Header Ads

  • Breaking News

    “Phút Cuối” của nhạc sĩ Lam Phương

    Vào lúc 6:07pm ngày 22 tháng 12, 2020 tại thành phố Fountain Valley, California. Nhạc sĩ Lam Phương tên thật là Lâm Đình Phùng, sinh ngày 20 tháng 3 năm 1937. Ông là một trong những người tiên phong của tân nhạc miền Nam với gia tài sáng tác gồm hơn 200 tác phẩm trải rộng trong nhiều đề tài như thân phận con người, thăng trầm đổi thay của mệnh nước, ca ngợi quê hương, tình mẫu tử, tình lính và tình yêu. Nổi danh từ năm 17 tuổi với 2 sáng tác Chuyến Đò Vĩ Tuyến và sau đó là Kiếp Nghèo, Lam Phương là 1 trong những tác giả có sức ảnh hưởng và được yêu mến nhất với vô số những tác phẩm nổi tiếng như Thành Phố Buồn, Duyên Kiếp, Tình Bơ Vơ, Đèn Khuya, Nắng Đẹp Miền Nam, Khúc Ca Ngày Mùa, Tình Anh Lính Chiến, Đoàn Người Lữ Thứ, Biển Tình, Lầm, Say, Bài Tango Cho Em, Mùa Thu Yêu Đương, Tình Vẫn Chưa Yên… Dòng nhạc Lam Phương có sức lan toả rộng rãi tới khắp mọi tầng lớp trong xã hội, được thuộc nằm lòng và yêu chuộng qua nhiều thế hệ cho đến tận bây giờ. Cuộc đời đầy thăng trầm biến động của người nhạc sĩ tài hoa đã khép lại. Sự ra đi của ông là 1 mất mát to lớn cho nền nghệ thuật Việt Nam. Trung tâm Thuý Nga cùng toàn thể các ca nghệ sĩ xin tri ân nhạc sĩ Lam Phương cho tất cả những đóng góp của ông, và thành kính phân ưu cùng tang quyến. Cầu mong nhạc sĩ yên nghỉ nơi cõi lành. “Nắng xuyên qua lá, hạt sương lìa cành Đời mong manh quá, kể chi chuyện mình Nắng buồn cuộc tình, bỗng tắt bình minh…”


    NHẠC SĨ LAM PHƯƠNG

    1937 – 2020

    Trăm Nhớ Ngàn Thương… Một vì sao sáng trên bầu trời nghệ thuật đã vừa vụt tắt. Một trong những tên tuổi lớn nhất của âm nhạc Việt Nam đã vĩnh viễn ra đi. Nhạc sĩ Lam Phương vừa trút hơi thở cuối cùng
    Phút Cuối có thể xem là một trong những ca khúc buồn và nổi tiếng nhất của dòng nhạc vàng, được nhạc sĩ Lam Phương viết cho cuộc tình oan trái của ông với người tình là ca sĩ Hạnh Dung.

    Trương Đình Tuấn

    Trong cuộc đời tài hoa của mình, nhạc sĩ Lam Phương đã trải qua rất nhiều cuộc tình. Với mỗi cuộc tình, ông lại có nhiều xúc cảm để sáng tác thành những ca khúc bất tử, và trong gia tài âm nhạc đồ sộ của mình, có đến quá nửa số ca khúc nổi tiếng được ông viết về tình yêu, dựa theo những cảm xúc có thật từ những chuyện tình đã xảy ra trong đời mình. Một trong số đó là bài Phút Cuối:

    Chỉ còn gần em một giây phút thôi
    Một giây nữa thôi là xa nhau rồi
    Nguời theo cánh chim về vui với đời
    Để lại thương nhớ cho kiếp đơn côi

    Trong giây phút cuối tạ từ, người ở lại bao giờ cũng buồn hơn kẻ ra đi, vì cảnh cũ còn đó mà mai đây người yêu nhỏ sẽ như là cánh chim vút bay về phương trời khác. “Chỉ còn gần em một giây phút thôi”, rồi mỗi người mỗi ngả, ai còn nhớ, rồi ai sẽ quên?

    Giây phút cuối cùng bên nhau không biết nói lời gì, chỉ có lời ca tiếng nhạc này mới tỏ bày được nỗi luyến tiếc những ngày bên nhau với tan tác mảnh vỡ của cõi lòng đau xót.

    “Người theo cánh chim về vui với đời” – Thật đau lòng khi chia xa nhau nhưng vẫn thầm mong người quên được chuyện tình buồn hiện tại để có thể “về vui với đời”, để lại những thương nhớ này dành riêng cho người ở lại, như cánh chim lẻ bạn sống “kiếp đơn côi”.

    Núi đồi lồng lộng chiều mưa nhớ ai
    Biển xanh vẫn xanh nguời đi sao đành
    Để trong giấc mơ hồn anh thẫn thờ
    Em ơi bao giờ mới được gần nhau

    Còn đây núi đồi lồng lộng, nỗi buồn phủ kín với cơn mưa chiều giăng từng sợi thương sợi nhớ. Biển vô tư xanh vẫn xanh màu thương yêu, mà “người đi sao đành”? Người nghe nhạc cảm được cung sầu thương luyến tiếc day dứt từng lời tha thiết cho người yêu sắp phải rời xa.

    Biển xanh vẫn còn đó, kỷ niệm vẫn còn đây mà người sao nỡ ra đi, “để trong giấc mơ hồn anh thẫn thờ”, vì đã đánh mất đi những ngày yêu đương hoa mộng cũ, và xót xa khi nghĩ đến mai này biết bao giờ mình mới được gần nhau. Được bên nhau sống lại những ngày yêu thương cũ có chăng chỉ có trong những giấc mộng êm đềm mà thôi…

    Biết chi một đêm tha thiết chi một đêm rồi xa nhau nghìn trùng
    Lệ này cho em hay lệ này cho anh khi mộng ước không thành
    Ngày buồn còn bao lâu hay muôn đời nuối tiếc đêm cuối cùng bên nhau.

    Bên nhau chi một đêm cuối cùng để rồi mai đây xa nhau nghìn trùng, thiết tha quyến luyến chi lắm rồi cũng xa nhau mãi mãi. Cuộc đời vui đó rồi buồn đó, mới ấm êm hạnh phúc lại chua xót thương đau. Khi mất nhau mới thẫn thờ như đánh mất nửa hồn mình, rồi xót xa tiếc nuối trách sao ông trời sinh chi cảnh hợp tan dâu bể: “Chẳng thà không biết thì thôi. Biết rồi mỗi đứa mỗi nơi thêm buồn”

    “Lệ này cho em hay lệ này cho anh”? Dù là cho ai thì cũng đều là những giọt khóc cho mộng ước không thành. Ngày vui nắng ấm bên nhau ngắn ngủi xuân nồng và ngày buồn xa nhau thì dài rét mướt sầu đông. Chỉ còn gần nhau phút cuối này thôi để mai sau “muôn đời nuối tiếc đêm cuối cùng bên nhau”, muôn đời day dứt không nguôi.

    Biết em sẽ buồn vì thuyền anh không rời bến
    Biết em sẽ buồn vì mình chẳng có ngày mai…

    Nhạc sĩ Lam Phương đã gửi gắm tâm sự của mình vào câu “thuyền anh không rời bến”, là bởi vì ông không thể rời bỏ mái ấm gia đình của mình để theo người tình, theo cuộc tình oan trái đến sau với đầy phong ba hệ lụy. Vì cả hai đều biết rằng nếu không rời bỏ nhau thì đôi người sẽ “chẳng có ngày mai” êm đẹp yên bình.

    Nếu ngày nào tình ta đã phai
    Ngày vui của em cùng ai trên đời
    Là hôm tiễn anh về nơi cuối trời
    Em ơi bao giờ nhớ thương này nguôi…

    Nếu ngày nào hương kỷ niệm đã nhạt, ân tình cũ đã phai. Ngày em lên xe hoa vui bước bên chồng là ngày “tiễn anh về nơi cuối trời”. Là nơi cuối trời yêu dấu, cuối trời kỷ niệm tháng ngày hoa mộng bên nhau có “núi đồi lồng lộng” gió reo nghìn lá hát vi vu, có “biển xanh vẫn xanh” bờ im sóng vỗ muôn đời biết đến bao giờ cho nguôi thương nhớ.

    Bóng hồng trong ca khúc này là ca sĩ Hạnh Dung, và ngày cô lên xe hoa theo chồng, nhạc sĩ Lam Phương cũng đã viết “trốn phong ba em làm dâu nhà người” trong ca khúc Thành Phố Buồn, như là để kết thúc một cuộc tình buồn thương.

    Về hoàn cảnh sáng tác của ca khúc này, trong một bài viết, nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn kể rằng vào khoảng đầu thập niên 1970, trong một lần nhạc sĩ Lam Phương theo Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương ra công tác ngoài Côn Đảo, đi cùng trong đoàn là ca sĩ Hạnh Dung. Đêm cuối cùng mọi người gặp nhau họp mặt liên hoan để tiễn chân các cô ca sĩ sáng hôm sau về Sài Gòn trước, nhạc sĩ Lam Phương phải tạm biệt Hạnh Dung vì ông phải tạm nán lại Côn Đảo trong vài hôm. Dù chỉ là một cuộc tạm chia tay, nhưng cũng để lại một nỗi buồn lồng lộng, thành niềm cảm hứng để nhạc sĩ viết thành một ca khúc thật buồn, như là sẽ chia tay vĩnh viễn không gặp lại lần nào nữa.

    Mời các bạn nghe lại ca khúc này qua giọng hát tuyệt vời của ca sĩ Tuý Hồng (cũng chính là vợ của nhạc sĩ Lam Phương) song ca cùng với Diên An trước 1975 sau đây:

    nguồn: https://nhacxua.vn/noi-niem-tuyet-vong-trong-bai-phut-cuoi-cua-nhac-si-lam-phuong-chi-con-gan-em-mot-giay-phut-thoi/

    https://saigonthapcam

    Không có nhận xét nào