Header Ads

  • Breaking News

    Bùi Anh Trinh – Tử chiến Hạ lào 1971 – Bài 2


    Hoạt động chuẩn bị

    *( Trích sách “Gải Mã Những Bí Ẩn của Chiến Tranh Việt Nam của Bùi Anh Trinh )

    Kế hoạch hành quân là do các nhà ngoại giao  đề xướng

    Năm 1970, ngày 27-9, Kissinger và Xuân Thủy họp mật tại Paris.  Kissinger vờ đặt nhiều câu hỏi về những yêu sách của Hà Nội nhưng kín đáo thăm dò phản ứng của Hà Nội về một mưu toan bí mật mà ông đang sắp sửa tiến hành, đó là cuộc tấn công sang Hạ Lào.

    Năm 1970, ngày 28-9,  tại Sài Gòn.  Theo tài liệu của Đại sứ Bunker do giáo sư Stephen Young phổ biến,  một phiên họp cao cấp gồm có Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam;  Đại sứ Hoa Kỳ tại Thái Lan;  Đại sứ Hoa Kỳ tại Lào;  Đại sứ Hoa Kỳ tại Cam Bốt; Đô đốc John McCain, Tư lệnh quân đội Hoa Kỳ tại khu vực Thái Bình Dương;  Tướng Abrams, Tư lệnh quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam.

    Cuộc họp nhằm mục đích nghiên cứu phương cách ngăn chận quân CSVN sử dụng đường mòn HCM để vận chuyển vũ khí vào Nam, thay thế cho tuyến vận chuyển qua cảng Sihanoukville, nhằm giúp cho Miền Nam được giữ vững sau khi quân đội Mỹ rút về nước.

    Sau khi cuộc họp kết thúc, Bunker gởi báo cáo cho Washington rằng hội nghị kết luận muốn cắt đường mòn Hồ Chí Minh thì phải dùng lực lượng quân sự của VNCH đánh sang Hạ Lào tại khu vực Tchépone, là giao điểm giữa đường mòn HCM ( tức là Đường số 93 của Lào ) và Quốc lộ 9 ( Quốc lộ 9 chạy từ bờ biển Quảng Trị tới Sông Mekong là biên giới Lào và Thái Lan ).  Trước đây kế hoạch tương tự đã được Tướng Westmoreland soạn thảo và sau đó Bunker đã chuyển về Washington vào tháng 6 năm 1967.

    *Chú giải :  Sau này các nhà nghiên cứu quân sử rất ngạc nhiên khi được biết cuộc hành quân lớn nhất trong chiến tranh Việt Nam lại là do các nhà ngoại giao đề xướng.  Tuy nhiên tài liệu lưu trữ của Đại sứ Bunker cho biết sự thật là :  “Hoa Thịnh Đốn đã yêu cầu Buker thực hiện phiên họp ấy…” ( Tài liệu của Bunker ).  Có nghĩa là Nixon và Kissinger dàn cảnh để Đô đốc McCain và Tướng Abram tin rằng ý tưởng tần công qua Hạ Lào là sáng kiến của các Đại sứ chứ không phải của Nixon.

    Nhưng có một điều khó hiểu là hồi ký của Nixon và hồi ký của Kissinger chớ hề đá động tới tác phẩm quân sự độc đáo của hai ông.  Thậm chí trong hồi ký “The White House Years” xuất bản năm 1979 Kissinger phủ nhận tin ông ta là tác giả của lệnh hành quân sang Lào.

    Ngay từ ngày đó, 1971, báo chí Mỹ và báo chí Việt Nam đua nhau tìm xem ai là tác giả của lệnh hành quân sang Lào nhưng cả hai phía Mỹ ( MACV ) và Việt ( BTTM ) đều từ chối xác nhận lệnh hành quân đó từ đâu ra.

    Và rồi đến năm 1989 thì cuốn sách “Lam Son 719” của Tướng Nguyễn Duy Hinh ra đời.  Người ta vô cùng ngạc nhiên khi phát giác ra đây là trận đánh vĩ đại nhất trong chiến tranh Việt Nam;  mà kết quả chiến thắng của quân VNCH gấp 3 lần kết quả chiến thắng tại Cam Bốt…!!

    Điều gì bí ẩn bên trong cuộc hành quân này khiến cho một cuộc chiến thắng được báo chí Mỹ trình diễn như một cuộc chiến bại ?  Và mãi về sau này vẫn không ai dám vỗ ngực khoe rằng mình là tác giả của cuộc hành quân lịch sử đó ?

    Cho đến năm 1994, Chánh văn phòng của Nixon là H.R Haldeman đã cho ra đời cuốn sách “The Haldeman Diaries” mà trong đó có những chi tiết xác nhận Kissinger tham gia chỉ đạo kế hoạch hành quân sang Lào.  Và cũng trong năm 1994 Tướng Alexander Haig, phụ tá quân sự của Kissinger, cho ra đời cuốn “Inner Circles” xác nhận Kissinger là người hoạch định kế hoạch từ đầu.

    Tại sao Kissinger lại giấu một chiến thắng vĩ đại mà chính ông ta là tác giả… ???…

    Người viết ra tập tài liệu này, Bùi Anh Trinh, đã muốn phát bệnh khi ngồi viết lại từng ngày từng giờ của trận đánh khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam;  mà cuối cùng là một phát hiện vô cùng đau xót…! Tập tài liệu “Tử chiến Hạ Lào” đã viết xong từ năm 2010 nhưng đành phải treo lại cho đến nay bởi vì lúc đó “tình thế chưa cho phép”.

    Cuộc hành quân được sửa soạn như thế nào ?

    Năm 1970, ngày 6-11, Bộ Tư lệnh quân đội Hoa Kỳ tại vùng Thái Bình Dương ( Đô đốc McCain ) chỉ thị Bộ tư lệnh quân đội Mỹ tại Việt Nam ( Tướng Abrams ) soạn thảo một lệnh hành quân đánh sang Hạ Lào, lực lượng tham dự hành quân là 3 sư đoàn của quân đội VNCH, dưới sự yểm trợ hỏa lực của phi cơ chiến đấu Mỹ. Và pháo binh Mỹ từ bên trong nội địa Việt Nam  yểm trợ hỏa lực cho các đơn vị VNCH hành quân trong vùng cách biên giới dưới 15 cây số.

    Ngoài ra không quân Mỹ bao giàn toàn bộ phi cơ trực thăng để chuyển quân, tiếp tế và tản thương trên đất Lào.  Cuộc hành quân dự trù kéo dài trong 3 tháng.

    *Ngày 7-11, Tướng Abrams và đại sứ Bunker đến gặp Tổng thống Thiệu và trình bày trong 80 phút về kế hoạch đánh sang Lào.  Tổng thống Thiệu đồng ý tiến hành kế hoạch.

    *Ngày 8-11, Ban tham mưu Liên quân Mỹ gởi công điện cho Tướng Abrams, xác nhận lại các chi tiết của cuộc hành quân sang Lào : Hành quân dọc theo Quốc lộ 9, Mỹ yểm trợ pháo binh và phi cơ, đồng thời mở một cuộc tấn công khác sang Cam Bốt.

    Năm 1970, ngày 21 và 22 -11, tại miền Bắc Việt Nam.  Phi cơ Mỹ tăng cường ném bom tại Bắc Việt trên 200 phi vụ một ngày.  Và đêm 21 rạng 22-1, một đoàn 5 máy bay trực thăng Mỹ chở 56 biệt kích từ Thái Lan đáp xuống một trại tù binh Mỹ tại tỉnh Sơn Tây, cách Hà Nội 50 cây số.  Cuộc đột kích giải cứu tù binh hất bại vì trại tù không có người.

    *Ngày 1-12, Tướng Abrams gặp Tướng Cao Văn Viên để bàn về kế hoạch đánh sang Lào.

    Ngày 15-12.  Thủ tướng Lào công bố cho báo chí rằng Vương Quốc Lào phản đối việc quân đội VNCH hành quân trên đất Lào.  [ Đánh động trước cho Hà Nội ]

    *Trung tuần tháng 12, Tướng Haig, phụ tá của Kissinger, đến Sài Gòn để thảo luận với Tổng thống Thiệu, tướng Abrams và đại sứ Bunker.

    Năm 1970, ngày 15-12, Cố vấn An ninh Quốc gia Kissinger nói sơ qua cho Tham mưu trưởng Tòa Bạch Ốc Haldeman về kế hoạch tấn công qua Lào của quân đội VNCH.

    *Ngày 22-12, Kissinger hẹn gặp Bộ trưởng Quốc Phòng Laird và Tham mưu trưởng Liên quân Moorer tại Tòa Bạch Ốc để cùng bàn với Tổng thống về kế hoạch tấn công sang Lào.

    *Ngày 26-12, vào dịp Noel, đoàn CSVN tại Paris trao danh sách các phi công Mỹ bị bắt ở miền Bắc cho một số Thượng nghị sĩ Mỹ chống chiến tranh.  Nghĩa là Hà Nội bỏ qua vụ Sơn Tây và thúc đẩy hòa đàm, tỏ thái độ thành tâm muốn xuống thang chiến tranh.

    Năm 1971, đầu tháng 1, Kisisger bắn tiếng cho Hà Nội qua Đại sứ Liên Xô tại Washington : “Mỹ thuận không bắt buộc Bắc Việt phải rút quân song song với Mỹ.  Nhưng Mỹ đòi hỏi khi Mỹ đơn phương rút quân thì Hà Nội phải ngưng tấn công Miền Nam cho đến khi quân Mỹ đã rút hết. ( Lưu Văn Lợi ).

    Năm 1971, ngày 11-1, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Melvin Laird và Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ là Đô đốc Moorer đến Sài Gòn để bàn với Tổng thống Thiệu về kế hoạch đánh sang Lào.

    *Ngày 18-1, Một buổi họp tại Tòa Bạch Ốc để quyết định về các chi tiết hành quân, gồm có Tổng thống Nixon, Bộ trưởng Ngoại giao Rogers, Bộ trưởng Quốc phòng Laird, Tham mưu trưởng Liên quân Moorer, Giám đốc CIA Richard Helm, Cố vấn Kissinger và phụ tá của ông ta là Chuẩn tướng Haig.

    Trong buổi họp Ngoại trưởng Rogers phản đối kế hoạch bởi vì theo ông lực lượng tấn công của VNCH quá ít.  Ông nhắc lại kế hoạch đó của Westmoreland có 4 sư đoàn với quân số gần 60 ngàn quân, trong khi cuộc hành quân này quân của VNCH chỉ có hơn 2 sư đoàn ( Sư đoàn 1 bộ binh, 3 lữ đoàn Dù và 2 tiểu đoàn Biệt Động Quân ) với 20 ngàn quân thì quá ít.  Tuy nhiên Tổng thống Nixon bác bỏ lời phản đối của Rogers.

    *Ngày 22-1, Với sự cố vấn của Đại sứ Mỹ tại Lào là McMurtrie Godley , Thủ tướng Lào Suvana Phouma tuyên bố với báo chí rằng ông phản đối quân Việt Nam hành quân trên đất Lào, rồi chỉ trích sự hiện diện của quân CSVN trên đất Lào.  Cuối cùng ông hy vọng quân VNCH sẽ rời khỏi lãnh thổ Lào trong 1, 2 tuần. ( Tài liệu lưu trữ của Bunker do Stephen Young phổ biến ).

    *[ Kissinger xúi Thủ tướng Lào lên tiếng là nhằm đánh động trước cho Hà Nội hay rằng quân VNCH sẽ đánh sang Lào.  Cuộc hành quân bị lộ ngay từ lúc này, nhưng không phải do sơ ý, mà là do chủ ý của Kissinger ]

    Năm 1971, ngày 27-1, Tổng thống Nixon họp Ban tham mưu của Tòa Bạch Ốc, chỉ thị tiến hành giai đoạn 1 của kế hoạch hành quân Lam Sơn 719, tức là quân đội Hoa Kỳ hành quân từ Đông Hà, Quảng Trị, theo Quốc lộ 9 tái chiếm căn cứ Khe Sanh và các tiền đồn pháo binh sát biên giới Lào.

    *Ngày 4-2, Tổng thống Nixon ra lệnh tiến hành giai đoạn 2 của cuộc hành quân Lam Sơn 719, tức là quân VNCH vượt biên sang Lào.

    Chú giải : Như vậy cuộc hành quân hoàn toàn do phía Mỹ chủ động.  Đặc biệt người viết kịch bản và đạo diễn là các chính trị gia chứ không phải là các nhà quân sự.  Ngũ Giác Đài và Bộ TTM/VNCH chỉ có nhiệm vụ dựng cảnh và cung cấp diễn viên.

    Tại sao một lệnh hành quân điều động tới 3 sư đoàn Việt Nam ( 30 ngàn người ) vượt qua biên giới Lào lại do một luật sư ( Nixon ) và một giáo sư ( Kissinger ) thiết kế … !? Và tại sao Đại sứ Mỹ tại Vạn Tượng  lại xúi Thủ tướng Lào tiết lộ trước ..??…Xin đón đọc những hồi sau sẽ rõ.

    BÙI ANH TRINH

    https://quanvan.net/tu-chien-ha-lao-1971-2-hoat-dong-chuan-bi/

    1 nhận xét:

    1. Câu hỏi của tác giả quá thừa Người Mỹ muốn triệt các sư đoàn Tinh nhuệ của VNCH trước khi dâng cho Bắc Việt. Nam Mỹ không Tuyên chiến với Bắc Việt và Chính Nam Việt Nam cũng không mời Mỹ vào Chuyện đã rồi nên TT Phan huy Quát phải ra Đà Nẵng đón cho hợp pháp

      Trả lờiXóa