Uỷ ban Nhậm chức chưa công nhận ông Biden là tổng thống đắc cử
Ứng viên Đảng Dân chủ Joe Biden (trái, ảnh: Reuters) và Tổng thống Donald Trump (phải, ảnh: Shutterstock)
Ủy ban Quốc hội Hỗn hợp về Lễ nhậm chức (JCCIC) đã không thể thông qua nghị quyết công nhận ông Biden là tổng thống đắc cử do có một nửa số ủy viên bác bỏ nghị quyết này, theo The Epoch Times.
Thứ Ba (8/12), Ủy ban Quốc hội Hỗn hợp về Lễ nhậm chức (JCCIC) đã tổ chức bỏ phiếu để xác nhận ông Joe Biden là tổng thống đắc cử.
JCCIC có sáu thành viên chia đều cho hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Các ủy viên Đảng Cộng hòa bao gồm Lãnh đạo phe Đa số Thượng viện Mitch McConnell, Lãnh đạo phe Thiểu số Hạ viện Kevin McCarthy và Thượng nghị sĩ Roy Blunt. Các ủy viên Đảng Dân chủ gồm có Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, Lãnh đạo phe Đa số Hạ viện Steny Hoyer và Thượng nghị sĩ Amy Klobuchar.
Trong cuộc bỏ phiếu hôm 8/12, do cả ba ủy viên của Đảng Cộng hòa bỏ phiếu phản đối nghị quyết này nên JCCIC chưa thể công nhận ứng viên Joe Biden là tổng thống đắc cử.
Các ủy viên JCCIC của Đảng Cộng hòa nói rằng họ phản đối nghị quyết bởi vì đầu tiên phải hoàn tất các quy trình liên quan đến bầu cử, sau đó mới có thể xác nhận tổng thống đắc cử.
Thượng nghị sĩ Blunt cho biết trong một tuyên bố sau đó: “Công việc của Ủy ban Quốc hội Hỗn hợp về Lễ nhậm chức không phải là vượt trước tiến trình bầu cử và quyết định ai sẽ nhậm chức. Thách thức mà JCCIC phải đối mặt là tổ chức Lễ Nhậm chức an toàn trong [bối cảnh] đại dịch toàn cầu. Tôi hy vọng rằng trong tương lai, các thành viên của JCCIC sẽ tuân thủ truyền thống hợp tác lưỡng đảng lâu đời của Ủy ban và tập trung vào nhiệm vụ hiện tại”.
Khi trao đổi với giới truyền thông, Lãnh đạo Đa số Thượng viện, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Mitch McConnell nhấn mạnh việc Cử tri Đoàn sẽ gặp mặt để bỏ phiếu bầu tổng thống vào ngày 14/12.
Ông McConnell cho biết Cử tri Đoàn sẽ tổ chức cuộc họp vào ngày 14/12 để bỏ phiếu, sau đó buổi lễ tuyên thệ của tổng thống tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 20/1.
Sau buổi bỏ phiếu của JCCIC, Dân biểu Dân chủ Steny Hoyer đã bất bình và chỉ trích Đảng Cộng Hòa vì từ chối công nhận ông Joe Biden và bà Kamala Harris là “đã đắc cử”.
Tuy nhiên, Ủy ban Nhậm chức cũng đạt được sự đồng thuận, đó là hạn chế công chúng tham gia lễ nhậm chức tổng thống ngày 20/1 do sự bùng phát của đại dịch viêm phổi Vũ Hán.
Trong một diễn biến khác, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ hiện đang xét xử ít nhất một vụ kiện liên quan đến gian lận bầu cử.
Hôm thứ Ba (8/12), bang Texas đã đệ đơn kiện các tiểu bang chiến trường Pennsylvania, Georgia, Michigan và Wisconsin lên Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ, lý do là các nơi này đã thực hiện những thay đổi vi phạm Hiến pháp trước cuộc bầu cử năm 2020.
Hạ viện Mỹ thông qua dự luật cho phép người HK tị nạn tạm thời ở Mỹ
Ngày 7/12 vừa qua, Hạ viện Mỹ đã thông qua một dự luật trong đó ưu tiên cung cấp nơi trú ẩn tạm thời cho người Hồng Kông tại Mỹ, trước bối cảnh Bắc Kinh tăng cường việc đàn áp những người biểu tình ủng hộ dân chủ.
Cụ thể, bằng hình thức bỏ phiếu miệng (voice vote), Hạ viện Mỹ đã thông qua Đạo luật Tự do và Lựa chọn của Người dân Hồng Kông năm 2020 (Hong Kong People’s Freedom and Choice Act). Đạo luật sẽ cung cấp tình trạng bảo vệ tạm thời cho những cư dân Hồng Kông hiện đang ở Mỹ – những người lo sợ bị đàn áp nếu họ quay trở lại Hồng Kông. Quy định này cũng sẽ giúp đẩy nhanh quá trình xử lý các đơn xin tị nạn cho những người Hồng Kông chạy trốn khỏi cuộc đàn áp.
Dự luật này sẽ chờ Thượng viện Mỹ bỏ phiếu thông qua. Vấn đề này được đánh giá nhận được sự ủng hộ từ cả đảng Cộng hòa và Dân chủ.
Theo Dân biểu Tom Malinowski, một thành viên đảng Dân chủ, việc thông qua luật này sẽ gửi một thông điệp tới Bắc Kinh rằng: “Nếu các vị nghiền nát Hồng Kông, các vị sẽ mất đi những công dân tốt nhất và sáng giá nhất, những người có thể mang lại sức sống cho Hồng Kông – vì chúng tôi sẽ để họ đến Mỹ và giúp chúng tôi trở nên mạnh mẽ hơn.”
Chế độ cộng sản Trung Quốc đã làm xói mòn các quyền tự do của Hồng Kông kể từ khi họ áp đặt luật an ninh quốc gia hà khắc vào tháng 7/2020, trong đó trao quyền cho chính quyền thành phố trừng phạt những người mà Bắc Kinh cho là đã phạm các tội như ly khai và lật đổ quyền lực nhà nước.
Kể từ đó, rất nhiều các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ và nhân vật truyền thông đã bị bắt giữ. Tuần trước, nhà hoạt động nổi tiếng Joshua Wong (Hoàng Chi Phong) đã bị kết án 13,5 tháng tù khi tham gia một cuộc biểu tình gần trụ sở cảnh sát vào năm 2019.
Dân biểu French Hill cho biết: “Hôm nay khi ĐCSTQ thắt chặt sự kìm kẹp của mình đối với Hồng Kông, chúng ta phải mang đến sự ủng hộ vững chắc cho khát khao dân chủ của người dân Hồng Kông.”
Theo dự luật được đề xuất, Mỹ sẽ coi Hồng Kông tách biệt với Trung Quốc đại lục khi xét đến mục đích xin thị thực nhập cư có thời hạn 5 năm. Lập trường này đã bị chính quyền Tổng thống Donald Trump đảo ngược vào hồi đầu năm 2020 khi Tổng thống Trump quyết định bãi bỏ các ưu đãi đặc biệt dành cho Hồng Kông theo luật pháp Mỹ nhằm đáp trả các động thái của Bắc Kinh đối với thành phố này.
Dự luật cũng sẽ yêu cầu chính phủ phát triển một chiến lược với các đồng minh nhằm phối hợp các nỗ lực quốc tế trong việc cung cấp nơi ẩn náu cho những người Hồng Kông đang chạy trốn cuộc đàn áp.
Luật tương tự đã được đưa ra tại Thượng viện Mỹ vào hồi tháng 7/2020.
Công ty Việt Nam ‘lọt vào’ danh sách đen bị Mỹ trừng phạt
Mỹ hôm 8/12, đưa 6 công ty vào danh sách đen, trong đó có 1 công ty Việt Nam, cùng 4 con tàu bị cáo buộc tham gia vào việc xuất khẩu bất hợp pháp than cho Triều Tiên, vi phạm lệnh cấm của Liên Hiệp Quốc, thông tin đang trên trang tin Bộ Tài chính Mỹ.
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã ra lệnh cấm xuất khẩu than đối với Triều Tiên vào năm 2017. Cơ quan gồm 15 thành viên này nhất trí đẩy mạnh các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng kể từ năm 2006 trong nỗ lực cắt nguồn tài trợ cho các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của nước này.
Theo ông, “Chế độ Triều Tiên thường sử dụng lao động cưỡng bức từ các trại tù trong các ngành khai thác mỏ, bao gồm than đá, bóc lột người dân của mình để thúc đẩy các chương trình vũ khí bất hợp pháp”.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, nói trong một tuyên bố: “Cộng Hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, tiếp tục lách lệnh cấm của Liên Hiệp Quốc, đối với việc xuất khẩu than, một nguồn doanh thu quan trọng, giúp tài trợ cho các chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt”.
Một báo cáo thường niên do các nhà giám sát các lệnh trừng phạt độc lập gửi cho Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hồi đầu năm nay cho biết Triều Tiên tiếp tục coi nhẹ các nghị quyết của hội đồng “thông qua xuất khẩu bất hợp pháp hàng hải, đặc biệt là than và cát” vào năm 2019, và thu về cho Bình Nhưỡng hàng trăm triệu đô la.
Philippines nhận 29 triệu USD thiết bị quân sự từ Mỹ để tăng cường phòng thủ
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cho biết hôm thứ Ba, nước này đã nhận được 1,4 tỷ peso (29 triệu USD) thiết bị quân sự từ Hoa Kỳ, một phần trong nỗ lực tăng cường khả năng phòng thủ và chống khủng bố của nước này, theo Reuters
Các thiết bị bao gồm súng bắn tỉa và thiết bị chống nổ tự chế đã được Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Christopher Miller, người đang có chuyến thăm hai nước ở Đông Nam Á bàn giao trong chuyến thăm.
“Việc hiện đại hóa AFP (Lực lượng vũ trang của Philippines) sẽ cho phép chúng tôi đối phó hiệu quả hơn với các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống đối với quốc gia hàng hải như chúng tôi”, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết trong một tuyên bố.
Đến nay, Philippines là nước nhận viện trợ quân sự lớn nhất của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Nước này đã nhận được máy bay, tàu, xe bọc thép và vũ khí cỡ nhỏ trị giá 33 tỷ peso kể từ năm 2015, Đại sứ quán Mỹ tại Manila cho biết.
Chuyến đi của ông Miller diễn ra chỉ vài tuần sau khi Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien đến thăm Manila để giao số vũ khí dẫn đường chính xác trị giá 18 triệu USD.
Năm ngoái, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đảm bảo với Philippines rằng họ có đủ khả năng phòng thủ nếu bị tấn công ở Biển Đông.
Con trai tổng thống Indonesia tranh cử ghế thống đốc
Hơn 100 triệu người Indonesia, chiếm khoảng một nửa số cử tri, hôm nay sẽ đi bầu thống đốc, thị trưởng và quận trưởng mới. Đối với một quốc gia chỉ mới đi qua chế độ độc tài hơn hai thập niên trước, việc thực thi cuộc bầu cử này là một tuyên bố cho niềm tin vào hệ thống chính trị. Tuy nhiên có một xu hướng đáng lo ngại đang xuất hiện. Ngày càng có nhiều chính trị gia tìm cách thiết lập các triều đại, nổi bật nhất trong số đó là tổng thống Joko Widodo (hay còn gọi là Jokowi).
Việc ông thắng cử vào năm 2014 được ăn mừng chính vì ông không quá liên hệ với giới tinh hoa. Song kể từ đó, ông đã dọn đường cho con trai mình, Gibran Rakabuming Raka, một gương mặt chính trị mới, lên tranh cử thị trưởng Surakarta, thành phố từng giúp khởi đầu sự nghiệp cho Jokowi. Công chúng Indonesia tỏ ra thất vọng trước tình trạng con ông cháu cha trong tầng lớp chính trị nước mình. Nhưng không có ứng viên nặng ký nào sẵn sàng chống lại con trai Jokowi, đồng nghĩa ông gần như được đảm bảo chiến thắng.
Thổ Nhĩ Kỳ và thắng lợi của Azerbaijan
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm nay sẽ tới Azerbaijan để tham dự cuộc diễu hành đánh dấu chiến thắng gần đây của nước chủ nhà trước Armenia trong cuộc chiến Nagorno-Karabakh. Thổ Nhĩ Kỳ đã hỗ trợ cho Azerbaijan máy bay không người lái có vũ trang, cố vấn và hỗ trợ chính trị vô điều kiện. Và có nhiều bằng chứng vững chắc cho thấy họ cũng đã gửi đến hàng trăm lính đánh thuê Syria. Ông Erdogan có lý do để ăn mừng.
Chỉ trong hơn sáu tuần giao tranh, kết thúc bằng lệnh ngừng bắn do Nga làm trung gian, đồng minh chính trong khu vực của Thổ Nhĩ Kỳ đã giành lại phần lớn lãnh thổ bị mất vào tay Armenia trong một cuộc chiến trước đó một phần tư thế kỷ. Nhưng một khi trở về nhà, ông Erdogan phải đối phó với một cuộc phiêu lưu quân sự khác. Tại hội nghị thượng đỉnh dự kiến bắt đầu vào ngày 10 tháng 12, các lãnh đạo EU sẽ quyết định có áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Thổ Nhĩ Kỳ về hoạt động khoan của nước này tại các khu vực giàu khí đốt ở đông Địa Trung Hải mà Hy Lạp và Síp tuyên bố chủ quyền hay không. Ông Erdogan đã thắng trên đất liền. Nhưng trên biển có thể ông phải lùi lại.
Đức bắt đầu bối rối trước Covid-19
Vài tuần trước, bộ trưởng y tế Đức Jens Spahn đã khoe khoang rằng nước ông đang xử lý làn sóng coronavirus thứ hai tốt hơn hầu hết các nước khác. Hôm nay ông sẽ không lặp lại tuyên bố này. Không như các quốc gia châu Âu lớn khác, ở Đức, số ca mắc covid-19 ngày càng tăng. Số ca tử vong hàng ngày ở mức kỷ lục và một số khoa hồi sức cấp cứu đang quá tải. Trong khi các nước khác cân nhắc dỡ bỏ hạn chế, các bang của Đức đang thắt chặt hạn chế của mình. Những diễn biến đáng lo ngại này sẽ ảnh hưởng đến phần phát biểu của bà Angela Merkel trước Hạ viện sáng nay.
Mặc dù quốc hội đang chính thức triệu tập để thảo luận về ngân sách 2021 của Đức, nhưng việc xử lý đại dịch của chính phủ chắc chắn sẽ được đề cập. Trớ trêu thay, chính thủ tướng cũng nằm trong số những người chỉ trích: bà Merkel từ lâu đã lập luận rằng các lãnh đạo bang của Đức, những người có vai trò quyết định hầu hết các quy định y tế và các chính sách liên quan khác, đã tự mãn trong việc kiềm chế virus lây lan. Khi nước Đức trải qua một mùa Giáng sinh khó khăn, lời minh oan của bà khó có thể mang lại nhiều niềm an ủi.
Thủy điện xả lũ khiến 560 gia đình thiệt hại 38 tỷ đồng
Thủy điện Đắk Mi 4 (Quảng Nam) xả lũ khiến hơn 560 gia đình phía hạ du bị thiệt hại nặng nề.
Truyền thông nhà nước dẫn thông tin từ ông A Viết Sơn, Phó Chủ tịch huyện Nam Giang (Quảng Nam), cho biết thống kê ban đầu có hơn 560 gia đình bị hư hỏng nhà cửa, tài sản, hoa màu do thủy điện Đắk Mi 4 xả lũ. Tổng thiệt hại gần 38 tỷ đồng.
“Chính quyền địa phương tiếp tục thống kê thêm và tính toán để hỗ trợ. Ngày 20/12 mới có kết quả chính thức về tổng thiệt hại”, ông Sơn nói.
Trước đó hôm 28/10, do ảnh hưởng của bão số 9, tại Quảng Nam có mưa lớn. Đến 14 giờ cùng ngày, lưu lượng về hồ thủy điện Đắk Mi 4.481 m3/s, công ty phát thông báo tăng lưu lượng xả tràn đến 6.500 m3/s. Lúc 15 giờ ngày 28/10, lưu lượng về hồ đạt 7.212 m3/s, công ty thông báo tăng lưu lượng xả tràn lần 2, dự kiến đến 11.400 m3/s. Lúc 15 giờ 45, lưu lượng về hồ đạt đỉnh 15.571 m3/s, lưu lượng xả tràn 6.136 m3/s. Từ 16 giờ đến 17 giờ, công ty duy trì xả qua tràn lưu lượng 7.074 m3/s và giảm dần.
Báo chí địa phương mô tả do thủy điện xả lũ, đoạn quốc lộ 14D qua trung tâm hành chính huyện Nam Giang (cũ) đến hôm 30/10 vẫn còn ngập trong bùn non. Những vạt cây bên ta luy dương nhuộm đầy bùn. Các loại rác, củi mục vương mắc khắp nơi. Nhiều nhà bị tốc mái, xiêu vẹo, hư hỏng nặng. Có ngôi nhà dấu tích còn sót lại chỉ là vài viên gạch móng vương vãi, vài tấm ván còn sót được người dân chất thành đống.
Thống kê sơ bộ từ giới chức huyện, có 106 nhà dân ở thị trấn Thạnh Mỹ bị hư hại, 215 nhà ở xã Cà Dy bị ngập lụt, hầu như tài sản trong nhà bị trôi hết, kể cả gia súc, gia cầm, cây cối hoa màu. Nhiều hộ trắng tay. Có gia đình ở thôn Bà Dá, xã Cà Dy, tài sản duy nhất còn sót lại chỉ là một con vịt…
Sau vụ việc, công ty cổ phần Thủy điện Đắk Mi khẳng định việc xả lũ đúng quy trình. Công ty cho rằng đã tăng dần lưu lượng xả từ thấp đến cao, nước về hồ là 15.500 m3/s, thủy điện đã xả 7.000 m3/s. Nếu không, lòng hồ tích nước thì lũ còn lớn hơn.
“Sau khi huyện thống kê cụ thể, công ty sẽ có phương án hỗ trợ nhưng khả năng đến đâu thì hỗ trợ đến đó”, đại diện Công ty cổ phần Thủy điện Đắk Mi cho hay.
Võ Thái Hà tóm lược
Không có nhận xét nào