Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Thứ tư 27 tháng 1 năm 2021

    Ông Mike Pompeo gia nhập Viện Hudson, dọn đường tranh cử tổng thống năm 2024?
    Điểm tin thế giới ngày Thứ tư 27 tháng 1 năm 2021

    Theo Axios đưa tin hôm 27/1, cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ gia nhập Viện Hudson. Động thái này được trang Axios đánh giá có thể là bước đi dọn đường cho chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2024 và đảm bảo mối liên hệ với Đảng Cộng hòa.

    Trang Axios nhận định việc cựu Ngoại trưởng Pompeo đầu quân cho một viện nghiên cứu tên tuổi như Viện Hudson là một động thái dọn đường. “Điều này sẽ cho phép ông Pompeo tham gia tích cực các cuộc thảo luận chính sách, thậm chí có thể là chuẩn bị cho việc tranh cử tổng thống năm 2024”.

    “Tôi rất vui mừng khi gia nhập Viện Hudson và trông chờ được đóng góp sức mình vào sứ mệnh thúc đẩy sự lãnh đạo và can dự của Mỹ trên toàn cầu”, ông Pompeo nhấn mạnh trong một tuyên bố.

    Trước đó, hôm 21/1, một ngày sau khi ông Joe Biden nhậm chức Tổng thống, ông Pompeo đăng Twitter với nội dung đầy ẩn ý: “1.384 ngày”, bởi thời gian trùng khớp với bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024, nó cũng làm dấy lên nhiều đồn đoán của cư dân mạng.

    Viện Hudson tự nhận là một diễn đàn nơi các thành viên lưỡng đảng có thể trao đổi quan điểm, dù vậy nó vẫn được cho là gắn kết với đảng Cộng hòa nhiều hơn.

    Gần 70 nghị sĩ thuộc các nước G7 kêu gọi chính phủ đoàn kết chống lại ĐCS Trung Quốc

    Vào ngày 25/1, lần đầu tiên 69 nghị sĩ đến từ các nước G7 cùng ký vào một bức thư chung, kêu gọi chính phủ các nước G7 lập kế hoạch để cùng chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

    Những người đề xuất sáng kiến bức thư chung này bao gồm: Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại Đức Norbert Röttgen và Dân biểu của Đảng Cộng hòa Mỹ Anthony Gonzalez. Các đại diện của Đức tham gia ký vào bức thư chung gồm Liên minh Dân chủ Kitô giáo Đức (CDU)/Liên minh Xã hội Kitô giáo Bayern (CSU), Đảng Dân chủ Xã hội, Đảng Dân chủ Tự do, Đảng Xanh, và thành viên của Nghị viện châu Âu.

    Vào ngày 25/1, ông Röttgen đã công khai đăng tải một bức thư cùng danh sách những người đã ký tên vào bức thư chung đến từ các nước G7 và và Nghị viện châu Âu trên Twitter. Bức thư viết: “Những gì Trung Quốc (ĐCSTQ) đã và đang làm có ảnh hưởng chưa từng có đến nền chính trị toàn cầu và xã hội của chúng ta, các nước G7 phải bảo vệ nguyên tắc dân chủ - niềm tin chung của chúng ta".

    Trong thư cũng liệt kê 5 lĩnh vực lớn mà các nước G7 cần chủ động để chống lại ĐCSTQ, bao gồm cải cách tổ chức quốc tế, tiêu chuẩn khoa học và công nghệ, nhân quyền, tình thế căng thẳng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và việc hợp tác trong cuộc khủng hoảng của dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán.

    Đây là lần đầu tiên các nghị sĩ của các nước G7 cùng gửi thư chung, kêu gọi các chính phủ chống lại ĐCSTQ. G7 là một tổ chức quốc tế gồm 7 nước có nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới, bao gồm: Hoa Kỳ, Anh, Canada, Pháp, Đức, Italia và Nhật Bản.

    Miến Điện : Quân đội tố cáo gian lận bầu cử, không loại trừ khả năng đảo chính

    Ngày 26/01/2021, Quân đội Miến Điện dọa không loại trừ khả năng đảo chính nếu không được phép kiểm tra lại kết quả bầu cử Quốc Hội. Theo phía quân đội, cuộc bầu cử vào tháng 11/2020 « không tự do và không công bằng ».

    Trong một cuộc họp báo, được AFP trích dẫn, thiếu tướng Zaw Min Tun, người phát ngôn của Quân đội Miến Điện, khẳng định có ít nhất 8,6 triệu trường hợp gian lận, trong đó có hàng chục nghìn cử tri trăm tuổi hoặc trẻ vị thành niên.

    Khi được hỏi về khả năng đảo chính, thiếu tướng Zaw Min Tun úp mở về việc « quân đội sẽ nắm quyền », đồng thời nhấn mạnh đến vai trò của lực lượng vũ trang là « bảo vệ Hiến Pháp trước các tổ chức, nước ngoài hay quốc tế, không tôn trọng Hiến Pháp » của Miến Điện.

    Phía Quân đội tiếp tục tố cáo gian lận bầu cử, kèm theo đe dọa đảo chính, trong bối cảnh Quốc Hội, nơi đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi chiếm 396 trên tổng số 476 ghế, đã từ chối triệu tập một phiên họp bất thường để bàn về những cáo buộc được phía Quân đội đưa ra trước đó một tháng.

    Quân đội vẫn giữ ba bộ quan trọng, Quốc Phòng, Nội Vụ, Biên giới, trong chính phủ Miến Điện. Theo ông Myo Nyunt, phát ngôn viên của đảng NLD cầm quyền, khi đưa ra các cáo buộc trên, quân đội « muốn cho thấy vẫn giữ vai trò trên tuyến đầu » tại Miến Điện.

    TT Biden lập ‘kỷ lục’ ký 33 sắc lệnh trong một tuần.

    Tân tổng thống Joe Biden đã lập nên “kỷ lục” khi ký 33 sắc lệnh chỉ trong một tuần. Trong đó có 12 sắc lệnh trực tiếp đảo ngược các chính sách cốt lõi của Tổng thống Trump.

    CNN đưa tin, ông Biden đã “ban hành [tổng cộng] 33 lệnh hành pháp, hành động, tuyên bố, ghi nhớ và chỉ thị cơ quan” trong vòng 6 ngày đầu tiên nhậm chức.

    Như vậy, cho đến nay, ông Biden đã ký số sắc lệnh nhiều hơn so với bốn tổng thống trước đó gộp lại. Trong những tuần đầu tiên nhậm chức, ông Trump đã ký 4 sắc lệnh, ông Obama ký 5 sắc lệnh, ông George W. Bush không ký sắc lệnh nào, và ông Bill Clinton ký một sắc lệnh.

    Tờ Infowar đã tổng hợp một số sắc lệnh chính của ông Biden:

    Tái gia nhập và tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)

    Tái gia nhập Hiệp định chống biến đổi khí hậu Paris

    Thu hồi giấy phép của đường ống dẫn dầu Keystone XL, tạm dừng cấp phép khoan dầu khí và cho thuê đất liên bang mới trong vòng 60 ngày

    Cho phép người chuyển giới tham gia quân đội

    Gia hạn tạm dừng trục xuất và tịch thu nhà

    Đóng băng các khoản nợ sinh viên

    Dừng xây tường biên giới

    Khởi động một sáng kiến ​​để thúc đẩy bình đẳng chủng tộc, chấm dứt Ủy ban 1776 thúc đẩy giáo dục yêu nước của ông Trump

    Thu hồi sắc lệnh loại trừ những người nhập cư bất hợp pháp khỏi các cuộc điều tra dân số của TT Trump

    Yêu cầu đeo khẩu trang/ duy trì gián cách trên các cơ sở liên bang

    Yêu cầu đeo khẩu trang tại sân bay và các phương tiện giao thông khác

    Chấm dứt lệnh cấm đi lại đối với một số quốc gia theo đạo Hồi

    Ngăn chặn sự phân biệt đối xử tại nơi làm việc dựa trên khuynh hướng tình dục hoặc bản dạng giới

    Thượng nghị sĩ chủ trì luận tội ông Trump phải nhập viện


    Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Patrick Leahy, người dự kiến sẽ chủ trì phiên tòa luận tội cựu Tổng thống Trump vào tháng Hai tới, vừa phải nhập viện vào hôm 26/1 vì lí do sức khỏe.

    Thượng nghị sĩ Patrick Leahy năm nay 80 tuổi, là nhà lập pháp cao tuổi nhất ở Thượng viện nói riêng và tại Quốc hội Mỹ nói chung. Ông mới được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Thượng viện lâm thời, đảm trách việc giám sát các hoạt động của cơ quan lập pháp này khi Phó Tổng thống Kamala Harris vắng mặt, trang Walls Street Journal thông tin.

    “Buổi tối, Thượng nghị sĩ Leahy đang ở trong văn phòng của ông trên Đồi Capitol thì cảm thấy không khỏe. Ông đã được bác sĩ trực tại Tòa nhà Quốc hội thă khám. Để tránh các rủi ro, bác sĩ trực đề xuất ông Leahy nên nhập viện để theo dõi”, phát ngôn viên của ông Leahy thông tin.

    Walls Street Journal dẫn lời một trợ lý của ông Leahy cho biết thêm, chủ tịch Thượng viện tạm quyền đã rời khỏi Bệnh viện Đại học George Washington vài giờ sau khi được khám bệnh. Hiện vẫn chưa rõ ông Leahy có quay trở lại làm việc ngay hay không.

    Hôm 25/1, Leahy xác nhận rằng ông sẽ chủ trì phiên tòa luận tội ông Trump tại Thượng viện vào ngày 8/2 với cáo buộc “kích động loạn”.

    Theo hiến pháp, phiên tòa luận tội cựu Tổng thống Trump phải do Chánh án Tối cao Pháp viện John Roberts chủ trì, tuy nhiên, vì ông Trump đã hết nhiệm kỳ, nên ông Roberts khước từ trách nhiệm đối với phiên tòa bị lên án này.

    Indonesia bắt giữ tàu Trung Quốc và Iran vì nghi ngờ chở dầu lậu

    Mới đây, cảnh sát biển Indonesia đã bắt giữ hai tàu siêu cấp chở dầu của Trung Quốc và Iran với cáo buộc chuyển dầu bất hợp pháp trong vùng biển của nước này, Reuters đưa tin.

    Hôm Chủ nhật (24/1), lực lượng cảnh sát biển Indonesia đã bắt giữ các tàu chở dầu hiệu MT Horse mang cờ của Iran và tàu chở dầu hiệu Freya mang cờ Panama tại vùng biển gần tỉnh Tây Kalimantan và đưa chúng đến đảo Batam thuộc quần đảo Riau để điều tra. Các tàu chở dầu này đến bến trong khoảng từ 3 giờ chiều đến 4 giờ chiều (0600GMT).

    Phát ngôn viên cảnh sát biển – Wisnu Pramadita nói rằng, các tàu “bị bắt quả tang” khi chuyển dầu từ MT Horse sang MT Freya. Lực lượng cảnh sát biển tố cáo hai tàu chở dầu này đã cố gắng che giấu danh tính, không treo cờ quốc gia, tắt hệ thống nhận dạng tàu, đậu trái phép và không trả lời các cuộc gọi vô tuyến.

    Theo Reuters, 61 thuyền viên của cả hai tàu đã bị bắt giữ, những người trên tàu chủ yếu là công dân Trung Quốc và Iran. Cảnh sát biển Pramadita cho biết thêm, việc bắt giữ tàu và nhân viên không liên quan đến các lệnh trừng phạt của Mỹ.

    NATO họp các lãnh đạo quân sự1

    Các lãnh đạo quân sự NATO hôm nay sẽ dự cuộc họp đầu tiên trong năm tại Brussels. Ủy ban Quân sự, do cựu tổng tham mưu trưởng quân đội Anh làm chủ tịch, sẽ thảo luận về các chiến dịch đang diễn ra và những thách thức trong tương lai. Vấn đề cấp bách nhất là Afghanistan, nơi NATO đang dẫn đầu một phái đoàn cố vấn gồm 12.000 quân từ 38 quốc gia đồng minh và đối tác. Tổng thống Joe Biden đang xem xét lại một thỏa thuận hòa bình do người tiền nhiệm của ông ký với Taliban, theo đó giảm quân số của Mỹ xuống chỉ còn 2.500 người – thấp nhất trong 20 năm.

    Các nhiệm vụ khác bao gồm nhiệm vụ huấn luyện ở Baghdad và lực lượng gìn giữ hòa bình ở Kosovo. Chương trình nghị sự cũng sẽ bao gồm tương lai của chiến tranh. Trong năm qua, NATO đã phát triển một chiến lược quân sự mới và một “khái niệm chiến tranh” nhằm thích ứng với sự thay đổi công nghệ và các mối đe dọa mới. Đáng mừng cho liên minh, các dòng tweet từ Tổng thống Mỹ không còn là một mối đe dọa nữa.

    Quốc hội Philippines xem xét sửa hiến pháp, cơ hội nào cho Duterte?


    Hôm nay Thượng viện Philippines sẽ xem xét các đề xuất thay đổi hiến pháp từ hạ viện. Hạ viện đang tranh luận về việc loại bỏ các yếu tố ngăn cản đầu tư nước ngoài. Nhưng một khi Quốc hội có được thẩm quyền sửa đổi hiến pháp, thì sẽ khó có thể ngăn nó tiến hành những thay đổi đáng ngại hơn, chẳng hạn như sửa đổi các quy tắc vốn được thiết kế đặc biệt để ngăn tổng thống bấu víu quyền lực và trở thành một nhà độc tài, như Ferdinand Marcos đã làm trong thế kỷ trước.

    Điều lo ngại là Quốc hội có thể đề nghị để ông Rodrigo Duterte tiếp tục tại vị sau khi nhiệm kỳ được phép duy nhất của ông kết thúc vào năm 2022. Hiện những người ủng hộ ông Duterte kiểm soát cả hai viện, nhưng Thượng viện vẫn có khả năng ngăn cản mọi tham vọng thái quá. Nhiều thượng nghị sĩ muốn ra tranh cử tổng thống trong năm tới. Nền tảng ủng hộ ông Duterte ở thượng viện có thể lung lay nếu các nghị sĩ cho rằng ông muốn giành mất cơ hội lên thay thế ông của người khác trong cuộc bầu cử tiếp theo.

    Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục mua S-400

    Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không để các lệnh trừng phạt của Mỹ cản trở công việc với Nga. Recep Tayyip Erdogan gần đây cho biết các quan chức của ông sẽ thảo luận về việc mua lô hệ thống phòng không S-400 thứ hai từ Nga vào cuối tháng này. Mỹ đã đáp trả lần mua đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ bằng các lệnh trừng phạt lên cơ quan mua sắm quốc phòng của họ, dù trễ ba năm sau thương vụ. Mỹ cũng gạch tên nước đồng minh NATO khỏi chương trình hợp tác phát triển máy bay chiến đấu F-35.

    Một thỏa thuận mới có thể gây ra nhiều rắc rối hơn. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã cảnh báo về các biện pháp trừng phạt bổ sung. Mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga có thể đã bị ảnh hưởng bởi các cuộc chiến ở Libya, Syria và Nagorno-Karabakh, nhưng ông Erdogan có vẻ muốn giữ ấm nó. Ông xem mình là một nhà đấu tranh cho những người bị áp bức, nhưng ông không nói gì về cuộc đàn áp người biểu tình ở Nga, hay vụ đầu độc và bắt giữ Alexei Navalny, một nhà lãnh đạo đối lập.

    Pháp có thể lại phong tỏa


    Hôm nay, người Pháp sẽ được biết liệu nước họ có đang tiến vào đợt phong tỏa covid-19 lần ba hay không. Tổng thống Emmanuel Macron sẽ tổ chức một cuộc họp hội đồng y tế-quốc phòng để quyết định xem có nên thắt chặt các hạn chế. Sau khi phong tỏa đợt hai kết thúc vào ngày 15 tháng 12, ông đã áp dụng lệnh giới nghiêm. Song số ca nhiễm mới hàng ngày vẫn đang giữ ở mức trung bình bảy ngày là khoảng 20.000 ca. Các biến thể mới, từ Anh và Nam Phi, cũng đang bắt đầu lây lan.

    Có thể ông Macron sẽ đợi thêm một tuần trước khi cho phong tỏa trở lại. Sự không chắc chắn đó đến đúng vào lúc công chúng đang ngày càng mất kiên nhẫn trước tiến độ triển khai vắc-xin chậm chạp của chính phủ. Mặc dù đã nhanh hơn, nhưng khởi đầu chậm khiến Pháp chỉ mới tiêm được 1,1 triệu liều, ít hơn so với Đức, Ý hoặc Tây Ban Nha – và thua xa Anh. Sự thiếu hụt vắc-xin dường như khiến người Pháp sốt ruột hơn. Hồi tháng 12, chỉ 42% nói họ muốn được tiêm vắc-xin; con số đó đã tăng lên thành 56%.

    Một năm đáng quên của Boeing

    Hai cuộc khủng hoảng đã khiến năm 2020 trở thành năm tồi tệ nhất của Boeing trong gần bốn thập niên qua trong việc giao máy bay mới. Hai vụ tai nạn chết người ở Ethiopia và Indonesia của chiếc 737 MAX khiến dòng máy bay này phải ngừng bay trên toàn thế giới từ tháng 3 năm 2019 cho đến tháng 11 năm 2020. Nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không suy giảm trong đại dịch cũng khiến nhiều hãng hàng không gặp khó khăn phải hủy đơn hàng. Tất cả những điều này khiến số lượng giao máy bay mới của Boeing giảm xuống chỉ còn 157 chiếc, chưa bằng 1/5 so với kỷ lục 806 chiếc chỉ hai năm trước đó.

    Thiệt hại tài chính nặng nề đến đâu sẽ được tiết lộ trong kết quả kinh doanh cả năm công bố hôm nay. Có thể đoán Boeing sẽ xoáy vào tin dòng 737 MAX đang được các cơ quan quản lý hàng không trên thế giới tái cấp phép. Nhưng công ty phải tiếp tục xây dựng lại uy tín của mình sau một vụ tai nạn chết người khác ở Indonesia vào đầu tháng này, lần này là một mẫu cũ hơn. Các nhà đầu tư không mặn mà: kể từ khi 737 MAX bị cấm bay, cổ phiếu Boeing đã mất gần một nửa giá trị.

    Cựu Giám đốc Tình báo: ‘Chính sách khoan nhượng’ Bắc Kinh của Biden đi chệch thực tế


    Trang web của Tòa Bạch Ốc hôm thứ Hai (25/1) tuyên bố Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang đặt ra một thách thức rõ ràng đối với Mỹ, và chính quyền TT Biden đang tìm kiếm một “sự nhẫn nại mang tính chiến lược” để phản hồi. Về điểm này, John Ratcliffe, cựu giám đốc tình báo quốc gia, đã phản bác lại rằng các cơ quan tình báo không hề kiến nghị Mỹ áp dụng một chính sách nhẫn nại với ĐCSTQ như vậy, mà cần đáp trả một cách mạnh mẽ. Ông Ratcliffe cũng nhấn mạnh rằng không có cơ sở nào cho “chính sách xoa dịu” trong việc tiếp cận Trung Quốc, theo Epoch Times.

    Người phát ngôn Tòa Bạch Ốc Jen Psaki hôm thứ Hai (25/1) cho biết, Mỹ và Trung Quốc đang ở trong trạng thái đối đầu gay gắt. Bắc Kinh rõ ràng đang đe dọa an ninh, thịnh vượng và các giá trị sống của Hoa Kỳ. Điều này đòi hỏi Hoa Kỳ phải áp dụng các biện pháp mới, và Tổng thống Biden sẽ áp dụng phương thức “nhẫn nại” trong việc xử lý vấn đề này.

    “Chúng tôi dự định viện đến sự nhẫn nại mang tính chiến lược để xử lý vấn đề này”, bà Psaki nói, đồng thời cho biết thêm rằng Tòa Bạch Ốc sẽ thảo luận với lưỡng đảng trong Quốc hội, các đồng minh và đối tác quốc tế về vấn đề này.

    Bà Psaki cũng tuyên bố rằng Tổng thống Biden sẽ “áp dụng một phương thức đa phương để tiếp cận Trung Quốc (ĐCSTQ)”.

    Khi được hỏi về liệu TT Biden có giữ nguyên mức thuế quan trị giá hàng trăm tỷ USD được cựu Tổng thống Trump áp đặt lên hàng hóa Trung Quốc hay không, bà Psaki cho biết ông Biden sẽ đang xem xét và chưa có quyết định.

     


    Võ Thái Hà tóm lược
     

    Không có nhận xét nào