Header Ads

  • Breaking News

    Hồi ký: Bác sĩ Nguyễn Duy Cung

    Nguyên Giám đốc BV. Nguyễn Văn Học Gia Định

     

    Bác sĩ Nguyễn Duy Cung trong buổi ra mắt sách của ông.

    TRẠI TÙ SÓNG THẦN NƠI CUỐI CÙNG TRƯỚC KHI ĐƯỢC TẠM HOÃN CẢI TẠO

    Trại Sóng Thần trước kia là căn cứ của Thủy Quân Lục Chiến đóng trong khu rừng Cấm-Dĩ An, thuộc địa phận Thủ Đức. Đây là một trong những đơn vị trẻ trung, hào hùng của Quân Lực VNCH, nhưng không may, cũng là đơn vị có nhiều bác sĩ Q. Y tử trận ngoài chiến trường kể từ năm 1964 như bác sĩ Trương Bá Hân tại Bình Giả, Bác sĩ Lê Hữu Sanh tại Quảng Ngải, Bác sĩ Trần Ngọc Minh tại Quảng Tín.

    Vào mùa thu năm 1960, có những trận đánh dữ dội đầu tiên trên vùng biên giới cực Bắc tỉnh Kon Tum. Quân đội chính quy Bắc Việt theo đường mòn Trường Sơn Tây tràn qua biên giới VN, với mưu toan đánh chiếm thành phố hẻo lánh Kon Tum nhân ngày lễ Quốc Khánh 26 tháng 10 năm 1960. Nhưng âm mưu bại lộ nên xoay qua tấn công cùng một lúc năm tiền đồn Mang Khiêng, Mang Búc, Toumerong, Dakrotah, Dakha.

    Lúc này tôi đang xử lý thường vụ chức vụ Y sĩ trưởng Sư đoàn 22BB và đang tham gia cuộc hành quân tái chiếm đồn Dakrotah. Một tiểu đoàn TQLC cùng một tiểu đoàn Nhảy Dù-tiểu đoàn 6 của Thiếu tá Đỗ Kế Giai đã lên tăng cường trung đoàn 40 để giải toả áp lực và chận đường tiến quân của địch.

    Chiếc xe nhà binh Motolova của Liên Xô từ Suối Máu chở tôi về tới Sóng Thần lúc trời ngã chiều Tôi lại bị chuyển trại lần nữa nhưng không lẽ K3 chỉ có một mình tôi?. Trại khá rộng, nhưng có vẽ tiêu điều, với những dãy nhà trệt thấp lợp tôn, chen lẫn với những vùng đất bỏ hoang lâu ngày cỏ mọc um tùm hoang dã. Chiếc xe chạy vô thẳng trong sân, đậu nối đuôi sau một đoàn quân xa hiệu Trung Quốc vừa chở tù binh ngoài Bắc về. Lần đầu tiên đến đây, tôi thấy ngỡ ngàng, chưa định ra phương hướng. Chỉ thấy trước mặt trại có con đường rầy xe lửa, không biết chạy về đâu. Trại không có cổng lớn, không có hàng rào kẽm gai, cũng không có lính canh. Không có lệnh tập họp tổ. Không có lệnh làm vệ sinh trại, nhổ cỏ, hốt rác, đào giếng nước như ở các trại Trảng Lớn, Xuân Lộc, Suối Máu.

    Tôi được đưa xuống một căn nhà nhỏ bỏ trống đã lâu, nền đất tối om, nhà không cửa, không đèn đuốc, không chiếu màn. Tôi cảm thấy mệt mỏi sau một thời gian dài di chuyển, thần kinh còn căng thẳng vụ tử hình Thiếu tá Nam ở trại tù Suối Máu, giờ đây lại không biết còn chuyện gì sẽ xảy đến cho mình nữa, tôi cảm thấy chóng mặt vì bụng

    đói cồn cào, ngồi lâu trên chuyến xe nhà binh bít bùng lắc lư, nên không còn tỉnh táo nữa, tôi lấy tấm đắp đem theo trải xuống đất, nằm ngũ thiếp đi cho đến sáng.

    Trời còn sớm, một cán bộ Quân Y Việt Cộng - Y sĩ trưởng của trung đoàn đến khám bệnh cho tôi. Tôi nằm dài dưới đất không cựa quậy, để mặc anh ta muốn khám gì thì khám. Đầu tiên anh ta đặt ống nghe lên giữa xương ức của tôi xong kéo xuống bên hông bụng tôi về bên trái. Với cách đặt ống nghe không tương ứng với phương vị các bộ phận bên trong lồng ngực hay trong xoang bụng, như trong sách vở y khoa thường dạy, tôi không biết anh ta muốn khám tim gan phèo phổi ra sao, tuy nhiên tôi vẫn nằm yên không thắc mắc. Chỉ đến khi nghe anh ta đề nghị chích thuốc thì tôi mới ngồi nhỏm dậy, cám ơn và từ chối. Nhớ đến chuyện chai xá xị chứa đựng một chất nước nâu nâu mà anh bạn tù ở lán 31 đã kể cho tôi nghe lúc còn ở Xuân Lộc, với lời khuyên đừng bao giờ để cho ai chích thuốc gì lạ vào cơ thể mình. Âu đó cũng là kinh nghiệm xương máu của tù nhân . Ai biết được âm mưu của VC thâm độc đến cở nào ?

    Nghe đến Rừng Cấm, tôi cũng ngại ngùng. Mặc dầu không có người canh chừng, nhưng suốt ngày tôi cũng chỉ đi loanh quanh gần trại, nhìn xem phong cảnh. Tình cờ thấy một hộp giấy vuông trống trơn, bên ngoài có đề tên Bác sĩ NQH. Đúng là tên một đồng nghiệp đàn anh trên tôi nhiều lớp đã từng làm chỉ huy trưởng TYV Cộng Hoà vào năm 1967 với cấp bậc Trung tá. Có lẽ món quà của gia đình gởi vô một trại nào đó cho anh và anh mang luôn đến đây. Bìa hộp bằng carton còn nguyên vẹn, ít ra tôi cũng có một người quen đang ở đây.

    Trong trại đặc biệt có một cái quán nhỏ nhưng tôi đâu có tiền để vô ngồi ăn. Lúc mới nhập trại, có lệnh đổi tiền, còn bao nhiêu tôi đã kê khai hết, nhưng đâu có được hoàn trả lại. Khi tôi đến đây, nhiều tháng đã trôi qua, sau vụ cải tổ tiền tệ. Không biết cái quán có từ bao lâu nhưng thấy cô chủ quán vẫn còn lúng túng trong vấn đề thối tiền buôn bán. Cô nhờ tôi giúp làm bảng đối chiếu tiền cũ và tiền mới. Tôi nhận lời, trở về “chòi riêng” ngồi dưới đất tính toán, trình bày sạch sẽ trên hai trang giấy học trò, dán trên bìa cứng tôi lượm được ngoài sân, phụ với cô treo trên vách cho khách hàng xem. Cô thấy vừa ý, khen tôi viết chữ đẹp, trình bày hay, và lịch sự đền ơn tôi bằng một dĩa trứng gà ốp la với bánh mì nóng.

    Trên bàn ăn gần đó, khách hàng hội nhau ngồi kể chuyện, từ những trận chiến ác liệt ở Hạ Lào, những gian truân trên dãy Trường Sơn bạt ngàn đèo núi, vách đá cheo leo, với khe sâu thăm thẳm, những cảnh sống kham khổ của tù binh bị đưa ra Bắc chân lết đi từng bước nặng nề, có những tù binh Hoa Kỳ, không quen với thời tiết của miền nhiệt đới, dễ bị đau yếu kiệt sức, không còn gượng nổi, bị giam giữ lại dọc đường trong những hầm được thiết lập trong rừng sâu. Họ được đánh giá thành những đơn vị để trao đổi máy cày hay xe ủi đất.

    Khách còn kể lại có những bác sĩ miền Nam, không chịu nổi thời tiết nghiệt ngã ngoài biên giới Việt Hoa, và những cách đối xử gắt gao, khắc khổ trong các trại tù, nên đã gục ngã hoặc đã quyên sinh. Xéo xéo nơi tôi ở, có một anh sĩ quan trợ y trẻ tuổi, về đây đã được mấy hôm. Tôi không quen biết anh trước, nhưng dường như anh đang mắc phải một chứng bệnh tâm thần.

    Buổi trưa hè, trời nắng nóng chang chang mà anh cứ tưởng như là đêm trăng mờ Đà Lạt. Anh mặc quần đùi, mình trần, ra đứng giữa đường mòn, đi tới đi lui nghêu ngao ca hát. Thỉnh thoảng lại ngửa mắt nhìn trời bị mây che, ngâm nga Hàn Mặc Tử: “Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt, như đón từ xa một ý thơ”, và có vẽ như đắc ý với lời thơ, anh cứ thế một mình lập đi lập lại.

    Ngành Trợ y là thành phần Quân y bị tổn thất nhiều nhất, vì thường xông pha ngoài trận mạc, theo những đơn vị hành quân nhỏ. Rất có thể anh bị kích xúc mạnh sau những trận chiến ác liệt, có nhiều thương vong và bạn bè thất tán!.

    Qua ngày sau, cũng chính anh Bác sĩ đã khám cho tôi hôm đầu trở lại, nhưng lần này anh hoàn toàn thay đổi cách xưng hô làm tôi ngạc nhiên

    “Bây giờ em biết anh là ai rồi (?)”.

    Vừa nói anh vừa rút trong lưng ra một trang giấy học trò màu nâu đánh máy bài Diệt trừ Sốt rét, đồng thời xòe hai bàn tay chai cứng cho tôi sờ. “Mỗi ngày em phải gánh phân để tưới 500 gốc mì! Thấy anh cán bộ thật tình, nghĩ mình sắp được về, tôi nói với anh sau này có cần dụng cụ Y Khoa gì cứ đến tìm tôi trong nhà thương Nguyễn văn Học và tôi hứa sẽ giúp anh con dao mổ, vài cây kéo, vài cây kềm mà anh hằng ao ước. Những vật dụng mới toanh này, trước kia được bày bán đầy rẫy ngoài chợ trời, trên các lề đường Chợ Cũ. Thấy đẹp và rẻ, thỉnh thoảng tôi mua về để dành. Về nhà, tôi giữ lời hứa, soạn sẵn một vài dụng cụ tốt để dành tặng anh nhưng không thấy anh đến lấy. Có thể vì tên nhà thương đã đổi nên anh không tìm ra nhà tôi được.

    Tôi ở trại Sóng Thần hơn một tuần lễ. Có vài người khi về đây nói sắp được thả ra nhưng đêm đến lại bị chuyển đi nơi khác, làm những người còn lại trong trại lo ngại, hoang mang. Buổi ăn nào thấy kha khá, có chút thịt chút cá, là biết có phái đoàn quan trọng nào đó đến thăm trại. Mỗi ngày tôi cũng được ba tờ giấy khổ lớn, dài, để làm bản tự kiểm. Nhưng có điều lạ, không giống như ở các trại tù khác, là khi tôi viết theo đúng

    bài bản “Đế quốc Mỹ xâm lược, tội ác đầy trời” v. v… thì cán bộ nhỏ nhẹ khuyên tôi không nên chỉ trích Mỹ nữa … “Khi ra khỏi trại về nhà anh sẽ thấy đời sống có khác đi!”. Tôi không nghĩ là mình nên hy vọng vào một điều gì thay đổi trong chế độ CS.

    Dưới nhà bếp, có nhân viên dân sự làm việc. Tôi lén nhờ người trao tin về cho gia đình tôi. Vợ tôi mừng rỡ dẫn hai đứa con Duy Huân và Xuân Uyên lên thăm tôi, nhưng không được bảo lãnh tôi ra. Chính Bác sĩ V. C Giám đốc bệnh viện Nhân dân đi xe nhà thương Ford Falcon lên đón tôi, cũng bị ông Thủ trưởng Đoàn 875 cương quyết từ chối

    Tác phẩm của bác sĩ Nguyễn Duy Cung

    “Anh này được tạm hoãn học tập cải tạo vì nhu cầu nhà thương cần bác sĩ giải phẩu về lồng ngực. Anh mà mất đi, thì tôi không có người để thay thế”.

    Tôi buộc ở lại thêm ít hôm đợi xin được giấy giới thiệu của Bà Thứ trưởng Bộ Y tế Dương Quỳnh Hoa, tôi mới rời khỏi trại Sóng Thần.

    Xe nhà thương đưa tôi về đến Trung Tâm Thực Tập Y Khoa Gia Định (bây giờ đã đổi tên là bệnh viện Nhân Dân) vào buổi trưa ngày 20 tháng 4 năm 1976, gần một năm sau ngày miền Nam sụp đổ. Còn trong giờ làm việc, nhưng một số nhân viên đã tự động ra đứng hai hàng ngoài sân bệnh viện để đón tôi. Nhìn thấy tôi tiều tụy trong bộ đồ bà ba đen, chống nạng, chân đi khập khiễng, có người đã ứa nước mắt.

    Tình cảm bất ngờ của nhân viên làm cho tôi thật sự xúc động. Bây giờ tôi không còn quyền hành gì nữa. Tôi không còn là Giám đốc của họ mà chỉ là một “người tù cải tạo” thất thế, mới được thả về. 

    Xin cám ơn những giọt nước mắt thương cảm của anh em, chúng ta đã mất tất cả rồi, chỉ còn lại tấm lòng nhân nghĩa với nhau thôi.

    ĐI TÙ VỀ NHỮNG TỦI NHỤC TINH THẦN VÀ VẬT CHẤT

    Chế độ Cộng Sản thật vô cùng thâm độc. Ngoài chủ trương tận diệt “Trí, Phú, Địa, Hào”, đào tận gốc, móc tận ngọn đối với Sĩ quan trong Quân lực VNCH phải tìm cách phân tán tối đa gia đình. Bắt chồng đi tù vô hạn định, đuổi vợ con về vùng kinh tế mới để dễ bề lung lạc tình cảm, tinh thần, cướp đoạt tài sản, con cái phải chịu cảnh ngu dốt, không được lên Đại học vì cái chủ nghĩa lý lịch phân biệt.

    Khi đi tù về, tôi mới biết gia đình gặp nhiều khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần hơn cả sự suy nghĩ của tôi. Tuy nhiên tôi vẫn thấy mình còn may mắn vì gia đình tuy túng thiếu nhưng vẫn nguyên vẹn, so với nhiều gia đình khác bị Cộng sản làm cho đổ vỡ tan hoang.

    Trước đây vì cống hiến tất cả ngày giờ cho nhà thương và cho bệnh nhân, không mở phòng mạch riêng, tôi chỉ sống với đồng lương công chức thanh bạch. Cuối tháng lãnh được bao nhiêu tiền, tôi đem về đưa cho vợ để nuôi hai con còn nhỏ. Lương công chức không là bao. Phải biết tiết kiệm, gói ghém trong việc tiêu pha. Thỉnh thoảng có những phái đoàn từ thiện đến xin bệnh viện giúp đỡ trẻ mồ côi. Thông thường tôi tìm cách tránh né, vô phòng mổ làm việc để khỏi phải tiếp xúc phái đoàn với tư cách Tổng Quản Đốc. Tôi không muốn chi tiêu số tiền hạn hẹp của nhà thương do ban Hành chánh giữ để giúp cho những bệnh nhân nghèo khi xuất viện làm lộ phí trở về nguyên quán ở nơi xa. Khi nào không tránh được, tôi đã phải thành thật móc bóp cho họ xem. Tôi chỉ có bấy nhiêu tiền vừa lãnh. Đôi khi tôi chỉ có thể giúp đỡ một phần nhỏ tượng trưng trong số lương cố định của tôi, vì tôi còn phải để dành tiền mua sữa cho con tôi. Cũng may nhờ có vợ tôi dạy thêm đàn Dương Cầm nên cuộc sống gia đình cũng chưa đến độ thiếu trước hụt sau.

    Nhưng kể từ ngày tôi rời gia đình để đi qua các trại tù, lương hàng tháng của tôi đã mất. Học trò của vợ tôi cũng thưa dần vì khó đến nhà được. Nhà công chức cho chúng tôi ở nằm trong khuôn viên nhà thương, cổng ra vào bây giờ có lính gác nghiêm ngặt. Có thể gia đình học trò cũng gặp khó khăn về tài chánh. Nhân viên trong Trung tâm thương cảnh gia đình vợ con tôi gặp khó khăn, nheo nhóc nhưng không giúp gì được, vì họ cũng nghèo, chỉ biết an ủi nâng đỡ tinh thần, chỉ dẫn cách thức cho vợ tôi vô Chợ Lớn mua hàng tạp hóa, sữa hộp, v. v… về trải ngoài đường trước cửa nhà bán kiếm tiền lẻ qua ngày.

    Có bệnh nhân lén lút mang được một ít thịt heo từ lục tỉnh lên cho các con tôi, nhưng phải giấu cất kỹ lưỡng, lo lót tiền khi qua trạm kiểm soát Tân Hương-Mỹ Tho vì VC có chánh sách “ngăn sông cấm chợ” nên vấn đề vận chuyển thực phẩm lên thành phố quả là gian nan, vất vả.

    Một hôm có người đi xích lô đạp đến nhà cho gia đình tôi 10kilo gạo. Đến cổng nhà thương bị Công an chận xét, hạch hỏi. Anh ta cởi phanh áo ngoài, chỉ vết sẹo dài từ sau lưng ra trước ngực và phân trần:

    “Trước đây, tôi bị lao phổi nặng. May nhờ được Bác sĩ Cung mổ cứu sống, lành bệnh, đi làm việc trở lại được để nuôi vợ nuôi con. Bây giờ nghe nói ông đi tù về, gặp cảnh sống khó khăn, tôi đem biếu ông ít gạo gọi là đền ơn ông”.

     

    Có một chiếc xe đạp đàn ông cũ của ai mang đến bỏ trước nhà nói tặng tôi để di chuyển. ( Sau này sang Hoa Kỳ, tình cờ tôi được biết xe đó là của GS Nguyễn văn Trường, nguyên Tổng Trưởng Bộ Giáo Dục. ) Tôi về nhà thương làm việc lại trong phòng mổ đã chín tháng nhưng không được trả lương. Chỉ được cấp một giấy chứng nhận của BS Lê văn Tốt trong ban lãnh đạo của bệnh viện, với hàng chữ viết tay nắn nót “Anh Bác sĩ Nguyễn Duy Cung là Bác sĩ Khoa Ngoại, đã cộng tác tự nguyện không lương 9 tháng nay, coi như được thử thách qua thời gian”!.

    Chân đau tôi phải chống nạng làm bằng nhánh ổi do bạn tù đốn cho tôi khi tôi còn ở Trảng Lớn. Tôi đi đứng khó khăn. Suốt ngày phải đứng mổ trên một chân trái như chim Flamengo bên xứ Kenya-Phi Châu. Còn chân đau thì co lại, gác lên trên cái ghế tròn nhỏ do anh Huỳnh văn Tỵ, Y tá trưởng phòng kê dùm phía sau. Ban ngày làm việc trong phòng mổ, chiều đến tôi trở thành bệnh nhân khu Nội Thương và Vật lý trị liệu. Tôi bị chứng Cao huyết áp và chân yếu do vấn đề suy dinh dưỡng trong các trại tù chỉ có cơm gạo mọt với muối và mắm ruốc loại xấu nhất được vứt bỏ ngoài bờ biển Vũng Tàu.

    Sau mỗi lần mổ, tôi không được ngồi nghỉ ngơi một mình trong phòng riêng dành cho Bác sĩ Trưởng khoa như xưa, mà phải ngồi ngoài phòng họp có người qua lại, để dễ bề kiểm soát, trông chừng.

    Thỉnh thoảng, sau khi mổ tôi nhận được một mẩu giấy nhỏ, ra lệnh đi trình diện ở những nơi thật là hắc ám, kín cổng cao tường, phòng ốc tối om, cán bộ Công an mặc quân phục cầu vai xanh, mang kính đen. Mỗi cuối tuần tôi phải đi trình diện ban An ninh khóm 6, phường 3, quận Bình Thạnh, Gia Định.

    Có lần tôi được giấy báo đến trại Bạch Đằng, nhìn ra tượng Đức Trần Hưng Đạo đứng chỉ tay xuống sông mà dân chúng thường rỉ tai “Đức Thánh khuyên: Muốn sống hãy xuống nước mà đi”. Nơi này cổng sắt thật cao và nặng, lâu ngày rỉ sét, khi mở ra kêu thành tiếng to ken két. Tôi được đưa vô ngồi bên trong căn phòng tối om chờ đến 4 tiếng đồng hồ mới thấy một viên Thiếu tá đến. Ông ta chỉ hỏi vài câu chuyện bâng quơ rồi thả cho về.

    Một buổi trưa khác, tôi lại được giấy đến trình diện Quận 3. Tôi cũng được đưa vô một phòng tối, gặp cán bộ đến chất vấn :

    -“Ngày trước, anh được đề nghị đặc cách lên Trung tá, được bổ nhiệm làm Giảng sư trường Đại học Y Khoa, Tổng Quản Đốc Trung Tâm Thực Tập Y Khoa Gia Định, bệnh viện Nguyễn Văn Học, một cơ sở Y Tế lớn vào hàng nhất nhì trong Đô thành. Vậy nhà cửa, tiền bạc của anh như thế nào?”

    Không cần suy nghĩ, tôi trả lời ngay:

    - “Cấp bậc thật thụ sau cùng của tôi là Y sĩ Thiếu tá, nhà tôi đang ở trong bệnh viện là do Chánh phủ cấp. Về tiền bạc, tôi lãnh lương công chức, mỗi tháng phòng phát lương đưa bao nhiêu đựng trong bao thơ tôi đem về cho vợ tôi chi dụng. Chỉ nghe than là thiếu hụt. Có một điều tôi biết rõ nhất là từ ngày đi cải tạo về làm việc cho đến nay đã 9 tháng rồi mà nhà nước Cách mạng không trả cho tôi một đồng xu nào! Nhà thương trước đây, có cho gia đình tôi mượn 20 lít xăng để lo đám tang cho Ba tôi, khi tôi còn ở trong trại tù Xuân Lộc, tôi đã trả được 15 lít, chỉ còn thiếu 5 lít. Ông Chính ủy Ba Thiên của nhà thương có gặp tôi trong phòng mổ và có nói “Thôi coi như huề đi, trả bao nhiêu cũng đủ rồi”. Nhưng tôi đã cám ơn ông. Vì đó là xăng của nhà thương để chuyên chở bệnh nhân. Tôi có bổn phận thay mặt gia đình để trả cho dứt, tôi muốn trả lại bằng thứ xăng tốt, chứ không dám mua bừa bãi xăng bán ngoài lề đường trước nhà thương, thường pha thêm nước lạnh. ”.

    Tôi phẫn uất nhìn thẳng vào mặt tên cán bộ nói một hơi dài mà không cần xem thái độ nó ra sao, thú thiệt là tôi quá mệt mỏi trong từng ngày sống chung đụng với mấy tay CS ở đây, giữa bầu không khí nặng nề ngột ngạt. Trình diện xong tôi trở về nhà thương, tình cờ gặp Bác sĩ Giám đốc Trần Cửu Kiến nguyên là bạn của Bí thư Lê Duẫn. sau khi biết nội dung cuộc phỏng vấn của Q3, ông liền điện thoại lên Thành ủy và cho tôi được nghe cuộc đối thoại giữa cấp Thành và Quận 3:

    “Đồng chí đã tìm sai đối tượng, anh Bác sĩ này đi làm việc buổi sáng, đưa tiền trả xe lam, người ta thối lại bao nhiêu cũng không để ý đếm xem đúng hay sai, đủ hay thiếu. . ông ta không phải là thành phần tham nhũng bóc lột đâu. ”

    Một buổi sáng khác tôi nhờ anh bạn Hoàng văn Lộc chở dùm đi trình diện bằng Honda. Địa điểm là một biệt thự rộng lớn khít bên dinh Phó Tổng Thống cũ trên đường Công Lý. Đến đúng nơi ghi trong giấy, nhưng anh bạn tôi cố tình chạy luôn. Tới ngang dãy tiệm ăn đối diện Viện Pasteur, anh ngừng xe, kéo vô tiệm, mời tôi một tô phở lớn. “Ít lắm anh cũng có chút gì trong bụng”, đợi tôi ăn xong, anh bảo tôi trao hết giấy tờ tùy thân, để anh mang về nhà dùm. Thấy lính gác cổng nơi tôi đến trình diện, đặc biệt toàn là Công an mặc đồng phục nhà binh với cầu vai xanh, anh ngại tôi sẽ bị giữ đi học tập lại.

    Hai người Công an vũ trang dẫn tôi qua một cái sân rộng, đến thềm nhà lớn bên trong, trình cho một sĩ quan cấp tá mang kính đen đứng chờ sẵn, để đưa tiếp tôi vô phòng họp. Chung quanh một cái bàn vuông thấp, đã có tám người đàn ông mặc thường phục đang ngồi, im lặng.

    Ánh sáng lờ mờ, không nhìn thấy rõ mặt nhưng cũng có thể đoán là thành phần sĩ quan VNCH đi học tập cải tạo được thả về. Chủ tọa là một phụ nữ, bà luật sư Ngô Bá Thành. Tôi chỉ nghe tên chứ chưa bao giờ được biết bà trước. Có lẽ bà bị suyển, vì hơi thở của bà có vẻ mệt, nghe rõ tiếng khò khè nho nhỏ. Trước mặt bà có một lọ thuốc viên trăng trắng. Đến trễ, tôi chỉ nghe bà hỏi:

    “Các anh biết tại sao các anh được về sớm hay không?”.

    Rồi tiếng bà tự trả lời:

    “Vì các anh đã học tập tốt, lao động tốt”.

    Được hỏi ý kiến, tôi thành thật cho biết tôi chuyển trại học tập bốn lần từ Trảng Lớn qua Xuân Lộc, đến Suối Máu về Sóng Thần. Lúc đầu khỏe mạnh, tôi còn khuân vác bao gạo nặng 5-60 kg được, nhưng lần lần yếu sức đi vì suy dinh dưỡng, chân đau đi đứng chậm chạp…

    Còn lý do mà tôi không nói ra là tại sao tôi được tha về thì không chắc là tôi đã “giác ngộ cách mạng” hay lao động cải tạo tốt. . Có lẽ họ cần tay nghề của tôi, lúc nào còn xài được thì cứ xài!

    Và họ đã “xài” tôi khi có việc cần cứu cho tên cán bộ trẻ mới 39 tuổi, là một tay đặc công chuyên môn gài mìn chung quanh các địa đạo ở Củ Chi .. Nhập viện ngày 11/9/76,với triệu chứng đau ngực, sốt và ho ra máu ; cao 1m 70, nặng 60 kilô, bệnh nhân còn đi đứng bình thường, nên sau cuộc Hội chẩn do BS Lê văn Tốt Giám đốc mới của Trung Tâm triệu tập, thấy bề ngoài sức khỏe người bệnh trông còn tốt, ban lãnh đạo chưa dứt khoát trong việc nghe theo lời khuyên của giới chuyên môn dùng đến khoa Giải phẩu mà lại chủ trương... chờ đợi, đến khi bệnh nhân bị xuất huyết quá nhiều, tình trạng suy kiệt, như sợi chỉ mành treo chuông, mới cho tôi vô điều trị...

    Lương tâm nghề nghiệp đã khiến tôi quên đi cảnh tù tội uất ức của mình do CS gây ra, tôi đã tận tình để trọn buổi sáng chủ nhật đứng mổ cho ông ta...và sau đó mỗi ngày đưa ông xuống phòng mổ để chăm sóc vết thương dài trên ngực. Gạch của phòng mổ trở nên đen xì do thuốc sát trùng Formaldehyde nhiễu xuống Nhờ chăm sóc đúng phương pháp, dùng đúng thuốc, thêm ăn uống bồi dưỡng,vết thương từ từ lành hẳn, bệnh nhân được xuất viện sau đó vài tháng. ( Ngày về, khi đứng trước cổng Trung Tâm, ông xui xẻo bị một chiếc xe La Dalat thình lình trờ tới ủỉ, vì khỏe nên ông phản ứng

    nhanh bằng cách chống một tay nhảy lên ngồi gọn trên đầu xe thoát chết. . ) Thành ủy và đảng bộ trong nhà thương đến cám ơn tôi và đề nghị giúp đở tôi mua “ lò ga” để tiện dụng trong sinh hoạt gia đình. Nhưng tôi đã cám ơn và từ chối ơn huệ này .. Tôi chỉ muốn cho CS biết rằng : “ Đó là lương tâm và trách nhiệm của các bác sĩ trong miền Nam từ trước đến nay. Chúng tôi chỉ dựa vào một phương châm để làm việc : “ Nhìn vết thương người bệnh để chăm sóc chớ không nhìn cái áo khoác mặc bên ngoài”.....

    Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, cũng như những người bạn khác, tôi đã phải trải qua nhiều đớn đau và tủi nhục khi miền Nam sụp đổ. Cuộc đời tôi giống như một trái dưa bầm vập trong một đám rẫy bị côn trùng tàn phá, chỉ còn chút sinh lực để cống hiến cho cái xã hội mà tôi không hề được quyền lựa chọn.

    Đến ngày 02 tháng tư năm 1977, tôi được “phục hồi quyền Công dân” đã mất đi từ ngày 30 tháng 4 năm 1975, sau khi miền Nam thất thủ.

    CS có những từ ngữ kỳ quặc khiến dân miền Nam cứ nhạo báng với nhau là sau ngày giải phóng mình bị mất nhiều thứ quá, trong đó “Mất quyền Công Dân” là điều nguy hiểm nhất và có ai lượm được cái quyền này xin cho lại…

    Nhân viên trong phòng mổ cũng bơ phờ, vì vừa làm việc chuyên môn lại vừa đi lao động, thay phiên cuốc đất trồng khoai, trồng mì ở Long Thành. Thu hoạch không được bao nhiêu mà tiền mướn xe chuyên chở về Sài Gòn quá đắc, nên sản phẩm đành bỏ lại tại chỗ. Đây cũng là một chánh sách “cưởng bức lao động” đối với người thành thị, không đi thì bị kiểm điểm mà đi thì “ cây cuốc cong thì mình mong nó gãy, cây cuốc gãy thì mình khỏi lao động”…

    Gần cuối năm 1978, tôi được lệnh chuẩn bị để tham gia chiến trường Campuchia, nhưng tôi khỏi phải đi vì có sự tranh chấp quyền lực giữa những đảng viên trong bệnh viện. Theo lệnh của ông Chính ủy Ba Thiên, Bác sĩ Tư Lân là đảng viên tập kết, nên phải đi trước để làm gương cho dân. Nhưng rồi tôi lại được một cái lệnh khác, thu xếp để đi ra ngoài Bắc. Việc làm của CS luôn luôn bí mật. Không biết được lý do. Gởi tôi đi tham quan miền Bắc hay đưa tôi ra giam giữ trở lại trong một miền biên cương Cao Bắc Lạng nào đó, chung với sĩ quan cùng trại tù Suối Máu đã được đưa đi trước đây.

    Tôi có hai người anh cô cậu cấp Đại tá QLVNCH đã bị đưa ra Bắc tháng 6 năm 1975 và đã chết trong một trại giam nào đó ngoài biên giới Việt Hoa.

     

    Lúc còn đang hoang mang lo ngại bị vào tù trở lại thì một chuyện may mắn bất ngờ khác lại xảy đến cho tôi. Có một cán bộ Y tế cao cấp, một bác sĩ tốt nghiệp Liên Xô về, nằm chữa bệnh trong nhà thương Chợ Rẫy. Ông có một cái bướu nhỏ bất thường nằm giữa thùy phổi phải. Tôi được một giới chức Sở Y tế chở vô bệnh viện Chợ Rẫy để hội chẩn. Trong buổi họp, người có tuổi đảng cao nhất là Bác sĩ Giám đốc viện Ung bướu tên Nguyễn văn Trương. Ông cũng là một bác sĩ được huấn luyện theo chương trình Y Khoa Pháp trước đây. Với tiếng nói chung quyết của một người có tuổi đảng cao nhất, ông đồng ý với những lập luận khoa học của tôi về phương pháp chẩn đoán cũng như về cách thức điều trị.

    Bệnh nhân được chuyển sang Bệnh viện Hồng Bàng để đặt ống thông khí quản, lấy chất trong cuống phổi làm sinh thiết, và làm tổng kết chức năng hô hấp, v. v… trước khi quyết định giải phẫu. Người bệnh cũng viết cho tôi một bức thư nhỏ bằng bàn tay, lời lẽ rất cảm động, nhờ người nhà của bác sĩ Nguyễn Anh Tài trao lại cho tôi vào một buổi tối:

    “Tôi không biết anh nhưng có nghe nói anh có chuyên môn về Giải phẫu phổi. Tôi yêu cầu anh vô Bệnh viện Chợ Rẫy để mổ và cứu vớt đời tôi, vì tôi là một Phó tiến sĩ nhưng tôi không thể giao sinh mạng của tôi cho những người sắp mổ cho tôi cũng là Phó tiến sĩ”.

    Mặc dù vậy, đến ngày mổ tôi cũng không được phép đến nhà thương Chợ Rẫy đã trực thuộc ngoài Bắc. Trong hồ sơ bệnh lý của bệnh nhân, ông Bác sĩ Giám đốc Chợ Rẫy Nguyễn văn Ánh có ghi rõ:

    Không để cho Bác sĩ Nguyễn Duy Cung vô mổ. Làm như vậy là làm “giảm uy tín của Cách mạng”.

    Không dè người bệnh có thân thế mạnh, nên đã từ chối không để cho cán bộ trong bệnh viện Chợ Rẫy mổ, mà được chuyển ra Hà Nội bằng máy bay theo lệnh của Bác sĩ Cẩn-Tổng trưởng Y Tế ngoài Bắc. Một chuyện lạ lùng kèm theo. Việc chuyển tôi ra ngoài Bắc cũng được đình hoãn lại, vì theo lời người anh ruột của bệnh nhân đã đến Bệnh viện Nguyễn văn Học cho tôi biết:

    “đã chuyển bệnh nhân ra Bắc mà còn chở tôi cùng đi chung, sẽ vô tình tạo ra một hiểu lầm rất lớn: dân chúng trong Nam cho rằng ngoài Bắc mời tôi ra Hà Nội để mổ. Như vậy là giảm uy tín của Đảng và Nhà nước”.

     

    Đó là điều Cách mạng muốn tránh. Cũng nhờ trong nội bộ VC có sự tranh chấp như vậy mà tôi thoát được nhiều chuyện rắc rối xảy ra .

    Hai năm sau, vào khoảng tháng tám năm 1978, tình cờ có một Cán bộ MTGPMN tạt ngang nhà thương thăm tôi khi ông đang trên đường ra mặt trận Campuchia. Ông ta có vẽ chân tình khi bộc lộ:

    “Trước kia anh có giải phẫu để cứu mạng cho một người thân trong gia đình của chúng tôi. Nên hôm nay chúng tôi muốn đến đây để trả ơn lại cho anh. Chúng tôi có theo dõi hoạt động của anh từ ngày anh đi học tập cải tạo về. Chúng tôi cũng nghe dư luận nói về cảnh nhân viên trong nhà thương ra sân đón anh. Anh đang ở trong thế Nhân dân, nên bây giờ người ta chưa làm gì được anh.. Nhưng anh nên thận trọng vì một ngày nào đó, với nhiều phương cách, người ta sẽ cố gắng tìm dùm cho anh một cái lỗi nhỏ để hại anh …

    Chúng tôi cũng biết chuyện anh không được vô nhà thương Chợ Rẫy để mổ cho một Cán bộ Y tế cao cấp có một cái bướu trong phổi. Anh đừng lấy chuyện không mổ theo lời yêu cầu của bệnh nhân mà cảm thấy ái ngại, không yên. Trong hoàn cảnh này không ai trách anh cả. Còn việc người ta không cho anh mổ, đó là một điều may mắn vô cùng cho anh, vì dù anh có đứng mổ, dù anh chỉ đứng phụ mổ, hay dù anh chỉ đứng cho có mặt trong khi mổ, nếu có điều chi sơ suất xảy ra không tốt cho bệnh nhân, anh đều chết. Nếu có phương tiện an toàn để ra nước ngoài, thì anh nên đi, nhưng phải tuyệt đối cẩn thận vì người ta sẽ gài bẫy để bắt lại anh”.

    Nguyễn Duy Cung

     http://saigonnho.info/2020/11/11/hoi-ky-bac-si-nguyen-duy-cung/


    Không có nhận xét nào