Header Ads

  • Breaking News

    Lịch sử nước Mỹ #7: Người da đỏ thế kỷ 15

    Một làng da đỏ trong thế kỷ thứ 16. Những chi tiết trên hình (vẽ hồi thế kỷ 20) cho ta thấy tổ chức làng này khá tinh vi, với nhà chính và sân to ở giữa cho việc thờ phượng, hội họp. Làng tạo kế sông, tiện cho đánh cá. Nhưng cũng riêng biệc ra khu trồng trọn, không có trong hình. pc floridadesototrail.com

    Tác giả:  GS Hoàng Anh Tuấn (Tuan Hoang), Pepperdine University ~ Nguồn: tuannyriver.com. 

    Câu đố: Nước Mỹ có 50 tiểu bang.  Bao nhiêu tiểu bang có tên gốc da đỏ?  10 tiểu bang?  15? 20? 25? 30? 40? 

    Vào cuối thế kỷ thứ 15, tức thời kỳ Âu Châu thám hiểm đến Bắc Mỹ, thế giới thổ dân da đỏ thay đổi khá nhiều từ hay thế kỷ trước.  Về dân số thì ước tính từ ba đến sáu triệu người trước khi Christopher Columbus và người Âu Châu qua. Còn toàn Tân Thế Giới thì từ 10 đến 20 triệu người. Trên một lục địa lớn lao, người da đỏ có đủ thành phần về cơ sở, tổ chức, kinh tế, v.v.

    Có bộ lạc to lớn và giầu có; có bộ lạc nhỏ bé và nghèo nàn.  Kinh tế và lối sống đi đôi: bộ lạc vùng đông dân có quan hệ buôn bán cao hơn, tổ chức cuộc sống tinh vi hơn, ngay cả quần áo họ mặc có chất lượng hơn.  Còn bộ lạ vùng nghèo nàn thì người lớn có thể to cao, nhưng tài nguyên có thể ít (nhất là vùng xa mạc) và tổ chức kinh tế rất ư đơn giản.  Về xã hội thì không phải bộ lạc nào cũng theo hệ thống phụ hệ, vì hệ thống mẫu hệ được một số bộ lạc chấp nhận.  Về quân sự thì có bộ lạc rất hiền hòa, có bộ lặc hiếu chiến theo hoàn cảnh, môi trường, và truyền thống.

    Trên miền tây bắc thì cuộc sống ít thay đổi nhất vì có nhiều tài nguyên thiên nhiên. Miền này thì thay đổi không nhiều như các miền khác.  Và xuống California, nơi mà con số thổ dân không cao lắm vào thời tiền sử, tình hình cũng hao hao như vậy.  Vì miền đất này xa phía Đại Tây Dương, nên mãi đến giữa thế kỷ thứ 17, thổ dân California mới gặp người Âu Châu, nhất là người Tây Ban Nha thám hiểm hay truyền giáo đi từ phía Mễ Tây Cơ.  Còn trên miền tây bắc thì tới thời kỳ Cách Mạng Hoa Kỳ trong thế kỷ 18 thì người da trắng mới đến thám hiểm vùng này cho lắm.

    Ngược lại, miền tây nam có thay đổi to lớn vì hạn hán và các biến chuyển môi trường khác, cũng như chiến tranh và thay đổi kinh tế.  Vào thế kỷ 15, các văn hóa Hohokam, Mogollon, và Anasazi miền tây nam đã tan rã lâu rồi.  Hậu duệ của họ thì có nhóm di cư đi vùng khác, nhưng cũng nhiều nhóm còn ở tây nam nhưng tản mạc ra hơn trước, làm nhiều bộ lạc hơn. Hậu duệ còn lại có tên chung là Pueblo, và chia ra một số bộ lạc như Acoma, Keres, Hopi, và Zuni.

    Mỗi bộ lạc (tribe) gồm có nhiều tiểu bộ lạc (clan).  Hai bộ lạc Hopi và Zuni có tên trên bản đồ dưới đây, nơi miền có mầu tím.  Mặc dù các bộ lạc đều có nông nghiệp, có bộ lạc trồng trọt lối ướt và có bộ lạc dùng lối khô (vì sống nơi xa mạc).

    Bắc Mỹ có hàng trăm bộ lạc văn hóa người da đỏ; bản đồ này có tên những văn hóa và bộ lạc quan trọng nhất.  Về thời gian, bản đồ ghi là đầu thế kỷ 17, nhưng cũng không khác lắm cuối thế kỷ 15 trước khi Columbus thám hiểm bên này. ~ pc classzone.com

    Về tổ chức xã hội, thì người Hopi có điểm đặc biệt là không những theo mẫu hệ mà còn mẫu quyền.  Xin nhớ là mẫu hệ không phải là mẫu quyền, và phần nhiều bộ lạc theo mẫu hệ vẫn đi theo khuân khổ phụ quyền.  Nhưng người Hopi không những xem con cái và chia tài sản qua hệ thống mẫu hệ, họ còn có nhiều bình đẳng nam nữ trong quyết định xã hội và chính trị.  Một lý do dẫn đến bình đẳng là vì họ hiếm tranh chấp với những bộ lạc khác nên thường là không cần một quân đội và cũng không có tư tưởng võ học ưu cho phái nam. Đó là một môi trường giúp bớt xuống hệ thống phụ quyền.

    Người Hopi còn lập ra một chức vụ là Mẹ Bộ Lạc (clan mother) cho những tiểu bộ lạc. Mẹ Bộ Lạc thường thường là phụ nữ cao tuổi nhất.  Mẹ Bộ Lạc không phải chỉ là chức vụ tượng trưng . Bà có thể giúp bộ lạc bàn tính và quyết định những chuyện quan trọng, như là chọn bộ lạc trưởng (đàn ông) thay thế người qua đời.  Bà cũng là thẩm phán trong những tranh cãi chưa giải được, như tranh cãi tài sản chẳng hạn.

    Ngoài những bộ lạc Pueblo, miền tây nam còn có mặt của người bộ lạc Apache và Navajo. (Phát âm là “a-pá-chề” và “na-vá-hồ.”)  Hai nhóm này xuất phát từ miền đồng bằng phía tây của Canada bây giờ, và họ có ngôn ngữ anh em với nhau.  Từ thế kỷ thứ 13, họ từ từ di chuyển xuống miền nam, đến tới miền tây bắc trong thế kỷ thứ 15.  Lúc đó chưa có ngựa bên Mỹ Châu, nhưng họ dùng chó để chuyên chở nên công việc di chuyển dễ dàng hơn.  Cũng như người Hopi, hai bộ lạc này theo chế độ mẫu hệ, nhưng họ khác Hopi là có chế độ phụ quyền.

    Với truyền thống du mục, người Apache và Navajo vẫn thỉnh thoảng di chuyển giữa hai miền tây nam và đại đồng bằng.  (Coi lại bản đồ bên trên.)  Họ cũng thỉnh thoảng bố ráp công kích những bộ lạc và làng khác. Mục đích của họ không phải là bành trướng lãnh thổ, nhưng để lấy những đồ quý giá, hoặc bắt thêm người vào bộ lạc họ, hoặc trả thù cho giết hại người trong bộ lạc của họ.

    Người Pueblo cũng thỉnh thoảng tham dự công kích kiểu này, thường thường là vì họ muốn trả thù lại công kích giết bóc của bộ lạc khác, hoặc là vì cần thêm đất đai trồng trọt vì dân số đi lên. Nhưng họ cũng thủ rất nhiều, nhất là chống lại người Apache và Navajo hay tấn công các làng mạc.  Cách thủ của thổ dân Pueblo miền núi dựng làng ở những khu cao nguyên có nhiều hiểm trở di chuyển.  Phòng thủ làng xóm họ cũng cao kỹ thuật, như xây nhà với đường đi hẹp bên ngoài gây khó khăn di chuyển của quân công kích xâm lăng.  Đây là một thí dụ về sáng kiến tổ chức người da đỏ, ra từ chung đụng giữa môi trường và hoàn cảnh chính trị.

    Một làng Pueblo, xây trên cao nguyên với nhà trên cao gây khó khăn cho quân công kích bộ lạc khác. ~ pc crowcanyon.org

    Cũng như miền tây nam, bên miền đồng bằng và miền đông cũng rất nhiều bộ lạc, nhiều ngôn ngữ khác nhau. Chúng ta nên nhớ rằng người da đỏ nói cả trăm thứ tiếng, và người da đỏ vùng Seattle thời đó chắc chắn không hiểu người da đỏ nơi St. Louis nói gì, và bên St. Louis không biết nơi Miami nói gì.  Dễ hiểu hơn là ngôn ngữ ký hiệu, tức diễn tả bằng tay, thường được dùng cho việc buôn bán giữa những nhóm da đỏ quá khác về ngôn ngữ nói.

    Vào thế kỷ 15, thổ dân da đỏ phía đông nước Mỹ phân chia rõ rệt giữa nam và bắc, nhất là vì dân số miền nam cao nhất Bắc Mỹ bấy giờ.  Sau bao nhiêu thế kỷ văn hóa Adena, Hopewell, Hậu Địa Mộc, nền văn hóa mang tên chung là Mississippi cũng biến hóa và tản mạc mọi nơi.  Tại miền đông nam nước Mỹ thôi đã có vài chục bộ lạc rồi, kể cả năm bộ lạc chính mà bản đồ trên cho ta thấy: Cherokee, Chickesaw, Choctaw, Creek, và Seminole.  Để dễ nhớ, chúng ta có thể nghĩ đến họ là “bốn chữ C và một chữ S.”

    Xã hội người Cherokee đặc biệt là có hai tổ chức trong cấu trúc trên và dưới.  Bên trên là nhóm người quan lại tôn giáo cũng như phù thủy, lãnh đạo những việc thờ cúng, ban phép cho người sống, cầu cho hồn người chết.  Bên dưới là nhóm quân lính, có nhiệm vụ bảo vệ hay xâm chiếm nơi khác.  Người Cherokee có liên hệ ngôn ngữ với một số bộ lạc trên miền đông bắc.

    Ngược lại, người Creek (cũng được gọi là Muscogee) thì theo ngôn ngữ hoàn toàn miền nam.  Vào thế kỷ 15, người Creek sống theo làng mạc nhỏ, chưa có tổ chức lớn lao như người Cherokee.  Dân số họ rất cao nơi tiểu bang Georgia thời nay, nên lịch sử Georgia thường bắt đầu về người Creek.

    Còn xuống Florida, nhất là phía bắc tiểu bang, thì có nhiều người Seminole.  Vì thế mà đại học Florida State, địa điểm trên bắc tiểu bang, có tên hiệu cho các đội thể thao là “the Seminoles”  Lịch sử của nhóm này đặc biệt là vì mãi sau Columbus thám hiểm qua đây mới có họ.  (Đúng ra họ không có tên trong bài này, nhưng vì bản đồ bên trên có tên họ, nên tôi xin giải thích ở đây.)  Xuất thân trong nhóm Creek, họ di tản xuống Florida trong thế kỷ 16 và 17 vì chiến tranh với người Tây Ban Nha và các bộ lạc khác, cũng như vì bị dịch tả mà người Âu Châu mang qua.  Mãi đến thế kỷ 18 thì danh từ Seminole – nguồn gốc từ Tây Ban Nha nghĩa là “thoát ly” – mới phổ thông.  Chúng ta sẽ trở lại họ cũng như những sự kiện trên sau này.

    Thổ dân vùng nam Florida giết cá sấu thời tiền sử – ngày xưa cá sấu rất to.  ~ pc Library of Congress

    Cuối cùng, chúng ta lên miền đông bắc, nơi có rất nhiều nhóm thổ dân da đỏ mà sau này ảnh hưởng rất cao với lịch sử thuộc địa nước Mỹ.  Quan trọng nhất là hai nhóm Iroquois và Algonquin.  Thứ nhất là người Iroquois.  Mặc dù một số thổ dân Iroquois ở miền nam như Georgia và hai bang Carolina, đa số sống trên tiểu bang New York và Pennsylvania bây giờ.  Hao hao như người Hopi bên tây nam, họ không những tổ chức xã hội theo chế độ mẫu hệ, mà còn có vai trò Mẹ Bộ Lạc cho từng làng hay tiểu bộ lạc.

    Trên phía bắc tiểu bang New York, năm bộ lạc hợp lại làm Iroquois Confederation: Liên Đoàn Iroquois theo tiếng Việt.  Liên đoàn này cũng có tên là Five Nations: Ngũ Quốc.  (Sau này trong thời gian thuộc địa, thêm một bộ lặc vào nên tên đổi qua là Six Nations: Lục Quốc.)  Một số nhà nguyên cứu đoán là Liên Đoàn được hình thành khoảng giữa thế kỷ thứ 15, nhưng cũng có người định thời gian hình thành sớm hơn.

    Năm nhóm thổ dân Iroquois trước thuộc địa ~ pc weber.edu

    Với tổ chức chính trị và kinh tế to lớn như thế này, Liên Đoàn Iroquois sẽ đóng vai rất quan trọng về ngoại giao với người da trắng sau thế kỷ 15.  Tại các địa phương, thì họ sống rất cộng đồng, ăn ngủ trong những căn nhà dài – tiếng Anh là longhouse.

    Longhouse: Nhà dài của người Iroquois, thường thường dài 60 mét. ~ pc pinterest

    Lối sống nhà dài thể hiện quan điểm xã hội chủ nghĩa của người Iroquois. Cũng như nhiều dân tộc khác trên thế giới ngày xưa, họ cũng coi đất đai là của chung.  Mỗi bộ lạc (tribe) làm chủ tất cả đất đai trong vùng, rồi chia đất cho các tiểu bộ lạc (clan).  Mỗi tiểu bộ lạc lại chia ra cho các nhà dài, và mỗi vài năm thì xem xét và chia lại cho công bằng.  Vì phụ nữ là người trồng trọt chính, họ có tiếng nói quan trọng trong chia đất sau vai trò của bà Mẹ Bộ Lạc. Họ trồng bắp và các loại rau, nhưng cũng có thuốc lá để dùng và buôn bán.  Phụ nữ Iroquois sản xuất hai phần ba thực phẩm và đồ dùng, giúp bộ lạc họ gần như không bao giờ chết đói như có thể xẩy ra ở miền khác.

    Còn đàn ông Iroquois thì làm rừng.  Họ đốn củi, làm xuồng canoe, săn bắn, và câu cá.  Vì bắc New York nhiều hồ, kề cả đại hồ Ontario, xuồng người Iroquois rất quan trọng cho phát triển kinh tế, giúp họ di chuyển dễ dàng trong trao đổi hàng hóa với thổ dân các vùng lân cận.

    Xuồng Iroquois làm bằng thân cây cắt xuống, xẻ nửa, rồi lấy thân ra. Chú ý quần áo họ mặc, làm từ da thú vật ra. ~ pc pinterest

    Đó là nhóm Iroquois. Còn nhóm thứ hai là người Algonquin – tĩnh từ thì thêm chữ “a” thành Algonquian.  Có rất nhiều bộ lạc họ hàng ngôn ngữ Algoquin, và họ cũng tản mạc nhiều địa phương phía đông bắc nước Mỹ cũng như gần hết miền đông Canada.

    Ở bên Mỹ, người Algoquin phía bắc New England như Maine, Vermont, và New Hamshire có lối sống nghèo hơn phía nam.  Họ làm lối nhà căn bản: dễ dựng lên và dễ phá đi. Lý do là họ không sống một nơi nhất định mà di chuyển theo mùa.  Đất đai vùng này nhiều đồi núi, không nhiều chất bổ, nên nông nghiệp kém hơn nhiều nơi khác.  Xuân hè thì họ câu cá, lượm sò ốc khu biển, và hái các rau cỏ.  Mùa thu họ vào rừng săn bắn.  Mùa đông lạnh lẽo nhiều tuyết, thì họ dựng nhà dài hao hao như người Iroquois nhưng không chắc bằng.  Tháng hai tháng ba vẫn lạnh mà thực phẩm còn ít, nên họ thường hay bị nạn đói đe dọa.  Đây là một lý do mà dân số họ không lên cao cho lắm.

    Ngôn ngữ Algoquian khá phổ thông. ~ pc wikipedia

    Còn đi xuống phía nam một ít, như Connecticutt và Massachussetts, thì đất đai đỡ hơn nên người Algoquin trồng trọt hơn.  Lối nông nghiệp của họ là đốt đất sau một hay hai mùa thu hoạch, rồi đi nơi khác.  Vài mùa sau họ lại trở lại.

    Còn phía Canada bây giờ thì cũng nhiều bộ lạc gốc Algoquin, nhất là vùng Quebec cũng như  Ngũ Đại Hồ.  Vì có nhiều hải ly, vùng này sẽ phát triển kinh tế da hải ly vào đầu thế kỷ 17, rất quan trọng cho buôn bán giữa người da đỏ và da trắng.

    Vợ chồng Algoquin vào thế kỷ 17 hay 18. ~ pc wikimedia

    Vào kỳ tới, chúng ta chuyển hướng qua người Âu Châu vào thời kỳ họ qua Bắc Mỹ: ông Columbus vào cuối thế kỷ 15, rồi các người thám hiểm và viễn chinh trong thế kỷ 16. Những biến cố này đổi thay hoàn toàn đời sống bên Bắc Mỹ cũng như ảnh hưởng xâu đậm đến lịch sử thế giới.  Chúng ta vẫn tiếp tục nói về người da đỏ, nhưng bây giờ nói trong bối cảnh thám hiểm và thuộc địa hóa của người da trắng.

    Trả lời câu đố bên trên. Có 25 tiểu bang mà tên có nguồn gốc ngôn ngữ người da đỏ:  Alabama, Alaska, Arizona, Arkansas, Connecticut, Hawaii, Illinois, Iowa, Kentucky, Massachusetts, Michigan, Minnesota, Mississippi, Missouri, Nebraska, (New) Mexico, (North/South) Dakota, Ohio, Oklahoma, Tennessee, Texas, Utah, Wisconsin, Wyoming.


    Tác giả:  GS Hoàng Anh Tuấn (Tuan Hoang), Pepperdine University ~ Nguồn: tuannyriver.com. 

    Độc giả cứ tự tiện sao lại cho nơi khác, nhưng yêu cầu kèm theo tên tác giả, đại học, và nguồn mạng trên.  Bấm vào đây để xem loạt bài.

    Không có nhận xét nào