Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Chủ nhật 17 tháng 1 năm 2021

    Giáo sư Luật: Hạ viện vi phạm Hiến Pháp khi luận tội TT Trump
    Điểm tin thế giới ngày Chủ nhật 17 tháng 1 năm 2021

    Giáo sư danh dự của Đại học Luật Harvard, ông Alan Dershowitz đã phân tích cho thấy Quốc hội Mỹ đã đứng trên luật pháp trong khi cáo buộc tổng thống đứng trên luật pháp.

    Trong một cuộc phỏng vấn với Newsmax, ông Dershowitz nói: “Họ đã vi phạm quy định về quyền tự do ngôn luận. Họ đã vi phạm các tiêu chuẩn luận tội. Họ đã vi phạm đạo luật về hành vi (Bill of attainder – PV). Họ đã vi phạm quy trình phù hợp, liên tục và nhiều lần”.

    “Làm thế nào bạn có thể luận tội một tổng thống cho một bài phát biểu hợp hiến?”, ông nói.

    Chuyên gia luật nói rằng Quốc hội Mỹ đã không dựa trên luật pháp, nhưng trớ trêu thay, họ có quyền được bảo vệ khỏi mọi tội lỗi cho những gì họ làm trên sàn Thượng viện.

    Dershowitz nói với người dẫn chương trình Carl Higbie: “Hình phạt duy nhất là đưa họ ra khỏi nhiệm sở và đưa họ ra xét xử trước tòa án dư luận. Thượng nghị sĩ và dân biểu được miễn nhiễm với các vụ kiện về những gì họ làm hoặc nói trên sàn của Thượng viện, vì vậy không thể có bất kỳ vụ kiện cá nhân nào”.

    “Hiến pháp rất rõ ràng, mục đích của việc luận tội là phế truất”, ông nói. “Thượng viện không thể xét xử một công dân bình thường”. Tự do ngôn luận cũng là quyền của tổng thống như công dân bình thường, và ông ấy không thể bị phế truất và đưa ra xét xử trên Quốc hội chỉ vì thực hiện quyền này.

    Trong một bài viết luận tội, Hạ viện đã bỏ phiếu 232–197 để luận tội Tổng thống Trump, vào thứ Tư vì “kích động nổi dậy”. Các đảng viên Dân chủ và 10 đảng viên Cộng hòa đã cho rằng Tổng thống Trump kích động vụ đột nhập Điện Capitol vào ngày 6/1.

    Tổng thống Trump là tổng thống Mỹ thứ ba bị luận tội và là người đầu tiên bị luận tội hai lần. Không có tổng thống nào từng bị luận tội mà bị kết tội và cũng chưa có tổng thống nào bị đưa ra xét xử sau khi rời nhiệm sở.

    Một phiên điều trần luận tội kéo dài 7 giờ đã trở thành phiên luận tội nhanh nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.

    Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã bổ nhiệm Eric Swalwell, người gần đây đã được chú ý vì mối quan hệ bị cáo buộc thân mật với một điệp viên Trung Quốc, làm quản lý luận tội.

    Một số chuyên gia pháp lý cho rằng việc tổ chức một phiên tòa luận tội sau khi ông Trump rời nhiệm sở là vi phạm Hiến pháp.

    “Một khi nhiệm kỳ của Trump kết thúc vào ngày 20/1, Quốc hội sẽ mất thẩm quyền theo Hiến pháp để tiếp tục các thủ tục luận tội chống lại ông ấy, ngay cả khi Hạ viện đã thông qua các bài viết luận tội”, J. Michael Luttig, một thẩm phán liên bang đã nghỉ hưu cho biết.

    Theo Hiến pháp Hoa Kỳ, Thượng viện tiến hành một phiên tòa luận tội khi Hạ viện luận tội một tổng thống. Thượng viện có thể tha bổng một tổng thống hoặc kết tội ông ta. Cần phải có hai phần ba phiếu để kết tội. Khi Hạ viện luận tội ông Trump về một vấn đề riêng vào năm 2019, Thượng viện đã bỏ phiếu trắng án cho ông 21 ngày sau khi phiên tòa bắt đầu.

    Ngoại trưởng Mỹ thúc giục nhóm điều tra WHO gây áp lực với ĐCSTQ về 3 vấn đề lớn


    Ngoại trưởng Pompeo đã đề xuất 3 trụ cột chính trong cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19 tại đại lục của WHO trong một tuyên bố trên trang web Bộ Ngoại giao hôm thứ Sáu (15/1 theo giờ Mỹ).

    Ông cho biết: “Để hỗ trợ công việc quan trọng của một nhóm điều tra nguồn gốc Covid của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa đến Trung Quốc trong tuần này, chính phủ Hoa Kỳ hôm nay sẽ chia sẻ thông tin mới liên quan đến các hoạt động bên trong các phòng thí nghiệm của chính phủ Trung Quốc vào năm 2019”.

    Ngoại trưởng Pompeo nói, Mỹ đặc biệt kêu gọi WHO gây áp lực lên ĐCSTQ để giải quyết và làm rõ ba vấn đề sau:

    Vấn đề lây nhiễm trong nội bộ Viện Virus học Vũ Hán: Chính phủ Mỹ có bằng chứng để khẳng định rằng, một số nhà nghiên cứu trong Viện Virus học Vũ Hán đã bị nhiễm COVID-19 ngay từ mùa thu 2019, trước khi trường hợp nhiễm virus Vũ Hán đầu tiên được xác nhận. Các triệu chứng của các nhà nghiên cứu này giống với bệnh nhân COVID-19 đầu tiên được ghi nhận.

    Nghiên cứu của Viện về “virus RaTG13” và khả năng “tăng cường chức năng lây nhiễm”: Ít nhất từ năm 2016, các nhà nghiên cứu của Viện đã tiến hành nghiên cứu đối với virus RaTG13 – một loại virus có cấu trúc tương đồng lên đến 96,2% so với SARS-CoV-2. Nhưng kể từ khi dịch bùng phát, Viện đã không tỏ ra minh bạch với thông tin xoay quanh các hoạt động nghiên cứu của Viện đối với RaTG13 và các loại virus tương tự khác, bao gồm các thí nghiệm “tăng cường chức năng” tiềm năng để tăng cường khả năng lây nhiễm hoặc gây sát thương của virus.

    Mối liên hệ bí ẩn giữa Viện Virus học Vũ Hán với các nghiên cứu quân sự của ĐCSTQ: Mặc dù Viện Virus học Vũ Hán tự tuyên bố là một tổ chức dân sự, nhưng nó đã hợp tác trên các ấn bản học thuật và các dự án bí mật với quân đội Trung Quốc. Ít nhất từ năm 2017, tổ chức này đã thay mặt quân đội ĐCSTQ tham gia vào các nghiên cứu tuyệt mật, bao gồm các thí nghiệm trên động vật trong phòng thí nghiệm.

    Ngoại trưởng Pompeo cho biết thêm, đại dịch COVID-19 đã có thể tránh được nếu ĐCSTQ mời các nhà điều tra y tế toàn cầu đến Vũ Hán trong vòng vài ngày sau khi dịch bệnh bùng phát. Nhưng Bắc Kinh đã từ chối tất cả lời đề nghị giúp đỡ của Mỹ và các nước khác.

    Chính quyền TT Trump cắt giảm 52% viện trợ cho Trung Quốc

    Chỉ trong một năm, Tổng thống Donald Trump đã cắt viện trợ nước ngoài cho Trung Quốc, theo báo cáo từ Văn phòng Ngân sách và Các vấn đề Công chúng.

    Các hồ sơ do The Spectator thu thập được về việc hạch toán chi tiêu của Mỹ tại Trung Quốc cho thấy, viện trợ trực tiếp đã bị cắt giảm từ 62 triệu USD năm 2019 xuống 30 triệu USD vào năm 2020, tương đương mức giảm 52%.

    Chi tiêu cho cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc đã tăng vọt từ 42,4 tỷ USD lên 47,5 tỷ USD, tương đương 12%. Tương tự, Hoa Kỳ cũng áp 60 tỷ USD thuế quan đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc.

    Một số chương trình hỗ trợ cho Trung Quốc đã được giảm số lượng đáng kể hoặc bị đình chỉ hoàn toàn dưới thời chính quyền TT Trump, ví dụ như bảo lãnh tài chính cho các giao dịch của Trung Quốc từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu. Trong năm 2019 nó đã cung cấp 11 triệu đô-la bảo lãnh, trong khi vào năm 2020, ngân hàng này không cung cấp tiền viện trợ.

    Cơ quan Thương mại và Phát triển Hoa Kỳ đã chấm dứt hoạt động tại Trung Quốc, cắt giảm 2 triệu USD đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc.

    Theo The Spectator, Hoa Kỳ cũng đã kết thúc chương trình Quân đoàn Hòa bình ở Trung Quốc trong bối cảnh bùng phát đại dịch.

    Báo cáo đầu tiên về chi tiêu chính phủ ở Trung Quốc được công bố là kết quả của việc chính quyền TT Trump nỗ lực thực hiện các chính sách kinh tế có thể cắt đứt sức ảnh hưởng của ĐCSTQ ở Hoa Kỳ cũng như trên thị trường toàn cầu.

    Như Washington Free Beacon đã chỉ ra, trong năm 2016, chiến dịch TT Trump đã hành động để chống lại chính sách kinh tế của ĐCSTQ mà ông cho rằng đã “lợi dụng” người Mỹ thông qua cán cân thương mại mất quân bình cũng như chính sách thao túng tiền tệ.

    Tương tự, Tổng thống Trump đã tập trung nỗ lực vào việc gia tăng các ngôn luận chống Trung Quốc sau khi sự nguy hiểm của đại dịch viêm phổi Vũ Hán và tác động của nó được toàn thế giới biết đến.

    Trung Quốc viện trợ 1 triệu liều vắc-xin cho Campuchia

    Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho biết, ông đã chấp nhận khoản viện trợ một triệu liều vắc-xin Sinopharm của Trung Quốc, theo Nikkei.

    Thông báo được Thủ tướng Campuchia đưa ra trên tài khoản Facebook của mình hôm thứ Sáu (15/1) đi ngược lại các cam kết trước đó của ông là chỉ sử dụng các phương pháp điều trị đã được Tổ chức Y tế Thế giới chấp thuận.

    Ông Hun Sen đã thừa nhận quan điểm trái ngược của mình trước đó, tuy nhiên ông cũng nói rằng đất nước không còn khả năng chờ đợi thêm nữa khi các ca bệnh ở Thái Lan tiếp tục gia tăng.

    Ông cho biết, vắc-xin Sinopharm thuộc Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc sẽ được viện trợ thông qua Bộ quốc phòng hai nước.

    Ông Hun Sen lưu ý rằng vắc-xin do Trung Quốc bào chế đã được triển khai ở Trung Quốc, được tiêm cho các nhà lãnh đạo hàng đầu Bắc Kinh và đã được sử dụng ở các quốc gia như Indonesia, Ai Cập và Brazil.

    Thời gian chính xác của việc triển khai vắc-xin Sinopharm không được tiết lộ. Các nhóm ưu tiên bao gồm các nhân viên hoàng gia, những người xung quanh nhà vua, Thủ tướng và những người đứng đầu quốc hội Campuchia.

    Guatemala ngăn chặn đoàn bộ hành di cư trái phép đến Mỹ


    Reuters đưa tin, giới chức Guatemalan hôm thứ Bảy (16/1) đã tăng cường nỗ lực ngăn chặn hàng nghìn người Honduras, trong đó có nhiều gia đình mang theo trẻ em đang bộ hành đến Mỹ để định cư trước khi một chính quyền mới chuẩn bị bước vào Tòa Bạch Ốc.

    Theo giới chức Guatemala, khoảng 7.000 đến 8.000 người di cư đã đến Guatemala kể từ hôm thứ Sáu (15/1) để chạy trốn khỏi đói nghèo và bạo lực trong một khu vực bị tàn phá bởi đại dịch và các trận bão lớn hồi tháng 11 năm ngoái.

    Các video mà Reuters thu thập được cho thấy lực lượng an ninh Guatemala đụng độ với một nhóm hàng trăm người di cư; những người này đã tìm cách vượt qua hàng rào an ninh của cảnh sát ở làng Vado Hondo, gần Chiquimula ở phía đông Guatemala.

    Từ thứ Sáu đến thứ Bảy, Guatemala đã gửi trả gần 1.000 người di cư đến từ Honduras, chính phủ Guatemala cho biết, khi đoàn bộ hành tiếp tục hướng đến Mexico.

    Một quan chức Mexico cho hay, đoàn bộ hành này có thể sẽ gặp nhiều rắc rối hơn ở Mexico, bởi vì thỏa thuận di cư giữa Mexico và Hoa Kỳ vẫn còn hiệu lực.

    Đây là đoàn di cư đầu tiên trong năm nay; nó diễn ra chưa đầy một tuần trước thời điểm lễ nhậm chức dự kiến của ông Joe Biden. Ông Biden đã hứa hẹn một cách tiếp cận dễ dãi hơn đối với vấn đề di cư, trái ngược với các chính sách cứng rắn chống nhập cư trái phép của Tổng thống Donald Trump.

    Ấn Độ khởi động chương trình tiêm chủng Covid-19 lớn nhất thế giới

    1,3 tỷ người Ấn Độ sẽ được tiêm vắc-xin trong chương trình tiêm chủng vắc-xin Covid-19 lớn nhất thế giới vừa được khởi động, The Guardian ngày 16/1 đưa tin.

    Những liều vắc-xin đầu tiên sẽ được tiêm cho nhân viên y tế tại Viện Khoa học Y tế Toàn Ấn Độ ở thủ đô New Delhi, sau khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khởi động chiến dịch bằng một bài phát biểu trên truyền hình quốc gia.

    “Đây sẽ là chương trình tiêm chủng lớn nhất thế giới được triển khai rộng rãi trên phạm vi toàn quốc”, ông Modi bình luận.

    Theo kế hoạch do Bộ Y tế Ấn Độ xây dựng, 300 triệu người sẽ được tiêm vắc-xin từ nay cho tới tháng 8.

    Nhân viên y tế tuyến đầu, cảnh sát, binh sĩ quân đội sẽ là các đối tượng ưu tiên nhận vắc-xin. Nhóm tiếp theo trong danh sách ưu tiên là những người trên 50 tuổi hoặc đã có sẵn bệnh lý nền.

    Trên phạm vi toàn Ấn Độ, hơn 200.000 bác sĩ và 370.000 nhân viên y tế đã được đào tạo chuẩn bị cho chương trình này. Các hoạt động tập dượt quy mô lớn đã được tiến hành ở ít nhất 4 tiểu bang. Nhà chức trách cũng đã chuẩn bị 29.000 kho lạnh phục vụ bảo quản và vận chuyển vắc-xin an toàn.

     

    Võ Thái Hà tóm lược

    Không có nhận xét nào