Header Ads

  • Breaking News

    Lịch sử nước Mỹ #9: Cách mạng thương mại châu Âu


    Tác giả:  GS Hoàng Anh Tuấn (Tuan Hoang), Pepperdine University ~ Nguồn: tuannyriver.com

    Vai trò quan trọng của thương gia Ý được thể hiện qua nhân vật chính trong vở kịch nổi tiếng của Shakespeare vào thế kỷ thứ 16.

    Trong bài trước, chúng ta chú ý về vai trò thương mại và thám hiểm ở châu Âu nhất là từ thế kỷ 15 trở lên. Trong bài này, chúng ta nói thêm một chút về ảnh hưởng của thương mại châu Âu đến khám phá châu Mỹ.

    Về thời điểm, công cuộc cách mạng thương mại trong lịch sử châu Âu bắt đầu vào khoảng thế kỷ thứ 13. Lúc này kinh tế  bắt đầu chuyển hướng theo đà thương mại trong vùng thôi, chứ chưa có ngoài châu Âu lắm đâu, nhưng vẫn là điểm mới mẻ cho nền kinh tế dựa trên nông nghiệp thời Trung Cổ bấy giờ.  Tuy nhiên, cuộc cách mạng này dừng chân vào giữa thế kỷ 14 vì bịnh dịch tả giết hại gần nửa dân số, đình trị nhân sự cũng như buôn bán giữa châu Âu và những vùng khác.  Tới đầu thế kỷ 15, cách mạng mới trở lại vị trí như xưa và lên đà tiến triển đến đầu thế kỷ 18 mới chuyển qua cách mạng kỹ nghệ lần đầu tại nước Anh.

    Vào thời Trung Cổ, khu vực nước Ý bây giờ là một địa điểm quan trọng, một phần là có nhiều thi đua giữa những địa phương. Sau Đế Quốc La Mã tan rã, bán đảo Ý không có nông thôn hóa như nhiều nước khác, mà còn nhiều thành phố và vương quốc bé, có nhiều chính phủ quyền lực độc lập.  Một số địa phương, nhất là ở Trung và Bắc Ý, còn là thành phố tổ chức chính trị lối cộng hòa.  Đến thời Hưng Phục, có khoảng 250 chính quyền độc lập ở nước Ý.  Những địa phương cộng hòa và quân chủ này có nhiều tranh đua về chính trị, quân sự, và nhất là kinh tế.  Họ có lợi là kế Địa Trung Hải nên đi lại dễ dàng với các nước khác, kể cả những nơi có văn hóa và kinh tế Ả Rập ở Bắc Phi, rồi qua Ấn Độ và Trung Hoa.

    Vai trò thương mại trong cuộc cánh mạng lâu dài này không chỉ ảnh hưởng kinh tế mà còn chính trị.  Chẳng hạn như chuyện thuế má. Vì bớt tốn tiền, các thương gia cuối thời Trung Cổ  điều đình trả thuế cho một vương quốc nào thôi, chứ không phải trả mấy ông chúa vùng hay quý tộc khác nhau.  Với thay đổi này, dần dần quyền lực kinh tế và chính trị của địa phương, của giai cấp quý tộc  bớt đi.  Ngược lại, quyền lực vua chúa tăng lên, giúp cho trung ương hóa chính trị sau này.

    Thay đổi thương mại cũng có tại những nước khác, nhất là miền đông bắc nước Pháp, chứ không phải chỉ ở bán đảo Ý.  Nhưng thành công người Ý làm đà cho người châu Âu bắt chước theo. Với hệ thống thương mại càng ngày càng lớn lao, các thương gia Ý dùng tàu di chuyển hàng hóa biết nhiều về đường biển cũng như kỹ thuật hoa tiêu.

    Nhưng ngược lại, chính trị tại bán đảo Ý có nhiều chính quyền quá, phần lớn là nho nhỏ, nên không có điều kiện thống nhất như một ít nơi khác.  Còn bên Tây Ban Nha thì chính quyền bành trướng cao độ trong thế kỷ 15.  Năm 1469, hôn nhân của hoàng hậu Isabella và công vương Ferdinand II, hai vị lãnh đạo của hai vương quốc gần nhau, dẫn đến bành trướng chính trị vào bán đảo Tây-Bồ (cũng gọi là bán đảo Iberia).  Chế độ của họ thành công về việc xuất người Hồi Giáo ở bán đảo từ thế kỷ thứ 8, rồi còn bắt nhiều người Do Thái Giáo phải vào đạo Công Giáo, phi phạm hiệp định sắc định về tự do tín ngưỡng.  Chúng ta phải hiểu đây là thời điểm sau  Cuộc Cải cách Tin Lành, nên tranh chấp tôn giáo rất cao.  Rồi lịch sử bán đảo Iberia lạ hơn nhiều nơi khác châu Âu, dẫn Ferdinand và Isabella đến dùng Công Giáo làm khí cụ văn hóa cũng như chính trị, để hợp nhất chính quyền, kinh tế, dân số ở bán đảo này.

    Đó là thí dụ cho thấy thế kỷ 15 bắt đầu biến chuyển qua thể thống quốc gia (nation-state).  Nhưng Tây Ban Nha cũng như vài nước khác cũng hướng về tư tưởng đế quốc. Điều này hơi lạ là vì bán đảo Iberia cằn cỗi về đất đai nông nghiệp, nên nghèo hơn nhiều nước khác bên Tây Âu.  Nhưng ngược lại, đất nước của Ferdinand, tức quốc vương Aragon, có truyền thống đi biển từ lâu.  Nên ông quen thuộc hơn, và ủng hộ việc thám hiểm hơn.  Với bành trướng chính trị và quân sự cũng như kinh tế, hai ông bà Ferdinand và Isabella mướn một số nhân vật tài giỏi gốc Ý, như ông Christopher Columbus.

    Hoặc qua liên hệ cưới hỏi giữa các vương quốc, họ phát triển tài năng trong gia tộc. Kế Tây Ban Nha, quốc vương Bồ Đào Nha vào giữa thế kỷ 15, có vua là John Đệ Nhất, lấy vợ là em gái vua nước Anh, đẻ người con trai là hoàng tử Henry Hoa Tiêu.  Tiếng Anh là Henry the Navigator, hoàng tử lớn lên rất am hiểu tình hình và khoa học đường thủy.  Một phần vì tinh thần truyền đạo Thiên Chúa Giáo, một phần vì muốn kiếm đường thủy đưa vàng từ nơi khác về châu Âu nên Henry tích cực dùng tầu đi thám hiểm đến những vùng đất phía tây châu Phi.

    Ông Henry Hoa Tiêu qua đời năm 1460, tới phiên ông Vasco da Gama, cũng người Bồ, thám hiểm và kiếm được đường biển đầu tiên từ tây Âu qua Ấn Độ.  Buôn bán giữa châu Âu và Ấn Độ có nhiều năm rồi, nhất là giữa một số địa phương bên Ý như Cộng Hòa Venice.  Tuy nhiên, buôn bán và di chuyển hàng hóa là qua đường bộ cũng như Địa Trung Hải, chứ không phải qua Đại Tây Dương.  Qua bốn lần thám hiểm theo đường Henry Hoa Tiêu, Vasco da Gama qua tới Ấn Độ, mở một đường mới cho quan hệ thương mại thế giới.  Đó là năm 1498, tức sau Christopher Columbus vài năm.  Công cuộc thám hiểm tiếp tục trong thế kỷ 16, nhất là khi các đế quốc châu Âu gây dựng cơ sở kinh tế ngoài lục địa họ, nhất là khi chế độ nô lệ ăn chắc vào liên hệ kinh tế giữa châu Âu, châu Phi, và châu Mỹ.

    Tất nhiên, châu Âu có nhiều thay đổi khác chứ không phải chỉ thương mại.  Tư tưởng châu Âu, chẳng hạn, có nhiều ý thức mới sau những thập niên dịch tả.  Vì có nhiều chết chóc tăng thương, con người Ki Tô hữu bên châu Âu bớt nghĩ về đời sau mà lo hơn về đời này.  Họ suy nghĩ nhiều hơn về kế hoạt cho sức khỏe, kinh tế, xã hội.  Họ hưởng ứng sáng kiến thay đổi cuộc đời.

    Kỹ thuật mới cũng giúp châu Âu rất nhiều.  Kỹ thuật in, chẳng hạn, giúp thông tin mau chóng, trao đổi hiểu biết dễ dàng và nhanh hơn trước nhiều.  Như bản đồ dưới cho thấy, toàn lục địa chỉ có một nhà in giữa thế kỷ 15. Nhưng nửa thế kỷ sau, thành phố lớn nào cũng có nhà in sau khi ông Johannes Gutenburg hoàn thành máy in mới loại di động tại thành phố Strasbourg bên Đức bây giờ.

    Nếu không có thay đổi to tát như Cách Mạng Thương Mại, chắc sẽ không có người châu Âu qua châu Mỹ đâu.  Cũng vì thương mại mà sau này đất nước Tây Ban Nha, Pháp Quốc, và Anh Quốc mới qua thuộc địa hóa Bắc Mỹ.  Bài tới chúng ta sẽ trở lại Bắc Mỹ vào thế kỷ thứ 16, tức sau ông Columbus.


    Tác giả:  GS Hoàng Anh Tuấn (Tuan Hoang), Pepperdine University ~ Nguồn: tuannyriver.com

    Độc giả cứ tự tiện sao lại cho nơi khác, nhưng yêu cầu kèm theo tên tác giả, đại học, và nguồn mạng trên.  Bấm vào đây để xem loạt bài.

    Không có nhận xét nào