Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Thứ hai 28 tháng 12 năm 2020

    Tổng thống Trump ký Dự luật chi 2.3 ngàn tỷ USD để cứu trợ COVID-19

    Vào tối Chủ Nhật (giờ Washinton DC) Tổng thống Donald Trump đã ký dự luật chi tiêu và cứu trợ đại dịch COVID-19 trị giá 2.3 nghìn tỷ USD sau khi đạt được thỏa thuận với Quốc hội về các gói cứu trợ.

    Trong gói cứu trợ này (COVID Relief Package), bao gồm 900 tỷ đô la để hỗ trợ tài chính cho người dân Mỹ.

    “Với tư cách là Tổng thống Hoa Kỳ, tôi có trách nhiệm bảo vệ người dân đất nước chúng ta khỏi sự tàn phá kinh tế và khó khăn do Virus Trung Quốc gây ra,” ông Trump tuyên bố.

    “Tôi ký dự luật này để khôi phục trợ cấp thất nghiệp, ngừng việc thu hồi tài sản, cung cấp hỗ trợ thuê nhà, thêm tiền kích thích tiêu dùng, đưa nhân viên hàng không của chúng ta trở lại làm việc, thêm nhiều tiền hơn đáng kể cho việc phân phối vắc-xin, v.v.”

    Ông nói thêm rằng “có nhiều tiền hơn sẽ được thêm vào” và sẽ “không bao giờ từ bỏ” cuộc chiến của mình cho người dân Mỹ.

    Trước đó, dự luật đã được hai viện của Quốc hội thông qua vào đầu tuần trước và đã được gửi tới Tòa Bạch Ốc vào đêm Giáng sinh, nhưng ông Trump đã lên tiếng phản đối. Ông cho rằng khoản hỗ trợ 600 USD cho mỗi người dân là quá thấp và mong muốn tăng lên 2.000 USD. Ngoài ra, ông cũng chỉ trích các khoản chi tiêu lãng phí khác cho nước ngoài và nhiều hạng mục không liên quan trong gói cứu trợ COVID.

    Sau đại dịch là cơ hội lớn để cải cách?


    Một đại dịch trăm năm có một đã tạo ra cơ hội cải cách kinh tế và xã hội. Câu hỏi lớn của năm 2021 là liệu các chính trị gia có đủ mạnh dạn để nắm bắt nó không. Covid-19 không chỉ gây chấn động nền kinh tế toàn cầu. Nó đã thay đổi quỹ đạo của ba nhân tố lớn đang định hình thế giới hiện đại. Toàn cầu hóa chậm lại. Cuộc cách mạng kỹ thuật số tăng tốc. Và cạnh tranh địa chính trị Mỹ-Trung ngày càng leo thang.

    Đồng thời, đại dịch đã làm trầm trọng thêm một trong những tai họa lớn của ngày nay: bất bình đẳng. Nó cũng khiến người ta chú ý hơn vào thảm họa không thể tránh khỏi và thậm chí nghiêm trọng hơn của thế kỷ tới: biến đổi khí hậu. Tất cả điều này đồng nghĩa không thể nào quay về thế giới tiền covid. Nước Mỹ, một lần nữa, có cơ hội lớn nhất để định hình thế giới hậu đại dịch. Câu hỏi đặt ra là liệu Tổng thống Biden có chớp lấy nó hay không. Nếu không hành động, rụt rè và trì trệ, thì đó sẽ là một sự xấu hổ khủng khiếp đối với Mỹ và cả thế giới.

    Triển vọng chính sách ngoại giao của Mỹ

    Ai sẽ lãnh đạo thế giới vào năm 2021? Nga là kẻ cản đường, không phải kẻ dẫn đầu. Ở châu Âu, Boris Johnson sẽ rất bận rộn với Brexit, Angela Merkel của Đức từ chức và Emmanuel Macron của Pháp không có nhiều phương tiện trong tay để thực hiện các ý tưởng lớn của ông. Trung Quốc là siêu cường đang lên, nhưng chưa đủ khả năng để gánh vác vai trò lãnh đạo thế giới. Câu hỏi đặt ra là liệu Mỹ có sẵn sàng quay lại vai trò này hay không.

    Trong những năm gần đây vai trò lãnh đạo của Mỹ mờ nhạt đi. Barack Obama tập trung vào “xây dựng đất nước từ bên trong”, trong khi Donald Trump rút khỏi nhiều thỏa thuận quốc tế. Và khi nhu cầu ngoại giao của Mỹ tăng lên, năng lực đối ngoại của nước này đang giảm dần. Bộ Ngoại giao đang khủng hoảng và bị chảy máu nhân tài. Sẽ mất một khoảng thời gian để hồi phục. Vì tương lai của mình và lợi ích của thế giới, Mỹ cần tái đầu tư vào ngoại giao từ năm 2021.

    Đánh giá triển vọng kinh tế thế giới năm 2021


    Gần đây chưa bao giờ tăng trưởng toàn cầu lại bất định như hiện nay. Tác động khổng lồ của covid-19 đã được giảm nhẹ bởi can thiệp khẩn cấp quy mô lớn của chính phủ nhằm cứu các công ty và hỗ trợ người lao động. Chỉ khi vòi sữa hỗ trợ bị rút lại thì mới thấy hết được bức tranh thiệt hại. Ở Mỹ, hãy theo dõi tình trạng thất nghiệp dài hạn thay vì xem tỷ lệ thất nghiệp tức thời đang giảm để xem liệu thị trường việc làm có thực sự đã hồi sinh hay không.

    Đừng xem dữ liệu lạm phát vốn bị bóp méo bởi các thay đổi tạm thời trong nền kinh tế, cũng như lợi suất trái phiếu, vốn được các ngân hàng trung ương kéo xuống, mà hãy xem kỳ vọng lạm phát. Chính sách tiền tệ là có thể dự đoán được: lãi suất của các nước giàu trên thế giới sẽ không sớm tăng lên. Thay vào đó, nhiều nền kinh tế sẽ thử nghiệm lãi suất âm. Các chính phủ phải đánh giá xem liệu có cần bơm hỗ trợ cho phục hồi kinh tế – do đó hãy theo dõi các bộ tài chính hơn là nghiên cứu các ngân hàng trung ương. Và cuối cùng, hãy để mắt đến vấn đề vốn đã định hình năm 2020 cho đến khi đại dịch xuất hiện: chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Hãy chú ý đến thặng dư thương mại của Trung Quốc.

    Các nhà lãnh đạo dân túy sẽ lu mờ?

    Các lãnh đạo dân túy đối phó với coronavirus không được khéo léo cho lắm. Tổng thống Donald Trump hạ thấp nó, quảng cáo các phương pháp chữa bệnh ngược đời và chế giễu khẩu trang. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi muốn được xem là hành động dứt khoát nên đã không cân nhắc đến hậu quả của việc áp đặt một trong những lệnh phong tỏa ngặt nghèo nhất thế giới tại một quốc gia có quá nhiều người nghèo. Hàng triệu người đã di cư từ các thành phố bị mất việc làm và trở về quê nhà ở nông thôn, làm lây lan virus.

    Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro thì bác bỏ covid-19 là “bệnh khịt mũi” trong khi quảng cáo các phương pháp chữa trị ngược đời. Và Tổng thống John Magufuli cảm ơn thần thánh vì đã giúp Tanzania sạch covid, trong khi các thi thể được bí mật xếp chồng lên nhau trong nghĩa trang. Xu hướng bác bỏ giới chuyên môn của chủ nghĩa dân túy gây hại nhất chính tại thời điểm này. Trong đại dịch nó là thảm họa. Để đánh bại virus đòi hỏi những đức tính mà họ coi thường: lý trí, cởi mở và hợp tác quốc tế. Nhiệm vụ của những người theo chủ nghĩa tự do vào năm 2021 là thổi luồng gió mới và cản bước những người dân túy.

    Suy thoái 2020 sẽ thay đổi luật chơi của chủ nghĩa tư bản toàn cầu?

    Suy thoái là cơ chế thanh lọc của chủ nghĩa tư bản. Các doanh nghiệp yếu kém nhỏ lại hoặc phá sản trong khi các công ty mạnh hơn mở rộng. Trong năm 2021, thiệt hại của đại dịch sẽ trở nên rõ ràng hơn khi các biện pháp kích thích giảm và nhiều công ty yếu lộ diện. Các doanh nghiệp lành mạnh sẽ tăng cường đầu tư, mang lại lợi thế lâu dài cho họ. Các quán quân sẽ là những công ty được hưởng lợi từ gián đoạn công nghệ và được tiếp xúc với các nền kinh tế hoạt động tốt hơn, đặc biệt là châu Á và châu Mỹ.

    Tuy nhiên, kỳ vọng xã hội đối với các doanh nghiệp sẽ thay đổi sau đại dịch. Các công ty sẽ ít quan tâm hơn đến cổ đông và nhiều hơn đối với người lao động. Lượt mua lại cổ phiếu trên toàn cầu đã giảm gần một nửa vào giữa năm 2020 và sẽ không phục hồi hoàn toàn ngay cả khi lợi nhuận hồi phục. Trong bối cảnh toàn cầu hóa đình trệ, nhiều công ty đa quốc gia sẽ phải hoạt động như một liên đoàn các doanh nghiệp ở tầm quốc gia, không thể thu được lợi thế hiệu quả từ mô hình tổ chức hội nhập toàn cầu. Và khi quy mô chính phủ mở rộng ở mọi nơi, quy định và thuế sẽ chắc chắn tăng lên. Cuộc suy thoái này sẽ không chỉ làm rung chuyển thế giới kinh doanh mà còn cả luật chơi của chủ nghĩa tư bản.

    Kinh tế Trung Quốc có thể trật bánh do vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt kỷ lục

    Tờ Nikkei Asian Review cho biết các vụ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp của Trung Quốc trong năm nay đã đạt mức kỷ lục 25 tỷ USD. Khủng hoảng nợ tiềm ẩn làm dấy lên lo ngại sự phục hồi sau dịch bệnh của Trung Quốc có thể trật bánh.

    Nhưng việc Bắc Kinh tái khởi động việc “xóa nợ” có thể kìm hãm tăng trưởng kinh tế trong năm tới. Theo ước tính của nhà kinh tế quản lý ở Paris, GDP của Trung Quốc sẽ tăng trưởng 6,6% trong năm tới, thấp hơn nhiều so với mức kỳ vọng của thị trường hiện tại là 11,3%. Nguyên nhân chính là do Bắc Kinh đang tập trung giải quyết vấn đề nợ khổng lồ như trái phiếu doanh nghiệp.

    Chi Lo, chuyên gia kinh tế về Trung Quốc Đại lục của quỹ đầu tư Fab-Barcelona Asset Management, cho biết lo ngại về một sự kiện tín dụng tiềm ẩn ngoài tầm kiểm soát, là vấn đề đầu tiên trong danh sách các mối quan tâm của Trung Quốc, nhưng chính sách của Bắc Kinh có thể mắc sai lầm, chẳng hạn như thắt chặt tín dụng quá sớm. Và sự rút lại quá sớm những bảo đảm ngầm của chính phủ đối với các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc “có thể gây ra việc ngừng hỗ trợ đột ngột cho sự phục hồi nền kinh tế và làm tăng nguy cơ khủng hoảng tài chính trong nước”.

    Theo số liệu của Hiệp hội Tài chính Quốc tế (IIF), nợ của các công ty phi tài chính Trung Quốc lên tới 159,1% GDP, cao hơn mức 152,2% của một năm trước. Tỷ lệ nợ cao thứ hai trên thế giới, chỉ đứng sau Hồng Kông, và xấp xỉ gấp đôi so với mức 78,1% của các công ty Mỹ. Nó cũng cao hơn mức 109,8% của các công ty khu vực đồng Euro, 106,4% của các công ty Nhật Bản và mức trung bình là 96,1% ở các thị trường mới nổi.

    Việt Nam: Tăng trưởng kinh tế 2020 xuống mức thấp nhất trong 30 năm


    Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 giảm xuống mức thấp nhất trong ít nhất ba thập kỷ vì COVID-19, thiên tai và kinh tế toàn cầu suy thoái, Reuters đưa tin, dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê (GSO) công bố hôm 27/12.

    Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 2,91% trong năm 2020 sau khi trước đó đạt mức trên 7% trong hai năm liên tiếp, theo GSO.

    Theo VnExpress, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 19,1 tỷ USD, mức cao nhất trong 5 năm kể từ năm 2016. Bình quân cả năm, chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,23% so với năm 2019.

    Tổng cục Thống kê được Reuters dẫn lời nói trong một thông cáo rằng dù GDP năm nay “là mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ”, nhưng “trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực thì đây là thành công lớn của Việt Nam với mức tăng trưởng năm 2020 thuộc nhóm cao nhất thế giới”.

    GSO được trích lời nói tiếp: “Chúng tôi đã thành công trong cuộc chiến chống virus nhưng đồng thời cũng duy trì mở cửa nền kinh tế. Đại dịch đã ít nhiều được khống chế ở Việt Nam”.

    Theo Reuters, với các biện pháp cách ly và truy vết nghiêm ngặt, Việt Nam đã nhanh chóng khống chế đại dịch, giúp nền kinh tế phục hồi nhanh hơn nhiều nước ở châu Á.

    Tin cho hay, tới nay, Việt Nam ghi nhận 1.440 ca nhiễm và 35 trường hợp tử vong.

    Thị trưởng: Vụ nổ Nashville có thể nhắm vào một cơ sở của công ty viễn thông AT&T

    Thị trưởng thành phố Nashville John Cooper cho biết thủ phạm gây ra vụ nổ vào ngày Giáng sinh ở trung tâm thành phố Nashville, tiểu bang Tennessee có thể đã nhắm vào một cơ sở của công ty viễn thông AT&T gần đó.

    Chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với hãng tin CBS ngày 27/12 (theo giờ Mỹ), ông Cooper nói “căn nhà di động” chứa bomb trong vụ nổ đã đậu cạnh một cơ sở lớn của công ty viễn thông AT&T trên Đại lộ Số 2 ở trung tâm thành phố Nashville. Ông Cooper cho biết “và đối với tất cả những người dân địa phương chúng tôi, có vẻ như có mối liên hệ giữa cơ sở AT&T và địa điểm vụ nổ”.

    Vụ nổ lớn ở Nashville được các quan chức thực thi pháp luật xác định là vụ đánh bom liều chết. Xác người đã được tìm thấy tại hiện trường.

    Vụ nổ đã khiến 3 người bị thương và nhiều cơ sở kinh doanh bị thiệt hại, bao gồm cả trung tâm chuyển mạch AT&T, làm gián đoạn các dịch vụ di động, internet và TV tại khu vực trung tâm Tennessee và ảnh hưởng đến 4 bang khác.

    CBS News đưa tin rằng cuộc điều tra về vụ nổ đang tập trung vào Anthony Quinn Warner, 63 tuổi, một cư dân khu vực Nashville.

    Theo điều tra của News Channel 5, chỉ vài tuần trước, Warner đã ký giấy chuyển quyền sở hữu ngôi nhà của mình cho một phụ nữ 29 tuổi sống tại thành phố Los Angeles, tiểu bang California. Daily Mail bổ sung thêm thông tin rằng Warner tặng miễn phí ngôi nhà trị giá 160.000 USD cho người phụ nữ tên Michelle Swing.

    Ba Lan thảo dự luật chống Facebook, Twitter kiểm duyệt ngôn luận


    Chính phủ Ba Lan đang xây dựng dự luật mới để bảo vệ quyền tự do ngôn luận. Các công ty truyền thông xã hội như Facebook, Twitter sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 1,8 triệu euro nếu không tuân thủ luật của Balan, theo Epoch Times.

    Theo Breitbart News, Bộ trưởng Tư pháp Ba Lan, ông Zbigniew Ziobro, đã công bố dự thảo luật có tên “Hành động vì Quyền tự do thể hiện quan điểm cá nhân và thu thập, phổ biến thông tin trên Internet”.

    Dự luật sẽ trao cho người dùng mạng xã hội các quyền theo luật định để kháng cáo các lệnh cấm và xóa nội dung áp đặt trên các nền tảng của những gã khổng lồ công nghệ như Twitter và Facebook. Người dùng sẽ có thể khiếu nại với tòa án về vấn đề “bảo vệ lời nói” thông qua một phương thức điện tử đơn giản.

    Nếu tòa án phán quyết rằng những người kiểm duyệt của các công ty công nghệ xóa tài khoản hoặc các bình luận của người dùng được coi là hợp pháp theo luật Ba Lan, thì họ phải khôi phục nội dung hoặc tài khoản đã xóa. Nếu không, công ty liên quan đến vụ việc sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 1,8 triệu euro.

    “Ở Đức, Bộ trưởng Bộ Tư pháp có thể tự do quyết định nội dung nào cần được xóa khỏi Internet. Đây là chức năng của hệ thống kiểm duyệt. Còn chúng tôi muốn thực hiện quyền tự do tranh luận công khai”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Ba Lan Giobro nói.

    Thứ trưởng Bộ Tư pháp Ba Lan, Sebastian Kaleta, cho biết: “Chúng tôi muốn xây dựng điều luật mới về mối quan hệ giữa người dùng mạng xã hội và chủ sở hữu mạng xã hội, nhằm thể hiện sự tôn trọng người dùng. Các ý kiến đang được xem xét”.

    Theo quan điểm của chính phủ Ba Lan, cái gọi là sự can thiệp là một nghĩa vụ hiến định. “Hiến pháp đảm bảo quyền tự do ngôn luận. Do đó, bất kỳ hạn chế nào [từ các nền tảng xã hội] đều phải bị nhà nước kiểm soát để bảo vệ quyền này”, ông Kaleta nhấn mạnh.

    “Luật này là phản ứng đối với các quy phạm pháp luật mà phe cánh tả cố áp đặt lên chúng tôi”, Kaleta nói.

    Tại Mỹ, tổng thống Trump đang kêu gọi Quốc hội bãi bỏ Điều 230 vốn bảo vệ Facebook và Twitter không bị truy tố vì các nội dung mà họ cho đăng tải. Việc kiểm duyệt bình luận của người dùng từ những gã khổng lồ trên mạng xã hội như hai nền tảng này ngày càng khiến nhiều người bất bình.

     

    Võ Thái Hà tóm lược

    Không có nhận xét nào