Header Ads

  • Breaking News

    Bùi Anh Trinh - Tử chiến Hạ Lào 1971 : Bài 6

     


    TRỰC THĂNG MỸ SA VÀO TRẬN ĐỊA PHÒNG KHÔNG

    *( Trích sách “Gải Mã Những Bí Ẩn của Chiến Tranh Việt Nam của Bùi Anh Trinh )

    Ngày thứ 8, ngày 15-2 :   Quân CSVN trên đất Lào là 35.000 người

    Bộ Tư lệnh MACV nhận được tin quân số của CSVN hiện diện trên đất Hạ Lào là 35.000, gồm 5 sư đoàn Bộ binh ( Băng ghi âm “The Abrams Tape” ).

    *Chú giải :

    Bất cứ một sĩ quan hạng bét nào cũng biết rằng một “lệnh hành quân” đều tùy theo tình hình của địch quân như thế nào *( Lệnh hành quân là kế hoạch hành quân được viết lên giấy trắng mực đen.  Tất cả đều căn cứ trên giấy trắng mực đen mà thi hành ).  “Lệnh hành quân” của bất cứ một quân đội nào cũng có mục đầu tiên là mục “tình hình địch”.  Và từ mục thứ hai trở đi của lệnh hành quân đều căn cứ vào tình hình địch đã ghi trong mục 1.

    Nhưng trong mục “thi hành”, mục thứ 3 của lệnh hành quân, luôn luôn có tiểu mục “trường hợp dự phòng”.  Đó là dự phòng tình hình thực tế biến chuyển khác với dự trù đã được ghi trong mục 1.

    Thế nhưng băng ghi âm Abrams Tape cho thấy đến ngày thứ 8 thì tình hình địch trong thực tế gấp 5 lần dự trù trong “lệnh hành quân”.  Và cũng băng Abrams Tape cho biết Tướng Abrams không thay đổi kế hoạch hành quân, nghĩa là nhắm mắt coi như địch chỉ có 7.000 ngàn quân.  Nghĩa là nhắm mắt đưa quân VNCH vào chỗ chết !!!

    Đây là một điều vô lý mà không một nhà quân sự nào chấp nhận. *( Muốn biết tại sao Abrams lại hành động như vậy thì xin đón đọc những hồi cuối sẽ rõ )

    Ngày thứ 9, ngày 16-2. Máy bay trực thăng Mỹ sa vào trận địa phòng không

    -Buổi sáng, súng phòng không của CSVN đồng loạt khai hỏa vào các phi cơ trực thăng võ trang của HK hoạt động dọc theo sông Tchepone.

    *Chú giải :

    *Lộ trình bay

    Do thời tiết xấu, trần mây thấp, các phi cơ trực thăng phải bay dưới tầng mây mới có thể xác định được lộ trình bay.  Do đó phi cơ trực thăng phải bay dọc theo sông Tchepone để yểm trợ cho các cánh quân đang tiến trên Quốc lộ 9.  Nhưng như vậy là làm mồi cho các súng cao xạ 12 ly 7 của CSVN được đặt trên dãy núi đá dọc theo bờ Nam sông Tchepone, từ A Lưới đến Tchepone.

    Khi đoàn quân mới xuất phát từ Lao Bảo, biên giới Việt Lào, để đến A Lưới thì không thuộc vào trận địa phòng không của CSVN bởi vì hai bên Quốc lộ 9 địa thế trống trải, không có những vị trí tốt để bố trí súng phòng không.

    Nhưng bắt đầu từ A Lưới thì phía Nam sông Tchepone có một dãy núi đá chạy dài từ A Lưới đến Tchepone.  CSVN đã bố trí các đội cao xạ trên dãy núi đá từ trước nhưng chưa khai hỏa để giữ bí mật, chờ đón đoàn máy bay yểm trợ cho cánh quân Dù và Thiết kỵ từ A Lưới tiến về Tchepone.  Do đó ngày bắt đầu giai đoạn 2.B của quân đội VNCH cũng là ngày khai hỏa của lưới phòng không CSVN.

    Thông thường các xạ thủ súng 12 ly 7 phải bắn máy bay từ dưới lên thì kém hiệu quả vì máy bay bay ngang qua một thoáng rồi mất hút ngay.  Nhưng nếu súng được đặt ở trên cao mà máy bay lại bay ngang ở độ thấp hơn thì xạ thủ dễ dàng điều chỉnh súng “bắn đón” hoặc “bắn đuổi” theo máy bay. *( Cứ 5 viên đạn thường thì có 1 viên đạn lửa, viên đạn lửa sẽ kéo một vệt lửa dài để báo cho xạ thủ thấy đường đi của viên đạn, nhờ đó xạ thủ có thể điều chỉnh nòng súng cho đến khi trúng đích ).

    *Sự thật về lực lượng phòng không của quân CSVN tại Hạ Lào :

    Theo dõi các bức không ảnh, đến ngày 24-3-1971, Không lực 7 Mỹ báo cáo về Bộ tư lệnh Thái Bình Dương rằng số súng phòng không của CSVN từ 525 đến 575 khẩu, tương đương với cấp số 19 tiểu đoàn phòng không.  Điều này hoàn toàn bất ngờ đối với Ngũ Giác Đài và Bộ tư lệnh quân đội Mỹ tại VN….  Đặt giả dụ 1 khẩu phòng không hạ được 1 trực thăng thì toàn bộ 600 trực thăng của Mỹ sẽ bị bắn hạ hết.

    Trong vòng 4 ngày đầu sau khi súng phòng không bắt đầu khai hỏa thì đã có 32 trực thăng bị bắn rơi và 240 chiếc khác bị trúng đạn.

    Tình trạng này khiến các phi công Mỹ mất tinh thần cho nên từ chối bay vào vùng phía Bắc sông Tchepone, nghĩa là từ chối bay tiếp tế cho căn cứ 30, căn cứ 31, đồi Ranger North, đồi Ranger South và cánh quân phối hợp Dù-Kỵ binh đang trên đường từ A Lưới đến Tchepone.

    Ngày thứ 9, ngày 16-2

    Nhận được tin về trận địa phòng không của CSVN, trưa ngày 16-2 Tướng Cao Văn Viên, Tham mưu trưởng quân đội VNCH và Tướng Abrams, Tư lệnh quân đội Hoa Kỳ và Đồng Minh, bay ra Quảng Trị họp với Tướng Hoàng Xuân Lãm và Tướng Sutherland trong 2 tiếng rưỡi đồng hồ.

    Cuối cùng các tướng quyết định dùng trực thăng đổ quân chiếm lĩnh các cao điểm quan trọng phía Nam sông Tchepone để khống chế dãy núi đá.  Theo dự trù của các tướng thì phải tốn mất 5 ngày mới hoàn tất cuộc đổ quân khống chế đãy núi đá.  Nhưng như vậy thì cuộc tiến quân về phía Tchepone bị chậm mất 5 ngày;  khoảng thời gian này đủ để cho quân CSVN bố trí lực lượng để phản công ( Nguyễn Duy Hinh, Lam Son 719, trang 74 ).

    *[ Sự chậm lại 5 ngày là một quyết định bài bản ( y theo sách vở ) của Tướng Viên và Tướng Abrams.  Hai tướng không thể nào xua quân vào một ngõ hẹp bị khống chế bởi các họng súng phòng không hoặc những họng súng sơn pháo 75 ly dọc theo dãy núi đá từ A Lưới đến Tchepone, ngoài ra các cao điểm trên dãy núi đá cũng là những trạm quan sát tiền tiêu để quân đội CSVN điều chỉnh pháo binh suốt dọc đường từ Căn cứ A Lưới tới Tchepone.

    Theo kỹ thuật quân sự, mà bất cứ sĩ quan nào cũng được học qua, là đoàn quân chỉ có thể tiến được một khi những nguy hiểm từ dãy núi bờ Nam sông Tchepone đã được quét sạch ].

    -Trực thăng đổ Tiểu đoàn 2/3 thuộc Sư đoàn 1 Bộ binh xuống cứ điểm Grass, cách biên gới 12 cây số về hướng Tây và cách Quốc lộ 9 mười cây số về hướng Nam.  Đây là cứ điểm cực Nam của khu vực hành quân.

    Ngày thứ 10, 17-2,

    Mưa lớn, phi cơ trực thăng không thể cất cánh *[ Nguyễn Duy Hinh, Lam Son 719, trang 75;  căn cứ theo hồ sơ lưu trữ của Ngũ Giác Đài.  Tuy nhiên không đúng với sự thực, sự thực là các phi công trực thăng Mỹ từ chối bay hành quân ].

    Ngày thứ 11, 18-2,

    -Một đơn vị thám báo của Tiểu đoàn 1 Dù hành quân giám định một khu vực mới bị bom lửa ở phía Bắc cứ điểm Bravo, cách 2 cây số.  Theo lời khai sơ khởi của tù binh mới bắt được, toán thám báo tìm tới nơi bị bỏ bom và các bằng chứng tại chỗ xác nhận đó là nơi đóng quân của Chỉ huy sở Sư đoàn 308 CSVN.

    -Buổi trưa, phi cơ chiến đấu Mỹ tấn công một đoàn xe vận tải của CSVN, cách căn cứ A Lưới 9 cây số về hướng Tây Bắc, phá hủy 1 xe tải, làm hư 1 xe tải khác và một xe cần cẩu.

    -Cũng trong buổi trưa, cách nơi phi cơ tấn công đoàn xe 2 cây số rưỡi về hướng đông, Chi đội 2 của Chi đoàn 17 Thiết kỵ phát hiện và phá hủy một đường dây dẫn dầu gồm 3 ống, mỗi ống đường kính 8 Cm.  Điều này chứng tỏ quân đội CSVN đã đóng chốt tại đây từ lâu với một lực lượng lớn, cấp quân đoàn (3 sư đoàn).

    -Trong ngày có một số đơn vị thuộc Sư đoàn Dù và Sư đoàn 1 Bộ binh VNCH bị pháo kích, và một vài phi cơ trực thăng bị bắn rơi ( Tài liệu của Tướng Nguyễn Duy Hinh, Lam Son 719, trang 76.  Không nói rõ số phi cơ bị bắn rơi, nguyên văn : “a few helicopters were shot down”. Chứng tỏ “vài” trực thăng bị bắn rơi trong một ngày là chuyện không đáng kể. Điều này giải thích vì sao các phi công trực thăng Mỹ từ chối bay vào vùng có lực lượng phòng không của địch ).

    -Qua cung khai của các tù binh, Bộ chỉ huy hành quân Việt Mỹ đã ghi nhận Sư đoàn 304 và Sư đoàn 2 Sao Vàng của CSVN đã có mặt tại chiến trường ngay từ ngày có cuộc hành quân đổ bộ xuống đất Lào (8-2-1971).  Và giờ đây các cánh quân CSVN đã di chuyển đến phía Đông Tchepone để đón đầu quân VNCH từ A Lưới tiến về Tchepone.

    Trong khi đó cung khai của tù binh trong trận đụng độ với Tiểu đoàn 21 BĐQ/VNCH ngày 10-2 cho biết Sư đoàn 308 đã đến Hạ Lào từ tháng 1-71.  Ngoài ra lời khai của 2 tù binh bị bắt ngày 10-2 và 1 tù binh bị bắt ngày 14-2 cho biết Trung đoàn  64 của Sư đoàn 320 đã đến Hạ Lào vào ngày 4-2-71.  Trước đó Sư đoàn 320 và Sư đoàn 324 trấn giữ phía Bắc vĩ tuyến 17.

    *Diễn tiến hành quân trên đây được viết theo sách “Lam Son 719” của Thiếu tướng Nguyễn Duy Hinh.  Những chi tiết trong sách do Tướng Hinh căn cứ theo “nhật ký hành quân” của MACV còn lưu lại tại Ngũ Giác Đài.

     

    Không có nhận xét nào