Header Ads

  • Breaking News

    Đại-Dương: Đấu Trường Đông Bắc Á

    Thời Obama và Tập Cận Bình… xoay trục sang Á châu??

    Trong số 45 vị tổng thống Hoa Kỳ kể từ khi lập quốc đến nay, có vị lập thành tích xuất sắc. Có vị tệ hại. Có vị hai nhiệm kỳ hoặc một nhờ sự tín nhiệm của dân chúng hoặc do sự lầm lỡ của cử tri. Bình thường số cử tri đi bỏ phiếu suýt soát 50%.

    Nhưng, thành tích của mỗi tổng thống Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ đều được tổng kết để biết bất chấp các hành vi che giấu tinh vi hoặc bị đánh tráo khái niệm.

    Tám năm cầm quyền của cặp Barack Obama- Joe Biden từng tuyên bố hùng hồn “xoay trục sang Châu Á” với kết quả “ngoạn mục”: giúp cho Trung Cộng bành trướng từ Đảo Hải Nam xuống tận gần Eo Biển Malacca trên các phương diện quân sự, kinh tế, chính trị, ngoại giao, để buộc phải thoả hiệp.

    Trung Cộng cưỡng đoạt Bãi cạn Scarborough của Phi Luật Tân năm 2012; đưa Giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 thăm dò trong Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Việt Nam năm 2014; tung hàng trăm tàu đánh cá hành nghề trong Bãi South Luconia Shoals của Mã Lai Á năm 2016; đưa tàu đánh cá được Hải Cảnh và Hải quân Trung Cộng hộ tống vào hoạt động ở ngoài khơi Nhóm đảo Natuna của Indonesia.

    Năm 2013, TT Barack Obama đã họp tay đôi với Chủ tịch Tập Cận Bình để chia đôi Thái Bình Dương. Chuyện bại lộ, Obama làm thinh, nhưng, nhắm mắt cho Trung Cộng xây 7 đảo nhân đạo trong Nhóm đảo Trường Sa (Spratly Islands, Nam Sa) năm 2014 và quân-sự-hoá Biển Nam Trung Hoa (SCS) để chuẩn bị cho việc thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) ở SCS.

    Bắc Hàn phát triển vũ khí nguyên tử, hoả tiễn đạn đạo và thường xuyên tung lời đe doạ Nhật Bản, Đại Hàn, Đảo Guam cũng như Hoa Kỳ. Obama-Biden nín thở qua sông.

    Từ khi lên cầm quyền, TT Donald Trump lần lượt đẩy lực lượng Hải quân Trung Cộng lùi dần về Đông Bắc Á làm giảm áp lực quân sự của Bắc Kinh trên SCS, bất chấp nguy cơ rơi vào chiếc bẫy Thucydides. Bắc Kinh tính nhát ma chứ làm gì dám gây chiến với Hải quân Mỹ, Nhật, Hàn, Đài tại Đông Bắc Á khi lực lượng chênh lệch và kinh nghiệm Hải, Không chiến quốc tế quá kém xa.

    Các quốc gia duyên hải Đông Nam Á đã ý thức về chủ quyền và quyền-chủ-quyền và quyền-tài-phán hợp pháp được quy định trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) nên đã mạnh dạn hành động chống lại các vi phạm của Bắc Kinh.

    Phi Luật Tân vẫn duy trì Thoả ước Thăm viếng Quân sự với Mỹ (VFA), tự khai thác dầu khí ở Bãi Cỏ Rong (Reed Bank) trong Nhóm đảo Trường Sa (Spratly Islands, Nam Sa) thay vì hợp tác khai thác với Trung Cộng. Tàu khai thác dầu khí của Mã Lai Á được Cận duyên hạm Tác chiến (Littoral Combat Ship, LCS) của Mỹ đi song song buộc Nhóm tàu Hải dương Địa chất 8 của Trung Quốc chấm dứt quấy nhiễu. Indonesia đã chuyển Bộ Tư lệnh Hạm đội Tác chiến số 1 từ Thủ đô Jakarta đến Nhóm đảo Natuna, nơi thường bị tàu bè của Trung Cộng đe doạ.

    Ý tưởng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Thủ tướng Nhật Bản, Shinzo Abe đề cập với Thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi năm 2017 chỉ tập trung vào tự do thương mại.

    Abe làm khách đầu tiên của tân Tổng thống Donald Trump năm 2017 vì cùng chung chủ trương chống bành trướng, bá quyền Trung Cộng để bắt đầu khôi phục và mở rộng thành Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở (INDOPACOM).

    Shinzo Abe và Donald Trump muốn thiết lập một Liên minh tại Châu Á theo mô hình Minh ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) như từng chống Liên Sô từ năm 1949. Họ đã thuyết phục được các quốc gia Nam Hàn, Tân Tây Lan, Phi Luật Tân, Indonesia và Việt Nam tham gia vào các diễn đàn đa phương do Bộ Tứ (Mỹ-Nhật-Ấn-Úc) tổ chức.

    Tứ cường: Mỹ, Ấn, Nhật, Úc

    Lần đầu tiên Bộ Tứ đã thao dượt Malabar hai giai đoạn trong tháng 11-2020: một ở Vịnh Bengal và một ở Biển Arab nhằm bít đường tiếp vận của Trung Cộng khi cần.

    Các cố gắng mua tiềm thuỷ đỉnh trong nhiều năm không thành nên từ 2015 Đài Loan quyết định tự đóng 8 chiếc được trang bị các loại vũ khí tối tân nhất và sử dụng hệ thống chỉ huy, kiểm soát của Mỹ. Mỗi chiếc trị giá 1.7 tỉ USD, chiếc thứ ba sẽ hoàn thành vào 2024. Tiềm thuỷ đỉnh mới của Đài Loan có thân tàu đôi và chạy bằng pin lithium-ion sẽ được trang bị cả hoả tiễn chống chiến hạm Harpoon và ngư lôi Mark 48. Tuy 8 tiềm thuỷ đỉnh nhỏ khó ngăn chặn một lực lượng xâm lược, nhưng, có thể giáng một cú đấm mạnh để chờ lực lượng Hoa Kỳ gần đó ập tới.

    Phó giám đốc Nghiên cứu An ninh của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Owen Cote nhận định: “Hải quân Trung Cộng có 70 tàu ngầm, tàu chiến và máy bay được trang bị công nghệ sonar, nhưng, một đội tàu ngầm nhỏ của Đài Loan cũng có thể xuyên thủng hệ thống phòng thủ”. Bắc Kinh không có khả năng tiến hành tác chiến chống tàu ngầm dưới mặt nước, ngoại trừ Hoa Kỳ và Anh Quốc. Chỉ có Hải quân NATO và Nhật Bản mới có khả năng săn tàu ngầm hiệu quả bằng hạm đội tàu nổi và phi cơ.

    Bảo vệ Đài Loan còn có Hệ thống radar tầm xa được đặt trên núi Lạc Sơn cao 2,600 mét có khả năng phát hiện hoả tiễn cách xa 5,000 km và biết trước các cuộc tấn công bằng hoả tiễn đạn đạo phóng từ tàu ngầm. Hệ thống này được bảo vệ nghiêm ngặt do được liên kết với hệ thống phòng thủ của Mỹ.

    Trong bài “Include Japan in Six Eyes, Armitage-Nye report says” xuất bản ngày 8 tháng 12-2020 trên The Nikkei đã nêu ý kiến: Nhật Bản phải đóng vai trò quan trọng và bình đẳng hơn với Hoa Kỳ. Tokyo nên gia nhập vào “Hệ thống Chia sẻ Tình báo” Five Eyes gồm Hoa Kỳ, Anh Quốc, Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan, Gia Nã Đại để thành Six Eyes.

    Hôm 4 tháng 12-2020, The Stars & Stripes loan tin Hải quân Hoa Kỳ sẽ tái lập Đệ nhất Hạm đội từng tồn tại từ sau Đệ nhị Thế chiến đến những năm đầu thập niên 1970. Hạm đội 1 sẽ đóng ở hải cảng Darwin của Úc Đại Lợi chịu trách nhiệm phía Đông của Ấn Độ Dương.

    Liên Hiệp Châu Âu tuy rất cần thị trường Hoa Lục, nhưng, đang nghiêm khắc đối với tham vọng thống trị toàn cầu của Bắc Kinh. Các cường quốc Tây Âu đang mở rộng mối quan hệ quân sự với nhiều quốc gia Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

    Trong quá khứ, Anh Quốc và Pháp Quốc đã đơn phương thực hiện các cuộc tuần tra trên hai Biển Đông và Nam Trung Hoa. Hai nước này đã có kế hoạch phái Hải đội Xung kích Hàng không mẫu hạm (Carrier Strike Group, CSG) duy nhất của họ đến hoạt động ở khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương trong 6 tháng kể từ 2021.

    Thông cáo chung Thượng Hải được Tổng thống Richard Nixon và Thủ tướng Trung Cộng, Chu Ân Lai ký năm 1972 có cam kết “một nước Trung Hoa” trên hai bờ Eo Biển Đài Loan. Từ đó, Mao Trạch Đông coi Đài Loan là một tỉnh trực thuộc. Ngược lại, Hoa Kỳ coi Tưởng Giới Thạch đại diện cho lực lượng khôi phục toàn bộ Trung Hoa.

    Việc thu hồi Đài Loan trở thành ưu tiên chiến lược của Đảng Cộng sản Tàu nên Bắc Kinh tiến hành các biện pháp khác nhau, kể cả sử dụng sức mạnh quân sự. Hơn 22 triệu dân Đài Loan không chấp nhận hoặc tơ tưởng tới chính sách “một quốc gia, hai chế độ” sau khi Bắc Kinh tự huỷ cam kết với Luân Đôn để cho Hồng Kông tự trị đến 2049. Tập Cận Bình giống như Tào Tháo gặm chiếc gân gà, nhai không được mà nhã ra lại tiếc.

    Trong bài “Not friends. Not enemies. Where to now for NATO on China?” đăng trên SCMP ngày 6 tháng 12-2020 đã lược thuật tiến trình nhận thức của Liên Hiệp Châu Âu (EU) đối với Trung Cộng trong một tài liệu 67 trang do Tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg yêu cầu.

    Đài Loan phòng thủ với sự yềm trợ của Hoa Kỳ…

    Tài liệu nhận định “Châu Âu nhận thức nguy cơ từ Trung Cộng chậm hơn Hoa Kỳ vì coi trọng lợi ích kinh tế hơn nền an ninh của EU. Tuy nhiên, EU chưa chứng tỏ thái độ quyết liệt mà còn hy vọng sẽ hợp tác với Hoa Kỳ, trước đây họ từ chối, mà nay đã coi Trung Cộng giống như Liên Sô. Châu Âu luôn luôn chống NATO tham chiến bên ngoài Châu Âu để tập trung bảo vệ Cựu Lục địa. Bây giờ, Nga yếu hơn Liên Sô trong khi Tây và Bắc Âu muốn khai thác thị trường Châu Á nên EU tỏ vẻ cứng rắn hơn để làm áp lực mà trao đổi với Trung Cộng.”

    Trong khi đó, Bắc Kinh đang cố hết sức để chia rẽ, ly gián các quốc gia tự do, dân chủ.

    Đầu tiên, tách Nhật Bản, Nam Hàn ra khỏi Hoa Kỳ; tách Trung và Đông Âu khỏi Tây và Bắc Âu. Tiếp theo, tách EU khỏi Hoa Kỳ nhằm mục đích tối hậu: không thể tập hợp thành khối duy nhất chống Trung Cộng.

    Tiếp theo, sử dụng sức mạnh kinh tế, công nghệ chế biến để phá huỷ nền kinh tế trên toàn thế giới nhằm áp đặt sự thống trị toàn cầu.

    Gọng kìm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang siết chặt Đông Bắc Á như một lời cảnh cáo nghiêm khắc đối với chính sách bành trướng, bá quyền của Trung Cộng.

    Vòng vây Trung Cộng bắt đầu từ Đông Bắc Á đã khởi động mà nếu không liên tục tăng áp lực sẽ tạo điều kiện cho quái thú Cộng sản sổng chuồng, gây hại tới nhân loại.

    Bắc Kinh phải ngưng chính sách bành trướng bá quyền, hiếp đáp các quốc gia yếu thế hoặc chấp nhận một trận chiến chẳng hy vọng thắng, thậm chí có thể bị diệt vong?

    Đại-Dương

    https://baotgm.net

    Không có nhận xét nào