Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Thứ ba 12 tháng 1 năm 2021

    Nhiều nhóm vũ trang đến Washington trước lễ nhậm chức của Biden

    Điểm tin thế giới ngày Thứ ba 12 tháng 1 năm 2021

    Một nhóm người ủng hộ tổng thống Donald Trump xông vào Điện Capitol, Washington, Hoa Kỳ, ngày 06/01/2021. REUTERS - LEAH MILLIS

    Có nhiều nguy cơ bạo lực bùng phát tại thủ đô nước Mỹ trước dịp lễ nhậm chức của tổng thống đắc cử Joe Biden ngày 20/01/2021. Truyền thông Mỹ loan tải một tài liệu nội bộ của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), cảnh báo là nhiều nhóm vũ trang có thể tham gia biểu tình tại Washington DC.

    Reuters hôm nay, 12/01, dẫn lại nguồn tin của FBI, theo đó nhiều nhóm vũ trang sẽ tới Washington DC và thủ phủ 50 bang nước Mỹ trong kỳ nghỉ cuối tuần này và ngày 20/01. Một nhóm vũ trang cho biết sẽ cử lực lượng đến Washington ngay từ ngày 16/01 và hứa hẹn tổ chức một cuộc nổi dậy, nếu tổng thống mãn nhiệm Donald Trump bị buộc phải rời bỏ quyền lực, theo một phóng viên của ABC News. Hiện tại FBI chưa bình luận gì về thông tin nói trên.

    Đô trưởng Washington, Muriel Bowser, thông báo đã được chính quyền Liên bang cho phép ban bố tình trạng khẩn cấp liên quan đến lễ nhậm chức tổng thống sớm hơn dự kiến. Đề nghị kéo dài tình trạng khẩn cấp của thủ đô Washington, để có thêm nguồn tài chính bổ sung cho việc bảo đảm an ninh, cũng đã được tổng thống Trump chấp thuận tối qua.

    Quyền Bộ trưởng An ninh Nội địa của Mỹ đột ngột từ chức

    Quyền Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ (DHS) Chad Wolf đột ngột tuyên bố quyết định từ chức trong bối cảnh các mối đe dọa an ninh tiềm ẩn khi ngày 20/1 đến gần.

    Hôm Thứ Hai (11/1, theo giờ Mỹ), Bộ trưởng An ninh Nội địa (DHS) – Chad F. Wolf bất ngờ tuyên bố từ chức mà không báo trước. Theo đó, ông Pete Gaynor, người đứng đầu Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang, sẽ làm giám đốc tạm thời của DHS.

    Trong bức thư gửi các nhân viên của DHS, ông Wolf viết: “Những sự cố và lo lắng này [ám chỉ sự kiện Quốc hội hôm 6/1] ngày càng khiến mọi người chuyển hướng sự chú ý và nguồn lực khỏi các nhiệm vụ quan trọng của Bộ Quốc phòng vào thời điểm quan trọng của sự chuyển giao quyền lực”.

    Sau vụ bạo loạn ở tòa nhà Quốc hội, ông Wolf đã tuyên bố sẽ giữ nguyên vị trí của mình cho đến ngày 20/1 để đảm bảo sự tập trung của Bộ vào các mối đe dọa mà đất nước phải đối mặt và một quá trình chuyển giao quyền lực có trật tự.

    Hiện tại, vẫn chưa biết yếu tố nào đã khiến Quyền bộ trưởng DHS thay đổi kế hoạch của mình.

    Nạn đói toàn cầu trầm trọng hơn trong năm 2020

    Hôm nay Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ công bố dữ liệu về sản lượng lương thực thế giới năm 2020. Liên Hợp Quốc dự đoán sản lượng ngũ cốc toàn cầu đạt mức cao mới. Nhưng điều đó không có nghĩa là nó được phân phối đồng đều. Thu nhập thấp hơn do suy thoái covid-19 và hậu cần gián đoạn, cũng như tình trạng bất ổn dân sự gia tăng và nạn châu chấu tồi tệ nhất trong nhiều thập niên, đã khiến nạn đói gia tăng.

    Vào tháng 11, Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc ước tính toàn cầu có thêm 137 triệu người bị mất an ninh lương thực nghiêm trọng, tăng 82% so với trước đại dịch. Việc chuyển hướng tiền viện trợ và sự tập trung chú ý của các nhà hoạch định chính sách vào covid-19 càng khiến tình hình tồi tệ hơn. Tương tự là sự chú ý của giới truyền thông, như được ghi nhận trong một báo cáo của CARE, một tổ chức từ thiện. Ví dụ, trong năm 2020 các nhà báo đã viết hơn 50.000 bài về cuộc thi hát Eurovision vốn bị hủy, nhưng chỉ có khoảng 2.000 bài về hạn hán và nạn đói ở Zambia.

    Ứng dụng Parler của người ủng hộ Trump bị các đối tác ruồng bỏ

    Vụ bạo loạn tại Điện Capitol của Mỹ, và quyết định sau đó của Twitter và Facebook cấm vĩnh viễn Tổng thống Donald Trump khỏi các nền tảng truyền thông xã hội của họ, đã giúp thúc đẩy đáng kể các ứng dụng “tự do ngôn luận” đối thủ như Parler. Ban đầu, giám đốc điều hành John Matze của Parler đã cố gắng tận dụng tình hình. Nhưng sự chú ý ngày càng tăng có thể đã phản tác dụng.

    Apple và Google thông báo cấm Parler trên các cửa hàng ứng dụng của họ. Ngay sau đó, Amazon cũng loại Parler khỏi dịch vụ lưu trữ đám mây của mình, đồng nghĩa xóa nó khỏi internet. Người dùng đã tràn đến Telegram, một ứng dụng nhắn tin được ưa thích bởi những người cực hữu, những người đã chào đón những “người tị nạn” này với vòng tay rộng mở. Ông Matze nói Parler giờ phải “xây dựng lại từ đầu” sau khi các công ty khác mà họ từng làm việc cùng đã bỏ đi. Làm vậy đòi hỏi các đối tác phải sẵn sàng chấp nhận việc danh tiếng của họ bị ảnh hưởng.

    Các công ty dầu Biển Bắc của Anh sáp nhập

    Ngành công nghiệp dầu mỏ ở Biển Bắc của Anh đã suy thoái dần trong nhiều năm do các nguồn dự trữ dễ khai thác nhất đã cạn. Vì vậy, các công ty còn lại trong khu vực đang tìm kiếm sự an toàn về số lượng. Hôm nay, các cổ đông của một trong những tập đoàn lâu đời nhất, Premier Oil, sẽ bỏ phiếu về đề nghị mua lại từ đối thủ Chrysaor Holdings để thành lập nhà sản xuất dầu khí độc lập lớn nhất Biển Bắc.

    Thỏa thuận này là một nỗ lực thích nghi trong bối cảnh giá năng lượng thấp. Các công ty dầu khí độc lập đang phải vật lộn với đống nợ lớn; với Premier có gần 2 tỷ đô la nợ ròng. Còn các hãng khổng lồ thì không đặc biệt quan tâm đến việc mua các công ty nhỏ có tài sản ở các bể dầu lâu năm. Nhưng một số công ty đầu tư tư nhân tiếp tục nhìn thấy các cơ hội hợp nhất và dòng tiền ổn định của chúng. Chrysaor được hậu thuẫn bởi Harbour Energy, hãng được bơm tiền bởi EIG General Energy Partners, một công ty đầu tư tư nhân. Ngành công nghiệp dầu mỏ Biển Bắc đang già nua, nhưng nó vẫn chưa chết.

    Món quà chia tay Trump dành cho châu Âu: thêm thuế


    Các nhà lãnh đạo châu Âu có thể sẽ bật một vài nút chai để ăn mừng ngày chấm dứt chính quyền Trump, bên đã biến Mỹ từ đối tác thương mại hàng đầu của khối thành, theo lời của chính Tổng thống Donald Trump, kẻ thù. Họ sẽ có nhiều loại đồ uống sản xuất tại địa phương hơn nhờ một ‘món quà chia tay’ từ chính quyền Trump. Hôm nay, Mỹ áp đặt thêm thuế quan lên rượu vang và rượu mạnh của Pháp và Đức, bổ sung thêm mức thuế mà nước này đã áp lên một số mặt hàng nhập khẩu có cồn từ châu Âu kể từ tháng 10 năm 2019.

    Tranh chấp thương mại này bắt nguồn từ một cuộc tranh cãi kéo dài về trợ cấp chính phủ giữa Boeing, nhà sản xuất máy bay lớn nhất của Mỹ, và Airbus, hãng hàng không vũ trụ Châu Âu. Thuế quan đã gây thiệt hại cho các nhà sản xuất rượu bia vốn đang khó khăn do việc đóng cửa các nhà hàng vì đại dịch covid-19. Có thể hai bên sẽ đạt thỏa thuận đình chiến trước khi chính quyền Biden nhậm chức; các cuộc đàm phán được cho là đang diễn ra. Còn nếu không, Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ được thừa kế thêm một vấn đề nữa phải giải quyết.

    Tranh cãi tử hình cấp liên bang ở Mỹ: Trường hợp Lisa Montgomery

    Trừ khi có can thiệp vào phút cuối của Tòa án Tối cao, Lisa Montgomery, một tù nhân liên bang ở Texas, sẽ bị xử tử hôm nay. Cô là phụ nữ duy nhất thuộc diện tử hình liên bang và sẽ trở thành tù nhân thứ 11 bị xử tử kể từ khi các vụ hành quyết liên bang được nối lại dưới thời Donald Trump sau 17 năm tạm ngừng. Trường hợp của người này đặc biệt nghiệt ngã. Cô đã sát hại Bobbie Jo Stinnett, một phụ nữ mang thai 23 tuổi, ở Missouri vào năm 2004, sau đó mổ lấy ra thai nhi của nạn nhân rồi tuyên bố đó là con của chính mình. (Đứa trẻ sống sót.)

    Các luật sư của Montgomery đã tìm kiếm sự khoan hồng, nói rằng cuộc đời bi thảm của cô — một nạn nhân bị hãm hiếp vị thành niên, chịu tổn thương não và các lạm dụng khác — đã dẫn đến chứng loạn thần và do đó giảm bớt trách nhiệm hình sự. Họ nói bệnh tâm thần nghiêm trọng khiến cô không đáng chịu hình phạt như vậy. Việc hành quyết người này bị trì hoãn từ tháng 12, sau khi các luật sư mắc coronavirus. Khẩn cầu Trump ân giảm đã không có tác dụng. Nếu bị xử tử, cô sẽ là một trong số ít các nữ tù nhân liên bang bị tử hình.

    Úc sẽ tiêm thuốc chủng COVID-19 vào tháng Hai

    Tuyên bố hôm thứ Năm tuần qua (7.1.2020) Thủ tướng Scott Morrison cho biết chính phủ sẽ khởi sự việc tiêm chủng cho các nhóm dân số dễ bị tổn thương vào tháng tới, sớm hơn 1 tháng so với dự định ban đầu và hy vọng là duyệt vaccine Pfizer sẽ được hoàn thành vào cuối tháng Giêng.

    Sau áp lực từ phe đối lập liên bang và một số nhà khoa học để đẩy nhanh quá trình, ông Morrison cho biết, ông hy vọng nhận được dữ liệu từ Pfizer trong tháng này để cho phép phê duyệt vắc xin. Ông nói: “Chúng ta hiện đang ở vị trí sẽ có thể bắt đầu tiêm chủng của vào giữa đến cuối tháng Hai”.

    Mốc thời gian trước đó là bắt đầu chương trình tiêm chủng vào tháng Ba. Ông Morrison cho biết mục đích là bắt đầu tiêm chủng cho 80,000 người mỗi tuần, và sẽ có hiệu quả trong vòng 4 đến 6 tuần tới.

    Ông cho biết chính phủ đang hướng tới mục tiêu tiêm chủng cho bốn triệu người vào cuối tháng Ba.Tuy nhiên thời gian tiêm chủng sẽ phụ thuộc vào quyết định của Cục Quản lý Dược phẩm (TGA) và việc cung cấp vaccine từ các nhà cung cấp.

    Chính phủ đặt mục tiêu nhận lô hàng vaccine Pfizer vào cuối tháng này và vaccub Oxford-AstraZeneca vào tháng hai.

    Giáo sư Brendan Murphy, Giám đốc Y tế liên bang, cho biết gần một nửa dân số Úc sẽ được đưa vào danh sách những nhóm ưu tiên nhận vaccine trong nửa đầu năm nay.

    Phần còn lại của dân số trưởng thành nói chung có thể được chủng ngừa từ tháng Sáu trở đi.

    Nhóm ưu tiên đầu tiên sẽ nhận được vắc xin Pfizer từ một trong 30 đến 50 trung tâm được thành lập trên toàn quốc để quản lý. Hai loại vaccine cuối cùng sẽ được cung cấp từ các trung tâm khác nhau.

    Điều tra của WHO về virus Covid-19: Thái độ bất hợp tác của Trung Quốc

    Mặc dù Trung Quốc cuối cùng đã để cho một phái đoàn các nhà khoa học của Tổ chức Y tế Thế giới ( WHO ) đến nước này để điều tra về nguồn gốc của virus corona gây bệnh Covid-19, nhưng trên thực tế, chính quyền Bắc Kinh đã liên tục gây khó dễ cho phái đoàn điều tra.

    Từ mùa xuân năm ngoái, WHO đã yêu cầu được đến Trung Quốc để điều tra, nhưng mãi đến thứ Năm 14/01/2021, một phái đoàn gồm 10 nhà khoa học quốc tế mới được phép đến nước này. Nhiệm vụ của họ chỉ là cố gắng truy tìm nguồn gốc của virus để hiểu được là nó đã lây sang người như thế nào.

    Không nhằm tìm "thủ phạm"

    Việc truy tìm nguồn gốc của virus rất quan trọng để giúp ngăn ngăn chận sự bùng phát của một đại dịch mới, đồng thời giúp cho thế giới đề ra những biện pháp phòng ngừa đối với loài súc vật này hay súc vật kia, cấm săn bắt, chăn nuôi chúng và tránh sự tiếp xúc giữa chúng với con người. Phần lớn công việc của các nhà khoa học sẽ là xác định « mắc xích còn thiếu » đã giúp cho virus SARS-CoV-2 từ một loài dơi lây lan sang người. Nhưng các thành viên của phái đoàn cũng tuyên bố là họ sẽ nghiên cứu mọi giả thuyết, tức là gián tiếp không loại trừ khả năng virus đã thoát ra từ một trong những phòng thí nghiệm virus học ở Vũ Hán.

    Anh Quốc chuẩn bị cấm nhập hàng Trung Quốc sử dụng lao động cưỡng bức


    Quan hệ giữa Luân Đôn và Bắc Kinh thêm căng thẳng. Nhiều phương tiện truyền thông Anh ngày 11/01/2020 tiết lộ, ngoại trưởng Dominic Raab sắp công bố một loạt các biện pháp hạn chế nhập khẩu hàng Trung Quốc sử dụng lao động cưỡng bức, bóc lột sức lao động của người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

    Theo các báo The Sun và Guardian, trên nguyên tắc thông báo sẽ được đưa ra vào ngày Thứ Tư 13/01/2021. Chính phủ Anh yêu cầu các tập đoàn quốc gia tuân thủ quy định mới, kiểm tra sản phẩm nhập từ Trung Quốc không sử dụng lao động cưỡng bức. Hãng tin Pháp AFP nhắc lại đây là bước kế tiếp sau nhiều mối căng thẳng trong quan hệ song phương giữa Bắc Kinh và Luân Đôn.

    Phản đối Big Tech kiểm duyệt, nhà cung cấp Internet tại Idaho chặn Facebook, Twitter


    Một nhà cung cấp dịch vụ internet (ISP) ở khu vực phía bắc tiểu bang Idaho và Spokane, tiểu bang Washington, đã quyết định chặn khách hàng của mình sử dụng Facebook và Twitter sau khi một số người gọi đến phàn nàn về tình trạng kiểm duyệt trên các nền tảng này.

    ISP, Your T1 WIFI, xác nhận rằng họ sẽ chặn Facebook và Twitter khỏi dịch vụ WIFI của mình đối với một số khách hàng bắt đầu từ thứ Tư (13/1) tuần này, theo báo cáo của KREM 2.

    Động thái này diễn ra sau khi Twitter cấm vĩnh viễn Tổng thống Donald Trump khỏi nền tảng của mình và Facebook đã khóa tài khoản của tổng thống “vô thời hạn”.

    “Chúng tôi nhận thấy rằng Twitter và Facebook đang tham gia vào việc kiểm duyệt thông tin khách hàng của chúng tôi”, một email gửi đến khách hàng của Your T1 WIFI cho biết.

    ISP nói thêm rằng họ đã nhận được các cuộc gọi từ khách hàng về Facebook và Twitter.

    “Trong vài ngày qua, chúng tôi liên tục tiếp nhận các cuộc gọi từ khách hàng bày tỏ lo ngại rằng họ không muốn các mạng xã hội này được phép hiển thị trên nguồn cấp dữ liệu internet của họ và họ không muốn con cái họ truy cập vào các mạng xã hội này”, email viết.

    ISP giải thích rằng do có quá nhiều khách hàng yêu cầu chặn các mạng xã hội, họ sẽ chặn Facebook và Twitter đối với tất cả khách hàng trừ khi họ liên hệ với công ty để yêu cầu quyền truy cập.

    “Có quá nhiều người [khách hàng] cùng một lúc đã kêu gọi chúng tôi thực hiện việc này, vì vậy chúng tôi sẽ chặn [Facebook và Twitter] và bất kỳ mạng xã hội nào khác có thể đang áp đặt kiểm duyệt”, email viết.

    Công ty này nói rằng 2/3 khách hàng của họ đã yêu cầu chặn các trang mạng xã hội.

     

    Võ Thái Hà tóm lược

    Không có nhận xét nào