Header Ads

  • Breaking News

    Đại hội 13 tại Việt Nam – Chủ nghĩa xã hội suy tàn

    Ảnh: Trung quốc và Nhật bản là hai chủ nợ lớn nhất của chính phủ Mỹ trong biểu đồ thống kê nợ nước ngoài, tính đến hết tháng 4/2019.

    Trong dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành trung ương Đảng Khóa 12 tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, phần Dự báo tình hình thế giới và đất nước những năm sắp tới có đoạn viết:

    “Trên thế giới, tình hình tiếp tục diễn biến hết sức nhanh chóng, phức tạp, khó lường.

    Hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đang đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức, phức tạp và quyết liệt hơn, làm gia tăng rủi ro đối với môi trường chính trị, an ninh quốc tế.

    Toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế tiếp tục tiến triển nhưng đang phải đối mặt với sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc. Luật pháp quốc tế và các thể chế đa phương toàn cầu đứng trước những thách thức lớn.

    Cục diện thế giới tiếp tục biến đổi theo xu hướng đa cực, đa trung tâm; các nước lớn vẫn hợp tác, thoả hiệp, nhưng đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau gay gắt hơn.

    Chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cường quyền nước lớn, chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa dân tuý trong quan hệ quốc tế gia tăng. Các nước đang phát triển, nhất là các nước nhỏ đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới”.

    Việc đánh giá chính xác, kịp thời cục diện thế giới và khu vực là một việc làm đặc biệt quan trọng liên quan đến việc thành bại trong chính sách đối ngoại và ngoại giao của mội nước trong bối cảnh cục diện toàn cầu vẫn đang trong quá trình định hình, còn nhiều biến động và mang những diện mạo khác nhau trong từng không gian địa chiến lược.

    Nhìn toàn cục, cục diện thế giới ngày nay là nhị siêu cường, đa cường, đa cực, đa trung tâm với Mỹ là siêu cường số một và Trung Quốc là siêu cường thứ 2 (đây là sản phẩm của Mỹ và một số nước phương Tây khi đánh giá sai về chiến lược toàn cầu của Liên Xô trước đây và Nga hiện nay cũng như việc giúp cho con sư tử của thế giới thức dậy), một số cường quốc thế giới (Nga, Canada, Anh, Pháp Đức, Ý Nhật Bản, Ấn Độ…).

    Nhận thức về quyền lực của các chủ thể quốc tế hàng đầu này được quyết định bởi “sức mạnh cứng” và “sức mạnh mềm” trong mối quan hệ quốc tế hiện nay.

    Sự chênh lệch rất lớn về sức mạnh giữa các siêu cường với siêu cường, với các cường quốc là một thực tế.

    GDP năm 2018 của Mỹ gấp gần 1,5 lần quy mô GDP của Trung Quốc, gấp 4 lần của Nhật Bản, 5 lần của Đức, 7 lần của Anh và Pháp.

    Về ngân sách quốc phòng toàn cầu, Mỹ chiếm gần 50%, hơn 50% phần còn lại là của toàn thế giới, trong đó ngân quốc phòng Trung Quốc gấp gần 4 lần của Nga, Nga gấp 1,5 lần của Đức. Bộ khung cấu trúc quyền lực giữa các nước lớn vô cùng mất cân đối như vậy không thể không tạo ra chủ nghĩa đơn phương, cường quyền, bá quyền nước lớn trong đời sống quốc tế trong những thập niên tới, đồng thời làm cho cục diện nhị siêu, đa cường, đa cực, đa trung tâm trong không ít trường hợp mang nhiều tính danh nghĩa hơn là thực chất.

    Cục diện châu Á – Thái Bình Dương vừa mang nét chung của cục diện đa cực, đa trung tâm, vừa có sự khác biệt, đặc thù – đó là cục diện hai siêu, nhiều cường.

    Với sự phát triển mạnh mẽ sau hơn 4 thập niên cải cách, mở cửa, Trung Quốc ngày nay trở thành nước lớn trong thời đại mới: là nền kinh tế thứ hai, dẫn đầu thế giới về quy mô sản xuất công nghiệp, ngoại thương, dự trữ ngoại tệ, mức độ đóng góp cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu…; có ngân sách quốc phòng lớn thứ hai thế giới, đạt 280 tỷ USD theo công bố năm 2018; là quốc gia hàng đầu thế giới trên một số mũi nhọn khoa học – công nghệ (mạng 5G, thiết bị cảm biến, trí tuệ nhân tạo…); là chủ thể đang dẫn dắt nhiều chương trình hội nhập quốc tế tầm cỡ thế kỷ, trong đó có sáng kiến “Vành đai, Con đường”…

    Với sự gần gũi về biên giới lãnh thổ, văn hóa, lịch sử với các quốc gia trong khu vực, Trung Quốc ngày nay thật sự có sức mạnh siêu cường ở châu Á – Thái Bình Dương, cạnh tranh chiến lược ngày càng lợi hại với siêu cường Mỹ, một siêu cường về cơ bản, là một quốc gia gắn kết với châu Âu – Đại Tây Dương.

    Mỹ và Trung Quốc đang đã và đang đẩy mạnh tập hợp lực lượng, trước hết ASEAN, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia nhằm chiếm ưu thế tại khu vực.

    Không nhận biết kịp thời và sáng tỏ sự thống nhất và khác biệt giữa cục diện thế giới và cục diện châu Á – Thái Bình Dương sẽ làm suy giảm đáng kể năng lực ứng phó với một thế giới đa dạng, phức tạp hiện nay.

    Đại hội Đảng lần thứ XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc đề ra mục tiêu đến năm 2020, Trung Quốc trở thành “nhất bá, nhất siêu, đa cường” chi phối tới mọi lĩnh vực trên toàn thế giới. Do đó, tư tưởng “Trung Quốc đặc sắc” chính là kim chỉ nam cho hành động của Đảng cộng sản Trung Quốc. Dự báo về chính sách đối ngoại của Trung Quốc vẫn là thực hiện tham vọng “Vành đai và con đường”, nhằm quyết tâm giành thắng lợi về mặt kinh tế, quân sự, đối ngoại, đẩy Mỹ vào “thế phụ” để giành thế thượng phong.

    Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, tiếp tục đẩy mạnh các sáng kiến chiến lược vành đai, con đường, lặng lẽ tiếp nhận vai trò khu vực bằng những giải pháp của chiếc gậy và củ cà rốt.

    Mỹ hiện nay tuy vẫn là cường quốc số một thế giới, song Mỹ đã suy giảm sức mạnh tương đối trong tương quan so sánh với các cường quốc khác.

    Mỹ vẫn là nền kinh tế số một thế giới, tính chung cả về tổng GDP, lĩnh vực vốn và khoa học – công nghệ, những vị thế đó đang đứng trước những thách thức to lớn, ngày càng bị thu hẹp với các trung tâm quyền lực khác.

    Mỹ từ chỗ chiếm 31% năm 2000 giảm xuống còn khoảng 20% GDP toàn cầu hiện nay. Năm 2000, GDP của Mỹ gấp 12 lần của Trung Quốc, nhưng đến năm 2012 chỉ còn gấp khoảng 1,9 lần.

    Trong khi đó thâm hụt ngân sách của Mỹ ngày càng tăng, lên đến gần 1.100 tỷ USD năm 2012.

    Mỹ ngày càng phụ thuộc vào nước ngoài về kinh tế, hàng tiêu dùng hầu như phụ thuộc vào nhập khẩu, trở thành con nợ lớn nhất thế giới với tổng số nợ nước ngoài lên đến 4.500 tỷ USD (riêng nợ của Trung Quốc là 1,6 nghìn tỷ USD).

    Về chính trị, vị thế và uy tín của Mỹ có chiều hướng ngày càng giảm sút. Sức mạnh quân sự của Mỹ tuy còn vượt trội so với các quốc gia trên thế giới, nhưng khoảng cách so với các nước như Nga, Trung Quốc đang bị thu hẹp dần.

    Trong khi đó, Trung Quốc đã vươn lên mạnh mẽ, vượt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới sau Mỹ và sức mạnh quân sự không ngừng được nâng cao.

    Sau hơn 30 năm cải cách, mở cửa, Trung Quốc đạt được những thành tựu thần kỳ, kinh tế phát triển nhanh liên tục (tốc độ trung bình 9,7%/năm), với GDP năm 2012 lên hơn 8.200 tỷ USD.

    Theo Ngân hàng Thế giới, năm 1980, GDP của Trung Quốc (khoảng 189 tỷ USD) bằng 17,4% GDP của Nhật Bản (1.087 tỷ USD) và bằng 6,6% GDP của Mỹ (2.863 tỷ USD); nhưng 32 năm sau (năm 2012), với khoảng 8.227 tỷ USD, GDP của Trung Quốc đã vượt GDP của Nhật Bản và bằng 50,6% GDP của Mỹ (16.245 tỷ USD).

    Trung Quốc có dự trữ ngoại tệ lên đến 3.312 tỉ USD, đứng hàng đầu thế giới.

    Trung Quốc tăng cường đầu tư cho quốc phòng – an ninh, trở thành cường quốc toàn cầu, có vai trò quyết định các vấn đề quốc tế; ngân sách cho quốc phòng năm 2012 là 106,6 tỷ USD (đứng thứ hai sau Mỹ) thì năm 2019, ngân sách của  Trung Quốc trên giấy tờ là 181 tỉ USD.

    Trung Quốc cũng trở thành cường quốc tầm cỡ thế giới về khoa học – công nghệ, được xếp hàng đầu thế giới về những ngành khoa học – công nghệ mũi nhọn như công nghệ thông tin, vũ trụ, gien, công nghệ xanh…

    Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nhiều nước lớn và sự thay đổi tương quan so sánh lực lượng giữa các nước đó, trong những năm qua, thông qua quá trình hợp tác, liên kết, cạnh tranh, đấu tranh, đã hình thành nhiều trung tâm, nhiều tổ chức kinh tế, tài chính, thương mại quốc tế mới trong một thế giới kết nối, toàn cầu hóa:

    Nhóm các nước có nền kinh tế mới nổi (BRIC); Diễn đàn kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC); Hợp tác kinh tế Á – Âu (ASEM); Cộng đồng ASEAN với ba trụ cột kinh tế, văn hoá – xã hội, chính trị – an ninh; Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB); Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR); Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR); Khu vực tự do thương mại châu Mỹ (FTAA); Các tổ chức kinh tế và chính trị (không có Mỹ) ALBA ở châu Mỹ; Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được ký kết theo hình thức trực tuyến, đặt ra kỳ vọng là hiệp định thương mại tự do (FTA) có quy mô lớn nhất thế giới vừa ký kết tại Việt Nam.

    Một điểm nổi bật trong tình hình hiện nay là cuộc chiến kinh tế Mỹ-Trung có chiều hướng trở nên một cuộc đối đầu lịch sử không phải diễn ra trên lục địa Trung Quốc hay Bắc Mỹ mà là Biển Đông.

    Chính vì vậy đòi hỏi Việt Nam cần đặc biệt chú trọng một số vấn đề:

    Đánh giá một cách sâu sắc và toàn diện cục diện thế giới để đề ra một chiến lược  mới. Nếu như “Việt Nam cần kiên định nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các quốc gia và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Việt Nam không ngừng nỗ lực làm sâu sắc thêm và xây dựng quan hệ đối tác chiến lược, đối tác hợp tác cùng có lợi với các quốc gia, thực thi chính sách quốc phòng hòa bình và tự vệ. Việt Nam không là đồng minh quân sự của nước nào và không để nước ngoài nào đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam.

    Việt Nam không liên minh với nước này để chống lại nước khác” thì đây là sản phẩm của việc đổi mới tư duy chính trị quốc tế từ Đại hội 6 của Đảng cộng sản Việt Nam, trong tình hình hiện nay, Việt Nam cần phải tiếp tục đổi mới tư duy chính trị quốc tế là thứ hai tại Đại hội XIII.

    Đó là, trong khuôn khổ chiến lược chung, cần định vị rõ Việt Nam ở vị trí nào trong chiến lược của nhị siêu, đa cường, đa trung tâm? Mối nguy cơ nào là trực tiếp và lớn nhất đến sự tồn vong của đất nước và của dân tộc? Trên quan điểm tổng thể cần có phương thức và phương cách đối phó như thế nào để bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc.

    Cục diện thế giới trong 20 năm đầu thế kỷ XXI vẫn tiếp tục có nhiều biến động phức tạp, diễn biến khó lường. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn tuy còn tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định như tranh chấp về ảnh hưởng và quyền lực, về biên giới, lãnh thổ, biển đảo, tài nguyên; xung đột sắc tộc, tôn giáo… Sự phát triển mạnh mẽ của toàn cầu hóa làm cho tính tùy thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia ngày một tăng lên, và thế giới dường như thu hẹp lại trước những vấn đề toàn cầu như: biến đổi khí hậu, bùng nổ dân số, dịch bệnh hay khủng hoảng…

    Có thể nhận thấy, mọi sự biến đổi dù lớn hay nhỏ của cục diện thế giới đều tác động trực tiếp đến việc điều chỉnh chính sách của các quốc gia.

    Vì vậy, cục diện thế giới là một vấn đề mà mọi quốc gia đều phải quan tâm nghiên cứu khi hoạch định chiến lược phát triển đất nước của mình.

    Đánh giá sai tình hình cục diện thế giới thì sẽ dẫn đến việc đề ra chiến lược sai, Mỹ đã từng đánh giá sai về Nga, Trung Quốc nên mới có “sản phẩm Trung Quốc” ngày hôm nay và Việt Nam cũng đã trả giá rất lớn từ sau năm 1975, chính sách Đổi mới từ năm 1986 đã minh chứng cho điều đó.

    Hải Yến – Thoibao.de (Tổng hợp)

    https://thoibao.de/blog

    Không có nhận xét nào