Header Ads

  • Breaking News

    GS Nguyễn văn Tuấn - Người khách quan, kẻ tương đối


    Hôm nọ một 'friend' nhà văn trong fb tôi đã nói lời từ giã (tức 'unfriend'), vì chị ấy cảm thấy quan điểm của chị khác với tôi về cuộc tổng tuyển cử bên Mĩ vừa qua. Tôi rất ngạc nhiên vì mình chưa bày tỏ quan điểm gì cả, và càng ngạc nhiên hơn với thái độ "không ngồi chung chiếu". Tôi chợt nhận ra có lẽ chị ấy là một 'objectivist' (người theo chủ nghĩa khách quan).

    Có lẽ ai cũng thấy sự phân hoá trong cộng đồng (không chỉ cộng đồng người Việt) trong kì tổng tuyển cử vừa qua. Đó là hệ quả của quan điểm đối thoại để chiến thắng (conversation to win) hơn là đối thoại để học (conversation to learn). Người xem đối thoại để thắng thường hung hăn và cố chấp, còn người xem đối thoại để học thường hoà nhã và cởi mở.

    Nhưng bên cạnh đó còn một phân biệt khác về hai nhóm người: nhóm objectivist và nhóm relativist. Để hiểu chút về hai nhóm người này, chúng ta thử xem qua 2 người đang tranh cãi về câu hỏi 2 + 2 là bao nhiêu?

    Anh A: 2 cộng 2 bằng 4.

    Chị B: 2 cộng 2 bằng 5.

    Quan sát cuộc đối thoại trên, chúng ta có thể phân biệt được giữa đúng (A) và sai (B) rất dễ dàng, bởi vì chỉ có một chân lí ở đây: 2 + 2 = 4. Đó là sự thật, không phải ý kiến. Đó là chủ nghĩa khách quan (objectivism).

    Nhưng trong các thảo luận về chủ đề xã hội, chánh trị và đạo đức thì phân biệt đúng sai không bao giờ rạch ròi như trên. Chẳng hạn như trong thảo luận về khẩu trang dưới đây:

    Anh C: đeo khẩu trang ngăn ngừa được đại dịch vì virus không thể lây nhiễm.

    Chị D: khẩu trang không có hiệu quả ngăn ngừa virus lây nhiễm.

    Câu hỏi đặt ra là có một sự thật khách quan như trong thảo luận về số học ở trên, và người nào nói khác đi là "sai". Hay đó chỉ là quan điểm và trải nghiệm cá nhân, và cả hai người C và D chẳng ai đúng, cũng chẳng ai sai -- đó là chủ nghĩa tương đối (relativism).

    Người khách quan và người tương đối

    Giới tâm lí học chia chúng ta thành hai nhóm người: nhóm được gọi là "Người khách quan" (objectivist) và nhóm "Người tương đối" (relativist). Người theo chủ nghĩa khách quan thích tranh cãi để giành phần thắng. Người theo chủ nghĩa đạo đức tuơng đối thì thích trao đổi để học hỏi.

    Người khách quan tin vào chủ nghĩa khách quan, mà người đề xướng là nhà triết học Mĩ gốc Nga Ayn Rand (1905 - 1982). Bà Rand tin rằng mục tiêu tối thượng trong đời người là hạnh phúc, nhưng chúng ta không thể có hạnh phúc chỉ bằng mong muốn, mà phải tôn trọng sự thật và thực tế, phải sống bằng các nguyên lí khách quan và tôn trọng người khác. Nhưng không phải ai cũng đồng tình với chủ nghĩa này, và có không ít người cho rằng lí thuyết này không ... khách quan.

    Người theo chủ nghĩa tương đối (hay tạm gọi là 'người tương đối') tin rằng không có chân lí tuyệt đối. Chân lí, đối với họ, là niềm tin cá nhân tuỳ thuộc vào phông văn hoá và tôn giáo của cá nhân đó. Do đó, người tương đối cho rằng mỗi chúng ta có quan điểm khác nhau về cái gì là đạo lí và cái gì là vô luân. Người tương đối chấp nhận phá thai, nhưng họ cũng không phản đối người chống phá thai.

    Nhiều người Mĩ (và Úc nữa) nghĩ rằng chủ nghĩa đạo đức tương đối (moral relativism) là một hiểm hoạ. Đối với những người này, quan điểm cho rằng không có chân lí tuyệt đối là rất nguy hiểm, bởi vì nó không có một kim chỉ nam về đạo đức, và do đó xã hội sẽ hỗn loạn. Tuy nhiên, có lẽ đó là một lo xa, vì có nghiên cứu cho thấy tuy chủ nghĩa đạo đức tương đối khá phổ biến ở Mĩ, nhưng không đe doạ nghiêm trọng đến xã hội Mĩ [1].

    Trong một thí nghiệm tâm lí học, các nhà nghiên cứu hỏi người theo chủ nghĩa khách quan có muốn ở chung phòng với người có quan điểm khác mình hay không, thì đa số người theo chủ nghĩa khách quan nói "không". Khi được hỏi có muốn ngồi gần người có quan điểm khác mình, người theo chủ nghĩa khách quan cố tìm cách ngồi xa người đó. Nói cách khác, người khách quan có vẻ sống khép kín.

    Trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua, rất nhiều người trở thành objectivist. Không chỉ trong cộng đồng người Việt đâu, ngay cả trong cộng đồng người Mĩ cũng vậy. Đối với người ủng hộ Biden thì cái gì Trump làm và nói đều xấu; ngược lại, đối với người ủng hộ Trump thì Biden chẳng là cái gì cả. Và, họ không ngồi gần nhau. Xem cái video clip ở Little Sài Gòn thấy phe xuống đường ủng bộ Biden bị phe ủng hộ Trump xua đuổi và hạ nhục, nhưng phe ủng hộ Biden cũng không vừa, họ cũng đáp trả. Hình như cả 2 phe đều nghĩ rằng họ có chân lí và chánh nghĩa.

    Trong xã hội cũng vậy: không có gì là đúng tuyệt đối 100%. Không phải tất cả những gì Trump làm đều xấu xa, và dứt khoát không phải tất cả những gì Biden làm đều tốt. Hai người đó có lẽ chỉ là đại diện cho các phe phái chánh trị đằng sau với những chương trình nghị sự có lợi cho họ. Những người Việt trong nước ủng hộ Trump cũng có lí do vì những chánh sách của ông ấy đối với Tàu đã làm cho các công ti Mĩ và Nhật chuyển sang Việt Nam, và như thế là làm lợi cho người Việt. Có thể Biden lên thì cũng theo chánh sách đó.

    Richard Feynman từng nói rằng những phát biểu khoa học không phải về cái gì là thực hay không thực, mà là những gì đã được biết kèm những mức độ bất định (The statements of science are not of what is true and what is not true, but statements of what is known with different degrees of certainty). Do đó, chúng ta mới có những thuật ngữ như "khoảng tin cậy 95%" (95% confidence interval) và trị số P (P-value).

    Không có một mối liên quan nào là đúng 100%. Ví dụ như khẩu trang, mặc dù trong phòng thí nghiệm thì nó rất tốt trong việc ngăn chận truyền nhiễm, nhưng khi đưa vào thực tế ngoài cộng đồng thì nó có khi chẳng có ảnh hưởng tích cực gì cả. Ngoài ra, ở những nơi mà dịch diễn ra nặng nề thì khẩu trang có vẻ ok, nhưng những nơi dịch nhẹ thì nó chỉ có hiệu quả tâm lí. Rõ ràng là 'sự thực' ở đây chỉ mang tính tương đối và có điều kiện.

    Do đó, có lẽ chúng ta nên học làm người tương đối và xem bàn luận chỉ để học hơn là để thắng, để còn có dịp ngồi gần với nhau hơn.

    https://www.facebook.com/t.nguyen.2016/posts/1135749790205670

    Không có nhận xét nào