Header Ads

  • Breaking News

    Shaw McHale - Chủ nghĩa Mác của người Việt bất đồng chính kiến và chính trị học về ký ức hậu thuộc địa .


    Trần Đức Thảo, 1946-1993

    Nguyễn Trung Kiên dịch

    Các chủ đề về chủ nghĩa dân tộc và cách mạng chiếm một vị trí quan trọng trong bộ môn nghiên cứu về châu Á sau năm 1945. Không ở đâu mà điều này rõ ràng hơn là ở Việt Nam: xét cho cùng, cuộc Kháng chiến chống Pháp (1946-54), sau đó là cuộc Kháng chiến chống Mỹ và đồng minh (1965-75), đã định hình lịch sử Việt Nam hiện đại. Trong thập niên 1950 nói riêng, các nhà nghiên cứu về Việt Nam đã phát triển một quan điểm trong đó những người cộng sản dân tộc ở miền Bắc đã củng cố quyền lực của họ, dù trải qua các cuộc khủng hoảng nhưng vẫn ngày một lớn mạnh. Quan điểm này có rõ ràng là có giá trị. Tuy nhiên, nó có thể khiến người quan sát cảm thấy rằng chủ nghĩa cộng sản Việt Nam rất vững chắc, được tôi luyện bởi nhiều năm đấu tranh, và chắc chắn chiến thắng. Ba đặc điểm này tràn ngập trong các công trình nghiên cứu. Đầu tiên, họ hạ thấp sự đa dạng trong thế giới quan của người Việt trong những thập 1940 và 1950. Thứ hai, họ thường không nhận thức được về về những điều ngẫu nhiên và sự tình cờ. Và thứ ba, người đọc ngày nay thường không nhận thức được rằng mối quan hệ giữa quá khứ và hiện tại lại sâu sắc đến như thế nào. Quá khứ đã và đang gây tranh cãi: cuộc tranh luận vào thập niên 1950, nơi các nhà chính trị cuối cùng đã chiến thắng trong một cuộc tranh luận mở, đã để lại những hồ sơ lịch sử đầy rời rạc và thiên vị. Hiện tại cũng có không ít vấn đề: mối quan tâm đương đại đã định hình lại ký ức và cấu trúc lại sự đánh giá về quá khứ của chúng ta.

    Bài tiểu luận này giải quyết mối thách thức về thập niên 1950 tại Việt Nam, bằng cách tập trung vào một người vốn đã không thành công trong việc phê phán Đảng Lao động Việt Nam: nhà triết học Trần Đức Thảo. Thảo là một trong những người Việt Nam xuất sắc nhất của thế hệ sau năm 1945. Ban đầu vốn bị cuốn hút bởi hiện tượng học Husserl khi còn là một sinh viên ở Pháp, cuối cùng ông đã chuyển sang chủ nghĩa Mác. Trong ngôi đền thiêng của các trí thức hậu thuộc địa, những suy ngẫm mang tính hiện tượng học rất ngắn gọn của Thảo về chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa dân tộc có thể so sánh với các tác phẩm của Frantz Fanon và Aimé Césaire. Các tác phẩm của ông về chủ nghĩa Mác phản ánh nỗ lực nghiên cứu sâu sắc nhất về chủ nghĩa này so với bất kỳ học giả Việt Nam nào trong thế kỷ XX. Sau khi trở về Việt Nam năm 1951, Thảo đã dám chỉ trích Đảng năm 1956 (trong thời gian được gọi là vụ Nhân Văn-Giai Phẩm), một hành động khiến Đảng buộc ông phải câm lặng tại Việt Nam gần ba thập niên sau đó. Ông sang Pháp để chữa bệnh, và qua đời tại đó vào năm 1993.

    Cái tên Nhân Văn-Giai Phẩm được hình thành hai ấn bản định kỳ, báo Nhân Văn và tạp chí Giai Phẩm, nơi xuất bản các bài tiểu luận, tác phẩm văn học và biếm họa nhằm phê phán sự lãnh đạo của Đảng từ năm 1956. Những chỉ trích này xuất phát từ sự lên án của cách trao một giải thưởng văn học và biến thành các phê phán đối với sự thiếu các quyền tự do dân chủ ở trong nước và trong Đảng. Trần Đức Thảo đã đóng góp hai bài viết chỉ trích Đảng trên báo Nhân Văn [và tạp chí Giai phẩm (ND)]. Phong trào này rõ ràng là tương đồng với phong trào Trăm hoa ở Trung Quốc; hay rộng hơn nữa, phong trào này có thể được coi là một phần của cuộc khủng hoảng trong thế giới cộng sản do cái chết của Stalin và sự lên án tình trạng sung bái cá nhân của Khruschev vào tháng 2 năm 1956. Trong khi một số văn nghệ sĩ Việt Nam tìm thấy cảm hứng từ sự bùng nổ chỉ trích ở Trung Quốc và Liên Xô, họ cũng phản ứng với sự bất ổn tràn lan, vốn đã phát triển tại Việt Nam từ năm 1954. Đảng Lao động [Việt Nam] đã đàn áp phong trào này bởi nó sợ hãi một dân chủ mà không có sự lãnh đạo vững chắc. Tuy nhiên, phong trào bất đồng chính kiến kéo dài đến năm 1958, cho đến khi Đảng giành lại quyền kiểm soát của mình thông qua một chiến dịch chống lại "chủ nghĩa xét lại". Vụ Nhân Văn-Giai Phẩm, mặc dù về mặt kỹ thuật đề cập đến những tranh cãi xung quanh trên hai ấn phẩm định kỳ [Nhân văn & Giai phẩm (ND)], dù sao cũng đã trở thành biểu tượng cho sự bất đồng chính kiến
    ​​nhằm phê phán chế độ nói chung vào giữa thập niên 1950.

    Các nhà nghiên cứu đã không đi đến thống nhất về mối quan hệ của vụ Nhân văn-Giai phẩm đối với các vấn đề lớn hơn về lịch sử của giới trí thức và lịch sử chính trị Việt Nam. Họ mô tả sự việc này như một sự kiện văn học, tập trung vào yêu cầu Đảng Lao động cho phép các nhà văn tự do suy nghĩ và xuất bản mà không cần kiểm duyệt nặng nề. Đối với một số nhà phân tích, vụ này là một bước ngoặt của giới trí thức, một thời gian trước khi hệ thống Nhà nước-Đảng đàn áp phong trào bất đồng chính kiến,
    ​​và do trên cơ sở đó định hình một đời sống trí thức Việt Nam bị đàn áp cho đến thập niên 1980 và cả sau đó. Những người khác, chẳng hạn như Bùi Tín, đã nói [thật đáng tiếc!] rằng vụ Nhân văn-Giai phẩm có ít tác động ra bên ngoài môi trường của trí thức. Georges Boudarel và Kim Ninh đã vượt qua sự khảo sát quá kỹ lưỡng về các sự kiện năm 1956 bằng cách khẳng định tầm quan trọng của chúng trong sự phát triển lâu của các phong trào bất đồng chính kiến sau này. Ví dụ, Boudarel lưu ý sự bất đồng chính kiến đó không chỉ bắt nguồn từ những trí thức bên lề mà còn trong các lực lượng vũ trang và cả trong Đảng (1991, 87-88). Và một học giả khác, Patricia Pelley, đã hoàn toàn phớt lờ vụ Nhân văn-Giai phẩm trong việc phác họa những bất đồng quan điểm mạnh mẽ xuất hiện trong các nghiên cứu về lịch sử của thập niên 1950. Do đó, cô ngầm chỉ trích ý kiến cho rằng năm 1956 là thời điểm mâu thuẫn duy nhất. Các học giả nói chung đã bỏ qua các bài phê phán Đảng trên bình diện chính trị [được biết đến] rộng rãi, do một số người tham gia chấp bút, trong đó có Trần Đức Thảo.

    Xem lại những tranh luận về giai đoạn này, tôi phát hiện ra ba điều. Đầu tiên, sự tập trung quá nhiều vào các sự kiện của năm 1956 đã che khuất hoàn cảnh [lịch sử] của một cuộc đối thoại trí tuệ kéo dài hơn hai thập kỷ. Trên thực tế, những lời kêu gọi tự do dân chủ là sản phẩm của các phê phán của những người cộng sản đối với chế độ thuộc địa trong thập niên 1930, và Việt Minh đã từng hứa hẹn sẽ tôn trọng tự do tư tưởng vào năm 1945. Thứ hai, phong trào Nhân văn-Giai phẩm, và vai trò của Trần Đức Thảo trong phong trào này, có thể được xem như một cuộc đụng độ với xu thế ủng hộ tính hiện đại. Các học giả chính [của phong trào] bao gồm Phan Khôi, Nguyễn Hữu Đang và Nguyễn Mạnh Tường đã phớt lờ, gạt ra ngoài lề hoặc tấn công các di sản "phong kiến" và "lạc hậu" trong quá khứ như Phật giáo và Nho giáo.

    Đồng thời, họ phác thảo một tầm nhìn hướng tới tương lai, trong đó tư duy khoa học và công nghệ được viện dẫn để định hình và biến đổi xã hội. Đảng Lao động đại diện cho một biến thể của tầm nhìn này, trong đó một nhà nước độc tài sử dụng toàn bộ quyền lực cưỡng chế của mình cho những mục đích như vậy. Cuộc đụng độ của các mô hình, về cơ bản là một cuộc đấu tranh ý thức hệ, đã xảy ra khi miền bắc Việt Nam vẫn còn tồn tại một không gian công, dù sự tồn tại này vẫn gây tranh cãi. Giải pháp của cuộc đụng độ này đã định hình quỹ đạo của đời sống của giới trí thức và và của nền chính trị Việt Nam trong những thập niên sau đó.

    Tuy nhiên, nếu bài tiểu luận này chỉ quan tâm đến cuộc đấu tranh hướng tới xu thế hiện đại và những giải pháp của nó, thì những phát hiện của bài tiều luận này có thể chỉ được quan tâm ở mức hạn chế. Vì vậy, bài tiểu luận này cũng đề cập đến vấn đề khá rắc rối về diễn tả quá khứ như thế nào. Khi vụ Nhân văn-Giai phẩm năm 1956 lùi xa hơn vào quá khứ, nó ngày càng, từ một sự kiện, trở thành một phép ẩn dụ và một ký ức (mượn cách diễn giải của Shahid Amin) (Amin 1995). Nội dung của nó đã trở nên biến đổi. Các tài liệu của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ sau năm 1956 mô tả đặc điểm của sự kiện này như âm mưu "phản cách mạng", nhưng lại tránh đi sâu vào các sự kiện. Các nhà văn Việt Nam ở nước ngoài thường áp đặt vấn đề chống cộng vào sự kiện này, như khi nhà phê bình văn học lưu vong Nguyễn Hưng Quốc tuyên bố rằng các tác giả tham gia Nhân Văn-Giai Phẩm nhằm mục đích "vạch trần mặt trái, mặt xuất xa, mặt độc tài độc tài của chủ nghĩa xã hội" (Nguyễn Hùng Quốc 1996, 151-52). Những bình luận như vậy thật khó hiểu, vì một số người tham gia chính trong phong trào này, như Đào Duy Anh, Trương Từu, Nguyễn Hữu Đăng, và Trần Đức Thảo, mặc dù chỉ trích Đảng nhưng lại ủng hộ chủ nghĩa xã hội. So với những người ngoài cuộc, họ chỉ khác nhau về mặt cảm xúc, và một số người cũng tấn công chủ nghĩa độc đoán và chủ nghĩa giáo điều.

    Trong cuộc bể dâu rộng lớn của lịch sử sau năm 1945, phong trào Nhân văn-Giai phẩm đã sống bên lề của nhận thức lịch sử của người Việt. Vụ việc bị lu mờ bởi các sự kiện như sự phân chia đất nước, sự trỗi dậy của nhà độc tài Ngô Đình Diệm ở miền Nam, và cuộc chiến tranh đang dần trở nên ác liệt. Tuy nhiên, hẹp hơn về phương diện chủ đề đối với các đề tài liên quan đến phong trào bất đồng chính kiến và lịch sử giới trí thức, phong trào này lại trở thành tâm điểm chú ý theo một cách đặc biệt nhất. Trong nhiều ý nghĩa, vụ Nhân văn – Giai phẩm tồn tại trong ý thức lịch sử Việt Nam chỉ như một phép ẩn dụ và một ký ức tách biệt với tính thực tế của sự kiện. Đối với một số người, đó là một âm mưu chống xã hội chủ nghĩa; đối với những người khác, đó là một ví dụ mẫu mực về sự đàn áp tự do của chủ nghĩa cộng sản. Bị chìm vào các câu chuyện bị ấn định trước [về nội dung], phong trào này đã đóng tròn vai mà nó được giao.

    Bài tiểu luận này sẽ giúp cho phong trào này thoát khỏi những câu chuyện bị ấn định trước như vậy, và quan sát nó từ hành trình trí tuệ của Trần Đức Thảo, [do đó nó] phải đối mặt với những mảnh ký ức và ẩn dụ như vậy. Không dễ để xác định sự thật chính xác về quá khứ này. Một khó khăn là, rất nhiều bản tự phê bình [của các nhân vật tham gia phong trào] xuất phát từ sự kiện này sẽ hình thành nên một cách nhìn nhận về lịch sử của phong trào: chế độ đã buộc hầu hết những người tham gia phải thú nhận với "hành vi sai trái" của họ. Làm thế nào chúng ta có thể sử dụng các văn bản như vậy, cũng như các bằng chứng lịch sử sau này của các sự kiện này dựa trên các bản tự phê bình đó? Thứ hai, những ký ức về phong trào đã được đưa vào in trong những năm gần đây. Tình trạng của những ký ức như vậy là gì, và chúng có đáng tin cậy hơn các văn bản tự phê bình kia không? Cuối cùng, bản thân Trần Đức Thảo đã đưa ra một số bình luận khó hiểu về vụ việc năm 1984. Chúng ta phải làm gì với những tuyên bố này, và cụ thể là có đúng là ông không đồng ý với những quan điểm được đưa ra vào năm 1956? Để tạo tiền đề cho việc giải quyết những câu hỏi như vậy, bài tiểu luận này hiện đang phác thảo những chi tiết ban đầu của cuộc đời Trần Đức Thảo, liên kết chúng, khi có liên quan, với những bước phát triển [của phong trào Nhân văn-Giai phẩm] ở Việt Nam.

    TRẦN ĐỨC THẢO VÀ VIỆT NAM: HÀNH TRÌNH CỦA MỘT CÁ NHÂN VÀ MỘT QUỐC GIA

    Trần Đức Thảo sinh năm 1917.(5) Ông học trường Pháp từ khi lên 5 tuổi, đỗ bằng tú tài năm 17 tuổi, và sau đó mới bắt đầu học để thành thạo chữ quốc ngữ.Sau một năm làm học tại Khoa Luật của Đại học Hà Nội, ông tới Pháp vào năm 1936. Ông học tại Trường Sư phạm phố Ulm nhận bằng Thạc sĩ Triết học vào năm 1943 với luận văn về nhà hiện tượng học Husserl.

    Thảo bắt đầu tham gia các hoạt động chính trị chống chủ nghĩa thuộc địa từ năm 1944. Từ tháng 10 đến tháng 12 năm 1945, chính quyền Pháp đã bỏ tù Thảo vì [ông trở thành] mối đe dọa "đối với an ninh của quốc gia Pháp". Trong cùng thời gian, Paris bắt đầu lưu ý đến chàng trí thức đầy triển vọng này, một chàng tuổi trẻ đến từ Việt Nam, vốn là sinh viên của Merleau-Ponty. Những nỗ lực khám phá hiện tượng học và chủ nghĩa Mác của Thảo bắt đầu được chú ý. Ông tham gia tạp chí Les Temps Moderns [Thời hiện đại] cùng với Sartre và Merleau-Ponty's, một tạp chí cực kỳ có ảnh hưởng tại Pháp sau chiến tranh. Năm 1948, Theo đã viết cho tạp chí này một bài báo về nhà triết học Pháp gốc Nga nổi tiếng, Alexandre Kojeve, trong đó ông chứng tỏ sự vượt trội của Marx so với Hegel. Cùng với những Việt kiều khác ở Pháp, như nhà thơ Phạm Huy Thông, Thảo vận động ủng hộ cách mạng Việt Nam. Ví dụ, ông đã viết các bài về chủ nghĩa thực dân và Đông Dương cho tờ Les Temps modernes. Howard Davies đã gọi Trần Đức Thảo là "thủ lĩnh" của phong trào chống lại chủ nghĩa thực dân của tờ tạp chí này, thậm chí cho rằng Albert Memmi và Frantz Fanon là "những người bắt chước Thảo nổi bật nhất". (Davies 1987, 19-20)

    Sự ủng hộ của Trần Đức Thảo dành cho các hoạt động chống chủ nghĩa thực dân là kết quả trực tiếp của các thay đổi quan trọng đang diễn ra tại Đông Dương vào thời điểm đó. Cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, qua đó Việt Minh tạm thời giành quyền lực từ Nhật Bản và Pháp vào cuối Thế chiến II, đánh dấu một bước ngoặt trong quan hệ Pháp-Việt. Cuộc nổi dậy này cũng là một bước ngoặt đối với nhiều trí thức: sau năm 1945, một nhóm thiểu số đáng kể trong số họ (bao gồm Trần Đức Thảo) bắt đầu suy nghĩ lại về sự gắn kết đầy đam mê của họ với tư tưởng phương Tây. Các nhà cách mạng như Hoài Thành, Nguyễn Đình Thị, Nguyễn Hữu Đăng, Trương Tửu và Đào Duy Anh kêu gọi một "nền văn hóa [Việt Nam] mới" không phải là con tin của nền văn hóa Pháp Pháp. Tuy vậy, kết quả ban đầu rất ấn tượng. Trương Tuu đã sớm phàn nàn về sự ít ỏi của các tác phẩm văn học giá trị (Truong Tuu, 1946). Đến năm 1949, Phạm Huy Thông, vốn đang cố gắng cứu vãn điều gì đó tích cực trong các thành tựu văn hóa sau chiến tranh, đã tôn vinh những đặc điểm, ví dụ như sự chân thành, của nền văn học mới (Phạm Huy Thông 1949, 24).

    Mặc dù có những bước đi sai lầm ban đầu, nhưng có lẽ không phải là cường điệu khi nói rằng những người trí thức đã "lột xác" chính họ trong giai đoạn này, khi họ đấu tranh để thể hiện một vai trò mới của mình trong một Việt Nam đang theo đuổi chủ nghĩa dân tộc một cách mãnh liệt. Lúc đầu, sự thay đổi này diễn ra dưới sự chỉ đạo của Đảng tương đối lỏng lẻo, nhưng từ năm 1948 hoặc 1949 trở đi, Đảng đã siết chặt hơn đời sống của giới trí thức. Lần đầu tiên, tư tưởng và thực tiễn Mao-ít bắt đầu có tác động nặng nề đến Việt Nam. Tại Đại hội Đảng lần thứ hai, diễn ra từ ngày ngày 11 đến 17 tháng 2 năm 1951, Đảng Lao động mới tuyên bố rằng "Kinh nghiệm của Việt Nam thực sự là một bằng chứng cho việc áp dụng hệ tư tưởng của Mao Trạch Đông" (Furuta 1992, 159). Những người cộng sản nổi tiếng như Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Hoàng Văn Hoan đã đẩy mạnh đường lối Mao-ít.

    Trong thời kỳ này, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã viện trợ rất nhiều cho Việt Minh. Sự viện trợ này bao gồm súng trường, một sư đoàn pháo binh và công binh, và một nhóm Cố vấn quân sự Trung Quốc - bao gồm các sĩ quan cao cấp vốn đã giúp Việt Minh lên kế hoạch cho tất cả các trận đánh lớn chống lại quân đội Pháp. Phim ảnh và xuất bản phẩm Trung Quốc tràn ngập, một lượng lớn sinh viên Việt Nam đến Trung Quốc và người Việt Nam thậm chí còn mặc áo đại cán kiểu Mao. Tại thời điểm này, người Pháp thậm chí còn thu thập các báo cáo không được chứng thực rằng các nhà cách mạng nổi tiếng như Trần Văn Giàu và Dương Bạch Mai đã bị nghi ngờ vì ngả theo khuynh hướng "Trotskyist", đã bị quản thúc, và thậm chí có thể bị đuổi ra khỏi Đảng.

    Sự tiếp tục của Kháng chiến và ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc đã giúp thay đổi đời sống của giới trí thức. Hai ví dụ sẽ minh họa những thay đổi từ những năm 1930 trở đi. Năm 1939, Xuân Diệu, một người mến mộ thơ Baudelaire, đã thách thức lời tuyên bố "văn học An Nam phải có một nhân vật An Nam" bằng cách hỏi lại: "Chúng ta có cần đóng tất cả các cảng biển, tuyệt đối cấm mọi liên lạc, đóng cửa toàn bộ đất nước?! Bảo tồn không có nghĩa là đi lang thang xung quanh một hồ nước tù đọng" (Xuan 1939, 9). Tuy nhiên, đến thập niên 1950, Xuân Diệu đã lột xác thành một nhà thơ của cách mạng, đầy tinh thần dân tộc chủ nghĩa, và đã bỏ lại chủ nghĩa lãng mạn hư vô của mình. Nhà phê bình văn học Hoài Thành trải qua một sự chuyển đổi tương tự. Năm 1942, ông và Hoài Chân có thể viết, trong một cuốn sách vẫn còn nổi tiếng ở Việt Nam, rằng "phương Tây ngày nay đã thâm nhập vào phần sâu nhất của tâm hồn chúng ta" (Hoài Thanh & Hoài Chân 1985, 11). Vào giữa những năm 1950, Hoài Thành đã phủ nhận con người thời trẻ của mình, một người từng tôn vinh cái tôi cá nhân, hướng về phương Tây và tôn vinh sự lãng mạn, và lột xác bản thân mình như thể là một con người bắt nguồn từ quần chúng. Cả Xuân Diệu và Hoài Thành, vốn từng trải qua những ảnh hưởng lãng mạn và đặc tích Pháp quá mức, nay đã tận tâm phục vụ "cách mạng", nhân dân và Đảng.

    Trần Đức Thảo đã không thể tham gia trực tiếp vào những biến đổi này, vì ông đã theo dõi các sự kiện đầy kịch tính ở Việt Nam từ nước ngoài. Tuy nhiên, vào năm 1951, ông phải đứng trước ngã tư đường để đưa ra lựa chọn, về trí tuệ và về mặt đời sống cá nhân. Một mặt, ông đã khẳng định danh tiếng của mình ở Pháp như là một nhà triết học mới mẻ, quan trọng và thú vị khi ông xuất bản tác phẩm nổi tiếng nhất của mình, Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng. Cuốn sách, trở nên khá nổi tiếng trong triết học châu Âu, cuối cùng đã được dịch sang tiếng Anh, tiếng Ý và tiếng Nhật. Nhưng đến cuối năm 1951, do không yên tâm khi chỉ ủng hộ Việt Nam từ xa, Thảo trở về tổ quốc để góp phần xây dựng một quốc gia cách mạng Việt Nam.

    Khi về đến Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Thảo đã chứng kiến một đất nước được thay đổi đáng kể so với các thập niên 1930 và 1940. Các truyền thống văn hóa và xã hội đã từng rất quan trọng, như Nho giáo và Phật giáo, dường như đã đột ngột mờ dần khỏi đời sống của đất nước. Nhà nước hậu thuộc địa hiện diện với quy mô lớn hơn nhiều trong cuộc sống của người dân so với nhà nước thuộc địa chỉ mới mười lăm năm trước. Các khái niệm của chủ nghĩa cộng sản thấm đẫm trong các diễn ngôn. Tất nhiên nên thận trọng khi kết luận rằng các lực lượng xã hội và các thế giới quan khác đã đơn giản biến mất; tuy nhiên, rõ ràng là Việt Minh đang xâm nhập vào các lĩnh vực văn hóa và chính trị.

    Trần Đức Thảo về đến miền Bắc [Việt Nam] ngay khi các trí thức bắt đầu tham gia vào các phong trào chỉnh huấn. Như Phong mô tả sự tham gia của trí thức vào các buổi tự phê bình như sau:

    Các nhà thơ Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên, và Tú Mơ, tất cả những người có tên tuổi đã được người dân Việt Nam biết đến trong mười hoặc thậm chí hai mươi năm, nhiệt tình hơn bất kỳ ai khác, sau khi hoàn thành khóa học chỉnh huấn tư tưởng của họ, trong việc phê bình tất cả tác phẩm mà họ đã sáng tác trước ngày vào Đảng. Tất cả những nhà thơ này đều tuyên bố một cách ồn ào rằng những bài thơ mà mọi người đã ca ngợi ngày xưa, thật ra, không khác gì những sản phẩm của một nền văn hóa suy đồi. (Như Phong Lê Văn Tiến) 1962, 78)

    Như Phong khẳng định rằng nhà nước đã xuất bản "hàng chục ngàn" bản tập hợp các lời tự phê bình của các nhà văn này, rồi phân phát chúng cho các cán bộ và những người khác để nghiên cứu (1962, 78). Thông qua kinh nghiệm tự phê bình, giới trí thức đã xoay sở để thu mình lại trong một ánh sáng mới. Tự coi mình là một phần của cuộc cách mạng, họ tuyên bố từ bỏ quá khứ thuộc địa cũ của chính mình.

    Trần Đức Thảo đã nhiệt tình tham gia quá trình chỉnh huấn và tự phê bình này. Ông tham gia lớp "chỉnh huấn" do nhà văn Tô Hoài lãnh đạo vào mùa đông 1951-19252, thời điểm người Việt Nam vừa mới áp dụng các thực hành tự phê bình kiểu Mao-ít trên phạm vi rộng. Lớp học của Hoài gồm có trí thức và nghệ sĩ gồm Phan Khôi, Tú Mỡ, Văn Cao, Nguyễn Công Hoan, và Trần Đức Thảo (Tô Hoài 1992, 111-12). Trần Đức Thảo, mới đến từ Pháp, đã từ bỏ trang phục phương Tây và háo hức mặc một bộ quần áo màu nâu trơn của nông dân. Ông nhận nhiệm vụ của mình một cách nghiêm túc:

    Thảo đem cho hết đồ Tây, Thảo mặc áo nâu, đi chân đất. Chúng tôi ngủ không màn, mặc dầu chúng tôi ở rừng đầu sông Lô, đêm đến muỗi nhiều như trấu. “Về muộn mà, tớ phải luyện tập gian khổ cho kịp với các cậu”. Trần Đức Thảo nói đứng đắn thế. Chẳng bao lâu, Thảo lăn đùng ra sốt rét xanh tái…” (Tô Hoài, 1992, 113).

    Câu chuyện này nhấn mạnh sự ngây thơ ban đầu của Trần Đức Thảo cùng với mong muốn chân thành để thoát khỏi thói quen tư sản phương Tây và đắm mình vào [cách mạng] Việt Nam. Sau khi hoàn thành khóa học chỉnh huấn, Trần Đức Thảo trở về công việc học thuật. Ông là một trí thức có tầm vóc lớn. Ông ngay lập tức bắt đầu xuất bản các bài báo về Việt Nam cho tạp chí lịch sử mới Văn-Sử-Địa và được cho là đã viết ít nhất một cuốn sách. Thảo, một giảng viên sáng lập của trường đại học quốc gia (thành lập năm 1956), trở thành Trưởng khoa Lịch sử.

    Nỗ lực theo đuổi trí tuệ của Thảo đã chỉ ra, một cách rộng hơn, cái cách mà Đảng Lao động đã cố gắng huy động giới trí thức để phục vụ nhà nước, đồng thời, phát triển một nền văn hóa hậu thuộc địa thực sự trong đó chủ nghĩa Mác đóng vai trò then chốt. Nỗ lực này đã tăng tốc sau năm 1954 ở miền Bắc khi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập các tổ chức nghiên cứu (như Viện Sử học) để viết lịch sử và dân tộc học tập trung vào Việt Nam mà không bị giam cầm trong nền học thuật thuộc địa Pháp. Bộ Văn hóa và Đảng Lao động khuyến khích các diễn ngôn và thực tiễn văn hóa mới vốn sẽ giúp xây dựng một nền văn hóa hậu thuộc địa: các phong trào văn học dựa trên ý thức hệ, sự tự phê bình, và sự vận động mạnh mẽ cho chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa trong văn học đều chứng minh cho mong muốn của Đảng để định hình lại các lĩnh vực văn hóa chính trị.

    Sau đó, trong giai đoạn 1954-56, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã bị kéo theo hai hướng. Một mặt, ảnh hưởng của Đảng ngày càng trở nên sâu sắc thông qua các chiến dịch cải cách ruộng đất, và sự phổ biến nói trên của các hoạt động chỉnh huấn và nghiên cứu ý thức hệ theo chủ nghĩa Mao-ít. Đảng cho rằng chỉ riêng giáo điều của chủ nghĩa Mác - Lênin là không đủ. Như một văn bản năm 1955 đã chỉ ra:

    Kết hợp nghiên cứu lý thuyết của Marx, Engels, Lenin và Stalin với nghiên cứu kinh nghiệm của quần chúng: đó là đường lối lãnh đạo của đồng chí Mao Trạch Đông. Đó là "sự thống nhất giữa những nguyên lý chung của chủ nghĩa Mác - Lênin với thực tiễn cụ thể của cách mạng Trung Quốc" mà đồng chí Mao Trạch Đông đã nói. (Trần Bá Đạt 1955, 71)

    Những tuyên bố như vậy ủng hộ kết luận rằng ảnh hưởng của chủ nghĩa Mao và quyền lực của Đảng lên đến đỉnh điểm trong giai đoạn này.

    Nhưng Trung ương Đảng có thực sự kiểm soát được? Mặc dù rất quan tâm đến chủ nghĩa Mao, và mặc dù chiến thắng thực dân Pháp vào năm 1954, người Việt Nam bắt đầu bày tỏ sự khó chịu và phản đối Đảng. Một bộ phận quan trọng của tầng lớp trí thức cấp tiến nhấn mạnh quyền và trách nhiệm của các cá nhân và quyền tự chủ của giới trí thức. Trong cuộc kháng chiến (1946-54), nhiều người Việt Nam đã chấp nhận đường lối Việt Minh. Như học giả yêu nước Phan Khôi đã lưu ý (với một số cường điệu), trong những năm kháng chiến, "dường như không có ai gặp rắc rối" bởi các chính sách văn hóa của đảng, cũng như "quần chúng" và lãnh đạo là một. Ông tuyên bố, điều này đã thay đổi sau năm 1954: những sai lầm trong cải cách ruộng đất đã gây ra sự bất đồng chính kiến ở tất cả các tầng lớp trong xã hội (1957, 9).

    Vào ngày 7 tháng 5 năm 1956, lần đầu tiên, các nhà lãnh đạo của Đảng thừa nhận rằng họ đã phạm sai lầm trong việc tiến hành cải cách ruộng đất. Theo người phụ trách quá trình này, những sai lầm này đã dẫn đến việc thanh trừng 3/4 các hạt nhân cộng sản ở nông thôn và xử bắn từ 15.000 đến 45.000 nghi phạm. Nhưng nếu giới lãnh đạo của Đảng bắt đầu chấp nhận một số trách nhiệm, Georges Boudarel đã mô tả các giải thích này là "sự chiến thắng của uyển ngữ, thiếu trung thực, và cuối cùng, trở nên vô nghĩa" (Boudarel 1991, 255). Đến tháng 7 năm 1956, Tướng Nguyễn Chí Thanh đã chú ý đến thắc mắc đáng lo ngại trong các đơn vị quân đội. Tướng Thanh nói rằng các đơn vị quân đội đã dân chủ hơn khi cho các sĩ quan và chiến sĩ của mình bày tỏ những thắc mắc của họ. Tuy nhiên, ông chỉ ra rằng không phải tất cả các đơn vị đều biết cách đối phó với những lời chỉ trích như vậy. Ông khẳng định dân chủ mà không kèm theo sự lãnh đạo vững chắc [của Đảng là không thể chấp nhận được (Nguyễn Chi Thanh 1970, 266-67). Cũng trong tháng 7 đó, Trần Đức Thảo đã tìm được người dịch tiếng Trung để dịch lại một bài báo đăng trên tờ tạp chí của một trường đại học của Trung Quốc: không ai khác, chính là bài báo của tác giả Lục Định Nhất, kêu gọi “trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng" ở Trung Quốc (Boudarel 1991, 239-40).

    Nhưng Trần Đức Thảo có dẫn dắt quá trình phê phán Đảng Lao động Việt Nam không? Boudarel đã nhấn mạnh rằng Nguyễn Mạnh Tường, Đào Duy Anh, Đặng Văn Ngữ, Phan Khôi, và Trần Đức Thảo, thường được xem là người cổ vũ cho sự bất đồng chính kiến của giới trí thức đối với Đảng, "không phải là người khởi xướng cũng không phải là người tổ chức" những lời phê bình như vậy. Họ đã theo chân các Đảng viên và tướng lĩnh đội quân đội, những người đã chỉ trích Đảng trước Đại hội Đảng lần thứ 20 ở Liên Xô (tháng 2 năm 1956) và trước khi phong trào Trăm hoa lan ra ngoài biên giới Trung Quốc năm 1956 (Boudarel 1991, 255). Điểm này cực kỳ quan trọng, như sau này Đảng Lao động Việt Nam đã kết luận, rằng rằng những trí thức "bất đồng chính kiến" đã không được ủng hộ rộng rãi. Theo cách này, Đảng đã dễ dàng hơn khi hướng đến giới trí thức như là đối tượng đàn áp của Đảng. Phiền toái đối với Trần Đức Thảo nảy sinh đầu tiên tại Đại học Hà Nội (nơi ông giảng dạy) sau khi ông đóng góp hai bài báo cho Nhân Văn [và tạp chí Giai phẩm (ND)]. Tuy nhiên, rất khó để tìm ra chính xác những gì đã xảy ra tiếp theo: một cuốn sách lịch sử chính thức của trường đại học quốc gia lướt qua giai đoạn 1956-58 và không đề cập đến Trần Đức Thảo. Cuốn sách này nói rằng, sau những “cuộc nổi loạn” ở Ba Lan và Hungary vào năm đó, "một nhóm phản cách mạng trong một thời gian dài đã che giấu mình trong các tổ chức Nhà nước đã tận dụng cơ hội để trỗi dậy”. "Nhưng Đảng và lãnh đạo đã tổ chức mọi người để "đập tan âm mưu", và đến năm 1958, đã giành được thắng lợi hoàn toàn” (Đinh Xuân Lâm 1991, 19-20). Trần Đức Thảo và những người cùng chí hướng với ông đã bị trục xuất khỏi hồ sơ lịch sử. Tên của ông chỉ được nhắc lại thông quan bản tự kiểm thảo của chính ông, theo sau là các cuộc tấn công gay gắt vào lời tự kiểm thảo này, cùng một lần tự kiểm thảo thứ hai, được xuất bản trên báo Nhân Dân. Tôi sẽ trở lại các tài liệu này ở phần sau.

    Nguồn: Shaw McHale (2002). “Vietnamese Marxism, Dissent, and the Politics of Postcolonial Memory: Tran Duc Thao, 1946-1993”. The Journal of Asian Studies, Vol. 61, No. 1 (Feb., 2002), pp. 7-31

    Đăng 10 hours ago bởi Rethinking Our Future

    https://rethinkingourfuture.blogspot.com

    Không có nhận xét nào