Header Ads

  • Breaking News

    TS Hoàng Anh Tuấn - Buổi sáng đầu tuần với nhiều tin tức thú vị


    1. Việc Texas bị Tòa án Tối cao bác đơn kiện đã mở đường cho Thống đốc 50 bang, đặc biệt là 4 bang có tranh chấp (PA, GA, MI và WI) và Thủ đô Washington DC chính thức xác nhận con số Đại cử tri mà 2 ƯCV Mỹ nhận được là: Cựu PTT Biden (306), đương kim TT Trump (232) trên tổng số 538 phiếu ĐCT.

    2. Ngay sau khi có kết quả, ông Biden đã có bài diễn văn được phát truyền hình trực tiếp cả nước cảm ơn người dân Mỹ đã lựa chọn và bầu cho liên danh Biden-Harris. Ông Biden cũng nhanh chóng kêu gọi ông Trump không tranh chấp pháp lý, mà chấp nhận "nguyện vọng" của người dân Mỹ.

    3. Như vậy cho đến nay, lịch trình sau cuộc bầu cử TT Mỹ ngày 3/11 vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch như ghi trong Hiến pháp và các luật lệ liên quan đến bầu cử. Các mốc tiếp theo cần theo dõi là:

    - 23/12 (kết quả bỏ phiếu Đại cử tri được gửi đến Phó tổng thống);

    - 3/1/2021: Quốc hội mới của Mỹ khóa 117 (nhiệm kỳ 3/1/2021 - 3/1/2023) nhậm chức;

    - 5/1: Bầu cử lại hai ghế Thượng nghị sĩ tại Georgia;

    - 6/1/2021: Quốc hội mới họp xem xét các danh sách Đại cử tri và bầu TT mới.

    - 20/1/2021: Tổng thống mới của Mỹ nhậm chức

    4. TT Trump và Nhóm pháp lý dường như đã biết trước được kết quả này và nói con đường pháp lý chưa khép lại, ít nhất là đến ngày 20/1/2021.

    5. Theo lịch trình đề ra trong các luật lệ liên quan đến bầu cử hiện hành, đến ngày 20/1 năm sau nước Mỹ mới có một Tổng thống mới. Thông thường quá trình chuyển giao quyền lực thường bắt đầu ngay sau đêm ngày bầu cử khi nước Mỹ biết tin ai sẽ là Tổng thống nhiệm kỳ tiếp theo.

    6. Kể từ cuộc tranh chấp lịch sử trong cuộc bầu cử 1876 (cách đây 144 năm và sau khi nước Mỹ ra đời được 100 năm), chưa có cuộc bầu cử Tổng thống nào mà tranh chấp pháp lý vẫn diễn ra sau khi danh sách Đại cử tri đã được chọn chính thức.

    7. Cùng lúc với việc hoàn tất chính thức danh sách các Đại cử tri Dân chủ ở các bang "chiến trường" mà ông Biden giành chiến thắng, thì cũng trong ngày hôm qua chi nhánh Đảng Cộng hòa tại sáu bang tranh chấp là AZ, NV, MI, WI, PA và PA cũng hoàn tất việc lập danh sách Đại cử tri Cộng Hòa ở các bang này và tất cả đều bầu cho đương kim Tổng thống Trump.

    Nhiều người đọc đến đây nghi ngờ hiện sẽ có 2 danh sách ĐCT được gửi đi từ các bang có tranh chấp, một là danh sách các ĐCT Dân chủ do các Thống đốc ở 6 bang này xác nhận (các tiểu bang này đã làm) và một danh sách ĐCT Cộng hòa.

    Tuy nhiên, đến nay chưa có đủ thông tin xác nhận rằng danh sách các ĐCT Cộng hòa được các Nghị viện 6 tiểu bang trên thảo luận, chấp thuận và đồng ý gửi lên quốc hội Mỹ.

    Nếu như các Nghị viện không làm thì khả năng không có 2 danh sách tranh chấp, mà chỉ có một danh sách duy nhất các Đại cử tri Dân chủ. Nhiều khả năng danh sách Đại cử tri Cộng hòa được lập ra là "danh sách dự bị", phòng trường hợp tòa án tại một số bang ở trên mà ông Trump và Nhóm pháp lý của mình đang theo kiện lật ngược lại kết quả bầu cử (mà khả năng này hiện rất thấp) thì họ có sẵn danh sách này để "thế chỗ".

    8. Ít nhất cho đến thời điểm này chưa thấy có thêm các Lãnh đạo Cộng hòa trong Quốc hội hay các nhân vật có tên tuổi khác trong Đảng cộng hòa lên tiếng yêu cầu Tổng thống Trump nhanh chóng thừa nhận thực tế chính trị mới của nước Mỹ bằng cách chấp nhận "thua cuộc".

    Điều này có thể:

    (i) Chính các nhân vật Cộng hòa này cũng bị thuyết phục bởi nhóm của ông Trump về những "bất thường", diễn ra không có lợi cho ông Trump;

    (ii) Do chính họ cũng là những nhà làm luật nên thấy vẫn cần tiếp tục để ông Trump và những người ủng hộ tận dụng hết tất cả các cơ hội pháp lý và trong khuôn khổ luật pháp, để rồi sau này khi kết quả có diễn biến ra sao thì ông Trump cũng "tâm phục khẩu phục";

    (iii) Cũng có thể họ nhìn thấy "tia hy vọng", dù còn mỏng manh. Hơn nữa, điều này cũng phù hợp với tinh thần "chiến binh", đó là không dễ và không sớm bị khuất phục của những người Cộng hòa.

    9. Cũng trong ngày 14/12, Tổng trưởng Tư pháp William Barr đã có cuộc nói chuyện thân mật với Tổng thống Trump và sau đó viết đơn xin từ chức vào ngày 23/12 này.

    Truyền thông chỉ đưa tin là ông Bar từ chức. Tuy nhiên, trong lá đơn từ chức gửi Tổng thống Trump được chia sẻ công khai, ông Barr kể về những gian truân phải đối phó với phe đối lập mà chưa từng có Tổng thống Mỹ nào như ông Trump gặp phải. Nhưng bất chấp điều đó, ông Trump đã đạt được những "kỳ tích" đi vào lịch sử như phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, tăng cường sức mạnh quân đội, phát triển vaccine phòng Covid-19 nhanh chưa từng có...

    10. Ngoài những lý do như đã nói trong một số bài viết trước về lý do tại sao ông Trump không chịu thừa nhận thất bại mà vẫn "kiên trì" chiến đấu như: Các cánh cửa pháp lý vẫn còn, rồi hy vọng đảo ngược kết quả (mà nay ngày một mong manh), rồi tìm cách qua việc đấu tranh chống "gian lận" (theo lời ông Trump) để đoàn kết Đảng CH, xây dựng hình tượng người lãnh đạo quả cảm, đặt cơ sở cho việc ra đời luật cải cách bầu cử mới, giúp Đảng CH và giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử sau đó.... ông Trump có thể (chỉ phỏng đoán thôi nhé) còn một lý do cá nhân khác.

    Đó là không muốn mình trở thành một TT "vịt què" (lame-duck President). Khái niệm lame-duck khá phổ biến trong sinh hoạt chính trị trị ở Mỹ và phương Tây, đó là tình trạng của một lãnh đạo đương nhiệm, đang có nhiều quyền hành nhưng "bỗng nhiên" không còn nhiều quyền lực nữa vì đã có một lãnh đạo mới được bầu, nhưng đang "ngấp nghé" phía cánh gà.

    Với một người tính cách như ông Trump, có lẽ ông muốn rằng theo Hiến pháp và pháp luật, khi vẫn đang ở trên ghế Tổng thống, dù chỉ còn một ngày hay một giờ, nhưng ông Trump vẫn phải đủ uy và quyền lực để ra các quyết định như ngày đầu mới nhậm chức.

    Có lẽ với lối suy nghĩ và hành động đó, nên tinh thần của những người thừa hành dưới quyền chưa có biểu hiện "rã đám", và các quan chức chính quyền Trump vẫn hoạt động như bình thường, chẳng hạn như kế hoạch phân phối và tiêm vaccine phòng Covid-19 cho 40 triệu người từ nay đến cuối năm và 100 triệu người (tức 1/3 dân số Mỹ) đến hết T2/2021.

    Về đối ngoại, nước thứ tư trong liên đoàn Ả-rập là Ma-rốc (nước Ả-rập thứ 4 trong 3 tháng qua) vừa quyết định bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Israel./.

    https://www.facebook.com/tuan.hoang.1428/posts/3884253971598258

    Ông Trump đã buông tay?

    16/12/2020

    1. Trong các dòng Tweet của mình, ông Trump luôn bảo vệ quan điểm mình là người chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống có nhiều "vấn đề" diễn ra trong ngày 3/11/2020.

    Tuy nhiên, chỉ cách đây ít giờ, ông Trump đã đăng lại (retweet) những dòng sau của Đức cha Fanklin Graham, dường như đồng ý với những lời viết trong đó của Đức cha:

    "Tổng thống Trump sẽ đi vào lịch sử như một trong những Tổng thống vĩ đại nhất của nước Mỹ... Cầu Chúa phù hộ cho Tổng thống, Đệ nhất phu nhân Melania và gia đình Tổng thống và Người tiếp tục soi đường cho Tổng thống đi tiếp vào chương mới của cuộc đời."

    2. Nhưng cũng có khi đây chỉ là "đòn hỏa mù" của Tổng thống Trump như ông đã từng làm rất nhiều lần trước đây và đã nhiều lần cho cho các bình luận viên nghiệp dư "hít khói" với những dòng Tweet nửa giả, nửa thật khiến đối thủ lẫn địch thủ không biết đâu mà lần.

    Nếu giả định trên đây là đúng thì rất có thể ngay sáng mai ngủ dậy chúng ta sẽ đọc được một Tweet mới với nội dung khác hẳn từ tài khoản Twitter của Tổng thống Trump!

    3. Hôm qua một số bạn có trích dẫn việc Nghị viện một số tiểu bang tranh chấp như AZ, NM, NV, PA và GA gửi danh sách Đại cử tri Cộng hòa lên Quốc hội Mỹ.

    Tuy nhiên, khi xem kỹ lại văn bản thì tôi thấy không phải như vậy và đến giờ vẫn chưa tìm thấy bất kỳ văn bản nào nói rằng Nghị viện các tiểu bang tranh chấp trên đã gửi các danh sách như vậy.

    Lấy hai lá thư ở dưới làm ví dụ. Nhìn kỹ nội dung và tiêu đề thư xác nhận gửi Quốc hội Mỹ danh sách các Đại cử tri Đảng Cộng Hòa trong hai lá thư này thì tôi thấy họ cũng chỉ đề là Đảng Cộng hòa tiểu bang New Mexico và Đảng Cộng hòa tiểu bang Arizona, tức chi nhánh của Đảng Cộng hòa ở hai tiểu bang trên.

    Nếu như danh sách Đại cử tri của Đảng Cộng Hòa được Nghị viện của hai tiểu bang trên bàn luận, thông qua và gửi lên quốc hội Mỹ thì ở tiêu đề hoặc bên trong hai bức thư đó họ sẽ phải viết rõ, chẳng hạn như: Nghị viện tiểu bang New Mexico (State Legislature of New Mexico) hoặc Nghị viện tiểu bang Arizona (State Legislature of Arizona).

    Mình là dân nghiên cứu nên rất coi trọng tính xác thực của nguồn và thông tin trích dẫn. Yêu hay ghét một trong hai ứng cử viên là câu chuyện "tình cảm". Nhưng không thể vì "tình cảm" mà đưa những thông tin không chính xác như chính cách các Fake Media đang làm và bị nhiều người tẩy chay.

    Không có nhận xét nào