Thấy gì qua vụ việc ba tiểu bang Texas, Alabama, Louisiana kiện 4 tiểu bang
Michigan, Wisconsin, Pennsylvania và Georgia vi phạm Hiến pháp và luật bầu cử liên bang
Đêm 7/12, Tổng chưởng lý bang Texas (Attorney General) - tương tự như Bộ trưởng tư pháp - thay mặt tiểu bang Texas "kiện" 4 bang chiến trường MI, WI, PA, GA lên Tòa án Tối cao liên bang Mỹ vì các vi phạm nghiêm trọng cũng như gian lận trên diện rộng làm ảnh hưởng đến kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 3/11/2020.
Đơn kiện của bang Texas dài 92 trang, nội dung có mấy điểm chính, xoay quanh Mục III, Điều II, của Hiến pháp Mỹ:
- Cơ quan mục vụ (Office of the Secretary of State), Tối cao Pháp viện các tiểu bang trên tự ý đề ra các quy định, thay đổi luật bầu cử... ngay trước khi diễn ra tổng tuyển cử. Đáng ra việc thay đổi này phải do nghị viện các tiểu bang tiến hành.
- Cùng các quy định sửa đổi về bầu cử, nhưng khi áp dụng lại không thống nhất giữa các địa hạt trên cả tiểu bang.
- Các quy định kéo dài kiểm phiếu sau khi thời hạn bỏ phiếu kết thúc là vi hiến.
- Rất nhiều sai sót xảy ra trong quá trình kiểm, đếm phiếu như lỗi máy đếm phiếu Dominion, sự can thiệp và sai sót có chủ ý của con người, phiếu gửi bằng thư thiếu đối chiếu chữ ký, nhiều người đi bỏ phiếu trực tiếp nhưng không bỏ được vì đã có người khác "bỏ cho" trước đó...
Kết luận của đơn khiếu kiện của bang Texas:
- Yêu cầu Tòa án Tối cao "vào cuộc", nghe cáo buộc của nguyên đơn.
- Không công nhận các phiếu đếm từ sau 8h tối ngày bầu cử 3/11 và các phiếu bầu bằng thư phải được đối chứng chữ ký.
- Để nghị viện tiểu bang quyết định danh sách đại cử tri theo Hiến pháp chứ không phải là Thống đốc bang theo thông lệ hiện hành.
Ngay sau khi Texas có đơn kiện lên tòa án tối cao thì các tiểu bang như Alabama và Louisiana cũng "hùa theo" Texas tham gia vào kiện bốn tiểu bang nêu trên. Có thể trong vài ngày tới, danh sách các bang tham gia kiện MI, WI, PA và GA sẽ tăng lên và không chỉ dừng ở con số 3 tiểu bang nêu trên.
Một số nhận xét:
- Việc một số tiểu bang đi kiện một hoặc một số tiểu bang khác vì vi phạm luật bầu cử liên bang theo Mục III, Điều II, của Hiến pháp Mỹ là điều rất hi hữu. Trong thời kỳ đầu của nền cộng hòa Mỹ việc kiện tụng này có xảy ra, nhưng sau đó hầu như không được các tiểu bang sử dụng hoặc vận dụng.
- Các bang đi kiện là những bang mà Tổng chưởng lý là những người Cộng hòa. Theo luật Mỹ thì các ông Tổng chưởng lý này chịu trách nhiệm về các vấn đề pháp lý trong tiểu bang mình phụ trách và có toàn quyền thay mặt bang đệ đơn kiện pháp lý lên Tòa án Tối cao liên bang hoặc Tòa án Tối cao phụ trách các khu vực. Hiện tại, trong 50 bang có 23 bang có Tổng chưởng lý là các Đảng viên CH.
- Nội dung kiện thì không phải là điều mới. Suốt thời gian dài từ sau cuộc bầu cử ngày mùng 3/11 đến nay, Tổng thống Trump, nhóm pháp lý và các đồng minh trong Đảng Cộng Hòa của mình đã có gần 50 vụ kiện với các nội dung tương tự ở rất nhiều tòa án các cấp, nhưng hầu hết đều bị bác bỏ và chỉ có 1, 2 trường hợp lên đến Tòa án Tối cao, nhưng cũng không được Tòa án Tối cao chấp nhận thụ lý.
Điểm mới duy nhất của các vụ kiện mới lần này là một số bang đi kiện một số bang khác.
Lý do của bên đi kiện đưa ra là tuy việc quản lý bầu cử ở cấp tiểu bang nằm trong phạm vi quản lý ở cấp bang và các bang tự chịu trách nhiệm về công việc của mình.
Tuy nhiên, vấn đề ở đây là liên quan đến bầu cử Tổng thống Mỹ, người quản lý công việc của cả quốc gia. Do đó, sai sót ở một hoặc vài tiểu bang sẽ dẫn đến thay đổi kết quả chung cuộc, và từ đó ảnh hưởng đến các tiểu bang khác.
- Về phía Tòa án Tối cao, thông thường họ rất ngại và không muốn xử lý các vụ kiện kiểu này. Theo truyền thống, các bang ở Mỹ có quyền tự trị rất cao liên quan đến công việc nội bộ của mình.
Phán quyết của Tòa án Tối cao có thể tạo ra tiền lệ xấu vì các bang có thể tiếp tục kiện tụng lẫn nhau về bất cứ vấn đề gì và do đó tạo sự hỗn loạn về mặt pháp lý.
Chẳng hạn, nếu vụ kiện này của bang Texas mà được thụ lý, thì có khả năng trong tương lai các bang khác như Utah có thể sẽ kiện bang Texas về các điều khoản liên quan đến việc khai thác dầu khí, và từ đó ảnh hưởng đến giá dầu và thu nhập của người dân ở bang Utah.
- Tuy nhiên, tất cả các điều trên cũng chỉ là giả định. Chưa rõ Tòa án Tối cao Mỹ có thụ lý hay không và nếu thụ lý thì sẽ ra phán quyết ra sao vì có nhiều điều khá bất thường diễn ra trong năm bầu cử Tổng thống Mỹ 2020. Cả hai bên CH và DC vẫn giằng đấu nhau hết sức quyết liệt và chưa bên nào cho thấy dấu hiệu thỏa hiệp, ít nhất đến lúc này.
Tổng thống Trump, vẫn như tính cách của mình, quyết tâm còn nước còn tát. Và cũng có một hy vọng mong manh của ông Trump là nếu sự việc được chuyển lên Tòa án Tối cao và nếu Tòa án Tối cao chịu "lắng nghe" thì vẫn còn cơ hội mong manh "lật lại" thế cờ.
Cơ sở của hy vọng này là hiện 6/9 Thẩm phán Tòa án Tối cao là các Thẩm phán bảo thủ, trong đó có 3 Thẩm phán được bổ nhiệm trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump.
Còn chúng ta, cũng như mọi lần, tiếp tục theo dõi và... nín thở!
https://www.facebook.com/tuan.hoang.1428/posts/3868472986509690
Không có nhận xét nào