Header Ads

  • Breaking News

    Nam Đồng Thư Xã


    Trong vòng nhiều năm cho tới nay, muốn tìm hiểu về Nam Đồng thư xã, tài liệu khả tín nhất là cuốn sách này của Nhượng Tống

    (Nguyễn Thái Học (1902-1930), Việt Nam thư xã, 1945, xuất bản nhân dịp kỷ niệm 15 năm vụ Yên Bái; tác phẩm này về sau đã có vài lần tái bản)

    Trích Chương IV..Sách Nguyễn Thái Học, tác giả Nhượng Tống

    CHƯƠNG IV

    Nam Đồng Thư Xã

    Thư xã ở số 6 đường 96, bờ hồ Trúc Bạch, gần đối diện với chùa Châu Long. Nó là một nhà xuất  bản do tôi và hai anh Phạm Tuấn Lâm (Dật Công), Phạm Tuấn Tài (Mộng Tiên) lập nên vào cuối năm 1926. Nguyên hồi ấy, phong trào chính trị đương bùng bộc. Tuy vậy, trình  độ  trí thức của dân  mình còn thấp kém! Đại đa số người dân không có một chút gì là công dân giáo dục. Chúng tôi lập ra thư xã  là mong làm việc ấy. Nghĩa là dạy cho người ta biết thương đồng bào, biết yêu Tổ Quốc, biết thế nào là nghĩa vụ và quyền lợi của một người công dân. Sau nữa, giúp cho ai nấy có đôi  chút thường thức  về  các khoa chính trị, như kinh tế học, xã hội học, các hiến pháp,  các chủ nghĩa. Tất cả công việc ấy sẽ  làm bằng cách xuất bản và phát hành các sách. Sách chúng tôi bán rất rẻ, chỉ mỗi cuốn một, hai hào mà thôi! Sách hồi ấy còn được xuất bản tự do, không phải kiểm duyệt trước như các báo. Những bài bị xóa ở các báo, có thể đem in thành sách. Cố nhiên là có thể bị cấm. Nhưng, với cái gọi là “chậm trễ hành chính” của nhà cầm quyền Pháp, khi họ ra được cái nghị định cấm thì sách mình đã bán hết rồi!

    Thế nhưng “đạo cao năm thước, thì ma cao một trượng!” Thấy sách chúng tôi vẫn bị cấm mà vẫn   ra, bọn mật thám liền bắt buộc các chủ nhà in, bao nhiêu sách xuất bản phải đưa chúng xem trước! Vì thế, có cuốn sách sớm vừa ở nhà in lấy ra thì chiều đã có nghị định cấm, và có người đi thu sách, tịch biên sách! Rồi, hơn năm sau, Toàn Quyền ra nghị định bắt buộc các sách cũng phải đưa kiểm duyệt trước như các báo! Thế là ô hô, đi đời cái quyền ngôn luận của dân ta!

    Anh Học khi ấy học trong trường Cao Đẳng Thương Mại. Với các anh em Cao Đẳng, bọn “Nam Đồng Thư Xã” chúng tôi thường liên lạc để làm các việc tuyên truyền, hợp với mục đích của chúng tôi. Ví dụ như truy điệu cụ Phan Tây Hồ, truy điệu cụ Lương Văn Can, mở các lớp dạy cho  anh em  lao động học biết chữ Quốc Ngữ(1). Vì thế chúng tôi quen với anh Học, và sự đi lại mỗi ngày một thêm  thân. Đến cuối năm 1927, thì Anh cùng anh Mịch lên ở hẳn với chúng tôi. Chúng tôi đã trở nên những người bạn “đồng xu cuối cùng”. Nghĩa là “còn cùng ăn, hết cùng nhịn!”

    (1) Các lớp dạy này, mở tại các trường tư trong các đô hội như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định. Học sinh được phụ cấp bút, giấy. Sau bị nhà cầm quyền Pháp cấm chỉ.

    Sở dĩ nói cuốn sách khả tín là vì tác giả là Nhượng Tống, vừa là thành viên sáng lập Nam Đồng thư xã vừa là thành viên sáng lập Việt Nam Quốc Dân Đảng (trong khi đó, Nguyễn Thái Học không phải thành viên sáng lập Nam Đồng thư xã).

    Chương IV cuốn sách mang tên "Nam Đồng thư xã" cho biết Nam Đồng thư xã "lập nên vào cuối năm 1926", vì "trình độ trí thức của dân mình còn thấp kém quá! Đại đa số người dân không có một chút gì là công dân giáo dục", thế nên tôn chỉ của Nam Đồng thư xã là "dậy cho người ta biết thương đồng bào, biết yêu Tổ quốc, biết thế nào là quyền lợi và nghĩa vụ của một người công dân. Sau nữa, giúp cho ai nấy có đôi chút thường thức về các khoa chính trị, như kinh tế học, xã hội học, các hiến pháp, các chủ nghĩa".

    Cái dở là Nhượng Tống không nói rõ Nam Đồng thư xã từng in những sách gì. Sau này hình như cũng chưa có một ai, một công trình nghiên cứu nào làm cái công việc là liệt kê đầu sách của Nam Đồng thư xã.

    Nam Đồng thư xã chắc chắn không in nhiều sách, tất cả sách của Nam Đồng thư xã đều rất mỏng. Thực chất, Nam Đồng thư xã chỉ tồn tại từ cuối năm 1926 cho tới cuối năm 1927, thời điểm thành lập Việt Nam Quốc dân đảng. Nam Đồng thư xã dường như cũng không hẳn là một nhà xuất bản đúng nghĩa, in ấn ở nhiều nơi (ví dụ Trưng Vương. Thế giới đệ nhất nữ anh hùng của Nhượng Tống in tại Kim Khuê ấn quán hay bộ Tân Hán in ở Long Quang ấn quán); có lẽ các sách có dòng "Nam Đồng thư xã" khi chúng có sự tham gia của các thành viên trong nhóm hoặc những người gần gũi.

    Ở "bên rìa" của Nam Đồng thư xã còn phải tính đến một số tác phẩm của Nhượng Tống có niên đại trong khoảng 1926-1928, ví dụ như bộ Gương ái quốc (hai tập) về Phan Chu Trinh in năm 1926, đề "Minh Trân xuất bản xã", in tại nhà in Chân Phương (đặc biệt trong sách thông báo sẽ in bộ Tiểu truyện và học thuyết Tôn Văn có lẽ chính là Tiểu sử và học thuyết Tôn Dật Tiên của Nam Đồng thư xã sau này - mấy bộ về Tôn Dật Tiên này tôi còn chưa nhìn thấy tận mắt); hoặc nữa, bản dịch Dưới hoa (tức Ngọc Lê Hồn của Từ Chẩm Á), in tại Long Quang ấn quán và còn liên quan đến một "cơ sở xuất bản" nữa là "Trúc Khê thư cục".

    Còn đây là một tác phẩm của Trần Huy Liệu thuộc hệ thống Nam Đồng thư xã, in năm 1927, đây cũng chính là format bìa sách đặc trưng của Nam Đồng thư xã (lưu ý: sách in ở Sài Gòn):


    Cuốn Một bầu tâm sự này có một hậu thân cũng dài dòng:

    Phan Khôi, trên tờ Đông Pháp thời báo số 714 (1/5/1928) viết bài "Mấy cái quái trong sách và báo ta" chỉ trích Một bầu tâm sự của Trần Huy Liệu ở quan niệm cho rằng Gia Long từng sai hoàng tử Cảnh đi cầu cứu nước Pháp để đánh nhau với Tây Sơn và đã được Pháp giúp người và vũ khí.

    Rồi sau đó là vài bài nữa trên báo đôi co giữa Trần Huy Liệu và Phan Khôi (và như nhiều lần khác, Phan Khôi lại thắng thế).

    Danh mục ấn phẩm đã xuất bản của Nam Đồng Thư Xã

    - Gương thiếu niên: thứ I, II, III, IV, V - Dật Công, Mộng Tiên (Phạm Tuấn Tài, Phạm Tuấn Lâm) dịch (1926-1927 - 5 fasc. 73 p. ; 0$10 mỗi cuốn)
    - Sóng hồ Ba Bể - Thuần Phong Phạm Bùi Cầm (1926 - 2 fasc. 147p. ; 0$50) (Impr. Nguyên Hàn)
    - Tiểu sử và học thuyết Tôn Dật Tiên (1927, In lần thứ 2 - 34 p. ; 0$10)
    - Tiểu sử và học thuyết Tôn Dật Tiên (1928, In lần thứ 3 - 30 p. ; 0$10)
    - Tân Hán: thứ I, II, III, IV - Thạch Bằng dịch (1926 - 4 fasc. 97 p. ; 0$10 mỗi cuốn), truyện cách mạng nước Tàu (Long Quang ấn quán)
    - Gương thành bại (sách bị cấm không được bán ở địa hạt Bắc Kỳ)
    - Trưng Vương, cuốn thứ I, II - Nhượng Tống (1927 - 2 fasc. 39 p. 70 p. ; 0$10 mỗi cuốn), thế giới đệ nhất nữ anh hùng (Kim Khuê ấn quán)
    - Một bầu tâm sự - Trần Huy Liệu (1927 - 41 p. ; 0$30) (Impr Bảo Tồn)

    http://nhilinhblog.blogspot.com/2015/01/nam-dong-thu-xa.html

    Không có nhận xét nào