Header Ads

  • Breaking News

    Trung Hoa bắt đầu vận động ngoại giao để giữ các quốc gia Đông Nam Á

    Hoa kỳ phát động một hợp tác Mekong trong tháng qua. [Ảnh: AFP]

    (China starts diplomatic drive to win over Southeast Asian countries)

    Wendy Wu – Bình Yên Đông lược dịch

    South China Morning Post – 9 October 2020

    Ngoại trưởng Wang Yi (Vương Nghị) thăm viếng khu vực trong khi sự kình địch với Hoa Kỳ đang gia tăng

    Gần đây, Washington phát động một hợp tác Mekong để tìm cách ngăn chận ảnh hưởng của Beijing (Bắc Kinh)

    Trung Hoa đang phát động một cuộc công kích hấp dẫn sau khi Hoa Kỳ phát động hợp tác sông Mekong trong khu vực.

    Tuần tới, ngoại trưởng Wang Yi (Vương Nghị) sẽ đến Cambodia, Malaysia, Lào và Thái Lan trong một chuyến viếng thăm qua Singapore.

    Chuyến viếng thăm nầy tiếp theo sau chuyến viếng thăm Beijing của đặc sứ của tổng thống Indonesia Luhut Binsar Panjaitan và ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin.

    Tháng rồi, Hoa Kỳ đã hành động để ngăn chận ảnh hưởng của Trung Hoa ở Đông Nam Á (ĐNA) với việc phát động một hợp tác Mekong mới với các dự án trị giá 153 triệu USD với Thái Lan, Myanmar, Cambodia, Lào và Việt Nam.

    Trung Hoa phát động cơ chế Hợp tác Lancang-Mekong (Lancang-Mekong Cooperation (LMC)) trong năm 2014 nhưng phải đối mặt với những chỉ trích vì việc xây đập trên thượng lưu Mekong, có tên là Lancang ở Trung Hoa, bị tố cáo là gây ra tình trạng thiếu nước ở hạ lưu, và không muốn chia sẻ dữ kiện thủy học.

    Khu vực càng ngày càng quan trọng đối với Beijing và đầu năm nay Hiệp hội các Quốc gia ĐNA (Association of Southeast Asian Nations (ASEAN)) đã vượt qua Liên hiệp Âu Châu trong tháng 6 để trở thành đối tác mậu dịch lớn nhất của Trung Hoa.

    Nhưng các tuyên bố về chủ quyền của Beijing ở Biển Đông bị một số quốc gia thành viên của ASEAN thách thức và vẫn còn gây căng thẳng.

    Phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Hoa Hua Chunying cho biết trong cuộc họp báo hôm Thứ Sáu rằng các quốc gia ASEAN là các đối tác quan trọng trong Sáng kiến vành đai và Con đường (Belt and Road Initiative (BRI)) và chuyến viếng thăm của ngoại trưởng Wang “biểu lộ mong muốn và quyết tâm chân thành của Trung Hoa để đào sâu hợp tác với ASEAN, gìn giữ tính đa phương và duy trì hòa bình và ổn định”.

    Trung Hoa cũng cam kết dành thuốc chủng ngừa Covid-19 ưu tiên cho ASEAN và đang thương thảo để cung cấp cho Malaysia sau khi thỏa thuận với Indonesia.

    Đài phát thanh quốc gia RNK của Cambodia tường trình rằng Wang sẽ đến Phnom Penh hôm Chủ Nhật và lưu lại 2 ngày, hội kiến với Thủ tướng Hun Sen và đối tác Cambodia Prak Sokhonn.

    Phát ngôn viên chánh thức của chánh phủ Phay Siphan nói: “Mối quan hệ Trung Hoa-Cambodia vẫn tốt đẹp trong lãnh vực chánh trị và kinh tế.”

    Ở Thái Lan, Wang sẽ ký một hợp đồng cho tuyến đường sắt dài 252 km giữa Bangkok và Nakhon Ratchasima ở phía đông của Thái Lan và sẽ là một phần của đường xe lửa cao tốc từ Kunming ở miền nam Trung Hoa đến Singapore.

    Thái Lan đã gặp một làn sóng chống chánh phủ do sinh viên cầm đầu, kêu gọi các hạn chế của hoàng gia và bình đẳng về xã hội và kinh tế.

    Một cuộc biểu tình lớn được dự trù vào Thứ Tư sắp tới chỉ cách dinh chánh phủ vài trăm mét, có lẽ là nơi dừng chân của Wang.

    “Thái Lan đang trải qua một đợt bất ổn nội bộ khác và tôi nghĩ Wang muốn được xem như ủng hộ chánh phủ ở đây, và như một tay chơi và người bạn lớn trong lúc Thái Lan bất ổn,” Thitinan Pongsudhirak, giám đốc Viện Nghiên cứu An ninh và Quốc tế, Đại học Chulalongkorn, nói.

    Shi Yinhong, một giáo sư bang giao quốc tế của Đại học Renmin, nói rằng sự kình địch gia tăng với Hoa Kỳ khiến cho Beijing cần phải giao thiệp tốt hơn với các nước láng giềng.

    “Đại dịch Covid-19, căng thẳng với Hoa Kỳ và tranh chấp ở Biển Đông làm cho mối quan hệ của Trung Hoa với các quốc gia ĐNA thêm phức tạp.  Các cuộc viếng thăm đặc biệt là dấu hiệu tích cực nhưng câu hỏi là liệu chúng ta có thể có đột biến,” Shi nói.

    Zhang Mingliang, một chuyên viên nghiên cứu về Biển Đông của Đại học Jinan ở Guangzhou, nói: “Ưu tiên của ngoại giao láng giềng vượt quá tầm quan trọng của ngoại giao siêu cường đối với Trung Hoa trong lúc căng thẳng với Hoa Kỳ và thù địch gia tăng của Tây phương.”

    “Giao thiệp song phương với các quốc gia trong khu vực rất quan trọng đối với Trung Hoa, mặc dù chúng ta cũng sẽ phát triển mối quan hệ đa phương,” Zhang nói.

    Viện trợ mới của Hoa Kỳ cho Đông Nam Á nhắm vào ảnh hưởng của Trung Hoa

    (New US Aid for Southeast Asia Takes Aim at Chinese Influence)

    Ralph Jennings – Bình Yên Đông lược dịch

    VOA News – October 8, 2020

    Taipei, Taiwan – Chánh phủ Hoa Kỳ nhắm loại trừ một phần ảnh hưởng của Trung Hoa ở Đông Nam Á (ĐNA) với một hợp tác để giúp 5 quốc gia thường yêu cầu Beijing giúp đỡ, các chuyên viên trong khu vực nói.

    Hợp tác Mekong-Hoa Kỳ (Mekong-U.S. Partnership (MUSP)), thành lập ngày 11 tháng 9, sẽ cho Washington nhiều ảnh hưởng hơn ở Cambodia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam bằng cách cung cấp viện trợ qua nhiều dự án từ việc cứu trợ Covid-19 đến các biện pháp chống hạn hán.

    Giới chức Hoa Kỳ hy vọng các đối tác ĐNA sẽ ủng hộ tính hào phóng của họ hơn của Trung Hoa, các nhà phân tích nói.  Trung Hoa xây cất một cách hung hăng hạ tầng cơ sở trong Biển Đông nhưng đe dọa nguồn cung cấp nước với các đập ở thượng lưu và khiến cho một số quốc gia mang nợ nần, các chuyên viên nói.

    Trung Hoa và Hoa Kỳ, 2 siêu cường kình địch, cạnh tranh trên khắp thế giới để được các quốc gia nhỏ hơn ủng hộ, như chánh phủ ở Beijing bành trướng trên biển về kinh tế cũng như quân sự.  Ở ĐNA, Hoa Kỳ hậu thuẫn Việt Nam trong việc chống lại sự bành trướng của Trung Hoa ở Biển Đông, nơi 2 quốc gia Á Châu có các tuyên bố chủ quyền chồng lên nhau.

    “Tôi nghĩ MUSP ở rất cao trong nghị trình của Hoa Kỳ vì họ đã nhận thấy tầm quan trọng của phân vùng Mekong, nơi Trung Hoa đã có một số lợi thế,” Alexander Vuving, giáo sư ở Trung tâm Nghiên cứu An ninh Á Châu-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye (Daniel K. Inouye Asia-Pacific Center for Security Studies) ở Hawaii, nói.

    “Sự cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa càng gia tăng thì phân vùng Mekong càng quan trọng hơn,” Vuving nói.

    MUSP của Washington thay thế Sáng kiến Hạ lưu Mekong (Lower Mekong Initiative (LMI)) được 11 năm do Hoa Kỳ hỗ trợ.  Các quốc gia liên hệ ký kết một tuyên bố chung 4 ngày sau khi hợp tác được thành lập để cam kết “minh bạch” hơn cùng với “tôn trọng chủ quyền, không can thiệp, trọng pháp [và] tôn trọng luật quốc tế.”

    Đặc biệt, MUSP sẽ mang cứu trợ đại dịch Hoa Kỳ đến 5 quốc gia ĐNA – dựa trên 52 triệu USD đã được Hoa Kỳ giúp trong năm nay – và thêm 6 triệu nữa cho công tác giúp các quốc gia Mekong quyết định về dòng nước.  Dữ kiện sẽ giúp các chánh phủ phân phối nước đến các nông dân và các biện pháp ngừa lụt.

    “Hạ tầng cơ sở năng lượng phẩm chất cao” cùng với các biện pháp giúp ngăn chận buôn lậu động vật hoang dã, và các biện pháp để kiểm soát lũ lụt và hạn hán, tuyên bố chung của khu vực bao gồm 4.350 km sông Mekong cho biết.

    Năm quốc gia Mekong hy vọng tránh phụ thuộc quá nhiều vào viện trợ của Trung Hoa, đặc biệt vì các đập ở thượng lưu trong lãnh thổ Trung Hoa có thể làm khô cạn phần sông ở ĐNA, Thitinan Pongsudhirak, giáo sư khoa học chánh trị của Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, nói.  Trung Hoa dùng nước xả từ các đập như “sức mạnh mặc cả” ở ĐNA, Thitinan nói.

    “Cái Hoa Kỳ cung cấp là một sức mạnh để cân bằng và giảm bớt,” ông nói.  “Không ai ở đây trong CLMTV muốn bị Trung Hoa chi phối,” ông dùng chữ tắt cho Cambodia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam, nơi 60 triệu người dựa vào sông để sống.

    Lào đối mặt với nợ nần ngày càng tăng từ Trung Hoa, quốc gia cho vay lớn nhất trên thế giới, theo sau các dự án thủy điện và hạ tầng cơ sở khác trong quốc gia không có bờ biển nhỏ bé.  Nợ nần của Lào chiếm 45% GDP, theo nhóm nghiên cứu của Viện Lowy ở Australia.  Tổng thanh tra Myanmar lưu ý chánh phủ hồi tháng 6 về việc phụ thuộc quá mức vào nợ có lãi suất cao từ Trung Hoa, báo chí trên khắp Á Châu cho biết vào lúc đó.

    Các dự án đầu tư Trung Hoa ở các nơi khác của ĐNA gây giận dữ vì sử dụng nhiều công nhân Trung Hoa thay vì người địa phương.

    “Sự thật là Trung Hoa không đặt những câu hỏi khó về các điều kiện đầu tư, và họ rất uyển chuyển,” Alan Chong, phụ giảng ở Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, nói.

    Thí dụ như ở Cambodia, bộ trưởng thông tin gọi các dự án của Trung Hoa là “quan trọng để tăng trưởng kinh tế và làm cho giao thông dễ hơn và nhanh hơn,” Thông Tấn Xã Xinhua của Trung Hoa báo cáo hồi năm ngoái.  Xinhua cho biết có 31 xa lộ do Trung Hoa xây và 8 cây cầu ngoài các nhà máy thủy điện.

     

    Không có nhận xét nào