Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Thứ sáu 22 tháng 1 năm 2021

    TNS Tom Cotton: Bạo lực Antifa sẽ không dừng lại vì ông Biden làm tổng thống
    Điểm tin thế giới ngày Thứ sáu 22 tháng 1 năm 2021

    Hôm thứ Tư (20/1), thượng nghị sĩ Cộng hòa Tom Cotton cho biết các cuộc bạo động Antifa ở Portland và Seattle sau lễ nhậm chức của Tổng thống Joe Biden chứng minh quan điểm của ông rằng cần lực lượng cảnh sát để duy trì luật pháp và trật tự.

    TNS Cộng hòa Cotton cho biết, chỉ vài tháng trước, ông nhớ rằng các phương tiện truyền thông và đảng Dân chủ đã đổ lỗi cho cựu Tổng thống Donald Trump về bạo lực Antifa ở các thành phố do đảng Dân chủ điều hành. Tuy nhiên, theo ông, cần điều động cảnh sát trấn áp cho dù đám đông bạo lực theo đảng phái nào.

    Ông nói trên Fox News: “Tôi nhớ giới truyền thông và đảng Dân chủ đổ lỗi cho tất cả bạo lực Antifa cho ông Donald Trump. Tuy nhiên, [bây giờ] ông Joe Biden đã vào Tòa Bạch Ốc và Antifa vẫn hoành hành trên đường phố Seattle, Portland và Denver. Điều này chứng minh quan điểm mà tôi từng đưa ra cách đây 2 tháng [và] 2 tuần trước. Khi có một đám đông sử dụng bạo lực vì mục đích chính trị, không quan trọng họ đang hô khẩu hiệu gì hay hay vẫy cờ nào. Cần phải có lực lượng [cảnh sát] để đối phó với họ. Và lực lượng [cảnh sát] phải được điều động để ngăn chặn bạo lực nếu bùng phát, để dừng đám bạo loạn đó. Đó phải là tiêu chuẩn mà chúng ta áp dụng cho dù đám đông đang hô hào khẩu hiệu nào”.

    “Những đám đông mà chúng ta thấy trên đường phố Seattle, Portland và Denver đại diện cho Antifa… cuối cùng điều họ muốn là lật đổ nước Mỹ. Họ ghét nước Mỹ, họ không tung hoành trên đường phố vì ông Joe Biden là tổng thống. Họ không làm như thế vào mùa hè năm ngoái vì ông Donald Trump là tổng thống. Họ đang làm như vậy vì họ ghét nước Mỹ”, TNS cho biết thêm.

    Những người biểu tình Antifa ở Portland đã đụng độ với chính quyền hôm thứ Tư (20/1 theo giờ Mỹ) khi họ tụ tập để bày tỏ sự bất mãn với Tổng thống Biden, buộc các sĩ quan phải rút lui và lấy cắp ít nhất một xe đạp cảnh sát, các nhà chức trách cho biết.

    Tổng cộng, 8 người lớn đã bị bắt vì các tội danh khác nhau, từ gây bạo loạn, sở hữu thiết bị gây nổ đến đốt phá liều lĩnh.

    Tân TT Biden xóa sổ hơn 52.000 việc làm trong ngày đầu nhậm chức


    Sau khi nhậm chức Tổng thống Mỹ vào ngày 20/1, ông Joe Biden đã ký một số sắc lệnh hành pháp đảo ngược các chính sách của cựu TT Donald Trump, trong đó có việc thu hồi giấy phép của dự án Đường ống dẫn dầu Keystone XL và dừng xây dựng bức tường biên giới. Hai động thái này của ông Biden khiến hơn 52.000 việc làm bị mất đi, theo Gateway Pundit.

    Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết, việc hủy bỏ dự án Đường ống Keystone khiến 42.100 công việc trên khắp đất nước bị hủy bỏ. Bên cạnh đó, việc chấm dứt xây dựng bức tường biên giới sẽ khiến 10.000 việc làm bị xóa sổ.

    Như vậy, tổng cộng 52.100 việc làm bị mất chỉ trong 8 giờ đầu tiên khi ông Joe Biden đảm nhận chức tổng thống Mỹ.

    Ông Mark McManus, Tổng chủ tịch của Hiệp hội liên minh Thợ lắp đặt đường ống, cho biết:


    “Vào ngày đầu tiên, khi thu hồi giấy phép này, chính quyền Biden đã chọn cách lắng nghe tiếng nói của các nhà hoạt động ngoài lề, thay vì lắng nghe các thành viên công đoàn và người tiêu dùng Mỹ”.

    “Hãy để tôi nói rõ điều này: Khi được xây dựng bởi các lao động công đoàn của Hiệp hội Thống nhất, các đường ống dẫn đầu như Keystone XL sẽ là phương thức vận chuyển năng lượng an toàn và hiệu quả nhất trên thế giới. Đáng buồn thay, chính quyền Biden hiện đã cho hàng nghìn công nhân công đoàn nghỉ việc. Đối với các gia đình trung lưu ở Mỹ, điều đó có nghĩa là chi phí năng lượng sẽ tăng lên và cộng đồng sẽ không còn thấy các khoản đầu tư địa phương đi kèm với việc xây dựng đường ống”, ông McManus nói.

    Ngoài ra, với việc TT Biden cho ngừng việc xây dựng bức tường biên giới, thì bên cạnh việc thất thoát 10.000 việc làm, sẽ có nhiều di dân bất hợp pháp hơn sẽ đổ xô vào Mỹ.

    Ai sẽ nuôi Trung Quốc nếu nạn đói lớn xảy ra năm 2021?

    Liên Hợp Quốc cảnh báo: Năm 2021, toàn cầu sẽ xảy ra hai thảm hoạ lớn, số người đói sẽ tăng mạnh. ĐCSTQ chính thức nhấn mạnh Trung Quốc không có khủng hoảng lương thực, nhưng các con số cho thấy Trung Quốc thiếu lương thực cho 252 triệu người, và câu hỏi đặt ra là ai có thể cứu Trung Quốc trong tình huống nạn đói xảy ra?

    Tác giả Lý Hiểu Đồng, Viện Kinh tế Tài chính đã có bài phân tích trên Epoch Times về viễn cảnh mà Trung Quốc phải đối mặt với nạn đói trong năm 2021. Dưới đây chúng tôi xin gửi tới quý độc giả phần chuyển ngữ bài viết của ông.

    Hiện nay, virus Vũ Hán đã quay trở lại nhiều vùng ở Trung Quốc. Với dịch bệnh hoành hành, vấn đề an ninh lương thực thảo luận năm ngoái đã được quan tâm trở lại. Vào năm 2020, đã có một số sự kiện lớn ảnh hưởng đến sản xuất lương thực của Trung Quốc. Ví dụ, trong những tháng sau khi dịch bệnh bùng phát vào năm 2020, một số lượng lớn sâu keo mùa thu xuất hiện nhiều nơi ở miền nam Trung Quốc, trong khi vùng Đông Bắc Trung Quốc phải hứng chịu dịch bệnh khi gieo trồng vụ xuân, và lũ lụt hoành hành ở phía nam.

    Trong hoàn cảnh như vậy, ĐCSTQ luôn nhấn mạnh rằng không có khủng hoảng lương thực ở Trung Quốc. Vào cuối năm ngoái, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đã công bố tổng sản lượng lương thực năm 2020 tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước.

    Mặc dù các quan chức nói như vậy, nhưng vào đầu tháng 12/2020, trong tình hình xung đột Trung-Ấn vẫn chưa được giải quyết, ĐCSTQ đã chính thức mua 100.000 tấn gạo từ Ấn Độ một cách bất thường. Các quan chức ngành lương thực Ấn Độ khẳng định đây là lần đầu tiên Trung Quốc nhập khẩu gạo từ Ấn Độ trong 30 năm qua.

    Lãnh đạo đa số Thượng viện Mỹ xem xét yêu cầu trì hoãn luận tội ông Trump của Đảng Cộng hòa

    Reuters đưa tin, Lãnh đạo Đa số Thượng viện Hoa Kỳ Chuck Schumer từ Đảng Dân chủ đang xem xét một yêu cầu từ Đảng Cộng hòa về việc hoãn khởi động phiên tòa luận tội Tổng thống Donald Trump cho đến giữa tháng Hai, một đại diện phát ngôn của ông Schumer cho biết hôm thứ Năm (21/1).

    Đảng Cộng hòa cho rằng ông Trump cần thời gian để chuẩn bị biện hộ trước cáo buộc kích động nổi dậy tại Điện Capitol Hoa Kỳ vào ngày 6/1.

    Lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell đã yêu cầu các mốc thời gian sau khi các thành viên Đảng Dân chủ trước đó trong ngày nói rằng Hạ viện có thể sẽ gửi bản cáo buộc luận tội – đã được thông qua hồi tuần trước – đến Thượng viện sớm nhất là vào thứ Sáu.

    Cả thế giới nhìn về Israel để theo dõi tính hiệu quả của vắc-xin


    Chỉ trong một tháng, Israel đã tiêm được ít nhất một liều vắc-xin covid-19 của Pfizer-BioNTech cho 27% dân số của mình, một tỷ lệ cao hơn bất kỳ nước nào khác. Giờ đây, thế giới đang dõi theo để xem việc tiêm chủng sớm có thể tạo ra khác biệt đến đâu. Như nhiều nước khác, Israel bắt đầu với người lớn tuổi và đang phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng của B.1.1.7, một biến thể phát hiện lần đầu ở Anh có khả năng lây nhiễm cao hơn khoảng 50%.

    Kết quả sơ bộ của những người Israel trên 60 tuổi cho thấy liều đầu tiên không chỉ ngăn các triệu chứng mà còn cả việc nhiễm bệnh, đồng nghĩa vắc-xin hạn chế sự lây lan của vi rút. Hiệu quả bắt đầu xuất hiện sau 14 ngày kể từ ngày tiêm chủng, khi tỷ lệ xét nghiệm dương tính ở nhóm được tiêm chủng giảm 1/3. Tuần này, số ca nhiễm covid-19 mới của Israel đã giảm xuống, lần đầu tiên sau hai tháng. Liệu xu hướng này có tiếp tục hay không vẫn còn phải chờ. Thế giới nín thở theo dõi.

    Khủng hoảng nhân đạo ở Ethiopia vì nội chiến

    Đã gần hai tháng kể từ khi Abiy Ahmed, thủ tướng Ethiopia, tuyên bố chiến thắng sớm trong cuộc chiến giữa chính phủ liên bang và các đối thủ ở khu vực miền bắc Tigray, Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray (TPLF). Song thắng lợi quân sự đạt được đã không mang lại hòa bình hay ổn định. Một cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra. Phần lớn dân số khoảng 6 triệu người trong vùng không có đủ thức ăn, nước uống hoặc thuốc men kể từ khi giao tranh bắt đầu vào tháng 11.

    Theo chính quyền lâm thời của khu vực, hơn 2 triệu dân thường đã mất nhà cửa. Bên ngoài thủ phủ vùng, các ngân hàng, chợ và cửa hàng đóng cửa, và thiếu hụt bệnh viện. Một số thực phẩm đã đến được các khu vực do quân liên bang kiểm soát, nhưng những vùng lãnh thổ lớn do TPLF nắm giữ đang bị phong tỏa. Các nhóm viện trợ cáo buộc chính phủ ngăn họ tiếp cận những nhóm người cần được cứu nhất — và lo sợ nạn đói xảy đến. Đó là điều mà người Ethiopia biết quá rõ.

    Một hiệp ước hạt nhân mới ra đời

    Một hiệp ước mới có hiệu lực từ hôm nay. Hiệp ước Cấm vũ khí Hạt nhân (Treaty on the Prohibition of Nuclear Weapons – TPNW), đã được 86 quốc gia ký và 51 quốc gia phê chuẩn, cấm phát triển hoặc lưu trữ vũ khí hạt nhân. Không nước nào sẽ từ bỏ hạt nhân (vì không có cường quốc hạt nhân nào là bên ký kết). Nhưng TPNW là hướng đi đúng để thúc đẩy thay đổi.

    Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung sụp đổ vào năm 2019. Thỏa thuận hạt nhân Iran cũng rạn nứt. Vào ngày 15 tháng 1, Nga theo chân Mỹ tuyên bố từ bỏ hiệp ước Bầu trời Mở, vốn cho phép các chuyến bay giám sát phi vũ trang vốn có thể phát hiện việc gia tăng lực lượng quân sự. Và New START, thỏa thuận hạt nhân cuối cùng còn lại giữa Mỹ và Nga, sẽ hết hạn vào ngày 5/2 trừ khi hai nước đồng ý gia hạn. Giải cứu nó là một thử thách sớm cho Tổng thống Joe Biden — và chưa rõ liệu TPNW có thể làm gì để ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới hay không.

    Norwegian Air khó khăn đủ bề nhưng vẫn còn hi vọng

    Norwegian Air đang nói lời tạm biệt với Mỹ. Năm 2013, hãng này tìm cách đưa mô hình hàng không giá rẻ phổ biến ở châu Âu vào các đường bay xuyên Đại Tây Dương. Nhưng dự án tốn rất nhiều tiền, khiến hãng bị thua lỗ ngay từ trước đại dịch covid-19 khiến hầu hết các máy bay phải đắp chiếu và hãng bị phá sản. Hôm nay, công ty sẽ trình bày một kế hoạch kinh doanh mới trước một tòa án Ireland, nơi họ đã yêu cầu bảo hộ phá sản. Hãng sẽ từ bỏ mảng đường dài và quay về cội nguồn của mình là bay các tuyến bay ngắn xuyên châu Âu.

    Công ty sẽ đối mặt với các cuộc đàm phán gian nan với các chủ nợ. Họ được nhận viện trợ từ các trái chủ và chính phủ Na Uy vào mùa xuân năm ngoái, song vẫn đang vật lộn với nợ và các nghĩa vụ khác tổng trị giá gần 67 tỷ kroner Na Uy (7,9 tỷ USD), mặc dù chưa bao giờ hãng kiếm được 44 tỷ kroner doanh thu cao như năm ngoái. Dù vậy con đường phía trước của họ đã trở nên thuận lợi hơn nhiều: mới hôm qua, chính phủ Na Uy đồng ý rót tiền vào một gói giải cứu nếu hãng hàng không tự tái cấu trúc thành công.

    ĐCSTQ chỉ trích vắc-xin của Mỹ nhằm che đậy sự thất bại của vắc-xin trong nước


    Trong những ngày gần đây, các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đã liên tục chỉ trích vắc-xin của phương Tây, đồng thời tuyên truyền rằng người dân nên tiêm vắc-xin do Trung Quốc sản xuất vì tính an toàn của nó.

    Về vấn đề này, một số phương tiện truyền thông nước ngoài chỉ ra rằng, việc sử dụng cách tấn công đối thủ để chuyển rời sự chú ý của người dân về các vấn đề trong vắc-xin Trung Quốc là rất nguy hiểm.

    Trong những ngày gần đây, các quan chức ĐCSTQ và phương tiện truyền thông nhà nước như Hoàn Cầu Thời Báo đã liên tục chỉ trích vắc-xin Pfizer do Hoa Kỳ sản xuất và vắc-xin BioNTech của Đức là không bảo đảm an toàn. Đồng thời, họ nhấn mạnh, tại Na Uy có 23 trường hợp tử vong trong tổng số 25.000 người được tiêm chủng vắc-xin Pfizer, đây là một tỷ lệ rủi ro cao. Bên cạnh đó, Hoàn Cầu Thời Báo cũng không quên quảng cáo vắc-xin nội địa với giá cả phải chăng và tiện lợi, kêu gọi tất cả các nước nên tiêm vắc-xin Trung Quốc. Tờ báo bổ sung, thêm một sản phẩm nghĩa là thêm một lựa chọn.

    Dữ liệu mới nhất cho thấy, vắc-xin Pfizer của Mỹ đạt tỷ lệ hiệu quả là 95% trong giai đoạn cuối của thử nghiệm lâm sàng. Tuy nhiên, vắc-xin do công ty Sinovac Biotech Trung Quốc sản xuất chỉ đạt hiệu quả 50,4% trong các thử nghiệm giai đoạn cuối ở Brazil.

    Lý Đôn Hậu, một giáo sư đã nghỉ hưu tại Học viện Y tế Công cộng Harvard nói với Đài Á Châu Tự do rằng, trong trường hợp không có nghiên cứu đối chứng, thì kết luận về các ca tử vong ở Na Uy không thể chứng minh tính ưu việt của vắc-xin Trung Quốc. “Nếu vắc-xin Trung Quốc đến được với những người ở Na Uy, thì chẳng phải cũng sẽ xuất hiện vấn đề hay sao? Bởi vì việc đó chưa từng xảy ra, nên không thể so sánh được. Na Uy có hoàn cảnh đặc biệt, chớ nên cho rằng Trung Quốc đã tiêm thì sẽ không có chuyện gì”, giáo sư nói.

    Bài báo cũng chỉ ra rằng, bắt đầu từ năm 2020, người dân Trung Quốc đã liên tiếp được tiêm vắc-xin nội địa, dường như Bắc Kinh đã vượt qua vạch đích của cuộc đua vắc-xin và đang ở vị trí dẫn đầu. Tuy nhiên, do vắc-xin Trung Quốc vẫn chưa công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 và số liệu công bố về tình hình dịch bệnh của Trung Quốc không ngừng xuất hiện những mâu thuẫn trái chiều, nên khiến người dân thêm lo lắng về độ an toàn của vắc-xin Trung Quốc.

    Do đó, tờ Point De Vue cho rằng, việc chính quyền Trung Quốc “sử dụng đối thủ để đánh lạc hướng mọi người khỏi những nghi ngờ về vắc-xin của chính mình là rất nguy hiểm”.

    Mike Pence trở về quê nhà, cảm ơn cựu TT Trump

    Ông Mike Pence ngày 20/1 cảm ơn cựu TT Donald Trump và bà Melania vì những gì họ đã làm để “khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại” trong bài phát biểu sau khi trở về quê nhà ở tiểu bang Indiana.

    Ông đã nói với nhóm người ủng hộ:

    “Trở thành phó tổng thống là niềm vinh dự lớn nhất trong cuộc đời tôi. Thật tuyệt khi được trở về nhà một lần nữa … Cảm ơn mọi người đã ra chào đón tôi. Cảm ơn mọi người đã ủng hộ, cảm ơn những lời cầu nguyện của mọi người. Chúng tôi cảm nhận được chúng mỗi ngày”.

    Cũng trong bài phát biểu, cựu phó tổng thống Mike Pence nhắc lại một số thành tựu của chính quyền Donald Trump, trong đó có “số lượng kỷ lục thẩm phán tại các tòa án liên bang ở mọi cấp, gồm ba thẩm phán Tối cao Pháp viện, trong đó có nữ thẩm phán Amy Coney Barrett của tiểu bang Indiana”.

    Ông nói thêm:

    “Hãy để tôi dành chút thời gian để nói lời cảm ơn tới tổng thống Donald Trump và Melania vì tất cả những gì họ đã làm để khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại. Chúng ta sẽ luôn biết ơn cơ hội mà họ đã trao để chúng ta để được phụng sự đất nước”.

    Cựu phó tổng thống cũng gửi lời cảm ơn đến các nhân viên và gia đình của mình, đồng thời chúc mừng chính quyền mới. Ông Pence đã tham dự lễ nhậm chức của Joe Biden trước khi lên máy bay trở về quê nhà.


    Võ Thái Hà tóm lược

    Không có nhận xét nào