Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Thứ ba 1 tháng 12 năm 2020

    Tin về Covid-19

    Theo một nghiên cứu của Đại học Imperial và Ipsos MORI, số ca nhiễm Covid-19 đã giảm 30% trong giai đoạn phong tỏa tháng rồi ở Anh. Từ ngày 13 đến ngày 24 tháng 11, có 96 ca nhiễm trên 10.000 dân, so với 130 ca hai tuần trước phong tỏa. Nghiên cứu ước tính hệ số lây nhiễm là 0,88, đồng nghĩa tổng ca nhiễm đang giảm dần.

    Hãng công nghệ sinh học Moderna đã xin phép khẩn cấp ở Mỹ và Châu Âu để phân phối vắc-xin covid-19 của mình. Là một trong những ứng viên đầu tiên đạt hiệu quả cao trong các thử nghiệm lâm sàng, vắc-xin của Moderna không cần phải được giữ ở nhiệt độ cực lạnh như Pfizer. Song nó bị coi là tương đối đắt và khó sản xuất với số lượng lớn.

    Triển vọng kinh tế thế giới vẫn ảm đạm


    Các dự báo kinh tế hôm nay từ OECD, một tổ chức nghiên cứu liên chính phủ, có cả tin tốt và tin xấu. Tin tốt là thành công trong thử nghiệm nhiều loại vắc-xin covid-19 đã mang lại hy vọng nền kinh tế thế giới có thể phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch trong năm 2021. Tin xấu là giờ đây bắc bán cầu phải vượt qua làn sóng virus mùa đông, điều có thể tạo ra lần suy thoái kinh tế thứ hai ở Mỹ và khu vực đồng euro.

    Các chính phủ đã đặt ra các hạn chế mới trong khi người tiêu dùng âu lo. OECD có thể đưa ra lời khuyên về cách thu hẹp khoảng cách bằng nhiều kích thích hơn nữa. Tuy nhiên ở Mỹ, khó có thể có hỗ trợ kinh tế nhiều hơn trước khi Tổng thống đắc cử Joe Biden nhậm chức vào cuối tháng 1. Ngay cả ngành chế tạo ở châu Á, vốn đã phục hồi mạnh kể từ khi đại dịch bùng phát, giờ cũng bắt đầu có dấu hiệu suy yếu.

    Salesforce có thể mua Slack

    Kết quả kinh doanh quý ba của Salesforce công bố hôm nay có thể đi kèm thông báo một thương vụ lớn. Người khổng lồ phần mềm kinh doanh được cho là đang đàm phán mua Slack, một nhà sản xuất phần mềm nhắn tin tức thời chuyên nghiệp, với giá hơn 17 tỷ đô la. Sức hấp dẫn của thỏa thuận là rõ ràng. Slack, được các lập trình viên và công ty khởi nghiệp ưa chuộng, đã không đầu tư đủ vào gọi video và bỏ lỡ dịp bùng nổ họp trực tuyến vì đại dịch. Giờ đây, Slack cần nhiều cơ bắp hơn để cạnh tranh với Zoom và Microsoft Teams.

    Nhà sáng lập Salesforce Marc Benioff có thể mang lại điều họ cần. Việc mua Slack sẽ tiếp tục mở rộng công ty của ông vượt xa ra khỏi sản phẩm cốt lõi là phần mềm quản lý quan hệ khách hàng. Salesforce cung cấp cho khách hàng mọi thứ, từ phân tích kinh doanh, các công cụ trí tuệ nhân tạo, cho đến AppExchange, một phiên bản dành cho phần mềm kinh doanh thành công tương tự như App Store đối với Apple. Sự kết hợp này thậm chí có thể khiến Microsoft lo lắng. Cả hai công ty đều gây khó khăn cho gã khổng lồ công nghệ; Slack đã nộp đơn khiếu nại độc quyền nhắm vào Teams. Nếu thành công, thỏa thuận sẽ giúp đưa Salesforce, một hãng quy mô trung bình, vào hàng ngũ các công ty lớn nhất trong ngành công nghệ.

    Úc gỡ phong tỏa biên giới bang


    Ba bang đông dân nhất nước Úc đã mở cửa trở lại. Queensland, New South Wales và Victoria, tạo nên bờ biển phía đông của Úc, vốn áp đặt các biện pháp kiểm soát biên giới với nhau sau khi Melbourne, thành phố lớn nhất Victoria, trải qua đợt gia tăng ca nhiễm covid-19 đột biến trong mùa hè. Sau nhiều tuần ít ca nhiễm, ba bang đã bắt đầu nới lỏng các hạn chế đối với nhau từ tháng trước. Hôm nay Queensland sẽ gỡ bỏ các biện pháp kiểm soát cuối cùng khi mở lại biên giới cho người đến từ Victoria và khu vực Đại Sydney, ở bang New South Wales.

    Các hạn chế biên giới nội bộ của Úc gây nhiều tranh cãi, nhưng đã giúp giữ các đợt bùng dịch covid-19 ở phạm vi địa phương. Theo số liệu của chính phủ, đang có ít hơn 70 ca đang được điều trị trên toàn quốc, hầu hết là nhiễm từ nước ngoài. Tất cả những điều này đã giúp tỉ lệ ủng hộ của Thủ tướng Scott Morrison lên cao hơn bao giờ hết: 2/3 người Úc tán thành ông, từ mức dưới 40% vào tháng 2 năm ngoái.

    Nestlé USA và Cargill bị kiện lạm dụng lao động trẻ em

    Sáu người từng là nô lệ trẻ em từ Mali sẽ yêu cầu Tòa án tối cao Mỹ cho phép họ kiện hai gã khổng lồ kinh doanh nông sản vì những hành vi lạm dụng mà họ phải chịu tại các trang trại ca cao ở Bờ Biển Ngà hai thập niên trước. Các nguyên đơn, thời điểm đó từ 12 đến 14 tuổi, nói Nestlé USA và Cargill đã hỗ trợ và tiếp tay cho tình trạng suy dinh dưỡng và bị tra tấn của họ. Các nguyên đơn khẳng định các công ty biết các đồn điền sử dụng “lao động nô lệ trẻ em”, nhưng vẫn tiếp tục tìm nguồn ca cao “giá rẻ” từ họ.

    Các công ty nói họ không làm gì sai. Vào năm 2018, Tòa án Tối cao đã ra phán quyết 5-4 rằng các công ty nước ngoài không thể chịu trách nhiệm pháp lý theo Đạo luật Làm hại Người nước ngoài, một đạo luật năm 1789 cho phép những người không phải công dân Mỹ tìm kiếm bồi thường tại các tòa án Hoa Kỳ về các vi phạm luật quốc tế ở nước ngoài. Nestlé và Cargill cho rằng các công ty Mỹ cũng không phải chịu trách nhiệm. Đa số bảo thủ được củng cố gần đây của Tòa án Tối cao được cho là sẽ đồng ý với họ. Trong khi đó ở Ghana và Bờ Biển Ngà, ước tính có khoảng 1,6 triệu trẻ em đang thu hoạch ca cao trong tình trạng bị lạm dụng.

    Vì an ninh, Nhật sẽ loại 1000 máy bay không người lái Trung Quốc

    Tokyo có kế hoạch thay thế dần khoảng 1000 máy bay không người lái nhập từ Trung Quốc bằng các mẫu mới do Nhật sản xuất nhằm ngăn chặn nguy cơ bị đánh cắp thông tin tình báo và quyền điều khiển máy bay thông qua các cuộc tấn công mạng, theo Sound of Hope.

    Bộ trưởng Nội các Nhật tuyên bố rằng, ngay cả khi máy bay không người lái made in China hiện tại được sử dụng cho các mục đích không phải “công việc quan trọng”, nếu thông tin bị bên thứ ba đánh cắp, chúng có thể được sử dụng trong các cuộc tấn công khủng bố hoặc tội phạm. Vì vậy, cận phải thay thế những máy bay này.

    Ngày 30/11, Reuters đưa tin, có 6 nguồn tin trong chính phủ Nhật và đảng cầm quyền nói rằng, để bảo vệ thông tin nhạy cảm, Tokyo có sẽ đóng cửa không cho chính quyền Trung Quốc cung cấp máy bay không người lái, như một cách để tăng cường sức mạnh an ninh cho Nhật Bản.

    Một quan chức cấp cao Nhật nói rằng, Trung Quốc là một thị trường lớn và tất nhiên nó rất quan trọng đối với Nhật. Tuy nhiên, Nhật cũng lo ngại rằng công nghệ và thông tin tiên tiến của họ có thể rơi vào tay Bắc Kinh và lực lượng này sẽ chuyển cho quân đội của nó sử dụng.

    Do đó, Chính phủ Nhật có kế hoạch, bắt đầu từ tháng 4/2021 sẽ đưa ra chính sách thắt chặt và đánh giá lại kỹ lưỡng việc sử dụng máy bay không người lái, thuộc sở hữu của các bộ, cơ quan và các tập đoàn hành chính độc lập …

    Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng cho biết, có hàng trăm chiếc máy bay không người lái, trong đó Cảnh sát biển có khoảng 30 chiếc, hầu hết đều được sản xuất tại Trung Quốc. Nhưng, Nhật Bản hiện không sử dụng máy bay không người lái của Trung Quốc cho các hoạt động liên quan đến an ninh quốc gia.

    Thượng nghị sĩ Paul cáo buộc tình trạng ‘gian lận’ thống kê ở 4 tiểu bang chiến địa


    Thượng nghị sĩ tiểu bang Kentucky, ông Rand Paul hôm Chủ nhật (29/11 theo giờ Mỹ) đã chỉ ra một phân tích dữ liệu cáo buộc sự bất thường thống kê xảy ra ở bốn tiểu bang chiến trường vào đêm ngày bầu cử (4/11), theo The Epoch Times.

    Phân tích sơ bộ, dường như tương thích với kết quả thu thập số liệu của chuyên gia dữ liệu Justin Hart, cho biết ứng viên tổng thống Đảng Dân chủ Joe Biden đã có một số đợt “tăng vọt phiếu bầu” ở ba tiểu bang Michigan, Wisconsin và Georgia vào đêm ngày bầu cử, cho phép ông vượt qua Tổng thống Donald Trump.

    Các tác giả phân tích viết:

    “Mặc dù kết quả phân tích dữ liệu không thể chứng minh được gian lận hoặc các lỗi thể chế, nhưng nó có thể chỉ cho chúng ta những trường hợp bất thường về mặt thống kê vốn cần được xem xét kỹ lưỡng hơn”.

    “Phân tích của chúng tôi cho thấy rằng một số kết quả cập nhật phiếu bầu ở các tiểu bang cạnh tranh có quy mô lớn bất thường và có tỷ lệ so sánh phiếu bầu của Biden với Trump cao bất thường.

    Họ tuyên bố có thể chứng minh được rằng kết quả thực tế khá khác biệt so với kết quả đáng nhẽ xảy ra theo diễn tiến thông thường. Sự khác biệt này ​​gây ra lo ngại nghiêm trọng.

    Các nhà phân tích cũng cho rằng có sự bất thường xảy ra ở Pennsylvania.

    Paul, thượng nghị sĩ của Kentucky, đã chia sẻ phân tích này trên Twitter.

    Thượng nghị sĩ Paul đề cập đến khoảng thời gian lợi thế dẫn trước của TT Trump trước Biden bị lật ngược ở 4 tiểu bang khác nhau, đều vào lúc 1:34-6:31 sáng. Ông cho rằng đây là dấu hiệu gian lận, chứ không thể là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.

    Twitter đã ngay lập tức đính kèm một cảnh báo vào dòng tweet của vị thượng nghị sĩ, nói rằng “tuyên bố bầu cử gian lận của vị TNS này thực chất còn đang tranh cãi”. Sau đó Twitter trỏ liên kết đến một trang thông tin nhận định các trường hợp gian lận cử tri là “cực hiếm”.

    Luật sư Ellis: Không có tổng thống đắc cử cho tới khi đại cử tri bỏ phiếu


    Chứng nhận của các tiểu bang “không có ý nghĩa gì” đối với kết quả cuộc bầu cử tổng thống, bởi vì điều duy nhất thực sự quan trọng là đại cử tri, luật sư Jenna Ellis, thành viên nhóm pháp lý của chiến dịch TT Trump, nói hôm thứ Hai (30/11), theo News Max.

    “Chúng ta không có tổng thống được bầu cử cho đến khi đại cử tri thực sự bỏ phiếu vào ngày 14/12”, cô Ellis nói với Maria Bartiromo của Fox Business, giải thích rằng nhóm của cô đang làm hai việc song song trong cuộc chiến pháp lý để giúp Tổng thống Trump tái cử.

    Việc thứ nhất là tiếp tục các vụ kiện tại tòa, việc thứ hai là vận động cơ quan lập pháp ở các tiểu bang để họ chỉ định các đại cử tri đoàn làm việc công tâm.

    Nữ luật sư cho biết, ở bang Pennsylvania, nhóm của cô có hai vụ việc đang chờ xử lý và đang chuẩn bị cho vụ kiện ở Tối cao pháp viện. “Bây giờ chúng tôi có một vụ khác ở Tòa phúc thẩm số ba và đã sẵn sàng để đưa lên Tòa án Tối cao. Chúng tôi có 10 ngày để kháng cáo sau phán quyết”.

    Cô Ellis cho biết thêm, các cơ quan lập pháp tiểu bang được trao quyền theo Hiến pháp duy trì tính toàn vẹn của cuộc bầu cử và lựa chọn cách thức tiến hành bầu cử cho cử tri, vì thế nhóm pháp lý của cô đang tập trung vào điều này khi nhiều tiểu bang cho thấy việc làm sai quy trình bầu cử.

    Người dân tẩy chay các phương tiện truyền thông thiên tả bị mua chuộc

    Đề cập đến hiện tượng “giả câm điếc” của các kênh truyền thông thiên tả trong bối cảnh có rất nhiều bằng chứng rõ ràng về gian lận bầu cử, cô Dinalda Klein, một người Mỹ gốc Ba Lan, chia sẻ với phóng viên rằng các kênh truyền thông thiên tả đang nhầm tưởng rằng hầu hết người dân Mỹ chỉ đọc tin tức của họ và họ là nguồn thông tin duy nhất mà người dân Mỹ có thể tiếp cận. Tuy nhiên, “sự thật lại không phải vậy. Nước Mỹ đã thức tỉnh, thế giới cũng đã thức tỉnh. Chúng tôi không cần họ (các kênh truyền thông thiên tả)”, cô Klein cho hay, rồi nói thêm “Tổng thống Trump sẽ thắng, thực tế là ông ấy đã thắng rồi”.

    Ông Scottie Brown, một người ủng hộ Tổng thống Trump, cho rằng đội ngũ Biden đã thao túng phiếu bầu để đánh cắp bầu cử, và đây là sự thật không phải tranh cãi. Các kênh truyền thông thiên tả đang giả câm giả điếc trước vấn đề này, vì “họ cùng một giuộc với những kẻ thao túng bầu cử, họ (truyền thông thiên tả) đã bị mua chuộc và kiểm soát… có những người có thể bị mua bằng tiền, cũng có những người đã bán rẻ linh hồn của họ”.

    Ông bày tỏ:“ Chúng tôi đang chống lại những kẻ vô cùng xấu xa”.

    Ông Brown cũng tin rằng Tổng thống Trump đã giành chiến thắng.

    Tiến sĩ Abby Abildness, cựu giáo sư tại Trung tâm Y tế Hershey thuộc Đại học tiểu bang Pennsylvania nhận định, hiện giờ mọi người dường như đã đánh mất khái niệm về công bằng và tự do mà những người cha lập quốc đã để lại cho con cháu họ sau này, nhưng “Tổng thống Trump luôn ghi nhớ tất cả những điều này và ông ấy muốn nhìn thấy nước Mỹ khôi phục lại hết thảy những điều đó”.

    Pennsylvania: Các nhà lập pháp chính thức đưa ra nghị quyết bác bỏ kết quả bầu cử năm 2020

    Thứ ba, 01/12/2020

    Hôm 30/11, các nhà lập pháp của Đảng Cộng Hòa ở Pennsylvania đã đưa ra một nghị quyết để bác bỏ các kết quả của cuộc bầu cử năm 2020.

    Nội dung của nghị quyết, được xem trước lần đầu tiên trong một bản ghi nhớ vào ngày 27/11, nói rằng các nhánh hành pháp và tư pháp của chính phủ Tiểu Bang Keystone đã chiếm đoạt quyền lập hiến của cơ quan lập pháp để đặt ra các quy tắc của cuộc bầu cử.


    “Dựa theo Hiến pháp Hoa Kỳ, các quan chức tại các nhánh Hành pháp và Tư pháp của Khối thịnh vượng chung đã xâm phạm quyền hạn của Hội đồng lập pháp bằng cách thay đổi bất hợp pháp các quy tắc quản lý cuộc bầu cử ngày 3/11/2020 trong Khối thịnh vượng chung”, nghị quyết (pdf) nêu rõ.

    Nghị quyết kêu gọi thư ký của Khối thịnh vượng chung rút lại “chứng nhận sớm” về cuộc bầu cử tổng thống và trì hoãn chứng nhận các cuộc đua khác. Nó tuyên bố cuộc bầu cử năm 2020 đang có tranh chấp và thúc giục Quốc hội Hoa Kỳ “tuyên bố việc lựa chọn của các đại cử tri tổng thống ở Khối thịnh vượng chung này là đang có tranh chấp”.

    Các thành viên của Đại hội đồng Lập pháp Pennsylvania cho biết trong một tuyên bố rằng, “Một số thỏa hiệp về luật bầu cử của Pennsylvania đã diễn ra trong cuộc Tổng Tuyển cử năm 2020. Những bất thường và những sai phạm đã được ghi nhận là liên quan đến việc bỏ phiếu qua thư, trước khi thống kê phiếu bầu và trong khi thống kê phiếu bầu đã phá hoại quy trình bầu cử của chúng ta và do đó, chúng tôi không thể chấp nhận việc chứng nhận các kết quả trong các cuộc đua trên toàn tiểu bang”.

    “Chúng tôi tin rằng thời điểm này là then chốt và đủ quan trọng để Đại hội đồng Lập pháp cần phải thực hiện các biện pháp đặc biệt để đáp lại những vấn đề bất thường này. Chúng tôi cũng tin rằng nhiệm vụ giám sát đại diện của chúng tôi với tư cách là nhánh lập pháp của chính phủ của tiểu bang Pennsylvania yêu cầu chúng tôi tái đảm đương thẩm quyền hiến pháp của mình và có hành động ngay lập tức.”

    Văn bản được đề xuất liệt kê ba bước do các nhánh tư pháp và hành pháp đã thực hiện để thay đổi các quy tắc của cuộc bầu cử. 

     

    Võ Thái Hà tóm lược

    Không có nhận xét nào