Header Ads

  • Breaking News

    Huỳnh Ái Tông - Độc giả sách báo miền Nam là những ai?


    Chúng ta đọc lại hồi ký “41 Năm Làm Báo” của Hồ Hữu Tường để biết độc giả ở Miền Nam đối với báo chí như thế nào, đó là thời kỳ báo Nam Phong của Thượng Thư Phạm Quỳnh vào khoảng năm 1917

    Huỳnh Ái Tông (Văn học miền Nam 1954-75, Q.1)

    “Cha mẹ tôi là tá điền của người cậu bà con, nhà gần nhà tôi, và làm hội đồng. Vì cái chức hội đồng ấy, cậu bị nhà nước ép mua dài hạn tạp chí này (Nam Phong). Nhưng trong nhà chẳng ai thèm đọc. Mỗi tháng anh trạm thư đem đến một số. Nó liền bị ném vào góc, tha hồ ai muốn dùng cách nào thì dùng.

    “Ðáng lẽ tờ Nam Phong chịu chung số phận với một tờ báo khác, mà tôi quên bẵng tên đi. Nhưng mà, những người đàn bà thấy trong Nam Phong có phần chữ Nho, họ bảo là chữ của thánh hiền, không nên làm ô uế, nên tạp chí của Phạm Quỳnh tránh khỏi số phận bị ném vào cầu xí.

    ‘Thằng Thuộc mày muốn lấy thì lấy.” Hai người chị dâu của cậu Sáu tôi cho phép tôi làm chủ tạp chí này.

    “Tôi đem về nhà, nằm lên võng, đưa kẽo kẹt mà đọc những bài báo khó khăn, chẳng hiểu chi ráo, để mà biết những danh từ lạ. Và để trưa trưa, đọc chán quá, ngủ một giấc ngon lành. Nào có dè Nam Phong gieo vào đầu óc tôi quá nhiều chữ Nho, hại tôi mang một chứng bịnh mà Phan Văn Hùm đặt tên là ‘tân hủ nho’…” (tr.7-8)

    Còn truyện Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư trong tập truyện ngắn Hương Rừng Cà Mau của Sơn Nam, cho ta thấy độc giả với báo chí thời bấy giờ khoảng năm 1930.

    Dầu sao đi nữa, những kỷ niệm xa xưa vẫn vui, vui như một lũ học trò giành nhau chụp cho được cây dùi trống, đánh thùng thùng báo hiệu giờ vào lớp.

    Giọng Tư Có nói nhỏ :
    – Ngủ chưa, thầy phái viên?

    Thầy phái viên yên lặng, trời mới mưa, các chỗ trũng đầy nước cả nên cóc và nhái kêu ính ỏi. Vài giọt mưa rớt nhẹ xuống đất… Và rơi trên rạch Cà Bây Ngọp trước nhà. Hồi năm nào, thầy là giọt nước trong lành đó, bây giờ nó đã trôi xa, ra sông, chứa đựng rác rến, chảy hăng ra biển. Ừ, họa chăng đó là con đường hiệu quả nhất là được sớm bốc thành hơi, đầu thai trở lại nguồn… Nghĩ vậy, thầy khoan khái mỉm cười ngồi dậy hỏi :

    – Ngủ chưa anh Tư?
    – Chưa!
    – Tôi nãy giờ cũng vậy, muốn ngủ sớm để mai về nhà, mà không thấy mệt.
    – Im lặng một hồi lâu, rất lâu, Tư Có nói ngậm ngùi sau một tiếng thở dài :
    – Biết lấy gì làm sở phí cho thầy. Thầy nói thiệt tình nghe coi… Chắc thầy tới đây thâu tiền.
    – Ðâu có! Ðâu có! Mình là bạn đời với nhau…
    – Thầy hiểu cảnh tôi. Không lẽ gởi cá lóc, rùa, mật ong… nhờ thầy đem về Sài Gòn gọi là tiền của tôi trả cho nhà báo. Tôi “đăng” là vì ái mộ báo Chim Trời chớ ít đọc lắm. Mấy thầy viết cao quá. Tôi mua để dành về sau cho đủ bộ.
    – Anh Tư đừng ngại chuyện đó. Cứ tiếp tục đọc. Lâu lâu dò nơi mục Thư tín không chừng có lời của tôi thăm hỏi anh Tư. Nếu thấy báo đăng đòi tiền các độc giả, xin anh Tư hiểu rằng đó là nhắc nhở các người khác. Tôi hứa nói lại với ông chủ nhiệm mỗi kỳ gởi tặng anh Tư một số báo, hoài hoài cho tới số chót.

    Chú Tư Có vô cùng cảm động :
    – Thôi thầy ngủ lấy sức để mai về bình yên. Khuya nghe chồn cáo cộc kêu, thầy đừng giựt mình : Ở đây miệt rừng, không có… xa xa thì nghe tiếng chó sủa trăng.

    Thầy phái viên cười dòn, tưởng tượng cái cảnh biệt ly ngày mai “Ôi! Cái cảnh biệt ly ở xóm Cà Bây Ngọp sao mà buồn vậy!” Vĩnh biệt thì đúng hơn. Nghe nó buồn như một giọng hò, một câu rao Vọng Cổ, nhưng thầy chưa muốn nói ra, giờ nầy.

    Nhà văn Thạch Lam nói gì về độc giả trong quyển Theo Giòng. Phần Những Người Đọc Tiểu Thuyết, ông viết:

    Người ta có thể nói có bao nhiêu thứ tiểu thuyết thì có bấy nhiêu hạng độc giả. Nhưng lấy những tính cách chung và rõ rệt giống nhau, ta có thể xếp những người đọc sách vào hai hạng: hạng độc giả chỉ cốt xem truyện và hạng độc giả thích suy nghĩ, thích tìm trong sách những trạng thái tâm lý giống tâm hồn mình.

    Hai hạng độc giả cùng đọc sách để giải trí. Từ cách giải trí thông thường để mua vui, đến cách giải trí lý thú của những người coi sự hoạt động của trí óc là một công việc ham mê.

    Hạng độc giả trên nhiều hơn. Họ đọc tiểu thuyết gì cũng được, bất cứ loại gì, và chỉ cần xem cốt truyện: họ vội vàng đọc để giở đến trang cuối sách xem “về sau ra làm sao”.

    Cần gì câu văn, hay tư tưởng của tác giả: nhiều khi câu văn hay, tư tưởng sâu sắc của tác giả lại là điều trở ngại trong việc đọc của họ. Hạng này chỉ cần có cái cốt truyện rắc rối sẽ được họ ưa thích. Một quyển tiểu thuyết hay, nhưng nếu không có cốt truyện ly kỳ sẽ làm họ thất vọng và phê bình “truyện chẳng có gì cả”.

    Ở trong nước ta hạng này phần nhiều là các bà: không thể nhận được câu văn hay, hoặc một tư tưởng thâm thúy, họ say mê về cốt truyện và ưa thích các nhân vật có những hành động cao thượng hay bí mật. Nhưng tôi cũng biết nhiều người đàn ông, có học thức hẳn hoi, mà không thể phân biệt được một quyển tiểu thuyết hay với quyển tiểu thuyết dở. Sự thiếu suy xét đó thành ra không phải là vật sở hữu riêng gì của phái yếu.

    Hạng độc giả này ngốn tiểu thuyết như người ta ăn cơm lấy no, và khi đọc xong họ không có cảm tưởng gì cả. Họ còn bận đọc quyển khác. Chính hạng độc giả này khiến cho nhiều nhà văn – đáng lẽ bắt buộc độc giả phải theo mình, thì lại đi theo chiều độc giả – sản xuất ra những tiểu thuyết cầu kỳ và theo thời.

    Cách sinh hoạt khó khăn hiện nay, cuộc đời mỗi ngày thêm gay go, đã làm nẩy nở trong lòng người tây phương cái ham muốn lãng quên: một thứ văn chương ra đời mà người ta gọi là “văn chương thoát ly” những tiểu thuyết phiêu lưu mạo hiểm, những du ký và những tiểu thuyết trinh thám được lòng ưa chuộng của công chúng. Các loại tiểu thuyết này kích thích mạnh mẽ trí tưởng tượng của người đọc và khiến họ quên trong chốc lát cuộc đời buồn nản hàng ngày. Những tác phẩm của Pierre Benot, của Maurice Dekobra, những du ký của các “nhà văn du lịch” bán chạy như tôm tươi. Và những tiểu thuyết trinh thám của Anh – người Anh có biệt tài về cách viết loại tiểu thuyết này đem tương đối cái khôn khéo của trộm cướp giết người với cái xét đoán chặt chẽ của sở mật thám, khiến cho người đọc mê man không biết chán.

    Chỉ mới có ít tiểu thuyết trinh thám sản xuất ở nước ta. Đó là một điều đáng tiếc. Vì ở đây, loại tiểu thuyết đó lại thay bằng những tiểu thuyết kiếm tiên và võ hiệp. Mà đọc tiểu thuyết kiếm hiệp là người ở khắp các hạng người trong xã hội ta, từ người lớn đến trẻ con. Sự bán chạy của loại tiểu thuyết này có thể giảng được ở chỗ làm mãn nguyện những cái ưa thích hèn yếu trong người ta. Trước hết, một nguyên cớ về tâm lý: tiểu thuyết kiếm hiệp làm thỏa một cái nhu cầu tâm lý những người bị một sự hèn kém đè nén, như người ta với người tàu. Chúng ta không còn tin ở sức mạnh có thể có của tâm hồn chúng ta, mà cũng không tin – vì không biết – ở sức mạnh vô cùng của khoa học. Bởi thế chúng ta đi tìm cái an ủi trong những cái tưởng tượng huyền diệu, dù rằng vô lý. Những trẻ con Anh hay Pháp chẳng hạn, chúng cần gì đọc phép luyện phi kiếm hão, khi chúng tin rằng khoa học có thể làm hơn thế, và chắc chắn hơn.

    Tiểu thuyết kiếm hiệp phát triển rất mạnh vì được một vài nhà văn tham lam, chỉ cốt chiều theo công chúng để kiếm lời, tìm hết cách sản xuất ra. Nhưng may thay cái dịch kiếm hiệp hình như cũng bắt đầu bớt rồi. Tôi ước mong sẽ có những tiểu thuyết phiêu lưu hay trinh thám đến thay vào, làm nẩy nở trong người đọc lòng ham thích du lịch và sự thực. (Cái bí mật của trinh thám tiểu thuyết bao giờ cũng dựa vào khoa học hay vào những lý luận chắc chắn).

    Những tiểu thuyết du ký sẽ khiến người đọc ước mong những cảnh trời xa lạ bên ngoài.

    Bây giờ tôi mới nói đến hạng độc giả thứ hai, thật đáng tiếc lại rất hiếm. Hạng này là những người không lười trí, họ ưa suy nghĩ, tư tưởng và tìm tòị Họ thờ phụng và theo đuổi cái đẹp, cái hoàn toàn. Họ biết thưởng thức một câu văn hay, một ý tưởng sâu sắc, và cảm thấy một cái thú vô song khi sắp bước vào tâm hồn một nhân cật nào.

    Những người này không bao giờ cần biết cốt truyện “về sau ra sao”. Tiểu thuyết có cốt truyện ly kỳ và rắc rối chỉ khiến họ bực mình vì không biết rõ tâm hồn các nhân vật

    Họ cũng đọc tiểu thuyết để giải trí, nhưng cách giải trí thanh  nhã và cao quý đem đến cho họ những điều lợi ích và tâm hồn họ rơi rào. Họ coi đọc sách là cái thú thần tiên nhất và có lẽ những cái đẹp đẽ và sâu sắc nhất của họ là nhờ ở tiểu thuyết mà có. Những tiểu thuyết bắt buộc họ phải suy nghĩ là những tiểu thuyết họ ham thích. Đọc sách đối với họ là một cách luyện mình để cho tâm hồn phong phú hơn.

    Bởi thế họ không cần chú ý đến cách xếp đặt và bố trí câu truyện trong tiểu thuyết. Họ cần gì vai chính này về sau có lấy cô thiếu nữ xinh đẹp kia? Họ cốt chú ý đến cách diễn tả tâm lý của tác giả, có đúng hay không đúng, hời hợt hay sâu sắc. Vì vậy họ dửng dưng với cái tốt, xấu của người trong truyện: cái tâm lý của một bậc thánh hiền.

    Hạng độc giả này là mực thước đo trình độ văn chương. Họ có nhiều tức văn chương phong phú và giá trị. Họ là tri kỷ thân yêu của các nhà văn chân chính và khiến những tác phẩm xuất sắc không phải mai một trong quên lãng.

    Tưởng cũng nên đọc Hồi ký của nhà văn Bình Nguyên Lộc để thấy giá trị nhận xét của Thạch Lam và cũng để thấy số báo Sài Gòn Mới bán hàng ngày đứng đầu với 50.000 số/ngày (tiếc rằng số liệu trên ông Nguyễn Văn Lục không nói năm nào), cho chúng ta thấy độc giả là ai.

    Về sau, tôi đã có tên tuổi rồi, mà tôi đề nghị giúp bà, bà ấy thẳng thắn từ chối. Bà nói một câu khiến tôi phục lăn bà: “Tôi chỉ đăng bài mà chị bán cá có đọc cũng hiểu. Cậu viết khó hiểu, người bình dân không đọc đâu.” Thật là chí lý. Và nhờ đường lối đó mà báo của bà có đông độc giả. Việc tặng quà, việc ra báo có màu có mè, quả có giúp thêm cho bà rất nhiều, nhưng đường lối hạ thấp phong độ vẫn cứ giữ vai trò hữu hiệu của nó.

    Thiên hạ đều chê bà Bút Trà, đều chưởi bà, riêng tôi, tôi cứ thấy là bà có lý của bà, và cái lý ấy, không là cái lý điên cuồng đâu. Bà là người buôn bán chớ đâu phải là nhà văn hóa. Và người buôn bán ấy cứ tiếp tục giỏi buôn bán, giỏi ngoài thương trường và giỏi cả trong làng báo.

    Cũng liên hệ tới bà Bút Trà, nhà văn Võ Phiến cho biết về hiện tượng nhà văn Trần Ngọc Sơn viết tiểu thuyết trinh thám Bàn Tay Máu, ăn khách đến nổi báo Sài Gòn Mới cũng như Tiếng Chuông phải trả lương cho Ngọc Sơn từ 15.000 tháng, tăng lên 20.000, 30.000 rồi 50.000 đồng/tháng, riêng báo Sài Gòn Mới trả thêm 100.000 /năm để độc quyền bút hiệu Phi Long, năm đó 1953, một tô phở chỉ có 3 đồng.

    Thanh Nam nói về hiện tượng Ngọc Sơn và độc giả ở Miền Nam:

    “Hiện tượng ‘Ngọc Sơn’ thoạt nghe có vẻ hoang đường, khó tin nhưng sau này khi đã chính thức nhập cuộc sinh hoạt với báo chí miền Nam thì tôi không còn thấy thắc mắc hay ngạc nhiên nữa. Sở dĩ có một vài tác giả ‘ăn khách’ được các chủ báo o bế, chiều chuộng, trả lương cao như vậy là vì thành phần độc giả của các báo hàng ngày cũng như hàng tuần ở Sài Gòn đa số thuộc giới bình dân, lao động, những bà những cô bán hàng ngoài chợ. Khác hẳn ngoài Bắc, giới lao động trong Nam rất chịu mua báo, đọc báo. Ở Hà Nội, người ta không thể nào bắt gặp một anh xích lô ghếch mũi xe vào một hè đường vắng, dưới bóng cây râm mát nằm khểnh trên nệm, phì phèo điếu thuốc, đọc báo suốt một buổi trưa, từ chối chở khách, cũng như khó tưởng tượng được cái cảnh một bà bán cá trong chợ vừa trả lời giá cả với khách hàng vừa coi tiểu thuyết trong báo.”

    Tưởng cũng cần ghi ra đây một ít số sách có ghi số lượng ấn bản, để chúng ta có thể biết được mức tiêu thụ sách của độc giả:

    – Lãng Nhân Chơi Chữ Nam Chi Tùng Thư, in lần đầu, 1960, 102 trang, 2.070 bản. Bản đặc biệt giấy Japon – không ghi giá.

    – Vương Hồng SểnThú Chơi Sách Cơ Sở Báo Chí và Xuất Bản Tự Do, in lần thứ nhất, 1961, 176 trang, 2.000 bản, giá 40 đồng

    – 12 Tác Giả Tuyển Tập Truyện Ngắn Văn Hữu Á Châu, 1963, 260 trang, 3.000 bản, giá 40 đồng

    – Nhất Hạnh Đạo Phật Hiện Đại Hóa Lá Bối, in lần thứ nhất, 1965, 256 trang, 5.000 bản, giá 50 đồng

    – Nhất Hạnh Nói Với Tuổi Hai Mươi Lá Bối, in lần thứ nhất, 1966, 170 trang, 5.000 bản, bản đặc biệt – không ghi giá

    – Trúc Thiên, phụ bản Tuệ Sỹ Tranh Chăn Trâu An Tiêm, in lần thứ nhất, 1972, 100 trang khổ 11×17 cm, 5.000 bản, giá 260 đồng

    Trong Văn Học Miền Nam Tổng Quan, Võ Phiến cho biết theo kết quả phỏng vấn của Ngô Bá Lí đăng trên Bách Khoa từ số 289 đến 295 năm 1969 sau vụ Tết Mậu Thân, ngành xuất bản bị mất một số lớn độc giả ở miền Trung, loạt bài ấy tóm tắt như sau:

    Nhà xuất bản                                     Số lượng ấn hành mỗi kỳ cho mỗi tác phẩm


    Trung bình

    Ít nhất Nhiều nhất

    Nguyễn Hiến Lê

    3000 cuốn

    2000 5000

    An Tiêm

    ?

    800 (thơ) 7000

    Nam Chi

    3000

    1000

    ?

    Giao Điểm

    1000

    ?

    3000

    Thời Mới

    1500

    1000

    2500

    Ca Dao

    2000

    ?

    3000

    Nguyễn Đình Vượng

    1000

    ?

    ?

    Văn & Văn Uyển

    6000

    ?

    ?

    Miền Nam

    3000

    ?

    ?

    Hoàng Đông Phương

    3000

    ?

    5000

    Văn Nghệ

    5000

    ?

    9000

    Từ những trích dẫn trên cho chúng ta thấy độc giả thích đọc những gì, thành phần độc giả trong xã hội như thế nào, từ thuở báo chí chữ Việt còn sơ khai cho đến ngày nay. Độc giả là một yếu tố rất quan trọng, là một đòn bẩy, thúc đẩy tác giả sáng tác, nhờ đó có những tác phẩm giá trị trong văn học.

    Huỳnh Ái Tông (Văn học miền Nam 1954-75, Q.1)

    Tài liệu tham khảo:
    Viên Linh Làng Báo Sàigòn (trước 1975); Dịp Cuối Năm Việt Báo 30-11-2011
    Bình Nguyên Lộc Hồi Ký Văn Nghệ Web: binhnguyenloc.de
    Thạch Lam Theo Giòng Đời Nay, Việt Nam, 1962
    Võ Phiến Văn Học Miền Nam: Tổng Quan PDF, trang 47, 63 Web: vietnamvanhien.net

    https://saigonthapcam.wordpress.com/2020/10/04/doc-gia-sach-bao-mien-nam-la-nhung-ai/

    Không có nhận xét nào