Header Ads

  • Breaking News

    Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn


    Publié il y a 5th October 2019 par NGUYEN Hoai Van

    Trước thất bại của chiến lược "Tìm và Diệt" (1), chiến lược "Bình Định và Phát Triển" được thi hành, dựa trên một thành tố quan trọng là các Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn (XDNT).

    11 mục tiêu, 98 công tác :

    Sau khi được đào tạo, mỗi đoàn cán bộ XDNT gồm 59 người : 

    - một đoàn trưởng

    - một đoàn phó dân quân chỉ huy 3 tổ dân quân gồm 33 người

    - một đoàn phó phát triển chỉ huy 23 cán bộ phát triển gồm cán bộ y tế,cán bộ giáo dục, thông tin, xây dựng v.v...

    Họ đến ở trong các xóm làng, vừa tổ chức "dân quân", vừa làm các công tác phát triển (với 11 mục tiêu, 98 công tác). Nguyên tắc là "cùng sống, cùng làm, cùng chiến đấu" với người dân.

    Như vừa nói, Cán Bộ XDNT có 11 mục tiêu, 98 công tác. 

    Xin chỉ liệt kê 11 mục tiêu, là :

    - tiêu diệt địch quân nằm vùng

    - loại trừ tham nhũng

    - tổ chức bầu cử xã ấp

    - đoàn ngũ hóa nhân dân

    - chống nạn mù chữ

    - chương trình giáo dục đại chúng

    - chương trình y tế công cộng

    - xây dựng hạ tầng cơ sở : cầu cống, đường xá ... cho làng mạc nông thôn

    - thuế vụ

    - chương trình thông tin

    - đãi ngộ chiến sĩ, cán bộ.

    Trung Tâm Chí Linh

    Các cán bộ XDNT được đào tạo ở một Trung Tâm Huấn Luyện gần Vũng Tàu, gồm ba trại : Chí Linh, Lam Sơn và Hồng Lĩnh ("rừng Chí Linh, đất Lam Sơn, đồi Hồng Lĩnh").

    Tôi chỉ được biết "rừng Chí Linh", gồm nhiều Tổng Đoàn. Bộ chỉ huy của Trung Tâm, nếu nhớ không lầm, thì được đặt ở Tổng Đoàn 8. Khi còn nhỏ tôi được tá túc nơi Tổng Đoàn này, cùng với các cán bộ thụ huấn. Vài kỷ niệm lý thú : 

    Nơi đây, tôi gặp một người Mỹ đặc biệt là ông Sauvageot. Một hôm, đang bưng khay tìm chỗ ngồi ăn trưa, tôi ngạc nhiên thấy một người Mỹ mặc quần áo đen như mọi cán bộ của Trung Tâm. Chắc ông cũng thấy tôi "không giống ai", nên đến ngồi gần. Chúng tôi nói chuyện, hoàn toàn bằng tiếng Việt. Những trao đổi bình thường ...

    Hôm sau, tối thấy ông đứng thông dịch cho một phái đoàn ngoại quốc, về một cuộc thao diễn trên sân cờ Tổng Đoàn 8. Cán bộ giảng huấn và điều hành gọi ông là "anh Đệ" (?). Có lúc ông mặc quân phục, mang lon Trung Sĩ. Nhưng vài năm sau, có người lại thấy ông mang quân hàm đại tá trong văn phòng Tướng Cao Hảo Hớn ! Tôi cũng được nghe ông tháp tùng Tổng Thống Nixon công du Trung Hoa, vì ông cũng thông thạo nhiều tiếng nói của xứ này (?).

    Một vị trong Bộ Chỉ Huy của Trung Tâm mà tôi được hân hạnh trao đổi vài câu chuyện, ở Chí Linh cũng như sau này ở Sài Gòn, là "anh Du" (?), một sĩ quan trẻ, dường như chỉ huy trại Hồng Lĩnh. Bạn bè cho ông là một biểu tượng của lòng chung thủy, sau khi phu nhân từ trần ... Lúc vừa rời Trung Tâm, ông có ý định lập một nông trại lớn giữa Bà Rịa và Vũng Tàu, cho gia đình các cán bộ , và cựu cán bộ XDNT có việc làm. 

    Trại Chí Linh có khoảng 14 cây số bờ biển, với những đồi cát cao, rất ngoạn mục, xe Jeep leo lên gần như dựng đứng !

    Ngoài ra có "Điện Dã Tràng", là nơi tiếp quan khách ở lại đêm. Đó là một căn nhà hai hay ba tầng chi đó, làm bằng gỗ, hoàn toàn bao phủ bởi những mẩu đước cắt nhỏ, sơn nhiều màu, rất đẹp. Bàn ghế, tủ giường, cũng được làm bằng gỗ phủ mẩu đước như vậy. 

    Thí dụ một ghế dài :

    Đêm Suy Tư

    Là một cao điểm của chương trình huấn luyện cán bộ XDNT.

    Bạn tưởng tượng trong đêm đen không một ánh sáng, giữa hàng chục ngàn người mặc đồng phục đen, im lìm, lặng lẽ trong bóng tối, chỉ nghe rù rì tiếng thở. 

    Rồi, một giọng nói trọ trẹ miền Trung vang lên. Càng lúc càng gần gũi, thân thiện. Đó là giọng của "anh Bé", chỉ huy trưởng Trung Tâm. Với những lời lẽ vừa năng tình quê hương, vừa hào hùng khí phách, xoáy vào tâm can, xen giữa các bài hát đầy hưng phấn và cảm động của đoàn Văn Công Chí Linh.

    Cùng lúc, những ngọn đuốc được lần lượt thắp lên, cho đến khi toàn quảng trường đầy chấm sáng. Rồi, từng đơn vị, từng tổng đoàn, diễn hành trong tiếng ca nhịp nhàng hùng tráng. Tâm hồn của mỗi người như hòa lẫn trong một tình cảm chung, một hào khí tràn lan khắp đất trời. 

    Đối với tôi, "Đêm Suy Tư" là một kỷ niệm không bao giờ quên ...

    Đoàn Văn Công Chí Linh

    Do nhạc sĩ Viết Chung điều khiển, là một đóng góp lớn cho tiến trình đào tạo cán bộ XDNT. Trên đường công tác, các bản nhạc này tiếp tục theo đuổi họ, vào mỗi ngày, ở mọi nơi. Sau đây là vài thí dụ :

    2_Bài Ca Sớm Mai  
    3- Đường Đi Không Khó
    4- Những Bước Chân Anh Hùng
    5- Khúc Ca Ngày Mùa
    6- HànhTrình
    7- Về Miền Trung 
     8- Ới này anh  
     9_ Hăng Say CôngTác
    10- Đồng Dao Hoà Bình
     11- Chiều Chí Linh
    12- Về Đất Xưa
    13- Nhớ Rừng  
    14- Dô Khoan 
    15- Dân Ca Trung 

    16- Dân Ca Miền Nam
    17- Bến Hải 
    18_VN Quê Hương Yêu Dấu
    19- Mẹ Trùng Dương1
    20- Bài Ca Tạm Biệt

    Ngoài ra còn những bài  như "Hát hay không bằng hay hát" (thông dụng trong các đoàn thanh thiếu niên), "Chiếc áo màu đen" (viết bởi Phạm Duy) ...

    Cũng xem  video Cán bộ XDNT

    Đại Tá Nguyễn Bé

    Như đã nói, là Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Cán Bộ XDNT. Trong Trung Tâm, không ai gọi ông bằng quân hàm, chỉ "anh Bé". Ông cũng ít khi mặc quân phục, mà hay đóng bộ bà ba đen, mang dép. Sau bàn giấy của ông là một bức tranh vua Lê Lợi và một thanh kiếm, chắc với ý "gươm thiêng cứu nước" (có người cho là điềm xấu vì "kiếm treo trên đầu" !).

    Nghe nói ông là "sĩ quan đồng hóa", từ "bên kia" sát nhập vào quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Ông có tài nói chuyện. Giọng trọ trẹ "Bình Trị Thiên" của ông là yếu tố kết hợp mạnh mẽ đối với tất cả các cộng sự viên, lan ra đến toàn bộ khóa sinh thụ huấn. 

    Nghe : "Anh Bé " Giới thiệu một chương trình văn nghệ

    Ngoài lúc ở Trung Tâm, ngay cả khi không còn làm việc trong ngành XDNT, mỗi khi ông về tư gia, giữa một nông trại nhỏ, gọi là "Vạn Hoa Thôn" hay "Vạn Hoa Trang" chi đó, thì trước sân nhà luôn có hàng chục, có khi hàng trăm cán bộ ngồi trước sân, chờ được nhìn thấy và nghe tiếng "anh Bé". Tôi vẫn nhớ hình ảnh ông đứng nơi hiên nhà, nói đôi lời với tất cả, trước khi bày trà nước, ngồi tiếp từng người, đến trình bày với ông những vấn đề gặp phải trong công tác, hay trong đời sống cá nhân, gia đình ...

    Phu nhân ông là một người bình dị, bà ba áo cánh, lam lũ ruộng vườn, cả đi đánh cá !

    Ông có người con trai, cùng tuổi và tên gần giống tôi. Ngoài biển, anh ta cũng thích bơi xa như tôi ... Khi dự thi tuyển vào trường Y Khoa Minh Đức, lúc được Khoa Trưởng Bác Sĩ Bùi Duy Tâm phỏng vấn, ông lầm tôi với anh ta, cũng dự thi, mãi sau mới biết, cười bảo : cũng "người nhà" ! 

    Đại Tá Bé có anh cận vệ diện mạo vô cùng dữ dằn. Không ai biết tên gì, chỉ biết gốc Miên, gọi là "anh Cu". Sĩ quan của Trung Tâm đùa rằng : một minh "anh Cu" bằng một trung đội Trinh Sát Tỉnh !

    Sau khi mãn nhiệm rời Trung Tâm, Đại Tá Bé về Sài Gòn, ngồi bàn giấy, chẳng làm gì cả, dường như dưới quyền Tướng Cao Hảo Hớn. Rồi trong một bữa ăn tối, ông gặp Bác Sĩ Cao Xuân An (2), Đổng Lý Văn Phòng Bộ Xã Hội và Bác Sĩ Văn Văn Của, Tổng Giám Đốc Y Tế Công Cộng. Ba người nhanh chóng trở thành bạn tâm giao. Bác Sĩ An đưa ông về làm việc ở Bộ Xã Hội, dường như với tính cách Công Cán Ủy Viên. Hiểu biết của "anh Bé" vô cùng hữu ích trong việc phân tích các tin tức trong lãnh vực công tác xã hội ...

    Dù được hân hạnh gặp ông khá thường, đối với tôi, Đại Tá Bé luôn là một con người bí ẩn. Không ai biết ông rời Việt Nam thế nào sau khi Sài Gòn thất thủ (BS An và BS Của đều kẹt lại, đi học tập, mãi sau mới đi được). Ở hải ngoại, tôi nghe có người bảo thấy ông đi họp với "bên kia" ở Canada. Thậm chí một hôm, một vị trong gia đình tôi vừa thoát khỏi Việt Nam cho biết : Đại Tá Bé đang ở mật  khu, có người từ Sài Gòn ra đó và được đón đi Mỹ ! Khi Bác Sĩ An đến tỵ nạn ở Hoa Kỳ, thì tôi được liên lạc trở lại với ông. Mỗi khi đến Mỹ tôi đều gọi điện thoại thăm "bác Bé". Dường như lúc đó bác làm việc cho Refugee Task Force, thu thập và phân tích thông tin từ người tỵ nạn (4). 

    Cho đến một hôm, điện thoại không trả lời, gọi đến bác An, thì được biết "anh Bé" đã vĩnh viễn ra đi ...

    Những thành quả bị cướp mất

    Thành quả của Cán Bộ XDNT cũng là thành quả của chiến lược Bình Định và Phát Triển : tiêu diệt lực lượng "nằm vùng" của đối phương và phát triển kinh tế ở các xóm làng nông thôn, để đưa người dân về với chính quyền miền Nam.

    Thật vậy, người ta có thể nhận thấy là khi có những vùng bị quân đội miền Bắc đánh chiếm, thì người dân liền ồ ạt bỏ chạy về vùng được kiểm soát bởi Việt Nam Cộng Hòa. Không thấy có cuộc "tổng nổi dậy" nào ở miền Nam, kể cả trong những lúc đen tối nhất ...

    Rồi, với "ngưng bắn da beo" trong Hiệp Định Paris, và cuộc tấn công quy mô vào miền Nam năm 1975, các thành quả này trở nên vô nghĩa ...

    Và cán bộ XDNT trở nên những đối tượng được "cải tạo" tận tình nhất, có lẽ chỉ thua mục sư Tin Lành ...

    Dù sao đi nữa, thì ít ra, trong chiến tranh Việt Nam, cũng đã có những người  không chỉ nghĩ đến giết chóc, mà cũng nỗ lực xây dựng, phát triển. Bất chấp cái giá mà họ đã phải trả.

    Nguyễn Hoài Vân

    4/10/2019

    (viết theo ký ức, có thể có nhiều sai lầm)

    Chú thích :

    (1)  99% các cuộc hành quân không gặp địch (Edward Doyle, Samuel Lipsman et al., America Takes Over, The Vietnam Experience [Boston: Boston Publishing Company, 1982] 60). Đốt phá xóm làng (bom napalm, zippo missions, bắn từ trực thăng, rải chất da cam ...) không đem được người dân và các vùng thôn quê miền Nam về với chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. "Body count" giết thường dân rồi cho đó là "địch quân", không những chỉ là tự lừa dối, mà còn đẩy người dân về phía đối phương.

     

    (2) Người lỗi lạc nhất trong chính quyền Việt Nam Cộng Hòa mà tôi được biết. Ông là một người ơn của tôi. 

    (3) Bác Sĩ Của là quân y trưởng của binh chủng Nhảy Dù, có bằng Nhảy Dù cao nhất (Master Wing, rơi tự do từ 600 thước, bọc dù phút chót). Ông cũng là cựu Đô Trưởng Sài Gòn Chợ Lớn. 

    (4) Nghe đâu cơ quan này lúc ấy được điều kiển bởi ông Nguyễn Văn Ngải, một nhân vật Đại Việt, cựu dân biểu.

    Đọc thêm : (xin bấm vào dòng nối dưới đây)

    Chiến lược Bình Định và Phát Triển trong chiến tranh Việt Nam

    Chiến lược « Tìm Và Diệt » thất bại :

    - 99% các cuộc hành quân không gặp địch (Edward Doyle, Samuel Lipsman et al., America Takes Over, The Vietnam Experience [Boston: Boston Publishing Company, 1982] 60)

    - đốt phá xóm làng (bom napalm, zippo missions, bắn từ trực thăng, rải chất da cam ...) không đem được người dân và các vùng thôn quê miền Nam về với chính phủ Việt Nam Cộng Hòa

    -  "body count" (1) giết thường dân rồi cho đó là "địch quân" (2) chỉ là tự lừa dối (3), đồng thời đẩy người dân về phía địch.

    Nhu cầu giữ đất giữ dân trở thành hiển nhiên. Nhu cầu ấy gắn liền với :

    - tái lập an ninh, tức là tiêu diệt các cán binh trà trộn trong xóm làng : đó là khía cạnh Bình Định
    - xây dựng một đời sống tốt đẹp hơn cho người dân nông thôn, đó là khía cạnh Phát Triển

    Chiến lược Bình Định và Phát Triển được thi hành, dựa trên ba thành tố chính và một số thành tố phụ :

    1) Cán bộ Dân Ý Vụ : thu nạp những tin tức đến từ người dân và chuyển lên tỉnh (4)

    2) Các nhóm Trinh Sát Tỉnh : dựa trên các tin tức thu thập được, can thiệp bắt giữ hoặc thủ tiêu địch quân bị phát hiện

    3) Các đoàn Cán bộ Xây Dựng Nông Thôn (59 người), đến ở trong các xóm làng, vừa tổ chức "dân quân", vừa làm các công tác phát triển (11 mục tiêu 98 công tác). Nguyên tắc là "cùng sống, cùng làm, cùng chiến đấu" với người dân. Sẽ có một bài riêng về các cán bộ này.

    4) Ngoài ra, các cán bộ Y Tế Công Cộng, Cán sự Xã Hội, cán bộ Phát Triển Cộng Đồng, Ngân Hàng Phát Triển Nông Nghiệp, cán bộ chiêu hồi, v.v... cũng đem lại những đóng góp quan trọng, như :

    - đáp ứng nhu cầu y tế công cộng cực kỳ lớn lao ở nông thôn (5)

    - nhu cầu trợ giúp cho những người bị mất nhà cửa ruộng vườn, phải chạy về các trại tỵ nạn chiến tranh, với nhiều cô nhi, quả phụ ... (6)

    - nâng đỡ các tiểu dự án phát triển nơi các xóm làng, theo lý thuyết "phát triển cộng đồng", "phát triển nội tại" (développement endogène), tiểu tín dụng (micro crédit) ... (7)

    - tổ chức sự giúp đỡ những người từ bỏ hàng ngũ đối phương trong đời sống mới.

    Chiến lược Bình Định và Phát Triển đã đạt được thành quả tốt trong cả hai khía cạnh : tiêu diệt lực lượng "nằm vùng" của đối phương, và phát triển kinh tế ở các xóm làng nông thôn, phần nào đưa được người dân về với chính quyền miền Nam.

    Thật vậy, người ta có thể nhận thấy là khi có những vùng bị quân đội miền Bắc đánh chiếm, thì người dân liền ồ ạt bỏ chạy về vùng được kiểm soát bởi Việt Nam Cộng Hòa. Không thấy có cuộc "tổng nổi dậy" nào ở miền Nam, kể cả trong những lúc đen tối nhất ...

    Rồi, với "ngưng bắn da beo" trong Hiệp Định Paris, và cuộc tấn công quy mô vào miền Nam năm 1975, chiến lược Bình Định và Phát Triển trở nên vô nghĩa ...

    Nguyễn Hoài Vân
    (viết theo ký ức - có thể có nhiều sai lầm)

    (1) https://thevietnamwar.info/why-search-destroy-failed-vietnam/

    (2) Các tay súng đại liên Mỹ trên trực thăng được lệnh giết tất cả những ai đang chạy ! (ai không chạy khi bị trực thăng và bộ binh bố ráp ?)

    (3) Tướng Westmoreland mù quáng cho rằng sẽ giết địch quân nhanh hơn khả năng thay thế nhân sự của họ

    (4) có khi bằng cách nhét giấy cuộn vào ống tay ga của xe Lambretta ba bánh chở khách chạy giữa làng mạc và tỉnh thành !

    (5) Các cán bộ Y Tế cũng có thể đóng góp cho công tác tình báo, qua các "chỉ số" y khoa : tỷ lệ dương tính trong các thử nghiệm tìm sốt rét (tương ứng với tỷ lệ địch quân xâm nhập), số lượng thuốc trụ sinh bán ra trong một khu vực (tương ứng với việc sửa soạn giao tranh) v.v...

    (6) Công tác xã hội là một vùng xám trong đó "bạn và thù" không rõ rệt : các phụ nữ đơn độc hay trẻ em bị bỏ rơi sau cuộc chiến có thể là vợ, con, của người anh em "bên kia". Trước 1975, đã có những trường hợp các em bé như thế được nuôi dưỡng tử tế rồi trao trả cho bố mẹ chúng. Một số trợ giúp, tiền và hiện vật (phần nhiều đến từ vài tổ chức Tin Lành Mỹ), đến tay người dân (đa số là người Thượng), sau đó liên tiếp bị "trưng thu" bởi Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (MTGPMN). Có chuyện một số máy móc, nói là để giúp thành lập một trường dạy nghề, sau khi đưa đến một địa phương xa xôi ở miền Trung, liền bị Mặt Trận lấy mất. Tất cả đều được dự định. Tại sao ? Vì có những tổ chức Hoa Kỳ có sứ mạng yểm trợ MTGPMN, với viễn tượng họ sẽ trở thành một lực lượng đối trọng với chính quyền miền Bắc, cần củng cố vai trò tương lai của họ sau khi hòa bình được tái lập ...

    (7) Nhân vật chuyên môn về "phát triển cộng đồng" ở miền Nam là bà Mai Tâm, lấy kinh nghiệm từ những thí điểm ở Phi Luật Tân. Ở Sài Gòn có chương trình phát triển cộng đồng quận tám (thật ra là ba quận 6-7 và 8), chủ trì bởi ông Đoàn Thanh Liêm, được coi là rất thành công.

    http://chinh-tri-lich-su.blogspot.com/2019/09/binh-dinh-phat-trien.html

    Publié il y a 5th October 2019 par NGUYEN Hoai Van

    http://chinh-tri-lich-su.blogspot.com/2019/10/xay-dung-nong-thon.html

    Không có nhận xét nào