Header Ads

  • Breaking News

    Quan chức Đảng ăn tiền – Thủy điện xối nước dìm dân

    Ảnh: Công trình thủy điện Rào Trăng 3 với công suất 13 MW nằm sâu trong Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền, được khởi công từ quý 2/2016, dự kiến hoàn thành quý 4/2018, nhưng đến quý 4/2020 vẫn chưa xong; phá kỷ lục về thời gian thi công, nếu so với Thủy điện Đa Nhim có công suất lớn hơn 13 lần (160 MW) được xây trong thời gian chiến tranh, mà chỉ mất 3 năm rưỡi (tháng 4/1961 – tháng 12/1964)

    Từ bao nhiêu năm nay, cứ mưa nhiều ở khu vực nào thì gần như những thủy điện nơi ấy đều phải lo xả lũ cứu đập. Trận lũ lụt lịch sử ở miền Trung năm nay cũng không phải là ngoại lệ. Câu hỏi việc xả lũ thủy điện có phải là nguyên nhân gây ra lũ lụt lại được dư luận bàn tán.

    Về mặt lý thuyết, ngoài nhiệm vụ phát điện, các hồ thủy điện còn nhiệm vụ cắt và chống lũ trong mùa mưa bão, điều tiết dòng chảy, xả nước chống hạn cho vùng hạ du trong mùa khô.

    Tùy từng loại hồ chứa, việc vận hành các hồ thủy điện được phê duyệt phù hợp với quy hoạch lưu vực sông và quy hoạch bậc thang thủy điện.

    Tuy nhiên, hồ nào cũng chỉ có dung tích nhất định, nếu lượng nước về vượt quá sức chứa thiết kế, các hồ buộc phải xả xuống hạ du, nhưng bao giờ lượng nước xả cũng ít hơn lượng nước về vì một phần nước được tích lại trong hồ.

    Vì vậy, thủy điện góp phần giảm lũ chứ không thể gây lũ. Báo Công thương, cơ quan ngôn luận của Bộ Công thương, năm 2013, trong bài viết “Gánh nặng của thủy điện“, đã khẳng định nếu không có hồ thủy điện, lũ lụt ở miền Trung thời gian qua có thể còn nặng nề hơn.

    Tuy nhiên, cơ quan ngôn luận của Bộ Công thương khi đó cũng thừa nhận một thực trạng là xét cho cùng thì thủy điện cũng không phải vô can trong lũ lụt miền Trung. Việc phá rừng làm thủy điện mà không trồng lại rừng kịp thời chính là cơ hội để tạo dòng chảy lớn, gây nên những cơn lũ khủng khiếp theo chiều hướng: Lượng nước đầu nguồn về lớn và nhanh hơn, đỉnh lũ cao hơn, thời gian ngắn hơn. Trong khi địa hình các sông khu vực miền Trung có độ dốc lớn, lòng sông hẹp nên cường độ lũ mạnh hơn.

    Có thể nói sự liên quan giữa thủy điện xả lũ và lũ lụt miền Trung đã được ghi nhận trong suốt nhiều năm qua mà chính quyền cộng sản không những không khắc phục được tình trạng này mà còn khiến vấn đề trầm trọng hơn khi phê duyệt một loạt các công trình thủy điện trên dải đất miền Trung này.

    Nhà báo Mai Bá Kiếm trong bài viết hôm 19/10 trên trang facebook cá nhân cho biết tỉnh Thừa Thiên – Huế có 3 sông chính mà gánh đến 13 thủy điện.

    Theo nhà báo, sông ngòi ở Thừa Thiên – Huế thường ngắn nhưng lại lớn về phía hạ lưu, vậy mà, Bộ Công thương đã phê duyệt 10 dự án lớn và vừa; rồi UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế tận dụng thẩm quyền của mình đã duyệt đến 11 dự án thủy điện nhỏ. Tổng cộng có 21 dự án thủy điện được quy hoạch trên địa bàn tỉnh, với tổng công suất 450 MW.

    Năm 2018, sau khi các quả bom nước thủy điện bậc thang ở miền Trung có nguy cơ nhấn chìm các vùng hạ lưu, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công thương đã phối hợp với UBND các tỉnh rà soát lại quy hoạch thủy điện có công suất bằng hoặc nhỏ hơn 30 MW, và loại khỏi quy hoạch 463 dự án thủy điện chưa có nhà đầu tư quan tâm, hoặc không đáp ứng được các tiêu chí về kinh tế, xã hội, môi trường.

    Trong 463 dự án thủy điện nhỏ bị loại khỏi quy hoạch có nhiều dự án “ế” chưa có nhà đầu tư quan tâm, chứ không bị loại để bảo vệ rừng.

    Bình quân dự án thủy điện có công suất một MW là phải phá một hecta rừng để làm hồ. Loại bỏ 463 dự án 30 MW là sẽ không đốn 13.890 ha rừng nguyên sinh, đặc dụng, phòng hộ…

    Mỗi hecta rừng nguyên sinh không những bảo vệ đất không bị xói mòn và làm chậm dòng chảy về hạ lưu, mà còn hấp thụ 640 tấn khí carbon. Mỗi ha ta rừng nguyên sinh có trữ lượng cây đứng 300 mét khối. 13.890 ha rừng nguyên sinh nếu bị đốn sẽ thu được 5.167.000 mét khối gỗ.

    Nếu 1 mét khối gõ đỏ (nhóm 1) là 50 triệu và một mét khối gỗ tạp là 8 triệu đồng, lấy bình quân 20 triệu đồng/ mét khối, thì bán 5.167.000 mét khối gỗ thu được 103.340 tỷ đồng!

    Vì vậy, Bộ Công thương và các tỉnh miền Trung rất mặn mà với quy hoạch phá rừng làm thủy điện!

    Ảnh: Các lưu vực sông chính của các tỉnh duyên hải miền Trung

    Blogger Việt Tú, trong bài viết “Làm thuỷ điện ở Việt Nam: “Tay không bắt giặc“” cũng có cùng nhận định với nhà báo Mai Bá Kiếm.

    Ông cho biết nói tới thủy điện Việt Nam, nghĩa là đang nói đến một hệ thống liên kết ma và đang chạm tới một núi tiền mà những người làm thủy điện có thể “tay không bắt giặc” trong núi tiền này. Hay nói khác đi, bạn có thể xây thủy điện mà không có đồng nào trong tay nhưng có mối quan hệ đủ mạnh để tạo ra một tài khoản ảo, một pháp nhân, sau đó chạy cho được dự án thủy điện, “thuyết phục” cơ quan cấp tỉnh duyệt dự án đó, xem như bạn bắt đầu giàu.

    Hiện tại, có rất nhiều công trình thủy điện được xây dựng trên một thứ qui trình ma và nguy cơ thả bom nước khi mùa mưa tới của nó là rất cao.

    Nhiều thủy điện nhỏ tại những vị trí hết sức khó khăn trong việc đi lại và cơ cấu địa chất cũng có vấn đề vẫn nghiễm nhiên mọc lên. Bởi những chỗ nó mọc lên là một núi tiền, rừng nguyên sinh, gỗ quí, các loại đặc sản rừng rất phong phú… và đó là bước đệm cho thủy điện.

    Việc trình dự án thủy điện, yêu cầu đầu tiên là nhà đầu tư chứng minh về kĩ thuật, địa chất, dòng chảy, tính thiết thực và vốn điều lệ, vốn lưu động, tư cách pháp nhân của họ… Nói một cách nghiêm túc thì các vị lãnh đạo cấp tỉnh rối mù, họ cầm vào dự án thủy điện với đầy rẫy các thông số kĩ thuật, thông số kinh tế là cầm cho vui, sau đó chuyển qua bộ phận kĩ thuật để xem xét. Đương nhiên, những ai đã nghĩ đến được chuyện mang dự án đến trình lãnh đạo tỉnh thì đã mua đứt bộ phận kĩ thuật này và bộ phận kĩ thuật chỉ chờ lãnh đạo chuyển dự án sang để ngâm vài tuần cho có lệ, sau đó ký duyệt, trả về cho lãnh đạo tỉnh.

    Dự án được thông qua, việc đầu tiên của “nhà đầu tư” sẽ là khoanh vùng diện tích lòng hồ và xin khai thác rừng lòng hồ. Và việc khai thác rừng lòng hồ này sẽ kéo dài chừng ba năm. Nói là khai thác rừng lòng hồ, theo diện tích lòng hồ đã được ấn định nhưng kỳ thực, diện tích rừng nguyên sinh bị khai thác là vô tội vạ và chẳng ai có thể quan sát được chuyện này. Kiểm lâm bị qua mặt hoặc bị mua chuộc.

    Như vậy, việc làm thủy điện là việc không tốn đồng nào. Chỉ tốn cái thủ tục ban đầu, sau đó khai thác gỗ rừng để bán, và lượng tiền thu về từ gỗ rừng trên danh nghĩa rừng lòng hồ có thể dùng để xây thủy điện mà không cần bỏ thêm đồng nào vào nữa, thậm chí có trường hợp còn dư được một khoản.

    Ảnh chụp vệ tinh khu vực A Lin- Rào Trăng có 4 cái thủy điện, tổng công suất 89 MW túm tụm trên một đoạn sông suối chưa được 30 km

    Tệ hại hơn, tác giả còn dẫn chứng nhiều trường hợp ở Bình Phước và các tỉnh Đông Nam Bộ trình dự án xây dựng thủy điện, sau đó khai thác rừng lòng hồ bán lấy tiền, đầu tư cho việc khác và cho dự án thủy điện đắp chiếu suốt mười mấy năm.

    Từ đó, tác giả đưa ra nhận định hầu hết việc đầu tư thủy điện tại Việt Nam có khi không nhằm thu lợi nhuận từ mục đích thủy điện mà chỉ cần dự án được thông qua để lấy gỗ. Chính nguồn gỗ rừng phong phú, quý giá là miếng mồi béo bở của hầu hết các dự án thủy điện.

    Sau đó, người ta xây dựng thủy điện để tiếp tục thu lợi từ nguồn này.

    Nhưng, trả giá cho các thủy điện là rừng bị cưa sạch, lớp đệm giữ nước của rừng bị bóc, thay vào đó là những cánh rừng mới trồng xanh um, tươi tốt (nếu chụp hình từ vệ tinh) nhưng kỳ thực lớp mặt đất núi đã bị tổn thương, liên kết núi bị bẻ gãy và chỉ cần một trận mưa lớn, núi trở thành cái túi đất ngậm nước, đến khi ngậm không nổi nữa thì vỡ ra, gây sạt lở, chuồi đất, lũ quét, lũ ống…

    Hậu quả của việc cạo nhẵn lớp mặt rừng nguyên sinh, cải tạo đất núi bằng máy xúc, máy ủi, bằng đốt rừng để trồng cây mới là không thể tưởng tượng được.

    Một công trình thủy điện mọc ra, nó sẽ phá tan tành ít nhất vài chục cây số vuông kết cấu rừng và núi, nó mang lại số tiền cực lớn (có thể lớn hơn cả tiền đầu tư xây dựng thủy điện) từ việc bán gỗ rừng, trồng rừng và tiếp sau đó nó mang lại lợi nhuận từ nguồn điện bán đi và để lại mối đe dọa khôn lường cho đồng bằng, vùng trung du, hạ du.

    Sở dĩ có thứ qui trình thủy điện quái quỉ này là do lợi ích nhóm, do quyền lực đỏ chi phối toàn bộ đời sống kinh tế, chính trị và văn hóa tại Việt Nam.

    Facebooker Nguyễn Anh Tuấn cũng nhận định: “Thuỷ điện định hướng XHCN là thứ xuất hiện để quan chức CS phá rừng công khai trên diện rộng, rồi tích nước đầy, chỉ xả khi lũ đã về, để tối đa lợi nhuận bán điện! Nghe tin người chết vì lũ lụt mãi cũng quen.”

    Và theo số liệu thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp chỉ ra rằng, trong 5 năm từ 2012 -2017: Chỉ có 11% rừng bị phá là trái pháp luật còn 89% rừng bị phá là được pháp luật cho phép thông qua các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng.

    Nhưng ai cũng biết là “chuyển mục đích sử dụng rừng” chỉ là xảo ngữ của chính quyền cộng sản nhằm che đậy bản chất là khai thác gỗ.

    Nhà quan sát Đỗ Ngà cũng nhận định: “Có những dự án thủy điện lập ra vừa để phá rừng vừa để khai thác điện, nhưng cũng có những dự án lập ra là chỉ để khai thác gỗ rồi sau đó đắp chiếu. Hoặc bất nhân hơn, có nhiều chủ đầu tư lập ra dự án để khai thác gỗ hợp pháp rồi sau đó xây dựng đập thủy điện kém chất lượng để cho có, rồi đợi đến mùa mưa thì xả lũ cứu đập. Ngày 27/11/2012, báo Vnexpress cho biết đập thủy điện Đak Mek 3, xã Đak Choong, Đak Glei, Kon Tum cao 20m dài 60m đã bị một chiếc xe tải tông… sập. Đấy là điển hình cho một loại công trình thủy điện xây qua loa và nó trở thành quả bom nước đe dọa đời sống dân sinh. Đấy chỉ là cái đập thủy điện “xui xẻo” bị xe tải tông, vậy trên cả đất nước này hiện có đến 385 đập thủy  điện bao nhiêu trong đó là những quả bom nước đe dọa đời sống nhân dân?”

    Trong trận lũ lụt tại miền Trung vừa qua, đêm ngày 18/10, rất nhiều hồ chứa đã xả lũ. Chính trong đêm hôm ấy, tiếng kêu ai oán khắp tràn ngập mạng xã hội.

    Facebooker Nguyễn Quang viết: “Xả lũ lúc đêm, mặc dân cầu cứu trong tuyệt vọng. Bây giờ nói tôi nghe, dân cần tượng đài ngàn tỉ, công viên trăm tỉ hay là cano, trực thăng? Nghĩ tới cảnh cả gia đình ôm nhau khóc, trơ trọi cô đơn lạnh lẽo ngồi trên mái nhà mà cảm thấy quặn lòng. Đất nước tôi của 2020 đây sao?”

    Facebooker Bùi Văn Thuận cho biết: “Đang đêm tỉnh Quảng Trị xả lũ đập Bảo Đài với dung tích trên 25,5 triệu m3, tại huyện Vĩnh Linh. Dân đang kêu cứu khắp nơi trên mạng xã hội, lạnh cóng và tê cứng cơ thể vì những lời cầu cứu giữa đêm thế này! Bất lực và ám ảnh.”

    Facebooker Võ Văn Dũng viết: “Chỉ riêng thuỷ điện Quảng Trị đã xả lũ với lưu lượng 1.110 m3/giây. Xả lũ như bom nước thế này thì làm sao người dân ở hạ lưu chạy cho kịp?”

    Thay cho lời kết, xin được giới thiệu bài thơ của ông Đặng Phước có tựa đề “Đừng hỏi tại sao trời nổi giận?” để phản ánh trận lũ lụt lịch sử gây nên biết bao đau thương cho người dân miền Trung những ngày qua:

    Gỗ tốt vào nhà quan;

    Xe nối đuôi từng đoàn;

    Thủy điện thi nhau mọc;

    Lũ tràn, dân chết oan.

    Xưa, rừng rậm nguyên sinh;

    Rừng xanh trọn nghĩa tình;

    Xanh trùng trùng, điệp điệp;

    Rừng giữ đất yên bình.

    Trước, lũ lụt miền Trung;

    Vài năm tái một lần;

    Không lũ ống, lũ quét;

    Phù sa như bón phân…

    Giờ con người độc ác;

    Tàn phá cả sơn lâm;

    “Đâm Hà Bá“, thủy điện;

    Tham, sân, si… tà tâm!

    Mẹ thiên nhiên nổi giận;

    Xin đừng hỏi tại sao;

    Vì quan chức thiển cận;

    Nước mắt dân tuôn trào!!!

    Ảnh: Đoàn xe khai thác gỗ “hợp pháp” từ rừng nguyên sinh

    https://thoibao.de/

    Không có nhận xét nào