Header Ads

  • Breaking News

    Đỗ Ngà – Khi xã hội thiếu vắng lòng trung thực

    Trung thực sinh ra lòng tin. Một xã hội mà con người trung thực với nhau ắt ở xã hội đó, con người tin tưởng lẫn nhau. Không phải ngẫu nhiên mà Thái Lan có một xã hội yên bình hơn Việt Nam gấp bội, nạn cướp giật, mất cắp vắng bóng dù rằng họ đi trước ta về kinh tế không xa lắm, nhưng về con người họ hơn ta một khoảng cách xa vời vợi.

    Trung thực thì tất sinh ra những doanh nghiệp chân chính, có trung thực tất nhiên doanh nghiệp xây dựng thương hiệu và phát triển bền vững. Từ sự bền vững của nhiều doanh nghiệp, tất nó xây nên sự bền vững cho một nền kinh tế. Đó là cái cách mà người Nhật đã xây dựng nên xã hội và nền kinh tế cho đất nước họ.

    Trung thực khác với thật thà, trung thực là không được dùng giả dối đánh lừa kẻ khác hay che đậy bản bản thân, nhưng có quyền im lặng không nói điều không nên nói. Tức trong người trung thực hó chữ “trí” bên trong họ. Còn thật thà là cũng chỉ nói thật không nói dối, nhưng là nói thật không biết chọn lọc nên nói “tuốt tuồn tuột”. Vậy nên trong thật thà nó có sự vô minh. Một xã hội văn minh, giáo dục luôn hướng con người đến lòng trung thực chứ không ai nhắm tới sự thật thà cả.

    Trong điều thứ 5 của “5 Điều Bác Hồ Dạy”, ông Hồ Chí Minh đã dạy lớp trẻ là phải “thật thà, dũng cảm”. Vâng! Con người thật thà tự trong nó chứa sự vô minh, mà lòng dũng cảm được xây dựng dựa trên nền tảng vô minh thì sinh ra phá hoại. Phá hoại cho bản thân và phá hoại cho xã hội.

    Ngày nay, xã hội Việt Nam tồn tại 3 mẫu người cơ bản: Mẫu thứ nhất là những con người thật thà, những người này chịu đủ thứ thiệt thòi trong xã hội. Họ là những người chân chất, nghèo khổ và thường ở dưới đáy xã hội; Mẫu thứ nhì là giả đối, sự giả dối đẩy lên cấp độ cao hơn là gian manh. Đây là thành phần chiếm một tỷ lệ lớn trong xã hội, chính nó xây dựng nên nét đặc thù của xã hội Việt Nam hiện nay. Từ đó nó tạo nên một xã hội bất an cho mọi người, lòng tin xã hội biến mất và con người sống phải dè chừng nhau rất mệt mỏi; Mẫu thứ ba là trung thực, thành phần này chiếm tỷ lệ rất ít và so với thành phần thứ nhì, có thể ví như muối bỏ biển. Những con người này không thể làm cho xã hội Việt Nam nó trở nên nhân bản như Thái Lan đang có được. Đặc tính xã hội là đặc tính của mẫu người chiếm số đông trong xã hội đó.

    Nền giáo dục XHCN chỉ tạo ra 2 mẫu người, đó là hoặc thật thà hoặc giả dối chứ không tạo ra con người trung thực. Hầu hết những con người trung thực, tự họ thoát khỏi cái vỏ ốc giáo dục XHCN và tự đi tìm những giá trị khác để xây dựng nên con người họ.

    Đối với xã hội Việt Nam, thì có thể nói người trung thực bị buộc phải đứng ngoài cuộc chơi vì họ là số ít. Trong cuộc, người gian manh ra tay hãm hại người thật thà nó tạo nên một xã hội oan khuất ngất trời mà không cách nào vãn hội được. Khi người thật thà bị kẻ gian manh đẩy đến đường cùng thì có thể họ sẽ phải đổi màu thành gian manh để tồn tại. Vậy nên ở Việt Nam, rất nhiều người trước đó là thật thà sau đó trở thành kẻ gian manh. Xã hội sẽ dạy nên nhân cách con người họ, và khi người thật thà cứ biến thành kẻ gian chứ không có chiều ngược lại thì đạo đức xã hội ngày càng xuống cấp.

    Vì sao con người Việt Nam không đoàn kết? Vì họ thiếu tính trung thực. Khi lòng trung thực biến mất, tất con người sinh nghi kị. Mà sinh nghi kị thì chỉ có thể dùng sức mạnh chèn ép bắt buộc người khác nghe theo chứ không thể dựa trên lòng tin để kết hợp với nhau được. Như vậy, đã không có lòng trung thực thì tất độc tài nảy nở và phát triển. Với người Việt những kẻ ngang hàng thường không đứng chung trong một tổ chức được, vì thiếu lòng tin mà không điều khiển được nhau nên họ quay qua chỉ trích nhau, đấu tố nhau vì không ai chịu nhường nhịn ai và từ đó tổ chức hoặc rã đám, hoặc không lớn mạnh.

    Hôm nay, ngày 08/12/2020 trên báo CafeF có bài viết “Vì sao doanh nghiệp Việt thường yếu thế, khó cạnh tranh với các "cá mập" ngoại ngay trên sân nhà?” đã đưa ra một thực tế phũ phàng, các doanh nghiệp Việt không ai chịu thua ai vì khi đứng trong cùng group ai cũng muốn mình làm vua rồi cuối cùng, sự hợp tác đi đến tan rã. Vì sao thế? Họ có lòng trung thực đâu?! Lòng trung thực đòi hỏi phải có từ 2 bên, nên nếu A trung thực mà B thì không thì làm sao họ kết nối nhau để tìm đến kết quả win-win?

    Trong hoạt động chính trị của người Việt cũng vậy, tổ chức chính trị hoặc không lớn nổi hoặc tự rã đám vì thiếu lòng tin. Mà lòng tin nó được sinh ra trên nền tảng lòng trung thực. Đó là cái yếu điểm cố hữu của người Việt, nó chính là di chứng từ nền giáo dục XHCN mà ông Hồ và ĐCS đã dựng nên mà ngay cả khi người ta nhận thức được tự do dân chủ vẫn không thoát được nó.

    -Đỗ Ngà-

    Tham khảo:

    https://cafef.vn/chu-tich-pham-nhat-vuong-cai-toi-cua-cac...

    https://www.facebook.com/permalink.php

    Không có nhận xét nào