Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Thứ sáu 29 tháng 1 năm 2021


    Võ Thái Hà tóm lược

    Liên minh 6 tiểu bang Mỹ tuyên bố đang chờ kiện chính quyền ông Biden

    Fox News đưa tin, một liên minh gồm 6 tiểu bang màu đỏ với sự dẫn đầu của West Virginia đã gửi một lá thư tới chính quyền Biden vào hôm thứ Tư, cho biết rằng họ đang theo dõi chặt chẽ hành động của chính quyền và sẵn sàng khởi kiện nếu vị tổng thống mới thực hiện bất cứ điều gì vi phạm các quyền cá nhân cũng như vi phạm luật liên bang hoặc Hiến pháp.

    Nhóm liên minh các tiểu bang Đảng Cộng hòa này được dẫn đầu bởi Tổng Chưởng lý West Virginia Patrick Morrisey, và các Tổng chưởng lý các tiểu bang Alaska, Arkansas, Indiana, Mississippi, Montana và Texas.

    Theo Fox News, trong bốn năm của chính quyền Trump, các bang màu xanh đã “làm ngập” chính quyền Trump với vô số các vụ kiện tụng. Bộ trưởng Tư pháp bang California, Xavier Becerra, người này hiện là ứng cử viên của ông Biden cho chức Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, đã nộp hơn 100 đơn kiện chống lại chính quyền Tổng thống Trump.

    Bức thư của liên minh các tiểu bang màu đỏ cảnh báo chính quyền Biden rằng đã sẵn sàng theo đuổi hành động pháp lý nếu họ tin rằng chính phủ liên bang đang vi phạm các quyền được quy định trong hiến pháp, vượt quá giới hạn quyền hạn, hoặc ông Biden đang nắm giữ quá nhiều quyền lực cho riêng ông, hoặc hệ thống quản lý hành chính không được kiểm soát.

    Cộng đồng quốc tế cảnh báo Miến Điện trước nguy cơ đảo chính

    Mười bảy đại sứ các nước trong đó có Hoa Kỳ, Anh, Liên Hiệp Châu Âu cùng với tổng thư ký Liên Hiệp Quốc hôm nay 29/01/2021 khuyến khích Miến Điện nên « gắn bó với các tiêu chí dân chủ », trước nguy cơ quân đội đảo chính.

    Đại sứ Hoa Kỳ cùng với đồng nhiệm 16 nước hôm nay ra tuyên bố kêu gọi quân đội « gắn bó với các giá trị dân chủ ». Tuyên bố cho biết các nước chờ đợi việc triệu tập Quốc Hội vào ngày 01/02 để bầu lên tổng thống, chủ tịch lưỡng viện, đồng thời phản đối mọi mưu toan thay đổi kết quả bầu cử.

    Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cũng bày tỏ « mối quan ngại lớn lao » trước tình hình hiện nay ở Miến Điện. Ông cổ vũ các nhân tố tránh mọi dạng khiêu khích, và chứng tỏ tinh thần trách nhiệm.

    Cộng đồng quốc tế đã có phản ứng lo ngại bởi vì từ nhiều tuần qua, quân đội - vốn có quyền lực rất lớn - liên tục tố cáo cuộc tổng tuyển cử tháng 11/2020 có nhiều trường hợp gian lận. Trong cuộc bỏ phiếu này, đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi thắng lớn. Phía quân đội đòi kiểm tra danh sách cử tri, và phát ngôn viên quân đội không loại trừ việc các tướng lãnh nắm lại quyền lãnh đạo trước cuộc « khủng hoảng chính trị ».

    Lo ngại càng tăng lên khi hôm thứ Tư 27/01 tổng tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing tuyên bố Hiến Pháp có thể « bị hủy » trong một số tình huống.

    Đài Loan tăng trưởng nhanh hơn Trung Quốc trong năm 2020

    Lần đầu tiên sau ba thập niên, kinh tế Đài Loan có thể tăng trưởng nhanh hơn Trung Quốc trong năm 2020, theo dữ liệu được công bố hôm nay. Khoảng cách khá nhỏ: dự báo ở mức 2,6% đối với Đài Loan và 2,3% đối với nước láng giềng khổng lồ. Nhưng nó sẽ làm nổi bật cách xử lý covid-19 khéo léo của chính phủ. Từ trước khi những nước khác gióng hồi chuông cảnh báo, Đài Loan đã bắt đầu sàng lọc du khách đến từ Vũ Hán vào cuối năm 2019.

    Nhờ truy vết tiếp xúc cẩn thận, cuộc sống ở hòn đảo này đã ít nhiều diễn ra bình thường. Điều đó đã cho phép các nhà sản xuất chạy hết tốc lực để đáp ứng nhu cầu toàn cầu dành cho các sản phẩm công nghệ cao của họ, đặc biệt là chất bán dẫn. Đài Loan cũng được hưởng lợi từ căng thẳng Trung-Mỹ, với nhiều công ty Đài Loan chuyển một số hoạt động tại Trung Quốc của họ về nước. Đài Loan vẫn phải đối mặt với những thách thức lớn, từ dân số già đến nguy cơ bị Trung Quốc tấn công. Nhưng họ đã có thể tự tin hơn vào khả năng của mình sau thời kỳ đại dịch.

    Chương trình trợ cấp của Thái Lan bắt đầu nhận đơn đăng ký

    Đăng ký tham gia chương trình trợ cấp cho 31 triệu người Thái – gần một nửa dân số – sẽ được mở hôm nay. Nằm trong số những nền kinh tế mở nhất ở châu Á, kinh tế Thái Lan thiệt hại lớn vì đại dịch. Theo chương trình Rao Chana (“Chúng ta cùng thắng”), những công dân đủ điều kiện kiếm được dưới 300.000 baht (10.000 đô la) — hầu hết là lao động phi chính thức — sẽ được chuyển hai lần khoản tiền hàng tháng 3.500 baht vào ví điện tử di động của họ. Người nhận phải chi khoản tiền này vào đi lại và các mặt hàng thiết yếu trước ngày 31 tháng 5.

    Trợ cấp sẽ giúp xoa dịu phần nào khó khăn, nhưng nó không hạn chế được tình trạng thất nghiệp và khủng hoảng nợ hộ gia đình của đất nước. Các hộ gia đình Thái thuộc nhóm mắc nợ nhiều nhất châu Á. Thái Lan đã xử lý tốt đại dịch, với chỉ 16.000 ca nhiễm và 76 ca tử vong liên quan đến covid. Hầu hết các hạn chế phong tỏa trong nước đã được dỡ bỏ. Nhưng điều mà nước này thực sự cần là có thể mở cửa lại biên giới hoàn toàn – kinh tế của họ phụ thuộc nhiều vào du lịch và thương mại. Điều đó khó có thể xảy ra cho đến năm 2022.

    EU gặp nhiều khó khăn khi triển khai vắc-xin

    Hôm nay, Cơ quan Dược phẩm Châu Âu, bên quản lý thuốc của EU, sẽ nhóm họp để quyết định xem có nên cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vắc-xin covid-19 của AstraZeneca hay không. Khối này đã bị chỉ trích rộng rãi vì khởi đầu chậm chạp của chương trình tiêm chủng. Cho đến nay, họ đã tiêm được 2 liều trên mỗi 100 người, so với gần 11 ở Anh và 7 ở Mỹ. Song các nước châu Âu phải đối mặt với một rào cản khác.

    Cả AstraZeneca và Pfizer đều ghi nhận các vấn đề về sản xuất. EU đã đặt hàng 300 triệu liều AstraZeneca, trong đó có 100 triệu liều được hứa hẹn cho tháng 3. Nhưng dường như chỉ chưa đầy một nửa trong số này là sẽ được giao đúng hạn. Các nhà lãnh đạo châu Âu đang mât kiên nhẫn. Một số đang đe dọa hành động pháp lý đối với các nhà sản xuất vắc-xin. Những người khác đang yêu cầu ngăn xuất khẩu thuốc được sản xuất tại các cơ sở ở EU sang các nước ngoài EU. EU đặt mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 70% người lớn vào mùa hè này. Mục tiêu này đang ngày càng xa vời hơn.

    Sàn Giao dịch Chứng khoán London mua Refinitiv

    London có một tập đoàn tài chính mới. Hôm nay, London Stock Exchange Group (LSE) mua Refinitiv, một nhà cung cấp dữ liệu tài chính, chủ yếu từ một nhóm các quỹ đầu tư tư nhân. Thương vụ này rất tốn kém, lâu dài và phức tạp. Được công bố lần đầu vào tháng 8 năm 2019, thỏa thuận này có giá 27 tỷ đô la. Sau đó, LSE đã phải bán Borsa Italiana, một tập đoàn của Ý quản lý sàn giao dịch duy nhất của nước này, để đáp ứng những lo ngại của các nhà quản lý châu Âu về sức mạnh thị trường mà pháp nhân kết hợp sẽ tạo ra trên thị trường trái phiếu của lục địa.

    Dù vậy, thương vụ Refinitiv sẽ tạo ra một siêu cường dữ liệu tài chính lớn nhất châu Âu, liên kết sàn giao dịch của LSE, nơi có tổng giá trị cổ phiếu niêm yết hơn 3 nghìn tỷ bảng Anh (4 nghìn tỷ USD) và các thiết bị dữ liệu đầu cuối của Refinitiv, xếp thứ hai trên thị trường sau Bloomberg. Vụ mua lại là một phần trong chiến lược của sàn giao dịch chứng khoán này nhằm chuyển hướng sang các dịch vụ dữ liệu, vốn ổn định và có tỷ suất lợi nhuận cao hơn so với hoạt động kinh doanh lõi của LSE.

    Người Ba Lan biểu tình phản đối luật hạn chế phá thai

    Phụ nữ trên khắp Ba Lan tuần này xuống đường biểu tình để phản đối các hạn chế tiếp cận phá thai. Hôm thứ Tư, chính phủ thông qua một phán quyết của tòa án từ tháng 10, theo đó coi phá thai trong những trường hợp thai nhi dị tật nghiêm trọng, vốn chiếm tới 98% các vụ phá thai ở Ba Lan, là vi hiến. Nước này có một số luật phá thai khắt khe nhất ở châu Âu, và các bác sĩ thường từ chối thực hiện phá thai hợp pháp vì lý do tôn giáo.

    Các chính trị gia thuộc Đảng Công lý và Pháp luật cầm quyền từ lâu đã kêu gọi các quy định chặt chẽ hơn về phá thai, với sự hậu thuẫn của Giáo hội Công giáo. Giờ đây, phá thai sẽ chỉ được phép nếu tính mạng của người mẹ gặp nguy hiểm hoặc trong các trường hợp hiếp dâm và loạn luân. Phán quyết hồi tháng 10 đã châm ngòi cho một số cuộc biểu tình lớn nhất ở Ba Lan kể từ năm 1989, khiến chính phủ phải trì hoãn việc thực thi. Nhiều cuộc biểu tình hơn đang được lên kế hoạch cho những ngày tới, nhưng quyết định đã được thông qua.

    Anh cấp visa đặc biệt cho người Hong Kong, Bắc Kinh nói giấy tờ vô giá trị

    Bắc Kinh tuyên bố không công nhận giá trị pháp lý của những người Hong Kong có hộ chiếu hải ngoại Anh (gọi tắt là BNO).

    Bước đi nhằm trả đũa việc chính phủ Anh nói sẽ có loại visa mới này, có hiệu lực từ Chủ Nhật 31/1.

    Khoảng 300.000 người dự tính sẽ rời Hong Kong sang Anh sống theo một loại visa mới có hiệu lực từ Chủ Nhật 31/1.

    Những người Hong Kong có hộ chiếu hải ngoại Anh (gọi tắt là BNO) và thân nhân phụ thuộc của họ sẽ có thể nộp đơn xin visa mới qua ứng dụng điện thoại smartphone.

    Hơn 7000 người Hong Kong đã được phép định cư ở Anh từ tháng 7/2020, Bộ Nội vụ Anh cho hay.

    Nhưng chính phủ Trung Quốc ra tuyên bố họ không công nhận vì Hong Kong đã trả về cho Trung Quốc.

    Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói từ 31/1, nước này sẽ không công nhận hộ chiếu BNO như một giấy tờ thông hành.

    Những người xin visa thành công có thể xin định cư sau 5 năm và sau đó xin làm công dân Anh từ năm thứ 6.

    Mặc dù có 2,9 triệu công dân Hong Kong đủ tiêu chuẩn để chuyển sang Anh, với chừng 2,3 triệu người thân nhân phụ thuộc, chính phủ Anh ước tính sẽ có khoảng 300.000 người tận dụng chương trình này trong 5 năm đầu.

    Trung Quốc dự kiến tiêm chủng cho 1,1 tỷ dân trong 2 năm

    Tình hình dịch bệnh viêm phổi ở Vũ Hán ở Trung Quốc ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Để ngăn chặn virus, chính quyền Trung Quốc dự định tiêm vắc-xin cho 80% dân số bất chấp những lo ngại về độ an toàn của vắc-xin trong nước, theo Vision Times.

    Cụ thể, ngoài việc ký kết các thỏa thuận mua bán với ít nhất 24 quốc gia (hầu hết là các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình), các công ty vắc-xin Trung Quốc còn “tự hào” hơn khi tặng vắc-xin viêm phổi Vũ Hán cho nhiều quốc gia khác. Ví như, họ đã hứa sẽ cung cấp cho Pakistan lô hàng đầu tiên gồm 500.000 liều vắc-xin miễn phí vào cuối tháng 1 và 1 triệu liều vắc-xin khác vào cuối tháng 2 năm nay.

    Đối với châu Âu, công ty Kexing Bắc Kinh ban đầu hứa với Thổ Nhĩ Kỳ rằng, họ sẽ vận chuyển 10 triệu liều vắc-xin tới nước này vào tháng 12/2020. Tuy nhiên, đầu tháng Giêng năm nay, Thổ Nhĩ Kỳ mới chỉ nhận được 3 triệu liều vắc-xin của Trung Quốc. Ngoài ra, công ty Sinopharm cũng đã gửi 1 triệu liều vắc-xin đến Serbia vào ngày 16/1. Hungary cũng đã mua 1 triệu liều vắc-xin từ Trung Quốc.

    Trước khi ông Vương Nghị đến thăm 4 nước Đông Nam Á trước đó, Philippines cũng đã mua 25 triệu liều vắc-xin từ Trung Quốc và Indonesia đã mua 125 triệu liều vắc-xin của công ty Kexing Bắc Kinh.

    Theo Apple Daily, Ai Cập và Maroc cũng đã đặt hàng vắc-xin từ Trung Quốc.

    Báo cáo cho biết, so với việc tích cực xuất khẩu vắc-xin ra nước ngoài, tỷ lệ dân số được tiêm chủng ở các tỉnh và thành phố của Trung Quốc nhìn chung còn thấp. Ví dụ như ở Bắc Kinh, với dân số 21 triệu người, chỉ khoảng 1,7 triệu người đã được tiêm phòng, chiếm 8% dân số. Thượng Hải với dân số khoảng 24 triệu người, chỉ có khoảng 820.000 người đã được tiêm phòng, chiếm 3,4%. Tại Giang Tô, chỉ hơn 310.000 người trong số 80 triệu dân đã được tiêm chủng, chiếm 0,4%.

    Không có nhận xét nào