Header Ads

  • Breaking News

    GS Valentina Zharkova - Cú lừa thế kỷ: Trái Đất không nóng lên, mà bước vào Tiểu Băng Hà mới !


    Hiện tượng ấm lên toàn cầu cùng hệ lụy băng ở 2 cực tan ra và nước biển dâng là điều được các nhà khoa học ghi nhận trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, liệu những dẫn chứng đó có cho thấy Trái Đất đang thực sự nóng lên, hay phía sau là một sự thật khác?

    Sự thật là chúng ta đang sống trong thời kỳ gian băng (interglacial), tức là thời kỳ xen kẽ giữa 2 thời kỳ băng hà.

    Chẳng có gì ngạc nhiên, ngay trong kỷ nguyên của chúng ta, các số liệu lưu trữ đã ghi nhận từng quan sát được những thời kỳ băng giá và không chỉ một lần. Theo dự báo của các nhà khoa học Nga, đây là thời kỳ băng giá thứ năm trong 9 thế kỷ qua. Những hiện tượng băng giá tương tự đã được ghi nhận vào thế kỷ thứ XIII, XV, XVII và XIX.

    Theo Phó giám đốc Đài thiên văn vũ trụ Pulkovo thuộc VHLKH Nga Habidullo Abdusamatov cảnh báo, đây chỉ là thời kỳ lạnh giá (mà không phải kỷ băng hà lạnh hơn và kéo dài hơn rất nhiều) nhưng không có nghĩa là nó gây ra ít tác hại. Mỗi chu kỳ lạnh giá luôn luôn kèm theo các đại dịch, mất mùa, gây ra sự di chuyển của nhiều dân tộc trên các vùng địa lý.

    Bến cảng Ilulissa ở Greenland vẫn ghi nhận mức lạnh kỷ lục

    Lạnh và nóng

    Trong những ngày nóng nực nhất của mùa hè, các nhà nghiên cứu thuộc Liên hợp quốc đã đào sâu xuống lớp băng trầm tích ở Greenland và khám phá ra một chi tiết thú vị. Dựa vào những dữ liệu được lịch sử để lại, Băng Đảo chính là nơi lạnh nhất Bắc bán cầu. Bằng chứng là vào ngày 22/12/1991, nhiệt độ tại Greenland đã tụt xuống chỉ còn -69,6 độ C, vượt qua kỷ lục cũ tại Siberia (-67,8 độ C) vào năm 1892 và 1933.

    Một chi tiết đáng chú ý là Sao Hỏa, hành tinh không sự sống ở ngay cạnh chúng ta cũng chỉ có nhiệt độ bề mặt vào khoảng -63 độ C. Điều đó cho thấy sức sống mãnh liệt của con người giữa những vùng đất chết, khi chúng ta có thể khai phá và tồn tại ở nơi khắc nghiệt nhất. Tuy vậy điều đó cũng cho thấy Trái Đất còn rất nhiều bí ẩn chờ được con người giải mã, bởi những con số mới sẽ tiếp tục được phát hiện trong thời gian tới.

    "Trong thời kỳ biến đổi khí hậu, kỷ lục mới về nhiệt độ thấp ở Bắc bán cầu là dữ liệu quan trọng nhắc nhở chúng ta về một thực tại trái ngược đang diễn ra trên hành tinh", Petteri Taalas, Tổng Thư ký Tổ chức Khí tượng học Liên hợp quốc (WMO) nhận định. Ở chiều ngược lại, nhiệt độ cao tại vùng cực Bắc lại liên tục phá kỷ lục theo từng năm nhờ biến đổi khí hậu.

    Thị trấn Verkhoyansk ở Siberia là một trong 2 vùng đất từng nắm giữ kỷ lục về nhiệt độ thấp nhất lịch sử, nay đang chứng kiến những ngày nóng nực chưa từng có. Mùa hè năm nay các trạm khí tượng tại Verkhoyansk ghi nhận có thời điểm nhiệt độ ở thị trấn tăng lên tới 38 độ C, tương đương những vùng nhiệt đới. Đó là con số không tưởng với một khu vực nằm ở vành đai vùng cực.

    Xét trên bình diện toàn cầu, Nam Cực vẫn là vùng đất lạnh lẽo nhất thế giới. Kỷ lục về nhiệt độ thấp được ghi nhận tại nơi đây là -89,2 độ C vào năm 1983. Vào tháng 2 năm nay, một số nơi thuộc Nam Cực cũng chứng kiến nhiệt độ tăng cao tới 20,75 độ C. Điều đó khiến diện tích băng ở vùng cực này suy giảm nghiêm trọng, kéo theo mối nguy đe dọa sự tồn vong của hàng ngàn loài sinh vật.

    Tuy nhiên, liệu những dẫn chứng ở trên có cho thấy việc Trái Đất đang nóng lên và sẽ tiếp tục nóng lên trong thời gian tới. Thú vị là các nhà khoa học thuộc Viện Heartland của Mỹ lại không đồng tình với luận điểm đó. Họ đã thu thập dữ liệu và chứng minh điều hoàn toàn ngược lại trong Hội nghị Biến đổi Khí hậu Quốc tế diễn ra vào tháng 5/2019 tại Chicago, Mỹ.

    Cái lạnh thấu xương xuất hiện ở nhiều nơi, không chỉ ở Mỹ, là bằng chứng cho thấy khí hậu Trái Đất đang trọng trạng thái cực đoan hơn bao giờ hết.

    Trái Đất bước vào Kỷ Băng hà?

    Khí hậu Trái Đất luôn là một chu trình xoay vòng, từ dần dần nóng lên đến lạnh đi và ngược lại. Việc này diễn ra khoảng vài thập niên một lần, thế nên Trái Đất nhiều khả năng sẽ lạnh đi trong thời gian tới. Đó là nhận định của Viện Heartland khi nhìn lại các mốc nhiệt độ lịch sử ghi nhận lại, và nó không liên quan gì đến nồng độ khí thải nhà kính hay hoạt động của con người.

    "Đúng là con người chịu trách nhiệm chính trong việc phát tán khí thải vào môi trường, nhưng đó không phải nguyên nhân chính dẫn đến việc Trái Đất nóng lên", Peter Ferrara, một trong những phát ngôn viên tại Hội nghị bày tỏ quan điểm. Ông đưa ra bằng chứng là bất chấp việc lượng khí thải nhà kính ngày một tăng lên theo thời gian, nhiệt độ trung bình của Trái Đất luôn có xu hướng tăng giảm bất thường theo từng thời kỳ nhất định.

    Một trong những điểm đáng chú ý nhất là trong thế kỷ XX, nhiệt độ Trái Đất đã giảm đều ở giai đoạn từ thập niên 1940 đến 1970. Đây là một tín hiệu cho thấy Kỷ Băng hà có thể tái diễn một lần nữa, bởi sự kiện này có chu kỳ khoảng 10 ngàn năm. Nếu nhận định của Ferrara là sự thật, con người có thể sẽ không phải lo đến tình trạng nước biển dâng hay băng ở 2 cực tan ra nữa.

    Diễn giải thêm về quan điểm ngược của mình, Ferrara chỉ ra nguyên nhân giải thích vì sao con người lại bị quy làm thủ phạm cho hiện tượng Trái Đất nóng lên. Kết thúc giai đoạn lạnh đi, nhiệt độ trung bình ở thế giới dần tăng trở lại từ thập niên 1970 đến nay. Nó trùng với thời điểm các hoạt động kinh tế bùng nổ ở phạm vi toàn cầu, thế nên tư duy "hoạt động kinh tế gây phát thải nhà kính làm Trái Đất nóng lên" bắt đầu hình thành.

    Vậy đâu là nguyên nhân thực sự dẫn đến hiện tượng tăng giảm nhiệt độ của Trái Đất? Theo Ferrara, con người có thể tác động ở một chừng mực nào đó nhưng không thể trực tiếp như thiên thể đang chi phối 8 hành tinh xung quanh nó: Mặt Trời. Chính việc nhận nhiều hay ít ánh nắng từ Mặt Trời sẽ quyết định liệu Trái Đất sẽ nóng lên hay lạnh đi theo từng mốc thời gian.

    Thay đổi về lượng nhiệt Mặt Trời chiếu xuống Trái Đất ảnh hưởng đến nhiệt độ bề mặt

    Các vết đen mặt trời mờ dần, các dải nhiệt mặt trời biến mất và hoạt động từ tính gần các cực mặt trời yếu dần có thể là dấu hiệu bắt đầu một giai đoạn của hoạt động mặt trời giảm. Nhiều chuyên gia cho rằng, hành vi khác thường này của Mặt trời dự báo thời kỳ băng hà tiếp theo, khởi đầu vào thập niên tới.

    Trong lịch sử, Trái Đất đã trải qua nhiều giai đoạn lạnh lẽo vì nhận ít bức xạ nhiệt từ ánh nắng Mặt Trời. Tiêu biểu là thời kỳ 1645-1715, các nhà khoa học ghi nhận lượng ánh nắng trên Trái Đất chỉ bằng khoảng một phần nghìn so với hiện tại. Nó trùng hợp với thời điểm Trái Đất bước vào một kỷ băng hà ngắn với vô vàn người chết vì dịch bệnh và sản lượng nông nghiệp sụt giảm. Điều đó cho thấy luận điểm của Ferrara hoàn toàn có cơ sở xác đáng.

    Các nhà khoa học từ Đài thiên văn mặt trời quốc gia (NSO) và Phòng thí nghiệm nghiên cứu không quân (AFRL) đã thực hiện các nghiên cứu và công bố kết quả về chu kỳ giảm hoạt động của Mặt trời.

    Hiện tại chúng ta đang ở trong giai đoạn chuyển sang hoạt động cực đại của Mặt trời trong Chu kỳ vết đen mặt trời 24, nhưng Chu kỳ vết đen mặt trời 25 kéo dài 11 năm sắp tới, sẽ là thời kỳ Mặt trời bị giảm hoạt động hoặc có thể hoàn toàn không có vết đen mặt trời.

    "Điều này rất bất thường và bất ngờ", Frank Hill, giám đốc liên kết Mạng lưới khái quát năng lượng mặt trời của NSO, nói trong một thông cáo báo chí. "3 quan điểm hoàn toàn khác nhau về điểm mặt trời đã thống nhất theo cùng một hướng là một chỉ báo mạnh mẽ cho thấy chu kỳ vết đen mặt trời có thể đang đi vào trạng thái ngủ đông".

    "Chúng tôi dự kiến sắp tới sẽ thấy sự bắt đầu của dòng chảy khu vực cho Chu kỳ 25, nhưng chúng tôi chưa thấy dấu hiệu nào của nó", Hill nói thêm. "Điều này cho thấy rằng bắt đầu Chu kỳ 25 có thể bị trì hoãn đến năm 2021 hoặc 2022 hoặc hoàn toàn không xảy ra".

    Thông thường, mặt trời có chu kỳ từ tính kéo dài 22 năm và cứ sau 11 năm thì các cực quay ngược lại, lượng hoạt động của mặt trời, là các vết đen mặt trời, tăng lên và sau đó giảm xuống.

    Mặt trời nhìn trong ánh sáng khả kiến, pha hoạt động tối thiểu - năm 2006 (trái) và pha cực đại - năm 2001 (phải). (Ảnh: ESO)

    Trong một nghiên cứu khác, sử dụng Kính viễn vọng Arizona McMath-Pierce, Matt Penn và William Livingston xác định rằng sẽ có sự suy yếu dần dần của các vụ phun trào từ trường mặt trời khi mặt trời đi vào chu kỳ 25, tức là sẽ có rất ít hoặc không có vết đen mặt trời nào được hình thành.

    Trước đó, vào năm 2015, giáo sư Valentina Zharkova đến từ Đại học Northumbria (Anh) đã đưa ra một mô hình công thức toán học mới dự đoán chính xác những dấu hiệu bất thường trong chu kỳ hoạt động của Mặt Trời và đi đến kết luận rằng một thời kỳ Tiểu băng hà (Maunder minimum) sẽ xảy ra từ năm 2030.

    Những phân tích bề mặt Mặt Trời chỉ ra mức độ hoạt động của nó đang giảm rõ rệt. Thông thường, bề mặt Mặt Trời có những vết đen, nhưng hiện nay chúng hoàn toàn biến mất.

    Vết đen Mặt Trời là các khu vực tối trên bề mặt ngôi sao này. Độ sáng bề mặt của vết đen vào khoảng 1/4 độ sáng của những vùng xung quanh. Nguyên nhân xuất hiện vết đen là do nhiệt độ của chúng thấp hơn các vùng xung quanh, một hiện tượng gây ra bởi các biến đổi từ trường rất mạnh trên Mặt Trời.

    “Lúc đầu, vết đen biến mất trong vài ngày, vài tuần và cuối cùng là nhiều tháng, khi chu kỳ vết đen Mặt Trời đạt đến điểm thấp nhất. Giai đoạn Mặt Trời hoạt động tối thiểu tiếp theo dự kiến diễn ra vào năm 2019 hoặc 2020”, Dorian nói thêm.

    Số lượng vết đen trong chu kỳ hoạt động của Mặt Trời hiện nay (chu kỳ 24) đang có xu hướng ngày càng giảm xuống. Ảnh: NASA

    Điều đáng lo ngại là tình trạng giảm thiểu hoạt động vết đen có thể thúc đẩy sự xuất hiện của một thời kỳ lạnh kéo dài, tương tự như giai đoạn Maunder Minimum bắt đầu từ năm 1645 và kéo dài đến năm 1715. Giai đoạn này còn được gọi là thời kỳ tiểu Băng hà, một trong những lần Mặt Trời suy giảm hoạt động mạnh nhất trong thế kỷ 17, khiến mùa đông lạnh giá bao trùm khắp châu Âu.

    Một số nhà nghiên cứu cho rằng do Mặt Trời giảm hoạt động, nhiệt độ trung bình của Trái Đất sẽ giảm 0,5 độ C, song đa số vẫn nghĩ sự cảnh giác như vậy là quá sớm. Thời kỳ tiểu băng hà trước đây, chỉ vùng Tây bắc châu Âu giảm 4 độ, còn những vùng khác cũng chỉ giảm nửa độ.

    Tuy nhiên ông Michael Brown, giáo sư thiên văn học tại Đại học Monash, Úc, cho rằng kỷ băng hà mini sẽ không làm thay đổi tình trạng Trái đất nóng lên như hiện tại.

    “Lượng khí thải nhà kính tăng thêm 40% so với giai đoạn thế kỷ 17. Nhiệt độ toàn cầu không ngừng lập kỷ lục mới”, ông Brown nói. “Tôi cho rằng Maunder minimum sẽ không làm thay đổi đáng kể khí hậu trên Trái đất”.

    Nhiều nhà vật lý cho rằng, nguyên nhân hình thành chu kỳ trên là do một "máy phát điện" được tạo thành nhờ quá trình đối lưu chất lỏng, diễn ra ở sâu bên trong Mặt Trời. Hiện tại, giáo sư Zharkova và các chuyên gia đã tìm thấy "máy phát điện thứ hai" nằm gần bề mặt của Mặt Trời.



    Nữ giáo sư Valentina Zharkova. Nguồn ảnh: Staff.science.uu.nl

    Bà Zharkova cho biết tại Hội nghị Thiên văn học quốc gia: "Chúng tôi phát hiện sóng từ xuất hiện theo cặp, chúng có nguồn gốc ở hai lớp khác nhau bên trong Mặt Trời. Cả hai đều có tần số khoảng 11 năm. Trong chu kỳ, các sóng dao động giữa bán cầu bắc và bán cầu nam của Mặt Trời. Kết hợp cả hai sóng với nhau và so sánh với số liệu thực tế trong chu kỳ Mặt Trời hiện tại, chúng tôi thấy rằng dự đoán của chúng tôi có độ chính xác là 97%".

    Trong tương lai không xa sắp tới, con người sẽ phải sống trong điều kiện lạnh giá kéo dài của thời kỳ tiểu băng hà, do ảnh hưởng từ quá trình Mặt Trời "ngủ đông".

    Ngoài ra, Richard Altrock từ chương trình Vết đen mặt trời của NSO tìm thấy chuyển động của hoạt động từ tính về phía các cực đang chậm lại. Ông đã sử dụng dữ liệu quan sát có giá trị 40 năm từ Kính viễn vọng quang học NSO và một máy quang kế để lập bản đồ tương phản ở nhiệt độ lên tới 2 triệu độ C.

    "Một điều quan trọng là những đặc điểm hào quang tuyệt vời, tinh tế đó thực sự là những cấu trúc từ tính mạnh mẽ bắt nguồn từ bên trong mặt trời", Altrock nói trong bản phát hành. "Những thay đổi chúng ta thấy ở hào quang mặt trời phản ánh những thay đổi sâu bên trong mặt trời".

    Cả 3 cuộc điều tra này dường như đều chỉ ra rằng chu kỳ vết đen mặt trời sẽ chậm lại hoặc sẽ ngừng hoạt động trong một thời gian.

    "Nếu chúng ta đúng, đây có thể là mức hoạt động tối đa cuối cùng của mặt trời mà chúng ta sẽ thấy trong vài thập kỷ tới", Hill kết luận. "Điều đó sẽ ảnh hưởng đến mọi thứ, từ thám hiểm không gian đến khí hậu Trái đất".

    Khi mặt trời di chuyển qua chu kỳ 11 năm, nó trải qua các giai đoạn hoạt động và yên tĩnh được gọi là cực đại và cực tiểu của mặt trời. Trong thời gian này, một số loại hoạt động nhất định, chẳng hạn như vết đen và pháo sáng mặt trời sẽ giảm xuống. Biểu đồ này tóm tắt các quan sát vết đen mặt trời liên tục kể từ năm 1749

    Những nhân tố không ngờ tới

    Bên cạnh nhiệt lượng nhận được từ Mặt Trời thay đổi theo chu kỳ, còn một nhân tố khác ảnh hưởng trực tiếp đến nhiệt độ Trái Đất nhưng thường ít được để ý tới: Hoạt động của núi lửa. Điều này nghe qua có vẻ vô lý, nhưng sự thực là sau mỗi đợt núi lửa phun trào, Trái Đất đều "nguội" đi trong một thời gian khá dài. Việc này diễn ra theo chu kỳ khoảng 20 năm một lần, với nhiều dẫn chứng có thật được ghi nhận trong lịch sử.

    Vào khoảng năm 539-540 sau Công nguyên, núi lửa Ilopango ở Ecuador hoạt động dữ dội, phun hàng ngàn tấn tro bụi lên bầu trời. Lượng tro này phát tán ra bầu khí quyển và trở thành lớp màng che chắn các bức xạ nhiệt từ Mặt Trời chiếu xuống bề mặt Trái Đất. Hậu quả là trong vòng 20 năm kể từ đợt núi lửa phun, nhiệt độ bề mặt Trái Đất giảm xuống khoảng 2 độ C. Nhiều vùng nhiệt đới có mùa hè lạnh chẳng kém mùa đông.

    Hạn hán, mất mùa và dịch bệnh diễn ra khắp nơi trên thế giới vì một hệ lụy khác mà tro núi lửa gây ra: mưa axit. Các dữ liệu địa chất ghi nhận chỉ trong 20 năm chịu ảnh hưởng từ đợt núi lửa Ilopango phun trào, lượng băng ở 2 cực đã nhanh chóng tăng lên gấp đôi. Với những ai còn bán tín bán nghi về một câu chuyện diễn ra từ 15 thế kỷ trước, sự kiện núi lửa Pinatubo ở Philippines hoạt động sẽ có sức thuyết phục hơn.

    Năm 1991, núi lửa Pinatubo trải qua một trong những đợt phun trào lớn nhất lịch sử. Dù không gây tác động mạnh như Ilopango, lượng tro được nó phun lên bầu khí quyển cũng đủ khiến nhiệt độ bề mặt Trái Đất giảm khoảng 0,6 độ C trong 15 tháng liên tiếp. Tuy nhiên, khác với lượng bức xạ nhiệt từ Mặt Trời, việc Trái Đất nguội đi do tro bụi núi lửa thường chỉ mang tính nhất thời chứ không tuân theo một quy luật cụ thể nào.

    Ở phạm vi bên ngoài Trái Đất, một nhân tố khác diễn ra từ từ theo thời gian nhưng cũng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến việc hành tinh của chúng ta nguội đi hay nóng lên: Quỹ đạo thay đổi. Nó xảy ra khi vị trí của Mặt Trời, Mặt Trăng và các hành tinh khác so với Trái Đất di chuyển theo một quỹ đạo không giống trước kia. Tác động của nó rất lớn: Tăng hoặc giảm khoảng 6 độ C theo chu kỳ tùy thuộc vào những nhân tố sau: quỹ đạo Trái Đất quy quanh Mặt Trời, quỹ đạo Trái Đất quay quanh chính nó, và sự thay đổi trục.

    Cách Trái Đất di chuyển quanh Mặt Trời theo đường xoáy trôn ốc

    Hiện tại, trục của Trái Đất đang nghiêng 23,7 độ so với phương thẳng đứng. Tuy nhiên không phải lúc nào nó cũng nghiêng theo đúng góc độ như thế, mà dao động trong khoảng 22,1 đến 24,5 độ. Chỉ một thay đổi rất nhỏ về độ nghiêng thôi cũng có thể gây ra tác động lớn đến lượng nhiệt Trái Đất nhận được từ Mặt Trời, qua đó quyết định hành tình sẽ nóng lên hay lạnh đi theo thời gian. Ngoài ra thì việc Trái Đất có xu hướng tiến lại gần hay rời xa Mặt Trời cũng sẽ khiến nhiệt độ thay đổi, với chu kỳ khoảng 25-100 ngàn năm một lần.

    Năm 2017, NASA xuất bản một nghiên cứu cho thấy băng tại Bắc Cực đang phát triển. Họ đưa ra công bố sau khi sử dụng vệ tinh để đo đạc vùng băng tại đây. Những công bố này đã trái ngược với thông tin Bắc Cực đang bị thu nhỏ.

    Các tác giả của nghiên cứu đã chỉ ra một số giả thuyết. Trên thực tế, nhiều nhà khoa học cũng đặt câu hỏi về sự tác động của khí nhà kính lên biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, rất nhiều nhà khoa học khác của chính NASA đã phản bác lại nghiên cứu này. Vậy điều gì đang xảy ra?

    Khi nhắc đến biến đổi khí hậu, tác động của con người chịu nhiều chỉ trích. Câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có bỏ sót điều gì trong khi nghiên cứu? Liệu rằng Trái Đất có chu kỳ tự nhiên tác động lên khí hậu? Rõ ràng, Trái Đất của chúng ta còn chịu sự tác động từ bên ngoài, gần nhất chính là Mặt Trời.

    Nghiên cứu gần đây nhất đến từ giáo sư toán học Valentina Zharkova, đang làm việc tại Đại học Norhumbria, Anh quốc. Bà đưa ra mô hình dự đoán hoạt động của Mặt Trời với độ chính xác 97% và tuyên bố Trái Đất đang đi đến "tiểu kỷ băng hà" trong vòng 15 năm tới.

    Theo dự đoán, hoạt động của Mặt Trời sẽ giảm xuống rõ rệt trong khoảng từ năm 2030 đến 2040, khoảng 60% hiện nay.

    GS Valentina Zharkova phát biểu: "Chúng tôi dự tính hoạt động này sẽ sinh ra hiện tượng "Tối thiểu Maunder". ... Khi sự lệch pha xảy ra trên Mặt Trời, chúng ta có tối thiểu Mặt Trời. Khi sự lệch pha đạt tối đa, chúng ta có điều kiện tối thiểu Maunder như đã xảy ra 370 năm về trước."

    Tuy nhiên, điều này không có liên quan gì đối với tác động của con người lên biến đổi khí hậu. Như vậy, nghiên cứu của GS Valentina Zharkova không nhằm phủ nhận hiện tượng biến đổi khí hậu. Nó chỉ trình bày một yếu tố khác tác động lên biến đổi khí hậu.

    Đây chính là một ví dụ điển hình về sai lệch thông tin khoa học. Những sai lệch này khiến nghi vấn về biến đổi khí hậu vẫn còn tồn tại.

    Theo Epochtimes/tamnhin

    Tài liệu tham khảo:

    https://www.theepochtimes.com/is-the-sun-entering-a-quieter-period_1497022.html

    https://kienthuc.net.vn/kham-pha/mat-troi-dang-nguoi-dan-ngay-tan-the-se-den-891785.html

    https://tamnhin.net.vn/trai-dat-se-buoc-vao-tieu-ky-bang-ha-vi-mat-troi-mat-dan-nang-luong-7970.html

    http://www.nguoilamchienluoc.com

    Không có nhận xét nào