Header Ads

  • Breaking News

    Tóm lược tình hình Biển Đông

    Trung Quốc và Malaysia đối đầu quanh hoạt động thăm dò dầu khí của Malaysia
    Tóm lược tình hình Biển Đông

    I- BIỂN ĐÔNG QUA BẢN ĐỒ AIS

    Lực lượng Hải cảnh Trung Quốc (CCG) và Hải quân Hoàng gia Malaysia (RMN) đang tham gia vào một cuộc đối đầu về thăm dò hydrocacbon ở Biển Đông. Vào ngày 19/11/2020, tàu Hải cảnh Trung Quốc 5402 quấy rối một giàn khoan và các tàu tiếp tế của Malaysia hoạt động chỉ cách bang Sarawak của Malaysia 44 hải lý. Malaysia đã triển khai một tàu hải quân để đáp trả, tàu này tiếp tục bám đuôi tàu 5402. Vụ việc dường như đã xảy ra sau hai tuần gia tăng căng thẳng giữa CCG và RMN trong khu vực, theo phân tích dữ liệu AIS từ Marine Traffic và hình ảnh vệ tinh từ Planet Labs của AMTI.

    Theo dữ liệu AIS của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông, ngày 24/11/2020, hải quân Malaysia đưa tàu tuần tra cỡ lớn KD Keris đi theo giám sát hoạt động của tàu chấp pháp Trung Quốc. Tàu tuần tra KD Keris dài 69 mét, lượng choán nước 700 tấn, tốc độ tối đa 24 hải lý/giờ được đóng bởi Tập đoàn Đóng tàu Quốc gia Trung Quốc và đưa vào vận hành từ năm 2020.


    Hải cảnh 5204 tiếp tục áp sát các lô dầu/khí của Việt Nam

    Trong tuần 22-29/11/2020, Hải cảnh 5204 thực hiện 02 lần tiếp cận khu vực Lô 06.1 và Lô 05.2 trong các ngày 24 và 27/11. Khoảng cách gần nhất đến giàn khai thác tại mỏ khí Lan Tây khoảng hơn 2 hải lý; đến giếng 05-2-B-1X khoảng 4 hải lý (ngày 24/11) và hơn 2 hải lý (ngày 27/11/2020). Trong lần tiếp cận ngày 27/11, Hải cảnh 5204 đã di chuyển qua khu vực Lô 05.2 trước khi qua Lô 06.1 (di chuyển ngược chiều kim đồng hồ) trong khi các lần trước đó thường di chuyển theo chiều kim đồng hồ.

    II- CHUYỂN ĐỘNG ĐÔNG NAM Á

    Hải quân Indonesia di chuyển Bộ chỉ huy của Đội tác chiến đến Quần đảo Natuna

    Tham mưu trưởng hải quân Indonesia, Đô đốc Yudo Margono cho biết họ sẽ chuyển trụ sở chỉ huy của Nhóm tác chiến Guspurla Koarmada I đến quần đảo Natuna để bảo vệ các lợi ích quốc gia của Jakarta ở Biển Đông, trong bối cảnh tàu đánh cá Trung Quốc và Việt Nam xâm phạm vùng biển quốc gia. Ông Margono cho biết việc đặt lại trụ sở của lực lượng tác chiến Guspurla tại quần đảo Natuna sẽ cho phép lực lượng này phản ứng nhanh hơn với các sự cố trên biển, so với vị trí hiện tại ở Jakarta.

    Bộ trưởng Quốc phòng Philippines: Một ASEAN thống nhất có thể ngăn cản xung đột ở Biển Đông

    Căng thẳng ở Biển Đông sẽ gia tăng do sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc nhưng có thể được kiềm chế, nếu các nước Đông Nam Á có lập trường thống nhất để có thể tác động lên hiện trạng, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana nói tại một diễn đàn an ninh do Viện Stratbase ADR tổ chức. Ông Lorenza lo ngại Philippines sẽ bị kéo vào nếu cuộc xung đột Mỹ – Trung thực sự xảy ra ở Biển Đông, dù Philippines có muốn hay không.

    Foxconn chuyển một số khâu sản xuất cho Apple sang Việt Nam để giảm thiểu rủi ro từ Trung Quốc

    Foxconn đang chuyển một số khâu lắp ráp iPad và MacBook sang Việt Nam từ Trung Quốc theo yêu cầu của Apple trong bối cảnh công ty Mỹ đa dạng hóa sản xuất để giảm thiểu tác động của chiến tranh thương mại Trung-Mỹ, một người am hiểu về kế hoạch này cho biết.

    Takashimaya theo đuổi định danh mới là nhà phát triển, bắt đầu tại Việt Nam

    Cách trung tâm Hà Nội khoảng 6 km, trung tâm đô thị mới Starlake đang được triển khai. Takashimaya đang đầu tư 1,3 tỷ Yên (12,5 triệu USD) vào việc xây dựng và vận hành một trường K-12 ở đó với sự hợp tác của Tổ chức Giáo dục Quốc tế Edufit, một nhà điều hành trường học Việt Nam. Dự án này đánh dấu việc công ty chuyển sang phát triển bất động sản ở nước ngoài như động lực tăng trưởng tiếp theo của công ty.

    III- QUAN HỆ TRUNG QUỐC – EU

    Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc: Trung Quốc và châu Âu cần tăng cường hợp tác chiến lược

    Hôm thứ Hai ngày 23/11/2020, Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã có cuộc điện đàm với Josep Borrell, đại diện cấp cao của EU về các vấn đề đối ngoại và chính sách an ninh. Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trong cuộc điện đàm, ông Vương Nghị nói rằng Trung Quốc và Liên minh Châu Âu (EU) cần tăng cường hợp tác chiến lược và đóng vai trò xây dựng trong việc đối phó với các thách thức toàn cầu.

    Ông Vương cũng cho rằng hai bên cần tăng cường liên kết chiến lược, cùng nhau xây dựng một nền kinh tế thế giới mở, cung cấp môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch và không phân biệt đối xử, và tiếp thêm năng lượng tích cực cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu, phản đối chủ nghĩa bảo hộ.

    Ông Vương nói việc EU duy trì quyền tự chủ chiến lược không chỉ phục vụ lợi ích cơ bản và lâu dài của châu Âu, mà còn đáp ứng kỳ vọng chung của cộng đồng quốc tế, ông Vương nói thêm rằng quyền tự chủ chiến lược là đặc tính cần thiết để duy trì độc lập với tư cách là một cực của thế giới.

    EU: Cuộc điện đàm là cơ hội thực hiện cam kết đã đạt được giữa hai bên

    Theo Thông cáo báo chí của Liên minh châu Âu, cuộc điện đàm là một cơ hội để đánh giá tổng thể việc thực hiện các cam kết đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc ngày 22/6/2020 và hội nghị trực tuyến EU-Trung Quốc vào ngày 14/9/2020. Ông Josep Borell nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện nội dung đã được các nhà lãnh đạo nhất trí, bao gồm cả việc đạt được tiến bộ đáng kể trên các khía cạnh nổi bật của đàm phán Hiệp định Toàn diện về Đầu tư, cụ thể là trong các lĩnh vực tiếp cận thị trường và phát triển bền vững. Josep Borrell nhấn mạnh tầm quan trọng của tiến độ trong các cuộc đàm phán này đối với mối quan hệ chung giữa EU và Trung Quốc.

    Ông Borell bày tỏ quan ngại về những diễn biến mới nhất ở Hồng Kông, nhắc lại lập trường của Liên minh châu Âu và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Trung Quốc phải tôn trọng quyền tự trị của Hồng Kông theo nguyên tắc “Một quốc gia, hai hệ thống”.

    Ông Borell cũng cho phía Trung Quốc biết về việc khởi động Đối thoại song phương EU – Mỹ về Trung Quốc vào tháng 10. Ông nhấn mạnh rằng Liên minh châu Âu sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách Trung Quốc dựa trên lợi ích và giá trị của EU. EU vẫn cam kết xây dựng mối quan hệ toàn diện với Trung Quốc, có tính đến lợi ích và giá trị của EU, đồng thời dựa trên cam kết và có đi có lại.

    Điện đàm giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Đức Angela Merkel

    Chủ tịch Tập Cận Bình đã thúc giục Đức và châu Âu “mở cửa cho các công ty Trung Quốc” và cam kết sẽ đạt được một thỏa thuận trong năm nay để các doanh nghiệp châu Âu tiếp cận thị trường nhiều hơn ở Trung Quốc.

    Cuộc điện đàm diễn ra vài giờ sau khi các nhà lãnh đạo EU cam kết xây dựng lại liên minh xuyên Đại Tây Dương trong một cuộc điện đàm với ông Joe Biden, người được nhiều hãng truyền thông xác định đắc cử Tổng thống Mỹ. Liên minh châu Âu hiện đang có kế hoạch hạn chế mới đối với các đại gia quốc doanh Trung Quốc.

    “Trung Quốc và EU nên cố gắng tôn trọng lẫn nhau và nắm bắt các chủ đề chính của đối thoại và hợp tác cùng có lợi,” ông Tập nói.

    Trong cuộc thảo luận, ông Tập cũng nói với bà Merkel rằng Bắc Kinh muốn ký kết một thỏa thuận đầu tư đang được đàm phán với EU trong năm nay. Ông cho biết sự phát triển kinh tế của Trung Quốc sẽ có lợi cho Đức, nhà đầu tư lớn nhất của EU tại Trung Quốc.

    Bà Merkel cho biết bà hy vọng sẽ “nỗ lực hơn nữa” để ký kết thỏa thuận đầu tư giữa EU và Trung Quốc.

    IV- CHUYỂN ĐỘNG TRUNG QUỐC

    Tờ China Daily trả hàng triệu USD để truyền bá tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc trên các phương tiện truyền thông Hoa Kỳ

    Vào tháng 6 năm nay, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ nhận được một báo cáo tài chính từ China Daily, trong đó cho thấy trong ba năm rưỡi qua, China Daily đã trả tổng cộng gần 19 triệu USD chi phí quảng cáo và in ấn cho các phương tiện truyền thông khác của Hoa Kỳ. Từ tháng 5 đến tháng 10 năm nay, China Daily đã chi hơn 4,4 triệu USD cho in ấn, phân phối, quảng cáo và quản trị. Trong số tiền được thanh toán, hơn 85.000 đô la Mỹ đã được chi cho việc quảng cáo với The Wall Street Journal, 34.000 đô la Mỹ đã được chi cho Los Angeles Times; và 100.000 đô la Mỹ đã được trả cho việc quảng cáo trên Foreign Affairs. Ngoài phí quảng cáo, China Daily còn trả chi phí in ấn cao cho nhiều tờ báo, bao gồm 110.000 đô la cho Los Angeles Times, 92.000 đô la cho The Houston Chronicle và 76.000 đô la cho The Boston Globe. Từ cuối năm 2016 đến tháng 10 năm 2019, China Daily đã trả cho The Washington Post hơn 4,6 triệu đô la. China Daily đã trả tiền để mở một chuyên mục “China Watch” trên các trang bên trong của hai tờ báo để đăng các bài bình luận về kinh tế, văn hóa và địa chính trị của Trung Quốc. Wall Street Journal có một trang web mà China Daily tài trợ.

    Vào tháng 2 năm nay, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã liệt kê China Daily, Tân Hoa Xã, Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc, Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc và ấn bản nước ngoài của People’s Daily là “đặc vụ nước ngoài” vì Trung Quốc có quyền kiểm soát trực tiếp đối với họ và họ là một phần của bộ máy tuyên truyền của ĐCSTQ.

    Trung Quốc nói cam kết mở rộng mạng lưới khu vực thương mại tự do toàn cầu

    Theo Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh nỗ lực mở rộng mạng lưới khu vực thương mại tự do trên toàn thế giới để mở rộng “vòng tròn bạn bè”. Sau khi ký RCEP, Trung Quốc sẽ chứng kiến hiệp định thương mại tự do Trung Quốc-Campuchia có hiệu lực sớm và đẩy nhanh các cuộc đàm phán hiệp ước đầu tư với Liên minh châu Âu. Ông Chung cũng kêu gọi nỗ lực nâng cấp các hiệp ước thương mại hiện có với ASEAN, Singapore, Hàn Quốc và New Zealand, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán thỏa thuận thương mại tự do Trung Quốc-Nhật Bản-Hàn Quốc, Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh, Trung Quốc-Na Uy và Trung Quốc-Israel.

    Tàu đổ bộ tấn công mới của Trung Quốc tiến vào Biển Đông

    Chiếc đầu tiên loại Type 075 mang theo máy bay trực thăng gần đây đã bắt đầu đợt thử nghiệm thứ hai trên biển — lần này là ở Biển Đông. Hình ảnh vệ tinh chụp được Type 075 ở vùng biển gần Ngô Xuyên vào ngày 3/11 và neo đậu tại Căn cứ Hải quân Ngọc Lâm vào ngày 12 tháng 11. Hình ảnh sau đó từ ngày 17/11 cho thấy Type 075 đã tham gia cùng một nhóm hỗ trợ gồm ít nhất 5 tàu. Tàu đổ bộ tấn công Type 075 được coi là một phần then chốt trong kế hoạch hiện đại hoá hải quân của Trung Quốc. Không chỉ nâng cao đáng kể khả năng vận chuyển, đổ bộ và hỗ trợ các lực lượng mặt đất của Trung Quốc hoạt động bên ngoài lục địa Trung Quốc, Type 075 (đặc biệt là các máy bay trực thăng mà nó mang theo) có thể được giao nhiệm vụ tiến hành chiến tranh chống tàu ngầm và hỗ trợ các nhiệm vụ chống cướp biển.

    Tập Cận Bình chủ tọa cuộc họp về huấn luyện quân sự

    Ngày 25/11/2020 tại Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, với tư cách là chủ tịch Quân uỷ Trung ương, đã có một bài phát biểu tại cuộc họp của Quân uỷ Trung ương Trung Quốc về huấn luyện quân sự. Ông ra lệnh cho các lực lượng vũ trang tăng cường huấn luyện trong điều kiện thực chiến và nâng cao khả năng chiến thắng trong các cuộc chiến.

    Ông Tập lưu ý rằng những thay đổi mới đang diễn ra trong môi trường an ninh của đất nước, tình hình tác chiến của quân đội, các hình thức tác chiến hiện đại, đưa công tác huấn luyện của quân đội bước sang một giai đoạn mới. Ông kêu gọi thiết lập nhanh hơn một hệ thống huấn luyện quân sự kiểu mới và hỗ trợ mạnh mẽ để đạt được mục tiêu của Đảng Cộng sản Trung Quốc là xây dựng lực lượng vũ trang mạnh hơn cho thời kỳ mới và phát triển lực lượng vũ trang thành quân đội đẳng cấp thế giới.

    Cố vấn kinh tế của Tập Cận Bình đề xuất 6 nhiệm vụ để tăng tốc mô hình kinh tế lưu thông kép

    Một ngày sau khi Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc đang xem xét tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Thái Bình Dương (CPTPP), Phó thủ tướng Lưu Hạc, cố vấn kinh tế của Tập Cận Bình và là người đã ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Tổng thống Mỹ Donald Trump, đã có bài viết trên Nhân Dân nhật báo tái khẳng định rằng trọng tâm mới của Trung Quốc vào thị trường nội địa và sự độc lập về công nghệ không có nghĩa là họ đang cắt đứt liên kết với phần còn lại của thế giới vì “không thể tự mình làm mọi việc và từ bỏ sự phân công lao động quốc tế”.

    Bài viết sau đó đã được đăng lại trên trang Chính phủ Trung Quốc.

    Liu nhắc lại lập trường của Bắc Kinh rằng thị trường nội địa khổng lồ của Trung Quốc sẽ mang lại “cơ hội” cho các doanh nghiệp quốc tế. Đồng thời, Trung Quốc sẽ dựa vào thị trường nội địa rộng lớn của mình để thu hút dòng “hàng hóa và tài nguyên toàn cầu”, mà Trung Quốc sẽ sử dụng để tạo ra “lợi thế cạnh tranh” mới trên trường quốc tế.

    Ông đưa ra sáu nhiệm vụ để tăng tốc mô hình kinh tế lưu thông kép, được coi là mô hình phát triển mới của Trung Quốc trong kế hoạch 5 năm lần thứ 14.

    Thứ nhất, thúc đẩy đổi mới khoa học và công nghệ đóng vai trò then chốt.

    Thứ nhì, thúc đẩy tạo cung và dẫn dắt nhu cầu để đạt được sự tương tác tích cực giữa cung và cầu.

    Thứ ba, thúc đẩy các dịch vụ tài chính phục vụ tốt hơn nền kinh tế thực và cải thiện hệ thống lưu thông hiện đại.

    Thứ tư, thúc đẩy đô thị hóa mới và phát triển đồng bộ giữa đô thị và nông thôn.

    Thứ năm, thúc đẩy mở rộng việc làm và nâng cao mức thu nhập.

    Thứ sáu, thúc đẩy mức độ mở cửa cao hơn với thế giới bên ngoài và hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu.

    Trung Quốc lập danh sách theo dõi toàn cầu những người ủng hộ Đài Loan độc lập

    Trung Quốc xác nhận nước này đang lập một danh sách theo dõi toàn cầu những người ủng hộ Đài Loan độc lập mà họ có kế hoạch trừng phạt. “Danh sách này chỉ nhằm vào một số cực kỳ ít những nhà hoạt động độc lập Đài Loan ngoan cố và các nhà tài trợ của họ, không nhắm vào phần lớn đồng bào Đài Loan,” Zhu Fenglian, phát ngôn viên Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc cho biết trong cuộc họp báo. Bà không cung cấp chi tiết về danh tính những người trong danh sách và quy mô của danh sách.

    Những người mà danh sách nhắm đến bao gồm “những người đưa ra những bình luận kiêu ngạo và thực hiện các hành động ác ý để đòi độc lập, và các nhà lãnh đạo tổ chức, lập kế hoạch và thực hiện các hoạt động ly khai ở cả trong và ngoài đảo Đài Loan, cũng như những nhà tài trợ và ủng hộ chính của họ.”

    Cuộc họp tiếp theo của Ủy ban Thường vụ Đại hội Nhân dân Toàn quốc sẽ diễn ra cuối tháng 12

    Hôm thứ Sáu ngày 27/11/2020, Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Đại hội Nhân dân Toàn quốc (NPCSC) Lật Chiến Thư thông báo cuộc họp tiếp theo của Uỷ ban sẽ diễn ra vào ngày 22-26/12/2020. Kèm với thông báo là một danh sách lớn các dự thảo luật sẽ được xem xét, trong đó có dự thảo Luật Hải cảnh. Toàn văn dự thảo đã được dịch và đăng trên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.

    Tập Cận Bình nhắn nhủ: Trung Quốc đang coi ASEAN là ưu tiên hàng đầu

    Hôm thứ Sáu, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phát biểu qua liên kết video tại lễ khai mạc Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh và đầu tư Trung Quốc-ASEAN lần thứ 17. Trong bài phát biểu, ông nói rằng “thế giới ngày nay đang trải qua những thay đổi lớn chưa từng thấy trong một thế kỷ.” “Trung Quốc coi ASEAN là ưu tiên ngoại giao khu vực và là khu vực quan trọng để xây dựng ‘Vành đai và Con đường’ chất lượng cao.”

    Ông Tập kêu gọi hợp tác nhiều hơn giữa Trung Quốc và ASEAN về các khía cạnh:

    Điều phối các kế hoạch phát triển vùng và kết nối cơ sở hạ tầng

    Mở rộng thương mại và hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch

    Thúc đẩy đổi mới công nghệ và xây dựng Con đường tơ lụa kỹ thuật số

    Ngăn chặn dịch bệnh và tăng cường năng lực y tế cộng đồng

    Dương Khiết Trì: Trung Quốc chủ động tạo môi trường đối ngoại tốt – Học tập, triển khai tinh thần Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 19

    Hôm thứ Hai ngày 30/11/2020, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Trung ương Trung Quốc Dương Khiết Trì đã có một bài viết trên trang Nhân dân Nhật báo về cách tiếp cận của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với chính sách đối ngoại trong năm năm tới. Bình luận rằng hệ thống quốc tế “đang đối mặt với những thách thức mới,” “rủi ro an ninh quốc tế đang tăng lên,” ông Dương ca ngợi ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc đang liên tục gia tăng. Trung Quốc đã đóng góp nhiều hơn trí tuệ Trung Quốc, các giải pháp của Trung Quốc, và sức mạnh Trung Quốc cho cộng đồng quốc tế, và đã nhận được sự tán dương và ủng hộ rộng rãi. Nhìn về tương lai, Trung Quốc sẽ tiếp tục tham gia một cách xây dựng vào quá trình giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực, tiếp tục cung cấp trí tuệ và các giải pháp của Trung Quốc, chủ động định hình môi trường quốc tế để đạt được những mục tiêu chiến lược của Trung Quốc.

    V- QUAN HỆ TRUNG QUỐC – MỸ

    Giám đốc Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ quan ngại Trung Quốc thống trị tiền điện tử thế giới

    Giám đốc Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ John Ratcliffe đã viết thư cho Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch vì lo ngại rằng sự thống trị của Trung Quốc trong lĩnh vực tiền tệ kỹ thuật số có thể khiến Hoa Kỳ gặp bất lợi.

    Theo Washington Examiner, Ratcliffe đã nêu ra thực tế rằng hơn một nửa sức mạnh khai thác tiền điện tử toàn cầu có trụ sở tại Trung Quốc và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã và đang phát triển tiền kỹ thuật số quốc gia của mình.

    Các nhà nghiên cứu thuộc nhóm Unit 42 mới công bố một báo cáo cho biết họ đã xác định được nhiều ứng dụng Android trên Google Play đang làm rò rỉ dữ liệu, trong đó có Baidu Search Box và Baidu Maps. Những dữ liệu bị rò rỉ này sẽ giúp những kẻ tấn công theo dõi được người dùng. Những ứng dụng này đã được tải xuống tổng cộng 6 triệu lần trong Hoa Kỳ.

    Ngày 25/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gọi điện cho ông Joseph Biden để chúc mừng ông “đắc cử” Tổng thống Hoa Kỳ

    Trong điện mừng, ông Tập Cận Bình nói việc thúc đẩy sự phát triển lành mạnh và ổn định của quan hệ Trung – Mỹ không chỉ phù hợp với lợi ích cơ bản của nhân dân hai nước mà còn là kỳ vọng chung của cộng đồng quốc tế. Mong rằng hai bên nêu cao tinh thần không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác cùng có lợi, chú trọng hợp tác, quản lý khác biệt, thúc đẩy quan hệ Trung – Mỹ phát triển lành mạnh, ổn định, cùng tất cả các nước và cộng đồng quốc tế vì mục tiêu cao cả của hòa bình và phát triển thế giới.

    Cùng ngày, Phó Chủ tịch Vương Kỳ Sơn đã gọi điện cho bà Kamala Harris để chúc mừng bà “đắc cử” Phó Tổng thống Hoa Kỳ.

    Hoa Kỳ công bố lệnh trừng phạt các công ty Trung Quốc và Nga đã tham gia thúc đẩy chương trình tên lửa của Iran

    Tài liệu được công bố bởi Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết những công ty sau của Trung Quốc và Nga sẽ bị áp dụng các biện pháp được cho phép trong Phần 3 của Đạo luật Không phổ biến vũ khí hạt nhân cho Iran, Triều Tiên và Syria: Chengdu Best New Materials Co Ltd. và Zibo Elim Trade Company, Ltd. của Trung Quốc cùng bất kỳ đơn vị kế thừa, đơn vị con hoặc công ty con nào của những doanh nghiệp này; Aviazapchast, Công ty Cổ phần Elecon và Tập đoàn Nilco của Nga cùng với bất kỳ đơn vị kế thừa, đơn vị con hoặc công ty con nào của chúng của những doanh nghiệp này.

    Lệnh trừng phạt này có hiệu lực từ ngày 6/11/2020 và có giá trị trong hai năm, trừ trường hợp Ngoại trưởng Mỹ gia hạn thêm.

    VI- QUAN HỆ TRUNG QUỐC – AUSTRALIA

    Ngày 25/11/2020, Bộ trưởng điều hành (Secretary) Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc Frances Adamson đã có bài diễn thuyết tại trường An ninh Quốc gia Úc trong loạt bài giảng của trường kỷ niệm 10 năm.

    Trong bài phát biểu, bà Adamson nhận định phần còn lại của thế giới đã suy nghĩ rất nhiều về sức mạnh của Trung Quốc và ý nghĩa của nó. Nhưng không rõ Trung Quốc đã xem xét cẩn thận phản ứng của các quốc gia khác trước hành vi của họ trên trường quốc tế hay chưa. Có thể Trung Quốc đã đạt đến điểm mà họ tin rằng họ có thể đặt ra phần lớn các điều khoản định hình cuộc chơi với phần còn lại của thế giới.

    Tuy nhiên bà cho rằng nếu Trung Quốc quả thực nghĩ như vậy, thì đó là sự nhầm lẫn, bởi Trung Quốc hay bất cứ ai, còn phải làm nhiều hơn nữa, thông qua hoạt động mang tính xây dựng và hợp tác trong hệ thống quốc tế, mà không cần dùng đến áp lực hoặc ép buộc.

    “Tương lai của khu vực chúng ta phụ thuộc một phần vào quyết định của Trung Quốc, nhưng nó cũng phụ thuộc vào quyết định của các quốc gia khác ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, bao gồm Hoa Kỳ và các đối tác khác trong khu vực.

    Thách thức chính của chính sách đối ngoại của Úc là thách thức trong việc định hình, cùng với những nước khác, một trật tự khu vực và toàn cầu đáp ứng với những thực tế mới về quyền lực,” bà Adamson nói.

    Hôm thứ Sáu ngày 27/11 vừa rồi, Trung Quốc tiếp tục gia tăng xung đột thương mại với Úc thông qua việc công bố mức thuế mới đối với rượu vang Úc lên tới 200%. Bộ trưởng Thương mại Úc cho biết hành động này của Trung Quốc có thể khiến ngành công nghiệp trị giá 3 tỷ USD trở nên “khó khả thi” khi có tới 40% xuất khẩu sang Trung Quốc. Trước đó, các sản phẩm khác đã phải đối mặt với các rào cản thương mại bao gồm than đá, gỗ, hải sản, và lúa mì, tổng trị giá khoảng 20 tỷ USD.

    Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói rằng “Australia nên tự suy nghĩ về hành vi của mình và suy nghĩ xem liệu nước này có tôn trọng lợi ích của Trung Quốc hay không.” “Chúng tôi kêu gọi Australia sửa chữa hành động của mình và đối mặt với những sai lầm của mình”.

    Ngày 30/11/2020, căng thẳng quan hệ hai bên tiếp tục gia tăng sau khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đăng một dòng tweet trong đó có tấm ảnh giả với nội dung một người lính Australia giết một đứa trẻ. Dòng tweet được đưa ra sau cuộc điều tra tội ác chiến tranh mang tính bước ngoặt của Australia về việc binh lính của họ sát hại thường dân Afghanistan.

    Dòng tweet này “hoàn toàn thái quá và không thể biện minh trên bất kỳ cơ sở nào. Chính phủ Trung Quốc nên thấy hoàn toàn xấu hổ về bài đăng này,” ông Morrison nói và yêu cầu Trung Quốc phải xin lỗi. Ông Morrison cũng cho biết chính phủ Úc đã liên hệ với chính phủ Trung Quốc và Twitter để yêu cầu xóa dòng tweet.

    Dòng tweet của Triệu Lập Kiên đã gây ra sự phẫn nộ ở Úc và Triệu đã nhân đôi sự phẫn nộ đó bằng cách ghim nó lên đầu trang cá nhân Twitter của mình. Cấp trên của Triệu là Hoa Xuân Oánh đã bảo vệ Triệu và nói rằng đây không phải là một hành động bất thường nào đó của Triệu. Bà Oánh đã bác bỏ yêu cầu Trung Quốc xin lỗi của Thủ tướng Australia Scott Morrison, nói rằng chính phủ Australia nên cảm thấy “xấu hổ” vì đã sát hại thường dân Afghanistan.

    Một nguồn tin chính phủ cấp cao của Australia cho biết họ không kỳ vọng rằng Trung Quốc sẽ xin lỗi, nhưng chính phủ Morrison vẫn giữ nguyên lập trường “lạnh lùng”. Nguồn tin cho biết chính phủ Trung Quốc hiện đã mất bất kỳ thẩm quyền đạo đức nào mà họ tin rằng họ có sau khi đại sứ quán Canberra của họ công bố danh sách 14 điểm bất bình và dòng tweet công kích.

    Richard McGregor, thành viên cao cấp của Viện Lowy, trong bài viết trên Financial Times về sự kiện Trung Quốc tung ra danh sách 14 điều Trung Quốc bất bình đối với Úc, bình luận rằng để hình dung về tương lai của một thế giới do Trung Quốc thống trị, điểm khởi đầu tốt là nhìn cách Trung Quốc đối xử với Úc.

    VII- CHUYỂN ĐỘNG ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG

    Ấn Độ trở thành quốc gia thứ 4 có hệ thống vệ tinh định vị được Tổ chức hàng hải quốc tế công nhận

    Ấn Độ đã trở thành quốc gia thứ tư trên thế giới có hệ thống vệ tinh định vị dẫn đường cấp khu vực hoạt động độc lập được Tổ chức Hàng hải quốc tế công nhận là một phần của Hệ thống Định vị Vô tuyến toàn cầu (WWRNS). Ba quốc gia khác có hệ thống định vị được IMO công nhận là Mỹ, Nga và Trung Quốc.

    Xem thêm:

    The Indian Express ngày 21/11/2020: India becomes 4th nation to get IMO nod for navigation satellite system

    Đô đốc Hải quân Hoa Kỳ thăm Đài Loan không báo trước

    Hai nguồn tin, bao gồm một quan chức Đài Loan quen thuộc với tình hình, nói với Reuters hôm Chủ nhật 22/11/2020 rằng Chuẩn Đô đốc Michael Studeman đã có chuyến thăm không báo trước tới Đài Loan. Theo trang web của Hải quân, Studeman là giám đốc của J2, giám sát hoạt động tình báo, tại Bộ Chỉ huy Ấn Độ – Thái Bình Dương của quân đội Hoa Kỳ.

    Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói rằng tuỳ tình hình phát triển, “phía Trung Quốc sẽ đưa ra phản ứng hợp pháp và cần thiết”.

    Mỹ chuyển giao vũ khí cho Philippines theo lời hứa của Trump

    Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Robert O’Brien hôm thứ Hai ngày 23/11/2020 đã bàn giao các loại vũ khí dẫn đường chính xác trị giá 868 triệu peso (18 triệu USD) cho Philippines trong chuyến công du tới nước này. Bộ trưởng Ngoại giao Teodoro Locsin Jr cho biết khoản chuyển giao mới nhất đáp ứng lời hứa mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra trong cuộc điện đàm với Tổng thống Rodrigo Duterte vào tháng Tư.

    Các loại vũ khí được chính phủ Hoa Kỳ chuyển giao bao gồm 100 tên lửa TOW-2A, 12 ITAS và 24 MK-82. O’Brien cho biết: “Chúng tôi hy vọng những tên lửa và bom dẫn đường chính xác này sẽ giúp AFP bảo vệ cuộc sống của người Philippines ở Mindanao và chấm dứt những đau khổ không cần thiết do ISIS-Đông Á áp đặt.”

    O’Brien nói thêm rằng việc chuyển giao vũ khí nhấn mạnh “cam kết lâu dài” của Washington đối với “liên minh quan trọng” với Manila.

    Ông O’Brien cũng cho biết có một sự đồng thuận lưỡng đảng ở Mỹ là nước Mỹ cần phải đứng lên chống lại Trung Quốc, và tái khẳng định rằng sẽ có một cuộc chuyển giao quyền lực “chuyên nghiệp” “nếu các tòa án không đưa ra phán quyết có lợi cho Tổng thống Trump”. Theo ông O’Brien, Tổng thống Trump vẫn chưa sử dụng hết các công cụ pháp lý của mình

    Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ các đảo ở Thái Bình Dương chống lại ‘hành vi có vấn đề’ của Trung Quốc

    Sandra Oudkirk, Phó trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm thứ Ba ngày 24/11/2020 cho biết Bộ này đang chi 200 triệu đô la cho các chương trình dành cho các quốc đảo nhỏ nhằm chống lại “hành vi có vấn đề” của Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương. Các chương trình này sẽ hỗ trợ các quốc gia như Palau và Papua New Guinea để thúc đẩy phát triển và bảo vệ ngành đánh bắt cá của họ trước sự cạnh tranh không chính đáng từ Trung Quốc.

    Ấn Độ đặt rào cản nhập khẩu đối với các thiết bị từ Trung Quốc, trong đó có Apple iPhone, Xiaomi

    Từ tháng 8, Cục Tiêu chuẩn Ấn Độ bắt đầu trì hoãn việc phê duyệt đối với các thiết bị nhập khẩu do Trung Quốc sản xuất như điện thoại thông minh, đồng hồ thông minh và máy tính xách tay, một phần nguyên nhân là do mối quan hệ xấu đi với Trung Quốc sau cuộc đụng độ biên giới vào tháng 6 khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Kể từ cuộc đụng độ, Ấn Độ đã thắt chặt các quy định đối với các khoản đầu tư từ Trung Quốc và cấm hàng trăm ứng dụng di động của Trung Quốc, bao gồm cả từ những gã khổng lồ công nghệ Tencent, Alibaba và ByteDance. Nước này đã cấm thêm 43 ứng dụng vào thứ Ba.

    Quân đội Ấn Độ nhập máy bay không người lái công nghệ cao từ Mỹ, Israel để cải thiện khả năng giám sát dọc biên giới Trung Quốc

    Trong một nỗ lực nhằm tăng cường khả năng giám sát biên giới trong bối cảnh căng thẳng biên giới với Trung Quốc, các quan chức từ chính phủ Ấn Độ hôm thứ Năm ngày 26/11/2020 đã tiết lộ với hãng thông tấn Ấn Độ ANI rằng Quân đội Ấn Độ đang mua máy bay không người lái mini từ Mỹ và máy bay không người lái Heron từ Israel. Các máy bay không người lái (UAV) tiên tiến này sẽ được triển khai ở khu vực Đông Ladakh, cùng với các khu vực lân cận. Thỏa thuận hiện đang trong giai đoạn cuối cùng, dự kiến ​​sẽ được ký kết vào tháng 12.

    Tin tức này được đưa ra chỉ một ngày sau khi Hải quân Ấn Độ thuê một cặp UAV “MQ-9B SeaGuardian” từ Mỹ, nhằm mục đích tăng cường năng lực tình báo, giám sát và trinh sát.

    Bộ trưởng Ngoại giao Canada: Canada dẫn đầu động thái đa phương chống lại ‘ngoại giao con tin’ của Trung Quốc

    Canada đang dẫn đầu nỗ lực đa phương nhằm giải quyết “chính sách ngoại giao con tin” của Trung Quốc sau vụ bắt giữ các công dân Canada Michael Kovrig và Michael Spavor. Ý tưởng là các quốc gia cùng chí hướng có thể đồng ý rằng hành động bắt con tin của Trung Quốc (hoặc bất kỳ quốc gia nào khác) sẽ kích hoạt các biện pháp trừng phạt tự động, được áp dụng bởi tất cả các quốc gia ký kết.

    Tuy nhiên các quan chức thận trọng nói rằng các quốc gia đồng minh vẫn còn đang thảo luận về loại hành động phối hợp đáp trả sau khi có một vụ giam giữ tuỳ tiện xảy ra. Một nguồn tin cho rằng các cuộc thảo luận tập trung vào việc cùng đồng thời lên tiếng hơn là các biện pháp trừng phạt tự động. Các quốc gia đã lên tiếng công khai chống lại việc giam giữ Kovrig và Spavor, và những nước có thể sẽ tham gia bất kỳ nỗ lực phối hợp nào, bao gồm Mỹ, Anh, Đức, Úc, Pháp, Đan Mạch, Estonia, Latvia, Lithuania và Tây Ban Nha.

    Khảo sát cho thấy người dân Canada muốn cứng rắn với Trung Quốc, nghi ngờ về đầu tư và sức mạnh kinh tế của Trung Quốc

    Sự rạn nứt đang ngày càng gia tăng giữa các nhà hoạch định chính sách ở Canada về mối quan hệ của nước này với Trung Quốc. Giữa lúc quan hệ Trung Quốc-Canada đang rạn nứt xuất phát từ vô số vấn đề – từ coronavirus, sự đàn áp của Bắc Kinh ở Hồng Kông, đến việc Mạnh Vân Chu đang chờ dẫn độ về Mỹ và việc giam giữ Michael Kovrig và Michael Spavor ở Trung Quốc – ngày càng nhiều người Canada muốn chính phủ của họ áp dụng quan điểm cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh. Theo một khảo sát với 3,519 công dân Canada của Quỹ Châu Á – Thái Bình Dương của Canada, vừa được công bố hôm thứ Tư ngày 25/11/2020, 83% công dân muốn Canada đứng lên chống lại Trung Quốc về các vấn đề được coi là giá trị quốc gia, bao gồm pháp quyền, nhân quyền và dân chủ.

    Nhật Bản phản đối đề xuất của Trung Quốc về xoa dịu căng thẳng ở quần đảo Senkaku

    Như chúng tôi đã đưa tin, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã có chuyến công du tới Nhật Bản để hội đàm với người đồng cấp Nhật Bản và gặp Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga.

    Sau cuộc gặp với Thủ tướng Suga hôm thứ Tư ngày 25/11/2020, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã đề nghị tàu đánh cá của cả hai nước tránh xa các đảo hoang ở Biển Hoa Đông và chỉ tàu chính phủ mới được phép đi thuyền gần các đảo để “đảm bảo tàu thuyền khả nghi không đi vào vùng nước nhạy cảm.”

    Ông Vương cũng nói tranh chấp quần đảo Senkaku sẽ không cản trở sự hợp tác giữa hai nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới.

    Tuy nhiên, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato đã nói trong một cuộc họp báo hôm thứ Năm ngày 26/11/2020 rằng đề xuất của ông Vương là “không thể chấp nhận được”, nói thêm rằng các hòn đảo là “lãnh thổ cố hữu của Nhật Bản theo quan điểm lịch sử và theo luật pháp quốc tế.”

    Trước đó, trong cuộc điện đàm, Thủ tướng Nhật Bản Suga cho biết Nhật Bản muốn tăng cường hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế để cải thiện quan hệ. Ông cũng mong muốn Trung Quốc hành động tích cực trong các vấn đề hàng hải và an ninh xung quanh quần đảo Senkaku ở Biển Hoa Đông.

    Khi được báo chí hỏi Nhật Bản, với tư cách Chủ tịch Uỷ ban TPP năm 2021, sẽ phản ứng thế nào với mong muốn gia nhập TPP của Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Motegi nói rằng TPP có nội dung cấp cao, không chỉ chú trọng tiếp cận thị trường mà còn có cả các quy tắc. Ông tin rằng cần phải xác định chắc chắn liệu các quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc, khi thể hiện sự quan tâm gia nhập, đã sẵn sàng thực hiện các nội dung cấp cao đó.

    Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản đồng ý xây dựng cơ chế liên lạc hàng hải và hàng không để quản lý rủi ro.

    Lầu Năm góc loại bỏ 11 cố vấn cấp cao lâu năm khỏi Ban Chính sách Quốc phòng

    Vào hôm thứ Tư ngày 25/11/2020, liên lạc viên Nhà Trắng của Lầu Năm Góc bất ngờ phát đi chỉ thị loại bỏ 11 cố vấn cấp cao khỏi Uỷ ban cố vấn hàng đầu của Bộ Quốc phòng, bao gồm các cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger và Madeleine Albright, Đô đốc nghỉ hưu Gary Roughhead – người từng chỉ huy các hoạt động hải quân, và thành viên có cấp bậc của Uỷ ban Tình báo Hạ viện Jane Harman. Rudy De Leon, cựu giám đốc điều hành của Lầu Năm Góc từng được Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis lúc bấy giờ cân nhắc cho vai trò chính sách cấp cao, cũng sẽ bị loại khỏi Ban cố vấn.

    Bên cạnh đó là cựu Lãnh đạo Đa số Hạ viện Eric Cantor, cựu thứ trưởng Bộ Tài chính trong chính quyền George W. Bush David McCormick. Cả hai đều đã được Mattis bổ sung vào Ban cố vấn năm 2017. Jamie Gorelick, phó tổng chưởng lý của chính quyền Clinton; Robert Joseph, một nhà đàm phán hạt nhân đã thuyết phục Libya từ bỏ vũ khí huỷ diệt hàng loạt; cựu Phó Cố vấn An ninh Quốc gia của chính quyền Bush J. D. Crouch II; và Franklin Miller, một cựu quan chức quốc phòng hàng đầu, cũng đã bị loại khỏi Ban Chính sách Quốc phòng.

    Trước đó, theo Washington Times, thành phần của ban cố vấn đã bị các nhà phân tích Đảng Cộng hòa cho rằng không phản ánh chính xác quan điểm cứng rắn của chính quyền đối với Trung Quốc. Đứng đầu trong số đó là cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger, kiến ​​trúc sư của chính sách Hoa Kỳ mang tính hoà giải, ủng hộ tương tác kinh tế và ngoại giao với Trung Quốc cộng sản.

    Trước đó tại một Hội thảo tổ chức bởi Bloomberg giữa tháng 11, Kissinger khuyên Biden hãy từ tốn với Trung Quốc. Ông ủng hộ “một hệ thống thể chế mà theo đó một số nhà lãnh đạo mà Tổng thống Mỹ tin tưởng và một số nhà lãnh đạo Trung Quốc mà Chủ tịch Tập Cận Bình tin tưởng được chỉ định giữ liên lạc với nhau thay mặt cho các tổng thống của họ.” Cách tiếp cận này được ông cho là cách để tránh xung đột Mỹ – Trung.

    Ngoại trưởng Hoa Kỳ dành những tuần cuối tại vị củng cố chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Trump

    Trong cuộc trả lời phỏng vấn của Washington Free Beacon, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Michael Pompeo cho biết ông không nghĩ về những gì sẽ xảy ra trong năm tới, mà dành những tháng cuối cùng tại vị để đảm bảo các chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donald Trump tiếp tục thách thức các thiết chế chính sách đối ngoại truyền thống.

    Trump đưa SMIC và CNOOC của Trung Quốc vào danh sách đen quốc phòng

    Đầu tháng 11, Reuters đã đưa tin Bộ Quốc phòng Mỹ có kế hoạch đưa thêm 4 công ty Trung Quốc do quân đội Trung Quốc sở hữu hoặc kiểm soát vào danh sách đen, nâng số công ty Trung Quốc bị ảnh hưởng lên 35. Bốn công ty đó là Công ty TNHH Công nghệ Xây dựng Trung Quốc và Công ty Tư vấn Kỹ thuật Quốc tế Trung Quốc, ngoài Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Quốc tế (SMIC) và Công ty Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (CNOOC), theo một tài liệu và ba nguồn tin mà Reuters tiếp cận. Những công ty này sẽ bị hạn chế tiếp cận các nguồn đầu tư ở Mỹ, mua các bộ phận và phần mềm từ các công ty Mỹ.

    Theo Henik Fung, một nhà phân tích của Bloomberg Intelligence, các nhà đầu tư Hoa Kỳ nắm giữ 16,5% cổ phần trong đơn vị niêm yết tại Hồng Kông của CNOOC vào thứ Sáu. Việc công ty bị đưa vào danh sách đen có thể khiến họ phải thoái vốn. Tháng này, Tổng thống Donald Trump đã ký một lệnh cấm đầu tư của Mỹ vào các công ty Trung Quốc do quân đội sở hữu hoặc kiểm soát. Cổ phiếu của Đơn vị Cnooc Ltd., đã giảm tới 12% vào thứ Hai.

    CNOOC cũng sở hữu các mỏ dầu và khí đốt của Hoa Kỳ, hợp tác với các công ty như Exxon Mobil Corp. trong các dự án quốc tế và sử dụng công nghệ và thiết bị của Mỹ.

    https://dskbd.o

    Không có nhận xét nào