to lớn.  Nói về biên giới thì phía đông là dòng sông Mississippi và phía tây dãy núi Rocky từ Canada xuống tới miền bắc tiểu bang Arizona.  Còn đi theo bắc nam thì đồng bằng đi từ phía dưới các tỉnh Alberta và Saskatchewan trên Canada, đi xuống tiểu bang Texas.

    Nếu so sánh với Việt Nam, thì khoảng cách máy bay giữa Hà Nội và Sài Gòn chừng 1150 cây số.   Còn từ thành phố Regina tỉnh Saskatchewan bên Canada bay xuống Lubbock tiểu bang Texas thì chừng 1900 cây số.  Nghĩa là miền đồng bằng Bắc Mỹ dài gần gấp đôi.  Còn về diện tích thì Việt Nam 330,000 cây số vuông, còn đồng bằng này thì tới 800,000.


    Bản đồ này thiếu một chút Canada, vì miền đông bằng lên tới thành phố Calgary. Nhưng có nhiều tên các bộ lạc. Một số tên vẫn dùng, như bộ lạc Wichita là tên thành phố có nhiều người Việt định cư từ 1975. ~ pc si.edu

    Có đồi nhưng ít núi, lái xe trên cao lộ ta sẽ thấy đất thường thường phẳng, có lúc nhìn chân trời xa tít mít, rất nhiều nông trại vì Đại Đồng Bằng Bắc Mỹ là vựa lúa mì bắp ngô.  Và cũng như nhiều thảo nguyên nhiều cỏ nuôi bò.

    Đó cũng là một điểm khác nữa giữa miền Tây nước Việt và đồng bằng nước Mỹ.  Vùng đồng bằng sông Cửu Long thì nhiều sông hồ. Còn môi trường đồng bằng Bắc Mỹ thì nhiều thảo nguyên.

    Thời xưa người thổ dân da đỏ vùng này sống ra sao?   Trước khi trả lời, xin độc giả nhớ lại là người da đỏ thời xưa có nhiều đa dạng về lối sống, kinh tế, sắp đặt xã hội.  Người miền tây nam sống với sa mạc hay gần núi non, có trồng trọt săn bắn nhiều.  Người tây bắc gần biển nên đánh cá săn bắn chứ ít trồng trọn.  Người miền đông thì tùy thời đại, nhưng trồng trọt, thủ công, và săn bắn.

    Còn người vùng đồng bằng thì mặc dù đất đai dễ cho nông nghiệp, nhưng họ không trồng trọt cho lắm.  Tại sao?   Lý do chính là bò rừng.

    Bò rừng có hai chữ trong tiếng Anh: bison hay buffalo.  Ngày xưa, vùng đồng bằng Bắc Mỹ có rất nhiều bò rừng, có ước tính cao tới hơn 50 triệu con.  Nếu miền Tây ở Việt Nam có nhiều cò bay, thì đồng bằng Bắc Mỹ ngày xưa vô số bò rừng.  Con cò bé bỏng quá, không là lương thực cho người dân quê, nhưng thành biểu tượng trong thơ ca hay tục ngữ dân gian.  Còn bò rừng thì vừa to vừa nhiều nên thành nguồn lương thực và tiện ích nhiều mặt cho người da đỏ.

    Bò rừng to lớn, mà hồi đó chưa có ngựa – vì con ngựa từ Âu Châu mãi sau này mới đến Mỹ Châu.  Không ngựa thì làm sao người da đỏ săn bò?

    Chú thích tiếng Anh từ trang mạng:  Buffalo Hunt under the Wolf-skin Mask, 1832/33  Smithsonian American Art Museum. Before they acquired horses in the eighteenth century, Indians developed ingenious methods to hunt buffalo on foot. One method was the stealthy approach in disguise. Since more than half the calves born each year died, bison tolerated the packs of wolves that took care of the carcasses. Buffalo were unprepared, however, for Indians in wolves’ clothing, who approached “within a few rods of the unsuspecting group, and easily [shot] down the fattest of the throng.” ~ pc allaboutbison.com
    Xin trả lời là họ săn bò rừng bằng cách giả làm chó sói.  Bò rừng sợ chó sói, và chó sói cũng không ít trong vùng đồng bằng ngày xưa.  Các bầy chó sói săn bò rừng vì bò to lớn, săn được một con ăn được nhiều.  Vì vậy mà chó sói vùng này – tiếng Anh “the Great Plains wolf” – còn có tên là “buffalo wolf”: chó sói ăn bò.

    Người da đỏ chắc học lối săn bò rừng từ chó sói.  Nhưng tất nhiên họ không có răng nanh như chó sói nên không thể tấn công như chó sói.  Nhưng họ áp dụng lối của họ.

    Trước hết, họ lựa địa điểm có vách đá cao hay dốc cheo leo.  Họ đợi bò đến ăn gần đó, rồi mặc đồ hóa trang nhìn như chó sói.  Họ lùa vài con ra khỏi bầy, có lúc lùa được cả bầy, chạy về hướng vách đá.  Bò chạy rớt xuống vách đá bị thương hay chết.  Họ đến giết bò mang về nhà.

    Sau này, có cung tên nên họ cũng có lúc bao vây rồi bắn và đâm bò.  Nhưng đuổi đến vách đá là chắc ăn nhất.

    Hình này diễn tả săn bò rừng vào thời có ngựa.  Trước ngựa thì người da đỏ giả làm chó sói hùa bò chạy rớt xuống vực hay vách đá. ~ pc archive.constantcontact.com

    Họ dùng bò vào việc gì?  Dậy sử Hoa Kỳ tại đại học bây giờ, tôi hay nói đùa với học sinh: “Bò rừng là một tiệm Walmart của người da đỏ.” Một con bò đực kha khá nặng cỡ 800 đến 1000 kí lô.  Còn bò nái thì nhỏ hơn, nhưng cũng không nhẹ vì mỗi con trên dưới 500 kí lô.  Xác mỗi con thì chừng 40% là thịt, để họ ăn liền rồi phơi khô số còn lại cho mùa đông.  Bao tử thì họ nhồi vào rau thịt, rồi hầm cho mềm để ăn.

    Còn 60% kia họ chế biết cho nhiều việc.  Họ mổ sẻ sừng bò làm muỗng hay thìa. Răng và lông thì làm đồ trang sức cá nhân như hạt chuỗi.  Máu bò có thể nấu canh hay dùng để sơn.

    Lớp da trên bò đầu bò rất dầy, nên họ cắt nó ra, phơi khô làm cái tô ăn cơm.  Da thân thể bò, họ phơi khô rồi dùng bao bọc lều trong bộ lạc, hoặc làm quần áo khá ấm.  Sau này, khi có mậu dịch trao đổi với bộ lạc bên miền đông hay người da trắng, da bò là một hàng hóa quan trọng đến kinh tế họ. Việc làm da khá tỉ mỉ: cắt da, giặt da, gâm da cho ra chất mặn, phơi da, làm mềm da, sơn da, trang trí da, v.v.  Phụ nữ da đỏ làm nhiều việc này, nhưng đàn ông cũng phụ vào, nhất là khi sơn và trang trí.

    Tim bò có thể dùng như cái giỏ nhỏ để chứa thịt khô. Bọng đái thì để chứa nước hay đồ ăn khi đi đường xa. Xương thì làm nhiều thứ: dao, tên, vũ khí, đồ chơi cho con nít, v.v.  Đuôi bò thì làm roi.  Còn gân và bắp thịt cứng cáp, họ làm khô rồi chế làm dây cho cung tên.  Ngay cả phân bò, họ cũng để khô làm nhiên liệu đốt lửa, nhất là ở những địa điểm ít cây không nhiều củi đốt.

    Bấm vào trang này từ Đại Học Syracuse, rồi bấm vào những nút xanh trên hình bò coi thêm chi tiết.

    Vì nguồn nguyên liệu to lớn bò rừng, người da đỏ đồng băng trồng trọt ít hơn bên miền đông hay tây nam.  Họ cũng di chuyển nhiều hơn, vì theo bò rừng di chuyển kiếm cỏ ăn. Như ta thấy trong những bài trước, hầu hết người da đỏ sống lối định cư ở làng, hay thỉnh thoảng ở phố như Cahokia.  Người đồng bằng hơi khác một chút. Họ cũng có làng, nhưng trong năm có thể di chuyển vì miếng ăn.  Nên họ tạo ra những túp lều mà ngày xưa phim hay chiếu.  Loại lều này khá cứng cáp, nhưng cũng không khó khăn dựng lên bỏ xuống.

    Bộ lạc người Sioux ăn mừng kế những túp lều họ dựng. ~ pc museumsyndicate.com

    Trên đây chỉ nói chút ít về kinh tế người đồng bằng thời tiền sử, cho ta thấy khái niệm lối sống của họ có căn bản khác với những người vùng khác.  Địa lý và môi trường dẫn đến cái đặc biệt lối sống, cũng như dân bản xứ mỗi miền tạo ra tiếp ứng đến gian nải khác nhau.

    Sau khi người da trắng từ Âu Châu di cư qua Bắc Mỹ, người da đỏ miền đồng bằng có nhiều biến đổi như người da đỏ những nơi khác.  Chúng ta sẽ nhắc về liên hệ giữa họ và người da trắng trong những bài viết tương lai.  Bắt đầu từ kỳ tới, chúng ta chuyển từ tiền sử qua lịch sử của lịch sử nước Mỹ. 


    Tác giả: GS Hoàng Anh Tuấn (Tuan Hoang), Pepperdine University
    Nguồn: tuannyriver.com

    Độc giả cứ tự tiện sao lại cho nơi khác, nhưng yêu cầu kèm theo tên tác giả, đại học, và nguồn mạng trên.  Bấm vào đây để xem loạt bài.

    https://tuannyriver.com/2016/06/30/lich-su-nuoc-my-6-nguoi-da-do-mien-dong-bang/

    Không có nhận xét nào