Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Thứ sáu 18 tháng 12 năm 2020

    Mỹ đặt mục tiêu chống Trung Quốc ‘quyết đoán hơn’ trên Biển Đông năm 2021

    Quân đội Mỹ vừa đưa ra cảnh báo sẽ “quyết đoán hơn” trong việc đáp trả các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, đặc biệt là đối với Trung Quốc, quốc gia mà Mỹ cáo buộc có tham vọng bành trướng ở Biển Đông.

    Truyền thông quốc tế hôm 18/12 dẫn một tài liệu có nội dung về các mục tiêu đặt ra cho Hải quân, Thủy quân lục chiến và Tuần duyên Hoa Kỳ năm 2021, Lầu Năm Góc nói rằng một số quốc gia, đặc biệt là Nga và Trung Quốc “đang cạnh tranh cân bằng quyền lực ở các khu vực quan trọng và tìm cách phá hoại trật tự thế giới hiện nay”.

    Cơ quan này tố cáo Trung Quốc “đang áp dụng cách tiếp cận theo chủ nghĩa bành trướng ở Biển Đông và tìm cách thiết lập quyền bá chủ trong khu vực thông qua các chương trình như Sáng kiến Vành đai và Con đường”.

    Mặc dù tài liệu cũng đề cập Nga là một “mối đe dọa đối với quân đội Mỹ”, nhưng “Trung Quốc là đối thủ duy nhất có tiềm lực kinh tế và quân sự tổng hợp để đưa ra thách thức lâu dài, toàn diện đối với Hoa Kỳ”.

    “Các hoạt động và thái độ của Lực lượng Hải quân là sẽ tập trung vào việc chống lại các hành vi xấu của CHND Trung Hoa trên toàn cầu, và tăng cường khả năng ngăn chặn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, tài liệu của quân đội Mỹ nói.

    Các nước Đông Phi họp thượng đỉnh

    Các nhà lãnh đạo Đông Phi sẽ gặp nhau tại Djibouti vào Chủ nhật để thảo luận về những gì được gọi là “tình hình hiện tại” trong khu vực. Abdalla Hamdok, thủ tướng Sudan và là chủ tịch của khối IGAD gồm các nước Đông Phi, đã kêu gọi tổ chức hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp sau cuộc họp thất bại vào tuần trước với Abiy Ahmed, thủ tướng Ethiopia. Ông Hamdok nói rõ cuộc nội chiến ở Ethiopia, bùng nổ hồi tháng trước, sẽ nằm trong chương trình nghị sự.

    Sudan đang tiếp nhận gần 50.000 người Ethiopia tị nạn và lo ngại giao tranh tràn qua biên giới. Vào ngày 16 tháng 12 quân đội Sudan cho biết một số binh sĩ của họ đã bị phục kích (báo cáo cho biết có 4 người thiệt mạng) bởi các lực lượng Ethiopia trong một cuộc tuần tra an ninh. Chính phủ Ethiopia khẳng định cuộc chiến ở khu vực Tigray miền bắc hoàn toàn là vấn đề nội bộ và sẽ không được đưa ra thảo luận. Sự kiên nhẫn ấn tượng cho đến nay của ông Hamdok sẽ bắt đầu suy yếu.

    Quốc hội Mỹ sắp thông qua dự luật kích thích kinh tế


    Cũng như hầu hết các sinh viên đại học, Quốc hội thích trì hoãn quá mức. Họ đã kéo dài đến hôm nay thời hạn đạt đồng thuận về dự luật chi tiêu giúp giữ cho chính phủ liên bang mở cửa, và đồng thời cũng là ngày cuối cùng ​​của kỳ họp mùa đông của Quốc hội. Điều này là để giúp họ có thời gian giải quyết tranh chấp xoay quanh một vòng kích thích kinh tế khác, vốn đã bị trì hoãn gần một năm. Các lãnh đạo Dân chủ và Cộng hòa trong Quốc hội khẳng định họ sắp đạt được một thỏa thuận.

    Được biết, biện pháp kích thích mới sẽ một lần nữa tài trợ tiền cho mọi người Mỹ — mức chi một lần 600 đô la mỗi người so với 1.200 đô la trước đó – và tăng trợ cấp thất nghiệp lên 300 đô la mỗi tuần (trước đây là 600 đô la một tuần trước khi hết hạn vào tháng 8). Cả hai bên đều phải nhượng bộ: đảng Cộng hòa muốn hạn chế trách nhiệm của các doanh nghiệp đối với nhân viên hoặc khách hàng bị nhiễm covid-19; trong khi đảng Dân chủ yêu cầu trợ cấp liên bang cho các chính quyền địa phương và tiểu bang đang thiếu tiền mặt. Nếu muốn đạt thỏa thuận, có thể vẫn sẽ phải gia hạn thêm. Các nhà lập pháp đã được thông báo ở lại dịp cuối tuần.

    Tesla gia nhập giỏ chỉ số S&P 500


    Vào thứ Hai, Tesla sẽ tham gia chỉ số S&P 500, một trong hai chỉ số thị trường chứng khoán hàng đầu của Mỹ, thay thế Apartment Investment and Management, một quỹ đầu tư bất động sản. Việc gia nhập giúp khép lại một năm đáng kinh ngạc của hãng ô tô điện, công ty có vốn hóa thị trường 590 tỷ đô la. Cổ phiếu của công ty giờ đây có giá gấp 7 lần so với thời điểm đầu năm, khiến Elon Musk, ông chủ của công ty, trở thành người giàu thứ hai trên thế giới.

    Bất chấp quy mô của Tesla — là công ty lớn nhất tại thời điểm tham gia S&P — các nhà quản lý chỉ số đã quyết định bổ sung cổ phiếu Tesla ngay lập tức, thay vì theo từng tuần. Điều đó đồng nghĩa với việc kể từ thứ Hai sẽ có nhiều người Mỹ hơn bao giờ hết được hưởng lợi từ thành công của Tesla — và từ ông Musk, người nổi tiếng là có các phát ngôn và hành động thường khiến cổ phiếu tăng giảm bất ngờ.

    Hulu tăng giá thuê bao truyền hình

    Hulu, một dịch vụ phát trực tuyến video thuộc sở hữu Disney, hôm nay đã tăng giá gói cước truyền hình trực tiếp của họ thêm 10 đô la lên mức 64,99 đô la một tháng. Họ không phải là hãng duy nhất làm như vậy trong năm nay. YouTube TV cung cấp một gói tương tự với giá 64,99 đô la, sau khi tăng từ mức 49,99 đô la hè năm ngoái. Cả hai dịch vụ đều nhằm mục đích thu hút “những người cắt dây”: những người muốn chuyển từ các gói truyền hình cáp đắt tiền bằng sang các gói kênh trực tuyến nhỏ hơn.

    Song, truyền hình trực tiếp rất tốn kém và các dịch vụ đã được bán dưới giá thành, khiến các hãng bị lỗ ban đầu. Giờ đây các công ty mẹ của họ muốn thu lợi nhuận, trong khi vẫn thu hút người xem mới. Hulu đang đến điểm đó. Người đăng ký dịch vụ truyền hình trực tiếp của hãng đã tăng hơn 50% lên 4,1 triệu trong năm qua. Tuy nhiên, Live TV của Hulu chỉ là một phần nhỏ trong đế chế phát trực tuyến đang phát triển của Disney — họ tự hào có 137 triệu người đăng ký trên tất cả các dịch vụ khác nhau của mình.

    Thổ Nhĩ Kỳ xét xử người bất đồng chính kiến

    Đầu năm nay Osman Kavala, một nhà từ thiện đáng kính của Thổ Nhĩ Kỳ và là người chỉ trích Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, đã được xóa các cáo buộc khủng bố không đúng sự thật liên quan đến việc ông tham gia vào các cuộc biểu tình chống chính phủ. Sau đó, ông bị truy tố vì những cáo buộc phi lý không kém liên quan đến một cuộc đảo chính thất bại hồi năm 2016. Bằng chứng mới chống lại ông Kavala bao một cuộc gặp tình cờ với một cựu quan chức Mỹ tại một nhà hàng ở Istanbul ba ngày sau nỗ lực đảo chính.

    Phiên tòa xử ông sẽ mở lại vào hôm nay; nếu bị kết tội, ông phải đối mặt với mức án tối đa là chung thân không ân xá. Vô số tù nhân chính trị khác đã phải chịu tù đày ở Thổ Nhĩ Kỳ. Vào ngày 22 tháng 12, Tòa án Nhân quyền châu Âu sẽ công bố phán quyết của họ trong vụ Selahattin Demirtas, cựu lãnh đạo của đảng người Kurd lớn nhất đất nước. Ông Kavala đã ngồi tù hơn ba năm. Ông Demirtas bốn năm. Không ai nghĩ rằng hai ông sẽ được trả tự do sớm.

    EU đồng ý “về nguyên tắc” trước thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc

    Một nguồn tin ngoại giao cấp cao ở Brussels nói với tờ South China Morning Post hôm thứ Năm (17/12) rằng Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý “về mặt nguyên tắc” với một thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc. Đây được xem như một thắng lợi lớn cho Bắc Kinh khi mối quan hệ với Hoa Kỳ vẫn tiếp tục rạn nứt.

    Hai nhà lãnh đạo có ảnh hưởng nhất của EU, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, được cho là đã đồng ý để thỏa thuận được tiến hành, theo nguồn tin nói với SCMP.

    Đức, nước hiện đang giữ chức Chủ tịch Hội đồng EU, đã thông báo rằng thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc sẽ được thảo luận giữa các đại diện của 27 quốc gia trong khối vào thứ Sáu.

    Động thái mang tính biểu tượng chính trị giữa Trung Quốc và EU diễn ra khi chính quyền Tổng thống Donald Trump vẫn tiếp tục thực thi những chính sách cứng rắn với ĐCSTQ và các cá nhân tổ chức liên quan.

    Các nguồn tin cho biết Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan điều hành của EU phụ trách các cuộc đàm phán thương mại, đã đạt được những bước đột phá khi Trung Quốc đồng ý mở cửa thị trường trong nhiều lĩnh vực cho các doanh nghiệp EU.

    Trung Quốc được cho là đã nhượng bộ trong các lĩnh vực như dịch vụ tài chính, sản xuất và bất động sản.

    Đổi lại, EU sẽ phải bảo đảm mở cửa lĩnh vực năng lượng tái tạo cho đầu tư của Trung Quốc, một điều khoản đã thu hút sự phản đối từ các nước thành viên Đông Âu bao gồm Ba Lan và Lithuania, vốn dựa vào sự hỗ trợ của Mỹ để ngăn chặn mối đe dọa từ Nga, nguồn tin cho biết.

    Mỹ ban hành lệnh cấm đối với thiết bị điện Trung Quốc tại các căn cứ quân sự

    Theo hãng tin Reuters, Bộ trưởng Năng lượng Hoa Kỳ hôm thứ Năm (17/12) đã ký lệnh cấm các công ty điện cung cấp dịch vụ cho các cơ sở quốc phòng quan trọng nhập khẩu một số hạng mục hệ thống điện từ Trung Quốc. Đây được cho là nỗ lực mới nhất nhằm bảo vệ an ninh của Hoa Kỳ khỏi các cuộc tấn công mạng và các cuộc tấn công khác.

    Lệnh cấm của Bộ Năng lượng quy định những công ty cung cấp cho các cơ sở quốc phòng ở dịch vụ điện áp 69kV trở lên bị cấm mua, nhập khẩu, chuyển giao hoặc lắp đặt hệ thống truyền phát điện số lượng lớn từ Trung Quốc.

    Hiện vẫn chưa rõ địa điểm quốc phòng nào được coi là trọng yếu. Bộ Năng lượng chưa trả lời các yêu cầu bình luận của Reuters.

    Thiết bị điện số lượng lớn của Trung Quốc trong lệnh cấm bao gồm các hạng mục được sử dụng trong trạm biến áp, phòng điều khiển hoặc nhà máy điện, gồm lò phản ứng hạt nhân, tụ điện, máy biến áp, máy phát điện lớn, máy phát điện dự phòng và các thiết bị khác.

    Bộ trưởng Năng lượng Dan Brouillette cho biết trong thông cáo: “Chúng tôi bắt buộc phải đảm bảo an toàn cho [hệ thống điện] chống lại các cuộc tấn công và khai thác của các đối thủ nước ngoài”.

    Ông Brouillette cho biết đây là một trong những bước mà chính quyền Trump đang thực hiện để “làm giảm khả năng của các đối thủ nước ngoài nhắm vào cơ sở hạ tầng điện quan trọng của chúng ta”.

    Lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 16/1.

    Con số không nói dối: 790.000 phiếu bầu gian lận được tìm thấy ở Arizona

    Vừa qua các chuyên gia đã phân tích dữ liệu phiếu bầu ở tiểu bang Arizona và phát hiện, trong số các lá phiếu được đưa vào hệ thống kiểm phiếu, có 790.000 phiếu đã được “tẩy xóa” để bầu cho Joe Biden, điều này cho thấy một vụ gian lận bầu cử quy mô lớn đã diễn ra ở Arizona, theo Vision Times.

    Một video được trang Gateway Pundit đăng tải cho thấy, một nhà khoa học về phân tích dữ liệu đã nghiên cứu kỹ lưỡng cuộc bỏ phiếu tại tám quận ở Arizona, trong đó quận Pinal và Coconino có kết quả rất khó tin.

    Nguồn tin từ mạng lưới Gateway Experts cho biết, những người đứng sau video này là các chuyên gia về khoa học dữ liệu và phân tích dữ liệu, họ đã sử dụng dữ liệu thô để tạo ra sự minh bạch trong nghiên cứu và kết luận của mình.

    Kết quả nghiên cứu chỉ rõ, có tới 790.175 phiếu bị “tẩy xóa” đã được đưa vào hệ thống bỏ phiếu của 8 quận ở Arizona và tất cả đều được bầu cho Joe Biden. Các phiếu bầu gian lận đó đã mang lại cho Biden nhiều hơn 10.457 phiếu bầu so với Tổng thống Trump.

    Ngoài ra, Gateway Expert cũng phát hiện ra Arizona có những dữ liệu gây kinh ngạc khác, chẳng hạn như tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu ở Arizona năm nay đạt 79,9%, đây là tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao nhất trong lịch sử của Arizona.

    Vào ngày 16/11, Arizona báo cáo tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu chỉ là 65,9%, nhưng đến 30/11 họ lại báo cáo rằng tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu là 79,9%!

    Một số nhà khoa học khác, thông qua nghiên cứu về sự thay đổi dân số, cũng đã đi tới kết luận Arizona có gian lận nghiêm trọng trong cuộc bầu cử năm 2020.

    Năm 2020, số cử tri đi bỏ phiếu của Arizona là 3.420.565, trong khi đó con số này vào năm 1998 là 1.037.550, điều đó có nghĩa là, số cử tri đi bỏ phiếu của Arizona trong cuộc tổng tuyển cử 2020 nhiều hơn 2.383.015 so với năm 1998.

    Theo các báo cáo, mức tăng dân số của Arizona chỉ xấp xỉ 1,75 triệu người sau 22 năm, điều này cho thấy số lượng cử tri vào 2020 nhiều hơn khoảng 630.000 người so với mức gia tăng dân số của bang.

    TNS Rand Paul: Các tòa án tránh né dữ kiện gian lận, viện cớ thủ tục để bác đơn kiện


    Thượng nghị sĩ Rand Paul đã bác bỏ luồng thông tin cho rằng các tòa án đã đưa ra “quyết định” đối với các lời khai và bằng chứng cáo buộc gian lận bầu cử tại Mỹ, ông nói rằng các vụ kiện gian lận phiếu bầu bị bác vì thủ tục chứ không phải thiếu bằng chứng, theo The Epoch Times

    “Các tòa án chưa đưa ra các quyết định đối với các dữ kiện” về gian lận được cung cấp, ông Paul nói hôm thứ Tư (16/12), trong phiên điều trần tại Thượng viện về gian lận bầu cử. “Các tòa án chưa bao giờ xem xét các dữ kiện. Các tòa án không thích cuộc bầu cử, và họ đã trốn tránh khỏi điều này bằng cách tìm một cái cớ”.

    Thượng nghị sĩ của bang Kentucky cho biết, các tòa án chủ yếu bác bỏ các vụ kiện từ nhóm pháp lý của Tổng thống Donald Trump hoặc các vụ kiện liên quan đến bầu cử khác vì họ cho rằng chưa làm đúng các thủ tục khởi kiện, tức họ không bác bỏ vụ kiện từ góc độ xem xét các lời khai hoặc bằng chứng gian lận được cung cấp.

    Đồng tình với ông Paul, cựu cố vấn đặc biệt và Tổng luật sư Hoa Kỳ Ken Starr nói nói trong phiên điều trần rằng trong số 60 trường hợp kiện gian lận phiếu bầu, thì “phần lớn” trong số đó đã bị thẩm phán bác bỏ vì lý do thủ tục thay vì nội dung phán ánh trong hồ sơ vụ kiện.

    Ông Starr cho biết thêm, các quan chức bầu cử Pennsylvania đã “vi phạm một cách rõ ràng” Hiến pháp tiểu bang trước cuộc bỏ phiếu ngày 3/11.


    Võ Thái Hà tóm lược

    Không có nhận xét nào