Header Ads

  • Breaking News

    Liên Hiệp Châu Âu : Tự chủ quốc phòng nhưng vẫn cần đồng minh Mỹ

    Hợp tác an ninh với các đồng minh châu Âu sẽ là một trong những hồ sơ lớn chờ tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ. Mối quan hệ căng thẳng về an ninh giữa hai bờ Đại Tây Dương, ngấm ngầm từ thời tổng thống Barack Obama, đã nổi rõ trong 4 năm nhiệm kỳ tổng thống Trump. 

    Rạn nứt xuyên Đại Tây Dương

    Đối với ông Trump, Tổ Chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương - NATO là “lỗi thời”, các nước châu Âu phải “chia sẻ gánh nặng” của NATO. Thực ra, “ông Donald Trump chỉ nói to những gì mà các nhà ngoại giao của Barack Obama âm thầm gây sức ép”, theo nhận định với báo Le Figaro (05/11/2020) của nhà nghiên cứu Guillaume Lasconjarias, Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI).

    Một khối thống nhất (dù tồn tại bất đồng) sẽ tạo nên sức mạnh răn đe uy lực hơn, tiếc là rạn nứt thêm sâu rộng trong bốn năm vừa qua giữa hai bờ Đại Tây Dương. Trên đài phát thanh Europe 1 ngày 05/11, ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho rằng “sẽ không thể trở lại nguyên trạng trước đây, về kiểu thời kỳ tươi đẹp trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương” vì “thế giới đã thay đổi trong 4 năm qua”:

    “Điều thay đổi nữa là châu Âu đã khẳng định chủ quyền từ 4 năm nay, theo ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian. Trong lĩnh vực an ninh, lĩnh vực quốc phòng và tự chủ về chiến lược. Từ bốn năm nay, châu Âu đã có một ngân sách quốc phòng chung cho toàn khối, có mối quan hệ quốc phòng mạnh mẽ hơn. Từ bốn năm nay, châu Âu đã khẳng định quyết tâm bảo đảm rằng có các nhà vô địch kinh tế trên lãnh thổ của mình. Châu Âu muốn có cơ chế điều chỉnh kỹ thuật số cho phép tự chủ. Từ bốn năm nay, châu Âu đã thoát khỏi ngây thơ và bắt đầu khẳng định là một cường quốc”.

    Châu Âu tìm đường tự chủ

    Châu Âu thức tỉnh “trước những bất trắc từ Hoa Kỳ, trước những thắc mắc về Trung Quốc, về Nga”, do đó “nhu cầu về một châu Âu tự chủ hơn, một châu Âu linh hoạt hơn đã hình thành, kể cả ở Đức, trước đây vẫn khó lay chuyển hơn”, theo nhận định của giáo sư Pascal Boniface, giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược với trang Toute l’Europe (14/10).

    Hai năm sau khi tổng thống Trump nhậm chức, tháng 12/2017, 25 nước Liên Hiệp Châu Âu chính thức triển khai Hợp tác Cấu trúc Thường trực (Coopération structurée permanente, CSP/PESCO), một chiến lược hợp tác lâu dài nhằm phát triển khả năng phòng thủ và đầu tư vào nhiều dự án chung. Hai bộ trưởng Quốc Phòng Pháp và Đức lúc đó, Florence Parly và Ursula von der Leyen, trấn an là Liên Hiệp Châu Âu vẫn “muốn ở lại trong NATO, đồng thời có thêm bản sắc châu Âu”, và “được quyền tự chủ chiến lược riêng, hiểu theo đúng nghĩa, tức là không buộc Hoa Kỳ đến giúp”.

    Vấn đề tự chủ chiến lược, độc lập với Hoa Kỳ, được bà Nathalie Loiseau, nghị sĩ châu Âu và là cựu bộ trưởng đặc trách châu Âu, nhấn mạnh trên đài RFI ngày 05/11 : “Chính chúng ta (Liên Hiệp Châu Âu) là người quyết định đâu là những ưu tiên của chúng ta và thực hiện chúng như thế nào, như về mặt quốc phòng chẳng hạn. Khối NATO rất quan trọng và có ý nghĩa lớn, nhưng quyền tự chủ của chúng ta là phải hành động với các đồng minh bất kỳ lúc nào có thể, đó là điều mong muốn, nhưng chúng ta cũng có thể hành động độc lập bất kỳ lúc nào cần thiết. Và vấn đề này không phải hôm nay mới có (…).

    Rõ ràng là các ưu tiên của chúng ta trong khu vực lân cận không phải là ưu tiên của Mỹ. Điều này có từ trước Donald Trump, kể từ thời Barack Obama. Chúng ta đã thấy Obama do dự ở Syria. Chúng ta thấy rằng ở Libya, Israel hay vùng Balkan đều cần thiết cho an ninh của châu Âu, nhưng những điểm đó lại không quan trọng đối với an ninh của Hoa Kỳ dù tổng thống Mỹ có là ai đi nữa”.

    Từ 2017-2018, đã có 34 dự án được khởi động trong khuôn khổ Hợp tác Cấu trúc Thường trực, trong đó Pháp điều phối 8 và tham gia 24. Ngày 12/11/2019, Hội đồng Quốc phòng châu Âu triển khai thêm 13 dự án (Pháp tham gia 10 dự án), nâng tổng số dự án lên thành 47, tất cả đều tương thích với chiến lược của NATO và có nhiều nước Trung và Đông Âu tham gia hơn. Nói một cách khác, Liên Hiệp Châu Âu chia sẻ gánh nặng ngân sách của NATO bằng cách “tự thân vận động”. Tuy nhiên, những dự án lớn của quân đội Pháp và châu Âu, như chiến đấu cơ Scarf (giữa ba nước Đức, Pháp và Tây Ban Nha) và xe tăng (giữa Đức và Pháp) có thể sẽ khiến Hoa Kỳ phật lòng vì trong tương lai sẽ khiến các nhà công nghiệp vũ khí Mỹ mất hợp đồng.

    Ngoài ra, Liên Hiệp Châu Âu còn lập Quỹ Quốc phòng châu Âu (Fonds européen de défense, FED) trong khuôn khổ tự chủ về chiến lược, tập trung vào hai chương trình chính : nghiên cứu và phát triển. Ngân sách ban đầu được đề xuất cho giai đoạn từ 2021-2027 là 13 tỉ euro, nhưng vào tháng 07/2020 đã bị giảm xuống còn 7 tỉ euro sau thỏa thuận về kế hoạch tái thiết hậu quả kinh tế châu Âu do đại dịch Covid-19 gây ra.

    … nhưng vẫn cần đến Mỹ và NATO

    Mối quan hệ Mỹ-châu Âu bị ảnh hưởng từ thời tổng thống Barack Obama (với phó tổng tổng thống Joe Biden), nhưng để lại vết tích rõ hơn và những bất đồng lớn dưới thời tổng thống Donald Trump. Tổng thống Mỹ đương nhiệm giận dữ vì nhiều nước thành viên NATO không đạt mục tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng.

    Năm 2020, 10 trong tổng số 30 nước thành viên đã vượt ngưỡng này : Hy Lạp (2,58%), Anh (2,43%), Ba Lan (2,30%), Pháp (2,11%). Ngoài ra, theo số liệu được NATO công bố tháng 10/2020, đa số các nước châu Âu đều tăng chi phí quân sự từ nhiều năm nay, riêng năm 2020 đã tăng thêm 4,3%.

    Từ sau Thế Chiến II, Đức sống dưới chiếc ô an ninh của Mỹ. NATO đóng vai trò quan trọng đối với các nước Đông Âu, nơi bảo đảm an ninh luôn là một ưu tiên. Trong khi đó, Pháp luôn cần Hoa Kỳ hỗ trợ tình báo trong các chiến dịch Barkhane ở châu Phi. Tổng thống Trump từng thông báo rút quân khỏi khu vực và điều này có nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng cho lực lượng Pháp tại châu Phi.

    Châu Âu muốn được tự chủ về an ninh nhưng luôn cần đến NATO nói chung và Mỹ nói riêng, như khẳng định của hai bộ trưởng Quốc Phòng Pháp và Đức vào năm 2017. Với tổng thống thứ 46 của Mỹ và chính phủ mới, châu Âu hy vọng một “bước khởi đầu mới” cho mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Bộ trưởng Quốc Phòng Đức Annegret Kramp-Karrrenbauer, trong mục “Ý kiến” trên trang Politico ngày 02/11, khẳng định “Châu Âu vẫn cần Hoa Kỳ” với dụng ý phải từ bỏ “ảo ảnh về tự chủ chiến lược”, trong khi tổng thống Pháp Emmanuel Macron là người bảo vệ hết mình cho chính sách phòng thủ chung châu Âu, song song với NATO, theo trang Le Figaro (04/11).

    Về phía ngoại trưởng Pháp, ông Jean-Yves Le Drian cho rằng “cần xây dựng lại một mối quan hệ mới xuyên Đại Tây Dương : một mối quan hệ đối tác mới” với một tổng thống được người dân Mỹ bầu lên và với một chính phủ mới từ năm 2021.



    https://www.rfi

    Không có nhận xét nào