Header Ads

  • Breaking News

    Lịch sử nước Mỹ #8: Châu Âu thám hiểm

    Hình vẽ nổi tiếng của họa sĩ Jan Van Eyck

    Sau những lần tìm hiểu về người da đỏ trước thời kỳ Columbus, chúng ta chuyển hưởng về người da trắng bên châu Âu.  Bài này nói về châu Âu trước thời thám hiểm qua bên Mỹ, cùng vài lý do căn bản đầu tư thám hiểm của người Âu.

    Để hiểu chuyện này, chúng ta phải trở lại thời gian về lịch sử châu Âu, nhất là bên Tây Âu. Sau các triều đại La Mã, ảnh hưởng lớn nhất ở châu Âu là Thiên Chúa Giáo.  Trong các thế kỷ đầu của Công Niên, con số tín đồ Thiên Chúa Giáo dần dần lan rộng, đến thế kỷ thứ tư thì được Hoàng Đế Constantine cho phép tự do tôn sùng trong Đế Quốc La Mã.  Từ đó, giáo hội Công Giáo càng ngày càng hùng mạnh, là châm điểm của văn hóa và văn minh châu Âu cho nhiều thế kỷ.

    Trong thời đại Trung Cổ, tức là đến khoảng thế kỷ thứ 15, châu Âu chuyển qua chế độ phong kiến, với phần lớn tổ chức xã hội và chính trị theo lối mỗi địa phương có một chúa tể làm chủ nhiều đất đai, mà dưới ông là nhiều chư hầu. Các chư hầu này là dân chúng chung quanh vùng, họ xin chúa tể nhận họ làm chư hầu để được thêu đất của ông.  Liên hệ chúa tể chư hầu này được chính thức công nhận qua nghi lễ, mà trong đó chúa tể hứa sẽ bảo vệ chư hầu và, ngược lại, chư hầu thề hứa là sẽ tùng phục và chung thành với chúa tể.  Nghe như là trong chuyện kiếm hiệp phải không quý vị?

    Nhưng chung thành là sao?  Chung thành nghĩa thì chư hầu sẽ làm lính mỗi khi chúa tể cần có quân đội cho những việc an ninh cũng như đánh trận.  Nhưng không phải chỉ có chiến tranh mà chúa tể cần chư hầu. Quan hệ hay bên mật thiết chứ không phải máy móc, và chúa tể có lúc gọi các chư hầu lại bàn chuyện đại sự về kinh tế hay văn hóa.  Chúa hay tớ, hai bên đều là giáo hữu Thiên Chúa Giáo, thờ phượng một thượng đế, đi cùng một tín ngưỡng, có các giám mục và linh mục làm nghi lễ thường xuyên, và công nhận giám mục tại La Mã là đức giáo hoàng của Công Giáo.

    Tới thế kỷ 14 thì châu Âu có hai thay đổi lớn lao.  Thứ nhất, vào khoảng thời điểm nửa thế kỷ, người Âu bị một bịnh dịch to lớn chưa bao giờ thấy, lan truyền vì các con bọ chét sống trên mình các con chuột mang dịch tả.  Từ Thổ Nhĩ Kỳ bây giờ cho đến nước Anh, từ vùng Crimea bên Nga tới bán đảo Tây Ban Nha, bịnh dịch lan tràn, giết hại vô số người trong khoảng bảy con lịch. Các nhà sử học ước tính người chết ít nhất khoảng 70 triệu mà cao nhất là 200 triệu.  Nghĩa là khoảng từ 30 đến 60 phần trăm dân số châu Âu.  Đây là một thảm kịch vĩ đại chưa thấy bao giờ.  Mãi đến Đệ Nhị Thế Chiến mới thấy một tàn phá to lớn tương tự, nhưng dĩ nhiên không phải từ bọ chuột mà là loài người gây ra.

    Điểm thứ hai là sau bịch dịnh hết, người Âu bắt đầu đổi hướng quan niệm lối nhìn qua phong trào Phục Hưng – tức là Renaissance – nhất là ở Ý. Có giả thuyết là vì bịnh dịch giết quá nhiều dân số, người châu Âu bớt nghĩ về đời sau lên thiên đàng hay xuống hỏa ngục, mà suy tưởng và tìm hiểu về đời nay hơn, kiếm cách củng cố cuộc sống đời này hơn. Phong trào Phục Hưng nhìn nhận những cái đẹp của nền văn minh cổ điển, dù dựa vào xưa nhưng biến hóa ra nhiều tác phẩm nghệ thuật và văn học mới mẻ.  Đó là lý do mà du khách qua La Mã và Ý bây giờ hay tham quan nhiều tượng đá, kiến trúc, và hội họa dựng vào thời Phục Hưng.

    Phong trào Phục Hưng tiếp tục vào thế kỷ 15 và 16, và còn nhiều thay đổi to lớn, nhất là những lạm phát trong giáo hội Công Giáo, gây chia rẽ trong Thiên Chúa Giáo vì một số người ly khai ra phía Tin Lành, như giáo phái ông Luther bên Đức hay giáo phái Anh Giáo.  Chúng ta sẽ trở lại chuyện này vì nó xảy ra trong thế kỷ 16.  Hiện giờ, chúng ta chú ý vào thế kỷ 15, vì ông Columbus thám hiểm qua châu Mỹ vào thập niên cuối cùng của thế kỷ này.

    Thế kỷ thứ 15 được coi là một thế kỷ “phép lạ” trong lịch sử châu Âu.  Tại sao là phép lạ?

    Chúng ta nên nhớ là trong thế kỷ trước đó, châu Âu thua Trung Hoa về nhiều thứ. Trung Hoa giầu hơn châu Âu về sản xuất kinh tế.  Họ có nhiều sáng chế kỹ thuật hơn người Âu, nên có người Âu qua đó tạm sống để học hỏi, trao đổi, nhất là trong thế kỷ 13, 14, và 15.  Đầu thế kỷ 15, vua Vĩnh Lạc nỗi lạc của nhà Minh (còn gọi là Thành Tổ hay Thái Tông) bảo trợ trên hai ngàn học giả soạn ra bộ bách khoa toàn thư  có hơn 22,200 quyển.  Tên gọi là Vĩnh Lạc Đại Điển, bộ bách khoa đồ sộ này tập hợp hiểu biết về toán học, thiên văn học,  sinh vật học, y khoa, địa lý, và nhiều môn khác.  Các nước chư hầu, kể cả Việt Nam, đều quý trọng các sách khi được nhà Minh tặng lúc qua triều cống.

    Về chính trị và quân sự, Trung Hoa cũng thống nhất và hùng mạnh hơn, nhất là dưới triều đại nhà Minh có hơn một triệu lính và hạm đội thủy quân lớn nhất thế giới.  Hạm đội này là một lý do mà qua thế kỷ tới, hoàng đế Minh Thành Tổ cử ông Trịnh Hòa (Zheng He) đi thám hiểm qua nhiều vùng, có gần như Đông Nam Á, có xa như tới Ai Cập.  (Có học giả nghĩ là ông qua tới châu Mỹ, nhưng không có bằng chứng rõ ràng nên chỉ là giả thuyết thôi.)  Ông Trịnh Hòa thám hiểm trong ba thập niên đầu của thế kỷ 15, tức là trước Columbus gần 90 năm. Đó là một thí dụ về tiến bộ của văn minh Trung Hoa bấy giờ.

    Thương gia Marco Polo lãnh nhận một món quà từ Hốt Tất Liệt, người ngồi ghế, là Đại Hãn của đế quốc Mông Cổ và cũng là người sáng lập nhà Nguyên ở Trung Hoa trong thế kỷ 14. ~ pc icecreamnation.org

    Nhưng thế kỷ 15 cũng là lúc châu Âu tiếp đà Phục Hưng chuyển hướng, dẫn đến những thay đổi to lớn cho toàn thế giới sau này. Nói đúng hơn, phân nửa trước của thế kỷ còn nhiều vấn đề, nhưng phân nửa sau có nhiều thay đổi lớn.  Là vì Anh và Pháp đánh nhau trong “chiến tranh trăm năm,” bắt đầu từ thế kỷ 14, gây cấn như chúa Trịnh chúa Nguyễn ở Đàng Ngoài Đàng Trong bao năm xưa ở Việt Nam vậy, lúc chiến lúc ngưng.  Chiến tranh trăm năm tới giữa thế kỷ 15 hai bên mới đồng ý chấm dứt.

    Bớt chiến tranh thì người chết cũng ít hơn, dân số tăng lên lại.  Người mới không những thay thế con số người chết bịnh dịch, mà tăng hơn trước, biến chuyển lối sống phong kiến.  Với dân số càng ngày càng lên, đất đai vùng quê không nhiều cho người thuê, làm một số lên thành thị, dần rồi chết chế độ phong kiến giữa chúa và chư hầu. Với những phát hiện và giả thuyết mới trong khoa học, kỹ thuật khá hơn. Nhưng ngược lại, đất đai chật chội hơn, thú vật cũng vơi hơn vì người Âu săn bắn hơn trước.  Gỗ rừng cũng vợi hơn vì người ta cần củi đốt ấm trong mùa đông, gỗ để xây nhà cửa, tàu bè, và những vật dụng khác. Ngay cá biển người Âu tiêu thụ cũng cao, mà giờ không phải lúc nào cũng câu được nhiều.   Những vấn đề kinh tế cũng góp một phần vào trào lưu thám hiểm sau này.

    Cùng lúc, công nghiệp ở các thành phố lớn bé tiến triển hơn, thương mại mạnh bạo hơn. À, chúng ta phải nhấn mạnh một chút về vai trò thương mại và thương gia châu Âu trong lịch sử nước Mỹ.  Con số thương gia cao hơn, người giầu có cũng thế. Một số mở rộng mua bán giữa châu Âu và những xứ sở khác như Ấn Độ và Trung Hoa. Các ngân hàng dám cho mượn số tiền to lớn để hỗ trợ những mạo hiểm kinh doanh hơn.

    Nhưng khổ một nỗi là lúc này Đế Quốc Mông Cổ đã tan rã, an ninh không có trung ương cai quản mà hoàn toàn về  các địa phương, nên việc di chuyển trên đất từ châu Âu qua Ấn Độ, Trung Hoa không còn an toàn như thế kỷ trước.  Nên các đại gia và vua chúa châu Âu nghĩ về đường biển hơn là đường bộ. “Chắc phải cần kiếm thêm đường biển,” họ nghĩ như thế. Rồi ý tưởng đến hành động.

    Hình vẽ nổi tiếng của họa sĩ Jan Van Eyck, về một thương gia giầu có và vợ, từ đất Ý bây giờ. Cảnh dựng có nhiều biểu tượng như cái kiếng tròn đàng sau là mắt Thiên Chúa coi chừng cho gia đình họ, hay con chó loại hiếm có, biểu hiện giàu sang của gia đình này. Bức tranh thể hiện vai trò quan trọng của thương mại trong thế kỷ 15, thay thế lối sống phong kiến bao thế kỷ qua. ~ pc amazonaws.com

    Ở Bồ Đào Nhà, vua chúa cổ động hợp tác giữa thương gia và thủy binh, cử một thương gia xứ nam Ý bây giờ, ông Manuel Pessanha, làm đô đốc thủy quân. Tại sao nói tên ông này.  Là vì lấy ông làm thí dụ là người xứ kia có thể dễ dàng làm việc ở xứ này nếu có tài năng.  Lúc này chưa có quốc gia lối sau này.  Người tài đi lại nhiều xứ, ý tưởng giao thông từ địa phương này qua địa phương trước dễ hơn bên Bắc Mỹ bị núi non ngăn trở hai bên đông tây.  Thế là đầu thế kỷ 15 có ông thương gia Pessanha xứ Genoa bên Ý làm quan lớn cho vua chúa Bồ Đào Nha.  Cuối thế kỷ 15 thì có ông thương gia Christopher Columbus, cũng gốc Genoa, rành nhận định kinh nghiệm về hướng gió đi biển, nhận việc thám hiểm do vua và hoàng hậu Tây Ban Nha chỉ định.

    Nhiều địa phương bên Ý lúc đó có truyền thống thương mại mấy đời rồi.  Thương mại là một kích động to lớn đi nơi này nơi kia, như Marco Polo từ Venice đi qua Trung Hoa kiếm mối.  Trong thế kỷ 15 và 16, thương mại một lần nữa làm động lực thám hiểm để kiếm đường đi lại tiện hơn cho buôn bán.  Hai xứ Nha – Bồ Đào và Tây Ban – có khả năng ứng tiền bảo lãnh những chuyến thám hiểm.  Biết đâu đi hướng tây, chúng ta sẽ kiếm đường ngắn hơn qua Trung Hoa, Ấn Độ, Ba Tư, v.v.  Thế là đến ngày Columbus và các thủy thủ nhổ neo ba tàu lên đường.  Không có ai ngờ là chuyến đi sẽ thay đổi lịch sử thế giới, nhất là người da trắng châu Âu, người da đen châu Phi, và tất nhiên là người da đỏ trên hai châu Mỹ.

    Vì vai trò quan trọng của thương gia, bài tới sẽ chi tiết hơn về vai trò của họ cũng như liên quan đến kinh tế và chính trị châu Âu, trước và sau khi ông Columbus thám hiểm bên châu Mỹ.


    Tác giả:  GS Hoàng Anh Tuấn (Tuan Hoang), Pepperdine University ~ Nguồn: tuannyriver.com.  Độc giả cứ tự tiện sao lại cho nơi khác, nhưng yêu cầu kèm theo tên tác giả, đại học, và nguồn mạng trên.  Bấm vào đây để xem loạt bài.

    Không có nhận xét nào