Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Thứ hai 7 tháng 12 năm 2020

     Cựu bác sĩ Tòa Bạch Ốc: Có điều gì đó đang xảy ra với sức khỏe của ông Joe Biden

    Tiến sĩ Ronny Jackson, cựu bác sĩ Tòa Bạch Ốc, lo ngại ứng cử viên Đảng Dân chủ Joe Biden không đủ khả năng nhận thức hoặc sức khỏe thể chất để trở thành tổng thống Mỹ, theo Western Journal.

    Ông Jackson từng tham gia đội ngũ y tế dưới thời chính quyền cựu Tổng thống George W. Bush. Ông tiếp tục làm bác sĩ Tòa Bạch Ốc trong thời ông Barack Obama làm tổng thống và tiếp tục công việc này một thời gian khi ông Donald Trump lên nắm quyền. Tháng trước, ông Jackson được bầu vào Hạ viện với tư cách là đảng viên Đảng Cộng hòa.

    Trong chương trình Breitbart News Saturday, ông Jackson đã thảo luận về chấn thương của Biden khi chơi với chó. Ứng viên đảng Dân chủ đã bị rạn xương chân phải khi đang chơi đùa với chú chó của mình hôm Chủ nhật (29/11), theo Breitbart.

    Ông Jackson nói ai cũng có thể trượt chân và ngã, tuy nhiên nhìn vào sức khỏe của Biden từ đầu chiến dịch cho đến nay, vị tiến sĩ cho rằng “có điều gì đó đang xảy ra với sức khỏe của ông Joe Biden”. Bác sĩ Jackson nói ông Biden có thể “đang được điều trị bằng thuốc vào thời điểm này”.

    Biden bị cấm tham gia Tiệc Thánh vì ủng hộ phá thai


    Cựu tổng giám mục Charles Chaput tuyên bố không cho phép Joe Biden tham gia lễ Tiệc Thánh, nói rằng ý kiến ​​của ông không phải “chính trị” mà là để đảm bảo “ý nghĩa của nghi lễ này”, theo The Blaze.

    Đây là quan điểm mà TGM Chaput đã đưa lên tạp chí First Things. Ông cho rằng, mặc dù Biden là người Công giáo, nhưng lại ủng hộ việc phá thai, một “việc làm trái với đạo đức rất nghiêm trọng”, vì vậy nên tước quyền rước lễ của ông ta.

    “Những nhân vật công khai mình theo ‘Công giáo’ đã bôi nhọ đức tin khi tham gia nghi lễ nhưng lại hay phóng túng bản thân, coi các điều răn đạo đức trong Giáo hội là không có giá trị”, ông Chaput viết. “Những người gây ra bê bối này đều không dám lên tiếng công khai và thường lo sợ phải mất đi quyền lợi cá nhân”.

    “Đây không phải là vấn đề ‘chính trị’, nhưng người khác có thể sẽ mô tả nó như vậy”, ông tiếp tục. “Đây là vấn đề của các giám mục thể hiện trách nhiệm trước Chúa về tính đúng đắn của các nghi lễ. Hơn nữa, cũng là vấn đề cấp bách mà giáo hội quan tâm đến – đó là sự cứu rỗi con người”.

    Ông Chaput cho biết, rước lễ là một đặc ân của Chúa chứ không phải quyền lợi riêng. Việc để Joe Biden tham gia cần các Tổng giám mục khác xem xét bởi nó sẽ tạo thành tiền lệ và gây hoạ cho xã hội sau này, khi cho phép người luôn làm trái với giáo huấn của giáo hội nhưng lại có thể tham gia buổi lễ linh thiêng.

    Cơ sở dữ liệu đăng ký cử tri của tiểu bang Nevada được gửi đến Pakistan

    Một tổ chức bảo vệ quyền lợi cử tri Mỹ gần đây đã thông báo với Bộ Tư pháp rằng, hệ thống email bầu cử của tiểu bang Nevada có sự liên hệ với một công ty có quan hệ quân sự và tình báo của Pakistan. Hơn nữa, họ cũng có quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu đăng ký cử tri của tiểu bang này.

    Tổ chức quyền lợi của cử tri True the Vote đã yêu cầu Chánh Thư ký tiểu bang Nevada kiểm tra hồ sơ bỏ phiếu của cử tri tiểu bang sau bầu cử. Trong một hòm thư điện tử của tiểu bang này, có một email phản hồi về tài liệu bỏ phiếu của cử tri. Đồng thời, email này cũng gửi bản sao thông tin tài liệu đến địa chỉ email “waqas@kavtech.net” – đây là địa chỉ email của Waqas Butt, CEO của công ty Kavtech Solutions Ltd. ở Pakistan.

    Chủ tịch của tổ chức giám sát phiếu bầu bảo thủ (True the Vote), bà Catherine Engelbrecht, cho biết trong bức thư gửi Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Demers vào ngày 3/12 rằng, bà đã bị sốc khi thấy địa chỉ Pakistan trong bản sao của email.

    “Trong một email có quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu đăng ký cử tri của tiểu bang Nevada đã phát hiện ra một bản sao được gửi đến công ty [Kavtech Solutions của Pakistan]. Điều này chứng tỏ rằng, có tồn tại hành vi vi phạm quy chế trong hệ thống email của Chánh Thư ký tiểu bang Nevada”, bà Engelbrecht viết trong thư.

    “Rõ ràng, sự vi phạm này có thể chứng minh rất nhiều vấn đề tồn tại, trong đó có việc rò rỉ ít nhất là thông tin đăng ký cử tri của cư dân ở tiểu bang Nevada. Trong trường hợp xấu nhất, nó có thể lộ ra một sơ hở nhỏ không chỉ cho phép các thế lực nước ngoài truy cập vào hệ thống [dữ liệu bầu cử] của tiểu bang Nevada mà còn cả hệ thống thư điện tử của tất cả những ai liên lạc với tiểu bang Nevada qua email”.

    Bức thư nêu rõ, công ty Kavtech Solutions Ltd. có trụ sở chính tại Lahore, tỉnh Punjab, Pakistan.

    Hiện Bộ Tư pháp Mỹ chưa phản hồi về vấn đề này.

    Tiết lộ từ WikiLeaks: Cố vấn luật Dominion gặp chủ tịch chiến dịch Clinton năm 2016 bàn cách đánh bại TT Trump


    WikiLeaks trước đây từng công bố một email tiết lộ rằng một cố vấn luật của hãng máy đếm phiếu Dominion Voting đã gặp gỡ John Podesta – chủ tịch chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016 của Hillary Clinton- để thảo luận về những cách thức họ có thể giúp đánh bại ứng viên Donald Trump, theo The Gateway Pundit.

    Dominion đã trở thành trung tâm của các vụ bê bối gian lận bầu cử gần đây vì những bất thường và bằng chứng gian lận được ghi nhận nhiều nhất là ở các tiểu bang sử dụng máy của họ.

    Vào năm 2018, Dominion Voting thông báo rằng nó đã được mua lại bởi đội ngũ quản lý của mình và Staple Street Capital, một quỹ đầu tư có trụ sở tại New York. Quỹ này lúc đó có cố vấn luật là hãng luật Kirkland & Ellis LLP.

    Trong chiến dịch tranh cử của Clinton hồi năm 2016, theo một chuỗi email do WikiLeaks công bố, luật sư thành viên của hãng luật Kirkland & Ellis LLP, ông Kamran S. Bajwa đã gặp gỡ John Podesta và đề nghị được giúp đỡ để đánh bại Donald Trump.

    Như đã nói ở trên, Podesta vào thời điểm đó là chủ tịch chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ của Hillary Clinton.

    Bangladesh chuyển bớt người tị nạn Rohingya ra đảo

    Ba năm sau khi hơn 700.000 người Rohingya chạy sang Bangladesh để trốn nạn diệt chủng ở Myanmar, dường như họ sẽ ở lại lâu dài. Bangladesh hiện đã bắt đầu chuyển người tị nạn từ các trại gần Cox’s Bazar, được xem là khu trại tị nạn lớn nhất thế giới, đến Bhasan Char, một hòn đảo cằn cỗi ở Vịnh Bengal. Nước này đã chi 350 triệu đô la cải tạo để hòn đảo cung cấp nơi ở cho 100.000 người.

    Khoảng 1.600 người đã đến đó từ tuần trước. Chính phủ khẳng định người tị nạn tự nguyện di dời. Các tổ chức nhân quyền tỏ ra hoài nghi. Mặc dù việc di dời những người tị nạn làm phức tạp mối quan hệ giữa chính phủ với các nhà tài trợ, nhưng thủ tướng Sheikh Hasina muốn được nhìn nhận là đang hành động. Song khi hồi hương là chuyện không thể, bà đối mặt viễn cảnh không mấy tốt đẹp là người tị nạn dần hòa nhập vào xã hội Bangladesh. Di dời một phần nhỏ trong số họ đến Bhasan Char trong khi giám sát chặt các trại ở Cox’s Bazar sẽ làm chậm quá trình này, dù không thể ngăn hoàn toàn.

    Dự thảo ngân sách dài hạn của EU bế tắc

    Hôm nay là hạn chót để đạt đồng thuận về ngân sách 1,1 nghìn tỷ euro (1,3 nghìn tỷ đô la) của EU cho giai đoạn 2021-27, cũng như quỹ phục hồi sau covid-19 trị giá 750 tỷ euro. Ba Lan và Hungary đang phủ quyết các kế hoạch này vì không bằng lòng với điều khoản quy định việc giải ngân số tiền phải đi kèm với tôn trọng pháp quyền. Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết cơ chế này có thể được sử dụng “rất tùy tiện và vì mục đích chính trị”.

    Không quá ngạc nhiên khi hai nước này phản đối — chính phủ dân túy của cả hai quốc gia đều bị Ủy ban Châu Âu phản đối vì làm xói mòn độc lập tư pháp. Nếu họ không xuống nước, EU sẽ phải dùng đến thỏa thuận ngân sách khẩn cấp cho năm 2021 (ngân sách dài hạn vẫn có thể được cứu vớt tại hội nghị thượng đỉnh EU cuối tuần này). Điều này sẽ ngăn việc cấp tiền cho các dự án mới. Nó cũng sẽ gây tổn hại cho Ba Lan và Hungary, hai nước hưởng lợi lớn từ ngân sách EU. Ông Morawiecki và Viktor Orban, thủ tướng Hungary, phải lựa chọn giữa chính trị dân túy và lợi ích kinh tế.

    Đàm phán EU-Anh lại bế tắc

    Các cuộc đàm phán thỏa thuận thương mại giữa Anh và EU không bao giờ là dễ dàng. Tuy nhiên, khi chỉ còn chưa đầy bốn tuần nữa là đến thời hạn kết thúc giai đoạn chuyển tiếp bế tắc vào cuối tháng 12, hai bên vẫn không ai chịu ai. Thủ tướng Anh Boris Johnson cáo buộc EU, dưới áp lực của Pháp, đã đưa ra những yêu cầu mới không thể chấp nhận được về nghề cá và các quy tắc cạnh tranh.

    EU phản bác rằng ông Johnson vẫn muốn những lợi ích hoàn toàn của việc tiếp cận thị trường chung trong khi chẳng đóng góp gì. Như để tạo thêm căng thẳng, trong tuần này chính phủ của ông Johnson có kế hoạch áp đặt các thay đổi đơn phương đối với các điều khoản Bắc Ireland trong hiệp ước rút khỏi EU họ ký đầu năm nay. EU nói hành động bất hợp pháp như vậy sẽ xé bỏ bất kỳ thỏa thuận thương mại nào. Chỉ còn vài ngày nữa để hai bên đạt thỏa thuận trước thềm hội nghị thượng đỉnh EU vào cuối tuần này. Hoặc sẽ là một Brexit không thỏa thuận thương mại.

    Ghana tổ chức bầu cử


    Người dân Ghana hôm nay đi bầu tổng thống và quốc hội. Tổng thống Nana Akufo-Addo lần thứ ba đối mặt cựu tổng thống John Mahama. Ông Mahama thắng vào năm 2012 và ông Akufo-Addo vào năm 2016. Nhiều nhà phân tích kỳ vọng ông Akufo-Addo sẽ thắng cử nhiệm kỳ hai, mặc dù đảng trung hữu của ông có thể mất đa số trong quốc hội. Ông tuyên bố có năng lực hơn về điều hành nền kinh tế và chỉ ra rằng ông đã thực hiện được những lời hứa, chẳng hạn như giáo dục miễn phí cho học sinh lớn tuổi.

    Đối thủ của ông cáo buộc ông không giải quyết được tham nhũng, đặc biệt là sau khi Martin Amidu, công tố viên độc lập đặc biệt về tham nhũng, đã từ chức vào tháng trước vì can thiệp chính trị. Bất kể ai thắng, rắc rối tài khóa vẫn không mất đi. Nước này nợ rất nhiều từ trước covid-19. IMF dự báo thâm hụt ngân sách Ghana trong năm nay là 16,4% GDP, mức cao nhất ở châu Phi hạ Sahara. Song không ai dám hứa cắt giảm chi tiêu trong chiến dịch tranh cử.

    Trường học ở New York mở lại một phần


    Một số trường công lập của Thành phố New York mở cửa lại từ hôm nay. Sau khi số ca nhiễm covid-19 tăng vào tháng trước, thị trưởng Bill de Blasio đã đóng cửa các lớp học. Các bậc cha mẹ rất bất bình khi nhà hàng và phòng tập thể dục vẫn mở cửa trong khi hệ thống trường học công lập lớn nhất nước Mỹ, vốn có ít ca nhiễm, lại đóng cửa. Tuần trước, ông de Blasio đổi ý.

    Giờ đây, 190.000 học sinh mầm non, tiểu học và các học sinh có nhu cầu đặc biệt sẽ quay lại học năm ngày một tuần. Học sinh phải chấp nhận xét nghiệm covid-19 hàng tuần ngẫu nhiên. Học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông tiếp tục học trực tuyến, cũng như các học sinh đã chọn đóng học phí học từ xa. Các trường học có thể tự đóng cửa nếu tỷ lệ lây nhiễm tăng đột biến ở các khu vực lân cận. Điều đó có vẻ khả thi — tỷ lệ lây nhiễm của thành phố hiện đạt mức 5% và tiếp tục tăng. Cổng trường có thể sớm đóng lại.

    Bloomberg : Vienna, ổ gián điệp Bắc Triều Tiên

    Gián điệp Bắc Triều Tiên vẫy vùng ở Vienna: Thủ đô nước Áo là cửa ngõ vào châu Âu, là địa bàn hoạt động của các các đường dây buôn lậu mà đứng đằng sau là hệ thống tình báo phục vụ chế độ Bình Nhưỡng.

    Điều tra của hãng tin Mỹ Bloomberg đăng trên mạng hôm 05/12/2020 mở đầu như sau « John Le Carré, tác giả của những cuốn tiểu thuyết gián điệp thường lấy bối cảnh là thành Vienna. Kim Jong Un như thể xem đây là khuôn mẫu ». Thủ đô của nước Áo đúng là đã trở thành sào huyệt của ngành tình báo Bắc Triều Tiên và cũng là một ổ buôn lậu.

    Từ lâu nay, Vienna đã trở thành một địa bàn để chế độ họ Kim luồn lách lệnh trừng phạt quốc tế và Bình Nhưỡng đã biến thủ đô nước Áo thành một cánh cổng vào châu Âu cho một số tay điệp viên được chế độ điều sang Lục Địa Già ».

    Trong bối cảnh đó, nếu như tổng thống Mỹ tương lai Joe Biden thuyết phục được Kim Jong Un trở lại bàn đàm phán, từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân, thủ đô của nước Áo lại càng thêm hấp dẫn, bởi vì tình báo Bắc Triều Tiên lại càng có nhiều cơ hội lui tới Vienna, nơi đặt trụ sở của Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế.

    Nguồn thu nhập phụ trội của nhân viên Bắc Triều Tiên

    Vẫn theo hãng tin Bloomberg, hiện tại có « không dưới 10 nhân viên của bộ An Ninh Quốc Gia Bắc Triều Tiên » đang công tác tại thủ đô nước Áo. Họ không chỉ có nhiệm vụ « thâu thập thông tin bình thường » mà còn đặc trách « giám sát nhân viên và các tòa đại sứ của Bắc Triều Tiên tại châu Âu, tổ chức các dịch vụ mua bán bất hợp pháp, tiến hành điều tra về những trường hợp « mất tích », áp tải các quan chức bị Bình Nhưỡng triệu hồi về nước ».

    Mỹ gây áp lực lên công ty sản xuất chip lớn nhất của Trung Quốc

    Mỹ đã cho thêm nhà sản xuất chip máy tính lớn nhất Trung Quốc SMIC vào danh sách "các công ty quân đội Trung Quốc", gây thêm áp lực lên công ty này.

    Động thái của Bộ Quốc phòng Mỹ đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư nước này hiện bị cấm nắm giữ hoặc mua bán cổ phiếu của SMIC.

    Bộ Quốc phòng nói chính phủ Trung Quốc đang sử dụng sự tinh thông của các "thực thể dân sự", ví như các công ty và trường đại học, để hiện đại hóa khả năng quân sự của mình.

    SMIC bác bỏ việc có bất kì mối liên hệ nào với quân đội Trung Quốc.

    Công ty hiện bị liệt trong một lệnh hành pháp do Tổng thống Donald Trump ký hồi tháng 11, nhằm ngăn chặn nguồn vốn của Mỹ đổ vào việc hiện đại hóa quân đội Trung Quốc.

    SMIC trước đây nói rằng một số nhà cung cấp tại Mỹ của SMIC đã nhận được thư thông báo rằng họ sẽ phải chịu các hạn chế xuất khẩu mới.

    Điều này cho thấy có khả năng công ty này sẽ bị Bộ Thương mại Hoa Kỳ liệt vào danh sách đen, dù hiện vẫn chưa có công bố gì về quyết định như vậy.

    Nếu việc này xảy ra, việc sản xuất chip có thể bị ảnh hưởng đáng kể.

    Covid: Phần lớn California phải đối mặt với phong tỏa nghiêm ngặt mới

    Phong tỏa ở San Francisco bắt đầu đêm Chủ nhật, sớm hơn một chút so với một số khu vực khác của tiểu bang

    Nhiều phần của tiểu bang California, Hoa Kỳ, đang phải đối mặt với một cuộc phong tỏa nghiêm ngặt mới, khi các ca nhiễm Covid-19 tăng trên khắp tiểu bang và cả nước.

    Hơn một nửa trong số 40 triệu người của tiểu bang sẽ phải tuân theo lệnh ở nhà, theo thông báo của Thống đốc Gavin Newsom hôm thứ Năm.

    Nhiều cơ sở kinh doanh sẽ bị đóng cửa, và mọi người sẽ bị cấm gặp bất kỳ ai bên ngoài gia đình của họ.

    Lệnh này được kích hoạt vì năng lực chăm sóc đặc biệt tại các bệnh viện bị giảm mạnh.

    Phần phía nam của tiểu bang và thung lũng trung tâm California sẽ là những khu vực đầu tiên phải chịu các hạn chế mới, vào lúc 23:59 giờ địa phương, hôm Chủ nhật.

    Các khu vực khác có thể theo sau trong vài ngày. San Francisco sẽ có phong tỏa của riêng mình, cũng bắt đầu hôm Chủ nhật.

    Việc California đóng cửa vào tháng 3, trong đó tất cả các cơ sở kinh doanh không thiết yếu bị đóng cửa, được coi là một mô hình ban đầu cho Hoa Kỳ khi bắt đầu đại dịch.

    Các biện pháp này được đưa ra sau khi Hoa Kỳ hôm thứ Bảy báo cáo số ca nhiễm coronavirus kỷ lục trong 24 giờ trong ngày thứ ba liên tiếp - 230.000.

    Võ Thái Hà tóm lược


    Không có nhận xét nào