Tương tự như Phùng Quán, tôi cũng có làm thơ; và có vô số lúc (chứ không
phải "phút") ngã lòng. Khác với Phùng Quán, thơ của tôi “chưa” được ai
tán thưởng; và vào những lúc ngã lòng – có lúc kéo dài đến chục năm –
tôi lục lọi mãi thơ mình mà không tìm ra được một câu, dù chỉ một câu
thôi, để... vịn!
Khoa Hữu (1938-2012). Phùng Quán (1932–1995).
Có những phút ngã lòng
Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy!
(Phùng Quán)
Vịn câu thơ mà đứng dậy!
Thơ
không còn là món trang điểm đua tranh sức chói lọi nơi cung đình. Thơ
không còn là món đưa cay trong những cuộc say túy lúy. Thơ không còn là
cái áo giáp cho ngươì ta phùng xòe trước đám đông và che dấu những thân
thể suy nhược. Thơ không còn là khẩu hiệu cho những cuộc biểu dương lực
lượng... Thơ là chiếc nạng vững chắc cho người gìa, là chỗ dựa cho những
người thất thế từ đó đứng lên làm lại cuộc đời...
Những giòng
chữ in nghiêng mà bạn vừa đọc không phải do tôi viết đâu nha. Đó là lời
giới thiệu của ông Nguyễn Mộng Giác về tập Thơ Khoa Hữu, do tạp chí Văn
Học xuất bản hồi cuối năm 97. Nếu không nhờ ông Giác, ai mà dè thơ lại
có nhiều công dụng dữ dằn (tới) cỡ đó!
Cũng cứ theo y như lời của
ông Nguyễn Mộng Giác: "Khoa Hữu là Đỗ Phủ của thời hiện đại, ở một đất
nước liên tiếp đau thương suốt nửa thế kỷ nay. Những lời Phùng Quán viết
về thơ Đỗ Phủ rất đúng với thơ Khoa Hữu (Thơ ai như thơ ông/ Mỗi chữ
đều như róc/ Từ xương thịt cuộc đời/ Từ bi thương phẫn uất)."
Nếu
những điều ông Phùng Quán, ông Nguyễn Mộng Giác vừa lớn tiếng nói về
thơ đều đúng thì thiệt là kẹt cho tôi, và – không chừng – dám kẹt...
luôn cho bạn; nếu như, bạn không biết làm thơ hoặc (cũng như tôi) bạn
chỉ chuyên môn làm những câu thơ quặt quẹo, nghĩa là không thể vịn được,
dù là chỉ vịn để... ngồi chơi.
Như thế, vào "những phút ngã lòng" những kẻ lạng quạng như tôi và bạn phải làm sao?
Khi
kẹt tiền chúng ta đi muợn; lúc kẹt thơ (e) cũng vậy thôi. Tính chất tư
hữu của thơ, nhờ Trời, rất mơ hồ và chưa bao giờ được luật pháp thừa
nhận một cách đàng hoàng nghiêm chỉnh. Thơ đã làm xong, đã in ra, đã lỡ
dại ngâm nga giữa chốn đông người... là kể như rồi. Chuyện tác quyền hay
bản quyền vớ vẩn gì đó coi như là chấm hết!
Bạn có thể mượn thơ
mà không cần credit, và cũng khỏi mất công điền đơn. Chúng ta cứ khơi
khơi mang thơ của quý vị thi sĩ tặng người này, cho người nọ; hoặc mượn
thơ của họ để vịn mà đứng dậy khi ngã lòng, ngồi chơi khi rảnh rỗi, tán
đào khi cao hứng, và... leo trèo khi hữu sự.
Không bằng luật
nhưng theo lệ, bạn cần phải rõ ràng và sòng phẳng khi mượn thơ người
khác à nha. Ngoài ra, cẩn trọng cũng là một yếu tố quan trọng khác nữa
trong việc lựa thơ để mượn – nhất là khi bạn cần mượn câu thơ để vịn mà
đứng dậy, trong những phút ngã lòng; nếu không, bạn sẽ tiếp tục té nữa,
sẽ té đau, sẽ nằm lâu, và – không chừng – dám nằm luôn tới... chết (chớ
đừng tưởng là tới sáng thôi đâu)!
Xin kể bạn nghe vài câu chuyện
nhỏ để minh thị đôi điều tôi vừa ồn ào xác định. Trước hết là chuyện
liên quan đến sự đàng hoàng và minh bạch.
Cách đây mấy mươi năm – vào năm 1978, một hôm – có thằng bạn chung tù với tôi vừa cầm tờ báo lên xem đã bực dọc chửi thề:
- Đ.M., sao "mâm" nào cũng có nó hết vậy cà?
Tôi
quên tên tờ báo, chỉ nhớ trang đầu có in hình ông Hồ Chí Minh đang điều
khiển một dàn nhạc. Chữ "nó" trong câu chửi thề của thằng bạn tôi vừa
dùng để ám chỉ ông ta – một lãnh tụ anh minh lỗi lạc, một người quyền
biến hùng biện, một nhà văn có tài, một thi sĩ ngoại hạng... Những điều
mà thiên hạ đều biết và đều tán tụng. Thằng bạn tôi chợt biết thêm là
ông Hồ còn có khả năng điều khiển (nguyên cả) một giàn nhạc giao hưởng
nữa. Chuyện này, tự nhiên, khiến nó bị... quê ngang! Thay vì xuýt xoa
tán thưởng sự đa dạng của một thiên tài, nó lại thốt ra một câu chửi thề
bực dọc y như là đụng phải... thiên tai vậy!
Không bao lâu sau
thằng em tự dưng (cái) qua đời – lúc mới ngoài hai mươi, trong một đêm
học tập, mắt trợn trừng, máu trào thất khiếu – ngay sau khi nghe quản
giáo bình những câu thơ bất hủ của bác Hồ. Từ đó, không ai bảo ai, từ
cán bộ đến trại viên, chúng tôi "kiêng" nói đến thơ của Bác.
Vài
năm sau – khi đã ra khỏi trại, có dịp tìm đến nhà thằng bạn để báo tin
buồn – tôi mới hiểu tại sao bạn mình chết không nhắm mắt. Thân phụ nó là
một người tinh thâm Hán Học nên ngay từ khi còn nhỏ thằng em đã được
dậy thuộc lòng vô số thơ Tầu. Nó biết là ông Hồ đã mượn nhiều câu thơ
của thiên hạ để vịn mà leo trèo, và lỡ quên tên tác giả, thế thôi.
Vài
năm sau nữa, tôi lại biết thêm rằng ông Hồ không phải là người anh minh
lỗi lạc như đã tự viết sách – làm bộ đề tên người khác – để ca tụng
mình. Ổng chỉ sài bạc giả. Ông Hồ gạt được nhiều người, trong nhiều năm,
vì ông ta được sự đồng lõa bởi cả một băng đảng chuyên môn làm bạc giả –
Đảng Lao Động Việt Nam.
Tôi xin lỗi vừa đi hơi xa vấn đề. Như
bất cứ một người Việt bình thường nào khác, khi đề cập tới ông Hồ và cái
đảng thổ tả của ông ta, tôi khó giữ bình tĩnh nên đã có nói năng hơi
lung tung chút đỉnh. Câu chuyện vừa kể chỉ để nói lên tính chất quan
trọng của sự lương thiện trong việc mượn thơ thôi.
Điều cần thiết
thứ hai, như đã thưa trước, là sự cẩn trọng. Vì quá mến mộ một thi sĩ,
và vì cái tật ba chớp ba nháng, tôi đã lựa lầm câu thơ sau đây để vịn
trong những lúc ngã lòng:
Ta làm gì cho hết nửa đời sau?
Đây
thiệt tình là một câu thơ quá đã, đã nhất là đọc hết luôn cả bài, đọc
trước mặt năm ba "tráng sĩ," khi rượu sắp cạn chai, vào lúc trời đã gần
về sáng.
Sáng
thức dậy miệng đắng, môi khô, đầu óc bần thần, váng vất, cơ thể rã
ruợi, mệt nhừ... Nắng len vào phòng từ lâu, chiếu một vệt dài vàng xẫm
trên thềm. Lại một ngày nữa bắt đầu, thêm một ngày lảng xẹt sắp qua. Vào
những lúc chán đời như chưa bao giờ chán thế, và như không thể nào chán
hơn được nữa, tôi hay vịn vào câu thơ "ta làm gì cho hết nửa đời sau"
để đi chậm chậm đến tủ rượu - hay tủ lạnh (nếu nhà hết rượu) – tìm
bia... uống nữa!
Tôi lại té, tất nhiên. Nhiều năm qua, tôi té
hoài theo kiểu đó. Lỗi, chắc chắn, không do tác giả – ông Cao Tần. Lỗi,
đương nhiên, ở tôi – kẻ chỉ vì vịn trật có mỗi một câu thơ nên... tha hồ
té!
Vẫn cứ theo như lời ông Nguyễn Mộng Giác khi viết tựa cho
tập Thơ Khoa Hữu thì thơ "là lời mẹ ru dành cho đứa con ốm đau, là lời
cầu kinh cho người sắp từ giã cõi đời..." Nói cách khác, tôi xin "diễn
giảng" như sau: thơ khi dùng đúng câu, hợp cách, trúng chỗ, và phải lúc
thì công dụng kể như là... hết xẩy!
Bạn vừa nhíu mày, phải không?
Bạn có quyền không tin tôi, không tin ông Giác – một người làm thơ dở
và một người chưa hề làm được một câu thơ nào, dù dở. Bạn nghi ngờ là
phải. Chuyện đó không có gì đáng trách.
Tuy nhiên, bạn sẽ trở nên
đáng trách – hoặc đáng chết luôn nữa, không chừng – nếu như vẫn còn bán
tin bán nghi vào sự vạn năng của thơ phú, sau khi đã đọc qua câu chuyện
sau đây, về một câu thơ: "Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi." Chuyện này
tôi đã đọc (lóm) được trong cuốn Thư Về Bloomington, Illinois của ông Lê
Tất Điều:
Phi tuần khu trục vừa xuất hiện thì cả một bầu trời
biến thành biển lửa. Số lượng phòng không không biết là bao nhiêu cây,
nhưng dòm hướng nào cũng chỉ thấy lửa và lửa. Trời đã về chiều nên những
viên đạn lửa bay vút lên cao càng được thấy rõ ràng hơn. Phi tuần đầu
nhào lên nhào xuống mấy lần vẫn không làm câm họng được mấy cây pháo vì
phòng không và trời quá xấu. Những đám mây... phản quốc vẫn chình ình
khắp nơi. Khó khăn lắm họ mới kiếm được cái lỗ chui xuống, bay giữa
những loạt đạn phòng không trùng điệp để tới mục tiêu, bấm rớt bom rồi
kéo lên. Còn hai trái cuối cùng, người phi công A-1 'để' vào ngay trên ổ
súng chính xác như để bi vào lỗ. Ầm một tiếng vang lên rồi tiếp theo là
nhiều tiếng nổ phụ. cha con nó đang đền tội. Xong một cây. Anh Ngọc
hướng dẫn phi tuần thứ hai đánh cây thứ nhì.
Phi tuần đang làm ăn thì tôi nghe tiếng gọi:
"Bạch Ưng đây Thanh Trị."
"Nghe năm bạn."
"Báo bạn biết hầm chỉ huy tôi xập rồi. Tôi ra giao thông hào với mấy đứa con."
"Bạn nhớ giữ liên lạc với tôi nghe bạn..."
Không có tiếng trả lời. Tôi hoang mang. "Ra giao thông hào với mấy đứa con", vậy là bi đát lắm rồi.
Anh Ngọc bảo tôi:
"Anh
đang bận hướng dẫn khu trục, em qua FM gọi thẳng trung tâm hành quân
xin gấp cho anh ít nhất là hai phi tuần nữa lên liền lập tức. Nếu không
kịp tụi nó sẽ 'over run' Daksaeng trong vòng nửa tiếng đồng hồ.
Tôi
đổi tần số FM... Tôi gọi máy và có kết quả ngay. Anh Ngọc mừng rú khi
được thông báo có một phi tuần F-4 của Hải Quân Mỹ sẽ cất cánh ngay từ
hàng không mẫu hạm bay vào làm việc.
Giọng nói từ dưới đất bây giờ nghe có vẻ hốt hoảng:
"Bạch Ưng đây Thanh Trị."
"Nghe bạn năm."
"Bạn cho mấy con chim sắt về đánh quanh đồn gấp đi bạn. Tụi nó đang 'à lát sô' lên."
***
Đang
đánh ngon lành thì tôi nghe tiếng gọi từ dưới đất: Bạch Ưng đây Thanh
Trị. Giọng nói lúc này không còn vẻ hốt hoảng mà bình tĩnh lạ thường.
Anh Ngọc bấm máy:
"Nghe bạn năm. Cho biết tình hình đi bạn."
"Tôi yêu cầu Bạch Ưng đánh bom ngay vào trong đồn"
Cả
hai chúng tôi giật nẩy mình, chỉ hy vọng rằng mình nghe... lộn. Chúng
tôi sững sờ không trả lời được. Người chỉ huy phía dưới xác nhận lại:
"Bạch Ưng, tôi xác nhận lại tôi xin bạn đánh xuống đầu tôi."
"Bạn nói bạn xin đánh thẳng vào đồn?"
"Đúng năm. Hết hy vọng rồi bạn ơi. Cứ đánh vào đây để tụi nó chết chùm luôn với chúng tôi."
"Bạn suy nghĩ kỹ chưa?"
Giọng dưới đất lúc này nghe đã có vẻ hết kiên nhẫn:
"Không còn lựa chọn nào khác bạn ơi. Bạn đánh lẹ giùm. Chúc bạn may mắn. 'Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi' mà bạn..."
Đó là những tiếng nói cuối cùng tôi nghe được từ đồn Dakseang. "Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi."
Chỉ
có vậy thôi là đồn Dakseang biến thành một biển lửa sau hai đợt bom
salvo của mấy chiếc Phantom... Những thịt, những xương, những máu của
các anh hùng Dakseang đã tung bay khắp nơi rồi rớt xuống lẫn lộn với
những bụi, những sắt để nằm yên trên mặt đất. Cũng trên mặt đất này của
quê hương, ở một nơi nào đó, những vợ, những con, những bà con thân bằng
quyến thuộc của các anh đâu có biết người thân mình vừa anh dũng đền
xong nợ nước...
(Đất Khách Trời Quê - Trường Sơn Lê Xuân Nhị)
Mà không phải chỉ có thơ mới vịn được đâu nha. Văn, khi ngã lòng hay đứt ruột, vịn cũng đỡ lắm.
Có những phút ngã lòng
Tôi vịn câu "văn" mà đứng dậy!
Sở
dĩ Phùng Quán không viết như thế chỉ vì ổng có lòng đố kỵ với văn xuôi,
hoặc chỉ vì chưa có dịp đọc đoạn văn sau đây của ông Võ Phiến:
Và
một hôm, cạnh cái khách sạn ở bãi Kapaa trên đảo Kauai tôi thấy một
cảnh ấm áp đau lòng. Ở một góc tường bên ngoài khách sạn có bụi chuối
nhỏ, dăm sáu cây gì đó. Một bên là tường, một bên là sân cỏ, chia cách
bằng một lối đi đúc xi-măng. Người qua kẻ lại rần rần. Thế mà vào khoảng
tám giờ tối, đi ngang qua đó tôi chợt để ý đến một đôi cu giữa các gốc
chuối. Bước chân có khua động giấc ngủ bất an, có làm chim cựa quậy vu
vơ, có lẽ vì thế mà làm tôi chú ý. Ơ kìa, chim sao lại ngủ gốc chuối,
ngủ bên lối đi của người ta?
Lát sau, tôi chợt nhớ ra vào một lúc
nào đó trong ngày có trông thấy một con cu mất đuôi kiếm ăn giữa sân
cỏ. Lần hồi tôi dựng lên một giả thuyết: đó là một con chim cu bị mèo vồ
hụt. Nó tàn tật, mất thăng bằng, mất phương hướng, không bay được. Bạn
đời không rời bỏ nó trong hoạn nạn, cho nên đêm đêm cả hai kề nhau nép
vào gốc chuối sát mặt đất, bất chấp hiểm nguy.
Chim chóc không có
thói ái ân lén lút về đêm. Chim ngủ chay. Vậy thì sự cận kề đầy hi sinh
mạo hiểm ở đây... không phải vì sinh lý, chỉ cần sự "hiện diện".
Chao
ôi, vì một sự hiện diện bên nhau con chim nọ liều mình vì con chim kia.
Hai con chim, chỉ còn một cái đuôi. Ngủ nghê như thế, nội đêm nay hay
đêm mai một chú mèo tình cờ dạo ngang qua, rất có thể đi đứt luôn cái
đuôi nữa. Ấy là may mắn. Không may, dám mất toi cả hai tính mệnh lắm.
Mất đuôi, mất mạng gì cũng được, quí hồ hiện diện bên nhau. Con cu Hạ-uy-di như thế, không thương nó được sao?
(Cái Lạnh Nửa Người - Võ Phiến)
Nếu
bạn cũng đang có một cuộc sống lứa đôi hơi lọng cọng, và nếu bạn cũng
chỉ vì sự bất ổn cỏn con đó mà phải dựa vào thơ Cao Tần để lê đến tủ
rượu cả ngàn lần trong gần mười năm qua - hy vọng - bạn cũng sẽ vịn được
vào hình ảnh cảm động của đôi chim cu Hạ Uy Di để mà gượng dậy, như tôi
đang lom khom đứng dậy đây.
Tôi cảm ơn ông Võ Phiến biết mấy.
Tôi cũng cảm ơn ông Lê Tất Điều vô cùng. Bằng tác phẩm Thư Về
Bloomington, Illinois ông ấy đã cho tôi có dịp đọc lóm nhiều đoạn văn
"chấn động sâu xa đến tận đáy tâm hồn". Ông ấy cũng chỉ tôi thấy được sự
hùng vĩ của thiên nhiên qua Grand Canyon; và sự cao cả thầm lặng của
con người qua những chiến binh anh dũng của đồn Dakseang - hay qua những
nhân vật bình thường như ông ông Lưu, ông Phan, ông Nguyễn... Tất cả đã
giúp tôi nhận ra nỗi bận tâm nhỏ nhen của mình trong nhiều năm qua. Tôi
cũng vừa đọc xong tập Thơ Khoa Hữu với cùng tâm trạng ấy. Tâm trạng của
một kẻ chợt nhận ra là mình ti tiểu khi cảm được nỗi bất hạnh cùng cực
của tha nhân.
(T.N.T)
Không có nhận xét nào