Header Ads

  • Breaking News

    Việt Nam sẽ bị uy hiếp nếu Trung Quốc thiết lập căn cứ quân sự ở Campuchia

    Kể từ năm 2019, các quan chức Mỹ đã nhiều lần bày tỏ lo ngại rằng hai dự án do Trung Quốc tài trợ ở Campuchia được thiết kế nhằm mang lại một chỗ đứng vững chắc cho quân đội Trung Quốc ở Đông Nam Á. Trung Quốc và Campuchia có thể thu được gì từ một thỏa thuận như vậy?

    Trung Quốc đang thiết lập căn cứ quân sự ở Campuchia?

    Hai căn cứ tạo ra mối lo ngại đều nằm dọc theo bờ biển phía Tây Nam của Campuchia. Đầu tiên là căn cứ Hải quân Ream ở tỉnh Preah Sihanouk, hiện là nơi đóng quân của một số tàu tuần tra cỡ nhỏ thuộc Hải quân Hoàng gia Campuchia. Căn cứ này đang được tu sửa lớn với nguồn kinh phí do Trung Quốc chi trả. Cơ sở hạ tầng bao gồm nhiều tòa nhà nhỏ, một trong số đó được Mỹ tài trợ xây dựng từ năm 2012 và là trung tâm an ninh hàng hải. Hồi tháng 1/2020, Campuchia đã hỏi Mỹ liệu họ có trả tiền để nâng cấp tòa nhà hay không. Mỹ đã đồng ý, nhưng chỉ trong vài tháng, Campuchia đã thay đổi quyết định và nói rằng họ không cần sự giúp đỡ của Mỹ nữa. Thay vào đó, Trung Quốc sẽ chi trả tiền nâng cấp. Đến tháng 9/2020, trung tâm an ninh hàng hải đã được di dời và tòa nhà bị phá bỏ.

    Địa điểm thứ hai nằm xa hơn, trên bờ biển tại Dara Sakor thuộc tỉnh Koh Kong. Năm 2008, một nhóm các công ty xây dựng Trung Quốc do Tập đoàn Phát triển Liên minh (UDG) đứng đầu đã đàm phán hợp đồng 99 năm với Chính phủ Campuchia thuê 36.000 hectares (360 triệu m2) bất động sản đắc địa bên bờ biển tại Dara Sakor. Khu vực này chiếm 20% đường bờ biển của Campuchia. Dự án khu công nghiệp, nhà ở và du lịch trị giá 3,8 tỷ USD bao gồm một cảng nước sâu và một đường băng sân bay dài 3,2 km có thể chứa hầu hết các loại máy bay quân sự. Kể từ đó, dự án này đã trở thành một trong những dự án thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc.

    Theo Chính phủ Mỹ, Căn cứ Hải quân Ream và khu nghỉ dưỡng tại Dara Sakor có thể được Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) sử dụng làm cơ sở hậu cần quân sự. Ngoại trưởng Mike Pompeo đã cảnh báo rằng nếu đúng như vậy thì điều này sẽ "đe dọa sự ổn định của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương". Tháng 9/2020, Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với UDG, cáo buộc doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc này đã trục xuất trái phép người Campuchia khỏi vùng đất của họ và gây ra thiệt hại về môi trường trong công viên quốc gia.

    Phản ứng từ Campuchia và Trung Quốc

    Campuchia kiên quyết phủ nhận việc Trung Quốc sắp thiết lập sự hiện diện quân sự ở nước này. Thủ tướng Hun Sen đã bác bỏ thông tin trên các phương tiện truyền thông phương Tây, coi đó là "tin giả" khi cáo buộc rằng Trung Quốc và Campuchia đã ký một thỏa thuận bí mật cho phép PLA tiếp cận Ream trong 30 năm. Ông Hun Sen viện dẫn Hiến pháp Campuchia năm 1993, trong đó quy định rằng Campuchia "sẽ không cho phép bất kỳ căn cứ quân sự nước ngoài nào trên lãnh thổ của mình", và nói rằng sự hiện diện quân sự của Trung Quốc sẽ vi phạm tính trung lập của đất nước vốn cũng được ghi trong Hiến pháp. Ông Hun Sen cam kết rằng một khi căn cứ Hải quân Ream được nâng cấp, Campuchia sẽ hoan nghênh tất cả hải quân nước ngoài sử dụng căn cứ này và Trung Quốc sẽ không được độc quyền tiếp cận.

    Trung Quốc cũng mạnh mẽ phủ nhận cáo buộc rằng họ muốn PLA đóng quân ở Campuchia. Tranh cãi này cũng đã từng có tiền lệ. Trong những năm 1990, báo chí cho rằng các cơ sở quân sự do Trung Quốc xây dựng ở Myanmar, bao gồm các căn cứ hải quân và các trạm thu tin tức tình báo, đều do quân nhân Trung Quốc điều khiển. Tuy nhiên, không có bất kỳ bằng chứng nào để hỗ trợ những thông tin này. Tất nhiên, lần này tình hình hoàn toàn khác. Trung Quốc ngày nay có lợi ích toàn cầu, và theo một báo cáo của Lầu Năm Góc được công bố hồi tháng 9, Bắc Kinh đang "tìm cách thiết lập một cơ sở hạ tầng hậu cần và cơ sở ở nước ngoài để cho phép PLA triển khai và duy trì sức mạnh quân sự ở tầm xa hơn”. Trung Quốc đã thiết lập căn cứ quân sự ở nước ngoài đầu tiên tại Djibouti từ năm 2017.

    Báo cáo của Lầu Năm Góc tiếp tục mô tả cách PLA có thể sử dụng các cơ sở quân sự của Trung Quốc ở nước ngoài để hỗ trợ các hoạt động quân sự trong xung đột vũ trang, cung cấp thông tin tình báo tín hiệu chiến lược, tiến hành huấn luyện và tập trận với các nước khác và giám sát lực lượng Mỹ. Có ý kiến cho rằng PLA đã "xem xét" các địa điểm đặt các cơ sở hậu cần quân sự ở Indonesia, Myanmar, Singapore và Thái Lan, đặc biệt là tại Campuchia. Nếu lo ngại của Mỹ là đúng và Trung Quốc muốn triển khai PLA tới Campuchia thì đây sẽ là một điều nguy hiểm với an ninh khu vực.

    Việt Nam bị uy hiếp

    Ream và Dara Sakor đều hướng ra Vịnh Thái Lan, và các tàu chiến của Trung Quốc được triển khai ở đây sẽ chỉ mất một ngày để tới eo biển Malacca có tầm quan trọng chiến lược mà phần lớn năng lượng nhập khẩu của Trung Quốc đi qua. Các nhà phân tích Trung Quốc từ lâu đã coi eo biển Malacca là nơi dễ tổn thương chiến lược. Sự hiện diện của tàu chiến gần đó để bảo vệ các tàu hàng Trung Quốc có thể giúp giảm bớt tình trạng mất an ninh năng lượng của Bắc Kinh.

    Mặc dù sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Campuchia sẽ không có giá trị gì trong việc thúc đẩy các yêu sách bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông do nước này đã xây dựng các căn cứ quân sự lớn trên 7 đảo nhân tạo ở Trường Sa. Nhưng nó sẽ gây ra áp lực đối với Việt Nam. Trong một cuộc khủng hoảng Trung-Việt về các đảo đang tranh chấp, Bắc Kinh có thể gửi đi một thông điệp chiến lược bằng cách gửi tàu chiến và máy bay quân sự đến Campuchia như một lời cảnh báo đối với Hà Nội. 

    Có lẽ lợi thế chủ yếu cho Chính phủ Hun Sen sẽ là tiền, dưới dạng phí trả cho quyền cập bến và hạ cánh hoặc hỗ trợ tài chính. Chính quyền Campuchia đang cần tiền để phát triển kinh tế khi mà nền kinh tế đang gặp khó khăn bởi đại dịch COVID-19 và sự cấm vận từ phương Tây. Nhưng ông Hun Sen cũng cần phải cân nhắc những rủi ro tiềm ẩn. Sự hiện diện của các lực lượng quân sự nước ngoài luôn gây ra một sự tranh cãi trong nước và sự hiện diện của PLA ở Campuchia gần như chắc chắn sẽ trở thành “cột thu lôi” cho những “sấm sét chỉ trích” nhằm vào ông Hun Sen. Ngày 23/10, cảnh sát đã phải giải tán một cuộc biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc ở Phnom Penh phản đối việc Trung Quốc có kế hoạch đóng quân ở Campuchia.

    Sự hiện diện của PLA tại Campuchia cũng sẽ giáng một đòn mạnh vào quan hệ song phương với Việt Nam. Mặc dù ông Hun Sen có quan hệ thân thiết với Trung Quốc nhưng ông luôn thận trọng vun đắp mối quan hệ chính trị thân tình với Hà Nội. Và khi sự cạnh tranh chiến lược Trung-Mỹ leo thang ở Đông Nam Á, một số thành viên ASEAN bè bạn của Campuchia cũng sẽ ngờ vực về khả năng có một cơ sở quân sự của Trung Quốc ở Campuchia.

    Hiện tại, kế hoạch của Trung Quốc đối với căn cứ Hải quân Ream và Dara Sakor vẫn còn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, nhiều khả năng các dự án quân sự này sẽ trở thành hiện thực. Và khi đó, Việt Nam là quốc gia phải dè chừng hậu quả nhiều nhất.

    https://www.rfa.org/vietnamese/

    Không có nhận xét nào