Header Ads

  • Breaking News

    TS Hoàng Anh Tuấn - Bầu cử TT và chính trị Mỹ: Một góc nhìn khác . Phần 3

    Sau buổi nói chuyện "khá căng thẳng" liên quan đến việc con gái chọn "bạn đời" tương lai, hai vợ chồng "ông lão" quyết định "làm lơ", nghe thêm "giải thích" của con gái chứ chưa vội làm căng quá có khi lại "mất con" vì thực tế trong XH bây giờ là "con cái đặt đâu, bố mẹ ngồi đấy" chứ không phải ngược lại!


    DAD: Ba đang sốt ruột muốn nghe Cô nói về chiến lược theo kiện quyết liệt của TT Trump cùng nhóm cố vấn và đội ngũ luật sư của ông ta, chủ yếu tại 6 bang chiến trường là Michigan (MI), Wisconsin (WI), Pennsylvania (PA), Georgia (GA), Nevada (NV) và Arizona (AZ) diễn ra như thế nào?

    DAUGHTER: Khi ở ngôi vị lãnh đạo quốc gia hùng mạnh số 1 thế giới như Trump hoặc Obama hay Clinton thì tư duy của họ luôn khác thường và đi trước mọi người.

    Hai Ba, con mình ngồi đây giỏi lắm chỉ nhìn thấy những chuyện xảy ra trước mắt, nhưng vẫn "phán" linh tinh, họ mà "nghe được" chắc không chỉ thấy ngô nghê mà thậm chí còn rất khôi hài. Còn ông Trump, con chắc ông ta và bộ sậu phải tính ít nhất trước 5-7 bước với các kịch bản khác nhau.

    Con so sánh có thể hơi khập khiễng và khiên cưỡng, nhưng nghĩ rằng viêc mình "hiểu" ông Trump, nội tình của Đảng CH, rồi nước Mỹ... chắc cũng chẳng khác mấy chuyện mấy ông, bà thổ dân sống trong các khu rừng nguyên sinh ở Amazon bàn chuyện chính trị Brazil đương đại diễn ra ở Brasilia cách đó chỉ vài trăm dặm!

    DAD: Ừ, cũng có thể. Như mấy cô thư ký và nhân viên văn phòng mặc dù ngày nào cũng "va chạm" với "các Sếp" chan chát, có thời gian một chút là bàn về "các Sếp" nhưng lại sai toét vì nào "đọc" và "hiểu" được các ông, bà Sếp nghĩ gì, sẽ làm gì.

    DAUGHTER: Quay lại chuyện của ông Trump, mục tiêu trước mắt và tối thượng trong chiến dịch pháp lý này là đảo ngược kết quả bầu cử, khiến không ƯCV TT nào giành được 270 phiếu Đại cử tri "sạch". Nếu mọi chuyện diễn ra theo đúng kịch bản thì việc quyết định ai sẽ là Tổng thống tiếp theo của nước Mỹ sẽ do Hội nghị đại biểu các bang (Conference of State Delegations) lựa chọn theo hướng có lợi cho TT Trump vì Đảng Cộng hòa chiếm đa số trong tổng số 50 đại biểu đó.

    DAD: Vậy còn các mục tiêu khác?

    DAUGHTER: Nếu "được" thì tất nhiên ông Trump sẽ coi như "tái cử" và ở lại "làm vua". Tất nhiên mục tiêu này còn đang rất xa vời. Còn thua tất nhiên sẽ giúp cho ông Trump thực hiện một số "toan tính" kế tiếp của mình trong vài trò "cựu TT".

    Một là, với các "chứng cứ" tạm gọi là "gian lận" như lời của ông Trump, đội ngũ pháp lý và những "nhân chứng" ủng hộ đưa ra, ông Trump hy vọng sẽ gây sức ép đủ mạnh lên Đảng CH và Quốc hội khóa tới của Mỹ, buộc họ phải đưa vào chương trình nghị sự và thông qua đạo luật con tạm gọi là "Cải cách bầu cử".

    Cái này trước đây CH đã gây sức ép và cố làm nhiều lần nhưng đều gặp thất bại do phản đối của Đảng DC. Các điểm chính có thể là: Kiểm tra khắt khe sao cho tỷ lệ bầu cử bằng thư ở mức thấp nhất; kiểm đếm phiếu bằng hệ thống máy móc và phần mềm tin cậy; một quy chuẩn tương đối về bầu cử áp dụng trên toàn quốc...

    DAD: Nhưng bầu cử bằng thư nước Mỹ đã làm hàng trăm năm nay rồi có vấn đề gì đâu mà tại sao năm nay "lão ấy" lại làm rùm beng thế nhỉ?

    DAUGHTER: Đúng Ba. Bầu cử bằng thư đã diễn ra ở Mỹ cả trăm năm nay, nhưng tỷ lệ này rất thấp, chưa bao giờ tác động đến kết quả chung cuộc. Theo thông lệ, ai muốn bỏ phiếu bằng thư thì phải gửi yêu cầu từ trước, rồi cơ quan bầu cử của bang gửi phiếu, có in tên sẵn đến nhà, sau đó so chữ ký lưu lại trên hệ thống máy tính với chữ ký bên ngoài bì thư và trong phiếu bầu.

    Còn tuyệt đại đa số cử tri đi bầu trong ngày bầu cử. Và khi kiểm phiếu thì máy cộng từng cái một nên rất khó thao túng việc gian lận trên diện rộng

    DAD: Thế tại sao năm nay họ không làm như vậy?

    DAUGHTER: Như con đã từng nói với Ba, tất cả là do Covid-19. Ở nhiều bang "chiến địa", không rõ vô tình hay hữu ý, rất nhiều thông tin được đưa ra là nếu bầu cử trực tiếp thì khả năng bị lây nhiễm sẽ cao và họ khuyên mọi người không bỏ phiếu trực tiếp mà ở nhà bỏ phiếu bằng thư. Và từ đây rắc rối bắt đầu nảy sinh.

    DAD: Thể ở châu Âu họ không làm như ở Mỹ à?

    DAUGHTER: Cũng bị dịch hoành hành, nhưng ở châu Âu người dân một số nước vẫn đi bỏ phiếu bình thường trong ngày bầu cử và luật pháp của họ không chấp nhận việc bỏ phiếu đại trà bằng thư vì lo ngại có gian lận.

    Còn ở Mỹ, một số bang đã sửa đổi luật bầu cử chỉ vài tuần trước cuộc bầu cử 3/11 để "tạo điều kiện" cho việc bầu cử qua thư, làm cho việc đếm phiếu thuận lợi hơn nên nhiều quy định chặt chẽ bị bỏ qua. Lập luận của những người chủ trương việc này là việc đếm và kiểm phiếu theo kiểu "truyền thống" không thể áp dụng với số lượng phiểu bỏ qua thư lên đến vài chục triệu người, nên phải có cải tiến để làm "đại trà". Và đây là điểm mấu chốt gây tranh cãi về kết quả bầu cử cho đến nay

    DAD: Chỉ có mỗi vậy thôi sao?

    DAUGHTER: Chưa kể còn có một số quy định bất cập khác, không thống nhất giữa các bang. Một số bang thì quy định việc kiểm phiếu chấm dứt vào 8:00 tối ngày bầu cử, còn một số bang khác lại quy định định việc kiểm phiếu và công bố kết quả có thể kết thúc một tuần sau ngày bỏ phiếu. Như vậy, khi cuộc bầu cử kết thúc, thì nước Mỹ vẫn chưa có kết quả bỏ phiếu cuối cùng vì các bang còn "chờ" kết quả của nhau.

    Vì hàng loạt lý do đó, ông Trump tin và lo ngại rằng nếu không có những cải cách căn bản và nếu bầu cử cứ diễn ra theo cách này, thì có lẽ sẽ không bao giờ có một TT của Đảng CH nữa!

    DAD: Vậy còn các lý do khác?

    DAUGHTER: Cái này chưa hết Ba. Ông Trump tin rằng nếu bầu trực tiếp thì cơ hội thắng của họ cao hơn vì cử tri của họ hầu hết là da trắng và tỷ lệ người da trắng đi bầu trong các cuộc bầu cử TT khá cao, khoảng 67% so với tỷ lệ trung bình của của toàn quốc khoảng 55-57% trong các kỳ bầu cử. Còn tỷ lệ trung bình của người gốc Phi dưới 60%, người nói tiếng La-tinh (Hispanics) và người châu Á còn thấp hơn nữa, khoảng 40-45%.

    Trong các cuộc bầu cử TT, tổng số phiếu của các cử tri da trắng cho ƯCV Cộng hòa thường chiếm tỷ lệ rất cao, khoảng 71-72% tổng số phiếu bầu, và chiếm khoảng 59-60% tổng số phiểu của ƯCV Dân chủ. Các cử tri có đăng ký của Đảng DC có số lượng lớn hơn rất nhiều, khoảng 20% trên phạm vi toàn quốc, so với số lượng các cử tri CH. Nhưng ngược lại, tỷ lệ bỏ phiểu của các cử tri DC lại thấp hơn nhiều so với các cử tri CH, nên kết quả chung cuộc thì phiếu phổ thông mà các ƯCV TT của DC nhận được trong 5-6 cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ gần đây cũng chỉ sấp sỉ hoặc cao hơn chỉ vài ba phần trăm so với ƯCV TT của Đảng CH.

    DAD: Chuyện này cũng lý thú nhỉ

    DAUGHTER: Nếu nhìn bề ngoài và theo báo chí, thì dường như đó là câu chuyện Trump "tham quyền cố vị", quyết giữ quyền lực cho riêng mình bằng mọi giá. Nhưng nhìn từ một góc độ khác, cải cách thể thức bầu cử là câu chuyện của tương lai, là câu chuyện sống còn của Đảng CH khi cơ cấu và chuyển dịch dân số ở nước Mỹ đang có nhiều thay đổi căn bản, tỷ lệ người da trắng trong tổng dân số ngày càng giảm, cấu trúc gia đình "truyền thống" của người Mỹ cũng như cách nhìn của giới trẻ về hiện tại và tương lai cũng đã khác trước.

    DAD: Đúng là nhìn vấn đề từ các góc độ khác nhau cũng giúp Ba sáng ra nhiều.

    DAUGHTER: Giờ con sang lý do thứ hai. Có thể đây mới chính là lý do quan trọng nhất. Bằng việc đi đầu trong "đấu tranh" chống "gian lận" trong bầu cử và làm "trong sạch" hệ thống chính trị Mỹ, ông Trump muốn mình được nhìn nhận như là "biểu tượng", một "lãnh tụ" trong mắt các cử tri cộng hòa là bảo vệ các giá trị cốt lõi của nước Mỹ, và chính vì điều đó nên đã trở thành nạn nhân của "phe đối lập". Nói cách khác, ông Trump muốn lưu lại "di sản" cũng như hình ảnh biểu tượng của mình trong Đảng CH, giống như cách mà Đảng CH đã lưu giữ các "ký ức" về Abrahamm Lincoln hay Ronald Reagan. Tất nhiên, ý muốn và tham vọng là một chuyện, còn có làm được hay không thì lại là câu chuyện khác.

    Qua việc tìm cách duy trì ảnh hưởng ảnh trong đảng Cộng Hòa, ông Trump còn muốn tiếp tục đi đầu trong việc "thay máu" dàn lãnh đạo CH ở các ghế chính quyền và bộ máy lập pháp từ cấp tiểu bang đến cấp liên bang trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ 2022 và cuộc bầu cử Tổng thống 2024 sau đó bằng những lãnh đạo CH có cùng quyết tâm và "lý tưởng" CH và "bảo thủ" như mình.

    Thực chất việc này là để ông Trump tiếp tục duy trì quyền lực và ảnh hưởng của mình trong đảng Cộng hòa và trong nền chính trị Mỹ mặc dù có thể không còn là Tổng thống nữa.

    DAD: Thế thì khác nào việc ông Trump đang vận động cho cuộc tranh cử cho năm 2024 từ bây giờ?

    DAUGHTER: Đúng Ba. Đây là lý do thứ ba con muốn nhắc tới. Chu kỳ chính trị chị bầu cử Tổng thống bốn năm một lần ở Mỹ trôi qua nhanh lắm. Đến năm 2024, về tuổi thì ông Trump cũng tương tự như ông Biden bây giờ, và nếu tiếp tục duy trì được ảnh hưởng trong Đảng CH, cộng với quy trình bầu cử đã được "làm sạch"... thì khả năng tái đắc cử nhiệm kỳ tới cũng rất đáng để xem xét.

    Và giả sử ông Trump, con giả sử thôi nhé, không được tái cử sau nhiệm kỳ I, thì việc "tái cử" vào năm 2024 cũng không phải là điều quá ngạc nhiên. Lịch sử Mỹ trước đó đã từng chứng kiến một trường hợp duy nhất là TT Stephen Grover Clevaland là Tổng thống thứ 22 và 24 của nước Mỹ trong 2 nhiệm kỳ không liên tiếp. Tất nhiên, nếu tái đắc cử thì ông Trump cũng chỉ phục vụ không quá một nhiệm kỳ nữa theo bản Tu chính án XXII của Mỹ được thông qua năm 1951.

    DAD: Ông Trump chỉ có chừng đó lý do thôi sao?

    DAUGHTER: Con nghĩ còn lý do cuối cùng, đó là "gieo vào đầu" các cử tri CH rằng họ đã bị thua "oan ức", và từ đó họ sẽ đoàn kết hơn theo lời các lời "hô hào" của ông Trump sau này, tìm cách lấy lại quyền lực cho Đảng CH qua lá phiếu, giữ các vấn đề mà họ cho là cốt lõi trong chương trình nghị sự "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" (MAGA - Make America Great Again) mà giờ đây nhiều người bắt đầu "nhại" lại là "Làm cho Trump vĩ đại trở lại" vì thấy hai cái đó có phần liên quan đến nhau.

    Tất nhiên, việc tính toán này có thể như "đếm của trong lỗ" vì 4 năm tới có thể là thời gian ngắn, nhưng cũng có thể là thời gian rất dài để một cây đa, cây đề về chính trị như Trump rơi vào quên lãng.

    DAD: Cô xem chừng biết về người mình "yêu" hơi nhiều đấy nhỉ. Thông thường, chỉ với đối thủ hay kẻ thù chính trị người ta mới nghiên cứu kỹ nhau thế này.

    DAUGHTER: Ba lại nhầm. Con kể cho Ba nghe câu chuyện về Do thái Israel, họ là đồng minh thân thiết của Mỹ, nhưng cũng lại là bậc thầy trong việc hiểu biết về các đảng phái chính trị và cách vận hành của hệ thống chính trị Mỹ. Tất nhiên, họ cũng nắm "đối thủ" của mình rất chắc. Chắc Ba còn nhớ vụ nhà khoa học hạt nhân hàng đầu Iran, TS Mohsen Fakhrizadeh, vừa bị ám sát tại Teheran cách đây mấy hôm mà người ta nghi là có bàn tay của tình báo Israel Mosad trong vụ này. Thậm chí Ba có tìm mỏi mắt trên mạng cũng chẳng ra được một bức hình rõ ràng của TS Mohsen Fakhrizadeh nữa.

    DAD: Oh. Do Thái thì kể làm gì.

    DAUGHTER: Cái này cũng không đúng nốt. Ở châu Á, cả Nhật và Hàn Quốc không chỉ hiểu rất sâu về Cộng hòa DCND Triều Tiên, về Trung Quốc mà họ cũng là những bậc thầy trong nghiên cứu về Mỹ.

    Còn chuyện này mới vui. Ba có nhớ con bé Kim Bon-Hwa người HQ trước học cùng con, về sau nó làm ở BNG HQ không? Cách đây ít năm nó kể nó cho con nghe công việc "kỳ dị" nhất thế giới của nó, đó là chỉ mỗi việc theo dõi mỗi các dòng Tweet của ông Trump hồi mới lên nhậm chức xem có dòng nào viết về HQ hay có các tác động trực tiếp hay gián tiếp đến HQ hay không để rồi báo cáo các Sếp xử lý tiếp.

    DAD (đung đưa mái đầu bạc trắng, nghĩ ngợi): Thế giới ngày càng trở nên khó hiểu và kỳ lạ thật. Thế nào, đã đến lúc kể thêm cho Ba về hình mẫu người bạn đời lý tưởng của cô chưa?

    DAUGHTER (mơ màng, nhìn về nơi xa xăm): Con đang nghĩ đến chuyện "Reset" (Tái khởi động lại)

    DAD (gật gù): Ừ, làm việc trí não nhiều con cũng cần thỉnh thoảng phải "Reset" lại.

    DAUGHTER (rùng mình, từ chỗ mơ màng xa xăm trở về với thực tại): Gì cơ. Ba vừa nói gì cơ. "Reset á"? Không. Ai lại chỉ nghĩ về mình và cho mình như vậy. Con đang hình dung đến chủ đề "The Great Reset" (Công cuộc Tái khởi động vĩ đại) của Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos 1/2021.

    Khi các chính trị gia cánh tả, các nhà kinh tế theo thuyết tự do, Nhà thờ công giáo, các CEO của các hãng công nghệ khổng lồ (Big Tech), các Hoàng gia lâu đời ở châu Âu... cùng nói về Reset, cùng chia sẻ về chủ đề "Trật tự thế giới mới" (The New World Order) vào lúc này và với cùng một nội dung và khác hẳn với những gì Ba, con mình biết lâu nay khiến con có đôi chút nghĩ ngợi, và tất nhiên là cả lo lắng nữa.

    --- (Hết phần 3) ---


    Không có nhận xét nào