Header Ads

  • Breaking News

    Nhiều Dân biểu Quốc hội Châu Âu yêu cầu có biện pháp mạnh với Việt Nam vì vấn đề nhân quyền

    Sau một khoáng đại sôi nổi nhưng hào hứng tại Quốc hội Châu Âu ở thủ đô Brussels, Vương quốc Bỉ, Nghị quyết về nhân quyền cho Việt Nam đã được thông qua vào lúc 4 giờ 30 chiều ngày 21 tháng 1 vừa qua. Hầu hết các Dân biểu đại diện các quốc gia Tây Âu, Bắc Âu, Đông Âu đều lên tiếng phát biểu. Sự nô nức tham gia phát biểu cho thấy họ theo dõi và am hiểu tình trạng nhân quyền tồi tệ tại Việt Nam, đặc biệt giới Đông Âu nắm vững ý thức hệ Cộng sản qua sự phân tích và phê phán của họ. Vì đại dịch COVID-19 nên một số Dân biểu không thể trực tiếp có mặt nhưng vẫn tham dự qua video viễn liên.

    Nhiều Dân biểu Quốc hội Châu Âu yêu cầu có biện pháp mạnh với Việt Nam vì vấn đề nhân quyền

    So với các khoáng đại thảo luận vấn đề Việt Nam trước đây, khoáng đại này rất quyết liệt, vì cảm thức bị xúc phạm trước sự bội ước của Hà Nội khi hứa hẹn hão trên bình diện nhân quyền và các tự do cơ bản để kết thúc Hiệp định EVFTA. Đến khi ký xong thì Hà Nội đã phủi tay đàn áp nhân quyền. Nhiều Dân biểu đặt thẳng yêu sách Liên Âu đình chỉ Hiệp định Thương mại Tự do Liên Âu-Việt Nam (EVFTA) hoặc dựng lại hàng rào quan thuế đối với Việt Nam mà hiệp định đã huỷ.

    Nghị Quyết Quốc hội Hội Châu Âu bao gồm 15 nhận định và 23 yêu sách gói trọn mọi vi phạm nhân quyền đang xảy ra. Nghị quyết nhận định Việt Nam là “quốc gia giam giữ các tù nhân chính trị đông nhất tại Đông Nam Á”, và“lên án các cuộc đàn áp gia tăng giới bất đồng chính kiến cùng những vi phạm nhân quyền tại Việt Nam, kể cả việc kết án, đe doạ chính trị, theo dõi, sách nhiễu, tấn công, xét xử bất minh và tống khứ các nhà hoạt động chính trị, nhà báo, bloggers, nhà bất đồng chính kiến và hoạt động nhân quyền ra nước ngoài vì họ hành xử tự do ngôn luận, rõ ràng là Việt Nam vi phạm các nghĩa vụ quốc tế”.

    Nghị quyết quan tâm đặc biệt đến việc bắt giữ tuỳ tiện và kết án ba nhà báo Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thuỵ và Lê Hữu Minh Tuấn, sáng lập và thành viên Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, yêu sách trả tự do tức khắc và vô điều kiện cho họ cũng như cho các tù nhân chính trị, nhà hoạt động nhân quyền, môi sinh, công đoàn, vì họ hành xử quyền tự do ngôn luận, và bãi truất các án dành cho họ”.

    Kết luận, Nghị quyết Quốc hội Châu Âu kêu gọi “Các thành viên quốc gia Liên Âu, đặc biệt trước thềm Đại lội lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam, lên tiếng mạnh mẽ về hiện trạng nhân quyền tồi tệ tại Việt Nam; khuyến thỉnh Liên Âu và các quốc gia thành viên gia tăng nỗ lực quốc tế để thăng tiến sáng kiến chung với các đối tác cùng chí hướng, và đặc biệt với Tân Chính quyền Hoa Kỳ, để kết liên hành động cho sự thực hiện cụ thể việc tôn trọng nhân quyền tại Việt Nam”.

    Sau đây là một số phát biểu của các Dân biểu tại khoáng đại 21 tháng giêng trước khi Nghị quyết được thông qua do phóng viên Ỷ Lan ghi nhận.

    Hai năm trước, Quốc hội này thông qua Nghị quyết về vận mệnh của những tù nhân chính trị tại Việt Nam. Rồi gần một năm trước, Quốc hội Châu Âu Chuẩn y Hiệp định Thương mại Tự do Liên Âu – Việt Nam (EVFTA). Đứng trước những nghi ngờ như tôi, những người hậu thuẫn hiệp định khẳng định rằng EVFTA sẽ trợ giúp cải thiện nhân quyền cho toàn dân Việt Nam.


    Thế rồi từ đó, các cuộc đàn áp nối tiếp gia tăng. Chính sách thương mại và nhân quyền là hai yếu tố viễn ly chăng ? Nó không viễn ly cho trường hợp Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam. Ông ta bị bắt vài ngày sau khi gửi đến chúng ta cái nhìn phê phán tiến trình phê chuẩn EVFTA. Bị kết án 15 năm tù giam vì cái nhìn phê phán ấy – cùng với Nguyễn Tường Thuỵ và Lê Hữu Minh Tuấn. Dũng và hai người đồng nghiệp là trọng tâm yêu sách trả tự do vô điều kiện cho họ của chúng ta hôm nay. Phái đoàn Ủy ban Đối ngoại Liên Âu tại Hà Nội tiếp tục quan ngại cho hàng trăm bản án xử các nhà hoạt động ôn hoà, đồng thời nhận thức sự co hẹp không gian tự do ngôn luận, quyền biểu tình, quyền lập hội tại Việt Nam. Vì thế, Nghị quyết của chúng ta yêu sách trả tự do cho ba nhà báo và các nhà hoạt động nhân quyền, cải thiện điều kiện giam giữ tù nhân, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hiện nay, ban lệnh đình hoãn án tử hình, cũng như nhắc nhở nghĩa vụ Việt Nam đối với nhân dân họ, đối với Liên Âu và Cộng đồng thế giới.

    Liên Âu vừa mở vòng tay đến Việt Nam qua EVFTA làm rộng mở chân trời cho các nhà kinh doanh Việt Nam và Châu Âu. Nhưng chúng ta không thể nhắm mắt trước những vi phạm nhân quyền xẩy ra cho các đối tác kinh tế của chúng ta. Hôm nay chúng ta kêu gọi Nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do tức khắc cho ba nhà báo bị kết án cũng tất cả các nhà báo, bloggers, nhà hoạt động nhân quyền bị giam tù vì hành xử quyền tự do biểu đạt của họ.

    Năm ngoái, trong khi chúng ta kết thúc EVFTA, tổ chức Phóng viên Không Biên giới sắp Việt Nam vào hàng thứ 175 trong Danh sách các quốc gia tôn trọng Tự do Báo chí, đứng sau cả Syria. Lý do vì sao chúng ta thúc đẩy Việt Nam chấm dứt kiểm duyệt tuỳ tiện truyền thông, báo chí độc lập, và bãi bỏ các giới hạn trên các nguồn truyền thông trực tuyến.

    Chúng ta luôn luôn mong muốn hợp tác với Việt Nam nhằm giúp đỡ giới công nhân thoát khỏi nghèo đói và được hưởng mọi tự do. Cùng chung hợp tác làm cho chúng ta mạnh lên. Thế nhưng tình trạng nhân quyền Việt Nam ngày càng xấu. Phạm Chí Dũng bị bắt vì có quan điểm chống phê chuẩn sớm EVFTA, là điều không thể nào chấp nhận. Bị bắt như thế chẳng những vi phạm các quyền cơ bản của ông ta, mà còn nỗ lực đe doạ các nhà báo phê phán chính quyền. Bộ Luật Hình sự đã đuợc sửa đổi, nhưng sửa đổi sai hướng. Việt Nam phải hiểu rằng quan hệ giữa chúng ta đặt trên cơ sở cùng chung thoả thuận, cùng chung tham gia bảo vệ các quyền cơ bản và tự do. Qua Nghị quyết hôm nay, chúng ta gửi đi một thông điệp kiên quyết.

    Việt Nam đang nhanh chóng đổi mới kinh tế, nhưng cũng đồng thời vi phạm mọi lĩnh vực nhân quyền. Chúng ta đang nhìn thấy sự tăng cường đàn áp trên căn bản quyền dân sự và chính trị tại xứ sở này. Tự do báo chí bị truyền thông Nhà nước nghiến nát. Kiểm duyệt gia tăng, với Luật An ninh Mạng cho phép kiểm soát toàn bộ các nguồn truyền thông xã hội. Mọi phê phán chính quyền là hộ khẩu nhập tù. Phạm Chí Dũng báo động chúng ta những hứa hẹn hão huyền của Nhà cầm quyền Việt Nam cốt chiếm đoạt EVFTA của Liên Âu. Lẽ ra chúng ta phải nghe lời ông ấy. Nay Liên Âu phải sử dụng mọi công cụ để hậu thuẫn cho ba nhà báo này cùng với hàng trăm tù nhân khác chỉ vì họ hành xử theo lương tâm.

    Tăng trưởng kinh tế Việt Nam tuỳ thuộc vào EVFTA. Nếu Nhà cầm quyền Việt Nam chỉ hiểu được thứ ngôn ngữ kinh tế vì lợi quyền, thì chúng ta hãy dựng lại hàng rào quan thuế đối với Việt Nam.

    Việt Nam là nước mỹ miều, nhân dân kỳ diệu. Nói chung là thế, nhưng chúng ta không thể im lặng khi tình trạng nhân quyền tồi tệ. Nhà cầm quyền Việt Nam phải biết tôn trọng từng mẩu pháp lý, trên bình diện quốc gia cũng như quốc tế, liên quan tới bảo vệ và thăng tiến nhân quyền. Ba nhà báo bị tống giam chỉ vì họ ăn nói tự do. Tôi kêu gọi Liên Âu áp lực Việt Nam trả tự do tức khắc và không đều kiện cho họ.

    Tình trạng nhân quyền Việt Nam sa sút là điều hiển nhiên. Điều ai cũng biết. Đảng Cộng sản cầm quyền từ nhiều năm nhưng có bao giờ được tự do bầu cử đâu, và họ cứ bắt bớ cho bằng thích bất cứ ai phê phán vi phạm nhân quyền. Tôi hy vọng tất cả các chính đảng ở Liên Âu cùng nhau làm áp lực cho sự thay đổi tại Việt Nam và chính quyền của họ chịu liên hệ doanh thương đúng cách với Liên Âu.

    Nữ Dân biểu Maria Arena (Liên minh Xã hội & Dân chủ, Chủ tịch Phân ban Nhân quyền Quốc hội Châu Âu) phát biểu :

    Lời phát biểu của tôi không hướng tới Chế độ Cộng sản độc tài Việt Nam. Bởi vì tôi không tin họ muốn tôn trọng nhân quyền. Tôi muốn hướng lời phát biểu của tôi đến nền Dân chủ Châu Âu.

    Ngày 12 tháng 2 năm 2020, Quốc hội này phê chuẩn Hiệp định EVFTA Liên Âu Việt Nam. Dù rằng chúng ta có tất cả những báo cáo từ những năm 2018, 2019, 2020 của các tổ chức nhân quyền như Ân Xá Quốc tế, Human Rights Watch, v.v… tố cáo các tội ác và những vi phạm các quyền cơ bản của người dân Việt. Báo cáo viên Uỷ ban Thượng mại quốc tế Liên Âu (INTA), Ông Bourgeois nắm giữ các hồ sơ này, ông cũng đã từng đến Việt Nam hồi ông còn làm Bộ trưởng trong Chính phủ Vương quốc Bỉ. Ông phải biết các sự trạng này chứ. Thế mà ông chẳng hề lên tiếng đề cập vấn đề Nhân quyền. Cũng chính ông Báo cáo viên này còn ca hót rằng, nếu chúng ta nhận thấy những vi phạm nhân quyền trầm trọng và quy mô, chúng ta sẽ phải bỏ đi mọi ưu đãi thương mại cho Việt Nam. Vậy sao ? Nay tôi hướng tới ông Bourgeois và hướng tới Uỷ ban Liên Âu. Những vi phạm trầm trọng, vẫn còn hiện hữu đó, chúng đã hiện hữu và còn sẽ tiếp tục hiện hữu.

    EVFTA với Việt Nam là hiệp định đầy tham vọng của Liên Âu chưa từng ký với một quốc gia phát triển. Ngày chúng ta phê chuẩn hiệp định, chúng ta không chỉ trông chờ chuyện đôi bên cùng có lợi, mà còn mong mỏi cho cơ hội thăng tiến dân chủ và nhân quyền hiện ra. Nhưng tình trạng nhân quyền ngày nay tại Việt Nam không thể nào chấp nhận. Chúng ta yêu sách trả tự do tức khắc cho ba nhà báo và các tù nhân chính trị. Lúc này là lúc ra tay áp lực Việt Nam và sử dụng Hiệp định EVFTA như một diễn đàn hậu thuẫn xã hội dân sự. Khi chúng ta phê chuẩn EVFTA, chúng ta cũng từng kêu gọi Uỷ ban Châu Âu và Uỷ ban Đối ngoại Liên Âu nhanh chóng thực hiện tác động nhân quyền đã quy định trong hiệp định.

    Đây là cứu cánh của chủ nghĩa Cộng sản, luôn luôn như vậy. Việt Nam là ví dụ tiêu biểu nhất, vì chủ nghĩa Cộng sản là một ý thức hệ vi phạm tất cả luận lý và lẽ phải. Đã là Cộng sản thì phải bóp nghẹt tự do ngôn luận, vì tri thức cộng sản không thể chấp nhận tranh luận. Chúng ta đã thấy ba nhà báo bị kết án 15 năm tù, là điều không thể nào chấp nhận. Liên Âu phải mạnh mẽ bước tới chống kháng lối hành xử của Việt Nam. Chúng ta cũng phải quan tâm tới các công ty kỹ năng cao như Google hay Facebook đang hậu cho nỗ lực dẹp bỏ tự do ngôn luận của nhà cầm quyền Việt Nam.

    Cách đây một năm Liên Âu phê chuẩn Hiệp định EVFTA. Tuy nhiên, nhiều quan ngại tha thiết trên phương diện nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam có cam kết tôn trọng nhân quyền và luật lao động quốc tế hay không.

    Do đó, chúng tôi đã bổ sung vào hiệp định việc thiết lập các cơ chế giám sát và khiếu nại độc lập để công dân có thể tiếp cận hiệu quả với nơi cầu trợ. Các cơ chế này vẫn chưa được thực hiện. Chúng tôi kêu gọi Ủy ban Châu Âu và Nhà cầm quyền Việt Nam thiết lập ngay các cơ chế này. Đặc biệt chúng tôi cảm thấy xúc phạm việc Phạm Chí Dũng bị giam tù, vì đã liên hệ với các Dân biểu Quốc hội Châu Âu trong bối cảnh tự do trao đổi và đầu tư. Quốc hội Châu Âu kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do tức khắc cho ông Dũng, cũng như các nhà báo, nhà hoạt động nhân quyền khác đang bị cấm cố một cách bất công.

    Giống như người đồng viện xuất chúng của tôi, Maria Arena, tôi chẳng muốn ngỏ lời với độc tài toàn trị Việt Nam. Tôi muốn nói với Uỷ ban Châu Âu, người canh gác các Hiệp định. Thế thì các hiệp định nói gì ? Điều 21 Hiệp ước Liên Âu viết rất rõ ràng : « Hành động của Liên Âu trên trường quốc tế đặt trên những nguyên tắc trước khi thành lập, nhắm vào mục tiêu thăng tiến dân chủ, nhà nước pháp quyền, nhân quyền phổ quát và bất khả phân cùng các tự do cơ bản trong toàn thế giới.

    Vì vậy, thưa Bà Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu, xin hãy làm sao cho các nguyên tắc này được áp dụng và tôn trọng. Nếu không làm được, thì hãy vì lương thiện trí thức, mà thêm vào Hiệp ước một khoản, minh định rằng, các nguyên tắc trên sẽ huỷ bỏ, khi chúng làm đe doạ các thị trường, lợi tức, quyền lợi của Châu Âu.

    https://www.rfa.org/

    Không có nhận xét nào